Tinh thần Vu lan trong đời sống tín đồ Phật giáo

tinh than vu lan

 

Tinh thần Vu lan trong đời sống tín đồ Phật giáo

Thích Hạnh Chơn

 

Đời sống cộng đồng hình thành các mối quan hệ giữa con người với nhau. Mối quan hệ bền vững cần phải dựa trên những quy định mang tính bắt buộc (luật) và đạo lý (đạo đức). Trong mối quan hệ giữa ông bà cha mẹ và con cái, phương Đông có đạo lý rất có ý nghĩa nhân văn là đạo hiếu và rộng ra là ‘”tình người” được người lớn thể hiện đối với người nhỏ sau khi họ chết. Đạo hiếu là nội dung chính trong tinh thần Vu lan. Tinh thần Vu lan có nguồn gốc từ kinh Vu lan báo hiếu, bản kinh thuyết minh về đạo hiếu nhưng chủ yếu chú trọng khía cạnh “hiếu” sau khi chết. Đạo hiếu và tinh thần Vu lan theo kinh Vu lan báo hiếu có điểm đồng nhưng cũng có điểm khác. Bài viết này sẽ đề cập sự giống và khác đó và bàn về tinh thần Vu lan trong đời sống tín đồ Phật giáo.

Đạo hiếu qua hình ảnh Đức Phật

Có thể nói, đạo hiếu là một pháp thực hành trong Phật giáo. Đức Phật là bậc Đạo sư đại chí hiếu được minh chứng qua lời dạy và sự thực hành của Đức Phật. Theo Nho giáo, Thái tử Tất-đạt-đa là bất hiếu, bất nghĩa vì bỏ cha mẹ và vợ con ra đi. Tuy nhiên, sự ra đi ấy vì cứu độ chúng sinh được minh chứng bằng quả vị Phật và quá trình độ sinh của Đức Phật nên Đức Phật là bậc chí hiếu. Thứ nhất, Phật không trực tiếp phụng dưỡng cha nhưng Phật đã giúp cho cha thấy rõ được đạo lý đưa đến an lạc giải thoát. Nhờ thực tập lời Phật dạy, đức vua có an lạc, chứng Thánh quả.[1] Đối với mẹ nuôi và người thân, Đức Phật giúp họ học giáo pháp, thực hành pháp và chứng Thánh quả hay ít nhất là có an lạc.

Từ tấm gương Đức Phật, chúng ta thấy rõ sự nhất quán trong lời dạy và sự thực hành của Ngài. Đó là đạo hiếu phải bao gồm vật chất lẫn tinh thần và báo ân rốt ráo là giúp cho cha mẹ hiểu pháp, thực hành và đạt được sự an lạc đời này và đời sau.

Đạo hiếu theo kinh Vu lan báo hiếu

Đến thời kỳ ra đời kinh Vu lan báo hiếu, đức Mục-kiền-liên trở thành bậc đại hiếu trong Phật giáo theo Bắc truyền. Đại hiếu của ngài được nêu trong kinh Vu lan báo hiếu là cứu mẹ thoát khỏi cảnh ngạ quỷ. Phương pháp cứu độ mẹ không phải do cá nhân ngài trực tiếp giáo hóa mà là nhờ Đức Phật và Thánh tăng. Căn cứ nội dung kinh Vu lan thì bản thân Đức Phật cũng không thể giáo hóa bà Thanh Đề (mẹ ngài Mục-kiền-liên). Trong kinh Pāli, thật hiếm thấy đề cập việc Đức Phật thuyết giảng độ người sau khi họ chết tái sinh làm ngạ quỷ dù kinh Pāli có cả một tập về ngạ quỷ sự. Do đó, kinh Vu lan đưa ra thuyết: Đức Phật hướng dẫn đệ tử Mục-kiền-liên phải nhờ đến nhiều đệ tử Thánh tăng khác cùng trợ giúp. Kết quả thoát khỏi cảnh ngạ quỷ của bà Thanh Đề không phải do ngài Mục-kiền-liên thuyết giảng, giáo hóa mà do Đại tăng cầu nguyện. Đại hiếu cứu mẹ của ngài Mục-kiền-liên là lòng chí thành cung thỉnh Thánh tăng, chư Tăng cầu nguyện. Như vậy, đại hiếu của ngài Mục-kiền-liên chỉ giới hạn nơi phạm vi cầu siêu thoát cho người đã chết. Nếu so sánh giữa đạo hiếu của Phật và của đệ tử thì sự báo hiếu của Đức Phật là đầy đủ và thực tiễn hơn.

Tinh thần Vu lan trong đời sống tín đồ

Đạo hiếu được Đức Phật dạy và thực hành bao gồm cả vật chất lẫn tinh thần, nhấn mạnh khi đối tượng còn sống. Đạo hiếu theo kinh Vu lan thì chỉ nhấn mạnh đến đối tượng là cha/mẹ đã chết. Trong quá trình ứng dụng tinh thần Vu lan, có nhiều nội dung được đưa vào cho phù hợp với lời dạy của Đức Phật và văn hóa bản địa. Tinh thần Vu lan được phổ biến hiện nay đã mở rộng hơn bao gồm đạo hiếu đối với ông bà cha mẹ khi còn sống và cả khi chết và tình thương qua hình thái cầu siêu các hương, vong linh chết non hay bị phá thai thường được gọi là “xúc xảo” (sút sảo). Tín đồ về chùa cúng Vu lan không chỉ cầu siêu cho ông bà tổ tiên mà còn cho con cháu chết trẻ, chết non. Đối với con cháu, không thể gọi cúng cầu siêu cho họ là hình thức báo hiếu bởi người lớn sao lại hiếu thảo đối với người nhỏ. Do đó, chỉ có thể gọi đó là tình thương và điều này không được đề cập cụ thể trong kinh Vu lan. Tất nhiên, phương pháp ứng dụng cầu siêu theo kinh Vu lan thì giống nhau: đó là nhờ chư Tăng chú nguyện.

Ý nghĩa chú nguyện là gì? Dựa vào kinh Vu lan, có người cho rằng nhờ sức chú nguyện tức năng lực tâm tác động làm cho người được cầu nguyện chuyển đổi tâm họ. Vấn đề đặt ra là tại sao phải cần đến nhiều người? Phật là bậc Đạo sư không lẽ không thể giáo hóa và không lẽ không biết ai đủ duyên để được độ hay sao? Nếu người đó không đủ duyên thì họ thuộc vào trường hợp tam bất năng.[2] Nếu họ thuộc vào trường hợp tam bất năng thì đệ tử của Phật cũng không thể cứu giúp được. Đây là điều cần suy nghĩ.

Theo thiển ý của người viết, căn cứ giáo lý Phật giáo, đức Mục-kiền-liên thỉnh nhiều vị Tăng là để tạo nhiều phước báu. Mỗi vị Tăng là một ruộng phước. Cúng dường nhiều vị Tăng là gieo nhiều phước vào nhiều ruộng phước. Nhờ nhiều phước mà chuyển hóa nghiệp bỏn xẻn của chúng sinh trong cảnh giới ngạ quỷ. Do đó, sẽ là không tương thích nếu thỉnh nhiều vị Tăng mà không cúng dường, lại mong được chú nguyện siêu thoát. Ngày nay, việc cúng dường trai tăng với số Tăng Ni nhiều hay ít là nhằm tạo phước tương thích hơn là nhờ nhiều Tăng Ni tác động bằng tâm làm cho người kia thay đổi tâm. Bà Thanh Đề sinh thiên (cõi trời) là nhờ phước báu. Không phải phước hữu lậu mà chính công đức tu tập mới có thể chứng các quả thánh, dù cho sinh về cõi nào.[3]

Phát huy giá trị tinh thần Vu lan

Tinh thần Vu lan theo kinh Vu lan từ chỗ chú trọng đạo hiếu đối với cha mẹ đã chết đã được phát triển ra đối tượng là cha mẹ còn sống và đã chết, cùng với đối tượng là những kẻ chết non. Mỗi năm vào dịp Vu lan, đa số người Việt hướng tâm thể hiện đạo hiếu và tình người qua các hình thức phụng dưỡng, cúng dường, cúng cầu siêu, cúng cô hồn… Đây là nét văn hoá đẹp cần phát huy và có hướng đi phù hợp. Một là chú trọng giáo dục đạo hiếu cho tín đồ qua việc phụng dưỡng cha mẹ khi họ còn sống. Hai là giáo dục về tình người, tình thương đối với người thân, bà con khi họ còn sống. Ba là từ việc cầu siêu hướng tín đồ tu tập tạo phước để chuyển hóa bản thân và hồi hướng phước cho người khác. Bốn là truyền thông đồng bộ các chương trình về đạo hiếu theo Phật giáo đến cộng đồng tín đồ.

 

 


 

[1] Phạm Kim Khánh dịch, Đức Phật và Phật pháp, NXB.Tổng Hợp TP.HCM, 2008, tr.79.

[2] Phật không thể chuyển được nghiệp của chúng sinh, Phật không thể độ người không có duyên với Phật pháp, Phật không thể độ được hết thảy chúng sinh.

[3] Tứ quả thanh văn: A-la-hán, A-na-hàm, Tư đà hàm, Tư đà hoàn.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle