Phật giáo trong thời kỳ đầu, nhìn chung, có phân biệt
phương pháp tu tập của người Phật tử tại gia và xuất gia. Tuy nhiên, sự khác
biệt này đã thu hẹp khi Phật giáo phát triển và được truyền đến nhiều vùng miền
và quốc gia khác nhau. Và hiện nay, gần như không có sự khác biệt giữa phương
pháp tu tập của người xuất gia và tại gia. Người Phật tử tại gia cũng được hướng
dẫn và thực hành hầu hết các phương pháp tu tập, trong đó có phương pháp tu tập
chỉ thích hợp với môi trường của người xuất gia. Như vậy, những sự thực hành này
có mang lại lợi ích không?
Trước tiên, xin giải thích nhóm từ “phương pháp tu tập”.
Ở đây, phương pháp tu tập hay pháp môn tu tập được hiểu trong nghĩa rộng, nghĩa
là tất cả lời Phật dạy cho nhiều căn tánh và mục đích tu tập khác nhau. Đức Phật
đã chỉ dạy nhiều phương pháp tu tập khác nhau. Có phương pháp tu tập để thành
tựu Phật quả. Có phương pháp tu tập để thành tựu quả vị Thanh văn-Duyên giác. Có
phương pháp tu tập để tái sanh về các cảnh giới của chư Thiên. Có phương pháp tu
tập để có được hạnh phúc thế gian ngay trong đời này và tái sanh làm người với
nhiều phước báo trong nhiều đời sau. Hay gọi cách khác, phương pháp tu tập là
những lời Phật dạy về Phật thừa, Thanh văn-Duyên giác thừa, Thiên thừa và Nhân
thừa. Tuy có nhiều
phương pháp tu tập, nhưng tất cả cũng đi về hướng thiện lành, hướng giải thoát.
Thiện lành của cõi người và cõi trời. Giải thoát của
Thanh văn-Duyên giác và Phật.
Xin nói ngay là những phương pháp tu tập trên không
dành riêng cho người xuất gia hay tại gia. Tất cả người con Phật, dù xuất gia
hay tại gia, thực hành theo lời Phật dạy, đều đạt được kết quả như nhau. Hoặc tu
tập Nhân-Thiên thừa để được phước báo nhân-thiên. Hoặc tu tập Thanh văn-Duyên
giác thừa để giải thoát khổ đau ngay hiện tại và chấm dứt luân hồi sanh tử trong
tương lai. Hoặc tu tập Phật thừa, thực hành Bồ-tát đạo để thành Phật quả. Tuy
nhiên, nhìn chung, Đức Phật dạy người xuất gia tu tập theo Thanh văn-Duyên giác
thừa và Phật thừa. Và vì nhiều hạn chế của người Phật tử tại gia và môi trường
thế tục, Đức Phật, theo kinh tạng Nikāya
và A-hàm, khuyên dạy người Phật tử tại gia sống tốt theo những chuẩn mực đạo đức
thế gian bằng cách giữ gìn năm giới và một số điều khuyên dạy khác; phát triển
những đức tính thiện lành và thương yêu bằng cách niệm Phật, niệm Pháp, niệm
Tăng, niệm Thí, niệm Giới, niệm Thiên, bố thí, cúng dường, v.v.. Trong một số
trường hợp, Đức Phật khuyên người Phật tử tại gia quán niệm tứ vô lượng tâm: từ,
bi, hỷ, xả; hoặc phát nguyện thọ trì tám giới Bát quan trai để gieo duyên xuất
gia cho tương lai hoặc cho những kiếp sống trong tương lai. Thực hành theo những
lời dạy này, tùy theo mục đích tu tập và sự tu tập của mỗi người, người Phật tử
tại gia có được hạnh phúc thế gian ngay trong hiện tại; và tái sanh làm người
với đầy đủ phước đức và trí tuệ thế gian, hoặc sanh về các cảnh giới của chư
Thiên, hoặc dự vào Dòng Thánh, tức là chứng đắc quả vị Tu-đà-hoàn. Trong suốt
lịch sử Phật giáo cổ đại đến cận đại, người Phật tử tại gia của những tông phái
Phật giáo lập cứ trên giáo điển Nikāya và A-hàm đều
thực hành những lời dạy này. Trong đó, có Trưởng giả Cấp Cô Độc và Đức vua A Dục.
Về Trưởng giả Cấp Cô Độc. Vì nhiều ràng buộc gia duyên thế sự, ông chỉ có thể
thực hành theo những lời dạy trên. Cho đến giờ phút ông sắp mạng chung, quán
thấy nhân duyên đầy đủ, Tôn giả Xá Lợi Phất mới dạy ông phương pháp quán niệm sự
vô thường, khổ và vô ngã của thân và tâm. Nhờ thực hành pháp quán này, ông đã
chứng đắc trạng thái tâm hỷ lạc của bậc Thánh, chuyển hóa được những cảm giác
đau đớn do sự tan rã khủng khiếp của thân và tâm ngay giây phút lâm chung. Sau
khi mạng chung, ông tái sanh lên cung trời Đâu Suất (theo kinh Giáo giới Cấp Cô Độc, thuộc kinh Trung bộ). Về Đức vua A Dục. Vua A
Dục chỉ mong được sanh thiên. Để sanh thiên, ông thực hành hạnh bố thí, cúng
dường và hộ trì Tam bảo. Ngày nay, Phật giáo các nước Nam tông, truyền thống lập
cứ trên kinh điển Nikāya,
đã có những thay đổi trong pháp hành đối với Phật tử tại gia. Phật tử tại gia
cũng được hướng dẫn và thực hành phương pháp quán niệm thân, thọ, tâm, pháp để
đoạn trừ tham, sân, si và hướng đến mục đích giải thoát sanh tử. Đây là một điều
đáng lưu ý để thấy có những chuyển biến trong việc tu tập của người Phật tử tại
gia của quốc gia Phật giáo Nam tông.
Kinh điển Đại thừa nhấn mạnh đến Phật thừa, mục đích
giải thoát cuối cùng là thành tựu Phật quả. Để thành tựu Phật quả, người con
Phật, không phân biệt là tại gia hay xuất gia, phải phát tâm Bồ-đề, trải qua vô
lượng kiếp hành Bồ-tát đạo. Phương pháp tu tập trong kinh điển Đại thừa hoàn
toàn không có sự phân biệt giữa người xuất gia và tại gia. Tuy nhiên, lịch sử
các tông phái lập cứ trên kinh điển Đại thừa cho thấy, từ Ấn Độ cho đến Trung
Hoa và các nước theo truyền thống Đại thừa khác, những người con Phật hành theo
Bồ-tát đạo phần nhiều là những người Phật tử xuất gia. Hầu hết người Phật tử tại
gia theo truyền thống Đại thừa được lưu lại danh tánh trên những bia ký hay sử
liệu, vẫn thường thực hành theo lời chỉ dạy của Đức Phật trong các kinh điển Nikāya và A-hàm. Việc tu tập chính của họ, ngoài việc giữ
gìn năm giới, tụng kinh, niệm Phật, là bố thí, cúng dường và hộ trì Tam bảo.
Nói như vậy không có nghĩa là người Phật tử tại gia,
nhất là Phật tử tại gia hiện nay với nhiều thuận duyên, không thể thực hành theo
những phương pháp Thanh văn-Duyên giác hay Phật thừa. Người Phật tử tại gia, dù
sống trong môi trường thế tục, nhưng nếu xác lập mục đích tu tập của mình và
thiết lập môi trường thuận lợi, cũng có thể hành trì những phương pháp tu tập
dành cho môi trường xuất gia. Trong lịch sử Phật giáo nói chung, người Phật tử
tại gia, lúc này lúc khác cũng có những bậc đại sĩ, hành Bồ-tát đạo và sống giữa
thế tục mà thoát tục. Và ngày nay, Phật tử tại gia của nhiều truyền thống Phật
giáo khác nhau trên thế giới cũng đang được hướng dẫn và hành trì những phương
pháp tu tập cho mục đích xuất thế, trong đó có thiền quán xuất thế và hành trì
mật chú. Một số Phật tử tại gia đang là những hành giả lỗi lạc. Tuy nhiên, cũng
cần nói thêm, bên cạnh những lợi ích do sự thực hành các phương pháp tu tập xuất
thế mang lại, sự phổ biến, thậm chí bình dân hóa những pháp hành xuất thế này đã
và đang làm biến dạng những phương pháp xuất thế của Phật giáo. Điều này đã được
một số vị Tăng sĩ cũng như cư sĩ Phật giáo lên tiếng cảnh giác.
Riêng về phương pháp tu tập của người Phật tử Việt Nam.
Khoảng mười năm trở về trước, nhìn chung, Phật tử tại gia được khuyên giữ gìn
năm giới, bố thí-cúng dường, về chùa tụng kinh-niệm Phật và nếu có thể phát
nguyện mỗi tháng dành một ngày về chùa thọ Bát quan trai giới. Trong các thời
khóa tụng niệm, thường tụng các kinh điển Đại thừa, niệm hồng danh chư Phật và
Bồ-tát và trì các mật chú được phiên âm tiếng Việt. Các thời khóa tụng niệm có
đủ tính chất Thiền, Tịnh và Mật. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, ngoài thực
hành theo những phương pháp tu tập trên, nhiều Phật tử tại gia được hướng dẫn
hành trì những phương pháp tu tập chuyên biệt. Hoặc chuyên trì niệm hồng danh
Đức Phật A Di Đà, hoặc chuyên tu tập thiền quán, hoặc chuyên hành trì mật chú.
Trong mỗi pháp môn tu tập, người Phật tử tại gia cũng được hướng dẫn và hành trì
theo nhiều phương cách tu tập khác nhau. Trong pháp môn trì niệm hồng danh Đức
Phật A Di Đà, có đạo tràng tu tập trì niệm “Nam mô A Di Đà Phật”, hoặc “Nam mô A
Mi Đà Phật”; có đạo tràng tu tập lược bỏ hai từ Nam mô, chỉ còn trì niệm “A Di
Đà Phật”, hoặc “A Mi Đà Phật”. Trong pháp môn tu tập thiền quán, có phương pháp
thuộc truyền thống Bắc tông, có phương pháp thuộc truyền thống Nam tông. Và
trong phương pháp hành trì mật chú, có phương pháp thuộc truyền thống Mật tông
Trung Hoa; có phương pháp thuộc truyền thống Mật tông Tây Tạng.
Phật tử có nhiều căn tánh khác nhau nên việc giảng dạy
và hướng dẫn hành trì theo nhiều phương pháp tu tập khác nhau là điều rất cần
thiết. Và đối với nhiều căn tánh, việc hành trì chuyên nhất một pháp môn mang
lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, với sự đa dạng pháp hành như hiện nay, người Phật
tử tại gia phải hiểu được tính xuyên suốt và nhất quán trong các pháp hành cũng
như xác định rõ căn tánh và mục đích tu tập của mình để luôn giữ tâm tôn kính
pháp môn tu tập của các truyền thống Phật giáo và chọn phương pháp tu tập phù
hợp với căn tánh của mình. Trước tiên, phải xác định mục đích tu tập của mình.
Nếu chúng ta chỉ tu tập để có phước báo nhân-thiên trong đời này và đời sau thì
thực hành theo những lời Phật dạy liên quan đến việc tu tập và tích tạo phước
đức nhân-thiên. Bên cạnh đó, chúng ta có thể thực hành theo một số phương pháp
tu tập khác để chuyển hóa dần những tâm tiêu cực như tâm tham, sân, si..., và
gieo nhân duyên xuất thế sau này. Khi tâm chúng ta ít tham, sân, si, chúng ta có
thêm hạnh phúc, an lạc theo hướng thiện lành. Nếu chúng ta muốn giải thoát luân
hồi sanh tử, thì trước phải xác định tại sao phải giải thoát sanh tử và giải
thoát là giải thoát cái gì. Giải thoát sanh tử là giải thoát thống khổ của ba
cõi, có thể ngay trong đời này hoặc nhiều đời sau. Không chỉ những khổ đau của
địa ngục, ngạ quỹ và súc sanh, mà theo ý nghĩa tuyệt đối, cả những hạnh phúc thế
gian và hạnh phúc của chư Thiên cũng là những hình thức của khổ đau. Hiểu được
những nỗi thống khổ của ba cõi-sáu đường mà chúng ta, từ vô lượng kiếp cho đến
bây giờ, đã và đang phải chịu đựng, thì mới sanh tâm nhàm chán và yểm ly ba cõi.
Sau khi khởi tâm nhàm chán và yểm ly khổ đau trong ba cõi, chúng ta chọn cho
mình một phương pháp tu tập phù hợp nhất để hành trì. Muốn chọn cho mình pháp
môn phù hợp phải hiểu rõ căn tánh của mình. Cần phải hiểu rằng, chúng ta, từ vô
lượng kiếp, đã tạo ra vô số nghiệp nhân sanh tử, nên để chuyển hóa nghiệp quả
sanh tử của quá khứ và chấm dứt nghiệp nhân sanh tử trong hiện tại phải có nhiều
thời gian tu tập và chuyển hóa. Với bậc thượng trí đã trồng căn lành từ nhiều
đời, có vị chỉ nghe qua lời dạy của Phật, có thể chứng đắc Thánh quả A-la-hán;
có vị tu tập vài ngày, có thể chứng đắc Thánh quả A-la-hán… Chúng ta phải tự
biết căn tánh của mình để điều hòa trong sự tu tập. Sự tu tập để giải thoát sanh
tử không chỉ một đời, mà có thể nhiều đời. Tuy nhiên, phương pháp tu tập xuất
thế không phù hợp đối với phần nhiều Phật tử tại gia. Vì trong phương pháp tu
tập xuất thế, việc đầu tiên là hành giả phải nhàm chán và yểm ly ba cõi, trong
đó có nhàm chán và yểm ly những hạnh phúc gia đình và thế tục. Nếu chúng ta còn
nhiều duyên nghiệp thế tục thì khó có thể thực hành theo phương pháp tu tập này.
Hoặc nếu chúng ta chỉ muốn giải thoát sanh tử trong ý nghĩa là muốn giải thoát
những khổ đau của khổ khổ hằng ngày như bệnh tật, già nua… nhưng vẫn bám chấp
vào những hạnh phúc thế tục và cả những trạng thái hỷ lạc của các tầng thiền
định, thì chúng ta vẫn chỉ mãi lang thang bên bờ sanh tử.
Phương pháp tu tập xuất thế của Thanh văn-Duyên giác
thừa nhấn mạnh đến
Tuệ giải thoát. Phải có tuệ giác giải
thoát mới thấy được thực tướng của các pháp. Và chỉ khi nào thấy rõ thực tướng
của các pháp, vượt qua nhị nguyên đối đãi, đi trên con đường trung đạo, thì khi
ấy mới không còn bám chấp vào các pháp và không còn tạo nghiệp nhân sanh tử.
Không còn tạo nghiệp nhân sanh tử thì sẽ không còn nghiệp quả sanh tử. Sự thấu
rõ thật tướng của các pháp, theo kinh điển Nikāya
và A-hàm, là thực chứng duyên sinh-vô ngã của các pháp, và theo kinh điển Đại
thừa, là thực chứng Tánh không của các pháp. Phương pháp tu tập của Phật thừa
nhấn mạnh đến Bồ-tát đạo. Tu hạnh Bồ-tát là tu tập trí tuệ và từ bi. Có trí huệ hay
tuệ giải thoát, Bồ-tát thấy được thực tướng của các pháp, nên khi dấn thân vào
đời, Bồ-tát không bị đắm nhiễm. Có từ bi, Bồ-tát không rời bỏ chúng sanh mà vào
Niết-bàn. Từ bi của Bồ-tát là từ bi không còn phân biệt. Để có tâm vô phân biệt,
Bồ-tát phải có tuệ giác. Đó là con đường nhập thế nhưng xuất thế của Phật-Bồ tát
và Duyên giác-Thanh văn.
Dù có nhiều phương pháp tu tập khác nhau nhưng tất cả
phương pháp tu tập xuất thế của các tông phái Phật giáo đều nhằm giúp hành giả
đoạn trừ tham, sân, si bằng cách thấy rõ thật tướng duyên sinh, vô ngã của các
pháp. Như thiền Minh sát tuệ. Phương pháp tu tập thiền quán này được thực hành
phổ biến tại các nước Phật giáo Nam tông và đã được truyền đến Việt Nam. Thiền
Minh sát tuệ sử dụng phương pháp chánh niệm-tỉnh giác trên thân và tâm. Theo
kinh Tứ niệm xứ, chánh niệm-tỉnh giác là chánh
niệm hay quán niệm trên thân, thọ, tâm, pháp. Trong mỗi pháp quán niệm, có nhiều
đề mục để tu tập. Và để có chánh niệm trên các đề mục, có hành giả thực hành
theo phương pháp tọa thiền, có hành giả thực hành theo phương pháp hành thiền.
Tuy nhiên, chỉ cần chánh niệm thuần thiện trên một hay vài đề mục, hành giả có
thể đoạn dần tham, sân, si và dần dần thấy biết được thực tướng của các pháp là
vô thường, là khổ, là vô ngã. Hay như phương pháp hành trì mật chú và các nghi
quỹ Mật tông theo truyền thống Tây Tạng. Mật tông Tây Tạng có nhiều phương pháp
tu tập khác nhau, trong đó có phương pháp tu tập thiền quán về Tánh không. Ở
đây, chỉ xin nói về phương pháp hành trì mật chú và nghi quỹ. Đối với những hành
giả chân chánh, việc hành trì mật chú và các nghi quỹ cũng chỉ nhằm mục đích
phát triển trí tuệ, cụ thể là trí tuệ về tánh không, và từ bi. Một câu hay bài
mật chú thường liên hệ đến một Đức Phật hay một vị Bồ-tát. Ví dụ mật chú
“Án-ma-ni-bát-di-hồng” là mật chú liên hệ đến Bồ-tát Quán Thế Âm. Khi hành trì
mật chú này, hành giả quán tưởng bổn tôn và công hạnh của Bồ-tát Quán Thế Ấm.
Bồ-tát Quán Thế Âm là Bồ-tát biểu tượng của lòng từ bi. Bồ-tát Quán Thế Âm cũng
là Bồ-tát Quán Tự Tại. Bồ-tát Quán Tự Tại là Bồ-tát biểu tượng cho trí tuệ tánh
không. Nên khi quán tưởng công hạnh của Ngài, hành giả luôn giữ tâm hướng đến từ
bi và trí tuệ của Bồ-tát Quán Thế Âm. Nhờ thường xuyên quán tưởng và tu tập theo
công hạnh của Bồ-tát Quán Thế Âm, hành giả phát triển trí tuệ và từ bi. Về các
nghi quỹ, ví dụ nghi quỹ cúng dường Mạn-đà-la. Có những nghi quỹ cúng dường
Mạn-đà-la kéo dài nhiều ngày với sự tham dự của nhiều cao tăng Phật giáo, trong
đó có Đức Đạt-lai lạt-ma. Trong nghĩ quỹ cúng dường Mạn-đà-la, có phần tôn tạo
hình Mạn-đà-la. Mạn-đà-la được tôn tạo rất công phu, tỉ mỉ và đòi hỏi người tham
gia phải có sự tập trung rất cao, nhưng khi phá hủy Mạn-đà-la, lại phá hủy rất
nhanh và phá hủy một cách chẳng có gì phải lưu luyến. Bằng cách này, giúp hành
giả ý thức rằng Mạn-đà-la này, dù được tôn tạo rất tỉ mỉ và đẹp, cũng chỉ là do
duyên mà thành, tánh của nó vốn không, chẳng có gì đáng để phải bám víu. Nhờ
vậy, giúp hành giả phát triển sự thấy biết về tính duyên khởi và tánh không của
các pháp. Các phương pháp tu tập xuất thế khác của Phật giáo nói chung và Phật
giáo Việt Nam nói riêng cũng nhằm giúp hành giả phát triển trí tuệ và từ bi.
Như vậy, chúng ta thấy rằng tất cả những phương pháp tu
tập của Phật giáo đều hướng đến sự thiện lành và giải thoát. Và các phương pháp
tu tập xuất thế nhằm mục đích đoạn trừ tham, sân, si; thấy rõ thực tướng của các
pháp và giải thoát sanh tử. Có thể nói rằng những phương pháp tu tập không có
khả năng giúp hành giả đoạn trừ tham, sân, si, và thấy được thực tướng duyên
sinh-vô ngã của các pháp thì phương pháp đó không phải là phương pháp tu tập
xuất thế của Phật giáo. Đây là đặc tính nhất quán và xuyên suốt trong tất cả
phương pháp tu tập xuất thế của Phật giáo.
Sở dĩ, chúng tôi trình bày nhiều về phương pháp tu tập
xuất thế, mặc dù tiêu đề nói về phương pháp tu tập của người Phật tử tại gia, là
tại vì chúng tôi nhận thấy hiện nay nhiều Phật tử tại gia muốn tu theo phương
pháp để giải thoát sanh tử nhưng không hiểu hết ý nghĩa của việc giải thoát sanh
tử. Chính vì không hiểu giải thoát sanh tử là giải thoát những gì nên mặc dù
đang tu tập theo phương pháp để có phước báo nhân thiên mà cứ nghĩ mình đang tu
tập theo phương pháp xuất ly ba cõi. Từ đó, những Phật tử này hay những đạo
tràng tu tập này chỉ tu tập một thời gian ngắn và có được một số trạng thái an
lạc, vội cho rằng mình đã tiến gần đến việc giải thoát hoặc đã giải thoát. Cách
hiểu này làm hạ thấp giá trị của phương pháp tu tập xuất thế và mục đích xuất
thế của Phật giáo. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng hiện nay, với sự đa dạng trong
phương pháp tu tập, nhiều Phật tử tại gia không thấy được tính nhất quán và
xuyên suốt trong các quán môn tu tập nên rất hoang mang khi phải chọn cho mình
một pháp tu trong nhiều pháp tu. Bởi phương pháp nào cũng được nghe dạy là đúng
nhất và cao nhất. Một số Phật tử khác lại rơi vào bám chấp cực đoan phương pháp
tu tập của mình. Họ khăng khăng cho rằng phương pháp mình đang thực hành là phù
hợp với tất cả mọi căn tánh, hoặc là con đường duy nhất đưa đến giác ngộ, giải
thoát, rồi sanh tâm chê bai hoặc chỉ trích các pháp môn tu tập khác của Phật
giáo. Một số Phật tử khác nữa, sau một thời gian tu tập, có được trạng thái hỷ
lạc hay phước báo vật chất nhờ thiền định hay trì niệm mang lại, lại bám chấp
vào những trạng thái hỷ lạc và phước báo này. Những biểu hiện này đều là những
biểu hiện của trạng thái tâm tiêu cực hoặc chưa liên hệ với mục đích giải thoát
sanh tử. Bởi vì tu tập là để đoạn dần tham, sân, si, chứ không phải tu tập để
bám chấp vào pháp tu của mình và cho rằng pháp tu của mình là cao, là đúng, còn
pháp tu kia là thấp, là sai. Và đã xác định mục đích giải thoát sanh tử, thì
những trạng thái hỷ lạc hay phước báo đó chỉ thuộc phước báo và hạnh phúc thế
gian hoặc ba cõi.
Tất cả phương pháp tu tập và sự tu tập chỉ là phương tiện
và cách sử dụng phương tiện. Người hiểu rõ phương tiện và sử dụng đúng phương
tiện thì sẽ đi đến nơi cần đến. Quan trọng là có đến được nơi cần đến hay không,
chứ không phải sử dụng phương tiện nào và sử dụng phương tiện như thế nào. Người
biết tu tập là người có thể “chuyển” được phương pháp tu tập, chứ không phải để
phương pháp tu tập “chuyển” người tu. Như lời Lục tổ Huệ Năng dạy thầy Pháp Đạt,
tụng kinh Pháp hoa là phải “chuyển” kinh
Pháp hoa, chứ không phải bị kinh Pháp
hoa “chuyển”. Bị Pháp hoa chuyển
thì dù bảy năm chuyên ròng trì tụng kinh Pháp hoa như thầy Pháp Đạt, theo lời dạy của Lục tổ Huệ Năng, thì
cũng chẳng có ích gì cho việc giải thoát sanh tử.
Kết
luận
Những gì người viết trình bày ở trên không nhằm mục đích
phân biệt cao thấp trong phương pháp tu tập của người xuất gia và tại gia. Người
viết chỉ mong muốn chia sẻ một số suy nghĩ và hiểu biết về phương pháp tu tập
của Phật giáo và một số phương pháp tu tập liên quan đến người Phật tử tại gia.
Để từ đó, nếu Phật tử hữu duyên đọc được bài viết này có vài gợi ý để có cái
nhìn xuyên suốt và nhất quán trong các phương pháp tu tập của Phật giáo, và để
hiểu căn tánh cũng như duyên nghiệp của mình mà chọn phương pháp tu tập phù hợp
nhất.
Thích Nguyên
Lộc