Buộc mái chèo vào hoàng hôn

buoc mai cheo

Trời mùa thu dường như có thật nhiều những ngày mưa lang thang. Lá rơi phủ đầy trên con suối nhỏ, cạnh khu rừng mỗi ngày tôi vẫn thường đi qua. Những chiếc lá thu ướt nằm dưới ánh nắng sớm, màu sắc như sáng hơn lên. Thời gian vào lúc chuyển mùa, với những đổi thay đang có mặt chung quanh, thường khiến ta bước chậm lại.

    Mà trong cuộc đời cũng vậy, những thăng trầm, biến đổi cũng thường khiến ta bớt đi những hối hả. Đôi khi, những khó khăn bất ngờ trong cuộc sống cũng giúp ta dừng lại và ý thức được những tạm bợ và đổi thay của cuộc đời, và có một cái nhìn sâu sắc hơn.

Cái khăn sạch

Chúng ta bước chân vào con đường tu học thường với một mong muốn chuyển hóa được những phiền não, khó khăn của mình, và nếu như có thể thay đổi được chút gì cuộc sống chung quanh. Làm sao cho mỗi bước chân ta đi khởi lên những làn gió nhẹ làm mát cuộc đời, cho nơi này trở thành một cõi tịnh độ…

    Nhưng nếu như ta không nhìn thấy được gốc rễ của khổ đau, thì những gì ta làm, cho dù có hay đẹp đến đâu, cũng khó thật sự chuyển hóa được điều gì phải không bạn? Mà nhiều khi còn khiến cho cuộc đời này rắc rối thêm...

 

Tôi có đọc một câu truyện ngắn về chiếc khăn sạch của nhà văn Trần Quốc Tiến.  Có một ông bác bảo đứa cháu trai sáu tuổi lấy khăn lau cho sạch cái bàn để ông chuẩn bị tiếp khách. Thằng bé vâng lời, mang khăn lên lau bàn. Nhưng sau mỗi lần nó lau xong ông đều kiểm tra lại, và thấy cái bàn bẩn vẫn hoàn bẩn.  Người bác xem lại và hiểu ra nguyên do khiến thằng bé lau mãi mà cái bàn vẫn không thể sạch. 

    Ông hỏi: “Cháu có biết tại sao không?”, thằng bé thật thà bảo: “Dạ không ạ.”  Người bác đưa cho nó xem cái khăn rất bẩn, ôn tồn bảo: “Cái khăn này quá bẩn, cháu thấy không, cho nên cháu lau mãi mà bàn vẫn chưa sạch được là phải. Muốn lau bàn thật sạch, trước hết cháu phải giặt cái khăn cho sạch đi đã”.  Thằng bé vâng lời rồi đi giặt khăn.

    Chuyện đơn sơ thôi nhưng sâu sắc. Dùng cái khăn dơ để lau chùi thì vật được lau chùi ấy không thể nào sạch được, mà nhiều khi còn lại dơ hơn lúc chưa lau chùi.

    Cũng vậy, tôi nghĩ chúng ta cần một cái nhìn rộng lớn và sâu sắc hơn để thấy rõ được nguyên nhân của khổ đau. Trên con đường tu học ngày nay, chúng ta có rất nhiều những phương tiện hay mới để giúp mình an tâm, để nuôi dưỡng an lạc, để có sự vững vàng… Nhưng bạn biết không, nếu như ta không cẩn trọng thì sẽ không có gì thay đổi hết, nếu như mình không ý thức được những gì đang thật sự xảy ra, và thấy rõ nguyên nhân của chúng.

Ngày là ngày và đêm là đêm

Khi đứng trước một cây khô héo với những chiếc lá vàng úa, nếu ta biết chăm sóc cho gốc rễ của nó, thay vì chỉ tưới nước vào những chiếc lá, thì cây ấy sẽ dễ được xanh tươi hơn. Và thấy rõ được thực tại của mình như-nó-là, là một phương cách nhiệm mầu để chuyển hóa những khổ đau của mình.

     Trong Kinh Tương Ưng, Phật có dạy rằng chúng ta chỉ có thể chuyển hóa những lo âu, buồn giận, sợ hãi, khổ đau của mình bằng cách trở về và nhìn thấy rõ nó một cách chân thật.

 

Ngày xưa Phật thường đi vào những nơi rừng vắng để tham thiền. Vào những đêm khuya tối trời, mỗi tiếng động, mỗi cành cây khô gẫy, mỗi tàng lá lung lay, mỗi bóng một con thú đều có thể làm phát sinh lên trong ta một sự tưởng tượng, một nỗi khiếp sợ.

     Phật kể, nếu như nỗi sợ ấy phát sinh Ngài sẽ tĩnh lặng quan sát nó cho đến khi nào nỗi sợ ấy qua đi.

"Này Janussoni, lúc ta đang đi, nỗi sợ hãi kinh hoàng lại phát sanh. Biết vậy, ta không dừng bước, không ngồi xuống, không nằm, sáng suốt cương quyết đương đầu với thử thách và chế ngự nó.

    "Khi ta đang đứng, nỗi lo sợ cũng phát sanh. Biết vậy, ta không đi, không ngồi, không nằm, sáng suốt cương quyết đương đầu với thử thách và chế ngự nó.

    "Này Janussoni, có nhiều đạo sĩ cho rằng ngày và đêm cũng như nhau, Như Lai lại nói: 'Ngày là ngày và đêm vẫn là đêm' ".

Với một thái độ ôn hòa, tĩnh lặng và trong sáng

 

Trong khi những đạo sĩ khác nói với Phật rằng phương cách của họ là quán tưởng rằng ban đêm cũng giống như ban ngày, tuy trong đêm tối họ vẫn cảm thấy như ban ngày, nên không có một nỗi sợ hãi nào hết. 

    Nhưng Phật không đồng ý với điều ấy. Đối với Ngài thì ta chỉ cần quay về và đối diện với thực tại để thấy được gốc rễ của vấn đề, “ngày là ngày và đêm vẫn là đêm.” Phật không tránh né, cũng không tưởng tượng thêm gì khác, Ngài chỉ đơn giản thấy được những gì đang xảy ra như đang-là, và có mặt với nó một cách trọn vẹn.

    Và đức Phật đối diện với những nỗi sợ không phải bằng một sự tìm hiểu, phân tích, hay chịu đựng, mà bằng một thái độ từ tốn và ôn hòa. Ngài chuyển hóa chúng với một thái độ tĩnh lặng, trong sáng, không vội phản ứng. Mà sự tĩnh lặng, trong sáng ấy cũng đang có sẵn trong ta, nếu như mình biết buông bỏ để quay về nương tựa vào nó. Khi ta biết quay về để có mặt trọn vẹn, tuy không làm gì hết, mà những khổ đau lại tự nhiên được chuyển hóa.

    Bạn biết không, trên con đường tu học nhiều khi chúng ta vẫn mong tìm một phương pháp mới lạ nào đó để chuyển hóa khổ đau. Nhưng nếu như ta không trở về để thấy rõ được sự vận hành và sinh diệt tự nhiên của chúng, thì có lẽ sẽ khó có một phương pháp nào khác lại có thể giúp ta chuyền hóa chúng được. Đôi khi ta cũng giống như các vị đạo sĩ kia, lại vô tình chỉ muốn biến "ngày và đêm cũng như nhau"...

Buộc mái chèo vào hoàng hôn


 

Bầu trời hoàng hôn của một ngày thu có một vẽ đẹp rất riêng. Có những buổi chiều trên con đường về nhà, tôi nhìn những áng mây pha lẫn màu vàng tím nhuộm thẩm chân trời, thật đẹp. Dường như những sắc màu của mùa thu cũng đang vướng quyện trong áng mây cuối trời trong một không gian hoàng hôn. 

   Tôi nhớ đến một bài thơ của cụ Nguyễn Trãi viết trong một buổi chiều tà, khi ông lên thăm một ngôi chùa nằm trên núi cao,

Du Sơn Tự

Đoản trạo hệ tà dương

Thông thông yết thượng phương

Vân quy thiền tháp lãnh

Hoa lạc giản lưu hương

Nhật mộ viên thanh cấp

Sơn không trúc ảnh trường

Cá trung chân hữu ý

Dục ngữ hốt hoàn vương

Lên chùa trên núi

Buộc chèo vào hoàng hôn

Lên lễ Phật bước dồn

Mây về giường thiền lạnh

Hoa rụng suối đưa hương

Trời lặn, tiếng vượn gấp

Núi không, bóng trúc trườn

Trong cảnh thật có ý

Định nói, bỗng quên luôn.

Phạm Thảo Nguyên (dịch)

    Tôi thích câu thơ dịch ấy "Buộc chèo vào hoàng hôn."  Chiếc thuyền nhỏ trên sông dưới bóng chiều tà. Không gian trôi chạm nhẹ vào với thời gian. Ta có mặt ngay nơi đây rất tự nhiên mà không thấy một sự cố gắng nào hết. Chiếc mái chèo ngắn gác vào với bầu trời hoàng hôn, yên nghỉ. Không còn gì xao động. Nước sông tĩnh lặng.

    Trên con đường lên núi, mây trôi ngang qua một am thiền trống không, hoa rụng bên bờ suối hương tỏa ngát núi rừng, vạt ánh nắng vàng vắt ngang cuối chân mây, đâu đây tiếng vượn kêu giữa núi vắng không, bóng trúc đổ vươn dài theo ánh hoàng hôn.  Và giữa một hiện hữu trong sáng ta chợt ý thức rằng đâu có gì để thêm bớt, có một lời nào cần để nói nữa đâu...

Nguyễn Duy Nhiên

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle