Khoa học và Phật giáo trước ngã tư đường: Duyên khởi, và tính bất khả phân của hiện tượng
o
Trịnh Xuân Thuận
Ý niệm về duyên khởi là cái nhìn
trung tâm của Phật giáo về bản chất của thực tại. Nó chỉ rõ rằng
“không có gì hiện hữu một cách tự thân, hoặc do bởi chính nó.” Một vật thể chỉ
có thể được xác định do bởi những vật thể khác và chỉ hiện hữu trong mối liên hệ
cùng nhau. Nói một cách khác, cái này sanh bởi vì cái kia sanh. Duyên khởi là tất yếu trong sự
xuất hiện của hiện tượng giới.
Trung Đạo
Kinh
nghiệm sống hàng ngày khiến chúng ta cho rằng mọi sự vật đều sở hữu một cái gì
đó có thực, độc lập khách quan có vẻ như là chúng hiện hữu bởi chính nó với
những bản sắc tự thân. Thế nhưng Phật giáo quan niệm rằng cách nhìn thế giới hiện
tượng như vậy chẳng qua chỉ là do tâm tạo. Họ gọi sự nhận thức về một hiện tượng
riêng biệt do những nhân và duyên biệt lập tạo nên là “tục đế” hay “huyễn ảo”.
Thay vào đó, Phật giáo đưa ra ý niệm về luật nhân quả hổ tương: một sự kiện chỉ
có thể xảy ra bởi vì nó nương tựa vào những yếu tố khác. Bởi
vì tất cả mọi sự vật đều là một bộ phận của cái toàn thể, thế nên không cái gì
có thể xảy ra một cách riêng rẽ. Bất cứ một sự vật nào
trên thế giới này chỉ có thể xuất hiện bởi vì nó được nối kết, duyên sanh và thế
rồi trùng trùng duyên khởi, cùng có mặt, cùng vận hành trong một dòng chuyển
biến không ngưng nghỉ.
Cái khía cạnh vi tế nhất của duyên khởi liên quan đến mối
liên hệ giữa “danh” và “danh tướng” của một sự vật. Danh tướng của một vật thể bao gồm vị trí, chiều kích, hình dáng,
màu sắc hay bất cứ những đặc tính nào có thể trông thấy được. Tập hợp lại
cùng nhau, chúng tạo nên cái “danh” của vật thể, tức là một sản phẩm tâm tạo gán
cho một thực tại cá biệt của một vật thể nào đó. Trong đời sống hàng ngày, khi chúng ta trông thấy một vật thể, chúng
ta không hề bị ấn tượng bởi sự hiện hữu của nó mà là cái giả danh của vật thể đó. Bởi vì chúng ta cảm nghiệm nó, Phật giáo không hề cho rằng nó không
hiện hữu. Tuy nhiên họ cũng không bảo rằng nó có một thực tại tự thân.
Phật giáo đưa ra quan điểm rằng vật thể hiện hữu (như thế tránh được chủ nghĩa
hư vô đoạn kiến mà Tây phương thường nhầm lẫn gán cho Phật giáo), tuy nhiên hiện
hữu này là thuần túy duyên khởi. Đây là cái mà Đức Phật
gọi là Trung Đạo.
Một hiện tượng giới không có một hiện hữu độc lập thế nhưng cũng không hoàn toàn
phi hữu, có thể hoạt động và hành xử chức năng đúng theo
luật nhân quả.
Tính phi-cục-bộ của thế giới lượng tử
Một
ý niệm gây ấn tượng tương tự như duyên khởi của Phật giáo đó là khái niệm về
tính “bất khả phân” hay “phi-cục-bộ” trong Cơ học lượng tử được khám phá qua một
cuộc thí nghiệm tưởng tượng nổi tiếng do Einstein, Podolsky và Rosen (EPR) đưa
ra vào năm 1935 trong một nỗ lực muốn chứng tỏ rằng xác suất lý giải về cơ học
lượng tử là sai lầm và học thuyết này như vậy là chưa hoàn chỉnh. Thí nghiệm này
có thể được mô tả lại một cách giản dị như sau: Tưởng tượng ra một hạt phân hủy
một cách tự phát thành ra 2 photon A và B. Luật đối xứng nêu rõ rằng chúng sẽ di
chuyển ngược chiều nhau. Nếu A đi về hướng Tây, chúng ta sẽ khám phá ra B đi về hướng Đông. Tất cả có vẻ như bình thường, tuyệt hảo.
Thế nhưng đó là ta đang quên đi tính chất kỳ lạ của thế giới lượng tử.
Cũng giống như Janus, ánh sáng mang hai mặt khác nhau. Nó có
thể là sóng hay hạt. Trước khi bị khám phá bởi máy dò, lý thuyết lượng tử
cho ta biết rằng A xuất hiện dưới dạng sóng. Luồng sóng này không được cục bộ
hóa, đã không có một xác suất cho thấy rằng A có thể
được tìm thấy ở bất cứ hướng nào. Chỉ khi bị bắt gặp, A mới “biết” là nó đang di chuyển về hướng Tây. Thế nhưng,
nếu như A đã không “biết” được trước khi bị khám phá là mình đi về hướng nào thì
làm sao B có thể “đoán” được A đang làm gì để có thể điều chỉnh cách ứng xử cho
phù hợp để được bắt gặp vào cùng một thời điểm ở hướng đối diện của A? Đây là
điều khó có thể xảy ra trừ phi A thông báo cho B một
cách đồng bộ về phương hướng mà nó đang đi. Điều này hàm ý rằng có một tín hiệu
ánh sáng được phóng ra ở một tốc độ vô hạn, và như vậy hoàn toàn trái ngược với
luật tương đối tổng quát. Bởi vì không hề có chuyện “Thượng Đế phóng ra những
tín hiệu cảm ứng từ xa” cũng như không thể có “hành động quỷ ma nào ở gần”,
Einstein kết luận rằng cơ học lượng tử đã không cung cấp một sự mô tả hoàn chỉnh
về thực tại, rằng A phải “biết” hướng nào mình sẽ đi đến và “báo” cho B biết
trước khi tách rời nhau. Ông nghĩ rằng mỗi hạt đều có chứa
“những ẩn số” mà cơ học lượng tử đã không nắm được điều này, thế nên nó không
hoàn chỉnh.
Trong gần 30 năm, thí nghiệm EPR vẫn
được xem như là một thí nghiệm tưởng tượng bởi vì những nhà vật lý đã không biết
phải làm thế nào để thực hiện nó. Mãi cho đến năm 1964 thì nhà vật lý
học John Bell mới tìm ra một phương cách để đưa cái ý tưởng chính yếu của EPR từ
nghiên cứu trừu tượng thành một dự trình có thể kiểm chứng được trong phòng thí
nghiệm. Ông đưa ra một định lý toán học, bây giờ được gọi là “Bất đẳng thức
Bell”, có thể kiểm chứng được bằng thí nghiệm nếu như những hạt thực sự đã có
chứa những ẩn số. Vào đầu thập niên 80, nền khoa học kỹ thuật cuối cùng đã chín
mùi đủ để cho nhà vật lý Alain Aspect và những người trong nhóm của ông tại
Paris có thể thực hiện một loạt những thí nghiệm trên một cặp photon “tương tác”
nhau -tức là những photon có những tác động qua lại với nhau- Họ khám phá rằng
Bất đẳng thức Bell luôn luôn bị vi phạm. Điều này chứng minh rằng đã không có những ẩn số và như vậy có nghĩa
là Cơ học lượng tử đã đúng và Einstein sai lầm. Trong
những thí nghiệm của Aspect, photons A và B được giữ cách xa nhau 12m, và người
ta thấy B luôn luôn “biết” ngay lập tức những gì A đang làm và có những phản ứng
tương xứng. Những nhà vật lý cũng đảm bảo rằng không có một tín hiệu ánh
sáng nào có thể được trao đổi giữa A và B, bởi vì những đồng hồ nguyên tử được
gắn vào những máy dò nhằm khám phá A và B, cho phép họ đo lường được thời điểm
đến của từng photon một cách cực kỳ chính xác. Sự cách biệt giữa hai thời điểm
đến của hai photons chưa đến 10 phần tỷ giây –trong thực tế là zero, bởi vì
những đồng hồ nguyên tử hiện nay chỉ mới cho phép ta đo đến mức 10^-10 giây. Bây
giờ, trong khoảng 10^-10 giây đó, ta biết được rằng ánh sáng chỉ mới di chuyển
được 3cm, ngắn hơn là khoảng cách 12m giữa A và B. Hơn thế nữa, người ta vẫn có
cùng kết quả nếu như khoảng cách giữa hai photon “tương tác” này được gia tăng.
Trong một thí nghiệm gần đây nhất do nhà vật lý Nicolas và những đồng sự của ông
thực hiện tại Geneva vào năm 1998, hai photons được giữ cách xa nhau 10km, thế
nhưng những ứng xử của chúng vẫn tương quan tuyệt hảo. Đây sẽ chỉ là một điều nghịch lý khi nào, như Einstein suy nghĩ,
chúng ta cho rằng thực tại đã được cắt ra và cục bộ hóa trong mỗi photon.
Vấn nạn này sẽ không còn nữa khi chúng ta nhìn nhận rằng A và B, một khi đã
tương tác cùng nhau, trở thành một bộ phận của một thực tại bất khả phân, không
cần biết đến chúng cách xa nhau bao nhiêu, ngay cả mỗi hạt ở mỗi đầu vũ trụ.
A không cần phải gởi tín hiệu đến cho B bởi vì chúng cùng chia xẻ chung một thực
tại. Ngành Cơ học lượng tử như thế đã loại trừ mọi ý
tưởng về cục bộ và mang đến cho ta một cái nhìn tổng thể về không gian.
Với hai cái photons tương tác này, ý niệm về “nơi này” và “chỗ kia” trở thành vô
nghĩa bởi vì “nơi này” cũng chính là “chỗ kia”. Đó là những gì mà nhà vật lý gọi là “tính bất-khả-phân” hay
“phi-cục-bộ” của không gian.
Điều này cũng tương tự với ý niệm duyên sanh, duyên khởi của
thế giới hiện tượng trong Phật giáo.
Thí nghiệm đồng hồ quả lắc của Foucault và tính duyên khởi của thế giới
vĩ
mô
Một
thí nghiệm vật lý hấp dẫn và nổi tiếng khác cho thấy tính duyên khởi của hiện
tượng không phải chỉ giới hạn trong thế giới của các hạt nhưng lan rộng ra đến
cả toàn thể vũ trụ là thí nghiệm về quả lắc được thực hiện bởi nhà vật lý Léon
Foucault vào năm 1851 tại điện Panthéon, Paris nhằm giải thích về việc Trái Đất
quay. Tất cả chúng ta hầu như ai cũng đều biết đến đặc tính
của quả lắc. Với thời gian trôi, phương hướng của quả lắc cũng thay đổi
theo. Nếu ta bắt đầu cho nó lắc theo
hướng bắc-nam, chỉ vài giờ sau nó sẽ lắc theo hướng đông-tây. Nếu cái đồng hồ
quả lắc này được đặt ở Bắc hay Nam cực, nó sẽ quay đủ một vòng 24 tiếng đồng hồ
(tại Paris, do ảnh hưởng của vĩ độ, cái đồng hồ quả lắc
của Foucault chỉ thực hiện được một phần của vòng quay trong ngày).
Foucault nhận thức rằng, trong thực tế, cái quả lắc đã lắc cùng một hướng, chỉ
có Trái Đất là đang quay.
Tuy nhiên vẫn còn một vấn đề nan giải mà mãi cho đến nay người ta vẫn chưa hiểu được rõ
ràng. Cái quả lắc của đồng hồ được thiết trí cố định trong một
không gian, nhưng mà cố định tương ứng đối với cái gì? Chúng ta biết rằng
cái đồng hồ quả lắc được gắn vào trong một tòa nhà và toà nhà này thì dính vào
Trái Đất. Trái Đất mang chúng ta di chuyển với vận tốc 30km/giây một vòng chung
quanh Mặt Trời và Mặt Trời thì cũng đang quay trong không gian với một vận tốc
230km/giây trên quỹ đạo chung quanh trung tâm của giải Ngân Hà, mà chính nó cũng
đang chuyển động hướng đến giải thiên hà Andromeda với vận tốc khoảng chừng
90km/giây. Nhóm Địa Phương (Local Group) của những thiên hà, trong đó những quần
tụ hùng vĩ nhất như là Galaxy và Andromeda, cũng đang di chuyển với vận tốc
600km/giây dưới sức hút trọng lực của nhóm Virgo và siêu nhóm Hydra-Centaurus. Thế nhưng nhóm sau này lại cũng đang quay hướng về Great Attractor,
một quần tụ tương đương với hàng chục ngàn giải thiên hà. Như vậy cái quả
lắc đồng hồ của Foucaults đã được điều khiển bởi cái
nào trong những cơ cấu này? Để tìm hiểu xem thiên thể nào đã điều khiển cái quả
lắc của đồng hồ Foucault, việc giản dị là chúng ta đặt con lắc hướng về phía
thiên thể đó. Nếu như thiên thể đó đang di động trong bầu trời, mà vẫn luôn luôn
nằm ở trong hướng chỉ của con lắc, ta có thể kế luận rằng thiên thể đó là tác
nhân chính trong sự vận hành của con lắc. Bây giờ chúng ta hãy để con lắc hướng
về phía Mặt Trời. Sau một tháng, ngôi tinh cầu này đã chệch ra
khỏi hướng của quả lắc 15 độ. Bây giờ chúng ta quay quả lắc về hướng ngôi
sao gần nhất, Proxima Centauri, cách xa khoảng 4 năm ánh sáng.
Ngôi sao này lưu lại trong hướng chỉ của quả lắc lâu hơn, nhưng chỉ được vài năm,
kết quả cũng giạt đi. Giải thiên hà Andremoda, cách chúng ta 2.3 triệu
năm ánh sáng, cũng đi giạt ra khỏi hướng nhưng chậm hơn. Thời gian duy trì trong
hướng chỉ của con lắc lâu hơn và độ chệch cũng trở nên nhỏ hơn nếu khoảng cách
đến thiên thể càng lớn hơn. Và rồi chỉ có những thiên hà có khoảng cách lớn nhất,
tọa lạc tận cùng bờ mép của vũ trụ mà chúng ta có thể biết được, cách xa ta đến
hàng tỉ năm ánh sáng là không hề đi ra khỏi hướng chỉ của con lắc.
Kết luận mà chúng ta rút ra được từ thí nghiệm này rất mực
đặc biệt: Hoạt động của con lắc đồng hồ Foucault không hề dựa vào thái dương hệ
này mà là vào những giải thiên hà xa nhất, hay nói một cách đúng đắn hơn, vào
toàn thể vũ trụ, điều này cho thấy rằng hầu như tất cả vật chất biểu kiến được
tìm thấy trong những giải thiên hà xa xôi nhất mà không phải là những tinh tú
gần ta. Như thế cái gì xảy ra ở đây, trên Trái Đất này, đều
được quyết định bởi cả toàn thể vũ trụ bao la. Cái gì xuất hiện trên ngôi
hành tinh nhỏ bé này đều nương tựa vào toàn thể cấu trúc của vũ trụ.
Tại sao cái quả lắc đồng hồ lại ứng
xử như vậy? Giống như thí nghiệm EPR buộc chúng
ta chấp nhận rằng những tương tác hiện hữu trong thế giới
vi mô vốn khác biệt với những gì được mô tả bởi khoa
vật lý mà ta biết, cái đồng hồ quả lắc Foucault cũng hành xử tương tự như thế
đối với thế giới vĩ mô. Những tương tác như thế không hề đặt cơ sở trên một lực
hay một sự trao đổi năng lượng, và chúng nối kết với toàn thể vũ trụ. Một lần
nữa, chúng ta lại đi đến một kết luận rất gần gũi với ý niệm về duyên khởi của Phật giáo: mỗi bộ phận đều
chứa đựng cái toàn thể, và mỗi bộ phận đều nương tựa vào tất cả các bộ phận khác.
Tánh Không hay là sự vắng mặt của một thực tại tự thân
Ý niệm về duyên khởi dẫn ta đi thẳng đến một cái ý niệm quan
trọng thứ ba của Phật giáo (hai cái kia là vô thường và
duyên khởi): đó là “Tánh Không” hay “trống rỗng”. “Tánh không” ở đây không nên
hiểu là “trống không”, “hư không” hay “vắng mặt của thế giới hiện tượng” như các
nhà chú giải Tây phương trước đây quan niệm, nhưng là một vắng mặt của hiện hữu
tự thân. Phật giáo không hề tán thành bất cứ hình thái nào của
chủ nghĩa hư vô.
Tánh không chẳng hề mang ý nghĩa là không hiện hữu.
Nếu bạn đã không thể bàn về thực hữu thì bạn cũng không thể nói về phi hữu.
Thế nên theo
Phật giáo, tìm hiểu về bản chất phi thực của vạn pháp là một bộ phận thiết yếu
trên hành trình tâm linh. Tánh không như vậy không phải chỉ là
bản tánh chân thật của thế giới hiện tượng, mà còn ẩn chứa tiềm năng cho phép sự
biểu hiện của cái thế giới thiên hình vạn trạng đó. Thánh giả Long Thọ
của Phật giáo trong thế kỷ thứ hai đã nói: “Khi đã là không thì không có gì là
không có” hay như một câu kinh nổi tiếng trong Bát Nhã Tâm Kinh: “Sắc tức thị
không, không tức thị sắc”. Nếu thực tại là thường hằng bất biến thì tất cả phẩm tánh của chúng
cũng thế, chẳng có gì thay đổi. Như vậy, thế giới hiện tượng đã không thể hiện bày. Tuy nhiên
do bởi vạn pháp không hề có một thực tại tự thân, chúng có thể hiện bày ra muôn
vẻ.
Về vấn đề vắng mặt của một thực tại tự thân, khoa vật lý
lượng tử một lần nữa cũng đã có những phát biểu tương tự khá đậm nét. Theo Bohr
và Heisenberg, những nhân vật nhiệt thành ủng hộ của cái gọi là “Chú giải
Copenhagen” về cơ học lượng tử, thì bây giờ chúng ta không còn có thể xem nguyên
tử (atoms) và điện tử (electrons) như là những thực thể với những phẩm tánh xác
định cụ thể, chẳng hạn như tốc độ, vị trí, vạch ra đồng đều trên những quỹ đạo
xác định rõ. Ngược lại chúng ta phải xem chúng như là bộ phận của một thế giới
được cấu thành bởi những tiềm lực chứ không phải là những vật thể hay sự kiện.
Ánh sáng và vật chất có thể được xem là không có thực tại tự thân bởi vì chúng
mang tính chất lưỡng tánh: có thể xuất hiện dưới dạng sóng hay hạt tùy
theo
thiết bị đo lường. Cái hiện tượng chúng ta gọi là “photon” sẽ là một luồng sóng
khi chúng ta tắt hết máy đo và không quan sát nó. Nhưng ngay lập tức khi ta cho
thiết bị hoạt động làm công việc đo lường, nó lại xuất hiện như là một hạt.
Những mặt của hạt và sóng không thể cách ly được. Ngược
lại, chúng bổ túc lẫn nhau. Đó là điều mà Bohr gọi là
“nguyên lý bổ túc”. Như thế, ngay trong bản tánh thực sự của ánh sáng và
vật chất cũng đã tùy thuộc vào những mối liên hệ duyên khởi. Nó không còn là một
tự thân mà thay đổi tùy theo sự tương tác giữa người
quan sát và vật thể được quan sát. Như thế nói đến thực tại tự
thân của một hạt, hay là cái thực tại mà nó sở hữu khi không được quan sát là
điều hoàn toàn vô nghĩa bởi vì chúng ta không hề nắm bắt được nó. Và như
vậy, theo Bohr, cái ý niệm về “nguyên tử” chẳng qua chỉ là một hình ảnh tiện
dụng giúp cho những nhà vật lý tổng hợp những quan sát khác nhau về thế giới
hạt, thành một phối hợp chặt chẽ, luận lý có hệ thống. Ông nhấn mạnh đến tính
bất khả vượt ra khỏi những kết quả của những thí nghiệm và đo lường: “Trong khi
mô tả về thế giới tự nhiên, mục đích của chúng ta không phải là để khám phá ra
bản chất thực của hiện tượng, mà chỉ nhằm theo dõi mối liên hệ giữa rất nhiều
khía cạnh của cuộc thí nghiệm, được chừng nào hay chừng nấy.”
Schrodinger cũng đã từng cảnh báo chúng ta chống lại một cái
nhìn thuần tuý vật chất về nguyên tử và những yếu tố cấu thành của chúng: “Tốt
nhất là không nên nhìn về hạt như là một thực thể bất biến, mà ngược lại như là
một sự kiện tức thời. Thỉnh thoảng những sự kiện tức thời này
được nối kết lại cùng nhau và tạo ra cái ảo tưởng về những thực thể bất biến.”
Ngành cơ học lượng tử như thế đã duyệt xét lại một cách cơ bản cái ý niệm của
chúng ta về một vật thể, khi cho nó phụ thuộc vào sự đo lường, hay nói cách
khác, vào một sự kiện. Cũng giống như trong Phật giáo, vạn
pháp không hiện hữu, chỉ có mối liên hệ của chúng là hiện hữu.
Trịnh Xuân Thuận,
Nguồn: tạp chí Tia sang
PSN