Từ Bồ-tát Maitreya đến Phật Di-lặc
tu bo tat
TỪ BỒ-TÁT
MAITREYA ĐẾN PHẬT DI LẶC
Di Lặc là vị Phật vị
lai của thế giới này trong thuyết mạt thế Phật giáo. Theo truyền
thống Phật giáo, Di Lặc là một vị Bồ-tát được tiên đoán sẽ xuất
hiện trên cõi đất, đạt được sự giác ngộ hoàn toàn và giảng dạy giáo
Pháp thuần túy. Theo kinh sách, Di Lặc sẽ kế vị vị Phật hiện
tại, Đức Phật Thích Ca/Gautama[1]. Sự
xuất hiện của Di Lặc được đoán định là sẽ diễn ra trong thời đại mà giáo
pháp đã bị phần lớn chúng sinh cõi đất lãng quên.
1. Từ
nguyên, tên gọi
Di
Lặc, Sanskrit: Maitreya; Pāli: Metteyya; Hán âm: Mai-đát-lệ-da Bồ-tát. Mạt-dát-lợi-da Bồ-tát, Mê-để-lũ Bồ-tát, Di-dể-lễ
Bồ-tát[2];
Trung Quốc: Milei/Mile/Miluo Fo; Nhật
Bản: Miro-Kou/MiroKu/Miroka; Hàn: Mi-ruK/Mi-rug; Tạng: Byams-pa; Mông Cổ: Maijdari. Mật hiệu: Tấn Tật
Kim Cương.
Tên
gọi Maitreya có nguồn gốc từ Phạn ngữ maitrī “tình
bạn/tình hữu nghị”, lần lượt có nguồn gốc từ danh từ mitra “bạn/người
bạn”. Dạng thức Pāli Metteyya được đề cập trong kinh Cakkavatti-Sīhanāda/Chuyển
luân thánh vương Sư tử hống (Digha
Nikāya 26/Trường bộ 26) của kinh tạng Pāli, cũng như trong chương
28 của Phật sử Buddhavamsa.[3]
Ngoài
ra, chữ “Di Lặc” là dịch âm từ tiếng
Phạn, có nghĩa là “từ bi”, “từ thị”[4].
Cho nên cũng gọi tên Ngài theo nghĩa là: từ,
từ thị. Theo truyền thuyết thì Bồ-tát này vì muốn giáo hóa các chúng sinh
nên không ăn thịt từ lúc mới phát tâm, do nhân duyên ấy mà có tên là Từ Thị [5].
Về nguồn gốc của danh hiệu này, trong sách “Đại
Nhật kinh sớ” có viết: “Từ Thị Bồ-tát
từ những kiếp rất xa xôi đã tu Tứ lượng tâm, nên gọi là “Từ”… Tất cả Như Lai đều
phải trụ trong Tứ vô lượng tâm, quảng độ chúng sinh. Tứ vô lượng tâm này sinh
ra từ trong chủng tính của Như Lai, có thể niệm Phật chủng không dứt của tất cả
thế giới, nên gọi là Từ Thị”.[6]
Trong một số kinh
văn Phật giáo, chẳng hạn như kinh
A Di Đà và kinh Pháp
hoa, Di Lặc Bồ-tát được nói đến như là Ajita/A Dật Đà/A Dật Đa. A Dật Đa là tên của Ngài, Di
Lặc là họ. Nghĩa của A Dật Đa là vô lượng thắng/vô năng thắng (không gì
có thể thắng nổi, nguyên nhân là do Di Lặc Bồ-tát “phát
nguyện từ trong kiếp binh đao, bảo vệ chúng sinh… lòng từ bi vô cùng, tất cả
quyền tiểu đều không thể thắng được” nên có danh hiệu như vậy.[7]
Theo
phẩm Tùy hỷ trong kinh Pháp hoa 6, kinh Bình đẳng giác 4, Di Lặc chính là A Dật Đa, hai vị đệ tử của Phật.
Nhưng
theo kinh Thuyết bản trong Trung A-hàm 13, kinh Xuất diệu 6 và luận Đại Tỳ-bà-sa 178, Di Lặc và A Dật Đa là
hai người khác nhau. Trong Mật giáo thì Bồ-tát Di Lặc là một trong chín tôn vị ở
Trung đài của Mạn-đà-la Thai tạng giới, ở phía Đông bắc Đại Nhật Như Lai; còn ở
Mạn-đà-la Kim cang giới, ngài là một trong 16 tôn vị Hiền Kiếp.[8]
Ngoài
ra, đôi khi Di Lặc Bồ-tát còn được gọi là Nhất
Sinh/Sanh Bổ Xứ Bồ-tát, Bồ-tát Bổ Xứ, Bổ Xứ Tát Đỏa, nghĩa là còn một kiếp
nữa là thành Phật. Tương truyến, Phật Thích Ca Như Lai dự đoán trong tương lai
Di Lặc Bồ-tát sẽ thừa kế vị trí Phật của mình trở thành Phật tương lai, do đó gọi
là “bổ xứ” Bồ-tát. [9]
2. Trú
xứ
Di Lặc nhờ thiền định mà hiện
đang ngụ tại cõi trời Tusita/Đâu Suất (Pāli: Tusita),
cũng được gọi là Di Lặc tịnh độ, tầng
trời thứ 4 trong 6 tầng trời cõi Dục. Đức Phật Thích Ca cũng đã ngự ở đây trước
khi ngài được sinh ra trong thế giới như tất cả các vị Bồ-tát sống trên cõi
trời Đâu Suất trước khi họ xuống cõi trần thế của con người để
trở thành những vị Phật.
Chữ “Trời Đâu Suất” trong tiếng Phạn có nghĩa là “Diệu Túc”, “Tri Túc”.
Theo như cách nói của Phật giáo, một ngày đêm ở trên cõi “Trời Đâu Suất” bằng 400 năm trong nhân gian. Những người sống trong
cõi này hoàn toàn sáng suốt quang minh, có thể soi sáng thế giới.[10]
3. Thân
trạng
Theo
một số truyền thống Phật giáo, một thời kỳ của Phật Pháp được chia làm ba kỳ:
1/Thời kỳ đầu, sau khi Phật “chuyển Pháp Luân”, là thời hưng pháp, kéo dài 500 năm;
2/Thời kỳ thứ hai, đạo pháp suy yếu dần, là thời thoái pháp, kéo dài 1.000 năm;
và 3/Thời kỳ thứ ba, không còn ai thực tâm theo pháp nữa, gọi là thời mạt pháp,
kéo dài trong 3.000 năm[11].
Sau khi Phật Pháp biến mất trên thế gian, chúng sinh sẽ trầm luân trong hỗn loạn,
đau khổ. Lúc đó một vị Phật mới sẽ xuất hiện, và lại sẽ chuyển Pháp luân để hoằng
hóa và phổ độ chúng sinh. Vị Phật tương lai này hiện nay vẫn còn ở trên cõi trời
Đâu Suất và mang thân trạng một Bồ-tát. Chính Đức Phật Thích Ca sẽ tuyên phong
vị này là người kế thừa của Ngài. Hiện nay Ngài đang sống hiện hữu sau cùng của
mình như một Bồ-tát. Dự phóng về cuộc giáng thế rất gần của Ngài, đôi khi Ngài
được coi như đã là một vị Phật và được tôn xưng bằng danh hiệu Như Lai (Tathagata).[12]
Tiểu
sử và hành trạng của vị Phật tương lai - Bồ-tát Di Lặc được ghi chép trong nhiều
kinh văn Phật giáo. Ở mỗi kinh văn đều có những nội dung đại đồng và tiểu dị đặc
biệt phong phú.
Theo kinh Chuyển luân Thánh vương (Cakkavatti
Sutta, Trường bộ 26) thuộc kinh tạng Pāli, Đức Phật Di Lặc
sẽ sinh ra vào một thời điểm mà con người sẽ sống đến tám mươi nghìn năm tuổi,
tại thành phố Ketumati (Varanasi ngày nay), và quốc vương sẽ là Chakravarti/Chuyển
luân Thánh vương Sankha. Sankha sẽ sống trong cung điện nơi nhà vua Mahapanada
từng ở, nhưng sau đó quốc vương Sankha sẽ cho đi cung điện và bản thân sẽ trở
thành một tín đồ của Đức Phật Di Lặc.[13]
Di Lặc sẽ được sinh ra từ một gia
đình Bà La Môn. Theo ghi chép trong kinh “Hiền Ngu”, cha của Di Lặc tên là Tu Phạn
Ma/Tu Phạm Ma/Tubrahma và
mẹ
tên gọi Phạn Ma Đề Bạt/Phạm
Ma Việt/Brahmavadi ở nước Varanasi/Ba La Nại thuộc Ấn Độ cổ đại, dưới sự cai trị của nhà vua Nhượng
Khư/Nhương Khư, một Chuyển luân Thánh vương. Sau
khi bà Phạn Ma Đề Bạt có thai thì tính tình trở nên hiền hòa từ bi, cho nên sau
khi sinh con ra thì đặt tên là “Kẻ Từ Bi”
[14].
Người vợ của Di Lặc sẽ là công chúa
Sandamukkha. Con trai của Ngài sẽ là Brahmavamsa. Sau khi người con
trai chào đời, Di Lặc sẽ xuất gia để tu khổ hạnh. Ngài sẽ tu luyện
trong bảy ngày. Sau khi tu tập, Ngài sẽ giác ngộ dưới gốc cây Mesua
ferrea/vấp/vắp. Sau khi thành đạo, Ngài giáo hóa Thiện Tài, cha mẹ và
84.000 đại chúng. Cũng như Phật Thích Ca đời này, Ngài nói cho chúng sinh nghe
về pháp Tam thừa và được ngài Đại Ca Diếp giúp đỡ việc giáo hóa.[15]
Theo
“Di Lặc hạ sinh thành Phật kinh” thì
đến lúc ấy ở thế giới Ta Bà Diêm Phù Đề có thành Xí Đầu Mạt, vua tên là Nhương
Khư. Di Lặc sẽ thác sinh vào gia đình một đại thần trong thành này tên là Tu Phạn
Ma, giáng sinh, xuất gia, thành đạo, thuyết pháp giống như Thích Ca Mâu Ni Phật.
Di Lặc sau khi thành Phật sẽ ở dưới cây Long Thọ tại Hoa Lâm viên 3 lần thuyết
pháp, quảng độ chúng sinh.[16]
Trong
bộ “Thụ tam thế”, Di Lặc là Phật
Tương Lai, là người sẽ thay thế Phật tổ Thích Ca Mâu Ni, cho nên coi là Phật, Di
Lặc cũng được thờ cúng trong tòa chính điện Đại hùng Bảo điện trong chùa, đứng
phía bên phải của Phật Thích Ca Mâu Ni. Còn “Di Lặc thượng sinh kinh” và “Di
Lặc hạ sinh kinh” có ghi chép, Di Lặc xuất gia làm đệ tử đi theo Phật Thích
Ca. Ngài viên tịch trước Phật Tổ, đầu thai vào cõi “Trời Đâu Suất”, trở thành
“Bồ-tát Bổ Xứ”. [17]
Ngài
và Phật Thích Ca là người cùng thời. Về sau Ngài theo Đức Thích Ca xuất gia, tu
tập Phật pháp, trở thành đệ tử Phật. Ngài nhập diệt trước Phật Thích Ca.[18]
Trong lúc Đức Thích Ca thành Đạo và thuyết Pháp, Đức Di Lặc có dự thính theo
hàng đệ tử. Ngài có nghe thuyết bộ Diệu pháp
liên hoa kinh (Saddharma Pundarika). Đức Thích Tôn có
giảng về công đức và các hạnh từ những đời trước của Đức Di Lặc, và cho hay rằng
về sau Đức Di Lặc sẽ thành Phật hiệu là Maitri
(Maitreya, Di Lặc, Từ tôn). Nghe
nói Phật Thích Ca đã từng dạy bảo rằng, sau khi ngài rời thế gian sẽ thượng
sinh ở cung trời Đâu Suất, nơi các vị Phật tương lai đang an cư tự tại và ở đó
thuyết giảng Phật pháp với chư thiên. Cho đến sau khi Phật Thích Ca nhập diệt
56 ức 7 ngàn vạn năm thì mới từ cung trời Đâu Suất hạ sinh xuống nhân gian[19]
như là Hiện Thế Phật. Hay Đức Thích Tôn từng thọ ký: Hết thời kỳ con người sống
lâu 4.000 tuổi (ước vào khoảng 57 tỷ 60 triệu năm nữa) lúc ấy Di Lặc hạ sinh xuống
cõi này thành Phật dưới cội Long Hoa, chia làm 3 hội thuyết pháp[20],
kế thừa sự nghiệp chưa hoàn thành của Phật Tổ, giải trừ thống khổ cho chúng
sinh trong nhân gian, làm cho chúng sinh có được sự an lạc chân thực.
Theo như cách nói của
Phật giáo, cho đến hiện tại thì Di Lặc mới chỉ là Bồ-tát, chưa thành Phật [21].
Ngài được tin là vị Phật của tương lai, sẽ kế thừa công nghiệp của Thích Ca Mâu
Ni và hiện nay Ngài đang là một vị Bồ-tát. Mặc dù tất cả các vị Bồ-tát đều sẽ
thành Phật, nhưng khái niệm về một vị Bồ-tát khác rất nhiều trong Phật giáo
Tiểu thừa và Đại thừa. Trong Phật giáo Tiểu thừa, Bồ-tát là người đang
phấn đấu để đạt được sự giác ngộ hoàn toàn, trong khi trong Phật giáo Đại thừa,
Bồ-tát là người phát nguyện đạt đến giác ngộ với mục đích giúp đỡ tất cả chúng
sinh.
Trong Phật giáo Đại thừa,
các vị Phật là giáo chủ các cõi tịnh độ, chẳng hạn như Amitabha/A Di
Đà ở Sukhavati/Cực lạc. Một khi Di Lặc trở thành một vị Phật,
Ngài sẽ cai quản cõi tịnh độ Ketumati, một thiên đường cõi đất đôi
khi được kết nối với thành phố Varanasi (còn được gọi là Benares) ở
Uttar Pradesh, Ấn Độ, và trong các miêu tả khác là Shambhala.[22]
Trong Phật giáo Tiểu
thừa, các vị Phật được sinh ra như những con người chưa giác ngộ, và không phải
là người cai quản bất kỳ cõi tịnh độ nào. Sự xuất hiện của Di Lặc cũng
không khác gì sự xuất hiện của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, khi Ngài đạt được sự
giác ngộ hoàn toàn như một con người và sau đó nhập vô dư Niết-bàn.
Một đề xuất đặc biệt độc đáo, đậm tính lịch sử là trong các
trường phái Đại thừa, theo truyền thống, Ngài được cho là đã mặc khải năm
bản luận của Di Lặc thông qua Asanga/Vô Trước. Những tài liệu
thư tịch này là nền tảng của truyền thống Yogacara/Du già hành tông/Duy thức
tông và cấu thành phần lớn nội dung lần chuyển Pháp luân thứ ba
trong ba lần chuyển Pháp luân. Cũng cần nói thêm rằng,
phái Duy Thức của Phật giáo Đại thừa tôn Di Lặc làm Tổ sư. Nhân vật đại biểu
cho phái này là Vô Trước Bồ-tát, Thế Thân Bồ-tát đều dựa vào tâm Bồ-đề của họ
mà được vãng sinh về trời Đâu Suất của Di Lặc.
Do
đó, Phật Di Lặc còn thường được biểu thị với hai môn đồ là Vô Trước, Tổ khai
sáng tông phái Pháp Tướng tông và người anh em của ông là Thế Thân/Thiện Thân[23].
Truyền thống kể rằng Di Lặc giáng thế từ cõi trời Đâu Suất theo thỉnh cầu của
hai anh em Vô Trước và Thế Thân để giảng dạy cho họ về nội dung của 5 bộ luận.
Sau đó hai vị này đã biên soạn rất nhiều bộ luận khác để giải minh cho tín đồ về
giáo nghĩa của Đại thừa. Ở Nhật, đôi khi Vô Trước được gọi là Gengo và bị lẫn lộn
với nhà chiêm bái và học giả Trung Hoa, Huyền Trang Tam Tạng. Vô Trước sống ở Ấn
Độ, tại Pataliputra (ngày nay là Patna, bang Bihar) cùng với người em vào thế kỷ
thứ IV. Hai vị này được biểu thị trong hình dáng các nhà sư và được tôn lên
hàng Bồ-tát. Tại Nhật, việc thờ phượng Di Lặc và các môn đồ của Ngài ít được thực
hành ngoại trừ Thiền tông và Chân Ngôn tông.[24]
Lại
nữa, vào thế kỷ VII, ngài Huyền Trang trong khi du hành qua Thiên Trước, thường
niệm danh hiệu Đức Di Lặc, được Đức Di Lặc ủng hộ cho khỏi tai họa. Ngài Huyền
Trang có nguyện khi thác sinh lên cung trời Đâu Suất sẽ chầu Đức Di Lặc.
4. Maitreya
- Vị Phật vị lai
Theo
truyền thống Phật giáo, mỗi kalpa/kiếp có 1.000 vị Phật. [15] Kiếp quá khứ là Vyuhakalpa (Trang
Nghiêm kiếp), và kiếp hiện tại được gọi là Bhadrakalpa (Hiền
kiếp).[25] Bảy vị
Phật quá khứ (Saptatathāgata) là bảy vị Phật cầu nối giữa Vyuhakalpa/Trang
nghiêm kiếp và Bhadrakalpa/Hiền kiếp:[26]
- Vipassi/Tỳ Bà Thi (vị Phật
thứ 998 của Trang Nghiêm kiếp)
- Sikhi/Thi Khí (vị Phật thứ
999 của Trang Nghiêm kiếp)
- Vessabhu/Tỳ Xá Phù (vị
Phật thứ 1.000 và cuối cùng của Trang nghiêm kiếp)
- Kakusandha/Câu Lưu Tôn (vị
Phật đầu tiên của Hiền kiếp)
- Konagamana/Câu Na Hàm (vị
Phật thứ hai của Hiền kiếp)
- Kassapa/Ca Diếp (vị Phật
thứ ba của Hiền kiếp)
- Gautama/Thích Ca Mâu
Ni (vị Phật thứ tư và hiện tại của Hiền kiếp)
Di Lặc sẽ là vị Phật vị
lai thứ năm của Hiền kiếp, và sự xuất hiện của Ngài sẽ diễn ra sau khi
những thuyết giảng của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni không còn được thực
hành nữa.
Sự xuất hiện của Di Lặc
sẽ được đặc trưng bởi một số sự kiện tự nhiên/vật chất. Các đại dương được
dự đoán sẽ giảm đi kích cỡ, cho phép Di Lặc băng qua chúng một cách thoải
mái/tự do. Sau đó Di Lặc sẽ truyền bá lại Chánh pháp cho thế giới.
Ngài xuất hiện sẽ báo
hiệu sự kết thúc của giai đoạn trung gian, khoảng thời gian giữa Đức Phật thứ
tư - Đức Phật Thích Ca và Đức Phật thứ năm - Di Lặc, được coi là suy đồi trong
sự tồn tại của con người.
Kinh sách nói rằng Di Lặc
sẽ đạt được bồ-đề trong bảy ngày (đó là khoảng thời gian tối thiểu) nhờ vào đức
hạnh nhiều kiếp của Ngài để chuẩn bị cho việc thành tựu Phật quả, tương tự
như những gì được kể trong các Jataka/ Bổn sinh.
Vào lúc này, một giáo
lý đáng chú ý mà Ngài sẽ bắt đầu đưa ra là mười điều bất thiện (giết người, trộm
cắp, tà dâm, nói dối, lời nói chia rẽ, lời nói lăng mạ, lời nói vu vơ, tham
lam, ý định có hại và tà kiến) và mười điều hạnh thiện (từ bỏ: giết người, trộm
cắp, tà dâm, nói dối, lời nói chia rẽ, lời nói lăng mạ, lời nói vu vơ, tham
lam, ý định có hại và tà kiến).
Arya Maitreya Mandala, một trật tự/sắp xếp do Anagarika
Govinda sáng lập, dựa trên ý tưởng về sự xuất hiện của Di Lặc trong
tương lai.
Các tài liệu thư tịch
Phật giáo từ một số truyền thống nói rằng chúng sinh trong thời của Di Lặc sẽ
lớn hơn nhiều so với thời của Thích Ca Mâu Ni. Trong
một lời tiên tri, các môn đồ của Ngài khinh thường Mahakasyapa/Đại Ca
Diếp, người có kích cỡ cái đầu không lớn hơn một con côn trùng đối với
họ. Chiếc áo choàng của Đức Phật chỉ vừa đủ để che hai ngón tay khiến họ
tự hỏi không biết Đức Phật nhỏ bé như thế nào. Mahakasyapa/Đại Ca Diếp
được cho là đủ nhỏ như tro hỏa táng trong lòng bàn tay của Di Lặc.[27]
Một đề cập đến lời tiên
tri về Di Lặc là trong Maitreyavyakaraṇa/Di Lặc hạ sinh kinh. Kinh
này ngụ ý rằng Ngài là một bậc thầy của trạng thái thiền
định thành tựu pháp/sadhana và cho rằng các vị thần, con người và những
chúng sinh khác nhau:
Sẽ mất đi những ngờ vực,
và những thèm khát cuộn trào sẽ bị cắt đứt: thoát khỏi mọi đau khổ, họ sẽ xoay
sở để vượt qua đại dương của sự hoàn thiện/trưởng thành; và nhờ những lời thuyết
giảng của Di Lặc, họ sẽ sống một cuộc đời thánh thiện. Họ sẽ không còn coi
bất cứ thứ gì như là sở hữu của riêng mình, họ sẽ không có của cải, không có
vàng bạc, không nhà cửa, không người thân thích! Nhưng họ sẽ dẫn dắt cuộc
sống thánh thiện của một con người dưới sự hướng dẫn của Di Lặc. Họ sẽ xé
toạc lưới đam mê, họ sẽ nhập định, và đó sẽ là niềm vui và hạnh phúc dồi dào,
vì họ sẽ dẫn dắt sống một cuộc sống thánh thiện dưới sự hướng dẫn của Di Lặc.[28]
Di
Lặc Bồ-tát thường sinh tu trì tam muội từ tâm, phát nguyện mong muốn tất cả
chúng sinh đều sống trong sự vui vẻ thực sự, khiến tất cả chúng sinh, người tu
hành tránh xa mọi chướng ngại, tai họa và mãi mãi tránh xa mọi phiền não.[29]
Người
thích hợp để tu hành: Những người sinh vào ngày mồng 5 và những người hy vọng
giành được sự kính ái và vui vẻ.
Chân
ngôn của Di Lặc Bồ-tát: Phiên âm: Namah
Samanta-buddhanam Maha-yaga Yogini Yoge-svari Khanjarike Svaha. Ý nghĩa:
Quy mệnh, phổ biến chư Phật, tương ứng lớn, người tương ứng, tương ứng tự tại,
không sinh tác, thành tựu.
Tâm chú của Di Lặc Bồ-tát:
Phiên
âm: Om Maitreya Svaha. Ý Nghĩa: quy mệnh,
từ thị, thành tựu.
Pháp
tu của Di Lặc Bồ-tát và pháp tu của những Bản tôn khác về cơ bản là giống nhau, cũng bắt đầu theo trình tự tụng
niệm văn quy y, phát tâm Bồ-đề, phát tứ vô lượng tâm, sau đó bước vào giai đoạn
quán tưởng.
Quán
tưởng trong lòng mình có sự vui sướng tột độ, sau đó quán tưởng đến những người
mình yêu mến như bạn bè, người thân… Họ cũng cảm thấy vô cùng vui sướng. Tiếp đó,
quán tưởng đến những người xa lạ không hề có quan hệ gì với mình, cũng thấy vô
cùng vui vẻ. Cuối cùng, quán tưởng kẻ thù của mình hoặc người mình không thích
cũng cảm thấy vui vẻ tột độ.
Quán
tưởng trong khoảng không trước mặt mình, bỗng nhiên xuất hiện tòa sen nghìn
cánh, trên tòa sen có nguyệt luân màu sáng trắng, trên nguyệt luân có chủng tử
tự màu vàng kim của Di Lặc Bồ-tát. Chủng tử tự vừa xoay chuyển, vừa phát ra ánh
sáng, cuối cùng hóa thành hình tượng của Di Lặc Bồ-tát.
Quán
tưởng Di Lặc Bồ-tát phát ra ánh sáng rộng lớn, hóa thành điểm sáng to bằng lòng
đỏ trứng gà, đi qua đỉnh đầu nhập vào cơ thể, sức mạnh từ bi của Ngài tràn đầy
cơ thể của mình. Sau đó, quán tưởng điểm sáng biến thành Di Lặc Bồ-tát to bằng
ngón tay cái, và to dần, to dần bằng cơ thể mình, hòa nhập làm một với cơ thể của
mình. Sau đó, lại quán tưởng cở thể của mình biến thành to lớn vô hạn, cuối
cùng nhập vào trong hư không. Quán tưởng quá trình như vậy cũng xảy ra trên cơ
thể của chúng sinh.
Tụng
niệm chân ngôn và tâm chú của Di Lặc Bồ-tát, tĩnh tâm nhập định.
Khi
tu hành kết thúc, tụng niệm văn hồi hướng: “Nguyện
con nhanh chóng dùng thiện này; Thành tựu Bản tôn Di Lặc Phật. Tất thảy chúng
sinh không bỏ sót; đều chứng quả vị thù thắng này”.[30]
Đức
Di Lặc là một trong tám vị Đại Bồ-tát này:
1/
Văn Thù Sư Lỵ Bồ-tát, 2/ Quan Thế Âm Bồ-tát, 3/ Đắc Đại Thế Bồ-tát, 4/ Vô Tận Ý
Bồ-tát, 5/ Bảo Đàn Hoa Bồ-tát, 6/ Dược Vương Bồ-tát, 7/ Dược Thượng Bồ-tát, 8/ Di
Lặc Bồ-tát. Ai muốn sinh vào cõi Tây phương Cực lạc thế giới của Đức A Di Đà,
song nghe Chánh pháp mà chẳng định trí được, tới chừng nghe danh hiệu Phật Dược
Sư Lưu Ly Quang Như Lai, khi mạng chung được Đức Di Lặc và bảy vị Đại Bồ-tát
trên hiện đến mà chỉ dẫn dường về Tây phương Cực lạc (Dược Sư kinh). Theo quyển Phật
tổ thống ký, từ Đức Thích Ca cho đến khi Đức Di Lặc ra đời và thành Phật là
tám triệu mười vạn tám ngàn (8.108.000) năm.[31]
Đức
Phật Di Lặc sẽ thuyết pháp ba kỳ nơi cội cây Long Hoa, độ vô số chúng sinh,
Ngài hưởng thọ sáu muôn tuổi. Chừng ngài nhập Niết-bàn, Chánh pháp của Ngài sẽ kéo
dài sáu muôn năm. Kế đó, thời kỳ Tượng pháp cũng sẽ kéo dài sáu muôn năm.
Kinh
nói về Đức Di Lặc, có những quyển: Di Lặc
bổn kinh, Di Lặc thượng sanh kinh, Di Lặc hạ sanh kinh, Di Lặc đại thành Phật kinh.
*
Di
Lặc và Phật giáo Nhật Liên như một phép ẩn dụ
Theo kinh Pháp hoa trong Phật giáo
Nichiren/Nhật Liên, tất cả mọi người đều có khả năng bộc lộ Phật tính bẩm sinh
trong suốt cuộc đời của chính họ, một khái niệm có thể mâu thuẫn với ý tưởng về
đức Phật là đấng cứu tinh hay đấng cứu thế.
Mặc
dù Đức Di Lặc là một nhân vật quan trọng trong kinh Pháp hoa, nhưng lời lý giải của Nhật Liên tông là Di Lặc là một
hình ảnh ẩn dụ về sự coi sóc và trợ giúp cho các vị Bồ-tát của cõi đất, như
được viết trong kinh Pháp Hoa:
Hơn nữa ... tất cả các vị
Bồ-tát, Bồ-tát Di Lặc... sẽ canh giữ và bảo hộ cho những người tôn thờ/sùng tín
kinh Pháp hoa, vì vậy mọi người có
thể thực sự yên tâm.
Trong phần lớn tài liệu
thư tịch, Nhật Liên tông đề cập đến quan điểm truyền thống của Phật giáo về Di
Lặc nhưng lý giải rằng việc truyền bá giáo pháp vĩnh hằng của kinh Pháp hoa
được Thích Ca Mâu Ni giao cho các vị Bồ-tát của cõi đất:
Đức Phật không giao phó
năm đặc tính này cho Di Lặc, Dược Vương, hoặc những người khác trong nhóm của
họ. Thay vào đó, Ngài triệu tập các vị Bồ-tát ... từ đại địa của ánh sáng
tĩnh tại và chuyển năm đặc tính này cho họ.[32]
Do đó, mỗi cá nhân có thể
hóa thân vào đặc tính của Di Lặc bởi vì Ngài là một ẩn dụ cho lòng từ bi:
Cái tên Di Lặc/Maitreya có nghĩa là “Đấng Từ Bi”
và chỉ định cho các tín đồ sùng kính kinh Pháp
hoa.[33]
* Những suy luận khác
Ngoài ra, một số người
suy đoán rằng nguồn cảm hứng về Di Lặc/Maitreya có thể đến từ Mithra, vị
thần Ấn Độ-Iran cổ đại. So sánh chính giữa hai nhân vật dường
như là sự giống nhau về tên gọi, trong khi so sánh phụ là cả hai đều được mong
đợi sẽ xuất hiện trong tương lai.[34]
Paul Williams tuyên
bố rằng một số ý tưởng của Bái hỏa giáo giống như Saoshyant (những vị thần được phái xuống
trái đất để thiết lập lại trật tự loài người) đã ảnh hưởng đến tín
ngưỡng về Di Lặc, chẳng hạn như “kỳ vọng về một đấng trợ giúp cõi trời, yêu cầu
lựa chọn sự công bình tích cực, thiên niên kỷ tương lai và sự cứu rỗi vũ
trụ/vạn vật”. Ý kiến phản đối xảy ra là những đặc điểm này không phải là
duy nhất của Bái hỏa giáo, cũng không nhất thiết phải là đặc trưng của tín
ngưỡng về Di Lặc.
Ngoài ra, cũng có thể là Đức
Phật Di Lặc có nguồn gốc từ Kalki của Hindu giáo, và những điểm tương
đồng với Mithra của Iran có liên quan đến nguồn gốc Ấn
Độ-Iran nói chung của họ.
5. Hình
tướng
Khác
với nhiều vị Phật và Bồ-tát của Phật giáo Đại thừa, Di Lặc cũng được truyền thống
Phật giáo Tiểu thừa công nhận như là vị Phật tương lai và đã biểu thị Ngài ngay
từ đầu. Những biểu tượng về Ngài rất phong phú trong nghệ thuật của các trường
phái Nam tông và của cả Đại thừa Bắc tông. Hình tượng về
Phật Di Lặc, thường hiện diện ở Java, Miến Điện, Thái Lan và mọi miền đất Đông
Nam Á như nơi các hành lang tháp ở Borobudur Java vào năm 680. Và ở Trung
Quốc, đời Nam Tề, khoảng năm 979-982, ngài Tăng Hộ có phát nguyện khắc tạo tượng
Di Lặc cao khoảng 303 mét ở núi Thạch Thành, huyện Diệm, nhưng nguyện chưa
thành đã qua đời. Về sau, đến năm 516, Tăng Hựu hoàn thành tượng này và được
người đời gọi là Tam thế thạch Phật, Đại Phật huyện Diệm. Đời Bắc Ngụy, vua Hiến
Văn Đế tạc động Di Lặc ở hang thứ 13 Vân Cương Đại Đông và an trí pho tượng ngồi
cao 16 mét. Sau khi dời đô về Lạc Dương, Hiến Văn Đế còn tạo hang đá Long Môn,
trong đó có hơn 100 pho tượng Phật Di Lặc lớn nhỏ. Ngoài ra, trên sườn núi
Hoàng Thạch ở Lịch Thành, Sơn Đông, ở núi Thiên Phật cũng có nhiều tượng Di Lặc
được tạo vào đời Bắc triều[35].
Theo kinh văn, Di Lặc sẽ cao 88 cubits (132 feet,
40 mét; xấp xỉ khoảng 80 mét) và sẽ sống trong 88.000 năm. Những tia ánh sáng phát ra từ
Ngài sẽ khiến mọi người khó phân biệt được đâu là ngày và đâu là
đêm. Những lời dạy của Ngài sẽ được giữ gìn trong 180.000 năm tới.[36]
Còn trong phần chú giải của Anagatavamsa, sự thuyết giảng của Ngài sẽ kéo dài
trong 360.000 năm.[37]
Còn trong thực tế, việc tạo hình đức Di
Lặc có nhiều biến tấu và đặc trưng tùy theo từng khu vực, cụ thể như sau:
1.
Hình tượng ngài xuất hiện ở Gandhara (hiện nay là Pakistan, Afghanistan và Tây bắc Ấn Độ) có lẽ còn
trước cả hình tượng của Phật Thích Ca (mà có lẽ Ngài thường bị lẫn lộn): Ngài
được biểu thị đứng hay ngồi, như một vị Phật được trang hoàng, với tóc dài
buông xuống vai hoặc kết thành búi trên đỉnh đầu, hai bàn tay trong tư thế Chuyển
pháp luân ấn (Dharmacakra mudra) khi
ngồi hoặc làm Giáo hóa thủ ấn/Vitarka
và Thí nguyện thủ ấn/Varada khi đứng.[38]
Ngoài ra, trong số những
hình ảnh ban đầu từ Gandhara, Phật Di Lặc mặc một áo choàng dài giống kiểu áo
toga La Mã và đứng hoặc ngồi một cách đường bệ vương giả với một tay bắt ấn Vô
úy. Trong nghệ thuật Phật giáo Greco của Gandhara, vào những thế
kỷ đầu Công nguyên ở miền Bắc Ấn Độ, Di Lặc là nhân vật phổ biến nhất được thể
hiện cùng với Đức Phật Thích Ca. Ngoài ra, Di Lặc ở đây được thể hiện như
một nhà quý tộc miền Bắc Ấn Độ, tay trái cầm một kumbha/vò gốm. Đôi
khi đây là một “bình trí tuệ” (Tây Tạng: Bumpa). Bên cạnh Ngài
là hai người hầu cận, hai anh em Vô Trước và Thế Thân, những người
đã sáng lập ra truyền thống Duy thức tông.
2. Ở Trung Quốc từ thế kỷ thứ IV đến thế kỷ thứ VI, “các nghệ nhân
Phật giáo đã sử dụng thay thế, hoán đổi tên gọi Thích Ca Mâu Ni và Di
Lặc... cho thấy chưa có sự phân biệt giữa hai hình tượng này và các hình tượng
biểu trưng tương ứng vẫn chưa được thiết lập một cách chắc chắn”.[39]
Một ví dụ là tác phẩm điêu khắc đá được tìm thấy trong lưu trữ của Thanh Châu/Qingzhou
dành riêng cho Di Lặc vào năm 529 sau Công nguyên như được ghi chép trong bia
ký (hiện tồn lưu giữ ở Bảo tàng Thanh Châu, Sơn Đông). Tín niệm tôn
giáo/tín ngưỡng về Di Lặc dường như đã phát triển cùng thời với tín niệm về A Di
Đà vào đầu thế kỷ thứ III sau Công nguyên. Bên cạnh đó, đời Tây Tần đã có vẽ
tượng Di Lặc (Bình Linh tự ở Cam Túc). Tượng Di Lặc trước đời Tống, Ngũ đại chủ
yếu có 2 loại là hình Bồ-tát và hình Như Lai, phân biệt căn cứ vào “Di Lặc thượng sinh kinh”, “Di Lặc hạ sinh kinh”. 1. Di Lặc hình Bồ-tát
chủ yếu là biểu hiện hình tượng của Ngài thượng sinh ở cung trời Đâu Suất,
giảng kinh cho chư thiên. Lúc này Ngài mặc y phẩm Bồ-tát, hai chân chéo nhau mà
ngồi, hoặc là chân trái buông xuống, tay phải chống cằm, ngồi bán già, biểu thị
Phật Di Lặc ở cung trời Đâu Suất đợi hạ sinh. 2. Di Lặc hình Như Lai biểu hiện
Di Lặc sau khi hạ sinh thành Phật, không có khác biệt gì hơn với tượng Phật
Thích Ca.[40]
Do đó, hình tượng Di Lặc
thường đặc trưng là ngồi, với cả hai chân đặt trên mặt đất hoặc bắt chéo ở mắt
cá chân, trên ngai, đợi chờ đến thời đại của mình. Ngài mặc trang phục của
một Tỷ-kheo/Bhikṣu (chư Tăng) hoặc hoàng gia Ấn Độ. Như là
một vị Bồ-tát, Ngài thường đứng và mang trang sức. Thông thường, Ngài
mang một bảo tháp nhỏ trên chiếc mũ báu biểu trưng cho bảo tháp với
di vật của Đức Phật Thích Ca để giúp nhận diện Ngài khi Ngài đến lượt tuyên bố
kế vị, và có thể đang cầm một pháp luân đang ngự trên hoa
sen. Một chiếc khăn khata (hay khăn ban phước là một tấm lụa mỏng hình chữ nhật, gồm năm
màu trắng, đỏ, vàng, xanh lam và xanh nước biển dài từ ba thước đến hơn trượng
- một vật dụng bày tỏ sự tôn kính trong Phật giáo Tây Tạng) luôn
được buộc quanh eo Ngài như một chiếc đai thắt lưng.
Theo
kinh Bát Đại Bồ-tát Mạn-đà-la và Đại khổng tước minh vương họa tượng đàn tràng
nghi quỹ, thân Ngài màu vàng ròng, tay trái cầm quân trì, tay mặt đưa lên
hướng ra ngoài làm tư thế thí vô úy. Hình tam muội da là bình hoặc tháp, mật hiệu
Tấn Tật Kim Cang.[41]
Trong
bộ Phật “Thụ tam thế”, hình tượng thường
thấy là những gì đã được miêu tả trong quyển hạ “Họa tượng phẩm” của bộ “Từ Thị
Bồ-tát lược tu du nga niệm tụng pháp”, đầu đội mũ Ngũ Như Lai, tay phải cầm
hoa sen, trên hoa sen có đặt ấn tháp pháp giới, tay trái làm tư thế thuyết
pháp, ngồi theo tư thế kiết già.
Mũ
Ngũ Như Lai tức là chiếc mũ có thể hiện hình ảnh của năm vị Phật. “Như Lai” tức
là một trong mười xưng hiệu của Phật tổ, ý nghĩa của nó là từ trong cái đạo
chân thực đến khai sáng chân lý, kêu gọi chúng nhân đi theo con đường chân lý của
Đức Phật để đạt được giác ngộ.
Trong
Phật giáo, hoa sen là một loài thực vật rất được coi trọng, nó có khá nhiều hàm
nghĩa. Trong cuốn “Duy Ma Cật sở thuyết kinh”
có nói, hoa sen sinh ra trong bùn đất hôi tanh, Phật cũng như vậy nên sinh sống
trong cõi chúng sinh mà sinh ra Phật pháp cứu độ chúng sinh. Ở trên hoa sen có
đặt ấn tháp pháp giới, biểu thị rằng Phật Di Lặc đã biết được tất cả những phiền
não của chúng sinh cho nên đã nảy sinh ra lòng từ bi.
Trong
phương pháp tạc tượng Phật giáo, tư thế tay thuyết pháp là thủ ấn thường gặp,
hình thức của nó thông thường là bàn tay hơi khum tự nhiên, lòng bàn tay hướng
về phía trước, năm ngón tay duỗi ra thoải mái hơi cong, biểu thị đang thuyết giảng
Phật pháp với chúng sinh.
Ngồi
kiết già, tức là ngồi bằng tròn. Hình ảnh của Phật Di Lặc phần nhiều được thấy
là hình thức lấy chân trái đặt lên đùi phải, rồi sau đó lấy chân phải đặt lên
đùi trái, gọi là thế ngồi “Cát tường” (Cát tường tọa).[42]
3.
Ở Tây Tạng,
Ngài là một Bồ-tát rất phổ biến, được nhiều người cho là đấng sáng lập nên Mật
tông Phật giáo. Theo truyền thuyết, vị hiền nhân Ấn Độ ở thế kỷ IV là Vô Trước
đã đến viếng Phật Di Lặc trên cõi trời Đâu Suất và được Ngài truyền dạy bí quyết
về Tantra mà sau đó khi quay trở về trần, Vô Trước đã truyền dạy lại cho những môn
đồ. Từ thế kỷ VI, hình thức Phật giáo này tiến hóa thành truyền thống Kim Cương
thừa (Vajrayana) ở vùng Hy Mã Lạp Sơn (Hymalaya). Ở Tây Tạng, khi
Ngài được biểu thị ngồi, thì đôi chân buông thõng xuống đất (theo kiểu châu Âu)
và được phục trang như một vị Phật. Đây cũng là hình thức thể hiện Ngài ở Java
vào thế kỷ VIII ở đền Chandi Mendut. Song Ngài thường được trình bày như một Bồ-tát
ở tư thế đứng và được trang sức nhiều châu ngọc, hơn là ở tư thế ngồi. Trong một
vài hình ảnh biểu thị Ngài nơi trời Đâu Suất, Ngài ngồi với đôi chân trong tư
thế Liên hoa tọa. Ngài được nhận ra với việc mang một bảo tháp (stupa)
nhỏ trên đầu tóc. Những tùy vật của Ngài có thể thay đổi, và Ngài có thể cầm một
cái bình hay một pháp luân đặt trên hoa sen. Luôn luôn có một chiếc khăn choàng
buộc qua ngực. Đôi khi là một mảnh da sơn dương choàng qua vai trái Ngài. Ngài
thường cùng với Phật Thích Ca Mâu Ni và Quan Thế Âm Bồ-tát tạo thành bộ tam tôn[43];
thực tế là ở Sri Lanka, nhiều bức tượng lúc đầu được nghĩ là để diễn tả Quan Thế
Âm, nhưng về sau đã được giải thích lại là diễn tả Di Lặc.
Cụ
thể hơn là hình tượng của Di Lặc Bồ-tát thường là thân màu trắng, có một khuôn
mặt hai cánh tay, mặt hiện rõ hình ảnh từ bi, trên đầu đội mũ châu báu ngũ Phật;
tay trái cầm một cành cây long hoa, cành hoa hướng lên vòng đến vai trái, bông
hoa nở gần tai, trên những cánh hoa có một pháp luân, biểu thị trong tương lai
Di Lặc Bồ-tát sẽ hiện thành Phật dưới cây long hoa, đồng thời đến thế gian chuyển
luân thuyết pháp; tay phải cầm bình nước, biểu thị trong tương lai Ngài sẽ sinh
trong dòng tộc Bà-la-môn; ngồi trong tư thế du hý trên bảo tọa hoa sen.
Cần
nói thêm rằng, hình ảnh thường thấy của Di Lặc Bồ-tát là ngồi buông xuôi chân
như người bình thường ở trên đài sen sư tử, biểu thị Ngài sẽ bước xuống đài
sen, đến thế gian và hoằng pháp độ chúng.
Di
Lặc Bồ-tát trong Mạn-đà-la Kim cương giới thuộc về một trong 16 vị Hiền kiếp. Hình
tượng của Ngài thường không giống nhau, có rất nhiểu giả thuyết. Trong Mạn-đà-la
Thai tạng giới, hình ảnh của Ngài là thân màu đỏ thịt, đầu đội mũ châu báu,
trong mũ có bảo tháp (stupa), tay phải kết ấn Thí nguyện, tay trái cầm
hoa sen, trên hoa sen có bảo bình.[44]
4.
Ở Triều Tiên
và Nhật Bản, vào thế kỷ VI, Phật Di Lặc nổi tiếng là khuôn mặt cứu thế sẵn
sàng phù hộ độ trì cho thế giới Phật giáo. Vì Phật Di Lặc là vị lai Phật, Ngài
thường được miêu tả như là một Bồ-tát, mang vương miện và ngọc ngà châu báu, chỉ
ra việc Ngài quan tâm đến trần thế. Ngài thường bị lẫn lộn (cũng giống như ở
Trung Quốc) với A Di Đà và Thích Ca Mâu Ni. Trong điêu khắc, đôi khi Ngài bị lẫn
lộn với Nyoirin Kannon, một biến thân của Quán Thế Âm. Ở Nhật, Ngài có tôn danh
là Jishi Bosatsu (Bồ-tát đầy lòng từ
bi) hay Miroku Bosatsu.
Đầu
tiên, người ta tạc tượng Ngài giống thần Hachiman, một hình tượng thần linh hóa
hoàng đế Ojin của Nhật (thế kỷ III), và về sau được coi là một sự nhập thể của A
Di Đà, làm trung gian giữa Thích Ca Mâu Ni (trông coi thế giới người phàm) và
Phật A Di Đà (trông coi thế giới bên kia).
Việc
thờ phượng Di Lặc được xác chứng ở Nhật vào thế kỷ VII trong phái Pháp Tướng tông.
Năm 612, đền Taima-dera được xây dựng để thờ Ngài. Mặc dù truyền thống của Ngài
hình như vẫn còn duy trì không đứt đoạn ở Nhật, và Chân Ngôn tông vẫn coi việc
thờ phượng Phật Di Lặc có tầm quan trọng lớn, thế nhưng bất chấp những cố gắng
của tông phái Shingon/Chân Ngôn tông, hình tượng Phật Di Lặc vẫn bị che mờ bởi
sự tín mộ ngày càng lớn dành cho Phật A Di Đà. Trong Mạn-đà-la Garbhadhatu/Thai
Tạng giới, Di Lặc (dưới danh xưng Jishi
Bosatsu) được đặt ở hướng Tây bắc của Mahavairocana/Đại Nhật Như Lai, biểu
thị cho “kho báu để chúng sinh được hưởng lợi không bao giờ cạn”. Di Lặc là gốc
rễ, là thân, cành, lá được sinh ra từ Garbha/thai tạng, trong lòng hạt giống của
Bồ-đề tâm thanh khiết. Trong một Mạn-đà-la khác, Jishi Bosatsu lại được đặt ở hướng Đông bắc của Đại Nhật Như Lai,
biểu thị ở trường hợp này là hành động tạo ra minh trí (krtyamusthana-jna-na),
như vậy chấp thuận những thỉnh nguyện dâng lên Đức Phật Divya-dundhubhimega-nirgosa.
Trong Mạn-đà-la Vajradhatu/Kim cương giới, Ngài là một trong 16 vị Bồ-tát của Hiền
kiếp. Ngài được biểu thị với một tay cầm bình hoặc đôi khi giữ một bảo tháp nhỏ.
Bảo tháp này có lẽ liên quan đến tín ngưỡng mà theo đó Di Lặc, trong khi giáng
thế với tư cách là Phật, sẽ mở một bảo tháp trong đó Ca Diếp (Kasyapa) được cho
là đang đợi chờ Ngài đến.
Di
Lặc được biểu thị ở Triều Tiên và Nhật Bản hoặc ngồi trong thế Liên hoa tọa (Padmasana), hoặc là trong trạng thái trầm
tư (Hanka-shiyui), hai chân vắt chữ
ngũ, cổ chân phải đặt lên đầu gối chân trái, chân trái để thõng hay đặt trên mặt
đất, hoặc trên một đóa sen. Trong số rất nhiều cách biểu thị, những cách thường
thấy nhất là:
-
Trong tư thế Hanka-shiyui, ngực trần,
với một mũ miện “tam phong đỉnh” hoặc với một vòng xòe lông công, hoặc với hai
búi tóc kết thành cuộn tròn, chân trái để trên một đóa sen, tay phải chỉ vừa chạm
vào má (hoặc chỉ với hai ngón), bàn tay trái đặt trên mắt cá chân phải. Kiểu
dáng này hình như có nguồn gốc Triều Tiên: người ta bắt gặp kiểu này trên nhiều
tượng nhỏ của thời kỳ Silla vào các thế kỷ VI và VII. Ở Nhật Bản, kiểu dáng này
chủ yếu được biểu thị trước và vào thời Nara (cho đến 794).
-
Ngồi trong thế Liên hoa tọa, giống một vị Bồ-tát, với một búi tóc cao và một mũ
miện đôi khi trang hoàng với các tượng nhỏ của Ngũ Phật, tay phải giữ thủ ấn
Varada/Thí nguyện, tay trái cầm một đóa sen hay một bảo tháp nhỏ. Hoặc hai bàn
tay chắp lại, giữ một bảo tháp nhỏ. Hoặc với hai tay trong tư thế Chuyển pháp luân
ấn.
-
Đứng, giống như một vị Phật, tay phải theo thủ ấn Thí nguyện, tay trái theo thủ
ấn Abhaya/Vô úy.
-
Đứng, như một Bồ-tát, tay phải buông thõng, tay trái cầm một cái bình đôi khi
chứa một hoa sen đỡ một bảo tháp nhỏ.
Trong
hội họa, Di Lặc được biểu thị, chủ yếu vào cuối thời đại Kamakura ở Nhật, giống
như Amida Nyorai (A Di Đà Như Lai) trong Raigo (Raigō trong Phật giáo Nhật Bản là sự xuất hiện của Đức Phật A
Di Đà trên một đám mây “màu tím” vào lúc một người qua đời):
đôi khi cầm một đóa sen đỏ trong bàn tay trái. Một hình thức ngoại lệ trình bày
Ngài ngồi thế Liên hoa tọa với 1.000 cánh tay, bàn tay phải chính với ngón trỏ
đưa lên, bàn tay trái chính cầm một đóa sen bên trên là một bảo tháp nhỏ, những
tay kia cầm các trì vật khác - hoa sen, cuộn kinh, ngọc ước cintamani, bình,
v.v.[45]
Di Lặc tam tôn chỉ 3 pho
tượng: Phật Di Lặc ở chính giữa, Bồ-tát Pháp Âm Luân bên trái, Bồ-tát Đại Diệu
Tướng bên phải.
Theo Hồng-ca-đà-dã nghi quỹ, quyển trung, do Kim Cang Trí dịch vào đời
Đường: Trong Lập tùy tâm Mạn-đà-la, chính giữa là Đức Phật Di Lặc, hai bên là
Pháp Âm Luân và Đại Diệu Tướng, bốn phía là Tứ Đại thiên vương.[46]
6. Hóa
thân Di Lặc - Bố Đại Hòa thượng
Ở
Trung Quốc, phần lớn chùa miếu đều thờ phụng tượng Di Lặc miệng cười với bụng
phơi ra, đó là Hòa thượng Khế Thử/Khiết Thử (Bố Đại) đời Ngũ Đại; vì truyền
thuyết cho rằng vị Hòa thượng này là hóa thân của Bồ-tát Di Lặc[47].
Đồng thời, theo một truyền thuyết dân gian, người ta tôn Ngài làm thánh tổ của
những người thợ kim hoàn và thợ thủ công, nên đôi khi Ngài được gọi là Baisosheng (Bách Tuyến Thằng: sợi dây
trăm mối) bởi vì những người thợ sùng bái Ngài, đã vòng quanh thân Ngài với rất
nhiều sợi chỉ xanh đỏ.[48]
Budai/Bố Đại (Hàn:
Podae; Nhật: Hotei) là một Tăng sĩ bán lịch sử
Trung Quốc, người thường được xác định và tôn là Phật Di Lặc trong Phật
giáo Trung Quốc. Với sự truyền bá của Phật giáo, Ngài cũng được tôn sùng ở
Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản. Người ta cho rằng Ngài đã sống vào khoảng
thế kỷ X ở vương quốc Wuyue/Ngô Việt. Tên gọi Bố Đại theo nghĩa đen
có nghĩa là “túi vải”,[49] và
dùng để chỉ chiếc túi mà Ngài thường mang theo khi du hành. Bản chất vui
nhộn, tính cách hài hước, nói năng vô thường và lối sống lập dị/kỳ cục khiến
Ngài khác biệt với hầu hết các Tăng sĩ hay nhân vật Phật giáo khác. Ngài hầu
như luôn mỉm cười hoặc cười vui vẻ, do đó biệt danh của Ngài ở Trung Quốc là “Tiếu
Phật/Tiếu Khẩu Di Lặc Phật”.[50] Theo
truyền thống, Ngài thường được mô tả mập mạp. Ngài còn được gọi là “Phật
béo”, đặc biệt là ở thế giới phương Tây.[51]
Các
tài liệu thư tịch là bằng chứng chính chỉ ra Bố Đại nằm trong một tập hợp tiểu
sử của các tăng sĩ Phật giáo Chân truyền được biết đến như là “Sự
truyền đăng”.[52]
* Tiểu sử vị Thánh tăng
Bố Đại có nguồn gốc từ
tín ngưỡng thờ cúng và truyền thuyết địa phương.[53] Theo
truyền thống, Ngài được miêu tả mập mạp, đầu trọc, mặc một chiếc áo choàng đơn
giản. Ngài mang theo một ít của cải trong một chiếc túi vải, tuy nghèo
nhưng hài lòng.[54] Ngài
khiến những đứa trẻ vui vẻ, thích thú, đùa vui khi đi theo Ngài và được biết
đến là người vỗ nhẹ vào chiếc bụng lớn của mình một cách hóm hỉnh. Hình
ảnh của Ngài xuất hiện trong toàn bộ nền văn hóa Trung Quốc như một đại diện
của sự mãn nguyện/thoải mái và dồi dào/thịnh vượng. Bố Đại thu hút những
người dân xung quanh Ngài vì Ngài có thể dự đoán số mệnh tốt xấu, vận may cho
người ta vô cùng linh nghiệm và thậm chí cả dự báo thời tiết.[55]
Vị Tăng sĩ lang thang này thường ngủ ở bất cứ nơi nào Ngài đến, ngay cả bên
ngoài trời, vì sức mạnh thần bí của Ngài có thể xua đuổi cái lạnh buốt của băng
tuyết khiến cho cơ thể của Ngài không mảy may ảnh hưởng.
Theo “Tống cao tăng truyện”, vị Hòa thượng này
là người Minh Châu (nay là Ninh Ba tỉnh Triết Giang), thời Ngũ Đại có hiệu là
Trường Đinh Tử. Ngài thường tay cầm tích trượng, trên trượng quảy một túi vải,
ra vào nơi hương thôn thành trấn, đi du hóa hành khất khắp vùng Triết Giang.
Vật xin được thì bỏ cả vào túi vải. Do đó, người đương thời Ngài ông là “Bố Đại Hòa thượng” (Hòa thượng túi vải). Tương truyền, Ngài
có thân hình béo tốt, y phục tùy tiện, ngôn ngữ hành vi không câu nệ tiểu tiết.
Nghe nói rằng Ngài có thể dự đoán lành dữ cho người ta vô cùng linh nghiệm, lại
có thể biết cả nắng mưa, mọi người đều cảm thấy Ngài thần bí khôn lường. [56]
Nguồn dữ liệu khác lại
cho rằng Ngài là người Phụng Hóa (nay là Phụng Hóa, Ninh Ba, Triết Giang), sống
vào triều Hậu Lương thời Ngũ Đại.[57]
Một ghi chép về cái chết
được phục hồi có niên đại vào năm 916 hoặc 917 sau Công nguyên, do chính vị Tăng
sĩ này viết, khẳng định rằng Ngài là hóa thân của Di Lặc, vị Phật vị lai.[58] Một
thi thể được cho là của Bố Đại đã được ướp và trưng bày tại khu vực phía Đông
của Đại lễ đường ở ngôi chùa Yuelin ở quận Fenghua, Chiết Giang.[59]
Có một
ghi chép về sự xuất hiện sau khi chết của Bố Đại được ghi lại trong Sự
truyền đăng lục, được viết từ năm 1004 đến năm 1007 sau Công nguyên bởi nhà
sư Shi Daoyuan.
Vào tháng thứ ba năm
Thành Minh thứ ba (917 sau Công nguyên), Đạo sư tuyên bố sắp tới Ngài sẽ nhập Niết-bàn.
Tại chùa Yueh-lin, Ngài ngồi xếp bằng trên một phiến đá phẳng bên dưới hiên
phía Đông; hay năm Trinh Minh thứ 2, đời Hậu Lương (916), Ngài ngồi mà hóa trên
một tảng đá ở chùa Nhạc Lâm thuộc Minh Châu. Trước khi nhập tịch có để lại một
bài kệ nói rằng:
“Di Lặc
chân Di Lặc
Phân thân thiên vạn ức
Thời thời thị thời nhân
Thời nhân tự bất thức.”
Ý
là:
Di
Lặc đúng là Di Lặc
Phân
thân ra muôn vàn
Mọi
lúc đi dạy người đời
Mà
người đời không tự biết.[60]
Khi đọc xong bài kệ này, Ngài
lặng lẽ viên tịch. Sau đó, có những người láng giềng nhìn thấy Ngài mang
theo chiếc túi như trước và đi đây đó. Ngày nay ở ngôi chùa Yueh-lin, ở
phía Đông của Đại lễ đường, nơi đây bảo quản xác ướp thi hài của Ngài, và người
dân ở nhiều nơi nói về việc Ngài tái hiện như một sự thật đã được minh chứng.
Do
đó, người đời sau cho rằng Ngài là Di Lặc chuyển thế, nên lập tháp thờ phụng.
Năm thứ 3 Sùng Ninh đời Tống (1104), trụ trì chùa Nhạc Lâm cho xây gác đắp tượng.
Sau đó, một vùng Triết Giang bèn dần dần lưu hành đắp tượng “Bố Y Hòa thượng” bụng lớn, miệng cười
tươi, lại đặt vào trong điện Thiên Vương khiến cho mọi người khi bước vào cổng
chùa đã thấy cảm giác đại hoan hỷ, mọi người rất là vui thích.
Trên
đỉnh Phi Lai trước chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu thời Ngũ Đại, Tống, Nguyên có tạo một
tượng Di Lặc như vậy, Phật Di Lặc ngồi dựa vào vách núi, đầu như Tỷ-kheo, hai
tai thỏng xuống vai, mặt cười rất tươi, mình mặc cà-sa hở ngực ló bụng, một tay
chống túi, một tay cầm chuỗi hạt, vui vẻ nhìn người đến dâng hương.[61]
* Vai trò trong thần hệ Phật giáo
Chân truyền
Bố Đại là một trong số “vị thánh không ủy thác” đã được hợp nhất
vào thần hệ Chân truyền tông. Các nhân vật “kỳ dị” tương tự trong lịch sử soi
sáng không bao giờ được chính thức đưa vào hoặc phân bổ vào tông phái Chân truyền. Thay
vào đó, những nhân vật mờ mịt này đại diện cho “sự trao truyền đặc biệt” xảy ra
trong khoảng thời gian từ đầu đến giữa thế kỷ XII. Sự trao truyền này không
dựa trên tính hợp pháp của dòng tộc cai trị mà thay vào đó sử dụng tính cách và
phẩm chất đặc biệt của các nhân vật dân gian khác nhau để minh họa trách
nhiệm/bổn phận mới mẻ của truyền thống Chân truyền đến ý niệm “thức tỉnh” và
phổ biến/truyền bá Chân truyền đến một giáo đoàn lớn hơn. Bậc thầy Chân truyền, Dahui
Zonggao (1089-1163) và Hongzhi Zhengjue (1091-1157), cả hai đều là
những nhà lãnh đạo trong sự hợp nhất ban đầu của truyền thuyết địa phương và truyền
thống Phật giáo.
Họ hy vọng việc giới thiệu những nhân vật dễ thương/đáng yêu và kỳ quặc
này sẽ thu hút mọi kiểu loại con người đến với truyền thống Chân truyền, bất kể
giới tính, hoàn cảnh xã hội, hay hiểu biết đầy đủ về giáo pháp và dòng dõi tông
phái. Bernard Faure tóm tắt sự hợp nhất giữa truyền thuyết địa phương và
truyền thống Chân truyền bằng cách giải thích, “Một kế hoạch/chiến lược của Chân
truyền để khai hóa điều huyền bí là biến đổi thần thông/phép thuật vào những kẻ
kỳ đặc bằng cách giảm bớt sức mạnh huyền bí và nhấn mạnh khía cạnh thế tục...” Động
thái đã phân bổ các nhân vật thành các công cụ tôn giáo và chuyển các đặc sủng
phi thường của họ vào lăng kính của thần hệ Chân truyền để thu hút một lượng
lớn tín đồ hơn nữa. Cuối cùng, Bố Đại được tôn kính từ cả trong quan điểm
dân gian như một kẻ lang thang kỳ lạ, kẻ lang thang của người dân cũng như từ
nhân cách mới xuất hiện của Ngài trong bối cảnh truyền thống Chân truyền như
một “tu sĩ khất thực”[62], người đã mang lại sự dồi
dào, tài lộc và niềm vui. Tất cả những gì Ngài chạm trán với sự trợ giúp của chiếc
túi “bao vải” thần bí của mình.
* Trong mỹ thuật
Bố Đại hầu như luôn được
miêu tả với chiếc bị vải trông giống như một chiếc túi lớn. Chiếc túi đóng
vai trò như một họa tiết nổi bật trong bối cảnh của Phật giáo Chân truyền vì nó
tượng trưng cho sự dồi dào, thịnh vượng và mãn nguyện.
Bố
Đại Hòa thượng với hình tượng thân thiện, hiền từ, nét mặt tươi cười, lộ ngực
và bụng phệ, mặc áo cà-sa rộng, tay trái cầm tràng hạt, tay phải cầm quả đào, ngồi
trên mặt đất.[63]
Thêm
vào đó, đặc điểm của Phật giáo sau khi truyền vào Trung Quốc dần bị Hán hóa, mục
đích là để thích ứng với văn hóa truyền thống Trung Quốc. Để đáp ứng tâm lý nhiều
con là nhiều phúc, người nghệ nhân Trung Quốc còn đắp thêm năm sáu đứa trẻ bụ bẫm
xung quanh Phật Di Lặc bụng bự cùng đùa vui với nhau gọi là “Ngũ Tử Hý Di Lặc”. Biểu tượng này rất
được sùng bái từ những người đi cầu tự (cầu con trai nối dõi), vì vậy đã sinh
ra bức tượng “Di Lặc Tống Tử” (Di Lặc
tặng con trai).
Hình
tượng Phật Di Lặc bụng bự miệng cười tươi nhận được sự yêu thích rất lớn của
dân chúng, rất nhiều người còn bày một pho tượng Di Lặc trong nhà. Những người
tinh ý nhất định sẽ phát hiện Phật Di Lặc ngồi co một chân đang nhìn bạn, tư thế
kiểu ngồi Trung Quốc này thể hiện một phong thái không câu nệ lễ tiết. Vì sao lại
như vậy? Ở bên cạnh Phật Di Lặc có một đôi câu đối. “Đại đỗ năng dung, dung thiên hạ nan dung chư sự; Khai khẩu tiện tiếu, tiếu
tế thượng khả tiếu chi nhân”, tức là: “Bụng
lớn bao dung, bao dung được những việc mà thiên hạ khó lòng bao dung nổi; mở miệng
thì cười, cười những kẻ đáng cười trong thế gian”. Ý nghĩa của đôi câu đối
này dường như có thể khiến cho người ta hiểu ra ít nhiều đạo lý.[64]
Sau
khi Phật giáo Chân truyền đến Nhật Bản vào khoảng thế kỷ XIII với tên
gọi Thiền tông, các tu sĩ và cư sĩ mộ đạo trong khu vực đã sử dụng
nghệ thuật hội họa để khắc họa các nhân vật trung tâm của thời kỳ “thức tỉnh”
của mỹ thuật Thiền.[65] Nhiều tính cách lập dị được đưa vào truyền thống Thiền như
Bố Đại trước đây đã được bao bọc trong nền văn hóa và văn hóa dân gian lâu đời
của Nhật Bản. Việc đồng hóa và áp dụng lại những đặc sủng kỳ diệu này
vào thần hệ Thiền tông đã hỗ trợ cho việc mở rộng truyền thống Thiền.
Hình
dáng của “ông Phật bụng phệ” phổ biến ở Trung Hoa, từ đó được nhập khẩu vào Nhật
vào thế kỷ XVII bởi phái Thiền Obaku. Di Lặc đặc biệt được sùng bái trong hình
dáng này nơi ngôi đền Manpuku ở Kyoto.[66]
Như các hình ảnh minh
chứng, Bố Đại vui nhộn nhất khi có sự hiện diện của những người khác, đặc biệt
là trẻ con. Khi được miêu tả cùng với các vị thần khác trong bảy vị
thần may mắn, Bố Đại vẫn giữ một vẻ mặt trang nghiêm hoặc thậm chí trầm tư. Hình
tượng tròn của Bố Đại được sử dụng thực tế thông qua việc điêu khắc hộp đựng
hương (thế kỷ XVIII) chia cơ thể Ngài thành hai nửa. Những hình ảnh mới
hơn như Hotei và những đứa trẻ con cầm đèn lồng (thế kỷ XIX) sử
dụng nhiều màu sắc hơn, kịch tính hóa các đặc điểm vật lý và chi tiết hơn so
với những hình ảnh cũ hơn như Hotei của Mokuan
Reien (1336) sử dụng các đường nét tương phản rõ ràng hơn nhiều của tạo
hình không màu hoặc thiết lập giả định. Ở Nhật Bản, vị thần hạnh phúc, Hotei, được coi là một nhập thể
(incarnation) của Di Lặc và thường được thấy trong hình thức này: ngồi, với một
cái bụng phệ, cười tít mắt, hở miệng đến mang tai.[67]
Hình tượng của Nhật Bản,
giống như của Thiền sư Hakuin Ekaku, cho thấy Bố Đại trong nhiều hành động
tiêu biểu, như làm vui cho những người qua đường, che chở đứa trẻ dưới một
chiếc ô và thiền định bằng cách sử dụng chiếc túi bao tải của mình
làm đệm. Trong một mô típ đặc biệt được biết đến, Bố Đại xuất hiện
hút thuốc trong một chiếc kiseru (một loại
tẩu hút thuốc của Nhật Bản, theo truyền thống được sử dụng để hút kizami, một loại
thuốc lá được cắt nhỏ giống như sợi tóc), một kẻ xấu xí nhưng quyến rũ,
là hiện thân của hạnh phúc Thiền.[68]
* Sự nhầm lẫn với những hình tượng tôn giáo/tín ngưỡng khác
Trong thế
giới phương Tây, Bố Đại thường bị nhầm với chính Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, và do
đó có biệt danh là “Đức Phật béo”.[69]
Angida/Nhân Yết Đà là một trong mười tám vị La-hán nguyên
thủy. Theo truyền thuyết, Nhân Yết Đà là một người bắt rắn tài ba của Ấn
Độ với mục đích bắt những con rắn độc để ngăn chúng cắn người qua đường. Nhân
Yết Đà cũng sẽ loại bỏ nanh nọc độc của con rắn và thả chúng ra. Do lòng
tốt của mình, ông đã đạt đến bồ-đề.
Trong
nghệ thuật Trung Quốc, Nhân Yết Đà đôi khi được miêu tả như Bố
Đại, một kẻ phục phịch, hay cười và
mang theo một cái túi.[70]
Ở Thái
Lan, Bố
Đại đôi khi bị nhầm lẫn với La-hán Ca
Chiên Diên/Kaccana, được biết đến ở Thái Lan là Phra Sangkajai hoặc Phra
Sangkachai. Đức Phật khen ngợi Phra Sangkajai vì sự xuất sắc của ông
trong việc giải thích các khái niệm phức tạp về Pháp một cách dễ hiểu và chính xác. Phra Sangkajai
cũng được biết đến với việc soạn Kình mật hoàn/Madhupindika Sutta.
Một
câu chuyện trong truyện dân gian Thái kể rằng Phra Sangkajai đẹp trai
đến nỗi một người đàn ông từng muốn lấy anh làm vợ. Để tránh tình huống
tương tự, Phra Sangkajai quyết định biến mình thành một chư Tăng mập mạp. Một
câu chuyện khác nói rằng Phra Sangkajai hấp dẫn đến nỗi các thiên thần và những
người đàn ông thường so sánh Phra Sangkajai với Đức Phật. Phra Sangkajai cho
rằng điều này là không phù hợp, vì vậy đã cải trang nên một thân hình béo ục
ịch.
Mặc
dù cả Bố
Đại và Phra Sangkajai có thể được tìm
thấy ở cả các ngôi đền Thái Lan và Trung Quốc, Phra Sangkajai được tìm thấy
thường xuyên hơn trong các ngôi đền Thái Lan và Bố Đại trong các ngôi đền Trung
Quốc. Hai điểm để phân biệt họ với nhau là: 1. Phra Sangkajai có dấu vết
của tóc trên đầu (trông giống với Đức Phật) trong khi Bố Đại rõ ràng là đầu trọc.
2. Phra Sangkajai mặc áo cà-sa theo phong cách Nam tông, với
chiếc áo choàng được gấp qua một bên vai, để hở một bên vai. Bố
Đại mặc áo choàng theo phong cách Trung
Quốc, che cả hai cánh tay nhưng để hở phần trước của thân trên.
Ở
Mông Cổ, Bố Đại được gọi là Enkh
Amaglan Khan, giống với tên gọi của Hoàng đế Khang Hy trong tiếng
Mông Cổ. Vì điều này, Bố Đại thường bị nhầm với Hoàng đế Khang
Hy.
7. Tín
ngưỡng Bồ-tát Di Lặc
Tín
ngưỡng về Bồ-tát Di Lặc vốn có rất sớm ở Ấn Độ. Theo kinh Tăng Nhất A-hàm, phẩm Phật
Hưng Lập trong kinh Hiền kiếp 7, luận A-tỳ-đàm bát kiền độ 27 đều cho rằng Bồ-tát Di Lặc sẽ thành Phật
trong tương lai.
Theo
truyện Pháp thạnh trong Danh tăng truyện sao, thì sau khi Phật
diệt độ 480 năm có A-la-hán A Lợi Nan Đà bay lên cõi trời Đâu Suất vẽ tượng Di
Lặc, rồi Ngài đến phía Đông bắc nước Ưu Trương (nước Đà Lịch trong Phật Quốc
Ký) tạo một tượng Di Lặc lớn bằng gỗ ngưu đầu chiên đàn. Truyện Linh vận trong Đại Đường Tây Vực cầu pháp cao tăng truyện, hạ, chùa Na Lan Đà và nơi
cây Bồ-đề Phật thành đạo, về phía Đông có tinh xá thờ tượng Bồ-tát Di Lặc bằng
bạc cao hơn 10 mét.
Ở
Trung Quốc, những kinh được dịch ra có liên quan đến tín ngưỡng Di Lặc bắt đầu
từ đời Tây Tấn, trước sau có hơn 10 loại, có thể quy vào 3 hệ thống: Thượng
sanh, hạ sanh, bản nguyện. Liệt kê như sau:
-
Đời Tây Tấn năm 303, ngài Trúc Pháp Hộ dịch kinh Di Lặc hạ sanh, kinh Di Lặc
Bồ-tát sở vấn bản nguyện.
-
Đời Diêu Tần năm 402, ngài Cưu-ma-la-thập dịch kinh Di Lặc đại thành Phật, kinh
Di Lặc hạ sanh thành Phật.
-
Đời Lưu Tống Nam triều, Thư Cừ Kinh Thanh (?-464) dịch kinh Di Lặc thượng sanh.
-
Đời Đông Tấn, có dịch kinh Di Lặc lai thời.
-
Đời Bắc Ngụy, khoảng năm 508-535, Bồ Đề Lưu Chi dịch kinh Di Lặc Bồ-tát sở vấn.
-
Đời Đường, năm 701 ngài Nghĩa Tịnh dịch kinh
Di Lặc hạ sanh thành Phật.
-
Đời Đường, khoảng 708-713 Bồ Đề Lưu Chí dịch kinh Di Lặc Bồ-tát sở vấn.
Từ
các kinh trên, có thể biết tín ngưỡng Di Lặc rất phổ biến.
Tín
ngưỡng Di Lặc chia làm 2 phái:
1.
Thượng sanh tín ngưỡng: Cho rằng hiện nay Bồ-tát Di Lặc đang nói pháp trên cung
trời Đâu suất. Di Lặc thượng sinh kinh
nói về việc Bồ-tát Di Lặc sau khi vãng sanh lên cung trời Đâu suất ngày đêm 6
thời thuyết pháp giáo hóa chư thiên… Ngoài ra còn cho rằng muốn vãng sanh thiên
cung phải tu 10 điều lành, tâm nhớ nghĩ hình tượng Phật, miệng niệm danh hiệu
Di Lặc, do công đức này, có thể thoát khỏi tội sanh tử 96 ức kiếp.[71]
2.
Hạ sanh tín ngưỡng: Cho rằng trong tương lai Bồ-tát Di Lặc sẽ xuống cõi này.
Ngài thành Phật dưới cội Long Hoa và thuyết pháp 3 hội để cứu độ chúng sanh,
cho nên có thuyết Long Hoa Tam hội.
Về
tín ngưỡng thượng sanh, đầu tiên có Đạo An (314-385), Đạo Kiểu, Tăng Nghiệp, Huệ
Nghiêm, Đạo Uông, Đạo Pháp, Pháp Thịnh, Đàm Phó, Đàm Võ… Đến đời Đường, ngài Huyền
Trang, Khuy Cơ cũng hoằng dương tín ngưỡng thượng sanh Đâu Suất và trở thành
truyền thống của tông Pháp Tướng.
Về
tín ngưỡng hạ sanh cũng rất phổ biến theo Xuất
Tam tạng ký tập 12, Pháp uyển tạp duyên nguyên thủy tập mục lục tự. Đời Lưu
Tống, vua Minh Đế (tại vị 465-471) soạn Long
Hoa thệ nguyện văn, Châu
Ngung soạn Kinh sư chư ấm tạo Di-lặc tam hội
ký, Văn Tuyên Vương Tề Cánh Lăng soạn Long
Hoa hội ký, ngài Nam Nhạc Huệ Tư soạn Lập
thệ nguyện văn, tất cả đều nói về thuyết Di Lặc hạ sanh.
Ngoài
ra vào đời Ngũ Đại có Bố Đại Hòa thượng rất được dân gian tôn sùng và xem Ngài
là hóa thân của Bồ-tát Di Lặc.
Tín
ngưỡng Di Lặc ở Trung Quốc bắt đầu xuất hiện vào thời Nam Bắc triều, lần lần thịnh
hành. Đến đời Đường năm 689, Võ Tắc Thiên hạ lệnh cho Pháp Lăng… ngụy tạo Đại vân kinh, cho rằng Võ Hậu là Di Lặc
hạ sanh.
Trong
các sách sử đều ghi chép, thì bọn phản loạn dựa vào tín ngưỡng Di Lặc hạ sanh
mà xuyên tạc văn kinh rồi xúi giục dân chúng làm loạn không phải là ít:
-
Đời Tùy, năm 613, Tống Tử Hiền và Hướng Hải Minh tự xưng là Di Lặc xuất thế tập
hợp dân chúng làm loạn.
-
Đời Đường khoảng năm 713-755, ở Bối Châu (Hà Bắc) Vương Hoài Cổ tự xưng Tân Phật
(Phật Di Lặc) cử binh làm loạn, bị bắt.
-
Khoảng năm 873-888, giáo đồ Di Lặc ở Tây Thục mở rộng thanh thế, tổ chức hội Di
Lặc.
-
Đời Bắc Tống, khoảng năm 1022-1063, Vương Tắc ở Bối Châu thống lãnh giáo đồ Di
Lặc phản loạn.
-
Đời Nam Tống, đời Nguyên, Bạch Liên giáo trà trộn vào Di Lặc giáo, giả mượn
danh Di Lặc hạ sanh để mưu phản.
Đến
sau đời Đường, khi kinh Di Đà được dịch,
thì có rất nhiều người phát nguyện sanh Tây phương do đó tín ngưỡng Di Lặc
không còn thịnh hành như xưa. Nhưng tín ngưỡng này vẫn còn sâu đậm trong đoàn
thể xã hội tôn giáo dân gian cho đến thế kỷ XIX, XX. Riêng ở Hàn Quốc, Nhật Bản
tín ngưỡng Di Lặc vẫn thịnh hành.[72]
*
Những tín niệm phi Phật giáo
Trong quá khứ, Di Lặc
cũng đã được nhiều tôn giáo, tín ngưỡng khác ngoài Phật giáo sử dụng đóng
vai trò quan trọng trong một thời đại hoàng kim, chẳng hạn như Thuyết Thần Trí (Minh Triết Thiêng Liêng hay Thông Thiên Học, Chứng
Đạo Học là một học thuyết triết học - tôn giáo đề cập khả năng trải
nghiệm trực tiếp với Thượng đế thông qua cảm giác thần bí và sự mặc khải. Đại
diện của thuyết này thường cố gắng chứng minh tính hợp lý quá trình trải nghiệm
thần bí chủ quan nhờ vào sự hiểu biết về Thượng đế. Cơ sở của thuyết thần trí
là khái niệm phiếm thần về một đấng cao siêu, tuyệt đối và duy nhất tạo ra bản
chất của mọi vật. Bản chất thực tế của thuyết này là sự thể hiện ảo ảnh và hình
thức ma thuật), Bạch Liên Hoa, cũng như các
phong trào tôn giáo mới hiện đại, chẳng hạn như Yiguandao.
Trong Thông Thiên
Học, Di Lặc (hay Chúa Di Lặc) có nhiều khía cạnh biểu thị không chỉ
là Đức Phật tương lai, mà còn là những khái niệm tương tự từ các truyền thống
tôn giáo, tín ngưỡng hoặc tâm linh khác.[73]
Vào đầu thế kỷ XX, các
nhà Thông Thiên học hàng đầu đã tin rằng sắp diễn ra sự xuất hiện của Đức Di
Lặc với tư cách là “Người Thầy Vạn Vật/Vũ Trụ”. Một cậu bé Nam Ấn, Jiddu
Krishnamurti, được cho là “phương tiện” để Phật Di Lặc sớm thị hiện; tuy
nhiên sự thị hiện đã không xảy ra như dự đoán, và không đáp ứng được mong đợi
của các nhà Thông Thiên Học.[74]
Kể từ sự phát triển của
phong trào Thông Thiên học vào thế kỷ XIX, và bị ảnh hưởng bởi những khớp nối
của Thông Thiên học về Đức Di Lặc, các phong trào tôn giáo, tín ngưỡng và tâm
linh phi Phật giáo đã kế tục và diễn giải lại khái niệm này trong các học
thuyết của họ. Tín niệm “sự chia sẻ quốc tế” coi Di Lặc với các
nhân vật tiên tri của nhiều truyền thống tôn giáo/tín ngưỡng, tuyên bố rằng Ngài
đã có mặt trên thế giới, nhưng đang chuẩn bị để tuyên bố cởi mở về sự hiện diện
của Ngài trong tương lai gần. Họ khẳng định rằng Ngài ở đây để truyền cảm
hứng cho nhân loại tạo ra một kỷ nguyên mới dựa trên sự chia sẻ và công lý.
Vào
đầu những năm 1930, những bài thuyết pháp bậc thầy thăng thiên đã đặt
Di Lặc vào “Lễ nghi/thờ phụng của người thầy vạn vật/vũ trụ” cho đến năm 1956,
khi Ngài được mô tả là chuyển sang “Lễ nghi/thờ phụng của đức Phật thế gian” và
“Đấng Chúa cứu thế vũ trụ” trong ý niệm chung của họ về một đấng tâm linh có hệ
thống thứ bậc.
Vào năm 1911, Rudolf
Steiner tuyên bố “Khoảng ba nghìn năm sau thời đại của chúng ta, thế giới sẽ
trải qua Đức Phật Di Lặc thị hiện, hóa thân cuối cùng của Jeshu ben Pandira. Vị
Bồ-tát này, người sẽ trở thành Phật Di Lặc, cũng sẽ đến trong một thể xác vật
lý như trong thế kỷ của chúng ta khi tái sinh bằng xương bằng thịt - nhưng
không là Đức Phật - và Ngài sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình là cung cấp cho nhân
loại tất cả các khái niệm, học thuyết thực sự về sự kiện Chúa Cứu Thế”. Steiner
cẩn thận phân biệt Jeshu ben Pandira như một người nào đó hoàn toàn khác biệt
với Chúa Giêsu thành Nazareth, vì Di Lặc hoàn toàn khác biệt với bản thể Chúa Cứu
Thế. Di Lặc hỗ trợ cho Chúa, cũng như Thích Ca, Đức Phật hiện tại.
Bên cạnh đó, cộng đồng
Hồi giáo Ahmadiyya tin rằng Mirza Ghulam Ahmad (1835-1908)
đã hoàn thành kỳ vọng về Đức Phật Di Lặc.[75]
Ngoài ra. những người
theo tín ngưỡng Baháʼí tin rằng Bahá'u'lláh là ứng nghiệm của
lời tiên tri về sự xuất hiện của Di Lặc, vị Phật thứ năm. Baháʼí tin rằng
lời tiên tri về Phật Di Lặc sẽ mở ra một xã hội mới về lòng khoan dung và tình
yêu thương đã được ứng nghiệm bởi những lời thuyết giảng của Bahá'u I'lláh về
hòa bình thế giới.[76]
Hay trong nhiều tôn
giáo/tín ngưỡng dân gian Đông Á, bao gồm cả Saman giáo Hàn Quốc, một vị thần
có tên là Di Lặc/Maitreya xuất hiện như một vị thần hoặc nữ thần sáng tạo cổ đại. Một
vị thần ác tâm tên là Thích Ca Mâu Ni (vị Phật lịch sử) tuyên bố thống trị thế
giới của Di Lặc, và cả hai tham gia vào một cuộc thi trồng hoa để quyết định ai
sẽ thống trị thế giới. Di Lặc trồng hoa trong khi Thích Ca Mâu Ni không thể,
nhưng đã chiếm đoạt nó trong khi tạo hóa ngủ. Do đó, Thích Ca Mâu Ni trở
thành người cai trị thế giới và mang lại đau khổ và xấu xa cho thế giới.[77]
Đây là một diễn ngôn quái dị đã từng xảy ra trong lịch sử!
Nói
tóm lại, tín ngưỡng tôn thờ Di Lặc rất phổ biến và cực kỳ đa dạng. Ở xứ ta, việc
thờ tự Di Lặc cũng đã vượt ra khỏi khuôn khổ Phật giáo với những tín niệm đặc dị
rất đáng lưu ý. Mục đích của bài viết này nhằm cung cấp các dữ liệu cần thiết để
tìm hiểu về nguồn gốc, những biến đổi trong lịch sử tại nhiều vùng đất khác
nhau, cùng với những nội dung, đặc điểm, tính chất của chúng, để từ đó góp phần
thấu hiểu hơn về tín ngưỡng này.
HUỲNH
THANH BÌNH
Chú
thích hình:
M1:
Maitreya, mạ đồng, hiện vật Bảo tàng
Quốc gia Hàn Quốc.
M2:
Maitreya, Gandhara, thế kỷ II-III.
M3:
Maitreya, Pakistan, thế kỷ III, hiện
vật Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ.
M4:
Maitreya, khoảng những năm 470-480.
M5:
Maitreya, Nepal, thế kỷ XI, hiện vật
Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ.
M6:
Maitreya, mạ đồng, khoảng những năm
557-581, hiện vật Bảo tàng Brooklyn, New York, Mỹ.
M7:
Maitreya, mạ hợp kim đồng, thế kỷ XIII-XIV, hiện vật Bảo tàng Brooklyn, New
York, Mỹ.
M8:
Maitreya, mỹ thuật đương đại.
M9:
Maitreya, Trung Quốc, năm 524, hiện vật
Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ.
M10:
Maitreya, tranh Thangka, Tây Tạng.
M11:
Di Lặc Bồ-tát. Nguồn: Thích Minh Tuệ
(2012). Thần bản tôn, Nxb Hồng Đức, tr.193.
M12:
Di Lặc Bồ-tát. Nguồn: Nguyễn Tuệ Chân
(2008). Toàn tập giải thích các thủ ấn Phật
giáo, NXB.Tôn Giáo, tr.86.
M13:
Di Lặc Phật. Nguồn: Nghiệp Lộ Hoa,
Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Trung
Quốc Phật giáo - Đồ tượng giảng thuyết, NXB.TP.HCM, tr.44.
M14:
Tiếu Khẩu Di Lặc Phật. Nguồn: Nghiệp
Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Trung
Quốc Phật giáo - Đồ tượng giảng thuyết, NXB.TP.HCM, tr.48.
M15:
Bố Đại Hòa thượng. Nguồn: Thích Minh
Tuệ (2012). Thần bản tôn, NXB.Hồng Đức,
tr.195.
M16:
Bố Đại Hòa thượng, Trung Quốc, thế kỷ
XVII-XVIII, hiện vật Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan, New York, Mỹ.
M17:
Maitreya, Thái Lan, thế kỷ VIII-IX.
M18:
Maitreya, Thái Lan.
Chú
thích:
[1] Xem:
- Richard
Gombrich (1988). Theravada Buddhism: A Social History from Ancient
Benares to Modern Colombo. Routledge & Kegan Paul xb, tr.83-85.
- Horner
(1975). The minor anthologies of the Pali canon, tr.97.
- Buddha Dharma Education Association (2014). “Suttanta Pitaka:
Khuddaka Nikāya: 14. Buddhavamsa-History of the Buddhas”. Buddha Dharma
Education Association/Hiệp hội Phật Pháp học.
[2] Thích Minh Cảnh chủ biên (1995).
Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 2: vần
C-CH-D, tr.580-581.
[3] Xem:
- Horner
(1975). Sđd.
- Buddha
Dharma Education Association (2014). Sđd.
[4] Mạc Chấn Lương (2009). Tạc tượng Phật & kiến trúc chùa, Nxb
Mỹ Thuật, tr.43-49.
[5] Thích Minh Cảnh chủ biên (1995).
Sđd, tr.580-581.
[6] Thích Minh Tuệ (2012). Thần bản tôn, NXB.Hồng Đức, tr.192-197.
[7] Thích Minh Tuệ (2012). Sđd., tr.192-197.
[8] Thích Minh Cảnh chủ biên (1995).
Sđd., tr.580-581.
[9] Thích Minh Tuệ (2012). Sđd., tr.192-197.
[10] Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.
[11] Xem:
- Meher McArthur,
Phan Quang Định dịch (2005). Tìm hiểu mỹ
thuật Phật giáo, NXB.Mỹ Thuật, tr.42-44.
- Louis Frederic,
Phan Quang Định dịch (2005). Tranh tượng
& thần phổ Phật giáo. NXB.Mỹ Thuật, tr.186-193.
[12] Louis Frederic, Phan Quang Định
dịch (2005). Sđd., tr.186-193.
[14]
Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.
[15]
Thích Minh Cảnh chủ biên (1995). Sđd.,
phần Di Lặc Hạ Sanh kinh, tr.582.
[16] Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ
Hữu Vũ (2001). Trung Quốc Phật giáo - Đồ
tượng giảng thuyết, NXB.TP.HCM, tr.42-43 tr.46-47
[17]
Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.
[18] Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ
Hữu Vũ (2001). Sđd., tr.42-43 tr.46-47.
[19]
Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd., tr.42-43 tr.46-47.
[20]
Thích Minh Cảnh chủ biên (1995). Sđd.,
tr.580-581.
[21]
Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.
[22] Xem:
- Arch. orientc (2003). Nakl. Ceskoslovenské
akademie věd, tr.254, 261.
-
Roerich, Nicholas (2003). Shambhala.
Vedams eBooks xb, tr.65.
[23] Louis Frederic, Phan Quang Định
dịch (2005). Sđd., tr.186-193.
[28]
Dịch trong Conze 1959:241
[29]
Thích Minh Tuệ (2012). Sđd, tr.192-197.
[30]
Thích Minh Tuệ (2012). Sđd, tr.192-197.
[31] Đoàn Trung Còn (2011). Phật học từ điển, Nxb Tổng hợp TP.HCM,
tr.332-333.
[32]
Sgilibrary.org
(15/08/2012). “SGI Library Online - The Writings of Nichiren Daishonin”.
[33] Burton
Watson dịch. The Record of Orally
Transmitted Teachings, tr.143.
[34] Tiele, CP (1912). “Appendix: some Buddhistic
parallels”. The religion of the Iranian peoples. The Parsi xb,
Tập I, tr.159.
[35]
Thích Minh Cảnh chủ biên (1995). Sđd.,
tr.585-587.
[36]
Stuart, Daniel M. (2017). The Stream of Deathless Nectar: The Short
Recension of the Amatarasadhārā of the Elder Upatissa, A Commentary on the
Chronicle of the Future Buddha Metteyya, With a Historical Introduction (PDF). The Fragile Palm Leaves Foundation/Tổ chức The Fragile Palm Leaves and The Lumbini
International Research Institute/Viện nghiên cứu quốc tế Lumbini xb, tr.122,
232.
[37]
Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd, tr.42-43 tr.46-47
[38]
Louis Frederic, Phan Quang Định dịch (2005). Sđd, tr.186-193.
[39] Angela
Falco Howard và cộng sự (2006). Chinese Sculpture, Đại học Yale xb,
tr. 228.
[40]
Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd, tr.42-43 tr. 46-47
[41]
Thích Minh Cảnh chủ biên (1995). Sđd,
tr.580-581.
[42]
Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.
[43]
Louis Frederic, Phan Quang Định dịch (2005). Sđd, tr.186-193.
[44]
Thích Minh Tuệ (2012). Sđd, tr.192-197.
[45]
Louis Frederic, Phan Quang Định dịch (2005). Sđd, tr.186-193.
[46]
Thích Minh Cảnh chủ biên (1995). Sđd.,
phần Di Lặc Thượng Sanh kinh, tr.584-585.
[47]
Thích Minh Cảnh chủ biên (1995). Sđd.,
tr.580-581.
[48]
Louis Frederic, Phan Quang Định dịch (2005). Sđd., tr.186-193.
[49]
Leighton,
Taigen Dan (1998). Bodhisattva Archetypes: Classic Buddhist Guides
to Awakening and Their Modern Expression. Penguin Arkana xb, tr.260-261.
[50]
Xem:
- Cook,
Francis Dojun (2002). How to Raise an Ox. Wisdom xb, tr.166
ghi chú 76.
- Religionfacts.com (6/01/2012). “The Laughing Buddha”.
[51]
Peterson,
Christopher (01/11/2018). “When Did the Buddha Become Fat?”. Psychology
Today.
[52] Chapin, H. B. (1933). “The Chan Master Pu-tai”. Journal of
the American Oriental Society/Tạp chí Hiệp hội Đông phương Hoa Kỳ. 53 (1): 47-52.
[53] Levine, Gregory (2007). Awakenings: Zen Figure Painting in
Medieval Japan. Japan Society xb.
[54] Seow (2002). Legend of the Laughing Buddha. Asiapac Books
xb.
[55]
Chapin,
H. B. (1933). Sđd.
[56]
Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd, tr.42-43 tr.46-47
[57]
Thích Minh Tuệ (2012). Sđd, tr.192-197.
[58]
Chapin,
H. B. (1933). Sđd.
[59]
Stevens,
Keith (1976). “Chinese Preserved Monks”. Journal of the Hong
Kong Branch of the Royal Asiatic Society/Tạp chí Hiệp hội Hoàng gia châu Á chi
nhánh Hồng Kông. Royal Asiatic Society Hong Kong Branch xb. 16: 293-294.
[60]
Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd., tr.42-43 tr.46-47
[61]
Nghiệp Lộ Hoa, Trương Đức Bảo, Từ Hữu Vũ (2001). Sđd., tr.42-43 tr.46-47
[62]
Levine,
Gregory (2007). Sđd.
[63]
Thích Minh Tuệ (2012). Sđd., tr.192-197.
[64]
Mạc Chấn Lương (2009). Sđd.
[65]
Levine,
Gregory (2007). Sđd.
[66]
Louis Frederic, Phan Quang Định dịch (2005). Sđd., tr.186-193.
[67]
Louis Frederic, Phan Quang Định dịch (2005). Sđd., tr.186-193.
[68]
Xem:
- Katsuhiro Yoshizawa, Norman Waddell (2009). The
Religious Art of Zen Master Hakuin. Catapult xb.
- Audrey Yoshiko Seo, Stephen Addiss (2010). The Sound of One Hand:
Paintings and Calligraphy by Zen Master Hakuin. Shambhala xb.
[69]
Peterson,
Christopher (01/11/2018). Sđd.
[70] Seo, Audrey Yoshiko; Addiss, Stephen (2010). The Sound of One
Hand: Paintings and Calligraphy by Zen Master Hakuin. Shambhala xb. tr.205.
[71]
Thích Minh Cảnh chủ biên (1995). sđd,
phần Di Lặc Thượng Sanh kinh, tr.
584-585.
[72] Thích Minh Cảnh chủ biên (1995).
Sđd., tr.585-587.
[75]
Review of Religions(03/2002),
Tập 97, tr.24.
[76]
Xem:
- Momen, Moojan (1995). Buddhism And The
Bahaʼi Faith: An Introduction to the Bahaʼi Faith for Theravada Buddhists. George
Ronald xb, tr.50-52.
- Buck, Christopher (2004). “The eschatology of Globalization: The multiple-messiahship
of Bahā'u'llāh revisited”. In Sharon, Moshe (biên tập). Studies in
Modern Religions, Religious Movements and the Bābī-Bahā'ī Faiths. Brill xb,
tr.143-178.
[77] Waida, Manabu (1991). “The Flower Contest between Two Divine
Rivals. A Study in Central and East Asian Mythology”. Anthropos. 86 (1/3): 87-109.