Mi Tiên vấn đáp có thực sự chịu ảnh hưởng Hy Lạp?

mi tien

Mi Tiên vấn đáp có thực sự chịu ảnh hưởng Hy Lạp?

Olga Kubica[1] - Đăng Nguyên dịch

Tóm tắt

Như Amartya Sen đã ghi nhận (Sen 2005: 182), một trong những nguyên tắc chính của Phật giáo là nhấn mạnh việc thảo luận và đối thoại. Truyền thống thảo luận này, điều có thể tìm thấy trong Phật giáo ngay từ buổi đầu, chẳng hạn như trong các bản kinh sơ kỳ hay trong “các hội nghị kết tập”, đặc biệt là hội nghị kết tập lần ba vào thời vua A Dục (Aśoka), người trong các sắc lệnh của mình đã thể hiện sự kính trọng đối với những quan điểm bất đồng, đã tìm thấy sự minh họa của nó trong Mi Tiên vấn đáp (Milindapañha) - một bản văn Phật giáo bằng ngôn ngữ Pāli, bị mất phiên bản gốc mà nó có lẽ được viết bằng tiếng Gāndhārī. Việc phân tích bản văn này, có tính đến nhiều ảnh hưởng có thể có trong môi trường đa văn hóa của khu vực xuất xứ của nó, sẽ cho chúng ta cơ hội xem xét lại những vấn đề quan trọng liên quan đến bản sắc tôn giáo và dân tộc của nhà cai trị Ấn-Hy và sự hấp dẫn của Phật giáo đối với những người Hy Lạp sống ở vùng Gandhāra vào thế kỷ II và I trước TL. Những vấn đề này, ở một viễn cảnh rộng lớn hơn, liên quan đến các vấn đề đối thoại ở nhiều cấp độ: chính trị-xã hội, liên văn hóa, và giữa các cá nhân với nhau. Phân tích các cấp độ này có thể giúp chúng ta nhận thấy bản chất của cuộc đối thoại và tầm quan trọng của nó.

Từ khóa: Phật giáo, Gandhāra, Ấn Độ-Hy Lạp, Menander, bản sắc dân tộc, sự thỏa hiệp.

Mi Tiên vấn đáp (Milindapañha) là một trong những nguồn kiến thức rõ ràng nhất thể hiện các mối quan hệ giữa Phật giáo-Hy Lạp vào thời vương quốc Ấn Độ-Hy Lạp (khoảng thế kỷ II-I trước TL). Đó là câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa nhà cai trị Ấn Độ-Hy Lạp Milinda (Hy Lạp: Μένανδρος, Menander[2]) và vị Tăng sĩ Phật giáo Nāgasena, và việc nhà cai trị này quy y Phật giáo là kết quả của cuộc gặp gỡ và thảo luận đó. Bởi vì bản văn này là nơi hội tụ nhiều phân ngành, chẳng hạn như triết học cổ đại, Ấn Độ học, nghiên cứu Phật học, v.v., do đó một lượng lớn tài liệu bao quanh nó đã được thu thập.[3]

Do đó, khi đề cập đến bất kỳ hiện tượng nào, đặc biệt là hiện tượng cổ xưa và nổi tiếng như Mi Tiên vấn đáp, người ta có thể đặt câu hỏi, liệu còn điều gì gây bối rối ở nơi cuộc đối thoại giữa vị vua Ấn-Hy Milinda và nhà hiền triết Phật giáo Nāgasena hay không? Chúng ta đang sống ở một thời kỳ rất thuận lợi cho việc thu thập dữ liệu. Nhưng sự may mắn này cũng ẩn chứa một tai họa. Tai họa này được thể hiện nơi sự bất đồng về nhận thức mà con người trải nghiệm. Do đó, khi giải thích bản văn, chúng ta phải lưu ý những nỗ lực nhằm đạt được sự thống nhất trong việc hình thành, truyền bá, giải thích và tiếp nhận bản văn, đó là những khuynh hướng cá nhân của Menander, sự trình bày của tác giả vì mục đích của tác phẩm, những mục đích của người dịch, cách hiểu của người tiếp nhận và người nghiên cứu, và cách hiểu của chúng ta. Chỉ có cách tiếp cận như vậy mới cho phép chúng ta nhặt được hạt vàng trong cát.

Do đó, ở bài viết này, các vấn đề sau đây được xem xét lại: Mi Tiên vấn đáp chịu ảnh hưởng các cuộc đối thoại của Platon ở mức độ nào? Và nếu chúng ta loại trừ khả năng ảnh hưởng của Hy Lạp và xem bản văn này thuần túy Phật giáo, thì một câu hỏi khác được đặt ra: Menander có thực sự quy y Phật giáo hay không? Nếu câu trả lời là có, thì việc giải thích thêm về bản văn khá đơn giản. Nhưng nếu Menander không phải là một Phật tử theo đúng nghĩa, và bản văn được xem là một bản văn thuần túy Phật giáo, thì một câu hỏi khác xuất hiện: tại sao Menander lại là nhân vật chính trong cuộc đối thoại Phật giáo? Sau đó, bằng chứng ủng hộ luận điểm về sự tồn tại của nhân vật Menander như là một người cai trị gắn liền với Phật giáo trong ký ức tập thể được trình bày. Dù Menander có thực sự là một Phật tử hay không hay ông chỉ được hậu thế quy cho như vậy, thì điều thú vị hơn từ quan điểm nhân loại học là câu hỏi về sức hấp dẫn của Phật giáo đối với người Hy Lạp sống ở vùng Gandhāra vào thế kỷ II - I trước TL. Vấn đề này đưa chúng ta đến phần nhận xét cuối cùng về tầm quan trọng của Phật giáo trong việc phát triển các thái độ mà chúng quan trọng đối với sự xuất hiện nền dân chủ, chẳng hạn như sự khoan dung và tôn trọng các quan điểm khác nhau.

Mi Tiên vấn đáp có chịu ảnh hưởng các cuộc đối thoại của Platon?

Chúng ta hãy bắt đầu từ đầu, tức là từ việc xem xét nguồn gốc của Mi Tiên vấn đáp. Bản văn mà chúng ta có hiện nay, rất tiếc không phải là bản gốc. Nó hoặc là một bản dịch hoặc một bản soạn thảo dựa trên một tác phẩm gốc nào đó, rất có thể là một tác phẩm đối thoại. Mi Tiên vấn đáp chỉ là một trong những phiên bản được lưu giữ. Nó được viết bằng tiếng Pāli. Nhưng chúng ta cũng có các phiên bản tiếng Thái, tiếng Miến, tiếng Trung (Takakusu 1896, Demiéville 1924) và bản tiếng Tây Tạng[4] (Waddell 1897). Bản gốc có lẽ được viết bằng tiếng Gāndhārī.[5] Theo Richard Salomon, Mi Tiên vấn đáp là “bằng chứng sớm nhất về sự gặp gỡ của Phật giáo với các nền văn hóa quốc tế ở Gandhāra” (Salomon et al. 1999: 5).

Việc nhà cai trị Hy Lạp là nhân vật chính của một bản văn Ấn Độ đã thu hút sự chú ý của một số nhà nghiên cứu châu Âu đối với Mi Tiên vấn đáp. Một số học giả đã cố gắng điều chỉnh cuộc đối thoại ở trong môi trường Hy Lạp cổ đại. Ví dụ, Albrecht Weber (1890: 927) đã đưa ra giả thuyết về mối liên hệ giữa Mi Tiên vấn đáp với các cuộc đối thoại của Platon. Nhưng ngoài một số điểm tương đồng bề ngoài, khó có thể thấy bất kỳ sự ảnh hưởng nào của đối thoại Platon đối với Mi Tiên vấn đáp. William Woodthorpe Tarn (1938) thậm chí còn đi xa hơn khi nhấn mạnh quá mức sự ảnh hưởng của Hy Lạp đối với nguồn gốc của cuộc đối thoại đó bằng cách thừa nhận sự tồn tại của một bản văn ngắn bằng tiếng Hy Lạp, ở đó nhà vua đã chất vấn một nhân vật hư cấu, nhà hiền triết Phật giáo Nāgasena. Ông xa hơn đã sử dụng thuyết nguồn gốc Hy Lạp đó để giải thích một số điểm tương đồng giữa Mi Tiên vấn đápBức thư của Pseudo-Aristeas, và chỉ ra rằng cả hai bản văn đều đề cập đến truyền thống về những câu hỏi Alexander nổi tiếng. Giả thuyết của Tarn đã bị Jan Gonda (1949) bác bỏ.

Tuy nhiên, ngoài việc bác bỏ các luận cứ của Tarn, chúng ta cũng có thể cung cấp bằng chứng tích cực về nguồn gốc Ấn Độ của Mi Tiên vấn đáp. Và đó là những gì các học giả đã làm ở phía bên kia của bức tường tưởng tượng giữa Đông và Tây; tức là họ đặt bản văn ở nơi bối cảnh của môi trường châu Á, ở đó nó thực sự thuộc về một tác phẩm nghệ thuật. Ví dụ, Laurence Waddell, một nhà thám hiểm người Scotland, giáo sư về Tây Tạng và là nhà sưu tầm ở Tây Tạng, người có lẽ dựa vào nhân vật Indiana Jones, trong bài viết đầu tiên của ông (Waddell 1897) đã đưa ra một sự so sánh với các bản Mi Tiên vấn đáp Tạng ngữ[6] và Hán ngữ[7] để chỉ ra rằng nó dựa trên câu chuyện truyền thống về cuộc đối thoại giữa một vị vua xứ Bengal hoặc Đông Nam Ấn Độ và nhà hiền triết Nāgasena. Tuy nhiên, thuyết này đã không nhận được phản hồi tích cực từ các nhà nghiên cứu khác. Bất kể thế nào, các học giả hiện nay đều đồng ý rằng nguồn gốc của Mi Tiên vấn đáp là thuộc Ấn Độ, và các phiên bản của nó, cũng như các bản văn Ấn Độ khác, chẳng hạn như kinh Sa-môn quả (Sāmaññaphala Sutta), hay các cuộc đối thoại trong UpaniṣadItihāsa, cung cấp rất nhiều tài liệu so sánh.

Một số nhà nghiên cứu hiện không còn cố gắng truy nguyên sự ảnh hưởng xuyên văn hóa.[8] Tôi cũng nghĩ rằng những điểm tương đồng giữa cuộc đối thoại này với các cuộc đối thoại khác thuộc loại này không chứng minh sự ảnh hưởng lẫn nhau, mà chỉ ra một quy ước chung nào đó, mà tôi gọi là quy ước của một cuộc đối thoại có sức thuyết phục (Kubica 2014). Để chứng minh sự tồn tại của quy ước này và để truy nguyên cơ chế của một sự phát triển độc lập trái ngược với sự ảnh hưởng, tôi đã so sánh Mi Tiên vấn đáp với Kitab al Khazari (hay Kuzari) được Judah Hallevi viết vào thế kỷ XII, mà đó là một bản văn độc lập, nhưng tương tự một cách đáng ngạc nhiên với Mi Tiên vấn đáp. Do đó, tôi kết luận rằng hai cuộc đối thoại tương tự ấy, mà giữa chúng không thể chứng minh có sự ảnh hưởng trực tiếp, là giống nhau vì chúng có chung một quy ước, điển hình của loại đối thoại này.

Menander có phải là một Phật tử?

Chuyển sang câu hỏi tiếp theo liên quan đến sự cải đạo của nhà cai trị Ấn Độ-Hy Lạp. Người ta có thể đặt câu hỏi rằng Menander có thực sự là một Phật tử? Để trả lời câu hỏi đó, trước tiên ta phải hỏi, thế nào là một Phật tử? Câu trả lời cho câu hỏi này thì không đơn giản vì thiếu những ranh giới cứng xác định các luật lệ tham gia vào Phật giáo. Hơn nữa, như Rhys Davids (1890: xvii) nói, Mi Tiên vấn đáp trong thực tế là một câu chuyện hư cấu lịch sử với mục đích chủ yếu là giáo huấn. Do đó, chúng ta nên biết rằng sự thật lịch sử đã được điều chỉnh phù hợp với mục đích của cuộc đối thoại. Và ngay cả khi chúng ta cho rằng bản văn trình bày sự thật lịch sử, nó cũng không thể là cơ sở để suy luận về thái độ bên trong của nhà vua hoặc sự cải đạo chân thành của ông. Như chúng ta đã đọc trong Don Juan của Lord Byron (XIV 110): “Sự thật luôn kỳ lạ, kỳ lạ hơn cả hư cấu”.

Cũng cần phải thấy sự khác biệt giữa tôn giáo như là đức tin và tôn giáo như là bản sắc, như được minh họa bởi Ayesha Jalal (2000). Ngay cả trong một khuôn khổ có vẻ khắt khe như Hồi giáo, Jalal cũng tìm thấy những trường hợp mà lý trí chiếm ưu thế hơn tính tôn giáo mù quáng, chẳng hạn như trường hợp của Mirza Asadullah Khan Ghalib, người khi được hỏi liệu ông có phải là tín đồ Hồi giáo hay không, đã nói rằng ông chỉ một nửa là người Hồi giáo: ông uống rượu nhưng không ăn thịt heo. Theo Jalal, “Hồi giáo, dù được định nghĩa như thế nào đi nữa, không thể được nhìn nhận tách biệt khỏi vô số các mối quan hệ xã hội khác hình thành nên thế giới quan của cá nhân người Hồi giáo” (Jalal 2000: 4). Điều này cũng có thể áp dụng vào trường hợp Phật giáo. Ngay cả khi Menander là một Phật tử, ông không chỉ là một Phật tử. Không nên bỏ qua vai trò của lý trí ở nơi khái niệm bản sắc, như được Amartya Sen (2005) thảo luận. Sen trong bài tiểu luận của mình về vấn đề bản sắc Ấn Độ đã phủ nhận học thuyết của Michael Sandel, người đại diện cho quan điểm “công xã”, “mà nó lập luận rằng bản sắc của một người là vấn đề ‘phát hiện’, không phải sự lựa chọn” (Sen 2005: 290). Theo học thuyết của Sandel, Menander được cho là đã phát hiện ra bản sắc và sự gắn bó của mình với cộng đồng Phật giáo; trong khi theo học thuyết đối lập do Sen trình bày, Menander xác định bản sắc của mình bằng sự lựa chọn hợp lý. Cả hai học thuyết dường như được biện minh.

Chúng ta đã tìm cách trồng một vài cây mới trong khu rừng nghi ngờ của mình. Nhưng chúng ta có thể nhìn thấy một tia sáng không? Chúng ta có thể xem xét các dấu hiệu của bản sắc Phật giáo vào thời Menander và sau đó xem chúng có thể được áp dụng như thế nào đối với những lời xác chứng về Menander. Nguồn tài liệu phù hợp nhất cho mục đích đó là các sắc lệnh của vua Aśoka gửi đến những người Hy Lạp sống ở biên giới vương quốc của ông. Chúng có thể cung cấp một dấu hiệu về những gì người Hy Lạp từ thời Aśoka và sau đó được thừa nhận là Phật tử. Như có thể suy ra từ ấn bản song ngữ các sắc lệnh của vua Aśoka, ngôn ngữ không phải là yếu tố quyết định tính Phật giáo, cũng không phải là lãnh thổ hay nguồn gốc. Vậy thì điều gì là thiết yếu để trở thành một Phật tử? Theo tôi, đó là sự tôn trọng quan điểm của người khác và sẵn sàng thảo luận. Về khía cạnh này, nhà cai trị Ấn-Hy có thể đã khám phá ra bản sắc của mình ở nơi Phật giáo, không phải vì ông đã quy y Phật giáo, mà bởi vì ông là một Phật tử. Khuynh hướng thảo luận dân chủ của ông phù hợp với tinh thần của Phật giáo. Cách giải thích như vậy về Mi Tiên vấn đáp sẽ xác nhận học thuyết của Sandel về bản sắc. Tuy nhiên, bản văn đưa ra nhiều bằng chứng hơn để hỗ trợ cho học thuyết mà nó chú ý đến lý trí ở nơi khái niệm bản sắc, chẳng hạn như việc Menander tích cực tìm kiếm câu trả lời hợp lý cho những nghi ngờ của mình. Chúng ta có thể nói theo lời của Akbar, như Sen đã trình bày, rằng Menander đã vượt qua “vùng đất đầm lầy” của truyền thống không nghi ngờ gì và phản ứng không suy nghĩ (Sen 2005: 292).

Tại sao Menander là nhân vật chính của Mi Tiên vấn đáp?

Bất kể khuynh hướng cá nhân của Menander, câu hỏi còn lại là tại sao Menander là nhân vật chính của cuộc đối thoại Phật giáo? Nói cách khác, ý định của tác giả là gì? Gạt sang một bên những lý thuyết tưởng tưởng về ảnh hưởng của Hy Lạp, và giả định rằng bản văn nguyên bản là Phật giáo, người ta nói chung chấp nhận rằng mục đích của cuộc đối thoại là giáo huấn. Nhưng theo tôi, bản văn gốc chủ yếu dành cho việc truyền bá Phật giáo và tích cực tìm kiếm sự bảo trợ.

Neelis (2011) chỉ ra tầm quan trọng của sự bảo trợ đối với việc phát triển và mở rộng Phật giáo. Sự tồn tại của các Tăng đoàn Phật giáo phụ thuộc vào sự bảo trợ của các nhà cai trị và thương nhân giàu có. Do đó, Phật giáo phải sống cộng sinh với các nhóm này và không ngừng tìm kiếm sự hỗ trợ của họ. Hiểu rõ nhu cầu này có thể giúp giải thích rất nhiều vấn đề liên quan đến sự không đồng nhất của giáo thuyết và sự đa dạng của các tông phái Phật giáo theo thời gian và ở các vùng khác nhau của Ấn Độ và châu Á. Ngoài ra, Mi Tiên vấn đáp và các phiên bản của nó nên được phân tích trong bối cảnh tích cực tìm kiếm sự bảo trợ của Tăng đoàn Phật giáo. Việc một nhà cai trị Ấn-Hy khi cải đạo sang Phật giáo, ở một nghĩa nào đó, có thể khiến những nhà cai trị khác (những nhà tài trợ tiềm năng) đồng cảm với lời dạy của Đức Phật.

Chúng ta có thể gọi hiện tượng này là sự thỏa hiệp. Cả hai bên đã tận dụng tình huống cho mục đích riêng của họ. Menander chỉ quy y Phật giáo khi ông xem nó có lợi, hay nói cách khác, chỉ trong phạm vi lý trí của ông. Mặt khác, tác giả của Mi Tiên vấn đáp đã tận dụng ký ức về Menander và đưa nó vào trong cuộc đối thoại của mình. Do đó, chúng ta không thể khẳng định rằng đây là một Menander lịch sử, cũng như không có thứ gì mang tính lịch sử ở trong Algonquian Christ the Great Manitou.

Hình ảnh Menander trong ký ức tập thể

Để hỗ trợ cho luận điểm rằng Menander là hình ảnh của một nhà cai trị ủng hộ Phật giáo, chúng ta phải đưa ra bằng chứng về hình ảnh của một nhà cai trị như vậy tồn tại trong ký ức tập thể. Nếu tác giả muốn đạt được mục đích của cuộc đối thoại, ông phải gây chú ý từ phía người lĩnh hội. Nếu Menander không liên quan đến Phật giáo, bản văn sẽ khó được chấp nhận trong môi trường Phật giáo. Và thực sự, chúng ta có ít nhất một vài bằng chứng về tính Phật giáo của Menander: một giai thoại trong Praecepta gerendae reipublicae[9] của Plutarch kể về Menander, người nhờ sự cai trị anh minh của mình nên sau khi ông qua đời, nhiều thành phố đã chia tro cốt của ông và xây dựng μνημεῖα (có lẽ là các bảo tháp) để tưởng niệm ông[10]; và trên các đồng tiền của Menander II Dikaios,[11] ở đó việc sử dụng biệt danh Dharmika có thể ám chỉ đến giáo pháp Phật giáo.[12]

Những nguồn tham khảo này chỉ ra rằng ký ức về Menander như một nhà cai trị Phật tử đã ăn sâu, lan rộng và lâu đời. Ngoài ra, trong số những người Hy Lạp sống ở vương quốc của Menander có thể có những Tăng sĩ Phật giáo mà họ đã góp phần truyền bá Phật giáo, như được chỉ ra bởi câu chuyện trong Mahāvaṃsa (chương XXIX) về Trưởng lão Mahadhammarakkhita, người đến từ Alasanda, thành phố của những người Yona (có lẽ là Alexandria trên bờ Kavkaz), cùng với 30 nghìn Tỷ-kheo đã đến viếng đại bảo tháp ở Anuradhapura, Sri Lanka. Việc các nhà hiền triết Hy Lạp tích cực truyền bá Phật giáo vào thời Menander cũng có thể chỉ ra rằng nhà cai trị này đã quảng bá đạo Phật.

Tại sao Phật giáo hấp dẫn người Hy Lạp?

Giả sử rằng Menander thật sự ủng hộ Phật giáo vì những động cơ dựa trên lý trí, chúng ta nên hỏi, những động cơ đó là gì? Nói cách khác, điều gì ở nơi Phật giáo đã thực sự hấp dẫn những người Hy Lạp? Hay có phải họ chọn Phật giáo như một sự thay thế? Trong tâm lý học, cái được gọi là bản sắc tiêu cực có thể được phân biệt với bản sắc tích cực. Nó xảy ra khi một thanh thiếu niên chấp nhận một bản sắc trong sự đối lập trực tiếp với một bản sắc được quy định. Nhưng, theo quan điểm của tôi, một tình huống tương tự cũng có thể xảy ra trong trường hợp bản sắc dân tộc hay tôn giáo. Như vậy, yếu tố quyết định trong việc lựa chọn một bản sắc cụ thể là sự đối lập với các lựa chọn thay thế khác. Vào thời Menander, Phật giáo là một sự thay thế cho Bà-la-môn giáo, bỏ qua các nhóm tôn giáo khác ít ảnh hưởng hơn. Và trong thực tế, các nguồn tài liệu về thời kỳ từ khi triều đại Maurya sụp đổ, và sự thống trị của triều đại Śuṅga, đã xác nhận sự chia rẽ sâu sắc nơi cả hai đường lối chính trị và tôn giáo.

Khoảng năm 185-149 trước TL, phần lớn Ấn Độ nằm dưới sự cai trị của Puṣyamitra của triều đại Śuṅga, người có lãnh thổ mở rộng đến tận Śākala (Pāli: Sāgala), kinh đô của vương quốc Menander. Trong A Dục vương truyện (Aśokāvadāna),[13] Puṣyamitra được mô tả là một kẻ bức hại Phật giáo một cách tàn nhẫn. Tuy nhiên, người ta đã chỉ ra rằng trong cùng bản văn này, Aśoka cũng được mô tả là tàn ác như vậy. Nhưng có một sự khác biệt nhất định: Aśoka bảo vệ sự thuần khiết của Phật giáo, trong khi Puṣyamitra đang bức hại Phật giáo để đạt được danh vọng vĩnh cửu giống như Aśoka. Theo quan điểm của tôi, không nên so sánh hai đoạn văn này, vì mục đích giáo huấn của chúng khác nhau. Nhưng điều đó không ngăn cản một số nhà nghiên cứu đưa ra kết luận phủ nhận tính lịch sử của cuộc đàn áp Phật giáo của những người Bà-la-môn (tham chiếu Elst 2002).

Theo Lamotte, “Xét từ các tài liệu, Puṣyamitra phải được tuyên bố trắng án do thiếu bằng chứng” (Lamotte 1988: 109). Tuy nhiên, cần lưu ý rằng các tài liệu khảo cổ học, ví dụ các bảo tháp Deokothar hay Sanchi bị phá hủy, cho thấy sự đàn áp Phật giáo gia tăng vào thời Puṣyamitra. Theo Marshall, bảo tháp Sanchi có thể đã bị Puṣyamitra phá hủy và sau đó được người kế vị ông là Agnimitra phục hồi (Marshall 1990: 38). Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà nghiên cứu đều thống nhất về vấn đề này (tham chiếu Thapar [1961] 2012: 251).

Nhưng ngay cả khi chúng ta cho rằng có một cuộc đàn áp Phật giáo khốc liệt vào những ngày trước triều đại của Menander, câu hỏi còn lại là điều này có liên quan gì đến những người Hy Lạp sống ở những khu vực này. Sự thù địch của người Hy Lạp đối với triều đại Śuṅga được nêu ra bởi một tình tiết được mô tả trong vở kịch của Kālidāsa có tựa đề Mālavikāgnimitraṃ. Vỡ kịch này là một câu chuyện tình yêu kể về tình cảm của vua Agnimitra đối với Mālavikā. Tuy nhiên, sự hiến tế ngựa (aśvamedha) được thể hiện nơi bối cảnh vỡ kịch gần như bị gián đoạn bởi một đội kỵ binh của người Hy Lạp (Yavana), những người muốn đưa ngựa đi lang thang ở hữu ngạn sông Indus. Tuy nhiên, nó đã bị ngăn cản bởi Vasumitra, người được giao bảo vệ những con ngựa. Chúng ta biết về những sự kiện này từ một lá thư của Puṣpamitra (hay Puṣyamitra) gửi cho con trai ông là Agnimitra.

Nhưng chúng ta phải cẩn thận ở đây, vì ít nhất hai lý do, như Tawney đã chỉ ra nơi phần giới thiệu của ông về bản dịch bản văn. Đầu tiên, Agnimitra thể hiện trong vở kịch như là một kẻ đàn áp Phật giáo, có lẽ đối lập với cha mình về mặt này. Do đó, tính chất lịch sử của tác phẩm của Kālidāsa là đáng nghi ngờ. Thứ hai, tác giả có thể không có thông tin chính xác về niên đại của triều đại Śuṅga (xem Tawney [1875] 1891: iv-v). Tuy nhiên, nếu chúng ta giả định tính lịch sử của bản văn, và do đó sự thù địch của những người Śuṅga đối với người Hy Lạp, cũng như sự thù địch của những người Śuṅga đối với Phật giáo, thì có thể hiểu rằng người Hy Lạp đã ủng hộ Phật giáo để chống lại những người Śuṅga. Điều đáng đề cập nữa là hành động của vở kịch gắn liền với câu chuyện về cây Aśoka mà nó nở hoa vào cuối năm dưới sự ảnh hưởng của nghi lễ dohada. Bởi vì Mālavikāgnimitraṃ là một tác phẩm văn học nên nó có thể được diễn giải theo nhiều cách khác nhau. Có lẽ nó cho thấy một chiến thắng mang tính biểu tượng của Bà-la-môn giáo trên nhiều mặt - nghi lễ Bà-la-môn chiếm ưu thế hơn biểu tượng Phật giáo, giống như Vasumitra đối với những người Yavana (Hy Lạp). Tuy nhiên, cách giải thích này chỉ có thể nếu tên của cây này được nối kết với tên của Piyadassi Aśoka, điều đáng tiếc là không được rõ ràng cho lắm.[14]

Hướng tới sự truyền đạt và thảo luận công khai

Một cách giải thích khả dĩ khác về lý do khiến người Hy Lạp tin theo Phật giáo là thực tế rằng Phật giáo có thể đã đáp ứng nhu cầu của họ. Như vậy, bản sắc mà họ chấp nhận khi theo Phật giáo là một bản sắc tích cực. Nhưng Phật giáo có thể đáp ứng những nhu cầu nào của người Hy Lạp? Trước hết, nhiều nguồn khác nhau chỉ ra rằng Phật giáo ủng hộ thương mại mà đó có thể là một nguồn thu nhập cho nhiều người Hy Lạp. Hơn nữa, trong Phật giáo không có sự phân chia đẳng cấp như trong Bà-la-môn giáo, mà theo tôn giáo này người Hy Lạp là những Sát-đế-lợi (kṣatriya) bị suy thoái thành các Thủ-đà-la (śūdra) vì họ bỏ bê các nghi lễ (Mahābhārata XIII 2103; 2159). Phật giáo không quá khép kín mà cho phép tính đa nguyên và chủ nghĩa quốc tế lớn hơn. Phật giáo được định hướng để truyền bá, thậm chí trong những người nước ngoài. Theo Gonda, “Phật giáo nghiêng về chủ nghĩa quốc tế, có mục đích truyền bá, và mong muốn giành được sự ưu ái và ủng hộ của những người hùng mạnh” (Gonda 1949: 58). Phật giáo cho phép bất đồng quan điểm và do đó, thúc đẩy thảo luận về nhiều quan điểm khác nhau. Và như chúng ta thấy trong Mi Tiên vấn đáp, Menander sẵn sàng nói chuyện và mong muốn chiến thắng trong cuộc thảo luận. Và nhu cầu của ông đã được đáp ứng với sự hưởng ứng tích cực từ các Phật tử. Như Sen đã ghi nhận, một trong những đặc điểm của Phật giáo là cam kết truyền thông và thảo luận công khai, mà nó “đưa đến thực tế rằng có một số cuộc gặp gỡ công khai sớm nhất trên thế giới, nhằm mục đích cụ thể là giải quyết tranh chấp giữa các quan điểm khác nhau, đã diễn ra ở Ấn Độ ở trong các ‘hội nghị’ Phật giáo được tổ chức công phu” (Sen 2005: 182).

Kết luận

Tóm lại, hầu như không có khả năng rằng Mi Tiên vấn đáp được truyền cảm hứng từ các cuộc đối thoại của Platon. Vì vậy, chúng ta đang đề cập đến một cuộc gặp gỡ của các nền văn hóa: bản văn Mi Tiên vấn đáp và Menander, nhà cai trị Ấn-Hy như là nhân vật chính của tác phẩm được trình bày là đã cải đạo sang Phật giáo. Trong thực tế, không dễ để đánh giá liệu Menander có thực sự là một người cải đạo hay không. Thay vào đó, có vẻ như ông đã ủng hộ Phật giáo vì những động cơ lý trí. Trong khi tác giả của cuộc đối thoại đã chọn ông làm nhân vật chính bằng cách sử dụng hình ảnh Menander như một người cai trị gắn liền với Phật giáo trong ký ức tập thể. Hóa ra, Phật giáo có thể cực kỳ hấp dẫn đối với những người Hy Lạp sống ở vùng Gandhāra vào thế kỷ II - I trước TL, đặc biệt là vì bản chất dân chủ của nó. Vua Aśoka bằng sắc lệnh trên bia ký 12 (Major Rock Edict), sắc lệnh yêu cầu tôn trọng các giáo phái khác nhau và học hỏi lẫn nhau, đã đặt nền móng cho một cuộc tranh luận công khai cởi mở, và do đó là nền tảng của dân chủ, bởi vì như Sen đã lưu ý, truyền thống thảo luận công khai cởi mở là “một khía cạnh thiết yếu của cội gốc dân chủ” (Sen 2005: 81). Về một hệ thống dân chủ ở Ấn Độ, chúng ta phải đợi thêm một thời gian nữa, nhưng tinh thần dân chủ đã phảng phất trong một thời gian dài ở những vùng đất này, nơi mà vị vua Ấn-Hy Milinda đã thảo luận với các Tăng sĩ Phật giáo về lời dạy của Đức Phật.

Tôi hy vọng rằng bài viết này, nếu không trả lời được bất kỳ câu hỏi nào thì ít nhất cũng sẽ là chất xúc tác cho một cuộc thảo luận trong tinh thần bao dung và tôn trọng quan điểm khác biệt của Phật giáo.

Nguồn: academia.edu

Tài liệu tham khảo:

Baums, Stefan (2018) “Greek or Indian? The Questions of Menander and Onomastic Patterns in Early Gandhāra.” [In:] Himanshu Prabha Ray (ed.) Buddhism and Gandhāra. An Archaeology of Museum Collections. Oxford, New York: Routledge; 33-46.

Chesterton, Gilbert K. (1904) The Napoleon of Notting Hill. London. New York: John Lane, The Bodley Head.

Demiéville, Paul (1924) “Les versions chinoises du Milindapañha.” [In:] Bulletin de l’Ecole française d’ExtrêmeOrient, vol. 24; 1-258.

Elst, Koenraad (2002) Ayodhya: The Case Against the Temple. New Delhi: Voice of India.

Festinger, Leon (1962) A Theory of Cognitive Dissonance. Stanford, California: Stanford University Press.

Gonda, Jan (1949) “Tarn’s Hypothesis on the Origin of the Milindapañha.” [In:] Mnemosyne, Fourth Series, vol. 2(1); 44-62.

Jalal, Ayesha (2000) Self and Sovereignty. Individual and Community in South Asian Islam Since 1850. New York: Routledge.

Jenkins, Gilbert K. (1968) “Indo-Greek Tetradrachms.” [In:] The British Museum Quarterly, vol. 32(3/4); 108-112.

Kubica, Olga (2014) “Beyond Influence. A Reflection on the history of research on the Milindapañha with a comparison of the text to the Kitab al Khazari.” [In:] Eos, vol. 101; 187-206.

Kubica, Olga (2021) “Reading the Milindapañha: Indian historical sources and the Greeks in Bactria.” [In:] Rachel Mairs (ed.) The Graeco-Bactrian and Indo-Greek World (The Routledge Worlds). London: New York: Routledge; 430-445.

Marshall, John H. (1990) A Guide to Sanchi. Patna: Eastern Book House.

Neelis, Jason (2011) Early Buddhist Transmission and Trade Networks. Mobility and Exchange within and beyond the Northwestern Borderlands of South Asia. Leiden, Boston: Brill Academic Publishers.

Rhys Davids, Thomas W. (ed.) (1890) The Questions of King Milinda. Translated from the Pāli into English by Thomas W. Rhys Davids. Oxford: Clarendon Press.

Salomon, Richard, Mark Barnard, Frank R. Allchin (1999) Ancient Buddhist Scrolls from Gandhāra. The British Library Kharoṣṭhī Fragments. London: The British Library.

Sen, Amartya (2005) The Argumentative Indian. Writings on Indian History, Culture and Identity. London: Penguin Books.

Sick, David H. (2007) “When Socrates met the Buddha: Greek and Indian Dialectic in Hellenistic Bactria and India.” [In:] Journal of the Royal Asiatic Society, vol. 17(3); 253-278.

Stein, Aurel (1900) Kalhana’s Rājatarangini: A Chronicle of the Kings of Kaśmī, volume 2. Westminster: Archibald Constable.

Strong, John S. (1983) The Legend of King Aśoka: A Study and Translation of the Aśokāvadāna. Princeton, New Jersey: Princeton University Press.

Takakusu, Junjiro (1896) “Chinese Translations of the Milinda Paho.” [In:] Journal of the Royal Asiatic Society of Great Britain and Ireland; 1-21.

Tarn, William W. (1938) The Greeks in Bactria and India. Cambridge: University Press.

Tawney, Charles H. (ed.) ([1875] 1891) The Mālavikāgnimitra. A Sanskrit Play by Kālidāsa, 2nd edition. Calcutta: Thacker, Spink and Co.

Thapar, Romila ([1961] 2012) Aśoka and the Decline of the Mauryas, 3rd edition. New Delhi: Oxford University Press.

Von Hinüber, Oskar ([1996] 2000) A Handbook of Pāli Literature, volume 2. Berlin, New York: Walter de Gruyter.

Waddell, Laurence A. (1897) “A Historical Basis for the Questions of King ‘Menander,’ from the Tibetan, etc.” [In:] Journal of the Royal Asiatic Society of Great Britain & Ireland, vol. 29 (2); 227-237.

Weber, Albrecht (1890) “Die Griechen in Indien.” [In:] Sitzungsberichte der Königlich Preussischen Akademie der Wissenschaften zu Berlin, vol. 2; 901-933.

White, Richard (1991) The Middle Ground: Indians, Empires, and Republics in the Great Lakes Region, 1650-1815. Cambridge: University Press.

 



[1] Giảng viên Viện Nghiên cứu Văn hóa Hy Lạp cổ đại, Đại học Wroclaw, Ba Lan.

[2] Hầu hết các nhà nghiên cứu đều đồng nhất Milinda với Menander I Soter. Tuy nhiên, tôi cho rằng Milinda có thể được đồng nhất với Menander II Dikaios (xem Kubica 2021).

[3] Tôi đã thảo luận lịch sử nghiên cứu về Mi Tiên vấn đáp ở nơi khác (Kubica 2014). Cũng đáng bổ sung một số nghiên cứu gần đây hơn, chẳng hạn như bài viết của Stefan Baums, “Greek or Indian? The Questions of Menander and Onomastic Patterns in Early Gandhāra” trong Buddhism and Gandhāra. An Archaeology of Museum Collections, Himanshu Prabha Ray biên tập (2018). Hay trong bài viết của tôi “Reading the Milindapañha: Indian historical sources and the Greeks in Bactria” trong The Graeco-Bactrian and Indo-Greek World (The Routledge Worlds), Rachel Mairs biên tập (2021).

[4] Laurence Waddell khẳng định sự tồn tại của phiên bản Tạng ngữ, nhưng nó không được bảo tồn.

[5] Xem, Salomon et al. (1999: 5), Von Hinüber ([1996] 2000: 83).

[6] Đối thoại giữa Nāgasena và Ananta; trong phần Tantrik của từ điển bách khoa Kālacakra (Waddell 1897: 231-2).

[7] Đối thoại giữa Nāgasena và Nanda; cuộc đối có niên đại vào năm 472 sau TL (bản dịch của Takakusu 1896, Demiéville 1924).

[8] Ví dụ: Sick (2007).

[9] Plut. Mor. 821 D and E: Μενάνδρου δέ τινος ἐν Βάκτροις ἐπιεικῶς βασιλεύσαντος εἶτ᾽ ἀποθανόντος ἐπὶ στρατοπέδου, τὴν μὲν ἄλλην ἐποιήσαντο κηδείαν κατὰ τὸ κοινὸν αἱ πόλεις, περὶ δὲ τῶν λειψάνων αὐτοῦ καταστάντες εἰς ἀγῶνα μόλις συνέβησαν, ὥστε νειμάμενοι μέρος ἴσον τῆς τέφρας ἀπελθεῖν, καὶ γενέσθαι μνημεῖα παρὰ πᾶσι τoῦ ἀνδρός.

[10] Câu chuyện tương tự cũng được kể về Đức Phật trong kinh Đại Bát-biết-bàn (Mahā-parinibbāna-sutta).

[11] Như đã đề cập ở trước (ghi chú 1), tôi có khuynh hướng xác định đặc điểm của cuộc đối thoại Milindapañha với Menander II Dikaios hơn là Menander I Soter. Các đồng xu của Menander I Soter mô tả hầu hết các biểu tượng của Hy Lạp, chẳng hạn như Athena Alkidemos hay Winged Nike.

[12] Những tài liệu tham khảo này được thảo luận bởi tác giả của bài viết ở nơi khác (Kubica 2014 và Kubica 2021).

[13] Xem Strong (1983: 292-4).

[14] Trong Bhaviṣya Purāṇa có câu chuyện kể về một kẻ ăn thịt người tên là Saśoka, người đã gặp một nhà hiền triết, và nhà hiền triết đã khuyên ông thực hành Phật pháp và tiên đoán rằng Saśoka sẽ tái sinh thành cây Vô ưu (Aśoka).

Chia sẻ: facebooktwittergoogle