Tuệ giác và sự phục hồi sau tai biến mạch máu não*

tue giac

Tác Giả : TS Jill Bolte Taylor
Dịch Giả : TS Minh Tâm

Đôi dòng tâm sự

 

 

Mỗi bộ óc con người đều có một câu chuyện và sau đây là câu chuyện của bộ óc tôi... Hơn mười năm trước đây, tôi là giáo sư đại học y khoa Harvard, chuyên nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên về bộ óc của con người. Nhưng vào ngày 10 tháng 12 năm 1996, tôi đã học được bài học về não bộ từ chính bộ óc của mình.

 

Sáng hôm ấy, bản thân tôi đã trải qua một dạng “đứt mạch máu não” rất ít khi có, từ bán cầu trái của não bộ. Sự xuất huyết trầm trọng này là do một mạch máu não bất thường từ lúc sơ sinh đã không được khám nghiệm và cắt bỏ, nay thình lình vỡ ra. Trong bốn tiếng đồng hồ ngắn ngủi, với đôi mắt kinh nghiệm của một nhà nghiên cứu tế bào não bộ học, tôi đã chứng kiến bộ óc tôi từ từ băng hoại đến độ hoàn toàn tê liệt trong khả năng phân định các sự kiện diễn biến chung quanh. Đến cuối sáng hôm đó, tôi đã không còn có thể đi đứng, ăn nói, đọc viết hoặc nhớ lại những gì đã xảy ra từ trước trong đời. Nằm vo tròn như một thai nhi trong bụng mẹ, tôi cảm giác mình sắp chết, không còn chút hy vọng nào có thể sống sót để kể lại câu chuyện này cho bất kỳ ai.

 

Những điều cần biết về tai biến mạch máu não là một tài liệu khoa học được ghi lại theo thứ tự thời gian. Và cũng theo đó, từ vực thẳm vô hình của một đầu óc hoàn toàn rỗng lặng, tôi đã khám phá ra sự an tĩnh của nội tâm mà những nhà khoa học não bộ như tôi không mấy khi có dịp trải nghiệm. Như tôi được biết, đây là tài liệu lần đầu tiên được ghi lại từ một nhà tế bào thần kinh học, qua kinh nghiệm bản thân mình, sau khi đã phục hồi vì một cơn xuất huyết não trầm trọng. Tôi rất vui mừng vì tập tài liệu này cuối cùng đã được in ra và phổ biến khắp thế giới để mọi người có thể biết mà chạy chữa đúng lúc và đúng cách.

 

Hơn tất cả mọi thứ trên đời, tôi rất biết ơn Thượng đế đã cho tôi cơ hội sống còn và ca ngợi sư hiện hữu hôm nay. Ban đầu, tôi được khuyến khích để vượt qua bạo bệnh và phục hồi là nhờ vào những người có lòng gửi cho các lá thư tràn đầy tình yêu thương vô bờ bến. Rồi qua nhiều năm, tôi vẫn kiên trì trong nỗ lực phục hồi, do vì biết bao câu hỏi gửi đến chưa được trả lời. Như một phụ nữ trẻ đã gửi thư hỏi tôi rằng: Tại sao bà mẹ của cô khi bị tai biến mạch máu não mà không thể tự mình gọi điện thoại cấp cứu, nên đã phải chết? (Người Mỹ không có thói quen khi con cái đã trưởng thành mà còn ở chung nhà với cha mẹ.), hay một người đàn ông lớn tuổi khác, vẫn còn mãi đau buồn về cái chết của bà vợ, đã hỏi: Vì sao tai biến mạch máu não đã làm bà phải nằm mê man bất động cho đến khi qua đời? Rồi thư của những người chăm sóc bệnh nhân tai biến não hỏi tôi về đường hướng và hy vọng trong sự điều trị. Cho nên tôi đã quyết tâm hoàn tất tập tài liệu này cho 700 ngàn người bị tai biến não hằng năm trong xã hội ta. Chỉ cần một người đọc chương “Buổi sáng ngày bị tai biến” để nhận diện được triệu chứng nguy cấp, rồi gọi ngay cấp cứu - gọi liền chứ không nên trễ, để cứu một mạng người – thì những công sức tôi đã bỏ ra để viết quyển sách này kể như đã được đền bù xứng đáng. Quyển sách này đươc chia ra làm bốn phần:

 

Phần một nói về cuộc đời tôi trước khi xuất huyết não xảy ra. Bạn sẽ biết tại sao tôi lớn lên và quyết định thành một nhà khoa học về não bộ với tràn đầy nghị lực và lý tưởng. Tôi rất tích cực hoạt động trong lãnh vực này. Tôi là một giáo sư khoa não bộ học của đại học Harvard và là thành viên trẻ tuổi nhất trong ủy ban nghiên cứu về các bệnh thần kinh. Tôi đi khắp nước diễn thuyết về căn bệnh và cách trị liệu và kêu gọi những người bệnh khi qua đời thì thân nhân họ nên hiến bộ óc cho viện đại học để nghiên cứu.

 

Nếu bạn hiếu kỳ muốn biết thế nào là bị tai biến mạch máu não thì phần hai, “Buổi sáng ngày bị tai biến”, là chương bạn nên đọc. Trong phần này, tôi sẽ dẫn bạn qua một hành trình lạ thường để bạn thấy được những suy sụp từ từ về khả năng hiểu biết - cái biết hiện tại về sự vật chung quanh và cái biết về những điều đã học hỏi trong quá khứ - của người bị tai biến, dưới cái nhìn của một nhà khoa học. Khi não của tôi bị xuất huyết càng lúc càng nhiều thì tôi biết rằng đấy là sự mất mát và suy sụp của trí tuệ về phương diện sinh học. Còn về phương diện tế bào thần kinh học, phải thú nhận rằng tôi đã học được rất nhiều về não bộ và sự vận hành của nó trong buổi sáng xuất huyết này, nhiều như tôi đã học hỏi trong bao năm khoa bảng. Đến cuối buổi sáng hôm ấy, ý thức của não bộ còn lại - não bộ phải - đã đưa tôi sang một vùng nhận thức mới: tôi đã trở thành một với vũ trụ. Từ đó tôi mới hiểu được rằng tại sao với bộ óc vật chất này, người ta có thể đạt đến sự hiểu biết về những điều “thần bí” và “siêu hình”.

 

Nếu như bạn muốn giúp một người đã bị tai biến não hay do một tai nạn mà bị chấn thương ở não bộ, thì những chương về sự phục hồi là rất cần thiết và hữu ích - trong đó có hơn 50 lời gợi ý về những điều nên và không nên làm cho người bệnh. Tôi hy vọng bạn sẽ chia sẻ kiến thức này cho mọi người chung quanh khi họ cần đến.

 

Phần cuối, quyển sách cho thấy cơn xuất huyết này đã dạy tôi những điều mới lạ về bộ óc, bạn sẽ thấy rằng quyển sách này không hoàn toàn viết về tai biến mạch máu não. Nói cho chính xác hơn, tai biến não chỉ là một chấn thương khiến cho những hiểu biết mới về não bộ xuất hiện.

 

Quyển sách này cho thấy những nét đẹp và khả năng phục hồi của não bộ con người, do khả năng nội tại của nó không ngừng thay đổi và luôn thích ứng để tồn tại. Sau rốt cuốn sách cho thấy hành trình của nhận thức thuộc bán cầu phải của não bộ khi nó dẫn tôi vào cảnh giới an lành của vùng tâm thức sâu thẳm. Tôi đã phục hồi ý thức luận lý của bán cầu não trái để trình bày và giúp cho người đọc đạt đến cảnh giới an lành của vùng tâm thức thâm sâu mà không cần phải trải qua một cơn xuất huyết não như tôi. Hy vọng độc giả sẽ hài lòng trong cuộc du hành trí thức này.

 

CHƯƠNG 2

MỘT MÔN KHOA HỌC ĐƠN GIẢN

 

Thông thường, để cho hai người chúng ta có thể trao đổi với nhau về một vấn đề gì, trước hết chúng ta phải có một số ý niệm chung về thực trạng của vấn đề đó. Hơn nữa, hệ thống thần kinh của chúng ta cũng phải tương đương trong khả năng nhận xét và hiểu biết các dữ kiện từ ngoại cảnh, phân tích và kết nạp dữ liệu đó vào bộ óc, rồi cũng phải tương đồng trong cách biến hiểu biết đó ra thành ý nghĩ, lời nói, hay việc làm. Những cảnh “ông nói gà, bà hiểu vịt” không phải là không thường xảy ra.

 

Việc ra đời của sự sống là một biến cố đáng kể nhất. Từ sự xuất hiện một đơn bào sinh vật, một giai đoạn mới về cấu trúc sinh thể ở lĩnh vực tế bào đã xuất hiện. Những nguyên tử và phân tử trong tế bào kết tập nhau thành DNA và RNA có thứ lớp và không thể nhầm lẫn. Các tế bào này quần tụ với nhau và phát triển qua thời gian để sản sinh ra bạn và tôi và tất cả mọi loài. Ở mức độ cấu trúc DNA, chúng ta được cấu tạo tương tợ như loài chim, loài bò sát, loài lưỡng thê, loài động vật có vú, và ngay cả loài thực vật. Nhưng đứng về mặt sinh học, cơ thể chúng ta mặc dù đã được cấu tạo rất phức tạp, vẫn chưa phải là hoàn hảo và cố định, mà là còn đang trên đà phát triển. Chẳng hạn như não bộ đã và đang thay đổi không ngừng. Não bộ của tổ tiên ta từ bốn ngàn năm trước không giống như não bộ của con người ngày nay. Chỉ riêng sự phát triển về ngôn ngữ đã làm thay đổi từ hình thể đến cấu trúc hệ thống tế bào não bộ.

 

Hầu hết những nhóm tế bào khác nhau của cơ thể đều sinh ra và chết đi trong vài tuần hoặc vài tháng, rồi được thay thế bằng những tế bào mới, các tế bào não lại không như thế, kể từ khi chúng được sinh ra. Có nghĩa là các tế bào não của bạn ngày nay cũng “già đi” theo số tuổi của bạn. Sự sống không bao giờ chết của tế bào não cắt nghĩa phần nào cái cảm giác của ban: dù đã 50 hay 70 tuổi, bạn vẫn ngỡ mình đang là 15 hay 20!

 

Số lượng tế bào thần kinh trong bộ óc con người không thay đổi, nhưng sự “tiếp xúc” giữa các tế bào thì thay đổi, tùy theo sự học hỏi và kinh nghiệm sống của mỗi cá nhân. Hệ thống tế bào thần kinh của con người thật năng động và tuyệt vời, với con số tế bào ước khoảng một ngàn tỉ. Để có ý niệm một ngàn tỉ tế bào óc là bao nhiêu, thì hãy nhớ rằng dân số toàn thế giới hiện nay là 6 tỉ. Nhân con số 6 tỉ dân này lên 166 lần, thì bạn có được con số một ngàn tỉ tế bào đang chen chúc trong cái sọ bé nhỏ của mỗi con người chúng ta, với trọng lượng trung bình của não bộ không hơn 1,5 kg. Dĩ nhiên con người chúng ta không phải chỉ có não bộ. Còn có thân thể nữa. Trung bình, cơ thể một người trưởng thành gồm chứa khoảng 50 ngàn tỉ tế bào. Có nghĩa là số tế bào trong một cơ thể gấp 8.333 lần tổng dân số trên toàn thế giới. Thật là kỳ diệu: những tế bào xương, tế bào thịt, tế bào tạng phủ..., làm sao chúng có thể điều phối và hoạt động nhịp nhàng với nhau để tạo thành một cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh và không bao giờ bệnh tật? Cho nên nếu bạn có mang bệnh, đừng lấy làm lạ!

 

Sự tiến hóa về phương diện sinh học thường bắt đầu từ thô sơ lên đến phức tạp. Để bảo đãm sự kiến tạo các sinh vật được hữu hiệu, tạo hóa luôn theo một khuôn mẫu nhất định. Như con ong hút mật, con chim làm tổ, quả tim bơm máu, tuyến mồ hôi điều hòa thân nhiệt...; mỗi mỗi được tạo tác theo những “mã số“ riêng không hề bị xáo trộn. Do đó, qua hàng triệu triệu năm, mọi loài chỉ tiến hóa và phát triển trên “căn bản” của mình để tiến đến mức độ phức tạp hơn. Chẳng hạn như con người và loài dã nhân. Con người có đến 99,4% DNA cấu tạo tương tự như dã nhân. Nhưng như vậy không có nghĩa dã nhân là thủy tổ của loài người; chúng chỉ có trí thông minh xấp xỉ như con người mà thôi. Điều đó chứng minh sự kỳ diệu của bàn tay tạo hóa: chỉ thay đổi một chút xíu các mã số DNA mà đã tạo ra các loài sinh vật khác nhau. Còn giữa loài người với nhau, bạn và tôi có cùng loại DNA, nhưng chỉ khác nhau có 0,01% (1/100 của 1%) trên cách cấu trúc. Vì vậy, mắt mũi, màu da, cao thấp, mập ốm, dáng vẻ... không giống nhau.

 

Và con người khác với những loài có vú khác là ở bộ não: con người có lớp vỏ não dợn sóng và uốn khúc một cách phức tạp. Mặc dù não bộ loài có vú đều có vỏ não bao bọc bên ngoài, nhưng vỏ não con người lại dày hơn gấp đôi và vì vậy các chức năng sinh hoạt cũng gấp đôi. Hơn nữa, vỏ não con người còn chia não bộ ra làm 2 bán cầu riêng biệt mà chức năng sinh hoạt mỗi bán cầu lại bổ túc cho nhau. Nhờ bổ túc cho nhau mà mỗi người chúng ta có một nhận thức nhất định và độc nhất - không ai giống ai - về thế giới bên ngoài. Lớp vỏ não trên cùng mới được “thêm vào” cho não bộ con người gần đây thôi (vài ngàn năm) đã làm cho con người khác hẳn các loài có vú khác. Nhờ những mạch thần kinh ở đây mà con người có được tri thức về những vật chất “cụ thể“ (nhà cửa, vật dụng) và những ý niệm “trừu tượng” (ngôn ngữ, nghệ thuật...). Còn những lớp sâu hơn của vỏ não thì chức năng sinh hoạt giữa người và vật đều giống nhau.

 

Bán cầu não bộ cũng cần mạch máu mang dưỡng khí lên nuôi sống. Các mạch máu này được phân nhiệm vụ riêng biệt, như mạch máu thuộc phần cử động tứ chi, phần tạo tác ngôn ngữ, phần hiểu biết ngôn ngữ, phần thuộc thị giác, phần phân biệt vật thể. Mạch máu nào bị hư hỏng thì phần liên hệ đó của thân thể không còn hoạt động được. Và cũng như các bộ phận khác của cơ thể là thường hay bị bệnh, các mạch máu ở bán cầu não bộ cũng hay bị "tai biến". Những tai biến này chia làm 2 loại, thường làm chết người hoặc biến con bệnh thành phế nhân. Tai biến thông thường nhất, lên đến 83% trường hợp, là “nghẽn” mạch máu. Tai biến hiếm hoi, chỉ có khoảng 17%, nhưng nặng nề nhất, là “vỡ“ mạch máu.

 

Nghẽn mạch máu là khi mỡ cholesterol đóng theo thành mạch máu làm trở ngại máu không thể lưu thông trên vỏ não. Không dưỡng chất, tế bào thần kinh ở vùng này phải tê liệt. Thường thì tế bào thần kinh tê liệt sẽ không được thay thế. Các sinh hoạt của thân thể liên hệ tới vùng thần kinh này sẽ bị đình chỉ vĩnh viễn, trừ phi có những tế bào thần kinh khác học hỏi vai trò của những thần kinh đã tê liệt qua một thời gian, gọi là phục hồi chức năng. Bởi vì mỗi người có sự nối kết các đường dây thần kinh não bộ một cách khác nhau, nên khả năng phục hồi cũng khác nhau.

 

Vỡ mạch máu là khi mạch máu não có chỗ cấu tạo bất thường - thành mạch máu quá mỏng - bị vỡ ra, lớp vỏ não bị ngập lụt trong máu và tế bào não ở vùng đó không còn hoạt động được; vì máu là độc tố của tế bào thần kinh, không thể được tiếp xúc trực tiếp. Đôi khi vỡ mạch máu là do áp suất huyết quá cao, các vi huyết quản nối liền động mạch và tĩnh mạch chịu đựng không nổi áp lực. Đây là những tai biến chết người.

 

Những dấu hiệu của tai biến mạch máu não:

 

Tự nhiên nói không ra tiếng.

Tay chân bị tê hay bắp thịt bị cứng.

Tự nhiên quên hết mọi sự một cách bất thường.

Tự nhiên đi đứng mất thăng bằng.

Bị nhức đầu dữ dội khác với bình thường.

Bỗng nhiên mắt mờ, không còn thấy gì hết.

 

Tai biến mạch máu não là vấn đề sống chết. Hãy đưa đi cấp cứu lập tức.

 

 CHƯƠNG 3

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA HAI BÁN CẦU NÃO

 

Từ hơn 200 năm nay, các nhà khoa học đã nghiên cứu về sự khác biệt giữa hai bán cầu não bộ con người. Người đầu tiên là Dupuis. Vào năm 1780, Dupuis đã tuyên bố là con người có bộ óc đôi, vì có hai bán cầu. Gần một thế kỷ sau, Arthur L. Wigan đã chứng kiến cuộc giảo nghiệm một người đã chết mà não bộ chỉ có một bán cầu. Người này lúc sống cũng đi, đứng, nói năng, và có ý thức như một người bình thường. Vì vậy Wigan rất hào hứng đưa ra thuyết “Con người có nhị trùng tâm”. Thuyết này gây nhiều hứng khởi cho các nhà khoa học Hoa Kỳ. Cho tới thập niên 1970, tiến sĩ Roger W. Sperry nhờ giải phẫu cắt rời hai bán cầu não để chữa bệnh “kinh phong”, đã khám phá ra vài điều mới mẻ. Trong bài diễn văn lãnh giải Nobel Y học năm 1981, tiến sĩ Sperry nhận định: “Khi hai bán cầu não bộ bị cắt rời, đương sự sẽ hành xử khác nhau như hai con người khác nhau, tùy theo bán cầu não trái hay phải được sử dụng”.

 

Những nghiên cứu và quan sát tiếp theo các bệnh nhân bị tách não làm đổi (để trị bịnh kinh phong) cho các nhà khoa học kết luận rằng: Khi 2 bán cầu não còn dính với nhau thì hoạt động “bổ túc” cho nhau; còn khi bị mổ tách rời thì sẽ hoạt động như 2 bộ não “độc lập”, riêng biệt. (Tiến sĩ Jekyll).

 

Nhờ hai bán cầu não trái và phải hoạt động bổ túc cho nhau nên chúng ta mới có những nhận xét, hiểu biết về nhân sinh và vũ trụ một cách rất độc đáo mà các loài sinh vật khác không thể có được. Sự bổ túc này rất hài hòa đến nỗi chúng ta không thể phân biệt khi nào chúng ta sử dụng bán cầu não trái và khi nào là bán cầu não phải. Tuy nhiên, ở một mức độ nào đó, chúng ta có thể biết. Nhưng trước hết, điều quan trọng là phải biết phân biệt người thuận tay phải hay tay trái với người thiên về bán cầu não phải hay trái.

 

Bán cầu não phải điều khiển nửa phần thân thể bên tay trái, và bán cầu não trái điều khiển nửa phần thân thể bên tay phải. Còn người thuận sử dụng bán cầu não phải hay trái thì lại khác. Muốn biết một người thiên về sử dụng bán cầu phải hay trái thì hãy quan sát cách họ “nói năng” (sử dụng ngôn ngữ) và cách họ “nghe” và “hiểu“ lời nói (tiếp nhận và giải mã ngôn ngữ) của người khác. Nói chung, gần như 85% dân số thuận tay phải và thiên về sử dụng bán cầu não trái. Và khoảng 60% người thuận tay trái cũng thiên về sử dụng bán cầu não trái. Như vậy số người thuận sử dụng bán cầu não phải không nhiều.

 

Khi các dữ kiện (ánh sáng, âm thanh, mùi, vị, cảm giác, ý tưởng) hằng ngày không ngớt tràn ngập não bộ con người qua các giác quan, thì bán cầu não phải tiếp nhận các dữ kiện này bằng hình ảnh như hình chụp của máy ảnh, được rửa ra và được dán chồng lên nhau. Thí dụ: mắt “thấy“ cô gái này đẹp thì trong não bộ phải có nguyên hình cô gái với toàn cảnh, thí dụ cô gái ấy ở một tiệc cưới, ở quán kem, ở nhà một người bạn... Tai “nghe” tiếng giảng đạo của một linh mục thì có hình ảnh của vị linh mục đó tại nhà thờ... “Nỗi buồn” hay sự “thất vọng” cũng được não phải lưu giữ bằng hình ảnh trong một bối cảnh nào đó. Những hình ảnh này được lưu giữ cho dù sự kiện đã xảy ra cách nhiều năm, khi hồi tưởng lại ta cũng như đang “thấy” trước mắt, nhất là khi hình ảnh đó ngày xưa đã gây quá nhiều ấn tượng. Với não bộ phải, sự ghi nhận không có thời gian. Chỉ là “hình ảnh” được ghi lại “bây giờ“ và “nơi đây” với đầy đủ cảm giác rất sống động. Não bộ phải không bị gò ép phải “suy tưởng” theo một nguyên tắc hay khuôn khổ lề luật nào, và đó là não bộ của các nghệ sĩ, tu sĩ, nhà đạo đức, các nhà khoa học lo cho tương lai nhân loại, chuyên nghĩ đến những việc mà người “bình thường” không hề nghĩ đến. Não bộ phải, phần trước trán, cũng làm cho chúng ta nghĩ đến tình nhân loại, nghĩa đồng bào, cùng sống trong một dãi đất, trên một tinh cầu, biết thương yêu nhau, giúp đỡ, nhường nhịn, sống chung hay chết chung với nhau.

 

Não bộ trái thì ngược lại trong việc ghi nhận các dữ kiện. Tiếp nhận những sự kiện từ não bộ phải như là hình ảnh của một tổng thể, não bộ trái đem ra phân tích, phê phán và sắp xếp theo hình dáng, màu sắc, âm thanh, mùi vị, thời gian (quá khứ, hiện tại, vị lai), tình cảm (thương ghét, vui buồn), khối lượng (nặng nhẹ, lớn nhỏ)... Nói chung là não bộ phải nhìn mọi sự dưới dạng toàn cảnh và tổng thể; còn não bộ trái thì dùng ngôn ngữ để mô tả từng chi tiết, theo thứ tự thời gian, theo phân biệt tình cảm. Thí dụ: não bộ phải khi gặp một người thì ghi nhận ngay hình ảnh người ấy gặp trong một khung cảnh nào đó. Não trái sẽ ghi chi tiết: nam nữ, chủng tộc, cách ăn mặc, nói năng, học vấn, cá tính... (Ở điểm này, ta gọi là óc nhận xét). Hay nhìn một đóa hoa. Não bộ phải chỉ ghi nhận: đóa hoa và bất cứ hoa gì thì cũng thấy đẹp. Còn não trái sẽ ghi hoa gì, màu gì, mùi gì, cánh hoa, đài hoa, cuống hoa, xấu, đẹp như thế nào.

 

 

 

Nhờ thu nhận hình ảnh người, vật, cảnh nên não bộ phải nhìn đâu cũng đẹp, dễ thương, độc đáo, biết tôn trọng vật hay người đã nhìn thấy, và thấy cá nhân mình chỉ là một phần trong toàn phần, không có sự kỳ thị, phân biệt hơn kém, thương ghét. Trái lại, với chức năng phân biệt, phê phán theo giá trị, xếp loại theo hạng mục, não bộ trái tạo ra nhiều dễ dàng trong đời sống, nhưng cũng từ đó làm cho đời sống thêm phức tạp hơn lên. Thí dụ: mục đích của thức ăn là để no bụng. Nhưng có người đói thấy thức ăn, thì ăn. Có người đói lại không ăn, vì thức ăn bị chê là không ngon, hay bày biện không hợp... lễ. (Còn con vật hễ đói, thấy đồ ăn thì... ăn, không cần ngon dở hay lễ nghĩa gì cả).

 

Thêm nữa, não bộ trái có khả năng ngôn ngữ nên biết diễn tả mọi sự mọi vật thật chi tiết, rõ nét, dễ hiểu, làm cho sự hiểu biết của loài người được tích lũy và lưu truyền càng ngày thêm phong phú, khiến cho con người càng ngày một thông minh, tiến bộ qua quá trình tiếp thu kiến thức hàng ngàn năm. Với những kiến thức được phân loại theo hạng mục, con người cũng tiên đoán được những gì sắp xảy ra, tránh được phần nào tai họa (thời tiết, giông bão, động đất, sóng thần...).

 

Nhưng cũng chính với những khả năng đặc biệt của não bộ trái, con người, và chỉ có loài người mà thôi, đã tạo ra biết bao khốn khổ cho chính mình và người chung quanh. Nhờ khả năng ngôn ngữ, con người biết tự đặt câu hỏi: “TÔI LÀ... AI?” Bản ngã từ đó sinh ra. Cái Tôi, cái ngã càng được trau chuốt, quan trọng hóa, thì khốn khổ tự thân của con người cũng dồn dập.

 

Khi bán cầu não trái bị thương tật, người bệnh sẽ mất khả năng nói và hiểu lời nói của kẻ khác. Nhưng nhờ bán cầu não phải, họ sẽ cảm nhận được là người đối diện đang nói thật hay nói dối qua sự nhận xét cách nói, giọng nói, vẻ mặt, và điệu bộ. Bán cầu não phải vì vậy có khả năng bổ túc cho bán cầu não trái về mọi lĩnh vực sinh hoạt trong đời sống hằng ngày, khi não trái bị tai biến hay thương tật.

 

Loại tai biến mà tôi trải nghiệm là sự xuất huyết trầm trọng bên bán cầu não trái. Sau khi đã được mổ sọ để lấy khối máu khô ra, tôi đã phải mất 8 năm mới hoàn toàn hồi phục thể lực và trí lực. Các chương tiếp theo sẽ kể tiếp cho bạn biết những gì đã xảy ra. Tôi cũng nhiệt tình khuyến khích các bạn hãy tìm đọc thêm những tài liệu về khả năng của bộ óc, về sự sinh hoạt của hai bán cầu trong một con người bình thường, để bạn có thể giúp những người bị tai biến mạch máu não phục hồi một cách hữu hiệu, và giúp cho chính bạn sống cuộc đời mình tốt đẹp hơn.

 

Xem tiếp...

 

Jill Bolte Taylor

*Tựa nguyên thủy của bản dịch là : Tai biến mạch máu não và sự phục hồi.

 

Nguồn: Phusaonline

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle