Bàn về định hướng giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay
banve
Bàn về định hướng giáo dục
Phật giáo Việt Nam hiện nay
Thích Hạnh Chơn
Phật giáo là tôn giáo chú
trọng giáo dục, giáo hóa hơn là hình thức tín ngưỡng tôn giáo. Từ khi Phật giáo
ra đời đến nhiều thế kỷ sau đó, Đức Phật và các thế hệ tiếp theo truyền bá giáo
pháp do Đức Phật giảng dạy và xác chứng đến nhiều người nhằm giúp họ giác ngộ
giải thoát, nghĩa là nhận thức và sống theo quy luật khách quan hay quy luật của
pháp. Mục đích đó vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay, và chính sự giác ngộ
giải thoát của nhiều hành giả làm cho Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng trong quần
chúng. Sự giáo dục của Đức Phật và Thánh đệ tử đem đến kết quả thật vĩ đại để
ngày nay nhân loại thừa hưởng. Vấn đề đặt ra là hàng đệ tử cách Phật khoảng 25
thế kỷ và sống trong một môi trường xã hội hoàn toàn khác với xứ Ấn xưa phải ứng
dụng đường hướng giáo dục của Đức Phật như thế nào cho có hiệu quả? Giáo dục
Phật giáo ngày nay có nên cụ thể mục đích gần và xa, lý tưởng và thực tế để phù
hợp với thời đại không? Bài viết này sẽ trình bày đôi nét về giáo dục Phật giáo
và bàn về định hướng giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay.
Mục đích giáo dục của Đức
Phật là giúp cho con người (và có thể gồm cả chư thiên) giác ngộ, giải thoát.
Giác ngộ, giải thoát theo Phật giáo là nhận thức đúng chân lý (vô thường, khổ,
vô ngã) để sống và ứng xử phù hợp với cuộc sống đang diễn ra. Điều kiện để nhận
thức đúng và sống đúng là phải xóa bỏ bản ngã hay nói cách khác là không còn
tham, sân, si, phiền não, tức Niết-bàn. Niết-bàn là mục đích tối hậu của Đức
Phật cũng là của hàng Thánh đệ tử. Bản thân Đức Phật và chư Thánh A-la-hán đã
đạt Niết-bàn trên cõi đời này nên giáo hóa rất hiệu quả.
Sự giáo dục của Đức Phật rõ
ràng là tùy vào đối tượng giáo dục. Đối với hàng đệ tử xuất gia, họ là những
người từ bỏ đời sống gia đình để sống đời sống Tăng đoàn nên Đức Phật giáo dục
họ các cách thức tu tập tạm gọi là thiền để đạt mục đích trên. Sau khi giác ngộ,
giải thoát hay chứng đạt Niết-bàn, hàng đệ tử xuất gia thực hiện hạnh nguyện
giáo dục các thế hệ xuất gia mới và hàng cư sĩ tại gia. Lịch sử chứng minh các
Thánh đệ tử A-la-hán như ngài Xá-lợi-phất (Sariputta), ngài Mục-kiền-liên
(Moggallana) sau khi chứng đạt Niết-bàn đã cống hiến cả cuộc đời cho giáo
dục chứ không phải “tự lợi, ích kỷ” như một số thuyết nói.
Đối với hàng đệ tử tại gia,
họ là những người sống đời sống gia đình nên Đức Phật dạy về đạo đức, hiểu và
thực hành giáo pháp để hưởng hạnh phúc đời sống thế gian. Đức Phật và hàng đệ tử
xuất gia đã sử dụng nhiều phương tiện thiện xảo để giáo dục, nhưng cốt lõi vẫn
là giúp cho đối tượng được giáo dục hiểu pháp và thực hành pháp trong đời sống.
Hàng đệ tử tại gia trở thành những người hộ pháp, tức hỗ trợ chư Tăng về vật
chất cơ bản để duy trì cuộc sống.
Việc cầu nguyện để nhờ thần
thánh làm thay không xảy ra vào thời Đức Phật, và có thể là một khoảng thời gian
dài sau đó. Nhận định này dựa trên đời sống sinh hoạt hằng ngày của Đức Phật và
Tăng đoàn. Sự sinh hoạt của Đức Phật và Tăng đoàn theo chương trình ổn định gồm
buổi sớm quán chiếu, sáng khất thực, thọ trai, thuyết pháp, nghe pháp, hành
thiền, và không có cúng tế.
Đức Phật thực hiện việc giáo
dục qua đời sống và lời khuyên hướng dẫn. Hằng ngày Đức Phật và Tăng đoàn tiếp
xúc với nhiều hạng người để khuyên bảo, giải đáp thắc mắc, truyền trao kiến thức
và pháp tu, tư vấn cho những nhà chính trị… Đệ tử xuất gia được Đức Phật dạy
pháp thực hành để giác ngộ, giải thoát qua bài kinh Tứ niệm xứ (Satipattthana
Sutta), kinh Quán niệm hơi thở (Anapanasati Sutta) và nhiều bài
kinh khác. Học giáo pháp và ứng dụng thực hành nhằm đạt kết quả Niết-bàn là mục
đích tối hậu của giáo dục Phật giáo. Thời bấy giờ, có lẽ không có giáo
dục cho hàng xuất gia về ngoại ngữ, dịch thuật, văn học, triết học, lịch sử, từ
thiện, nghi lễ, trụ trì… vì các kinh điển không có đề cập cụ thể. Như vậy, giáo
dục của Đức Phật rất rõ ràng cụ thể: có pháp học, pháp hành và có sự thành tựu
rõ ràng. Lời dạy của Đức Phật được ghi chép lại nhiều nhưng không ngoài mục đích
ấy.
Giáo dục Phật giáo thay đổi
theo từng thời kỳ sau đó. Sau Phật Niết-bàn 100 năm, giáo dục Phật giáo đã có sự
thay đổi ít nhiều thông qua việc phân chia bộ phái. Từ hai bộ phái là Thượng tọa
bộ và Đại chúng bộ, Phật giáo phân chia ra thành 18 đến 20 bộ phái. Ngày nay,
chúng ta thấy có ba tông phái chính là Nam tông hay Theravada, Bắc tông hay Phật
giáo phát triển và Mật tông, và trong mỗi tông phái đó có nhiều tông phái nhỏ
nữa. Điều đó cho thấy rằng giáo dục Phật giáo ngoài mục đích chính mang tính lý
tưởng là giác ngộ, giải thoát, nó còn phải đáp ứng nhu cầu thực tế của mỗi tông
phái. Như vậy, tùy từng thời đại mà mục đích giáo dục Phật giáo được điều chỉnh
cho phù hợp.
Ngày nay, mục đích giáo dục
Phật giáo phải thích nghi cho phù hợp về măt ứng dụng thực tế. Có nhiều bài viết
nêu ra các mục đích giáo dục Phật giáo với nhiều khía cạnh đa dạng khác nhau như
đạo đức, văn hóa, tri thức, kỹ năng.... Trong bài “Vài nét về giáo dục Phật
giáo”, có bốn mục đích được nêu ra: “Giáo
dục Phật giáo là dạy cho con người biết và hiểu kinh Phật; là để chuyển đổi bản
thân, tức là việc học giáo pháp để làm cho chúng ta trở thành những con người
tốt hơn, những con người có phạm hạnh và đạo đức hơn, trở thành những con người
tử tế, chân thật, từ bi và biết kính trọng người khác; là để phát triển trí tuệ,
hiểu thấu bản chất thật sự của các pháp, hiểu được những điều luôn chân thật và
có giá trị; là đào tạo nên những con người có thể đem giáo pháp của Đức Phật
truyền trao lại cho những người khác hay nói cách khác là đào tạo nên những con
người biết phụng sự người khác.”
Nói gọn lại, mục đích giáo dục Phật giáo ngày nay là giúp người được giáo dục
hiểu đúng giáo pháp (lời Phật dạy), biết thực hành giáo pháp có kết quả, phát
triển trí tuệ thấy rõ chân lý (vô thường, khổ, vô ngã) và phụng sự nhân sinh.
Bốn mục đích đó phù hợp với bản chất giáo dục Phật giáo gồm pháp học, pháp hành,
và pháp thành (bao gồm có trí tuệ nhận thức đúng và phụng sự nhân sinh).
Trước khi bàn về định hướng
giáo dục Phật giáo Việt Nam hiện nay, chúng ta cần nhìn lại nội dung kiến thức
cần có của một Tăng, Ni theo luật và pháp Đức Phật quy định. Theo luật Phật chế,
một vị xuất gia phải theo thầy học để biết luật mà áp dụng trong cuộc sống, bao
gồm điều không được làm và điều được làm, cách thức tổ chức và sinh hoạt trong
Tăng đoàn, tức tập thể người xuất gia. Nếu vị xuất gia không hiểu luật thì khó
có thể ứng dụng luật trong đời sống tu tập. Rất tiếc là chưa có tổ chức Phật
giáo nào hệ thống lại các điều luật Phật dạy để phân định điều nào cần ứng dụng,
điều nào cần bổ sung, điều nào để tham khảo. Bởi vì, có nhiều điều mang tính đối
phó với dư luận, với thời đại thì không thể ứng dụng mọi lúc, mọi nơi. Khi không
còn phù hợp thì khó ứng dụng, ngoại trừ ý nghĩa tự thân tu tập. Lấy ví dụ, Phật
quy định ba y và một bình bát, nếu dư thì phạm luật và bị xử phạt. Ngày nay,
không ai thực hành được điều này và như vậy xử phạt được không? Do chưa hệ thống
lại các điều luật có thể ứng dụng được để giảng dạy cho Tăng, Ni nên tỷ lệ phần
trăm Tăng, Ni hiểu được luật để thực hành là điều cần suy gẫm.
Về pháp, Tăng, Ni phải hiểu
các giáo pháp căn bản bao gồm Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Duyên khởi; về nghĩa
của thuật ngữ vô thường, khổ, vô ngã; về cách thức chuyển hóa tâm (theo Nam
truyền qua bài kinh Tứ niệm xứ, Quán niệm hơi thở…) để thực hành
cho bản thân. Tăng Ni có nỗi khổ niềm đau phải biết cách chữa trị cho mình thì
mới nói đến chuyện giúp cho người khác. Một bộ quy chuẩn để kiểm tra kiến thức
Phật học của Tăng, Ni đã là khó rồi, huống chi sự thực hành như thế nào và kết
quả ra sao.
Nền giáo dục Phật giáo Việt
Nam đang đi theo hướng nào: lý tưởng hay thực tiễn? Để hiểu vấn đề, chúng ta hãy
khảo sát các trường Phật học đang đào tạo và nhân sự được đào tạo. Theo trang
nhà của Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh, có 13 chuyên
ngành khác nhau. Theo lý thuyết, khi một Tăng, Ni được đào tạo chuyên ngành thì
có khả năng làm việc theo chuyên ngành đã học. Nếu Tăng, Ni học ngành Pāli thì
có thể đọc và dạy lại Pāli, ngành Hoằng pháp thì thuyết giảng được, ngành Triết
thì hiểu về triết học Phật giáo...
Lấy Khoa Triết học Phật giáo
làm ví dụ, lượng kiến thức tổng quát cho khoa này là khá phong phú. Giả sử Tăng,
Ni nắm được kiến thức cơ bản theo chương trình học thì sau khi ra trường họ có
thể ứng dụng kiến thức ấy trong cuộc sống tu tập bản thân, hay có thể làm việc
giảng dạy, hay phục vụ cho công việc của bản thân được không? Kiến thức về luật
và pháp như đề cập ở trên, Tăng, Ni học ở đâu để có thể ứng dụng trong cuộc
sống. Tăng, Ni tốt nghiệp Trung cấp Phật học có học luật nhưng chưa được học hết
các điều luật để ứng dụng trong đời sống người xuất gia vì thời gian không đủ,
có học pháp nhưng rất ít Tăng, Ni có thể hiểu đúng các pháp căn bản để ứng dụng
giải quyết khổ đau bản thân. Lấy ví dụ là để nhận ra “khổ, vô thường, vô ngã”
hay “ngũ uẩn giai không” thì Tăng, Ni ứng dụng pháp tu tập gì để nhận ra? Ở học
viện, Tăng Ni được cung cấp lượng kiến thức đại cương và chuyên ngành nhưng ít
được cung cấp kiến thức về luật và pháp căn bản (kiến thức và sự hướng dẫn thực
hành bị thiếu ở cấp dưới) có thể ứng dụng để giải quyết khổ đau của bản thân.
Mục đích lý tưởng của giáo
dục Phật giáo là giác ngộ, giải thoát, chứng đạt Niết-bàn. Muốn giác ngộ, giải
thoát thì phải hiểu đúng giáo pháp vì giáo pháp chỉ cho ta biết giác ngộ là giác
ngộ cái gì, và giải thoát là giải thoát cái gì, biết cách thực hành giáo pháp để
giác ngộ, giải thoát và đạt kết quả giác ngộ, giải thoát. Khi một hành giả làm
được điều vừa nêu thì mới có thể phụng sự người khác giác ngộ, giải thoát như
bản thân. Nếu đi đúng con đường này, dù rằng chưa chứng đạt Niết-bàn thì cũng
đạt được sự an lạc nhất định. Đây là điều bất cứ người xuất gia chân chánh nào
cũng phải hướng đến. Chúng ta tự hỏi nền giáo dục Phật giáo hiện nay đã đáp ứng
được bao nhiêu phần trăm, tức đã giúp được bao nhiêu Tăng, Ni hiểu đúng giáo
pháp và thực hành giáo pháp để có khả năng giải quyết khổ đau của bản thân?
Bên cạnh mục đích lý tưởng
thì cần có mục đích thực tiễn. Đó là giáo dục Phật giáo phải đào tạo được nhân
sự hiểu luật và giáo pháp và có thể ứng dụng trong đời sống hằng ngày. Các vị
làm giáo dục Phật giáo, tức là các giáo thọ, phải hiểu luật và pháp để thực
hành. Hiện nay, Phật giáo Việt Nam có vài trăm Tăng, Ni có học vị tiến sĩ (chưa
có thống kê chính thức) tham gia giảng dạy tại các trường và một số không tham
gia. Nếu các giáo thọ hiểu luật và pháp và thực hành có an lạc cho bản thân thì
khi họ làm công tác giáo dục đào tạo thế hệ tương lai ắt sẽ có kết quả tốt đẹp.
Nếu các vị tiến sĩ đem sở học của mình phụng sự bằng cách mỗi năm đóng góp vài
bài nghiên cứu cho Phật giáo qua các tạp chí, sách hướng dẫn thì thực tiễn quá.
Nhân sự đào tạo chuyên ngành
của học viện khi ra trường không có việc làm và ít có người có thể làm được. Lấy
ví dụ Khoa Hoằng pháp, có phải các Tăng, Ni tốt nghiệp khoa này đều có thể giảng
pháp như trường sư phạm đào tạo giáo viên? Bằng cấp đó có là tiêu chuẩn cho phép
Tăng, Ni tốt nghiệp giảng pháp bất cứ ở đâu được mời không? Phần lớn kiến thức
được đào tạo tại các trường ít được chư Tăng, Ni ứng dụng khi ra làm việc như
làm trụ trì, làm hành chánh… Phần lớn chư Tăng, Ni làm những công việc như nghi
lễ, từ thiện... Cho nên mục đích thực tiễn của giáo dục Phật giáo cần điều chỉnh
để giúp cho nhân sự được đào tạo có thể ứng dụng khi ra trường.
Từ sự phác thảo sơ lược trên,
chúng ta thấy rằng mục đích lý tưởng - tức giác ngộ, giải thoát và chứng đạt
Niết-bàn - thì còn xa, trong khi mục đích thực tiễn là đào tạo nhân sự có thể
phụng sự thì còn thiếu. Do đó, nhằm hướng đến mục đích lý tưởng thì phải quay về
nhấn mạnh mục đích thực tiễn là truyền dạy pháp học và pháp hành cụ thể, không
quá nặng lý thuyết khó ứng dụng. Giáo dục Phật giáo nên chú trọng đào tạo chuyên
ngành Phật học và bổ sung thêm triết học, xã hội học, lịch sử Phật giáo Việt
Nam… để đào tạo ra những nhân sự Tăng, Ni có khả năng hiểu biết đúng, rõ ràng về
luật, về pháp học, pháp hành và ứng dụng pháp hành trong đời sống để giải quyết
nỗi khổ niềm đau của bản thân và có thể giúp người khác. Thứ đến, giáo dục Phật
giáo cũng hướng đến mục đích thực tiễn là đào tạo Tăng, Ni có khả năng phụng sự
dựa trên luật và pháp của Đức Phật, chứ không chỉ qua các hình thức phương tiện
như tín ngưỡng tôn giáo, từ thiện... Nếu giác ngộ, giải thoát, Niết-bàn có thể
đạt được bằng nghi lễ tôn giáo, bằng cúng bái cầu nguyện, bằng vật chất… thì
Phật giáo không khác gì các tôn giáo nhất thần hay đa thần. Do đó, cần nhìn nhận
lại vai trò của giáo dục Phật giáo hiện nay từ các viện, trường lớp cho đến các
tự viện.
Thích Nguyên
Hiệp, Vài nét về giáo dục Phật giáo, Nguyệt san Giác Ngộ,
số 169.