Phật học đường Nam Việt và sự nghiệp đào tạo tăng tài tại miền Nam

PHẬT HỌC ĐƯỜNG NAM VIỆT VÀ SỰ NG

PHẬT HỌC ĐƯỜNG NAM VIỆT SỰ NGHIỆP ĐÀO TẠO TĂNG TÀI TẠI MIỀN NAM

Thích nữ Liên Thảo

        

         Bối cảnh ra đời

Vào những thập niên đầu của thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo diễn ra khá sôi nổi trên truyền thông báo chí. Các hội Phật giáo lần lược ra đời tại cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Các Phật học đường được thành lập với mục đích đào tạo những Tăng Ni tài đức cho Phật giáo. Đến năm 1945, những chuyển biến của xã hội đã ảnh hưởng đến Phật giáo một cách rõ rệt.

Tại miền Trung, do ảnh hưởng của hoàn cảnh chính trị và xã hội, phong trào chấn hưng Phật giáo có dấu hiệu chậm bước trước những dự kiến mà hội đã đề ra, đặc biệt giáo dục Tăng Ni không đủ sức duy trì vì trở ngại về kinh phí: “Đến năm 1945, sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Phật học viện Kim Sơn (Huế) không duy trì được, nên phần lớn giáo sư và  học Tăng được đưa vào Nam[1]. Năm 1945, bên cạnh việc thiếu kinh phí, giới Tăng Ni và cư sĩ tại miền Trung lo thành lập một tổ chức Phật giáo cứu quốc nên vấn đề đào tạo Tăng Ni tạm dừng lại. Thay vào đó, các tờ báo làm cơ quan ngôn luận phục vụ cho công cuộc kháng chiến cứu quốc được ra đời như Báo Giải Thoát, Báo Giác Ngộ. So với miền Trung, miền Nam có phần khả quan hơn trong hoạt động giáo dục khi các trường Phật học vẫn từng bước tiến triển.

Tại miền Nam, Phật học đường Phật Quang (Trà Vinh) được thành lập năm 1945 do Thượng tọa Thiện Hoa đứng ra kêu gọi nhằm duy trì hoạt động đào tạo Tăng tài[2]. Năm 1946, Phật học đường Liên Hải ở Chợ Lớn khai giảng dưới sự chủ trì của Thiền sư Trí Tịnh và Thiền sư Quảng Minh. Phật học đường Liên Hải thành lập không lâu thì vài tháng sau Thiền sư Huyền Dung khai giảng Phật học đường Mai Sơn (1947), sau dời về chùa Sùng Đức ở Chợ Lớn.[3] Cùng năm 1947, Phật học đường Giác Nguyên được Hòa thượng Hành Trụ thành lập. Năm 1949, Phật học đường Ứng Quang tọa lạc trên đường Lorgéril (thuộc khu Vườn Lài) được lập nên bởi thầy Trí Hữu.[4]

 Vào giai đoạn 1947 - 1948, Tăng Ni trên toàn quốc tham gia vào công cuộc “chống Pháp cứu nước” nên Phật giáo giai đoạn này không có hoạt động gì nổi bật. Tuy các Phật học đường được thành lập nhưng quy mô rất nhỏ, cơ sở thô sơ, chương trình đơn giản với các học phần chủ yếu về kinh, luật, luận. Tăng Ni sinh theo học số lượng không nhiều[5]. Nhìn lại, sau bối cảnh lịch sử năm 1945, bức tranh Phật giáo Việt Nam từ những năm kế tiếp không có mốc son nào cho công cuộc chấn hưng. Tuy nhiên, bước sang năm 1950, tại miền Nam, đánh dấu sự tiếp nối dòng chảy của hoạt động đào tạo Tăng tài trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam qua sự hợp nhất các Phật học đường: Phật học đường Liên Hải, Phật học đường Mai Sơn, Phật học đường Ứng Quang thành Phật học đường Nam Việt.

Xây dựng cơ sở hạ tầng

Năm 1950, chùa Ấn Quang được thành lập tại một khu đất đầy hầm hố bên phải đường Lorgéril (nay đường Sư Vạn Hạnh), xung quanh có một số mồ mả rải rác. Phong cảnh lúc bấy giờ rất vắng vẻ hoang vu.[6]Chùa được xây dựng trên một thửa đất độ trên 500 thước vuông, tính chung cả chánh điện, nhà thiền, nhà tổ, nhà bếp, v.v. trên sáu nóc. Mỗi nóc nhà trong phạm vi chùa cất lợp bằng thứ nội hóa chánh tông: nền đắp đất sỏi, vách cà tăng, trống trước trống sau, mái nhà lợp bằng tầm vông và lá dừa nước đã mục nát, nắng thì chói vào, mưa thì dột không sót chỗ nào.”[7] Các cơ sở hạ tầng tại chùa Ấn Quang từ chánh điện đến giảng đường dần xuống cấp, gây ra một số khó khăn cho tín đồ khi đến hành lễ. Chánh điện thì những tấm gạch tàu lót nền gập gềnh lỏng chỏng. Giảng đường thì mưa dột không có chỗ nào khỏi ướt[8].

Có thể thấy, Phật học đường Nam Việt vào lúc đầu rất khó khăn về vật chất, tuy nhiên về tinh thần thì đầy nhiệt huyết: “Nơi vách phên mái lá lại đông đảo sư tăng nhường nhau từng mảnh chiếu, đôi khi phải dùng chiếu đất màn trời, vẫn thấy vui sướng chung nhau ăn ở chia sớt những mối buồn lo vinh, nhục.”[9]

Mặc dù gặp khó khăn về cơ sở vật chất nhưng tinh thần giáo dục của các vị lãnh đạo tại Phật học đường không bao giờ thoái thất. Chí cầu học của Tăng sinh vượt khỏi sự trở ngại của hoàn cảnh và tạo nên một luồng sinh khí mới cho nền giáo dục Phật giáo tại miền Nam, từ đó thu hút sự chú ý của tín đồ khắp miền Nam, nhờ đó những hoạt động của ban hộ trì Tam bảo ngày càng phát triển hơn và góp phần kiến thiết các cơ sở hạ tầng tại trường Phật học Ấn Quang.

 “Đến năm 1954, sự tiến bộ của chùa Ấn Quang thấy rõ rệt từ vật chất đến tinh thần, nhờ sự xúc tiến của Ban Hộ trì Tam bảo như bác sĩ Lê Văn Cầm, ông Võ Đình Dần vân vân. Phật học đường bắt đầu thay hình đổi dạng bằng nhiều giai đoạn.

-          1951-1952: Giảng đường, tăng xá từ mái tranh vách đất được kiến thiết lại thành mái ngói nền đúc.

-          1953: Chánh điện được xây cất với lối kiến trúc có tính cổ điển, đơn giản, trang nghiêm rộng rãi và mát mẻ.

-          1965: Tổ đường được dựng lên bằng những vật liệu nặng đúc bê-tông, xây tường. Phòng ốc khang trang.”[10]

Phật học đường Nam Việt dần dần thay đổi từ hình thức đến nội dung. Về hình thức: lúc đầu thành lập với vách lá, nền đất nhưng về sau được xây dựng kiên cố hơn với mái ngói, nền đúc. Về nội dung: ban đầu chương trình bao gồm các môn nội điển nhưng về sau có sự kết hợp ngoại điển nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội.

Chương trình đào tạo của  Phật học đường Nam Việt

Tiếp nối chương trình nội điển đã được giảng dạy ở Phật học đường Lưỡng Xuyên, Báo Quốc, Phật học đường Nam Việt đề ra chương trình giáo dục trong bảy năm với nội dung tổng quát về kinh, luật, luận. Các môn học được giảng dạy tại các lớp sơ đẳng, cao đẳng như: Bát đại nhân giác, Di giáo, Tứ thập nhị chương, Nhị khóa hiệp giải, Di Đà sớ sao, Tâm kinh, Kim cang Bát-nhã, Duy Ma Cật, và nhiều phần kinh do Đại sư Thái Hư giảng giải.

Về luật: Học bốn bộ luật trường hàng Tỳ-ni, Sa-di, Oai nghi, Cảnh sách; Tứ phần luật sớ, Bồ-tát anh lạc kinh.

Về kinh: Thập thiện nghiệp đạo, Ngũ thiên sứ giả, Bụt kinh.

Về luận: Bách pháp minh môn, Duy thức dị giản, Bát thức quy cũ tụng trang chú, Đại thừa khởi tín, Đại thừa chỉ quán, Duy thức đích khoa học, Duy thức phương tiện đàm, v.v.

Chương trình trên áp dụng cho các học Tăng cao đẳng đại học Phật giáo với thời gian đào tạo là 12 năm[11]. Ngoài ra còn học các môn phụ được dạy tại Phật học Nam Việt năm 1951 như: Hán văn, Việt văn, Pháp văn, toán. Trong đó có các lớp: sơ đẳng (1 năm) là lớp học đông hơn so với các lớp khác; sơ đẳng (3 năm) khoảng 30 vị; cao đẳng chỉ có 6 vị, đều là học tăng lớn: thầy Thiền Tâm (1926-1992), thầy Bửu Huệ (1914-1991), thầy Tắc Phước, thầy Tịnh Đức (1928-1958), thầy Tịnh Chơn, thầy Đạt Bửu. Các vị này tốt nghiệp cao đẳng năm 1957 sau đó tiếp tục phụ trường dạy học cho các lớp dưới[12].

Giáo thọ năm 1951-1953 gồm: thầy Thiện Hòa, thầy Nhựt Liên, thầy Huyền Dung, thầy Quảng Minh, thầy Quảng Liên. Năm 1954-1957, giáo thọ của trường chỉ còn một số vị như: thầy Thiện Hòa, thầy Thiện Hoa, thầy Trí Hữu, thầy Nhất Hạnh. Học Tăng được tổ chức lại thành hai lớp A và B, học rất hào hứng. Năm 1953, thầy Trí Quang vào miền Nam dưỡng bệnh và tham gia dạy môn Duy thức hơn một tháng.

Nhìn chung, chương trình đào tạo tại Phật học đường Nam Việt trong giai đoạn trước năm 1954 là sự kế thừa từ chương trình đào tạo của Phật học đường An Nam và Phật học đường Lưỡng Xuyên. Tuy nhiên, Phật học đường Nam Việt có những bước tiến mới khi chương trình giáo dục được cải cách vào năm 1953. Sau buổi l khánh thành Phật học đường Nam Việt ngày 14-15 tháng 7 năm 1953, chương trình giáo dục được quy định như sau: thời gian đào tạo là 10 năm gồm ba cấp học: tiểu học 4 năm; trung học 3 năm; đại học 3 năm. Trường thu nhận hơn 50 Tăng sinh đến từ miền Trung, miền Bắc và các trường Phật học như Giác Nguyên, Liên Hải, Mai Sơn tại miền Nam.

Kiến thức Phật học được xem là quan trọng khi quy định đó là học phần chính và bắt buộc cho cả Tăng Ni sinh. Các học Tăng học Ni muốn vào học cấp tiểu học phải có ít nhất trình độ cấp tiểu học quốc dân. Ở cấp tiểu học và trung học, Tăng Ni được học các môn bằng tiếng Việt, nhưng đến cấp đại học trường bắt buộc các môn nội điển phải dạy bằng tiếng Hán. Học sinh sẽ được học kiến thức Phật học lẫn thế học ở hai cấp học đầu. Nhằm kiểm tra chất lượng của Tăng Ni sinh, trường tổ chức k thi chuyển cấp đối với hai cấp học đầu. Tuy nhiên, đến cấp đại học có sự chặt chẽ hơn khi mỗi năm có k thi lên lớp. Cuối năm đại học nếu Tăng Ni sinh đạt tiêu chuẩn trong k thi cuối cấp sẽ được trường cấp bằng đại học. Đây là bước tiến mới trong hoạt động giáo dục của Phật giáo miền Nam mà các Phật học đường trước 1950 chưa từng có. Ngoài quy định về cấp học và thời gian học, lịch học mỗi tuần cho các cấp được ban giáo dục trường quy định như sau:

- Áp dụng trong bốn năm của cấp tiểu học: môn Phật pháp và Hán cổ sẽ được dạy trong 10 giờ, sinh ngữ 5 giờ, toán 3 giờ, lý hóa 2 giờ, sử địa 2 giờ, vạn vật 1 giờ, Việt văn 4 giờ (tổng cộng 27 giờ).

- Áp dụng trong hai năm đầu của cấp trung học: Phật pháp và Hán tự 10 giờ, sinh ngữ 8 giờ, toán 2 giờ, sử địa 3 giờ, vạn vật 1 giờ, lý hóa 2 giờ, Việt văn 4 giờ (tổng cộng 30 giờ).

- Áp dụng năm thứ ba: Phật pháp và Hán tự 7 giờ, triết học 9 giờ, toán 2 giờ, sinh ngữ 5 giờ, sử địa 4 giờ, lý hóa 2 giờ, vạn vật 2 giờ (tổng cộng 31 giờ).

- Áp dụng cấp đại học trong hai năm đầu: kinh học 10 giờ, triết học phương Tây 2 giờ, triết học phương Đông 2 giờ, văn học 2 giờ, phiên dịch - sáng tác 2 giờ (tổng cộng 18 giờ). Riêng năm thứ hai có thêm môn Phật giáo sử.

- Áp dụng năm thứ ba: kinh học 10 giờ, triết học phương Tây 2 giờ, triết học phương Đông 2 giờ, Việt Nam Phật giáo sử 2 giờ, xã hội - kinh tế 2 giờ, phiên dịch - sáng tác 2 giờ (tổng cộng 20 giờ)

Đối với chương trình Phật học, trường có những quy định khá cụ thể cho từng cấp và từng năm như sau:

- Cấp tiểu học, năm thứ nhất học chương trình Phật pháp phổ thông khóa thứ nhất và thứ hai, Giới luật phổ thông, Nghi thức dẫn giải; năm thứ hai học chương trình Phật pháp phổ thông khóa thứ ba và thứ tư, Văn học Phật giáo; năm thứ ba học chương trình Phật pháp phổ thông khóa thứ năm, Mười tông phái đạo Phật ở Viễn Đông, Văn học Phật giáo; năm thứ tư học Phạn giáo của ngài Thiên Thai, Thế giới Phật giáo sử, chương trình Phật pháp phổ thông khóa thứ sáu.

- Cấp trung học, năm thứ nhất học Tâm lý học (Pháp tướng Duy thức, Hành tướng Duy thức), Luận lý học (Nhân minh học - Lịch sử nhân minh học, Tân nhân minh và cổ nhân minh, nhân minh với luận lý học hình thức, những phương thức biện luận), Luân lý học (phần lý luận sẽ học nghiệp học và nhân quả học, phần thực hành sẽ học luật học); năm thứ hai học Tâm lý học (Pháp tướng Duy thức sẽ ôn lại bát thức và học 51 tâm sở, 3 phần, 4 cảnh, 3 tự tính), Luận lý học (ôn lại kiến thức năm trước, học thêm kiến lập phần thứ nhất đến phần thứ ba, những lỗi về tôn, nhân, dụ), Luân lý học (về lý luận sẽ học báo ứng luận, thiện ác luận, hai đường lối xuất thế và nhập thế, về phần thực hành sẽ tiếp tục học Luật học); năm thứ ba học Tâm học (Giáo lý Pháp tính và giáo lý Bát-nhã), Luận lý học (Biện chứng pháp Phật giáo trong toàn bộ giáo lý, so sánh pháp biện chứng ấy với các phép biện chứng khác), Luân lý học (phần thực hành sẽ học Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Tam học, Thiền chỉ quán, Luật học; phần thuyết sẽ học xã hội cộng biến, đường lối nhân sinh, vũ trụ quan), Duy thức học (Nhận thức luận, Vũ trụ quan, Duy thức biến, A-la-ya, Vũ trụ cộng biến, tự biến, Xã hội cộng biến).

- Cấp đại học năm thứ nhất sẽ học Tiểu thừa Phật giáo, các kinh, luật, luận thuộc về hệ thống giáo lý Tiểu thừa; năm thứ hai học về các tông phái của đạo Phật và kinh luận Đại thừa; năm thứ ba sẽ học tiếp chương trình năm hai và chú trọng hơn về hệ thống Pháp tướng. Đối với kiến thức phổ thông, Tăng Ni sinh sẽ học theo chương trình của Bộ giáo dục Quốc gia.[13]

So với giai đoạn đầu chấn hưng, hoạt động đào tạo Tăng tài của Phật học đường Nam Việt với những cải cách mới thể hiện chặng đường phát triển của Phật giáo Việt Nam qua phương diện giáo dục. Mặc dù đây là giai đoạn hoạt động đào tạo Tăng tài có hướng giáo dục mới nhằm phù hợp với tiến bộ của xã hội, nhưng những chủ trương của trường vẫn dựa trên nền tảng giáo dục truyền thống qua các môn học đặt trọng tâm vào nội điển.

Thành tựu của Phật học đường Nam Việt

Hoạt động của Phật học đường Nam Việt dần thu hút sự chú ý của giới trí thức: “Thời gian không bao lâu Ấn Quang hấp dẫn được một số người trí thức, mộ đạo thiết tha. Và cảnh Ấn Quang ngày hôm nay khác hẳn với cảnh xưa. Nhà lầu vách gạch nền đúc thay vì mái lá vách phên nền sỏi.”[14]Hàng trí thức bắt đầu lần lượt nhận thức được đường lối cao cả của Phật học đường. Như vợ chồng: Bác sĩ Cầm, Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Văn Xây, Võ Đình Dần, v.v.[15] Từ đó cho thấy Phật học đường Nam Việt đã được sự ủng hộ của nhiều tín đồ tại miền Nam.

Bên cạnh đó, ngay khi còn đang theo học, các vị học Tăng đã thể hiện đóng góp của mình cho sự nghiệp hoằng pháp khi tổ chức phát hành Phật điển giáo khoa: “Do một nhóm học Tăng Phật học đường Nam Việt chủ trương, một ban ấn hành Phật điển giáo khoa đã thành lập, với mục đích cho in lại những kinh điển chữ Nho hiện nay khó hiếm, để giúp học sinh các trường Phật học khỏi thất công sao chép.

Các vị học Tăng này đã phát hành được kinh Thập thiện nghiệp đạo (Đại sư Thái Hư giảng); kinh Bát đại nhân giác (Đại sư Thái Hư giảng); luận Đại thừa bách pháp minh môn (Chuế Ngôn); kinh Lăng nghiêm trực chỉ (Đơn Hà sớ).[16] Trường đã xuất bản Tập san Tiếng Chuông Cực Lạc, Tập san Ánh Vàng (mùa Phật đản năm 1954), Tập san Hương Thiền (mùa Vu lan 1960)[17]. Những tập san trên đã đánh dấu sự trưởng thành về tri thức Phật pháp của các học Tăng Phật học đường Nam Việt khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Các vị lãnh đạo tại Phật học đường Nam Việt chủ trương: “Đào tạo Tăng tài là một trong những mục đích quan trọng nhất của Phật giáo hiện tại và tương lai. Bao năm qua, Phật học đường Nam Việt theo đuổi mục đích ấy.[18] Chính tâm huyết trên đã thôi thúc các vị lãnh đạo như Hòa thượng Thiện Hoa, Hòa thượng Thiện Hòa tiến hành các hoạt động kinh tế nhằm đảm bảo đời sống của Tăng sinh đang theo học: mở nhà in Sen Vàng vào tháng 5-1954; xưởng làm nhang trần Bồ-đề ra đời vào tháng Chạp năm 1954; xưởng sản xuất nước tương Vị trai lá Bồ-đề được thành lập vào 1959; lò thiêu An Dưỡng Địa (1957). Những nỗ lực của ban lãnh đạo trường cùng sự cố gắng tu học của Tăng sinh đã có kết quả qua sự tiếp nối giáo dục của các vị Tăng sĩ.  

Tiêu biều nhất là Hòa thượng Thanh Từ, một học Tăng tại trường Phật học Nam Việt đã trở thành một trong những vị giáo thọ tại Phật học đường Huệ Nghiêm (1966). Hòa thượng đã thổi một luồng sinh khí vào Phật giáo Việt Nam về tư tưởng đào tạo Tăng tài in trên đặc san Hoa Thiền năm 1966: “Qua những nhận xét trên chúng ta thấy vấn đề đào tạo Tăng tài là vấn đề nền tảng và then chốt. Chúng ta muốn kiến thiết chùa chiền, muốn tổ chức Phật giáo sâu rộng, muốn làm những việc từ thiện, thì vấn đề đào tạo Tăng tài phải là vấn đề tiên quyết. Nếu không có một số Tăng Ni có tài có đức đảm nhiệm các việc trên, khác nào người xây lầu trên vũng bùn, chỉ luống công vô ích”.[19]

Những thành tựu mà Phật học đường Nam Việt đạt được đã đánh dấu sự nỗ lực của Tăng sĩ Phật giáo Việt Nam bấy giờ. Bên cạnh đó, bài học sâu sắc về con đường giáo dục tăng tài được các thế hệ Tăng sĩ tiếp nối trong dòng chảy lịch sử cho tới ngày nay.

Kết luận

Chính vì nhìn thấy được nguyên nhân Phật giáo suy vi từ cuối thế kỷ XIX, các vị lãnh đạo Phật giáo đã vược mọi khó khăn để lập nên các Phật học đường. Phật học đường Nam Việt ra đời trong bối cảnh đất nước có nhiều biến động đã thể hiện quyết tâm xây dựng Phật giáo Việt Nam qua chủ trương giáo dục. Những thành tựu của Phật học đường Nam Việt đã để lại những bài học quý giá cho đường hướng giáo dục của Phật giáo trong giai đoạn chuyển tiếp. Phật học đường Nam Việt đã đánh dấu sự phát triển của nền giáo dục ng Ni tại miền Nam Việt Nam. Hoạt động đào tạo Tăng tài của Phật giáo Việt Nam luôn được các vị Tăng sĩ và cư sĩ chú trọng từ khi phong trào chấn hưng Phật giáo bắt đầu manh nha. Từ đó cho thấy giáo dục Phật giáo là yếu tố then chốt trong việc Phát triền Phật giáo.

 


 

[1] Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tập 1, Viện Hóa Đạo, tr.66.

[2] Thích Thiện Hoa, Sđd., tr.66.

[3] Nguyễn Lang (2012), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập3, Nxb. Phương Đông, TP. Hồ CHí Minh, tr. 771.

[4] Nguyễn Lang, Sđd., tr.771.

[5] Không tác giả, “Lịch trình tiến triển Phật học đường Nam Việt”, Tập kỷ niệm Phật học đường Nam Việt, 1958, tr.7.

[6] Sđd., tr.7.

[7] Sđd., tr.8.

[8] Sđd., tr.8.

[9] Sđd., tr.8.

[10] Trí Không (2009), Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ năm 1950 trở đi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tr.196.

 

 

[11] Trí Không, Sđd., tr.195-196.

[12] Trí Không, Sđd., tr. 196.

[13] Giáo hội Tăng-già Việt Nam (1959), “Những vấn đề hoằng pháp”, Kỷ yếu đại hội k II, Giáo hội toàn quốc xuất bản và phát hành, tr.15-18.

[14] Không tác giả, “Lịch trình tiến triển Phật học đường Nam Việt”, Tập kỷ niệm Phật học đường Nam Việt, 1958, tr.8.

[15] Sđd., tr.9.

[16] Mục “Phật điển giáo khoa”, Tạp chí Từ Quang, số 30, 6-1954, tr.45.

[17] Trí Không (2009), Tổ đình Ấn Quang và lịch sử phát đạt của Phật giáo Việt Nam từ  năm 1950 trở đi, Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tr.223.

[18] Thích Huyền Vi, “Lời giới thiệu”, Đặc san Hương Thiền, 1960, tr.5.

[19] Thích Thanh Từ, “Đâu là nền tẳng Phật giáo”, Đặc san Hoa Thiền, 1966, tr.10.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle