GS. Trịnh Xuân Thuận: “Sự gặp gỡ giữa hai tư tưởng-Khoa học và Phật giáo"
Sáng ngày
21-12, tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TP.HCM, đông đảo giới báo chí,
các giảng viên và sinh viên đã đến tham gia buổi giao lưu với nhà thiên văn học
nổi tiếng - Giáo sư Trịnh Xuân Thuận thông qua seminar “Khoa học và Phật giáo -
Sự gặp gỡ giữa hai tư tưởng”.
Giáo sư người Mỹ gốc Việt
Trịnh Xuân Thuận hiện đang là giảng viên trường ĐH Virginia, Hoa Kì. Trong chuyến về nước lần
này ông đã được mời thực hiện 12 buổi giao lưu với các trường Đại học ở miền Bắc
và miền Trung với các chủ đề khác nhau và buổi giao lưu hôm nay là lần đầu tiên
ông trình bày về “Khoa học và Phật giáo”.
Giáo sư Trịnh Xuân Thuận
(phải)
chia sẻ chân thành những quan
điểm của mình
Quang cảnh tham dự buổi
nói chuyện của giáo sư Trịnh Xuân Thuận
GS. Thuận cho biết điểm khác nhau trong cách nhìn
nhận của khoa học và Phật giáo.
Nếu khoa học nhìn rất xa về vũ trụ, dùng ngôn ngữ toán học để phân tích, phân
loại và đo lường để xem xét các hiện tượng bằng phương trình thì Phật giáo lại
nhìn vào bên trong mà chiêm nghiệm bằng trực ngôn để biết rõ sự đau khổ và thấu
triệt hoàn hảo các dạng thức tối hậu của tinh thần và các hiện tượng - “điều mà
các phương trình của khoa học không thể nào phân tích hết cả vũ trụ” - Giáo sư
bày tỏ quan điểm.
Phần chính của bài báo
cáo, giữa hai vấn đề mà đại đa số mọi người cho rằng đối lập là Khoa học và Phật
giáo, GS. Trịnh Xuân Thuận đã chỉ ra ba nét tương đồng cơ
bản giữa chúng là Sự phụ thuộc lẫn nhau, Tính trống không, và Vô thường.
Minh chứng cho những điểm
tương quan này, ông đã trình bày song song các thuyết Lượng tử, tính “không tách
được”, Con lắc Foucault, Nguyên lí Mach của khoa học với quan hệ Nhân quả “Không
có gì có thể tự tạo ra một mình” của Phật giáo để thấy rằng cả hai lĩnh vực đều
nhìn nhận có của Sự phụ thuộc lẫn nhau của tất cả các hiện tượng.
Ông Phan Thanh Bình -
Giám đốc ĐHQG TP.HCM
trao tặng hoa cho hai vị giáo
sư
Về tính trống không, GS
Thuận nhấn mạnh “Trống không không có nghĩa là hư không, mà là sự vắng bóng tồn
tại riêng... Phật giáo không nói rằng các sự vật không tồn tại,
bởi vì chúng ta có trải nghiệm về nó. Phật giáo không
có thái độ hư vô mà người ta thường gán cho nó một cách sai lầm.
Phật giáo khẳng định rằng sự tồn tại này là không tự lập, mà phụ thuộc lẫn nhau,
và như vậy tránh được quan điểm duy vật về thực tại. Phật giáo chấp nhận
quan điểm trung dung, theo đó một hiện tượng không có tồn tại tự lập, nhưng
không vì thế mà không tồn tại, và có thể tương tác và vận hành theo các quy luật
nhân quả: đó là điều mà Phật giáo gọi là “Trung đạo” vậy.” Và
một lần nữa, vật lý lượng tử của khoa học cung cấp cho chúng ta một ngôn ngữ
tương đồng một cách đáng ngạc nhiên.
Nói đến vô thường, GS. Trịnh Xuân Thuận dẫn
chứng điều Phật giáo dạy về sự biến chuyển không ngừng của vạn vật mà ai cũng có
thể thấy như sự thay đổi mùa, sự xói mòn của đồi núi hay “như tôi trước tóc đen
giờ đã bạc trắng rồi!” - Giáo sư chỉ vào đầu mình và cười nói. Đến lượt khoa học,
ông dẫn chứng rằng thế giới nguyên tử và dưới nguyên tử cũng không ngoại lệ -
xuất hiện và biến mất trong các chu
kỳ sinh tử vô cùng ngắn, chúng là những bằng chứng rõ ràng nhất của sự vô thường.
Kết thúc bài báo cáo ông
cho biết, theo khoa học, ý thức là sản phẩm của vật chất nhưng theo Phật giáo
thì khi vật chất mất, ý thức vẫn còn, thể như người chết xác thân như vật chất
đã mất nhưng ý thức là linh hồn vẫn còn tồn tại, mặt khác cả hai đều chưa có
bằng chứng thuyết phục, nhưng giáo sư quả quyết “Nếu đánh cược, tôi nói Phật
giáo đúng!”
Sau đó buổi giao lưu diễn
ra sôi nổi với những câu hỏi của các vị giáo sư, giảng viên và các bạn sinh viên
xoay quanh mối tương quan giữa khoa học và Phật giáo, nổi bật trong các câu trả
lời của mình, giáo sư Trịnh Xuân Thuận cho thấy bản chất của khoa học chỉ xem
xét và mang lại thông tin để giải thích các hiện tượng; hơn hẳn điều đó, nếu đã
biết các vật không tồn tại một cách độc lập, “Phật giáo dạy ta biết cách giảm
bớt sự chấp trước của mình với chúng, như vậy sẽ làm cho mình bớt đau khổ hơn,
Phật giáo còn khơi dậy lòng trắc ẩn trong mỗi chúng ta rằng hạnh phúc của mình
còn phụ thuộc vào hạnh phúc của người khác, để từ đó biết cách sống thế nào cho
xứng đáng hơn” – GS Thuận chia sẻ.
Trịnh Xuân Thuận (sinh năm 1948) là một khoa học
gia người Mỹ gốc Việt trong lĩnh vực vật lý thiên văn, đến nay cuộc đời ông
có thể chia làm ba phần: một phần dành cho nghiên cứu khoa học, một phần cho
giảng dạy và phần còn lại để phổ biến tri thức có được cho cả nhân loại. Ông
đã viết nhiều tác phẩm có giá trị cao về vũ trụ học và những chiêm nghiệm về
sự tương quan giữa khoa học và Phật giáo. Ông còn là một nhà thơ, một triết
gia, một Phật tử và một nhà hoạt động cho môi trường và hòa bình. GS. Trịnh
Xuân Thuận đã nhận lãnh nhiều giải thưởng trong lĩnh vực thiên văn và trong
lĩnh vực văn hoá xã hội, trong đó có giải Moron 2007 của Viện Hàn lâm Pháp
và giải thưởng lớn Kalinga 2009 của UNESCO về những đóng góp trong việc phổ
biến khoa học vũ trụ.
|
Tin, ảnh
Quỳnh Đông