Nương vào giáo pháp của Như Lai

nuong vao giao phap

Nương vào giáo pháp của Như Lai

Chân Hiền Tâm

Những phụ nữ từng trải qua những đau khổ trong đời sống thường nhật, từng đến chùa tu học Phật pháp và tìm thấy hạnh phúc trong môi trường đạo giáo như tôi, thì việc có một cái nhìn và những quyết định nghiêng hẳn về đạo giáo là không tránh khỏi. Đa phần đều có tâm niệm muốn người thân và người quen của mình hướng về Phật pháp, nhất là với con cái. Vì không người mẹ nào có tình thương với con mà muốn con mình khổ. Không ai muốn con giẫm lên những gì mình đã trân mình chịu đựng trong quá khứ.

Có điều, hạnh phúc hay đau khổ không mang tính cố định. Thứ chúng ta thấy hạnh phúc chưa hẳn người khác đã thấy hạnh phúc. Thứ mình thích chưa hẳn thiên hạ đã thích. Mọi thứ đều tùy duyên. Tùy duyên nghiệp hay tập nghiệp của từng người mà chúng ta có sở thích khác nhau, hạnh phúc theo đó không như nhau. Vì thế thứ mình nghĩ mang lại hạnh phúc cho con trong hiện tại hay tương lai chưa hẳn đã là thứ chúng thấy hạnh phúc qua tâm thức của chúng. 

Lần đầu tiên dẫn con gái đi thiền viện, tôi vui thích bao nhiêu thì nó buồn nản bấy nhiêu. Ngày đó chưa có loại điện thoại có thể ngồi một chỗ mà biết khắp thế giới như bây giờ. Buồn càng thêm buồn. Trống càng thêm trống. Một ngày mình thấy thong dong giữa chốn yên bình, thả hồn theo những áng mây lơ lững trên trời xanh, cuốc bộ qua những con đường trải đá xanh, nghiệm nỗi hạnh phúc đang có, thì với nó là một ngày uổng phí. Bởi đời sống của một người lớn tuổi không phải là đời sống của một đứa trẻ con. Đời sống của một người từng mệt mỏi với cuộc sống không phải là đời sống của một đứa trẻ mới lớn với những mộng tưởng đầy màu hồng. Tâm thức của người mệt mỏi là muốn nghỉ ngơi sau một chặng đường dài. Được nghỉ ngơi là hạnh phúc. Tâm thức của kẻ chuẩn bị đi khám phá thế giới thì đầy hứng khởi. Được đi và bận rộn là hạnh phúc. Nơi đó được lấp đầy bằng công việc, phim ảnh, sách báo hay những cuộc vui với bạn bè. Như mình ngày xưa, suốt ngày bận rộn với cây đàn và với rất nhiều mộng tưởng, lấy đó cho là hạnh phúc.

Từng có một bài báo thuật về cuộc hành trình của một nữ phóng viên. Cô ta cảm thấy bức xúc cho cuộc đời của những cô gái được mệnh danh là “gà móng đỏ”, nên muốn làm một thiên phóng sự để cứu vớt cuộc đời của những cô gái đó. Cuối cùng, cô chợt nhận ra tính tùy duyên của hạnh phúc. Không phải thứ mình thấy khổ là người khác thấy khổ. Một “gà móng đỏ” đã trả lời: “Tụi tao có thấy khổ đâu mà cần mày đến cứu. Biến đi cho!”. Vấn đề là ở đó. Người này thấy khổ chưa chắc người kia đã thấy khổ.

Cho nên, ngay cả Đức Phật, người đã thấu được quy luật chi phối thế gian này, thần lực không ai bì được, người đã chứng nghiệm rõ ràng thế gian này là khổ, nhận biết nguyên nhân của khổ và cách chấm dứt khổ, cũng chỉ có thể vạch ra con đường thoát khổ cho nhân sinh và để lại những lời nguyện. Chư Bồ-tát cũng vậy, lời dạy để lại rất nhiều. Hàng vạn câu chuyện nhân quả được kể lại để người đời có thể qua đó mà rút kinh nghiệm. Hàng vạn phương cách giúp nhân loài giải thoát mọi khổ đau. Nhưng tin hay không, làm hay chưa, tùy thuộc vào từng người. Không thể bắt mọi người hướng về con đường giải thoát khi trong khổ người ta chưa thấy khổ, khi trong nguy người ta chưa thấy nguy. Chư vị chỉ có thể lưu lại lời nguyện, như đôi tay mẹ hiền luôn dang rộng đón chờ. Bởi những đứa con chúng cần đi hết con đường mà chúng phải đi, để đủ chiêm nghiệm, đủ để nhận ra con đường mình đang đi là gai góc, cuối đường chỉ là hố thẳm vực sâu, hạnh phúc thực sự không nằm ở đó, cần một con đường khác, dẫn đến một miền đất khác, thật sự hạnh phúc. Chúng phải đi hết và đợi chúng quay đầu. Chỉ có thể là vậy. Không có gì khác hơn. Không ai có thể bắt buộc ai dù biết hạnh phúc thật sự nằm ở đâu.

Mối liên hệ giữa tập nghiệp và sự thích ứng   

Với cái nhìn của Phật học, thứ gì được tích tụ nhiều trong tạng thức sẽ khiến chúng ta thấy quen thuộc với thứ đó. Quá khứ huân tập đời nhiều thì kiếp này thấy đời gần gũi, huân tập đạo nhiều thì gần đạo thấy thong dong. Thứ gì từng làm quen thường tạo cho mình cảm giác thích thú và dễ thích ứng hơn là chưa làm.

Con cái, quá khứ chúng huân tập thứ gì nhiều thì hiện đời chúng dễ làm quen với thứ đó. Đứa nào huân tập đạo rồi, việc tới chùa nghe pháp, hành thiền, làm công quả sẽ mang lại niềm vui cho chúng. Chúng sẽ thấy thích việc đó, không cần mình khuyên nhủ. Nhưng với đứa mà việc huân tập đạo không nhiều, chúng sẽ có khuynh hướng thích đời nhiều hơn. Việc phải mặc một bộ đồ lam vào người, phải ngồi niệm Phật tụng kinh dễ khiến chúng phiền não. Chúng thích đi chơi, tán dóc với bạn bè, thích nhà lầu xe hơi, v.v. Nghĩa là, chúng sẽ thấy thích những gì mang tính tham dục nhiều hơn là những gì thuộc về đạo.

Một đứa trẻ, quá khứ nếu từng huân tập âm nhạc nhiều thì hiện đời những gì có liên quan đến âm nhạc sẽ khiến chúng thấy thích ứng dễ hơn, không làm chúng thấy căng thẳng hay mệt mỏi như những gì chưa từng huân tập. Các việc khác cũng như thế. Chính vì vậy, hướng dẫn con theo một khuynh hướng nào, không phải cứ bắt nó theo mình là xong. Cũng phải nương ít nhiều tập nghiệp của chúng mà hướng dẫn chúng. Tránh tình trạng tạo áp lực quá lớn cho con trẻ.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến các việc đáng tiếc xảy ra hiện nay, trẻ nhảy lầu tự tử ngày càng phổ biến, là vì áp lực học hành đặt lên chúng quá lớn. Không ai có thể học suốt đêm mà không ngủ. Không đứa trẻ nào có thể học mãi mà không chơi hay thư giản. Chúng không phải là cái máy. Chúng là một con người với đầy đủ mọi tập nghiệp chứa trong tạng thức. Ngược với những tập nghiệp này sẽ tạo ra tình trạng căng thẳng, mệt mỏi, v.v. có khi dẫn đến cái chết.

Người ta đã ca tụng và truyền nhau những bài viết với nội dung dạy trẻ phải biết nghĩ đến cha mẹ, không nên có những hành vi trừng phạt cha mẹ theo kiểu nhảy lầu như thế. Với tôi, đó chỉ là những lời nói rỗng, thiếu hiểu biết. Khó mà giải quyết ổn thỏa những trường hợp tương tự nếu không thấy được cái nhân để mà sửa chữa hay thay đổi. Có những trạng thái con người gần như mất hết ý thức tự chủ của bản thân khi những trạng thái đó ở mức báo động, là khi con nghiện lên cơn, say, stress, và sân cũng vậy. Khi những trạng thái này ở mức báo động, con người không còn thấy sợ hãi hay nhận định được việc gì đáng làm, việc gì không nên làm, để mà chọn lựa hay khuyên nhủ. Chúng chỉ biết giải quyết những gì đang tồn đọng trong lòng một cách nhanh chóng nhất để thoát khỏi tình trạng bức bối hiện có trong người. Cho nên, vấn đề là đừng bao giờ để mình phải rơi vào tình trạng đó, cũng không đẩy người lâm vào tình trạng đó. Còn cứ tiếp tục đẩy con trẻ vào tình trạng căng thẳng cao độ, vì những ước vọng hão huyền trong tương lai, thì hiện tại chỉ có mất mát, tương lai càng thêm xa thẳm.  

Tự giác vẫn là tốt

Tôi có ba đứa con. Ngày trước không đứa nào thích đạo. Tôi không biết làm gì để hướng chúng vào đạo, dù đến với đạo tôi rất vui. Đến khi tôi có năng lực hiểu biết ít nhiều về tâm thức con người nhờ vào giáo lý của Đức Phật, tôi không còn nghĩ đến việc bắt con vào đạo nữa. Không phải vì đạo không đáng vào. Trên đời này nếu không có đạo thì khổ không sao kể xiết. Chỉ vì tôi thấy mọi việc cần để tự nhiên, là thuận theo tập nghiệp của con trẻ ít nhiều, không phải loại tự nhiên khi tâm đã sống được với đạo. Tôi muốn con vào đạo không do bắt buộc. Tôi không muốn chúng trở thành kẻ bất mãn với đạo chỉ vì bị ép buộc. Đi ngược lại với tập nghiệp của con trẻ quá chỉ khiến những bất như ý xảy ra. Tôi không muốn tàng thức của chúng chứa đầy những chủng tử sợ hãi, ức chế, bất mãn, v.v do đạo mang đến. Càng không ủng hộ việc phạt con trẻ bằng cách bắt chúng phải đi chùa, ngồi thiền, v.v. khi một sai phạm xảy ra. Tôi không muốn đạo trở thành hình thức của một sự trừng phạt được lưu giữ trong tàng thức của chúng. Làm vậy là đánh mất tính linh thiêng cao cả của đạo. Cần gieo vào tâm thức chúng rằng, thiền, niệm Phật, tụng kinh, v.v. là hạnh phúc, là an lạc, nhờ đó cuộc sống của ta hết khổ.

Đạo, tọa thiền, sám hối, tụng kinh, v.v. nên được huân vào tâm thức con người theo cách là những liều thuốc an thần, giúp người thoát khỏi đau đớn và sợ hãi, để đời đời kiếp kiếp về sau đạo vẫn giữ đúng bản chất và vị trí giá trị trong tâm thức con người. Không nên gieo vào tâm thức trẻ nhỏ sự sợ hãi vì bị ép uổng. Nếu đến với Đạo bằng con đường bị ép uổng mà chưa đủ thời gian để chúng nhận ra sự an vui của đạo như ngài Nan Đà, thì cái chủng sợ hãi và bất mãn sẽ là cái nhân, khiến chúng thêm sợ hãi và bất mãn khi gặp lại những gì có liên quan đến đạo vào những kiếp sau. Chính vì ý nghĩ đó, tôi không ép con làm những việc mà chúng chưa thích. Tôi chỉ nhắc chúng về những gì có thể mang đến khổ cho chúng khi đủ duyên.

Đủ duyên là khi có việc xảy ra không theo chiều thuận trong đời sống của chúng. Chẳng hạn, vì sao đều là cháu nội, con lại là cháu đích tôn mà bao lì-xì của con lại ít tiền hơn em? Vì con ít bố thí, tâm lượng của con không rộng như em, con đã không cho bạn bè mượn đồ dùng của con như em, v.v. Đại khái là vậy. Tùy việc xảy ra mà giải thích và nhắc nhở. Nhắc chúng làm phước, nhắc chúng cẩn thận lời ăn tiếng nói, v.v. là những việc mà chúng có thể làm được, vì nghĩ đến lợi ích của mình trong hiện tại và tương lai. Chỉ đặt việc tự lợi, chưa nói đến lợi tha. Dù tự lợi trong các trường hợp như thế cũng mang ít nhiều tính lợi tha trong đó. Nhưng khi người ta còn cái tôi thì phải đề cao vấn đề tự lợi trước. Không thì việc tự lợi cũng bị bỏ mặc. Khi tự lợi đã thành thói quen rồi thì sẽ đề cao lợi tha. Những việc như thế không làm chúng sợ hãi mà không việc nào ra ngoài đạo. Đạo sẽ từ từ hiển lộ trong tâm thức trẻ con.

Khi cha mất, vì yêu thương cha, chị em chúng tôi tự nguyện theo mẹ đến chùa hằng đêm, tụng kinh cầu nguyện cho cha được sinh về cõi Phật. Một kinh nghiệm khá tốt trong việc dẫn đạo. Khi bệnh, tôi cũng nói với mọi người rằng tôi không thích nghe những lời thương cảm kèm theo nước mắt. Điều đó không mang lại lợi ích gì cho tôi. Tình thương cần được thể hiện tích cực hơn. Hãy tụng kinh, niệm Phật, phóng sinh, v.v và hồi hướng phước đức ấy, trước là cho nhân sinh vượt qua được bệnh tật, sau là cho tôi. Đứa cứng đầu nhất cũng bắt đầu niệm Phật vì tình thương đối với bác Hai khá lớn. Con cháu ngoại cũng tự nguyện niệm Phật, không lơ là như xưa. Ngày nó mới ba tuổi, bảo nó niệm Phật, nó niệm, nhưng lúc niệm lúc không, mà không nhiều hơn niệm. Nhắc nó, nó hỏi vì sao phải niệm Phật? Niệm Phật để không khổ. Con đang rất sung sướng không cần niệm đâu. Niệm giờ đi để tương lai không khổ. Nó gật đầu nhưng vẫn không niệm vì con nít không nghĩ gì xa xôi mà nói tương lai với nó. Chỉ là một câu nói vớt sau khi nghe câu trả lời khá bất ngờ từ một đứa trẻ ba tuổi. Rồi chị đi định cư ở nước ngoài. Niệm Phật càng lơi lỏng. Đến bảy tuổi, nghe tin bà bệnh nặng, chị òa khóc. Đêm nào cũng niệm Phật. Bắt mẹ niệm phụ để bà được sống dài hơn. Mẹ mệt bao nhiêu cũng dựng đầu dậy cho bằng được, bắt niệm Phật cùng. Việc xong mới được ngủ.

Hóa ra sinh, lão, bệnh, tử là khổ, nhưng lại là phương tiện dẫn đạo khá tốt. Nói dài cổ không ai nghe, chỉ cần đổ bệnh một phát, mọi thứ đều vô nề nếp. Cho nên, Bồ-tát có khi cũng phải phát nguyện hy sinh thân mình để việc nhiếp thọ nhân sinh trở thành dễ dàng.                  

Tôi cũng không can thiệp nhiều trong việc con cái chọn con đường tương lai của chúng. Nghề nào cũng được, miễn không liên quan đến những gì đã nói trong giới luật của người tại gia. Dù rất muốn chúng đi hẳn trong đường đạo, tôi cũng vẫn tôn trọng quyết định của con nếu nó theo đường đời. Theo đường chúng chọn, có thể sẽ khổ đó. Nhưng khổ thì sẽ quay đầu. Khổ mà không quay đầu là vì khổ chưa đủ để quay đầu. Nếu khổ đủ mức người ta sẽ quay đầu. Lúc ấy đạo giáo sẽ thành quý báu đối với con trẻ. Giữa đạo và đời tôi sẵn sàng chọn đường đời cho con, hơn là ép buộc chúng theo con đường mình cho là hạnh phúc khi chúng chưa nhận ra giá trị thực sự của con đường đó. Tôi thuận với chúng không phải vì tôi thích chúng có công danh sự nghiệp ở đời, tôi thuận vì chúng chưa nhận ra giá trị của đạo.

Ngay cả khi chúng tự chọn đường đạo cho mình, tôi cũng muốn chúng chọn theo lối tích cực. Cần sống trong môi trường đó với tinh thần tích cực. Xả thân cầu đạo, huân tập định tuệ, nguyện vì khổ nạn của chúng sinh mà không từ nan việc khó nào. Không vì thất chí ở đời mà tìm môi trường để trốn tránh, bằng lòng với ba bữa cơm cho hết một kiếp người. Bởi những tư tưởng tiêu cực sẽ được lưu giữ trong tạng thức, khiến chúng trở thành những người “đạo không ra đạo, đời không ra đời, ương ương dở dở…”, không chỉ kiếp này mà cả vào những kiếp sau, càng thêm yếu đuối và phiền não trong tương lai, chẳng được gì cho chúng. Tu là để vững vàng, để định tĩnh hơn nữa, để không sợ khó, v.v. Không phải để thành một kẻ thấy nắng sợ nắng, thấy mưa sợ mưa, và thấy mình bất lực giữa cuộc đời này. 

Đó là lý do tôi không hề nói một câu từ nào mang ngôn ngữ Phật pháp trong gia đình, không bắt con cái đến chùa khi chúng chưa muốn. Mọi thứ cần một sự tự giác hơn là ép buộc dù tôi đủ lực làm việc đó. Đạo chỉ được nói đến ít nhiều khi chúng gặp một sự cố không may. Nhân quả lúc đó sẽ được nhắc đến.

Khi nhìn thấy một tai nạn, tôi nói với chúng việc gìn giữ giới sát và ăn uống cần thanh tịnh hơn. Tôi không bảo chúng ăn chay. Vì có bảo, chúng cũng không làm được khi tập nghiệp ăn mặn của chúng còn mạnh. Tôi chỉ nói đến việc tránh giết hại. Không ăn những con vật mà tự mình phải giết hay sai bảo người giết. Chỉ nên ăn những thức ăn đã có sẵn, không vì mình mà giết. Sẽ bớt ngon đi, nhưng có thể tránh được nạn tai ít nhiều. Đương nhiên ít có việc gì được thực hiện liền. Việc sát chỉ chấm dứt khi có một sự cố đến với chúng. Không ai muốn con mình khổ, nhưng khổ có khi lại là bước ngoặt giúp chúng quay đầu. Cho nên, ngay với bản thân đã phải củng cố phần định tuệ cho vững. Không thì không thể định tĩnh và thấy rõ vấn đề khi có một sự cố xảy ra. Khó mà không thối tâm.

Dùng việc bổn phận hồi hướng

Có một việc khá quan trọng, góp phần không nhỏ trong việc dẫn con vào đạo, đó là hồi hướng công đức có được cho chúng. Có ba loại công đức tất cả. Một, công đức có được từ việc phát Bồ-đề tâm. Hai, công đức có được từ việc tu tập của bản thân (tự lợi). Ba, công đức có được từ việc làm lợi ích cho người (lợi tha).

Vì sao nói đến việc hồi hướng này? Vì lời nói có khi không có giá trị. Cần các duyên bên ngoài hỗ trợ.

Cậu cả nhà tôi, sau cú sốc ông nội mang đến, đã chịu mở lòng bố thí và giúp người rộng rãi, nên khi ra đời gặp khá nhiều thuận lợi trong công việc. Song khi công việc đã thuận lợi và có nhiều tiền rồi, đạo trong người lại chưa đủ phát huy, nên thói hư tật xấu theo đó xuất hiện. Nói con đừng nhậu nữa. Nó trả lời chỉ có khỉ trong rừng mới không ăn thịt và uống rượu. Ba mẹ đều ăn chay mà nó trả lời như thế thì thôi không nói nữa. Phải tính chuyện hồi hướng công đức cho nó. Mong một cái duyên bên ngoài hỗ trợ, giúp nó quay đầu.          

Công đức phát Bồ-đề tâm là công đức lớn nhất trong các loại công đức. Khi hồi hướng công đức, dù việc tự lợi và lợi tha như nhau, nhưng có người hồi hướng thành công nhanh chóng, người lại thấy chậm trễ hay không có tác dụng, đó là do công đức phát Bồ-đề tâm này. Người đã phát Bồ-đề tâm thì việc hồi hướng cho tha nhân dễ thành tựu hơn người chưa phát Bồ-đề tâm. Nếu đều đã phát Bồ-đề tâm mà thấy kết quả của việc hồi hướng không như nhau là do việc tự lợi và lợi tha không đồng nhau. Chưa kể việc hồi hướng này còn phụ thuộc vào phước nghiệp của người được hồi hướng, phụ thuộc vào nhân duyên giữa người hồi hướng với người được hồi hướng. Không có nhân duyên với nhau thì việc hồi hướng không có giá trị.   

Bản thân không uống rượu đã là cái nhân khá tốt trong việc hồi hướng mong người khác không uống rượu. Huống là có thêm các phần tu tập khác của bản thân. Lại còn phần lợi ích cho tha nhân. Tôi tin ba loại công đức đó có khả năng giúp tôi hoàn thành ý nguyện của mình.

Một lần cậu cả đi nhậu về, say đến nỗi ói cả vào máy giặt và nằm li bì đến ba ngày mới ngồi dậy được, công việc bê trễ, đầu đau như búa bổ. Máy giặt không dùng được nữa, được lệnh mang quăng. Còn lại không thêm việc gì nữa, dù chỉ là một lời nói. Cậu bỏ rượu từ đó và chuyển qua ăn chay trường cho đến bây giờ.

Các việc khác trong đời sống, tôi cứ theo đó mà làm. Nói mà nghe thì nói. Nói không nghe thì tu tập và mang công đức ra hồi hướng. Nói mang công đức ra hồi hướng thì nhất định phải có công đức mới hồi hướng và hồi hướng thành công. Vì thế bản thân phải có việc tu tập cũng như làm lợi ích cho tha nhân. Việc nhỏ thì không cần công đức nhiều, nhưng việc lớn thì công đức phải tương ưng mới có thể hồi hướng thành công.    

Không ép buộc không có nghĩa là bỏ mặc

Người đời thường rơi vào hai cực, hoặc là ép buộc hoặc là bỏ mặc, không sử dụng được con đường trung đạo mà Phật đã dạy. Trung đạo là không ép buộc cũng không bỏ mặc, tất cả đều tùy duyên. Tùy duyên là tùy lúc, tùy trường hợp mà xử lý vấn đề sao cho đạt kết quả tốt nhất mà không gây cho trẻ quá căng thẳng, cũng không khiến cuộc sống của chúng trở thành bê tha, không có tương lai. Vì thế, trung đạo không mang tính cố định ở bất cứ một cực nào.

Tôi không chủ trương ép con vào đạo cũng như ở các mặt khác trong đời sống, nhưng không có nghĩa khi nào cũng như vậy. Một vài lúc cũng có sự ép buộc dứt khoát. Chỉ là bình thường do ít can thiệp vào đời sống của chúng, nên khi lên tiếng cấm cản thì chúng tự động thấy dợn chân dù trong lòng không vui. Vấn đề là việc cấm cản đó mang lại kết quả gì cho chúng? Nếu là một kết quả mang lại lợi ích cho chúng thì những cấm cản về sau không còn là sự khó chịu đối với chúng nữa. Vì thế tự bản thân mình cũng phải có cái nhìn tương đối về mọi vấn đề trong đời sống dù là đạo hay đời, và chỉ nói những gì cần nói, không bạ đâu nói đó, nói theo kiểu cảm tính, thứ gì không nắm rõ thì không can thiệp, thứ gì nhỡ nhầm thì phải thấy lỗi và rút kinh nghiệm, v.v.

Người nào đã thấu rõ nhân quả, đã nắm rõ quy luật nhân quả mà Phật đã dạy thì phương pháp dạy con sẽ khác hơn người đời.

Người đời thường ép con học hành, học thật nhiều, học bất kể để hy vọng tương lai con mình có bằng cấp hay sự nghiệp thăng tiến. Có bằng cấp thì tiền bạc theo đó tăng thạnh. Khi đã đặt việc thăng tiến này làm mục tiêu thì ác nghiệp trong đời khó tránh. Những thứ như tranh dành, lấn át, thủ đoạn, v.v. sẽ dễ dàng được phát huy. Đó là cái nhân của tai họa và ác đạo. 

Người nắm được duyên khởi thì hiểu trong phước có họa, trong họa có phước. Danh vọng tiền tài đều có cái giá của nó. Vướng vào guồng máy ấy mà không đủ định lực và trí tuệ để dừng thì lòng tham sẽ có điều kiện phát huy không có giới hạn, đó là cái nhân của tai họa. Song đã có định lực và trí tuệ thì không có tâm bước vào con đường ấy. Như các Tổ Trúc Lâm không ai muốn đi trong con đường quyền tước, vương giả, chỉ một mực hướng đạo. Giàu sang phú quý đối với chư vị chỉ là nhân duyên và hạnh nguyện, nên tuy ở trong đường vương giả mà không dính mắc vương giả, dùng đó như một loại phương tiện làm lợi ích cho tha nhân.

Người nắm được nhân quả ba đời thì hiểu những gì đang có trong hiện tại là kết quả của những nhân tố đã gây tạo từ đời trước. Tức khi thân xuất hiện là họa và phước trong đời này đã có, do chính bản thân mỗi người từng tạo ra trong quá khứ. Do những nhân tố đó mà con trẻ không hoàn toàn được tự do để theo ý của cha mẹ nếu ý cha mẹ đi ngược với những cái nhân đã gây tạo đó. Nhưng vì là duyên khởi nên những tạo tác trong hiện đời vẫn có thể làm thay đổi ít nhiều những cái quả bất định đã được tạo ra từ quá khứ. Đó là lý do Phật nói đến việc chuyển nghiệp, sự giáo dục con trẻ là cần thiết, nhất là ở mặt đạo đức, vì nó có thể hạn chế bớt những việc xấu đã lỡ gây tạo từ quá khứ.     

Học pháp Phật rồi, hiểu về nhân quả rồi, nắm được ít nhiều về duyên khởi rồi, tôi không thấy việc con cái phải có nhà lầu xe hơi là quan trọng, không thấy việc phải có sự nghiệp bằng cấp là quan trọng. Một đời an nhàn với các việc phước thiện là hạnh phúc. Dành thời gian học những đạo lý mà Phật đã dạy là hạnh phúc. Lấy cái vui của người làm cái vui của mình là hạnh phúc. Nhưng không vì vậy mà thả rong cho trẻ sống sao cũng được. Ngoài những đạo đức cần có của một con người, không tham của người, không gây hấn với người, không tranh dành của người, thấy người khổ thì phải biết san sẻ, v.v. thì việc học hành đến nơi đến chốn khi gia đình đang có điều kiện vẫn được coi trọng. Bởi nếu không học mà chưa phải là đạo nhân thì tâm sẽ sinh bất thiện khi thân nhàn hạ. Chưa phải là thánh hiền thì cũng không thể là thành phần bất hảo của xã hội. Chưa kể tri thức cũng rất cần cho đời sống hiện tại. Cho nên, học vẫn là việc thiết yếu đối với con trẻ. Nhưng học vừa đúng tầm, vừa đủ lực, đủ sức, học kèm với chơi. Tùy đứa mà có cách giáo dục khác nhau. Đứa vốn tự nó có thói quen tự giác đối với việc học rồi thì không cần quan tâm nhiều như đứa ham chơi hơn ham học. Đứa có năng lực đối với việc học hành rồi mà phần đạo đức chưa đủ thì quan tâm đến phần đạo đức của nó nhiều hơn. 

Ngày con còn nhỏ, cái tuổi dễ nhồi nhét những thói quen nhất, tôi lại không biết gì về việc dạy con, điều kiện ở nhà dạy con cũng không có, suốt ngày cùng chồng bươn chải ngoài chợ kiếm tiền, con cái giao hết cho mẹ và em. Sáng đi chúng chưa dậy, tối về chúng ngủ rồi. Cho đến khi tôi biết đến Phật pháp thì thời gian bươn chải ở chợ mới chấm dứt, ý thức dạy con làm người mới xuất hiện. Khi ấy chúng cũng vừa trổ mã. May là không đứa nào hư. Hai đứa đầu tự ý thức rõ ràng đối với việc học hành. Học giỏi. Hạnh tốt. Duy chỉ đứa thứ ba, học thì rất giỏi mà chơi còn giỏi hơn. Khoảng thời gian nó sắp đi thi đại học, tôi đã phải ngồi kề một bên, với cái chổi bên cạnh, hở cái là quất. Vậy rồi đậu một lúc ba trường đại học, trong đó có Đại học Bách Khoa. Năng lực học hành là như thế nhưng năng lực chơi game lại còn nhiều hơn. Bởi cái ngày nó bắt đầu tạo thói quen chơi game mình không hề biết để quản lý con. Mà có biết cũng thấy bình thường vì không có chút kiến thức gì về sự nguy hại của thói quen. Sinh nó ra thì bà mất. Hai dì không quản hết nổi ba đứa cháu, nên bốn tuổi nó đã tự biết tìm thú tiêu khiển cho mình, chơi game. Thành thói quen rồi thì việc phá bỏ không phải là dễ. Mình cũng chưa có kinh nghiệm về cái gọi là sự nguy hại của những thói quen nên cũng đã tin tưởng vào lời hứa của cậu, bỏ lọt mất mấy kỳ lấy chứng chỉ. Nói chung, không nên tin vào lời hứa của những ông nghiện. Không phải nó muốn thất hứa hay dối trá mà do thứ gì đã thành thói quen, thứ đó sẽ trở thành chủ nhân của con người nó. Người ta cứ bị cuốn hút vào đó và không còn nhớ gì về các thứ khác.   

Không đặt nặng vấn đề công danh sự nghiệp hay sĩ diện gia đình nên mọi việc đối với tôi là đơn giản.

Đi làm mà nhậu nhẹt, tiểu đường, tim mạch, tăng xông thì ở nhà đi chợ nấu ăn nhận lương, để dễ bề kiểm soát. Hy sinh vài kiếp để củng cố những thói quen tốt, từ bỏ các thói quen xấu của con, với tôi là việc cần làm hơn bất cứ thứ gì trên đời. Ngày nào còn có điều kiện để dạy con, ngày đó tôi vẫn còn dạy. Lớn bao nhiêu cũng dạy được. Chỉ là khó hơn và cần sự kiên nhẫn hơn khi nó đã lớn, thói quen đã có lực.

Cậu con, chưa từng thấy công danh sự nghiệp là quý nên làm việc gì cũng được, miễn có tiền nuôi con, xong việc có thời gian chơi game là được. Chỉ là không chơi như xưa, mọi thời gian dành hết cho game. Giờ có ý thức hơn, dù là loại ý thức do hoàn cảnh mang lại. Xét cho cùng, có thứ gì ở đời mà không qua việc huân tập, không do huân tập mà thành? Thế gian này có gì thật? Chỉ do huân tập mà đều thành thật. Cho nên, tự ý thức thì quá tốt, ý thức do bắt buộc cũng tốt. Chỉ cần nó chịu huân tập một thói quen tốt, từ bỏ dần một thói quen xấu là được.

Duyên tốt là mình đã có điều kiện để có thể bắt nó làm điều đó. Không làm thì lấy tiền đâu mà ăn. Thành dù muốn dù không cũng tự nguyện làm. Mọi thứ rồi sẽ thay đổi nhờ vào việc huân tập. Chơi ít hơn làm cũng sẽ được huân tập vào tạng thức. Từ từ một thói quen mới sẽ hình thành và một thói quen cũ sẽ mất đi. Cứ thế mà tiến. Mọi việc làm đều có lời nguyện hồi hướng đi kèm khi cần. Không có những trợ duyên bên ngoài giúp đỡ thì không dễ gì thay đổi một thói quen, dù là mình hay người.

Đạo đức là thứ tối cần thiết

Người xưa nói “Tiên học lễ. Hậu học văn”, hoặc “Tài phải đi đôi với đức”, v.v. thì biết phần đạo đức này quan trọng như thế nào trong đời sống nhân sinh. Việc này có thể kiểm nghiệm ngay trong đời sống thường nhật. Một người có đạo đức sẽ không dối trá trong công việc, không phải là người chồng bê tha và người cha vô trách nhiệm. Chỉ cần anh ta sống đúng trách nhiệm và bổn phận của mình, không gây hại, xâm phạm, dối trá ai v.v. thì cuộc sống cũng đủ an bình, nói là còn có tâm giúp đỡ người khác. Một người như thế, cả nước như thế thì phải nói xã hội này sẽ an bình và thịnh vượng.      

Với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì con người cần lấy đức làm nền tảng. Trong lần gặp mặt các đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2019, ông đã nói, “Đức đi đôi với tài, nhưng đức phải là gốc, đức phải trước tiên. Đức và tài đi song song với nhau. Có đức mới có thể làm được những việc nhân nghĩa đúng đắn”. Đức mà ông nói đó là “Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên tối cao, làm việc gì cũng phải nghĩ vì đất nước, vì Tổ quốc, đừng nghĩ đến mình”[1]. Chỉ vì người, không vì mình, luôn đặt cái chung trên cái riêng thì khác gì cách hành xử của một vị Bồ-tát. Thế giới chỉ toàn là Bồ-tát thì nhất định phải là một thế giới an bình và hạnh phúc.

Với cái nhìn nhân quả, mọi thứ đều không ngoài thiện nghiệp và ác nghiệp. Thiện nghiệp, xuất phát từ thân, khẩu, ý thiện, sẽ sinh ra thân tướng và cảnh giới lành. Ác nghiệp, xuất phát từ thân, khẩu, ý bất thiện sẽ sinh ra thân tướng và cảnh giới xấu. Luận Thành Duy thức ghi: “Giới có nghĩa là nhân, tức là chủng tử thức, từ vô thủy tới nay, đích thân sinh ra các pháp…”. Vì thế, kinh Phật nói nhiều đến việc dạy người tạo thiện nghiệp. Ngũ giới của người tại gia cũng là giúp nhân sinh tạo thiện nghiệp, giúp chúng ta có được một thân tướng tốt và gặp những hoàn cảnh tốt.     

Thiện nghiệp tạo ra phước báu. Phước báu là thứ quyết định cái gọi là vận may của bạn. Dù bạn tài giỏi bao nhiêu mà thiếu loại vận may này thì cuộc đời cũng lênh đênh, chìm nổi. Người đời nói “Học tài thi phận” là đó. Ngược lại, nếu phước nghiệp bạn nhiều, tài năng dù không có thì mọi điều kiện thuận lợi vẫn đến với bạn. Đây chỉ mới nói ở mặt phước nghiệp. Nếu đủ cả phước và đức thì càng tốt hơn nữa.   

Tóm lại, dù đứng ở góc độ nhân quả hay góc độ xã hội thì đạo đức luôn là thứ cần thiết cho một con người. Chính vì thế, khi dạy con, tôi cũng chỉ chú trọng nhiều ở mặt này. Học giỏi được thì tốt. Có bằng cấp là tốt. Nhưng vấn đề là đạo đức con trẻ phải như thế nào. Dù không có bằng cấp mà phần đạo đức đạt mức tương đối thì vẫn tốt hơn là có bằng cấp mà không có đạo đức. Vì đạo đức là phần quyết định hạnh phúc hay bất hạnh của con trẻ trong tương lai. Không có đạo đức, tài năng chính là thứ mang đến tai họa cho chúng. Tài và đức cần song hành.   

Phật đản lại về…

Không có ngày này, nhân sinh không thừa hưởng được phần giáo pháp mà Đức Phật đã để lại. Phước đức lớn nhất của con người là tiếp cận được phần giáo pháp này và ứng dụng nó vào đời sống thường nhật.

Nhân công đức có được từ trước đến nay xin nguyện

- Quốc thái dân an

- Tam bảo trường tồn ở thế gian

- Nhân loài thấm nhuần giáo pháp của Đức Phật để cuộc đời luôn được bình an và hạnh phúc.                

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle