Lợi ích của sự hành trì giới luật

            Tn Minh Tâm

 

 

I.Nhập đề:

 

            “Xưa kia, ông Bạch Cư Dị hỏi Ô Sào thiền sư: ‘Thế nào là đại ý Phật Pháp?’ Ngài Ô Sào đáp: ‘Đừng làm các điều ác, vâng giữ các hạnh lành.’  Họ Bạch nói: ‘Hai câu nói ấy, đứa bé lên ba cũng nói được.’  Ngài Ô Sào bảo: ‘Tuy đứa bé lên ba nói được nhưng ông già tám mươi chưa làm xong.’  Phải biết lời nói này chính là lời nói thiết yếu quan trọng nhất đối với hết thảy người học Phật.[1]

 

            Thực vậy, hai câu ‘Đừng làm các điều ác, vâng giữ các hạnh lành’ chính là đại ý của hết thảy kinh, giới của tam thế chư Phật, và cũng là mục đích của đạo đức học Phật giáo nhắm vào đối tượng con người để hướng dẫn họ tới một cuộc sống an lạc, thanh tịnh, và trở thành một con người đầy đủ toàn vẹn nhân cách cao thượng, chân thiện mỹ.  Do đó, muốn thực hiện triệt để mục đích tu hành hướng tới giải thoát, giác ngộ cao đẹp tối thượng đó, hàng đệ tử Phật nhất định phải tuân thủ hành trì nghiêm mật một số qui tắc cần thiết, theo đạo Phật, gọi đó là Giới Luật.

 

 

            II. Định nghĩa:

 

            Giới, tiếng Phạn là Sìla, Trung Hoa dịch là Giới, có nghĩa là phòng phi chỉ ác, là phòng bị, răn cấm, câu thúc, ngăn ngừa những điều sai trái, những tâm niệm tà vạy xấu xa.  Giới là những phạm trù, những cương lĩnh, những hàng rào tự nhiên trong đời sống thông thường.  Giới còn được gọi là ‘biệt biệt giải thoát’, có nghĩa là người nào giữ trọn vẹn được giới nào thì hưởng trọn vẹn kết quả của sự hành trì giới đó.  Thí dụ như chúng ta giữ hoàn toàn không xâm phạm giới sát sinh hay trộm cắp thì chúng ta sẽ không bao giờ lo sợ bị giam cầm hay yểu mạng, đau ốm, v.v. hơn nữa còn được người đời khen ngợi.

 

Luật, tiếng Phạn là Upalaksa, Trung Hoa dịch là Luật, là những qui tắc, nguyên tắc, kỷ luật, khuôn khổ, pháp tắc, điều lệ giữ gìn trật tự, kỷ cương trong Tăng đoàn, Giáo hội Phật giáo mà mọi người con Phật phải thực thi.  Cũng giống như chúng ta học lái xe, chúng ta bắt buộc phải chấp hành những luật lệ lái xe, nếu chúng ta vi phạm luật lệ giao thông, chắc chắn chúng ta sẽ bị xử lý tùy theo mức độ vi phạm nặng nhẹ; tuy nhiên giới luật của đạo Phật không phải là những tín điều bắt buộc người đệ tử phải nhắm mắt mù quáng tuân theo mà chỉ là những phương tiện hành trì giúp cho những người học đạo, nếu muốn sống đời thanh tịnh, phạm hạnh, phải ngăn ngừa những hành động tội lỗi và điều phục chế ngự được dục vọng tư hữu của mình ngõ hầu có thể tiến dần lên quả vị giải thoát.

 

            Theo Phật sử, trong suốt mười hai năm đầu, Đức Phật chưa chế giới vì trong Tăng đoàn hoàn toàn thanh tịnh, người giác ng và đắc Thánh quả nhiều, chưa có những điều tệ hại xảy ra, nhưng càng về sau, khi Tăng đoàn càng lớn mạnh thì bắt đầu manh nha những người làm điều phi pháp, phá vỡ sự thanh tịnh và hòa hợp, làm cản trở sự tu tập giải thoát; vì thế để ổn định lại kỹ cương trật tự của Tăng đoàn, Phật đã ‘tùy phạm tùy chế’, nghĩa là vi phạm tới đâu, chế giới luật tới đó.  Tất cả những nguyên tắc, kỷ luật đó được chúng đệ tử xuất gia, tại gia gìn giữ, tu tập, truyền thừa và dần dần được hệ thống hóa thành Luật tạng, cuối cùng được phân chia ra rõ rệt giới luật cho đệ tử xuất gia gồm có Tỳ Khưu Tăng (250 giới), Tỳ Khưu Ni (348 giới), Sa Di và Sa Di Ni (10 giới), năm giới, tám giới cho hàng đệ tử tại gia, và Bồ Tát giới thông cho cho cả hai chúng đệ tử xuất gia và tại gia.

 

            Nói gọn lại cho dễ hiểu, Giới Luật nhà Phật là những khuôn khổ, pháp tắc, qui củ thuận theo pháp tánh, căn cơ được sử dụng hành trì để nhiếp phục dục niệm, chế ngự tà tâm, đối trị nghiệp duyên, tập khí xấu ác của mọi chúng sinh, vì thế tất cả hàng đệ tử Phật phải y giáo phụng hành, không được sái phạm.

 

III. Lợi ích của sự hành trì Giới Luật

 

a)      Quan hệ của Giới Luật trong phạm trù Nhân Quả

 

Hai chữ ‘Nhân Quả’ gồm trọn hết thảy các pháp thế gian, xuất thế gian không sót chút gì.  Kinh dạy: ‘Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả.’  Nếu chẳng muốn nhận quả khổ thì phải đoạn trừ nhân xấu ác trước đã.  Nếu luôn tu thiện nhân, ắt quyết định hưởng quả vui.  Đây chính là điều kinh Thư viết: ‘Tác thiện giáng tường, tác bất thiện giáng ương’ (Làm thiện thì điều lành tốt tới, làm điều bất thiện, tai ương giáng xuống).  Kinh Dịch cũng nói: ‘Tích thiện tất hũu dư khánh, tích bất thiện tất hữu dư ương’ (Tích thiện, sự vui có thừa, chất chứa điều bất thiện, tai ương ắt có thừa).[2]

 

Hai câu nói của ngài Ô Sào Thiền Sư ở trên trích trong bài kệ bốn câu:

‘Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành,
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo’

tạm dịch là:

‘Không làm các điều ác,
Vâng làm các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Đó lời chư Phật dạy’

cũng chính là muốn nhấn mạnh điểm ‘phòng phi chỉ ác’ của Giới Luật mà cũng là phương cách phòng bị, ngăn ngừa nhân quả, giúp cho hành nhân khéo làm hạnh lành, tránh xa việc xấu, giữ cho thân tâm được trong sạch.

                           

            “Thiện – ác chẳng ngoài ba nơi thân, khẩu, ý.  Đã biết nhân quả sẽ tự phòng giữ thân - miệng, rửa lòng gột ý.  Dù ở trong nhà tối, phòng kín vẫn luôn như đang ở trước các vị thần thánh, chẳng dám móng khởi chút tà niệm tư dục nào, để khỏi bị chiêu cảm quả báo xấu.  Đấy chính là đại pháp ‘trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân’ để dạy khắp hết thảy chúng sinh thượng, trung, hạ căn của đức Đại Giác Thế Tôn vậy.  Tuy thế, kẻ cuồng sợ bị câu thúc, bảo đó là chấp tướng; kẻ ngu nhằm tránh khỏi bị xấu mặt, bèn bảo đó là chuyện vu vơ.  Trừ hai hạng người này ra, có ai lại chẳng tin nhận?”[3] vì thế, từ kẻ phàm phu nghèo hèn cho đến người thanh cao quyền qúi, không ai lại không muốn an hưởng một đời sống hạnh phúc, ấm no, yên ổn, không lo sợ phập phồng, bất an.  Muốn được như thế, tất nhiên chúng ta phải tuân thủ qui luật, phép tắc, kỷ cương đạo lý luân thường.  Nhất là người xuất gia chân chính thì phải hành trì nghiêm mật giới pháp đã lãnh thọ, trước là giữ gìn thân, khẩu, ý nghiệp của chính mình để không bị vương mang hệ lụy nhân quả, sau là làm gương mẫu cho người người noi theo tu tập để gia đình, xã hội được trật tự, hài hòa, an vui. 

 

b)      Giới Luật trong phạm trù Tam Vô Lậu Học

 

Phật pháp rộng lớn như pháp giới, rốt ráo như hư không.  Luận đến chỗ thiết yếu thì chỉ có ba pháp Giới - Định -Tuệ mà thôi!  Nhưng ba pháp này dung nhiếp lẫn nhau, chẳng thể đứng tách riêng ra một mình được. Sơ tâm nhập đạo thì trì giới là nhiệm vụ quan trọng nhất.  Do vậy, kinh Lăng Nghiêm nói: ‘Nhiếp tâm là Giới, nhân Giới sanh Định, nhân Định phát Tuệ.  Đấy gọi là Tam Vô Lậu Học.’  Do vậy, lúc đức Như Lai mới thành Chánh Giác, liền nói Phạm Võng Kinh Bồ Tát Giới để hết thảy Bồ Tát cùng chư Thiên Thích Phạm, và vua quan, nhân dân dù Tăng hay tục, cho đến đào kép, nô tỳ, hết thảy chúng sanh trong ba ác đạo đều cùng thọ trì.  Do vậy, biết Giới chính là lò luyện lớn lao để Như Lai nung phàm luyện thánh vậy.[4]

 

Như thế có thể nói, ba pháp này như cái đỉnh có ba chân, nếu thiếu một cái thì cái đỉnh không thể đứng vững được.  Tuy nhiên nói có ba nhưng thực ra chi có một, nói có một nhưng lại phải cả ba; bởi vì nhờ giữ Giới mà thân, khẩu, ý nghiệp không vi phạm, tâm được an trụ, nhiếp tâm nên sanh Định, nhờ có Định kết hợp với Giới giữ cho vọng tâm không sanh khởi, nghiệp tận tình không, thấu tột lẽ chân thường, trí óc minh mẫn sáng suốt, đó không phải là công dụng của Tuệ hay sao?  Người học Phật cần phải biết rằng dù là Hiển giáo hay Mật giáo, dù Thiền hay Tịnh, v.v. tất cả các pháp phải trọn vẹn Giới - Định - Tuệ thì mới có thể truyền đăng tục diệm, kế vãng khai lai được, còn nếu khiếm khuyết, không đầy đủ thì không thể nào thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa quần sinh cho được.

 

Kinh Phạm Võng dạy: “Ta là Phật đã thành, các ngươi là Phật sẽ thành.  Thường nên tin như thế thì giới phẩm đã trọn đủ.  Câu nói này đủ giúp chúng ta nhận thức rõ tầm quan trọng và sự thống nhiếp các pháp của giới luật, do đó các bậc tri thức, các vị hành giả tu trì, không ai mà không lấy Giới Luật làm nền tảng ban đầu học đạo, làm nhiệm vụ trước tiên, và cũng vì sự quan trọng thiết yếu đó nên chắc chắn sự thọ lãnh và hành trì giới luật sẽ đem lại cho chúng ta lợi ích tốt đẹp to lớn trong suốt cuộc đời tu hành của chúng ta.

 

c)      Lợi ích của sự thọ lãnh và hành trì Giới Luật

 

Theo lời Phật Tổ dạy, thế đạo nhân tâm thời Mạt pháp bị suy hãm đến cùng cực, pháp nhược ma cường, muốn hộ trì Phật pháp, ở cõi tục tương đối dễ, nhưng xuất gia làm Tăng không phải việc đơn giản, dễ làm.  Nếu không gặp được minh sư, thiếu người cùng hạnh để nâng đỡ, rèn giũa mình tinh tiến học đạo thì chí hướng thượng của chúng ta có thể bị suy giảm, chẳng còn sốt sắng siêng năng, dễ xuôi theo biếng nhác, trễ lười, uổng phí một đời xuất gia làm Phật tử, cô phụ ân Thầy Tổ, không báo hiếu được mẹ cha.  Tổ sư Ấn Quang nói: “Người xuất gia nếu chẳng phải là chân tu thì tập khí đầu đường xó chợ còn quá hơn kẻ tục,”[5] vì thế, người xuất gia, nếu muốn thanh tịnh thân tâm, việc quan trọng đầu tiên là phải nghiêm trì Giới Luật.

Chúng ta có thể kém tài, nhưng đối với giới luật mà mình đã lãnh thọ thì phải “tịnh như băng tuyết”. Kinh Đại Thừa Bổn Sanh Tâm Địa Quán, Phật dạy: “Vào biển Phật Pháp lấy đức tin làm căn bản, vượt dòng sanh tử lấy giới luật làm thuyền bè. Nếu người xuất gia mà không giữ giới cấm, lại tham đắm, vướng mắc những thú vui thế tục, hủy báng giới pháp của Chư Phật, hạng tỷ kheo như thế không còn được gọi là người xuất gia nữa”. Chúng ta là những trưởng tử Như Lai, giữ gìn mạng mạch Phật Pháp để lưu truyền nơi thế gian, lãnh trách nhiệm “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự”, muốn cho chánh pháp trường tồn thì phải lấy giới làm Thầy. Ba đời chư Phật đều nương vào giới luật mà tu tập cho đến khi thành tựu đạo quả. Như vậy, khi nào không còn người giữ giới nữa thì Phật Pháp cũng từ đó mà hoại diệt, vì không còn người đủ tư cách, đức hạnh để tuyên dương chánh pháp của Như Lai.[6]

 

Tuy nhiên người xưa xuất gia thọ giới là vì phát tâm giải thoát sinh tử luân hồi, còn người đời nay thọ giới đa phần chỉ vì để được làm đại Tăng cho thỏa thể diện, chuyện đắc giới chưa hề thực hiện hay nghĩ tưởng đến.”[7]  Vì vậy, trong Tăng đoàn đã xảy ra nhiều vấn đề phức tạp, rối loạn kỹ cương, vàng thau lẫn lộn, nhất là sau này tệ nạn thâu nhận đồ đệ hời hợt, chỉ muốn có chúng đệ tử đông nhiều mà không quan tâm đến phẩm hạnh tư cách, và lơi lỏng dễ dàng quá mức cho vấn đề thọ lãnh giới pháp, lắm khi đưa đến tình trạng phi pháp phi luật, cho nên nhiều kẻ cang cường, phường hạ lưu cũng đã chen chân vào được trong Tăng đoàn, dự vào hàng Thích tử, nghênh ngang xem thường giới pháp đã lãnh thọ, mê trái bản tâm, phóng túng làm chuyện thương tổn luân lý, phong tục . . .

 

Vì tính cách quan trọng thiết yếu của Giới Luật trong giềng mối giữ vững mạng mạch Phật pháp đó, dấu ấn quan trọng nhất trong đời tu của một người đệ tử Phật, nhất là người xuất gia, chính là ngày được đăng đàn thọ lãnh giới pháp.  Trong không khí trang nghiêm hào hùng của giới đàn, vào giờ phút long trọng linh thiêng, dưới sự chứng minh của những bậc cao Tăng thạc đức tam sư thất chứng, lời thệ nguyện lãnh thọ phụng trì giới pháp của vị Tăng sĩ, đệ tử xuất gia của Phật, xuất phát từ lòng thâm tín chư Phật, dũng mãnh quyết tâm đi theo bước chân hoằng pháp của đức Như Lai, dâng hiến trọn đời mình cho hạnh phúc và an lạc của chúng sinh, đã trở thành một ấn tượng khó lạt phai trong tâm tưởng người thọ giới, và cũng chính nhờ vào dấu ấn ‘vô biểu sắc’ này mà vị Tăng sĩ đó có thể vượt qua được nghịch cảnh thăng trầm của dòng đời và những biến đổi não loạn của nội tâm, từ đó có thể vững mạnh thực hiện lý tưởng ‘thượng hoằng Phật đạo, hạ hóa quần sinh’, khỏi cô phụ ân đức của Thầy Tổ, mẹ cha, và đàn na tín thí.

 

Cũng chính nhờ vào sự trân trọng lãnh thọ giới pháp đó mà hàng Tăng sĩ chúng ta dần dần chuyển hóa được những tập khí xấu ác từ vô lượng kiếp trước, thăng hoa tâm trí, “phát triển được tánh linh, để xứng đáng là bậc trượng phu lỗi lạc, là con chân thật của đức Thế Tôn.  Nếu không y giáo phụng hành như thế, thì dưới lớp ca sa, đánh mất thân người, nỗi khổ tam đồ ác đạo dẫu hết cả kiếp vẫn chưa thể nói hết được.”[8]

 

IV. Kết luận

Xưa kia, khi còn sinh tiền, Hòa Thượng Tuyên Hóa có dạy môn đồ viết đối liễn, trong đó có câu “Phật giáo đồ nhược bất trì giới tức Mạt pháp” nghĩa là nếu tín đồ Phật Giáo không trì giới tức là Mạt Pháp.  "Phật Giáo đồ" có nghĩa là hàng Tăng Sĩ, đệ tử xuất gia của Phật.  Phật giảng Pháp, Tăng theo Pháp tu hành rồi truyền cho người khác. Tăng nhất định phải trì Giới, không trì Giới thì đó là Mạt Pháp, nên nói: "Nếu Phật Giáo đồ không trì giới tức là Mạt Pháp."

Phật pháp nhờ vào Tăng mà truyền đạt, song Tăng sĩ phải cần lấy Giới làm gốc.  Giới là nền tảng để thành Phật. Nền tảng này cũng giống như cái móng khi xây nhà. Bây giờ mình xây móng để dựng nhà Phật pháp, thì chắc chắn phải lấy sự hành trì Giới làm bước khởi đầu.  Kinh Thư cũng có câu: “Thánh mất niệm nên thành cuồng, cuồng khắc chế được ý niệm bèn thành Thánh.”  Do vậy nên biết nếu điều phục, khắc chế được vọng niệm, tà tâm thì mới phát huy được đức tướng, trí huệ để thành thượng nhân, thành thánh, và phương pháp duy nhất hữu hiệu để chế ngự được vọng tâm thì chỉ có Giới Luật mới có đủ công năng giúp hành giả bối trần hiệp giác, không bị xuôi thuận theo nhiễm duyên phiền não khiến cho sóng Thức tuôn trào, biển Nghiệp dập dồn tơi tả.

Cách đây hơn 2, 550 năm, khi sự nghiệp một đời giáo hóa xong xuôi, sắp nhập Niết Bàn, đức Phật đã thiết tha dặn dò hàng đệ tử và tất cả chúng sinh: “Này các Tỷ khưu, sau khi Ta diệt độ, các vị cần phải tôn trọng kính ngưỡng Ba la đề mộc xoa (giới luật), như kẻ mù tối được sáng mắt, kẻ nghèo hèn được vàng ngọc. Phải biết Giới Luật là bậc Thầy cao cả của các vị, dù Ta ở đời cũng không khác gì Giới Luật ấy.(Kinh Di Giáo)

Tiếp đó, Phật dạy về lợi ích trì giới, về những pháp chế tâm nhất xứ, về cách sống, cách uống ăn điều độ, v.v.  Ngài dặn đi dặn lại nhiều lượt, từ những điều nhỏ nhặt, vi tế cho đến những sự việc lớn lao, còn quá chi li, tỉ mỉ, đượm đầy từ bi hơn cả mẹ hiền dạy bảo con cái.  Thật không thể dùng bút mực nào để diễn tả được hết lòng Từ Bi của Phật thương chúng sinh, như trong kinh Lăng Nghiêm, Bồ Tát Đại Thế Chí niệm Phật chương, có đoạn: “Thập phương Như Lai, lân niệm chúng sanh như mẫu ức tử. Nhược tử đào thệ, tuy ức hà vi? Tử nhược ức mẫu, như mẫu ức thời. Mẫu tử lịch sanh, bất tương vi viễn” (Mười phương Như Lai thương nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con. Nếu con bỏ trốn dẫu nhớ cũng chẳng làm gì được! Nếu con nhớ mẹ như khi mẹ nhớ con thì mẹ con trải qua nhiều đời chẳng xa cách nhau).

 

Do đó, muốn báo đáp ân đức của Phật Tổ và đàn na tín thí, muốn báo hiếu cha mẹ hiện đời, muốn hoàn thành tuệ nghiệp và lý tưởng xuất trần độ thế của người đệ tử xuất gia của đấng Thế Tôn đại hùng đại giác, chúng ta phải thành tâm lãnh thọ, nghiên cứu thấu triệt tinh thần, ý nghĩa giới luật; một khi hiểu rõ giới luật rồi, chúng ta sẽ biết cách làm người như thế nào và một khi hiểu rõ bổn phận làm người, chúng ta cũng sẽ biết rõ bổn phận làm bậc Thánh nhân.  Hành trì được như thế, chúng ta mới không khỏi hổ thẹn ‘thân khoác ca sa, tâm vương trần lụy,’ để rồi cả một đời chuốc hận khổ đau, đường giải thoát mịt mờ xa thẳm.

 

Nói tóm lại, Giới Luật là mạng mạch của Phật Pháp, là thuyền Bát Nhã giúp hành giả vượt bến mê, là đôi cánh xoãi dài rộng của thân chim đại bàng tung bay vút cao trên bầu trời trong xanh kia, là bến đỗ của an lạc, hạnh phúc, và tình thương.

 

 

 

 

 



[1] Như Hòa. Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục. Chùa Đức Viên, San Jose, California, Hoa Kỳ, 2006, trang 248.

[2] Như Hòa.  Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục. Chùa Đức Viên, San Jose, California, Hoa Kỳ, 2006, trang 250. 

[3] Như Hòa.  Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục. Chùa Đức Viên, San Jose, California, Hoa Kỳ, 2006, trang 260-61.

 

[4] Như Hòa.  Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao quyển 3.  Chùa Đức Viên, San Jose, CA, Hoa K ỳ, 2008, trang 1340.

[5] Như Hòa.  Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao quy ển 1.  Chùa Đức Viên, San Jose, CA, Hoa K ỳ, 2008, trang 556.

 

 

[6] Thích Thông Huệ.  Thọ mạng của Phật Pháp.  http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/thomang.htm

[7] Như Hòa.  Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao quy ển 1.  Chùa Đức Viên, San Jose, CA, Hoa K ỳ, 2008, trang 557.

 

 

[8] Như Hòa.  Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao quy ển 3.  Chùa Đức Viên, San Jose, CA, Hoa K ỳ, 2008, trang 1200.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle