Môi trường sống dưới góc nhìn của duy thức học

moi truong song duoi goc nhin

 

Đặng Công Hanh

 

Trong kinh "Phật thuyết Bát đại nhân giác" có lời dạy:

"Thường niệm tri túc

An bần thủ đạo

Duy tuệ thị nghiệp"

Đây chỉ là một phần của bài kệ nhưng đã biểu hiện đến độ sâu thẳm khi ta suy ngẫm chân thành đều thấy được như kim chỉ nam cho những ai thành tâm tu học hay ít nhất cũng là thái độ minh triết đối với cuộc sống khi nhìn dòng đời trôi nổi của con người hiện sinh (đang hiện hữu và đang sinh hoạt) trong các mối quan hệ.

- Quan hệ với chính mình

- Quan hệ với tha nhân và với xã hội

- Quan hệ với thiên nhiên vũ trụ

- Quan hệ với lịch sử của mình và của nhân loại.

Tuy nhiên, tùy theo căn trí và hoàn cảnh riêng của mỗi người có thể đặt nặng quan hệ này mà xem nhẹ quan hệ kia và dứt khoát không tồn tại một ai có thể hiện sinh một cách độc lập đối với ít nhất một trong bốn quan hệ nói trên.

 Trách nhiệm cung cấp bồi dưỡng cho con người các mối quan hệ đó thuộc về các tổ chức tôn giáo, các tổ chức văn hóa giáo dục, các thức giả, các nhà khoa học, các bậc thiện tri thức. Việc từng bước tu chỉnh cải thiện dần các mối quan hệ theo cái "biết" ngày càng sâu rộng và chân thực hơn về chính mình cũng như về vũ trụ vạn vật sẽ là nền tảng, mục đích và là nội dung của đạo lý sống.

Đối với người học Phật, trên quan điểm tiếp cận với hiện đại thì Phật giáo được xem là "một khoa học về tâm thức". Càng ngày chúng ta càng kinh ngạc trước sự phong phú của những tương đồng giữa lời dạy của đức Phật với những khám phá mới của nền vật lý hiện đại. Nhiều nhà tiên phong về khoa học và triết học Tây phương đã nhận thức đến sự tương đồng này, họ hăng say nghiên cứu và đối thoại giữa huyền học - khoa học tâm linh với các ngành khoa học vật chất để có thể khởi kiện các tri kiến mới về vũ trụ và trách nhiệm con người đối với vũ trụ, trong đó phải kể đến David Bohm. Theo ông, vũ trụ và thế giới vật chất quanh ta lưu xuất từ một thực tại tiềm ẩn sâu kín, luôn luôn vận động, gọi là "vận động toàn thể" (holomouvement), tức là trạng thái chân thật của vạn hữu trong vũ trụ mà Bohm gọi là chân như (that - which - is). Mọi sự vật kể cả không gian, thời gian và vật chất là biểu lộ động của chân như. Theo danh từ của Bohm thì chân như là "trật tự ẩn tàng" (the implicate order) vốn là nguyên lý sáng tạo của mọi tồn tại. Nó không thể là đối tượng của nhận thức thường nghiệm, vì nó phổ biến khắp vật chất, là bản thể của vật chất. Nội dung của trật tự ẩn tàng là "cái toàn thể nằm trong cái riêng lẻ" hay thực tại là hình ảnh của toàn vũ trụ được ẩn tàng trong từng đơn vị nhỏ nhất của bản thân nó. Vì vậy đối với Bohm, sự sống (life) là được chứa trong trật tự ẩn tàng. Có thể trong một số dạng của hiện tượng thì sự sống không xuất hiện rõ nét, trong một số khác thì rõ ràng hơn.

David Bohm, nhà vật lý lý thuyết kỳ tài nguyên là giáo sư quá cố Đại học Luân Đôn, quan niệm chân như cũng là chân như lượng tử hay chân không lượng tử mang vô tận năng lượng, từ đó ông quan niệm vũ trụ là một đại dương năng lượng đang vận hành trong dạng trật tự ẩn tàng và vũ trụ vật chất quanh ta chỉ là một dạng của năng lượng đó khi bị kích thích mà hiện khởi và thế giới hiện tượng chỉ là một trật tự dàn trải (exphicate order), một thuật ngữ ông dùng. Theo ông, toàn thể khái niệm về trật tự ẩn tàng là một cách thể để bàn về nguồn gốc của hình sắc lưu xuất từ vô sắc qua trung gian tiến trình dàn trải. Vì vậy toàn thể vận động chính là sự nối tiếp liên tục giữa hai dạng ẩn và hiện của sự vận động toàn thể mà vũ trụ là một phần của nó.

Hình như Bohm muốn nói đến lý nhân duyên và triển khai hình thái của thuyết pháp giới duyên khởi trong triết lý nhà Phật. Pháp giới duyên khởi bao hàm hai mặt: một là thể tánh (cảnh giới của lý), mặt khác là thế giới hiện tượng (cảnh giới của tướng). Trong chiều kích không gian, lý duyên khởi phát biểu về sự tương quan cái này có thì cái kia có. Pháp giới duyên khởi là đỉnh cao của lý thuyết nhân quả, là một dạng triết lý về toàn thể của tất cả hiện hữu. Trong chiều kích thời gian thì biểu hiện trong chuỗi tương liên mười hai nhân duyên, 12 ràng buộc, 12 mắc xích hay 12 yếu tố nối tiếp nhau trở đi, trở lại không ngừng nghỉ và theo diễn tiến quay vòng, điểm đầu cũng là điểm cuối.

*

**

Theo Duy Thức học nhìn nhận thì tâm là cội nguồn của tất cả hành động, nên lý nhân duyên phải đặt trong tàng thức hay a-lại-da thức. Tàng thức là kho tàng chủng tử, là thể, là tướng và dụng của Tâm về nhiễm (vọng) và tịnh (chân, bản thể) hòa hợp, không phải là một mà cũng chẳng phải khác. Tàng thức là một thực thể căn bản hình thành cơ cấu mọi hiện hữu, tức là thân thể, tâm thức và môi trường chúng ta. Trong Kinh Lăng Già, Thiền sư Thích Thanh Từ có dịch một bài kệ đã dùng biển cả dụ cho tàng thức được xem như là một trung tâm duy trì cơ cấu giả lập của hiện hữu bao gồm cả chủ thể lẫn khách thể:

"Biển tàng thức thường trụ

Gió cảnh giới nổi dậy

Lớp lớp các sóng thức

Ào ạt mà chuyển sinh"

Vì vậy khi nói đến môi trường sống phải được quan niệm là môi trường thiên nhiên mà cá nhân và xã hội thực hiện các hoạt động của cuộc sống.

Với những cơ sở nêu trên đã nói lên chức năng quan trọng mà Tàng thức trong vấn đề làm gia tăng dục vọng của con người như là nguyên nhân của vấn đề môi trường đạo đức xã hội, của những ảnh hưởng sản phẩm khoa học - kỹ thuật tác động lên tâm thức con người.

Trong triết học Duy Thức, chủng tử là khái niệm nói về cội nguồn của tâm thức, nó vốn là vô thuỷ cho nên trong dòng chảy tâm thức, mọi hiện tượng tâm lý sinh hay diệt đều nương tựa vào hạt giống sẵn có (chủng tử bản hữu) trong Tàng thức. Vì vậy thế giới hiện thực khách quan như không gian, thời gian, đất, nước, gió, lửa, phương vị, tâm thức là những thành tố cơ bản kiến thiết nên sinh mệnh của các loài hữu tình và vô tình. Tất cả những hạt giống trong tâm thức không có một thực thể bất biến, mà tất cả đều lưu chuyển tương tục như những hạt nước trên một dòng chảy mà thuật ngữ Phật học gọi là dòng bộc lưu. Theo các kinh luận Phật học thì những hạt giống mới được gieo trồng vào tàng thức khi tâm thức đang giao tiếp với hiện tại gọi là tân huân chủng tử, nhưng kỳ thực nó có hai mặt: mặt đã có sẵn gọi là bản hữu, mặt được huân tập lại là sự vun đắp, tưới tẩm cái đã có sẵn làm cho nó hiện hành tức là từ trong tàng thức nó biểu hiện ra bên ngoài sắc thân.

Tân huân chủng tử xem như hạt giống bắt đầu gieo từ sự chăm sóc vun đắp được gọi là huân tập, huân tập để tạo thành một khí chất gọi là tập khí. Chẳng hạn khi mới đến chùa đảnh lễ gọi là tân huân, rồi thường xuyên đến chùa gọi là huân tập, và rồi ý niệm lên chùa lễ Phật thường xuyên trong sinh hoạt tu tập gọi là tập khí. Hiện thân của tập khí chính là con người cả hai mặt tâm lý và vật lý, tư duy và hành động, vật chất lẫn tinh thần, biệt nghiệp và cộng nghiệp, cá nhân và cộng đồng xã hội.

Tổ hợp gồm tân huân, huân tập và tập khí là một tiến trình của hoạt động tâm thức trong một con người tạo nên nghiệp riêng (biệt nghiệp), vì vậy trong kinh văn có ghi lời dạy của đức Phật: "Con người là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự nghiệp. Nghiệp là thai tạng từ đó con người được sinh ra, nghiệp là bằng hữu của con người chính nó".

Mặt khác, môi trường thiên nhiên và môi trường xã hội không thuộc về một cá thể riêng mà chung cho cộng đồng, cho xã hội, nên chúng được hình thành bởi cộng nghiệp (nghiệp chung) và cộng nghiệp không những là cho biết ý thức xã hội bên ngoài của một gia đình, của một cộng đồng, một quốc gia mà còn cho biết cả ý thức bên trong của họ. Vì vậy sự hiện hữu vừa mang tính cách riêng của nó nhưng cũng vừa mang tính chất chung của toàn thể.

Nói cách khác, tập khí hay thể cách sống của mỗi một cá nhân đều có thể phản ảnh cái thể cách sống của mọi người trong cùng một xã hội, một thời đại vì cá nhân vừa là sản phẩm của xã hội vừa là tư cách thành viên của cộng đồng. Điều này nghiệm đúng định đề Duyên khởi:

 

"Khi cái này có mặt thì cái kia có mặt

Khi cái này không có mặt thì cái không có mặt

Khi cái này sinh khởi thì cái kia sinh khởi

Khi cái này đoạn diệt thì cái kia đoạn diệt"

Từ quan điểm này, mối liên hệ giữa cá nhân với tâm thức, giữa cá nhân với xã hội, giữa con người với thiên nhiên, những mối quan hệ này là những phương tiện nhận thức về thế giới trong Phật giáo.

*

**

·Tính duyên khởi của Tàng thức

Theo Duy thức tương ứng với 5 cơ quan cảm giác trong con người tương ứng với năm thức gồm nhận thức, nhĩ, tỷ, thiệt và thân thức trong tâm thức, chẳng hạn nhĩ thức nhận biết âm thanh và phân biệt với âm thanh khác. Tàng thức nhận thức các chủng tử, môi trường và năm thức nói trên thông qua mạt na thức (thức thứ 7). Đó là tính năng độc đáo riêng của nó để nhận thức. Sự nhận thức được phản ánh qua các hành động thân, khẩu và ý, chúng lại được in vào Tàng thức bằng các hạt giống. Đây là tiến trình Duyên khởi của Tàng thức và kết cục, khi ba nghiệp thân, khẩu và ý này biểu đạt thì chính chúng trở thành các chủng tử biệt nghiệp mới được tích chứa vào Tàng thức. Vòng phản hồi Tàng thức ở cá nhân được hình thành tại đây. Khái niệm này cho thấy cộng nghiệp được lưu vào Tàng thức duy trì được những mối liên hệ sinh động với cộng đồng, với xã hội và môi trường thiên nhiên và chuyển đổi liên tục dẫn đến sự tích lũy các cộng nghiệp mới để cuối cùng biểu lộ chính nó trở thành hiện tượng. Tóm lại, cả thế giới hiện thực khách quan với muôn vạn dị biệt đa thù, lẫn các hiện tượng tâm lý như buồn vui, giận hờn, yêu thương đều là các biểu hiện của Tàng thức.

Theo quan điểm của đạo Phật, con người trước hết là biểu hiện từ Tàng thức bao gồm các nhân duyên: địa, phong, thủy, hỏa, không, thời, phương, thức và xuất hiện như một tổng thể của năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Bản chất của con người là một tích hợp của nhân duyên với dòng nghiệp thức. Dòng nghiệp ở đây chính là hạt giống, các tập khí, các tạo tác trong sâu thẳm của tâm thức và là nguyên ủy cho vòng luân hồi sinh tử của một dòng sinh mệnh.

Môi trường sống là không gian cho sự cộng sinh của muôn loài bao gồm cả con người được điều phối nghiêm ngặt bởi nguyên lý Duyên khởi và tiến trình vòng phản hồi của cộng nghiệp trong Tàng thức.

Cho đến muôn thuở, nhân loại đã cải tạo biến đổi môi trường sống chỉ nhắm thẳng mục đích đáp ứng dục vọng của con người. Nói cách khác những gì thuộc bên trong con người như những dục vọng sẽ được biến hiện thành những thành tố bên ngoài môi trường sống và chính sản phẩm của dục vọng này lại trở thành đối tượng kích thích ngũ quan: sắc, thanh, hương, vị, và xúc giác con người. Từ ban đầu, cộng nghiệp như là một tổng thể có qui mô nhỏ, nhưng dần dà thông qua vòng phản hồi của Tàng thức, phóng đại tính cộng nghiệp theo biên độ rộng lớn trong cả cộng đồng.

Thực ra, ta cần phân biệt giữa hai khái niệm dục vọng và khát vọng. Dục vọng về bản chất là một sức mạnh mù quáng như một sự thèm khát đầy dẫy dằn vặt tâm trí, bị điều động bởi lòng ích kỷ, nó chỉ nhằm thỏa mãn những toan tính vô hạn của cuộc sống tầm thường. Dục vọng nhanh chóng biến chất để chuyển thành độc tố tham, sân, si của tâm ngay khi nó trở nên gay gắt, ám ảnh hoặc chấp thủ không kiểm soát được. Trái lại, khát vọng nảy sinh từ tâm ý muốn biến mình thành người tốt, phụng sự cho phúc lạc con người, hoặc vươn tới giác ngộ tâm linh.

· Sự chuyển hóa Tàng thức.

Như phần trình bày trên, Tàng thức dung chứa các hạt giống vừa ô nhiễm vừa thanh tịnh, sự chuyển hóa có mục đích làm tan biến, diệt tận các hạt nhân ô nhiễm, bất thiện, trả lại bản tính thanh tịnh, chân thật của nó. Nói một cách cụ thể là giải trừ các hạt giống tạp niệm trôi lăn trong diễn biến tâm lý của chủ thể nhận thức kể cả các đối tượng được nhận thức.

Con người hiện hữu trong môi trường sống tương tác nhận thức của mình thông qua ngũ quan và được tổng hợp vào ý thức (thức thứ 6) và cũng được nhận thức bởi Tàng thức (thức thứ 8). Hầu hết các biểu hiện của chủng tử được in vào Tàng thức thông qua ngôn ngữ chẳng hạn giáo dục, đối thoại, diễn thuyết, báo chí, triển lãm. v.v… là các chủng tử nghiệp thiện. Các chủng này lại được lưu giữ thông qua vòng phản hồi của xã hội sẽ là cộng nghiệp tốt tác dụng tốt trong tương lai.

- Mặt khác, bằng phẩm hạnh nhẫn nhục, phát triển chánh niệm chịu đựng khó khăn, thực hành thiểu dục với tinh thần tri túc, kiềm chế tham lam, không để tâm trí bị đầu độc, bị ám ảnh bởi những xa hoa phù phiếm của vật chất, bởi những tham đắm quyền thế. Sau cùng, quán về tính không của vạn hữu để nuôi dưỡng ý thức về mối quan hệ Duyên khởi giữa tất cả các dạng thức sống, để nhận ra sự cộng tồn giữa con người và sinh vật khác và từ đó con người trực nhận được sự bình đẳng giữa mình và chúng sinh về mặt sinh mệnh nhưng vẫn dành cho con người một dạng sinh mệnh thông minh hơn có quyền ưu tiên.

· Điều phải suy ngẫm

Dường như, ngày nào sự phát triển khoa học và kỹ thuật còn phát triển mạnh, bí mật của thiên nhiên không ngừng được khám phá, phơi bày trước mắt con người, thì nhân loại càng trở nên cuồng vọng hơn. Dưới ảnh hưởng tư tưởng duy vật luận của phương Tây, con người vẫn cho rằng vật chất quyết định ý thức, vật chất trở thành mục tiêu cao cả, ưu tiên cho cuộc sống, và vì thế con người dần dà bị vật chất hóa, không hay không biết tự lúc nào. Con người vẫn mãi mê nhận thức rằng chỉ có điều kiện vật chất càng nhiều thì hạnh phúc càng ổn định và vì thế dưới mục tiêu chung của phát triển kinh tế thì lực lượng tiềm ẩn của con người đã được kích thích một cách mãnh liệt, trạng thái tâm lý thay đổi, chao đảo không ngừng và dường như ý nghĩa kiếp người chỉ được đo bằng con số trên tài sản của họ sau bao năm tháng bôn ba.

Xét từ quan điểm của Phật học, lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của đời người là không khác nhau. Lợi ích xã hội và lợi ích cá nhân cũng là một thể. Vì vậy tư tưởng tìm kiếm lợi ích trước mắt để làm giàu không nghĩ đến hành vi tức thời sẽ gây hậu quả đến mai sau là một điều quá tai hại cho cộng đồng xã hội và rộng hơn là cho toàn thể nhân lại. Đây chính là vấn nạn của môi trường sinh thái và sâu xa hơn là vấn nạn của biến đổi khí hậu mà nhân loại đang đối mặt trong toàn cầu như hiện nay.

Quan niệm của Phật giáo về sinh mệnh con người trong vũ trụ xuất phát thông qua trực giác của đức Phật sau khi ngồi thiền định dưới cội Bồ-đề và khám phá bản chất của vũ trụ, Ngài đã nhận ra rằng bản thân đời sống không thể tách rời nguồn gốc của sinh mệnh muôn loài và vũ trụ mà nó được hình thành trong đó. Ngài đã đặt tên là sinh mệnh cơ bản hay còn gọi là Pháp (dhamma). Đức Phật đã thấy rõ sinh mệnh vũ trụ và tính bất nhị giữa Ngài và vũ trụ trong từng sâu thẳm. Theo các luận cứ Phật học, Pháp không có hình dạng, nó là sinh mệnh trong sinh mệnh. Thuật ngữ khác dùng thay cho Pháp gọi là Như Lai. Như Lai "là người đã đến như thế" danh hiệu chỉ một vị đã đến bậc giác ngộ cao nhất, bậc Chánh đẳng chánh giác. Đôi khi có nghĩa là biểu hiện cụ thể của Chân như, thể tính của vũ trụ, được xem là gạch nối giữa hiện tượng và bản thể. Như Lai trong nhiều trường hợp đồng nghĩa với trí huệ, với Không tánh.

Nói một cách khác, mọi thứ hiện hữu trong vũ trụ được kết nối bằng luật Duyên khởi, một nguyên lý của tính tương đối mang bản chất khoa học hiện đại. Tác dụng của sinh mệnh vũ trụ là thực hiện những hành động trong mạng lưới phức tạp của nhân quả. Quá trình vận hành của sự tiến hóa sinh mệnh và thế giới vật chất làm xuất hiện dạng sinh mệnh thông minh gọi là con người. Trong Kinh Đại Thừa có dạy: Trong vũ trụ bao la rộng lớn này tồn tại những dạng sinh mệnh thông minh khác hoạt động xuyên suốt trong sự phát triển của nó. Đó chính là khái niệm: "Quốc độ của Phật"ở quá khứ, hiện tại và vị lai trong mười phương. Bởi vậy, con người phải nỗ lực thực hiện những hành động tương thích với nhận thức cao hơn của mình. Nhìn trên qui mô địa cầu, hệ thống sinh thái, tiến hóa chọn lọc, phát triển theo cách sáng tạo và nhân loại là một thành viên trong cộng đồng này. Con người là vốn quý, là bậc linh trưởng của vạn vật vì có tâm thức có tự do chọn lựa, khác với động vật. Sung sướng, hạnh phúc, đau khổ và phiền muộn đều là các cảm giác lưu xuất từ tâm cho nên phải có nhận thức sâu sắc về tác dụng của tâm linh, và chính tâm linh chứ không có nhân tố nào khác là cội nguồn ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến sự thay đổi của thế giới mà con người đang sống. Chính đời sống, xã hội, thế giới của con người, do con người muốn làm ra chứ không phải do một sự mặc khải nào cả.

Nguồn: Hoằng Pháp 33

 

 

 ảnh chỉ mang tính minh họa

SÁCH THAM KHẢO

 

1. Luận Câu xá: Thích Thiện Siêu - NXB Tôn giáo 2006

2. Thành Duy Thức: Tuệ Sỹ (dịch và chú) - NXB Phương Đông 2009

3. Triết học và khoa học Tây Phương - Pháp Hiền - NXB Phương Đông 2010

 

 

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

1. Từ điển Phật giáo: Chân Nguyên, Nguyễn Tường Bách, Thích Nhuận Châu - NXB Thời Đại

2. Thành Duy Thức: Tuệ Sỹ dịch NXB Phương Đông

3. Đai Thừa Tuyệt đối luận: Nguyệt Như Tâm Viên, Đặng Hữu Trí dịch - NXB Thời Đại

4. Kim Cang: Thích Nhất Hạnh - NXB Lá Bối

5. Max Planck: Nguyễn Xuân Xanh - NXB Trí thức

6. Từ điển yêu thích bầu trời: Trịnh Xuân Thuận - NXB Trí thức

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle