Võ Quang Nhân
Các bạn thân mến,
Đạo Phật đã hình thành và phát triển hơn 2500 năm, cho đến nay, tôn giáo này đã
đang được sự chú ý nghiên cứu ứng dụng của các nhà khoa học. Một trong những lý
do căn bản là vì đạo Phật đã có những nguyên lý phù hợp với lập luận và với
nhiều tôn chỉ khoa học. Nếu chỉ đứng phía bên ngoài, do số lượng kinh luận khổng
lồ, chỉ riêng một Phật tử tu học cả đời cũng không hết, huống chi một người
thường nếu không bỏ nhiều thì giờ tìm hiểu thì khó lòng rút ra hết được ý nghĩa
thực dụng từ các nguyên lý đó. Tuy nhiên, với nỗ lực kiên trì người làm khoa học
có thể tìm thấy nhiều điểm lý thú trong đó kể cả việc vận dụng các nguyên lý của
Phật giáo trong công tác nghiên cứu và phát triển.
Trong phạm vi bài viết này, LĐ xin chia sẻ với các bạn một vài kinh nghiệm rất
nhỏ đã được thực nghiệm thành công trong các lãnh vực thuần túy khoa học (tưởng
chừng không dính dáng gì đến Phật giáo) cũng như nêu lại một vài ý tưởng về "khoa
học Phật học". Nhiều ý tưởng liên quan đến Phật học và khoa học nêu ra trong bài
viết này được trích ly từ các bài giảng về Phật học của đức Đạt-lai Lạt-ma.
Lưu ý: Các bài viết có liên quan đến Phật giáo do tác giả
Làng Đậu khởi đăng trên Internet cho phép người đọc được tự do in lại hay phổ
biến nguyên văn mà không có sự cắt xén để tránh gây ngộ nhận hiểu sai khi câu
văn đã bị đưa khỏi ngữ cảnh. Chân thành cảm tạ.
Dẫn nhập:
Quán chiếu từ các lời dạy của Đức Thích-ca Mâu-ni
Có lẽ cách tiếp cận trực tiếp nhất là vào đề với lời dạy của
đức Phật: "Này các tỳ-kheo! Cũng như người khôn ngoan chỉ chấp nhận vàng sau
khi đã thử nghiệm bằng cách nung nóng, cắt gọt, và nén dập nó, những lời của ta
cũng vậy, chỉ được chấp nhận sau khi đã kiểm tra chúng, chứ không phải do sự tôn
kính (đối với ta).” [1]
Như vậy, rõ ràng có một sự tương đồng giữa việc học tập hay
nghiên cứu khoa học và việc tu học trong Phật giáo: Thái độ đúng đắn trước tiên
nên có ở đây phải bắt đầu từ sự rà soát, kiểm tra lại mức hợp lý của các nhận
định -- không phải tiếp nhận nó với một tư thế "tín tâm hoàn toàn". Như vậy, "giáo
điều" không phải là điều được tiếp nhận trong Phật giáo.
Mọi lý thuyết khoa học ngày nay từ toán học cho đến tâm lý
học và y học, đều phải dựa trên những nền tảng rất cơ bản hợp lý được nhiều
người chấp nhận rộng rãi. Cũng vậy, việc giảng dạy của nguyên lý quan trọng nhất
mà đức Phật truyền lại đó là nguyên lý "Tứ Diệu Đế"[2] cũng
dựa trên những tiền đề cơ bản đó là luật vô thường và thuyết duyên khởi.
Một cách rất sơ lược, thì luật vô thường cho rằng vạn vật (kể
cả thế giới tâm lý và vật chất) đều chuyển biến không ngừng nghĩ hể có sinh thì
có diệt. Điều này thì rõ ràng không ai có thể chối cãi trong thế giới vật lý từ
vi mô cho đến vĩ mô. Nó được mặc nhiên thừa nhận trong mọi lý thuyết khoa học.
Thuyết duyên
khởi.
Nội dung đơn giản đầu tiên trong thuyết duyên khởi
(pratītyasamutpāda) là: sự có mặt của tất cả mọi sự việc và hiện tượng trong vũ
trụ đều chỉ là kết quả của sự tương tác và hợp thành giữa nhiều nguyên do (nhân)
và điều kiện (duyên). Ở đây, cho đến nay tiền đề này vẫn nghiễm nhiên được chấp
nhận và sử dụng rộng rãi trong mọi ngành khoa học.
Hệ quả, trực tiếp của nội dung trên là việc phủ nhận các hiện
tượng hay sự việc tự nó tồn tại, hay tự nó sinh ra hay được tạo thành một cách
độc lập hay cô lập hoàn toàn mà không phụ thuộc vào các nguyên nhân hay điều
kiện khác. Như vậy điều này gián tiếp phủ nhận sự tồn tại của một đấng sáng thế
có mặt mà không có nguyên do.
Mô hình cấu trúc vũ trụ theo lý thuyết M với 11 chiều (trái)
và Mô hình vũ trụ bong bóng (phải). Mỗi vũ trụ được mô tả tựa như một "bong bóng"
trong bể nước sôi. Nhiều vũ trụ có thể đồng thời hình thành, một số bị sụp đổ,
số khác trương nở và hình thành các tinh hà, ngôi sao ... như vũ trụ mà ta đang
có. (Ảnh: Đại học Cambridge).[3]
Các mô hình này không mâu thuẫn với Phật giáo.
Hệ quả thứ nhì thấy được từ kết luận trên là dòng sinh diệt
liên tục (continuum) của mọi sự vật hiện tượng đều không thể có sự khởi đầu và
không thể có sự kết thúc. Như vậy, nếu một lý thuyết nào đó cho rằng có đúng một
sự khởi đầu (như là sự khởi đầu của vũ trụ) thì chắc chắn thuyết đó mâu thuẫn
với Phật học. Vậy thì ta sẽ so sánh thế nào với một với lý thuyết cho rằng toàn
thể vũ trụ khởi sinh từ một vụ nổ lớn? Tức là cái có sinh diệt bắt đầu từ ...
không có gì hết ở thời điểm gốc 0. Tuy nhiên, đến nay chưa ai có thể kiểm định
được "thời điểm tự khởi" của vũ trụ theo các lý thuyết kiểu này. Ngược lại, nếu
chấp nhận có thể có nhiều hơn một vụ nổ lớn (tức là có thời điểm trước khi vũ
trụ này hình thành) như nhiều lý thuyết vật lý hiện nay đang phát triển thì tình
hình khác hẳn, điều này sẽ không còn có mâu thuẫn với Phật giáo.[4]
Một bước tiếp, khi áp dụng lập luận của thuyết duyên khởi và
luật vô thường ở mức độ vi tế của vật chất thì mọi sự vật và hiện tượng thay đổi
liên tục trong từng đơn vị nhỏ nhất của thời gian. Điều này, cho đến nay không
hề mâu thuẫn gì với lý thuyết vật lý ở mức vi mô. Tiếp đó, theo định nghĩa về
tính không của đại sư Long thọ:[5]
"Sự vật nào có nguồn gốc phụ thuộc, tôi gọi là không"
Với định nghĩa về tính không này cùng với tính chất thay đổi
liên tục của vật chất trong mức vi tế trong từng thời điểm, cho thấy rằng người
ta không thể xác định được "đối tượng tĩnh thực sự" của nhận thức (hay còn gọi
là sự thiếu vắng của đối tượng nhận thức). Sự thiếu vắng này rất tương tự với
"nguyên lý bất định" đã được phát biểu bởi nhà vật lý Werner K. Heisenberg
(1901-1976 -- Nobel Vật lý 1932, người được xem là một trong những cha đẻ của
Vật lý Lượng tử).
Như vậy với vài điểm cứu xét trên, ta có thể thấy rằng cùng
với các lập luận chặt chẽ và thiền định mà Phật giáo "tìm ra" được nhiều đặc
tính của thế giới vật chất mà không cần đến các dụng cụ đo đạc. Đây cũng chỉ là
những kết luận rất "bề mặt" có thể xem như là các "ứng dụng" sơ khởi từ các giáo
Pháp của đạo Phật.
Xét sâu hơn một tí về mặt lập luận, đức Phật còn đưa ra nhiều
nguyên lý khác. Để minh hoạ, xin trình ra đây vài nguyên lý lớn và xem nó như là
công cụ hay phương pháp để tìm hiểu phán đoán sự việc (Ở đây là giáo Pháp).
Nguyên lý "Tứ Pháp Y"
Nhằm giúp một hành giả có thể tu học giáo Pháp được đúng đắn
không bị che mờ hay lầm lẫn bởi cách dụng văn hay lời giảng, người viết văn hay
bởi ý nghĩa từ câu viết, bài viết hay phát biểu. Đức Phật đã đưa ra 4 hướng dẫn
liên hệ nhau gọi là "Tứ Pháp Y" có thể tìm thấy trong Kinh Duy Ma Cật và Kinh
Đại Bát Niết Bàn bao gồm:
§
Y pháp bất y nhân: Là tin theo
giáo pháp chứ không tin y theo người giảng Pháp, cho dù người đó có danh tiếng,
địa vị cao, nếu nói pháp không đúng cũng không nên tin theo. Dù người nói pháp
đúng nhưng không có địa vị cao, không có danh tiếng thì nên tin theo. Như vậy
điều này loại trừ lòng tin kiểu "thành kiến" hay "mù quáng". Tin vào người giảng
mà không dựa trên một cơ sở nền tảng.
§
Y nghĩa bất y ngữ:
Ngữ là lời nói, nghĩa là cái ý. Như thế, trong một kinh văn điều quan trọng là
nắm được ý của người viết không nên câu nệ vào lời nói giọng văn. Điều này giúp
loại ra được chủ nghĩa hình thức. Tức là, việc học tập/nghiên cứu nên chú trọng
vào nội dung, và chức năng mà người trình bày bao hàm, tránh sa đà vào cách
trình bày hay hình thức mà qua đó ý tưởng được phô bày hay ẩn ý.
§
Y trí bất y thức: Thức là các
giác quan hay cơ sở nhận thức thông qua tai mắt, mũi, lưỡi, thân thể và ý tưởng.
Trí là tri thức tuyệt đối (tuệ giác). Như vậy, xét cụ thể hơn ra, qua các cơ
quan hay cơ sở của nhận thức thì vẫn còn phải chịu ảnh hưởng bởi điều kiện và
kinh nghiệm của từng cá nhân làm chủ thể của nhận thức nên vẫn có thể sai biệt
với thực chất của tri thức tối hậu. (Chẳng hạn như mắt người chỉ có thể nhận
thấy được một khoảng phổ rất nhỏ ánh sáng phản xạ lại từ đối tượng vật chất và
do đó nhận thức chỉ về khía cạnh này thôi cũng đã có thể bị sai biệt hay khiếm
khuyết). Lời giảng này cho thấy người học hỏi cần ý thức để loại bỏ những "biểu
kiến" hay nhận thức có thể bị ảnh hưởng bởi các thức gây ra.
§
Y liễu nghĩa bất y bất liễu nghĩa:
Theo cách Phân định của Phật thì vì tùy theo trình độ hiểu
biết và điều kiện (duyên) của đối tượng mà một thuyết giảng có thể mang ý nghĩa
rốt ráo (liễu nghĩa) hay có tính tương đối (bất liễu nghĩa). Như vậy, đứng về
mặt người học hỏi, một người cần phải phân tích xem ý nghĩa được giảng nằm trong
phạm vi như thế nào, trong điều kiện môi trường và trình độ nào, đối tượng nào,
góc độ nào để có thể hiểu được sự kiện được giảng. Có vậy để tránh được sự hiểu
không rõ hay không chuẩn xác.
Chúng ta hoàn toàn có thể mượn các nguyên lý trên vào trong
việc học hỏi và nghiên cứu khoa học. Qua đó, người đọc và phân tích một cách
khách quan về một tài liệu, bài giảng, hay một lý thuyết để thấy được đâu là ý
tưởng đúng đắn đâu là nhận định từ do cá nhân người viết và những lập luận đó
đúng hay sai trong những điều kiện gì, môi trường nào.
Bốn Nguyên lý trong lập luận
Ngoài ra, các công cụ lập luận thường thấy trong Phật giáo
được dùng để chứng minh và phản bác cũng tìm thấy trong khoa học (nhất là khoa
toán logic). Đa số các lập luận được dùng trong Phật học là để nhận chân các lời
giảng, các biện minh, các luận điểm đâu là lý lẽ tuyệt đối đâu là tương đối và
đâu ... không phải là Phật giáo. Đa số các lập luận dùng hai phương pháp cơ bản
là Biện Minh Suy Diễn (trong đó, Tam Đoạn luận rất thường được dùng) và Biện
Minh Phản Chứng (mà thường thấy nhất là lối Quy Mậu biện chứng).[6] Ngoài
ra, đôi khi các lập luận khoa học còn "nghiễm nhiên" sử dụng các phương pháp
khác mà Phật giáo đã nêu rất rõ trong các nguyên lý của mình.
Trong chủ đề này, chỉ nêu lại 4 nguyên lý của lập luận có thể
áp dụng:
§
Nguyên lý về bản chất:
Sự thật là có các sự vật tồn tại, và rằng các nguyên nhân dẫn tới các hậu quả.
Ta hầu như có thể nói rằng, nguyên lý này ngụ ý một sự chấp nhận các quy luật tự
nhiên. Thí dụ: Bản chất của lửa là sự toả nhiệt và bản chất của nước là tính
chất lưu chuyển.
§
Nguyên lý về năng lực (hay còn gọi là nguyên lý thành tựu
công năng): Nguyên lý này đề cập đến cách thức
mà các sự vật có khả năng tạo ra những kết quả nào đó tùy theo bản chất của
chúng. Như lửa gây cháy, hoặc nước gây ướt. Nguyên lý này cũng gắn liền với sự
phụ thuộc của bất kỳ loại hiện tượng nào vào chính các thành phần và thuộc tính
của nó, hoặc phụ thuộc vào các thực thể khác. Nguyên lý về năng lực gắn liền với
hiệu quả nguyên nhân của một hiện tượng cụ thể, chẳng hạn như khả năng của một
hạt bắp tạo ra một thân cây bắp.
§
Nguyên lí về duyên khởi (hay còn gọi là nguyên lý phụ thuộc): Có một sự phụ thuộc tự nhiên giữa
các sự vật và hiện tượng, giữa các nguyên nhân và kết quả. Mọi kết quả đều phụ
thuộc vào nhân duyên của nó. Nguyên lý này cho thấy sự phụ thuộc của các hiện
tượng kết hợp vào các nguyên nhân của chúng, chẳng hạn như sự phụ thuộc của nhãn
thức vào thần kinh thị giác.
§
Nguyên lý chứng minh hợp lý:
Dựa vào điều này thì điều kia chắc chắn phải như thế; và dựa vào điều kia thì
điều này hẳn phải là như vậy (Nguyên lý này bao hàm các phương pháp lập luận
lô-gíc như đã nêu trên). Nguyên lý chứng minh hợp lý bao gồm ba phương thức để
người ta xác nhận sự tồn tại của bất kì điều gì - đó là: trực tiếp nhận thức,
suy đoán/suy luận chắc chắn, và tri thức dựa vào sự xác nhận. Riêng bộ phận phân
tích suy đoán dựa vào sự xác nhận có thể bị nhiều phản bác từ phía người làm
nghiên cứu khoa học và điều này cũng sẽ được bàn thảo sâu hơn về những liên hệ
tới bản thân khoa học hiện đại trong phần sau.
Theo nhận định của đức Đạt-lai Lạt-ma thì: "Tôi thấy rằng,
cách nghiên cứu theo khoa học [đặc biệt là khoa học tự nhiên] phần lớn dựa vào
ba cách chứng minh: (1) chứng minh bằng cách chú ý đến thể tính mà qua đó, những
đặc tính cơ bản của đối tượng được nghiên cứu; (2) chứng minh qua sự chú ý đến
thành tựu công năng, đặc biệt là nghiên cứu xem đối tượng có thể mang đến hiệu
quả nào với những đặc tính cơ bản sẵn có; và (3) chứng minh bằng cách chú ý đến
những mối quan hệ duyên khởi và ở đây, những nhân tố hình thành đối tượng được
tìm hiểu. Chúng được xem như những phương pháp nghiên cứu cơ bản của khoa học.
Và nếu như vậy thì tất cả sáu phương pháp nghiên cứu được nêu ra đã dung hàm
được cả hai, nghiên cứu khoa học cũng như nghiên cứu tâm đạo"[7]
Tri thức,
Tri thức dựa vào sự xác nhận,
Lòng tin trong Phật học và trong Khoa học.
Như có nhắc trong phần 3. Một cách
phân chia trong Phật giáo về nhận thức thành ba loại dựa trên mức độ "khả kiến"
của đối tượng là:
§
Nhận thức trực tiếp: Loại nhận thức này có thể kiểm nghiệm
ngay lập tức bằng các giác quan và có thể được chứng minh/chứng nghiệm mà không
cần thêm bất kì một công cụ hay suy diễn nào. Chẳng hạn như sự hiện hữu của 1
con voi trong gian phòng -- Tất nhiên, người ta có thể khẳng định hay phủ nhận
trực tiếp sự kiện này mà không cần phán đoán hay bất kì công cụ nào. Tuy nhiên,
xa hơn một tí có những sự việc tồn tại, nhưng chỉ vì nhận thức loại này không
thấy được nhưng không có nghĩa là chúng không tồn tại. Chẳng hạn sự hiện hữu của
một con vi trùng trong phòng. Không phải vì mắt ta không thấy mà nó không hiện
hữu. Một thí dụ thứ ba về việc này, nhận thức về sự hiện hữu của chiếc xe hơi
chạy bên ngoài gian phòng. Vấn đề ở chỗ tuy ta không thấy trực tiếp nhưng "dấu
vết" bản chất trực tiếp của chiếc xe hơi vẫn có thể cho phép ta nhận định chính
xác là nó hiện hữu thông qua các đặc tính, chẳng hạn như tiếng kèn xe và tiếng
máy nổ thực sự đặc trưng khiến người trong phòng qua thính giác không thể bị
nhầm lẫn với các đối tượng vật chất khác. Trong thí dụ này thì âm thanh trực
tiếp phát ra từ xa đóng vai trò chính cho sự nhận thức.
§
Nhận thức qua suy đoán hợp lý nhưng
không trực tiếp: Loại nhận thức này khó thể có được đối với một người
nếu người đó không dùng đến các "công cụ" suy luận lô-gíc chặt chẽ hay các công
cụ thực nghiệm đáng tin cậy. Hiện tượng này được xem như là “hiện tượng thiếu rõ
ràng hơi khó nhận biết” nhưng vẫn có thể đạt tới qua sự truy cứu chặt chẽ. Như
trong thí dụ bên trên thì con vi trùng có thể được nhận ra thông qua kính hiển
vi. Dĩ nhiên điều cần chú ý ở đây là công cụ gián tiếp này phải là công cụ đáng
tin cậy (ở đây là kính hiển vi). Hầu hết các lý thuyết khoa học đều dựa trên
phương pháp này. Một khi "công cụ" không đầy đủ hay chính xác thì lý thuyết đó
cũng có thể do khiếm khuyết của "công cụ" mà dẫn đến sai sót ít nhiều hay toàn
bộ. Cơ học Newton là một điển hình của nhận thức loại này. Sự chấp nhận nghiễm
nhiên về tính độc lập giữa không gian và thời gian[8] đã là một "công cụ" mà các nhà vật lý cổ điển dựa trên
đó để hình thành hệ thống vật lý cổ điển. Thuộc tính này không chính xác đã dẫn
đến nhiều điểm thiếu chính xác trong vật lý cổ điển. Đối với các hành giả thiền
định thì tính không là loại tri thức thuộc loại này.
§
Nhận thức qua sự xác quyết của người
khác: Dạng thứ ba của hiện tượng là các "hiện tượng cực kì
bí ẩn", vượt quá tầm của nhận thức trực tiếp và suy luận logic thông thường. Nói
chung chúng chỉ có thể được xác lập dựa trên sự xác quyết của người khác (hay sự
khả tín của kinh điển). Về mặt khách quan, với cùng một sự kiện, đối với người
thứ nhất là cực kì bí ẩn thì đối với người thứ nhì có khi chỉ là sự kiện suy
luận nhận thức được và đồng thời đối với một người thứ ba lại có thể là trực
tiếp nhận thức. Chẳng hạn như, đối với người mù bẩm sinh thì việc thấy màu xanh
của lá cây là "cực kì bí ẩn" nhưng lại là trực tiếp đối với người thường. Ngược
lại, các "màu sắc" hồng ngoại do sự vật phát ra trong đêm thì có thể là loại cần
có "suy đoán", nhưng sẽ chẳng cần suy tư gì đối với một số loài vật.
Tuy vậy, điều này lại có thể bị phê phán bởi các nhà khoa học vì tính "chủ quan"
của nó. Nhưng nếu khảo sát ngược lại, ngay chính bản thân khối lượng tri thức
khổng lồ của khoa học ngày nay cũng được từng cá nhân, với ít nhiều lý do chủ
hay khách quan khác nhau, đã tiếp nhận mà rất ít khi chúng được trực tiếp kiểm
tra rà soát lại về độ tin cậy, nhất là khi các kiến thức đó được cung cấp từ các
học giả các giáo sư có uy tín. Việc tiếp thu các nhận thức "bí ẩn" kiểu này đúng
ra đã được dùng rất phổ biến trong giới đồng nghiệp của những người làm khoa học
chủ yếu là dựa trên lòng tin. Ngay cả các lý thuyết vật lý được dựng lên thì
lòng tin vào nó cũng thường là dựa vào sự phán quyết của các "cha đẻ" ra lý
thuyết đó. Nó sẽ được xem là nhận thức đúng đắn cho đến khi người nào đó tìm
thấy nó là sai với thực tế.
Ngược lại, từ phía Phật giáo, rõ ràng nếu đứng ở khả năng hay trình độ "chứng
nghiệm" chưa đầy đủ hay chưa chín mùi thì một cá nhân không thể nào (đúng hơn là
chưa đủ năng lực hay trí huệ về mặt nhận thức hay chứng ngộ) tự mình rà kiểm lại
những gì mà người khác đã chứng ngộ truyền giảng cho. Lòng tin đối với vị thầy ở
đây đóng vai trò như một "công cụ" khả tín. Thực vậy, không có lý do gì một
người thầy chưa từng "nói sai" với mình trong khi truyền thụ những kiến thức mà
mình có thể tự kiểm nghiệm lấy lại chủ ý hay lừa dối để cung ứng cho mình một sự
hiểu biết sai lạc khác. Chưa kể, giới hạnh Phật giáo không cho phép bất kì Phật
tử nào (kể cả chính đức Phật) dối gạt.[9] Ngoài
ra, đức Phật cũng lên án việc tu học mù quáng cho thấy rõ chủ trương của Ngài
(Xin xem lại Phát biểu của đức Phật trong phần dẫn nhập). Đồng thời, tôn chỉ tối
cao của đạo Phật là trừ khử vô minh tức là loại bỏ những tri kiến nhận thức sai
lầm hay không chính xác về thế giới thực tại ra khỏi tâm thức của cá nhân. Do
vậy, xin bàn thêm, việc tìm ra một vị thầy khả tín và khế hợp với căn cơ người
tu học đóng vai trò vô cùng quan trọng trong Phật giáo. Hy vọng người làm khoa
học cũng có thể rút ra các bài học gần tương tự.
Như thế, ta thấy uy tín của người phát biểu nhận thức trong khoa học và trong
Phật học không quá khác biệt.
Vượt khỏi lí luận,
Thực Nghiệm Khoa học,
Thực nghiệm chứng ngộ.
Trong khoa học, nếu như chỉ cần có một bằng chứng thực nghiệm
(có tính vật chất khách quan) xác đáng cho thấy tính không khế hợp của một lý
thuyết thì lập tức lý thuyết đó có thể bị xem như đào thải, hay ít nhất không
còn được xem là chính xác đầy đủ. Như vậy, đối với khoa học thì thực nghiệm là
một phương tiện kiểm nghiệm lại sự đúng đắn của lý thuyết. Phật giáo, về phía
mình, việc tự thân hành giả chứng ngộ và trực tiếp đạt tới những tri kiến chân
thật (tuệ giác) là mục tiêu tối hậu. Và do đó, một khi hành giả đã tự mình đủ
khả năng xác quyết được các nhận thức (tri kiến) chân thực thì tất cả mọi giáo
pháp được tu học trước đó đều có thể bỏ qua hay xem là thứ yếu. Lý luận giáo
pháp chỉ là phương tiện để hành giả đạt tới chứng nghiệm tối hậu từ thực nghiệm.[9] Như
vậy vai trò của thực nghiệm (có tính tâm lý chủ thể) trong Phật học xét ra có ý
nghĩa sâu và rộng hơn cả trong khoa học.
Việc trình bày lại những điều rất cơ bản trên không phải để
thuyết phục người đọc tin theo Phật giáo mà là để có một cái nhìn khách quan xem
đức Phật đã xây dựng hệ thống giáo lý Phật giáo có dựa trên những điều mà chính
Ngài đã chỉ dạy một cách nhất quán cho các đệ tử và có một nền tảng suy luận
vững chắc hay không để từ đó rút ra được các "ứng dụng" cho riêng mình. Ngoài
ra, trong lúc giáo hoá, đức Phật còn phải tùy theo căn cơ điều kiện của người
nghe để đưa ra các lời thuyết thích hợp và do đó có thể tạo ra tình trạng các
lời giảng trở nên khó hiểu hay trong một số trường hợp gần như mâu thuẫn. Điều
này được giải thích từ tính thực dụng của giáo Pháp. Một lý thuyết quá cao siêu
không phù hợp với một cá nhân thì dù có cố gắng chỉ giáo thì cũng hoàn toàn
không có ích lợi.[10] Bàn
thêm về việc này sẽ vượt quá nội dung bài viết.
Các thí dụ vận dụng nguyên lý phụ
thuộc vào nghiên cứu thiết kế
Phần tiếp theo sẽ là hai thí dụ cho ứng dụng thực tiễn. Hai
ứng dụng này sử dụng đến đặc tính phụ thuộc nhau trong nguyên lý Duyên Khởi do
tác giả bài viết thử nghiệm và đề xuất.
Giảm nhiệt cho ngôi nhà
Ở các tiểu bang miền Nam Hoa kì như là Texas, Arizona, hay New Mexico vào mùa hè
từ tháng 5 đến tháng 10 nhiệt độ ban ngày trở nên rất nóng, có khi lên đến
110°F. Nhiều ngôi nhà thông thường ở đây có nhà xe và gác xép đính liền với nhà
chính (thường thì gác xép sẽ ít khi được tận dụng mà chỉ để như 1 khoảng "đệm"
không khí). Nhà xe và gác xép vào ban ngày thường có nhiệt độ nóng hơn nhiệt độ
bên ngoài nhiều, có khi cao hơn từ 15 - 30°F. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến
việc điều hoà không khí (tiêu tốn điện năng) bên trong ngôi nhà (tuỳ theo chất
lượng của vật liệu cách nhiệt giữa các bức tường và trần nhà với các gian
phòng).[11]
Câu hỏi đặt ra là tại sao?
Phân tích lý do: Nhà xe là nơi gần như cô lập với gian nhà
bên trong và không khí bên ngoài (chỉ thông khí khi có người mở các cửa -- cũng
chính lúc mở cửa như vầy thì nhiệt từ nhà xe lại tràn vào bên trong nhà). Mặt
khác, gác xép tuy có một số các ống thông khói (nhằm chống gió bão) nhưng vì
không có sự thông thoáng nên không khí trong gian này cũng không được lưu chuyển
và do đó, tương tự như nhà xe, gác xép trở nên nóng hơn rất nhiều.
Do các bề mặt tiếp xúc lớn giữa gác xép và nhà xe với nhà
chính (ngăn bởi bức tường và trần nhà) và do nhiệt độ ở hai nơi này cao hơn
nhiều nên chắc chắn ảnh hưởng tới việc tiêu thụ điện năng cho máy điều hoà không
khí bên trong nhà.
Như vậy, nếu đứng trên quan điểm phụ thuộc thì các gian phòng,
cấu trúc cả ngôi nhà phụ thuộc vào nhau. Nhìn rộng hơn nữa môi trường không khí
bên ngoài và bên trên nóc nhà cũng tạo duyên cho nhiệt độ bên trong ngôi nhà.
Như vậy, nếu cố gắng áp dụng nguyên lý phụ thuộc này sẽ có thể giải quyết được
vấn đề.
Hình 1: Sự cô lập tạo nên nhiệt độ
cao bất thường cho nhà xe và gác xép
Nguyên do chính là sự cô lập không gian của cả nhà xe lẫn gác
xép. Nếu "hạ" được nhiệt độ hai nơi này xuống ngang bằng hay gần ngang bằng với
nhiệt độ không khí lưu chuyển bên ngoài cũng đã là một bước lớn. Như vậy làm thế
nào để "bẽ gãy" sự cô lập giữa hai không gian (gác xép và nhà xe) cũng như giữa
hai không gian này với không khí lưu chuyển bên ngoài thì mọi việc sẽ coi như
được giải quyết.
Phân tích đơn giản trên đưa đến lời giải đáp cũng tương đối
đơn giản như hiệu quả. Một thử nghiệm nhỏ được tiến hành như sau:
Mở cao cửa nhà xe lên chừng 40 cm, mở hẳn cửa nối từ gác xép
xuống nhà xe (qua 1 cái thang). Kết quả thật bất ngờ: Do sự chênh lệch vận tốc
không khí giữa các ống thông gió trên nóc nhà và không khí bên ngoài của nhà xe,
1 luồng không khí mát hơn nhiều đã đẩy từ nhà xe thông ngược trở lên gác xép và
đi khỏi các ống thông gió. Chỉ trong 10 phút nhiệt độ của cả nhà xe lẫn gác xép
giảm xuống rất nhiều gần như tương đương với nhiệt độ bên ngoài.
Như vậy để giải quyết thì đề án khắc phục đơn giản nhất là:
Trổ ra các "cửa thông gió" nhỏ giữa đặt trên cửa lớn của nhà xe và bên ngoài
đồng thời mở thêm cửa thông gió từ nhà xe lên gác xép. Các cửa này là loại cửa
kéo có thể đóng kín lại khi cần thiết. (xem hình 2).
Hình 2: Nguyên lý phụ thuộc được áp dụng để giảm trừ nhiệt độ
cao giả tạo
Nguyên lý "Mật Khẩu Động"
Trở lại một bài viết trước đây có tựa đề "Tương Tự Hoá và
Cưỡng Bức Tương tự Hoá", người viết bài này đã cung ứng một thí dụ thay cho kết
luận. Xin trích dẫn lại như sau:
Trong những năm cuối cuả thập niên 90, khi Internet trở nên
phổ biến thì các hiện tượng tiêu cực lợi dụng chỗ hở cuả Internet và các Hệ Điều
hành đã xãy ra: Đó là việc ăn cắp tên và mật khẩu của các thành viên trong một
hệ thống mạng hay e-mail. Ngoài ra, hiện tượng ăn cắp mật khẩu giữa những người
làm chung một công sở cũng có thể xảy ra (nhìn trộm nguời ta login và nhớ mật
khẩu để ăn cắp các nghiên cứu chẳng hạn).
1. Nghiên cứu đối tượng:
Hệ thống Login (còn gọi là hệ thống đăng nhập):
- Đọc user account (tên đăng nhập)
- Đọc password (mật khẩu) và mã hoá
password
- So sánh password đã mã hoá với mã
sẵn có cuả người log-in nếu đúng thì cho phép xử dụng các dịch vụ -- Sai thì
loại bỏ
2. Xác định vấn đề:
Hackers có thể dùng một hệ thống bao
gồm nhiều computer làm việc chung với nhau tấn công vào một hệ thống password
bằng cách ... "mò mẫm" (bạn đọc có thể tìm hiểu thêm các tài liệu viết về phương
cách "ăn cắp" password trên mạng) -- Tức là, các computer sẽ kiến tạo vô cùng
nhanh một loạt các mật khẩu bằng cách tăng tiệm biến các giá trị của mật khẩu
rồi thử đăng nhập vào cho tới khi "mò ra" được cái mật khẩu đúng ... (Qúa trình
này sẽ không bao giờ làm nổi ... nếu bạn làm bằng tay; tiếc thay, với vận tốc
nhiều tỉ phép tính trong 1 giây thì một hệ thống máy (còn gọi là supper computer
system) sẽ bẽ gãy hầu như bất kì một mật khẩu thông thường nào nếu được chạy và
thử liên tục trong 7-10 ngày).
Mật khẩu cũng có thể bị "đọc" và đem
đi chỗ khác đăng nhập.
3. Phân tích cội rễ của vấn đề:
§
Trong thời gian mà người thành viên
của một hệ thống password không đổi giá trị của mật khẩu thì "Mật khẩu là một
giá trị hằng số tạm thời". Và cũng vì nó là hằng số trong 1 thời gian đủ rộng
nên nó mới bị "mò" ra.
§
Lực lượng tập hợp của các giá trị mật
khẩu có thể dùng thì tối đa chỉ tương đương với lực lượng tập hợp của các số tự
nhiên (nếu bạn đọc không hiểu khái niệm lực lượng thì cũng có thể bỏ qua nhận
xét này).
§
Trong thực tế thì các hằng số mật
khẩu tạm thời thường không có giá trị quá đặc biệt hay quá khó mò (đa số chỉ bao
gồm các kí tự trong bảng kí tự La tin ... một số có thể có thêm vài chữ số nhưng
cùng không giúp gì nhiều trong việc chống hacker) -- Do đặc điểm này mà các mật
khẩu có thể bị mò ra càng nhanh hơn.
§
Truờng hợp xấu hơn là mật khẩu bị ăn
cắp bởi người làm chung (công nhân quét dọn hay cộng sự viên chẳng hạn) -- Đặc
điểm phân tích được là: mật khẩu bị ăn cắp sẽ được dùng đăng trên 1 máy khác với
máy của người chủ (hay cùng 1 máy trong một số trường hợp người chủ máy để máy
lơ đểnh) sau đó 1 thời gian (mật khẩu đã bị "nhìn lén" lúc đăng nhập).
Trên đây chỉ là 4 điểm yếu quan
trọng.
Trong các phân tích trên, thì điểm
cốt lõi để tìm ra phương hướng giải quyết là nhìn nhận sự việc trong quan điểm
của nguyên lý phụ thuộc. Lý do mà mật khẩu có thể bị "tái dụng" là vì nó được
thiết kế như là một đối tượng độc lập, cô lập trong khoảng thời gian đủ lớn. Nếu
Mật khẩu "vượt khỏi" sự ràng buộc về đặc tính tĩnh, độc lập thì sẽ chống được
hacker dễ dàng và hữu hiệu hơn rất nhiều. Với cách nhìn này thì người thiết kế
có thể có nhiều hướng giải quyết. (Thay vào đó, hãy xem password là một thưc thể
(entity) phụ thuộc vào các yếu tố khác như thời gian, không gian, các đặc tính
địa phương của máy, ... do đó, khi các yếu tố đó thay đổi thì giá trị của
password cũng liên đới bị thay đổi):
1.
Trước đây Microsoft (MS) có đưa ra
một hướng giải quyết là ... dùng hình vẽ hai chiều. Tức là người login sẽ "vẽ
hình" thay vì dùng 1 dãy kí tự (string). Theo cách này thì MS chỉ thay đổi đặc
tính cố hữu 1 chiều của mật khẩu sang thành 2 chiều. Và dĩ nhiên đã "mở rộng"
không gian tĩnh của mật khẩu. Người thiết kế (MS) chắc chắn đã phải tìm ra sự
mối tương quan chặt chẽ 1-1 giữa "hình mật khẩu" dự trữ trong trong máy chủ và
hình thực sự mà người truy nhập vẽ ra. Tức là về mặt này họ đã mở rộng từ cô lập
sang 1 sự phụ thuộc nào đó. "Hình vẽ mật khẩu" tuy tạo ra chiều hướng rộng rãi
hơn, các hệ thống "siêu máy tính" khó lòng "mò ra", nhưng một khi nó bị "nhìn
lén" thì vẫn không loại trừ được khả năng bị hacker phá vỡ.
Tương tự, gần đây nhiều trang WEB đòi hỏi khi truy nhập hay tạo tài khoản mới
đều phải gõ thêm vào các hàng chữ ngắn đọc được từ một hình hai chiều đã bị "bóp
méo" hay bị "nhiễu loạn". Ý tưởng chính của việc làm này là tăng thêm một mức độ
biến động của mật khẩu (thay vì chỉ có mật khẩu thì giờ có thêm một dạng của OCR
program (Optical Character Recognition program). Việc làm này "an toàn" cho đến
khi nào người ta chưa thiết kế được các chương trình "đọc" và "hiểu" nổi các kí
tự trong hình cũng như trong trường hợp hacker chưa "đọc" được giá trị của mật
khẩu. Ngược lại nếu như 1 "đồng nghiệp" xấu "vô tình hay cố ý" đọc được giá trị
mật khẩu này thì ... coi như biện pháp dùng hình ... không còn hiệu lực vì người
đó cũng có thể đọc chữ trên hình để truy nhập.
2.
Phương pháp đề xuất trong bài viết
"Tương Tự Hoá và Cưỡng Bức Tương tự Hoá" có thể được nhìn ở 1 góc tự do đa chiều
hơn (nhiều chiều hơn với ý thức chiều không - thời gian và ngay cả những chiều
trừu tượng khác). Tức là, thay vì để password chỉ phụ thuộc vào các cấp độ không
gian thì cần tạo dựng 1 cơ sở cho password có thể "biến động" theo các chiều
khác, chẳng hạn như chiều thời gian và các đặc tính điạ phương như là một chiều
khác nữa.
Như vậy, việc giải quyết về hình thức có thể như sau:
§
Mật khẩu có khả năng "biến động" theo
thời gian:
§
Mật khẩu có khả năng "biến động" theo
các điều kiện địa phương tức là các điều kiện mà máy được truy nhập mật khẩu
đang có.
§
... Thêm vào các chiều tự do khác
(chẳng hạn như Microsoft đã "thêm" vào đó chiều thứ hai của không gian)
3.
Vấn đề thực sự mà người thiết kế cần
thấy được ở đây là: làm sao có sự "hiểu ý" giữa "máy tính" và "người nhập mật
khẩu". Như vậy, "ngôn ngữ" (hay đúng hơn là các kĩ thuật tạo dựng mật khẩu phải
thoả mãn điều kiện mà máy tính có thể "hiểu" và "áp dụng" được). Ở đây, cách
thức đơn giản nhất là cài lên máy tính các thuật toán hữu hạn và chấp nhận được
một độ "sai biệt" hay "sai số" nào đó (người thiết kế kiểu password của
Microsoft hẳn nhiên "hiểu" rõ làm sao máy của ông ta chấp nhận được cái hình vẽ
mới từ bên ngoài không bao giờ giống hệt mà chỉ cố ý "lưu giữ" hay trích ly ra
những "yếu tố" cần và đủ.) Dẫu sao, cho đến nay, sự "thông minh" nhất của máy
vẫn chỉ là "thi hành những gì người ta lập trình cho nó". Có nhiều cách thức, 1
cách hay là biểu thị các chiều phụ thuộc của mật khẩu sang dạng các hàm số toán
học. Và mỗi khi thay đổi mật khẩu, người chủ mật khẩu buộc phải cung ứng những
"hàm số" mà mình sẽ cài lên máy tính, người đó phải nhớ các hàm đó để sau này
khi truy nhập thì tự mình tính được giá trị tức thời của mật khẩu. Dĩ nhiên, ở
đây các thuật toán được giả thiết cho phép chấp nhận một lượng "sai số" vừa phải
nào đó.
4.
Trở lại, đề xuất trước đây như là thí
dụ xin chỉ phân tích cho rõ ý:
Để cho mật khẩu có thêm chiều "thời gian" thì cách dễ nhất là nó được "biến
động" theo một hàm số của thời gian (và do đó cả máy lẫn người đều có thể "nhớ"
được. Như vậy, người thiết kế có thể chỉ cần giới hạn lại các dạng hàm số nào
cho phép chứ không thể bất kì hàm nào cũng được. Có nhiều dạng hàm như thế ở đây
chỉ nêu đơn giản. Thí dụ: Ngoài chiều mật khẩu thông thường (dạng string), giờ
người login phải nhập thêm giá trị hàm số đa thức của chỉ số giờ trong ngày
(0-23) (như là 2 * T + 3, T là thời gian tính theo giờ 0-23 chẳng hạn). Như vậy
giá trị mật khẩu của người truy nhập chỉ tồn tại tối đa 1 giờ đồng hồ sau đó
người đó trong dịp truy nhập khác phải tính toán lại giá trị này. Người hacker
dẫu có bằng cách nào đó "xem lén" được giá trị lúc truy nhập thì sau khoảng thời
gian tối đa 1 giờ, giá trị mật khẩu đó không thể dùng login được nữa vì hacker
không biết "hàm số" mà người chủ đã sử dụng là hàm gì? Thời gian hiệu lực này có
rút xuống thành từng phút nếu thay đổi miền xác định từ 0-23 giờ thành chỉ số
phút 0-59 chẳng hạn. với cách này thì hầu như 100% loại được việc "đọc lén"
password.
Để cho mật khẩu có thêm chiều "đặc tính điạ phương" thì tương tự trên, các giá
trị như là "trữ lượng chỗ trống MB của một ổ đĩa" hay "độ phân giải của màn
hình" mà máy được truy nhập đang hoạt động. Ở đây, ta thấy rõ, đôi khi máy phải
cung cấp vài thông tin như thế "về cá nhân mình" -- tức là các đặc điểm sơ lược
của máy tính để người truy nhập dựa trên đó thay vào các giá trị biến số, tính
thành các giá trị theo hàm số mà truy nhập. Tương tự trên, các hàm số nên được
giới hạn trong khả năng của máy và bảo đảm được độ lớn của miền giá tri (tránh
hàm hằng). Đặc tính "địa phương" này nếu chọn khéo (chẳng hạn như chỉ có các máy
của hãng XYZ mới có "tên" là "MyCompany_N" (N là số máy) thì "hàm" số này sẽ chỉ
chấp nhận các string có tên máy trong miền xác định "MyCompany_N" và do đó nếu
là hacker không biết được cơ sở mà giá trị hàm địa phương đã dựa lên thì không
thể nào truy nhập hay phá thủng được.
Hai thí dụ trên chỉ là hai chiều,
người thiết kế có thể đặt ra những chiều trừu tượng khác...
Lời Kết
Các bạn thân mến,
Giáo Pháp Phật giáo thực sự có thể được nhìn từ một viễn kiến khoa học và nếu
như chúng ta khảo sát nó bằng tâm tư rộng mở thì tin chắc rằng ít nhất người
nghiên cứu sẽ tìm được nhiều khía cạnh để học hỏi ứng dụng, chẳng hạn như các
nghiên cứu về tâm lý học Phật giáo đã cung cấp cho nền y học hiện đại rất nhiều
ứng dụng đặc biệt là trong ngành thần kinh học và vật lý trị liệu. Xa hơn nữa,
có khi nhờ vào thực nghiệm Phật giáo mà cá nhân biết đâu có thể khám phá được
một chân trời xa rộng cho hạnh phúc con người trong khi khoa học lý thuyết lẫn
thực nghiệm cho đến nay chưa bao giờ đạt tới.
Namo Buddhaya, Dharmaya, Sanghaya.
Namo Buddhaya, Dharmaya, Sanghaya.
Namo Buddhaya, Dharmaya, Sanghaya.
Bài viết này khởi lên do tâm nguyện
chia sẻ hiểu biết về Phật giáo ứng dụng cho người đọc hữu duyên, chắc chắn vẫn
còn nhiều thiếu sót. Người viết, xin cảm tạ và hoan hỉ đón nhận mọi chỉ giáo và
hướng dẫn về các sai sót. Tất cả công đức nhận được xin hồi hướng về mọi chúng
sinh hữu tình. Mọi ý kiến xin liên lạc về vo_quang_nhan@yahoo.com
Chú thích
1.
^ Câu
này được trích từ bản sớ giải Vimalaprabhā về Kālacakra, mặc dù nó cũng thấy
xuất hiện trong Kinh tạng Pali. Phần tiếng Sanskrit được trích dẫn trong
Tattvasaṃgraha,
do D. Shastri biên tập (Vārāṇasī:
Bauddhabharari, 1968), k. 3587.
2.
^ Nguyên
lý "Tứ Điệu Đế" thực ra là cách tiếp cận để một chúng sinh tự mình giải thoát
khỏi đau khổ. Qua đó, đức Phật phân tích về Sự khổ (khổ), Các Nguyên Nhân của sự
khổ (tập) để từ đó qua lập luận cho thấy khả năng loại trừ khổ đau (diệt) qua
các phương tiện để rèn luyện tâm thức (đạo). Để có thêm các giảng giải chi tiết
xin xem thêm tác phẩm "The Four Noble Truths" của đức Đạt-lai Lạt-ma. 224 pages.
Publisher: Thorsons (June 25, 1998). ISBN-10: 0722535503. Tác phẩm này đã được
dịch sang Việt ngữ. (xin liên lạc về vo_quang_nhan@yahoo.com)
3.
^ Hình ảnh lấy từ trang Plus Magazine của University of
Cambridge. Xem giấy phép Term
of Use
4.
^ Lý
thuyết tìm cách thống nhất giải thích các lý thuyết vật lý hiện nay gọi là lý
thuyết dây (string theory). Phát triển xa hơn của lý thuyết này là thuyết M
(M-theory) mà hậu quả cuả nó là sự tồn tại của nhiều vụ nổ lớn hình thành vô vàn
các vũ trụ khác nhau (Parallel Universe). (xem thêm http://www.bbc.co.uk/science/horizon/2001/parallelunitrans.shtml hay
http://superstringtheory.com/). Về phía Phật giáo thì có kinh sách dạy rằng
hiện lúc nào cũng có vô số thế giới đang ở một trong các giai đọan hình thành
(thành), tồn tại (trụ), hủy diệt (hoại) và biến mất (không)
5.
^ Long
Thọ sống vào khoảng thế kỉ thứ 1, 2. là một trong những Phật tử có công lớn
trong việc phát triển giáo lý về tính Không. (Xem thêm: http://vi.wikipedia.org/wiki/Long_Th%E1%BB%A5 hay http://en.wikipedia.org/wiki/Nagarjuna)\.
6.
^ Quy
Mậu biện Chứng là lối chứng minh phản chứng mà trong đó người phản biện chỉ dùng
lập luận của chính đối phương cùng với các duy diễn hợp lý để dẫn đến các kết
quả mâu thuẫn. Do đó, lập luận và kết luận của đối phương là không đúng.
7.
^ Trích từ chương 1 trong cuốn "The Dalai Lama at
Harvard" Publisher: Snow Lion Publications (March 25, 1989). ISBN-10:
0937938718. Đoạn dịch lấy từ bản của Chân Nguyên trong http://www.daouyen.com/Datlai-Latma/Index.htm
8.
^ Bản thân sai sót này của học thuyết Newton cũng vi
phạm nguyên lý duyên khởi của Phật giáo cho rằng mọi sự vật và hiện tượng đều
phụ thuộc nhau ở một góc độ nào đó.
9.
^ 9,0 9,1 Trong Kinh Kim Cang đức Phật nêu rõ:
"Nhữ đẳng Tỳ-kheo tri ngã thuyết pháp
như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp"
Lời dịch của Thích Huệ Hưng: ‘Tỳ
kheo các ông, phải biết pháp cuả ta nói, chỉ như chiếc bè, ‘pháp’ còn phải bỏ,
huống hồ ‘phi-pháp’.
10. ^ Xem thêm nhiều chi tiết quan trọng trong quyển "Tứ
Diệu Đế" đã được dịch sang Việt ngữ; trong phần mở đầu của sách này đức Đạt-lai
Lạt-ma có viết:
"Một giáo pháp có thể là rất thâm
diệu, nhưng nếu không phù hợp với một người nào đó, thì sự giảng giải giáo pháp
đó phỏng có ích gì cho người ấy? Trong ý nghĩa này, Phật pháp tựa như một liều
thuốc. Giá trị chính của liều thuốc là ở chỗ nó chữa được bệnh chứ không ở nơi
số tiền bỏ ra mua nó. Chẳng hạn, một loại thuốc có thể là rất quý và đắt tiền,
nhưng nếu nó không thích hợp với người bệnh thì chẳng có ích gì cả."
11. ^ Trong 1 dịp "tình cờ", hệ thống điều hoà nhiệt độ của
ngôi nhà mà người viết bài cư ngụ bị trục trặc đòi hỏi phải phải trèo lên gác
xép để bảo trì và sửa chữa. Đây cũng là dịp khiến cho người viết "chịu nóng" quá
mức và nghĩ đến cách giải quyết này.
Nguồn: PSN
Tài liệu tham khảo
§
Kinh Kim Cang.
§
"The Four Noble Truths" của đức
Đạt-lai Lạt-ma. 224 pages. Publisher: Thorsons (June 25, 1998). ISBN-10:
0722535503. Sách đã được chính thức cho dịch sang Việt ngữ và xuất bản trong năm
2007-2008.
§
"Consciousness at the Crossroads:
Conversations with the Dalai Lama on Brain Science and Buddhism" (Snow Lion -
Ithaca, New York, 1999) ISBN 1559391278
§
Technical Publication, HP worldwide
monthly journal (July 2004):"Anti-thief password system".
Nhan Vo Quang..
§
http://www.thuvienhoasen.net/duyluc-khaithicuoicungtaivietnam-08.htm. "Hoà
thượng Duy Lực Khai thị". Thư viện Hoa Sen.
§
http://www.daouyen.com/Datlai-Latma/Index.htm
§
http://plus.maths.org/issue18/features/hawking/index.html. "Stephen
Hawking's 60 years in a nutshell" by Stephen Hawking.
§
http://vietsciences.org/thuctap_khoahoc/renluyen_sangtao/similar.htm -- Loạt
bài "Các Phương Pháp tư Duy Sáng Tạo". Bài "Tương Tự Hoá và Cưỡng Bức Tương Tự
Hoá". Võ Quang Nhân và Trần Thế Vỹ. 2004
Xem thêm