Coi chừng khẩu nghiệp

coi chung khau nghiep

Coi chừng khẩu nghiệp

Thị Ngộ

 

Nhân gian có câu nhắc nhở: “Coi chừng khẩu nghiệp”. Xem ra câu nhắc nhở ấy vẫn luôn có giá trị trong mọi thời đại nơi mà thị phi luôn diễn ra. Ngày nay, công nghệ thông tin phát triển nhanh rộng thông qua các phương tiện truyền thông và mạng xã hội đã tạo mảnh đất “màu mỡ’’ cho “khẩu nghiệp” sinh sôi nảy nở. Có nhiều lý do cuốn hút con người tham gia tạo ra sản phẩm “khẩu nghiệp”. Trong bài viết ngắn này, chúng tôi sẽ đề cập đến một vài nguyên nhân đưa đến việc tạo “khẩu nghiệp” và nêu hậu quả xấu của nó được ghi chép trong các kinh điển Phật giáo.

Khẩu nghiệp và động cơ

Khẩu nghiệp là lời nói có chủ ý tạo thành nghiệp. Phật giáo phân ra ba nghiệp là ý nghiệp, khẩu nghiệp, thân nghiệp. Do ý điều khiển mà khẩu nói lời tốt hay xấu, dễ nghe hay cộc cằn thô tục… Khầu nghiệp lúc nào cũng mang nghĩa xấu ác. Cái xấu ác đó biểu hiện qua bốn cách: 1. Nói dối/láo, là không có nói có, có nói không có, thấy nói không thấy, không thấy nói thấy, bịa chuyện, nói sai sự thật, trước mặt khen sau lưng chê… Cố ý nói dối thì dù để vui đùa cũng mang khẩu nghiệp. 2. Nói lời thô tục, độc ác, chửi rủa, mắng nhiếc… làm tổn hại đến người khác. 3. Nói lời hai lưỡi là lời nói bất nhất trước sau, ở chỗ này nói khác qua chỗ kia nói khác, là nói kiểu ba phải thường với tâm nham hiểm. 4. Nói lời ỷ ngữ hay xảo ngữ là những lời nịnh hót, châm chọc, khiêu khích, xúi giục… nhằm đạt lợi cho bản thân hoặc gây cho người đố kỵ, thù hằn nhau.

Khẩu nghiệp thông thường hiểu hiện qua lời nói trực tiếp từ cửa miệng nhưng cũng có thể thông qua các phương tiện khác như ngôn ngữ thư từ, comment (bình luận), tin nhắn… truyền đạt thông tin có xu hướng thuộc bốn loại nêu trên.

Khẩu nghiệp xuất phát từ đâu? Như vừa đề cập, ý điều khiển miệng phát ra lời nói. Nếu tâm ý thiện lành, không bị tham, sân, si chi phối thì sẽ dễ dàng nói lời ái ngữ dễ nghe, lời chân thật, đoàn kết, xây dựng… đưa đến an lạc cho bản thân và xã hội. Ngược lại, tâm ý xấu ác do bị tham, sân, si dẫn dắt thì sẽ nói láo, chửi mắng, gây chia rẽ ly tán… đưa đến khổ đau cho người khác và tất nhiên cho bản thân sớm hay muộn.

Thời gian qua, nhiều người đã mượn mạng xã hội để tạo khẩu nghiệp. Khẩu nghiệp thông qua phương tiện này khá đa dạng như livestream để nói láo, chửi mắng, vu khống, bịa đặt, nói xấu, đe dọa…; đưa tin giả mạo bằng cách cắt ghép ảnh, video… nhằm đạt mục đích có nhiều người xem và hại người; gửi các comment (bình luận) với lời lẽ thô tục, chửi mắng, phán quyết vô căn cứ, vô tội vạ…; khơi lại các scandal cũ đã xử lý xong nhằm đánh phá các cá nhân nổi tiếng hoặc tổ chức như Giáo hội Phật giáo…

Động cơ của những người tạo khẩu nghiệp như vừa nêu là: 1. Do lòng tham muốn nổi tiếng bất chấp tác hại hoặc muốn có nhiều views (lượt xem) để được nhận tiền từ nhà mạng nên tạo ‘tin nóng’ đánh vào tâm lý quần chúng thích xem; 2. Do tâm sân hận muốn trả thù, trả đũa, thỏa mãn cơn giận... nên tạo chửi mắng, vu khống… nhằm hại người không chút tình thương; 3. Do tâm si không hiểu rõ nhân quả nghiệp báo nên tạo khẩu nghiệp hay do tâm si dẫn dắt dù biết rõ sai trái, tội ác nhưng vẫn bất chấp tạo khẩu nghiệp và ác nghiệp để hại người và thỏa mãn bản ngã.

Hậu quả của khẩu nghiệp

Nghiệp là hành động của thân hay miệng (khẩu) có cố ý nên sẽ đưa đến kết quả khổ hay vui. Đối với khẩu nghiệp được tạo thành từ tâm bất thiện biểu hiện qua lời nói với những cách nêu trên thì kết quả khổ không thể tránh khỏi.

Trong kinh Tăng chi, phẩm Nam cư sĩ, Đức Phật dạy: “Nói láo cùng với sát sinh, trộm cắp, tà hạnh trong các dục, đắm say rượu men rượu nấu sẽ rơi vào sự sợ hãi, rơi vào địa ngục”. Ở phẩm Mắng nhiếc, Đức Phật dạy: “mắng nhiếc, mạ lỵ bậc tu hành, phỉ báng bậc Thánh sẽ bị bệnh hoạn, khi mạng chung tâm bị mê loạn, sau khi thân hoại mạng chung bị sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”. Cũng trong kinh Tăng chi, Đức Phật dạy: “Nói láo, nói lời hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, sau khi thân hoại mạng chung sẽ sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục”.

Luận Đại trí độ ghi: Nói láo đưa đến 10 quả xấu ác, trong đó có các điều xấu là mất lòng tin, bị người trí chê bai, tiếng xấu đồn xa, người không kính trọng, thường lo buồn, chết đọa địa ngục, khi sinh làm người thì bị khuyết tật.

Luật giải Sa-di ghi: Nói láo/dối sẽ bị đọa ba đường ác (địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh), sinh làm người thì bị chê bai và bị lường gạt.

Một vài trích dẫn từ trong kinh luận Phật giáo cho thấy quả của khẩu nghiệp là rất nặng. Bởi lẽ, khẩu nghiệp gây bao ra khổ đau cho con người từ đánh nhau, hại nhau, tan gia bại sản, gia đình ly tán, cho đến cái chết vì bị giết hay tự tử. Do đó, lời nhắc nhở trên rất cần được lưu tâm mà tránh phạm.

Lời kết

Là con người ai cũng ít nhiều tạo khẩu nghiệp. Cho nên, việc tu tập chuyển hóa là rất cần thiết, nhất là trong xã hội ngày nay. Vì vậy, những lời dạy của các tôn giáo chân chính cũng như đạo đức dân tộc tốt đẹp về cách tránh tạo khẩu nghiệp cần được truyền dạy trong trường học và cộng đồng người Việt.

Đối với Phật giáo, Đức Phật đã dạy rõ năm điều đạo đức trong đó có phần khẩu nghiệp và hậu quả xấu của nó, và Ngài cũng dạy về Chánh ngữ, một chi phần trong Bát Chánh đạo, để giúp chuyển hóa khẩu nghiệp. Tuy nhiên, khẩu nghiệp hiện đang là vấn đề nan giải trong cộng đồng người Việt, như những gì chúng ta nhìn thấy đang diễn ra trong thời gian gần đây. Đó là điều chúng ta cần suy ngẫm và cần tìm giải pháp để giải quyết vấn đề này.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle