Trò chuyện với thợ săn

tro chuyen

TRÒ CHUYỆN VỚI THỢ SĂN

Trương Bối Canh – Nhã Tuệ dịch

 

 

Có thể nhẫn nại thì trí tuệ của bạn sẽ vô cùng vô tận, tinh tế sâu sắc; sức mạnh của bạn sẽ luôn luôn tràn trề, không gì có thể ngăn cản nổi.

Vào k nghỉ hè tháng 8 năm 1976, tôi dẫn theo 6 sinh viên trường Chuyên khoa Chia Nan (nay là Đại học Dược lý Chi Nan, Đài Loan) nhóm thành một đội thầy trò leo núi, đi dọc theo con đường cổ Bát Thông Quan (Pantounkua, Pattonkuan) được mở vào năm Quang Tự thứ nhất, có lịch sử hơn trăm năm. Suốt lộ trình chúng tôi cũng có trèo lên đỉnh núi Đạt Phân, một trong “ba đỉnh núi cao của Đài Loan”. Bởi vì khi đó dạ dày khó chịu, thể lực kém, lại thêm thời tiết nóng nực, ngày đầu tiên đi từ Đông Phố đến Quan Cao, nên đã thực sự nếm trải mùi vị thê thảm, thân thể mệt mỏi rã rời.

Buổi tối cắm trại, gặp được nhóm người đi săn đến từ thôn Trác Khê huyện Hoa Liên; đội trưởng là một người mới xuất ngũ không lâu, trên người còn mặc quân phục màu xanh lá. Trên núi mưa rơi triền miên không ngớt, cảm thấy vô cùng áo não. Bên đống lửa trại, chúng tôi bắt đầu chuyện trò:

“Thời tiết thật quá chán”. Tôi không tránh khỏi than vãn.

“Nhẫn nại”. Anh ấy nói với dáng vẻ bình tĩnh, ung dung tự tại.

“Đoạn đường này thật khó đi”.

“Nhẫn nại”.

“Ái chà! Hai chân thật nhức buốt quá!” Tôi cứ cảm thấy vô cùng bực bội, dường như tôi đã nếm trải hết mọi vất vã trong suốt chặn đường này và muốn kể lể cho mọi người nghe.

“Nhẫn nại”. Anh ấy cứ trả lời với hai chữ ngắn ngủi như vậy, ngoài ra không nói gì thêm.

“Ngày mai e là sẽ không nhấc chân nổi nữa rồi”. Tôi hoàn toàn không có một chút năng lượng tích cực nào cả.

“Chỉ cần nhẫn nại nhất định có thể làm được”. Anh ấy trả lời chắc như đinh đóng cột, giống như một dũng sĩ đã trải qua cả trăm trận chiến, tràn đầy niềm tin.

Nằm trong trại giữa trời mưa, trước khi chìm vào giấc ngủ, tôi cứ nghĩ tới nghĩ lui nhiều lần cuộc trò chuyện này. Từ đó, tôi đã tỉnh ngộ ra nhiều điều rằng: dân tộc thiểu số cũng giống như chúng ta, cũng là thân thể máu thịt, nhưng họ có thể cõng đồ rất nặng, có thể đi rất xa, bởi vì họ có sự nhẫn nại chịu đựng. Cách sống của họ giúp họ tin rằng: chỉ cần có đủ sự nhẫn nại, thì bất k gian nan khốn khó nào cũng đều có thể khắc phục.

Làm người, thì nhẫn nại là một loại tu dưỡng; trong xử thế, nhẫn nại là một loại nghệ thuật; trong công việc, nhẫn nại là một loại trí tuệ; trong cuộc sống, nhẫn nại là một loại sức mạnh. Có thể nhẫn nại thì trí tuệ của bạn vô cùng vô tận, tinh tế sâu sắc; sức mạnh của bạn sẽ luôn luôn tràn trề, không có gì có thể ngăn cản nổi.

Có một cách ngôn nổi tiếng nhất về nhẫn nại là: “Nhẫn một chút sóng yên gió lặng, lùi một bước biển rộng trời cao”. Kiên nhẫn chính là kiên trì, có tính đàn hồi và lực đàn hồi, không chỉ có thể chuyển nguy thành an, hóa gươm đao thành tơ ngọc, thậm chí có thể tạo ra kỳ tích.

Trong truyện ký của thủ tướng Đức Otto Eduard Leopold von Bismarck (1815-1898) nói: “Con người nhỏ bé giống như giọt nước trong biển cả, có khi lại có thể tạo ra sức ảnh hưởng đến cuộc sống cho cả hàng triệu người, khiến họ cảm nhận sâu sắc giá trị đáng quý của những nỗ lực, phấn đấu”. Câu nói này đã giải thích một cách tuyệt vời về tính kiên nhẫn.

Người xưa lại lý giải một cách rộng rãi và thấu đáo về sự kiên nhẫn và khoan dung như thế này: “Người có tâm rộng lớn thì có thể bao dung hết mọi thứ trong thiên hạ, người có tâm khiêm nhường thì có thể tiếp nhận những điều tốt đẹp trong thiên hạ, người có tâm bình lặng thì có thể luận bàn mọi việc trong thiên hạ, người có tâm cần mẫn thì có thể quan sát thấy hết mọi lý lẽ trong thiên hạ, người có tâm kiên định thì có thể ứng phó với mọi thay đổi trong thiên hạ” (Đại k tâm dung thiên hạ chi vật, hư k tâm thụ thiên hạ chi thiện, bình k tâm luận thiên hạ chi sự, tiềm k tâm quan thiên hạ chi lý, định k tâm ứng thiên hạ chi biến).

Khổng Tử nói: “Trong ba người cùng đi, ắt có người là thầy của ta” (Tam nhân hành, tất hữu ngã sư yên). Qua cuộc trò chuyện ngẫu nhiên với người thợ săn mà tôi có được sự mở mang: chỉ cần có thể nhẫn nại thì trên đời này không có việc gì khó; người kiên trì và nỗ lực làm việc thì sẽ thành công, người không biết mệt mỏi tiến lên phía trước thì ắt sẽ đi đến đích. Nói cách khác thì: người có thể bao dung thì tấm lòng rộng lớn, người có thể nhẫn nại thì tâm an ổn, người biết đủ thì luôn vui vẻ, người khiêm tốn thì sẽ bền lâu.

Nguồn: Trương Bồi Canh (2003), Trí tuệ đích thược thi, NXB.Từ Tế Văn hóa Chí nghiệp, thành phố Đài Bắc, tr.142-145.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle