Thắc mắc nhỏ về một công trình lớn

thac mac

THẮC MẮC NHỎ VỀ MỘT CÔNG TRÌNH LỚN

Huỳnh Ngọc Chiến

Bộ Linh Sơn Pháp bảo Đại tạng kinh từ khi mới manh nha đã tạo nên một tiếng vang lớn trong dư luận. Đại công trình Việt hóa kinh điến Phật giáo gồm hàng ngàn kinh, luận lên đến hàng trăm tập này không chỉ giới Tăng Ni, mà ngay cả hàng cư sĩ hoặc những ai khao khát tìm hiểu Phật học, cũng đều mong có được. Bộ tùng thư đồ sộ và quý báu này có thể nói là có quy mô không thua gì bộ Tứ khố toàn thư được danh sĩ Kỷ Hiểu Lam chủ trì biên tập dưới thời Càn Long nhà Thanh. Danh sách hội đồng chứng minh, dịch giả, biên tập, v.v. khắp thế giới làm việc với nhau qua mạng lưới Internet, cùng sự hỗ trợ của công nghệ tiên tiến, khiến người đọc yên tâm từ đây Phật giáo Việt Nam sẽ có một bộ Đại tạng kinh tiếng Việt hoàn chỉnh để góp tiếng nói với Phật giáo năm châu.

Tôi cũng bỏ công sưu tầm nhưng không có duyên nên sau một thời gian chỉ có được một tập 70 là Mật tông Thủ lăng nghiêm, số 945 (Q1-Q10), do Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc xuất bản. (Không đề năm xuất bản; trong bài viết này tạm gọi là bản LS). Vẻ đẹp trang trọng của cuốn kinh khiến ta cảm thấy vui thích khi được cầm nó tên tay. Nhưng chỉ cần đọc qua một số trang, ta không thể không có một đôi điều thắc mắc.

I. ĐÔI ĐIỀU THẮC MẮC

1. Về dịch giả

 Mở những trang đầu tiên, tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy bản dịch chỉ ghi tên dịch giả bản Hán ngữ là Đại sư Bát Lạt Mật Đế đời Đường, mà không thấy đề tên dịch giả Việt ngữ, trong khi đây lại là một bản kinh tiếng Việt. Thoạt đầu, tôi nghĩ rằng có thể đây là công trình dịch của một tập thể trong ban tu thư hoặc của tổ dịch thuộc Hội Phật học Linh Sơn. Nhưng cho dù đây là công trình dịch của một tập thể thì vẫn nên ghi tên của nhóm dịch giả đó. Chúng ta đều biết một dịch phẩm có giá trị hay không là nhờ dịch giả. Một nguyên tác có hay đến mấy mà qua một bản dịch tồi thì vẫn giảm hẳn giá trị. Đối với một dịch phẩm lạ, tên dịch giả rất quan trọng trong việc giúp người đọc đánh giá bước đầu để xem nó có đáng đọc hay không. Đó là chỉ mới nói đến một tác phẩm thế tục thông thường, huống gì đây lại là một bản kinh quan trọng.

Thông thường, một dịch giả phải hội đủ ít nhất hai yếu tố sau mới có thể cho ra đời một bản dịch giá trị. Thứ nhất, phải có sở học và có sở đắc về nội dung mình muốn dịch; thứ hai, phải có tay kinh bút, tức văn tài. Thiếu một trong hai yếu tố đó thì khó lòng cho ra một dịch phẩm giá trị được. Trong lĩnh vực sách thế tục, dịch giả đáp ứng được hai yêu cầu đó vốn đã không nhiều, trong lĩnh vực kinh điển lại càng thêm hiếm. Các pháp sư Cưu Ma La Thâp, Huyền Trang, Cầu Na Bạt Đà La, v.v. trong kho tàng Hán tạng đâu phải thời nào cũng có? Các HT.Minh Châu, Trí Tịnh, Trí Siêu, Huệ Hưng, Tuệ Sỹ, v.v. cũng như các cư sĩ Lê Đình Thám, Đoàn Trung Còn, v.v. trong kho tàng kinh luận tiếng Việt đâu phải thời nào cũng dễ tìm? Tên tuổi các vị đó tự nó đã thành một dấu ấn khẳng định giá trị cho bản dịch. Dịch giả được xem là người tái tạo giá trị nguyên tác trong một ngôn ngữ khác. Nên tên tuổi dịch giả cần được ghi ở một vị trị trang trọng trong bản dịch. Do đó, tôi cảm thấy hơi bị “dị ứng” khi mở tập Mật tông Thủ lăng nghiêm mà chẳng thấy tên dịch giả ở đâu. Nhưng khi đọc một vài trang thì tôi lại càng thêm ngạc nhiên khi biết đây là bản dịch của cố cư sĩ Minh Tâm Lê Đình Thám (trong bài viết này tạm gọi là bản MT). Mãi đến gần cuối sách, nỗi nghi ngờ của tôi mới được giải tỏa qua đoạn văn sau:

*Kinh Thủ lăng nghiêm: (ĐTK/ĐCTT, tập 19, No 495, 10 quyển, Hán dịch là Đại sư Bát Lạt Mật Đế) sử dụng bản Việt dịch - giải của Cư sĩ Minh Tâm Lê Đình Thám.

(bản LS, tr.393)

Minh Tâm Lê Đình Thám là một cư sĩ uyên bác và có nhân cách lớn trong làng Phật học Việt Nam, và bản dịch của ông đã gần như thành chuẩn mực cho bản dịch kinh Lăng nghiêm, ít ra đến thời điểm hiện nay. Sử dụng lại bản dịch giá trị của ông là điều dễ hiểu, nhưng cách nhắc tên dịch giả như thế này thật khó lòng chấp nhận. Điều gây khó chịu hơn nữa là bản LS lại sửa đổi nội dung một đôi chỗ, như đổi danh xưng “tôi” thành “con”, “u ẩn” thành “u uẩn” (!), v.v., hoặc thay đổi dấu chấm câu, mà cách “hiệu đính” tùy tiện này chỉ khiến bản LS trở nên thô vụng hơn bản gốc. Theo tôi, điều này thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với người đã khuất. Một bức tranh đẹp, chỉ cần vẽ lên thêm một vài nét nguệch ngoạc là bức tranh hỏng. Một bản dịch hay, có khi chỉ vì “hiệu đính” không đúng cách là có thể trở thành một bản dịch tồi. Bản MT thuộc trường hợp đó.

2. Về phần phụ lục

 Bản LS có thêm phần phụ lục Phần bộ Mật giáo từ trang 385 đến trang 423, gồm 3 bài viết:

- Giới thiệu Phần bộ Mật giáo (không ghi tên người tác giả) (tr.385-394).

- Về sự mở mang của Mật giáo (Đại Thôn Tây Nhai - Nhật Bổn soạn) (tr.395-409).

- Dâm dục là đạo (trích trong Hoa vũ tập 4 của Đại sư Ấn Thuận 1906-2005) (tr.410-423).

Tôi cố tìm hiểu nhưng cảm thấy nội dung ba bài viết này hầu như chẳng có liên quan gì với nội dung kinh Lăng nghiêm ở phần trước. Nội dung của chúng cũng không thể hiện được ý nghĩa gì cụ thể, ngoài những ý tưởng chắp vá lộn xộn về Mật tông. Mà cách trình bày ba bài viết này cũng nhập nhằng giữa “viết” và “dịch”. Trang cuối bài thứ ba ghi tên HT.Thích Tịnh Hạnh cũng không thể hiện được cho người đọc đã biết cụ thể Hòa thượng đã viết phần nào, dịch phần nào.

Điểm thiếu sót khó hiểu nữa là không có bản mục lục, một chi tiết sơ đẳng cẩn phải có trong bất kỳ cuốn sách nào. 

3. Về hình thức

Cách trình bày của bản LS khá luộm thuộm, không tạo nên sự phân biệt cần thiết giữa phần chính văn và phần giải thích, khiến bản kinh trở nên rối rắm, khó đọc, thua xa cách trình bày rõ ràng, hợp lý trong bản MT của NXB.Tôn Giáo (tải bản lần thứ 14, 2018). 

II. ĐÔI LỜI GÓP Ý

Vì người viết không có đủ các tập khác trong bộ tùng thư Linh Sơn, ngoài tập 70, nên chỉ xin dựa vào bản dịch này và đối chiếu với bản MT để góp một vài ý nhỏ, với tư cách là một Phật tử hay đọc kinh sách.

1.    Dịch lại từ đầu toàn bộ kinh điển trong kho Hán tạng là điều không cần thiết và hầu như bất khả, cho nên sử dụng lại các bản dịch cũ nào đã tự khẳng định được giá trị qua thời gian sàng lọc như bản MT là điều cần thiết và tất yếu. Nhưng cần ghi tên của dịch giả ngay từ những trang đầu để thể hiện sự tôn trọng và khẳng định giá trị của bản dịch.

2.    Đối với những chỗ thấy cần thiết cần biên tập thì nên ghi chú rõ ràng đâu là phần văn bản gốc, đâu là phần hiệu đính. Điều này quan trọng đối với người đọc kinh để nghiên cứu chứ không trì tụng, vì mỗi từ trong bản dịch đều phản ảnh sự thấu hiểu và quan điểm của dịch giả đối với kinh văn.  

3.    Cần có phần Dẫn nhập, hay Phàm lệ ở đầu mỗi tập để người đọc tiện theo dõi và hiểu được ý định, mục đích của công trình, vì không  phải người nào cũng có điều kiện sở hữu đầy đủ bộ tùng thư này.

4.    Bảng Nội dung ở đầu sách hay bản Mục lục ở cuối sách là điều bắt buộc phải có, càng chi tiết càng tốt, nhất là đối với những bản kinh phân chia đề mục kỹ càng như bản MT.

5.    Phần Phụ lục nếu cần thiết phải đưa vào cuối mỗi tập thì nên được biên tập kỹ lưỡng để mang tinh nhất quán và phải thể hiện được mối tương quan nội tại với phần kinh văn ở trước.

Bộ Linh Sơn Pháp bảo Đại tạng kinh là một đại công trình đầy tâm huyết, hoàn thành được nó là công đức vô lượng, nhưng có vẻ như được biên soạn hơi vội vã để chạy đua với thời gian và số lượng, cho nên để lộ nhiều sơ sót. Thật là điều đáng tiếc. Công trình này có thể được xem như một tòa Pháp bảo được chư Tăng Ni cùng cư sĩ dâng lên cúng dường chư Phật thì sao lại phải vội vã? Kiện toàn được bộ Linh Sơn Pháp bảo Đại tạng kinh này không phải chỉ có tâm huyết, công sức, tài lực, v.v. là đủ mà còn cần phải hội đủ cơ duyên. Nó có hoàn chỉnh sau một vài thế hệ cũng đâu có sao đâu? Cứ nhẫn nại hoàn thiện từng tập một, khi cơ duyên chín muồi thì điều kỳ diệu tự nhiên sẽ đến.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle