Những vị đại sư xiển dương pháp trì danh niệm Phật
nhung vi dao su
NHỮNG VỊ ĐẠI SƯ XIỂN DƯƠNG
PHÁP TRÌ DANH NIỆM PHẬT
Trì danh niệm Phật nghĩa là xưng danh và nắm giữ câu Phật hiệu.
Đây là pháp tu dễ thực hành nhất của Tịnh Độ tông.
Ngày nay phương pháp này đang được thực hành phổ biến tại Việt Nam. Bài viết này
xin đề cập một vài nhân vật tiêu biểu đã xiển dương pháp tu này.
1. Đại Sư Đạo
Xước (562 - 645)
Tuy không xếp vào hệ thống 13 vị Tổ Tịnh Độ tông nhưng Đại sư Đạo Xước có
sự ảnh hưởng đáng kể đối với tín đồ Phật giáo Tịnh độ.
Bên cạnh việc được liệt vào một trong ba dòng tư tưởng lớn của Tịnh độ, Đại sư
còn là nhân vật quan trọng của thuyết Niệm Phật tha lực trong Tịnh Độ tông Nhật
Bản. Mặt khác, ngài cũng là người có liên quan đến chiếc chuỗi hạt, pháp khí được
nhiều người sử dụng, đặc biệt là hành giả Tịnh độ.
Tràng chuỗi đã xuất hiện ở Ấn Độ từ rất lâu nhưng nó đơn thuần chỉ là món
trang sức anh lạc tôn lên vẻ sang trọng cho các Bà-la-môn và Sát-đế-lợi. Vậy
nguyên nhân gì chuỗi hạt trở thành tiểu pháp khí của hành giả Tịnh độ? Sơ khảo
qua tác phẩm Long thơ Tịnh độ ta thấy: Đức Phật Thích Ca nhân vì thấy
hai người già chăm chỉ niệm Phật đếm số bằng hạt lúa nên đã từ bi chỉ cho họ niệm
một câu “Nam-mô Tây phương Cực lạc thế giới, tam thập lục vạn ức, nhất thập nhất
vạn cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu, đại từ, đại bi, A Di Đà Phật”.
Chi tiết này cho thấy pháp niệm Phật ký số đã có từ thời Phật tại thế.
Người kế thừa và xiển dương pháp ký số niệm Phật này là Đại sư Đạo Xước.
Thay vì đếm lúa (hạt nhỏ và dễ lẫn lộn) thì ngài đếm hạt đậu. Mỗi một câu là một
hạt đậu, hoặc ba câu, năm câu, mười câu một hạt đậu. Về sau, ngài và môn đồ đẽo
gọt gỗ thành hạt để niệm Phật. Và để tiện dụng hơn, ngài đã dựa vào truyền thống
tràng chuỗi người xưa để chế tác ra xâu chuỗi niệm Phật. Kể từ đây, hành giả Tịnh
độ không phải vất vả đem số đậu lớn bên mình để niệm Phật mà chỉ cần một xâu
chuỗi thì dù đi bất cứ nơi đâu, muốn niệm bao nhiêu đều có thể được.
Phương pháp lần chuỗi niệm Phật được nhìn thấy qua một số danh tăng điển
hình như Thiền sư Toàn Nhật - Quang Đài (1757 - 1834), người luôn khuyến khích
mọi người lần chuỗi niệm Phật: “… Vui
lòng một chuỗi giới châu/ Sớm khuya tưởng niệm công phu mà lần”; Thiền sư Giác Đạo Tuân Minh Chánh (triều
vua Gia Long, 1762 -1820), tuy chủ trương Tự tánh Di Đà nhưng về hành sự ngài
phòng hộ sáu căn, nhiếp phục phiền não bằng niệm Phật qua lần chuỗi;
Tổ Tánh Thiên - Nhất Định (1784 - 1847), trong bài tự Châm văn cũng khẳng định rằng
muốn nhận ra bộ mặt xưa nay của mình thì phải “Cầm chuỗi hạt một xâu, thề chết mới thôi, vin hàng cây bảy dãy trông
thẳng bước lên”;
Thiền sư Thanh Phước - Chu Toàn (1836 - 1899) khổ công tu hành, đạt được
công phu chánh định bởi mỗi ngày lần hơn mấy chục biến chuỗi;
Sư Nguyên Biểu - Nhất Thiết (1836 - 1906) cũng dạy đại chúng nhiếp tâm trong
tràng hạt.
Như vậy, pháp ký số tràng hạt là một phương thức giúp cho hành giả thoát
khỏi vọng tưởng trong lúc trì niệm. Vì lẽ đó, khi kết tập các yếu điểm quan trọng
của pháp môn Tịnh độ, vì để khuyến dương, Hòa thượng Liên Tôn không bỏ qua yếu
tố này.
Về sau, khi xã hội càng đa sự, tâm tưởng con người càng vọng loạn thì việc nhiếp
tâm niệm Phật càng không dễ. Xâu chuỗi là pháp khí được nhiều hành giả chú trọng
tu niệm, do vậy chúng trở nên quan trọng và thân quen với pháp môn Tịnh độ hiện
đại.
Luận về pháp Quán tưởng kết hợp với Trì danh niệm Phật, Đại sư Đạo Xước
cũng là người chủ trương. Toàn bộ tác phẩm An lạc tập đã thể hiện rõ tư
tưởng của ngài.
Phương pháp Quán tưởng làm tăng thuận duyên cho pháp Trì danh nên có nhiều hành
giả Việt Nam đã thực tập, vì lẽ đó trong tác phẩm Pháp môn Tịnh độ Hòa
thượng Trí Thủ cũng đề cập rõ ràng.
2. Đại sư Thiện
Đạo (613 - 681)
Người mở ra cơ hội cho tất cả phàm phu đều có thể vãng sinh Cực lạc và chứng
thành Phật quả là Đại sư Thiện Đạo. Tuy rằng trước đó, ngài Đàm Loan và Đạo Xước
đã từng khẳng định điều này nhưng chính ngài Thiện Đạo đề cao những hạng phàm
phu căn cơ thấp kém đều có thể nhập vào Báo độ Cực lạc. Ngài đã dùng hình ảnh hoàng
hậu Vi Đề Hi (Vidhehi) trong tác
phẩm Quán kinh tứ thiếp sớ để khẳng định phàm phu đều do nguyện lực của
Phật mà được vãng sinh.
Đương thời, Đại sư đả phá tất cả mọi góc nhìn của Thiền đối với Tịnh độ để nêu
ra một nguyên lý Tịnh độ thuần chánh và cho rằng phàm phu là đối tượng quan trọng
nhất của pháp môn Tịnh độ.
Trong Niệm Phật cảnh, Đại sư khẳng định rằng chỉ cần hành giả lấy
Tín - Nguyện làm căn bản cho sự nghiệp tu hành, ứng dụng Ngũ niệm môn
của ngài Thế Thân thì sẽ được vãng sinh.
Thuyết chấp trì danh hiệu mà Đại sư đưa ra rất đơn giản, đó là chỉ cần chuyên cần
trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, nguyện sinh Tịnh độ của Ngài. Một lòng chuyên
hướng về và chuyên niệm Phật A Di Đà chính là đạo lý nhất tâm bất loạn. Vì lẽ
đó, Hòa thượng Minh Thông (Huệ Nghiêm) cảm thấy rất nhẹ nhàng khi được tiếp cận
tư tưởng của Đại sư. Hòa thượng nói: “Khi
mà chúng tôi gặp được tư tưởng của Hòa thượng Thiện Đạo rồi thì chúng tôi thấy
chắc chắn nắm phần niệm Phật vãng sinh trong tay chứ bây giờ chờ nhất tâm bất
loạn, bao nhiêu việc mà theo trong kinh thật sự làm không nổi trong đời này”.
Trong Quán kinh tứ thiếp sớ, ngài Thiện đạo khẳng định rằng: “Ba tâm là tâm chí thành, tâm sâu thiết, tâm
hồi hướng phát nguyện. Đầy đủ ba tâm này ắt sẽ được vãng sinh”.
Tâm chí thành là tâm chân thật; tâm sâu thiết là lòng tin sâu, kiên cố; tâm hồi
hướng phát nguyện là dâng công đức tu tập một lòng hồi hướng nguyện sinh về Cực
lạc.
Ngoài việc chuyên nhất thực tập Ngũ niệm môn, hành giả cần thọ trì thêm
ba phước để làm thành quả cho phẩm vị, đó là: (1) Thiện căn thế tục (hiếu dưỡng
cha mẹ, kính phụng sư trưởng, từ tâm không giết hại, tu mười thiện nghiệp); (2)
thực hành giới phước (quy y Tam bảo, thọ trì giới cấm, không lỗi oai nghi); (3)
phát Bồ-đề tâm và khuyến người hành Bồ-tát đạo. Chín phẩm vãng sanh tùy thuộc vào mỗi duyên sai
khác của từng chúng sinh (căn cơ thượng, trung, hạ).
Như vậy, tư tưởng Tịnh độ của ngài Thiện Đạo hoàn toàn nương vào bản nguyện của
Phật A Di Đà, không chú trọng đến công phu nội lực. Pháp môn Tịnh độ vốn dĩ đã
dễ nay lại càng dễ hơn.
Học thuyết của Đại sư đã làm sống dậy tâm ý cầu học của nhiều người, do
đó Đại sư đã sớm trở thành bậc long tượng của Phật giáo Trung Quốc. Đặc biệt
hơn, Đại sư là nhân vật rất quan trọng đối với Tịnh Độ tông Nhật Bản. Trường
phái Niệm Phật tha lực (chủ trương dùng tư tưởng ngài Thiện Đạo, tên gọi khác:
Bản nguyện niệm Phật, Bản nguyện xưng danh) cho rằng ngài Thiện Đạo mới đích thực
là cao Tổ của Tịnh độ, bởi ngài là chánh tông truyền thừa từ tông Tịnh độ.
Phật giáo Việt Nam biết đến Đại sư
Thiện Đạo từ rất lâu. Những năm gần đây, do xuất hiện quá nhiều kiến giải về
pháp môn Tịnh độ (từ thời chư Tổ đến giờ) khiến đại đa số hành giả hoang mang,
cảm thấy việc vãng sinh Tịnh Độ khó kham nổi (đòi hỏi công phu) nên đã quay về
tu tập theo ngài qua trường phái Bản nguyện niệm Phật.
Phong trào hộ niệm đang diễn ra sôi nổi hiện nay căn bản là kế thừa di huấn của
ngài Thiện Đạo, đồng thời lấy Tín - Nguyện làm tiêu chí trợ duyên cho người được
vãng sinh.
3. Đại sư Pháp
Chiếu (? - 821)
Nhắc đến Đại sư Pháp Chiếu các hành giả Tịnh độ liền nhớ đến
Ngũ hội niệm Phật. Đó là một phương pháp niệm Phật thích ứng với thị hiếu của
phàm phu. Nhân khi quán tưởng cõi Cực lạc với các hàng cây báu phát ra các loại
âm thanh vi diệu mà ngài phát minh ra phương pháp niệm Phật theo âm điệu.
Phương pháp niệm Phật này không gây nhàm chán, đồng thời còn kích thích sự tập
trung cao độ của các hành giả, từ đó dễ đi vào niệm Phật tam muội.
Vì để thu hút thính giác của người nghe nên Ngũ hội niệm Phật
sử dụng các pháp khí (ít nhất là 4 pháp khí) để tạo ra âm thanh nhịp nhàng như
ca hát. Mỗi một pháp hội chia làm năm hội: hội thứ nhất khởi đầu niệm Phật
thong thả đều đều; hội thứ hai chuyển dần niệm nhanh hơn so với mức độ trung
bình, nhưng vẫn còn thong thả; hội thứ ba là niệm không nhanh không chậm; hội
thứ tư bắt đầu niệm nhanh dần; hội thứ năm chuyển sang niệm nhanh gấp (bốn chữ)
và càng lúc càng thôi thúc.
Thời ấy, phương pháp Niệm Phật ngũ hội khiến nhiều người ưa
thích. Với những hạng phàm phu ưa thích tiếng nhạc thì phương pháp niệm Phật
này rất thích hợp. Vua quan trong triều cũng vì đó mà quy kính cửa Phật, hưng
thịnh thiền môn. Ngày nay, trong các pháp hội niệm Phật, hành giả Trung Quốc vẫn
còn ứng dụng, tuy nhiên có những sự cách tân để phù hợp với thời đại (thêm tiếng
đàn, sáo, v.v.).
4. Đại sư Ấn
Quang (1861-1940)
Đề cập đến pháp môn Tịnh độ Việt Nam thời hiện đại không thể không liên hệ
đến những ảnh hưởng từ Đại sư Ấn Quang. Ngài là một nhà tư tưởng lớn của Tịnh Độ
tông. Các nguyên tác đồ sộ của ngài đã chứng minh điều đó. Tuy nhiên, chủ
trương của Đại sư cũng là sự kết tinh từ người đi trước. Đại sư đề cao nhất là
vấn đề tu nhân học Phật và nhất hướng chuyên niệm.
Tất cả giáo yếu học Phật tu nhân đều được cô đọng trong Lời khai thị của
Ấn Quang Đại sư. Kết hợp đạo lý Nho gia và giáo lý nhà Phật, ngài chủ
trương: trọng mối luân thường, hiếu hòa, nhẫn nhục, ứng xử lợi tha, biết hổ thẹn,
sám hối, khiêm hạ… “Hãy coi mọi người như
Bồ-tát mà ta chỉ là kẻ phàm phu”
là phẩm chất căn bản của một đệ tử Phật, lại là chánh nhân của việc vãng sinh.
Đại sư dạy: đừng quan tâm những chướng ngại ở thân, tâm và cảnh, từ sáng
đến tối chỉ lo niệm Phật, nếu khởi vọng niệm tức thời liền bỏ. Niệm sao mà tâm
phải nghe rõ ràng, phân minh là được. Hoặc nên trợ duyên bằng pháp Thập niệm ký
số.
Ngài hoàn toàn không đề cập đến công phu chứng đắc, dùng Tín - Nguyện chân thiết,
miên mật niệm Phật là đủ. Đó là quan điểm nhất hướng chuyên niệm. Nếu được vậy
thì đến lúc mạng chung Phật A Di Đà cùng chư Thánh chúng lai nghênh tiếp đón.
Những phương pháp tu học Đại sư đưa ra không hề cao siêu, nó nằm ngay nơi
cuộc sống ứng đối môi trường xã hội hằng ngày. Do vậy, rất nhiều hành giả Việt
Nam từ các chùa, niệm Phật đường, các đạo tràng đã dán những lời khai thị súc
tích này vào nơi dễ nhìn thấy nhằm nhắc nhở họ ghi nhớ hằng ngày.
Ngoài ra, Đại sư rất quan tâm đến giới luật và tâm cung kính. Cũng giống
như ngài Liên Trì, ngoài việc khuyên nhắc mọi người nghiêm trì giới luật thì Đại
sư tha thiết kêu gọi trường chay, niệm Phật, thực hành phóng sinh. Ngài khẳng định:
bảo vệ sự sống của chúng sinh là bảo vệ chính mình, bởi vì tránh được nạn nước,
lửa, đao binh và quả báo đọa lạc.
Điểm đặc biệt ở ngài là tâm cung kính. Cả cuộc đời ngài là một biểu pháp của một
bậc oai nghi cung kính Tam bảo. Nơi bài Khuyên nên giữ lòng thành kính,
Đại sư cho rằng đó là yếu tố quan trọng của kẻ chân thật học Phật, là nguồn cội
của sự nghiệp tiến đạo.
Hòa thượng Trí Tịnh rất ngưỡng mộ Đại sư Ấn Quang. Qua các lời tâm sự với
đại chúng, Hòa thượng thường ca ngợi: “Đại
sư Ấn Quang là bậc long tượng trong thế kỷ này… Đúng là bậc thiện tri thức của
mọi người, đáng là đấng Đại đạo sư của mọi giới”.
Thậm chí Hòa thượng khuyên mọi người nên ghi chép, in ấn và lưu truyền cẩn thận
lời khai thị của Đại sư.
Hòa thượng Thiền Tâm cũng vô cùng cảm phục tài năng của Đại sư. Hòa thượng
căn cứ vào tư tưởng Tịnh độ của Đại sư qua tác phẩm Ấn Quang Pháp sư văn sao
để kết tập thành Lá thư Tịnh độ và Tịnh độ tân lương, ước mong
người đời xây dựng cách nhìn chân chính về Tịnh độ.
Đại sư Ấn Quang rất coi trọng việc hộ niệm.
Toàn bộ quan điểm của ngài về việc này được thể hiện rõ trong Lâm chung tam đại
yếu”.
Do nhìn được thế cuộc, Đại sư cho rằng hộ niệm là việc tối cực quan trọng trong
thời kỳ Tịnh độ ngày nay. Ở điểm này, hành giả Tịnh độ Việt Nam hưởng ứng rất mạnh
mẽ.
Xin bàn rộng thêm, hiện nay Pháp sư Tịnh Không (1927) là người đang xiển
dương mạnh mẽ pháp tu Tịnh độ. Chủ trương của ngài là phát triển tinh thần của
Đại sư Ấn Quang (ngài tu học pháp môn Tịnh độ với cư sĩ Lý Bỉnh Nam, một đệ tử
Đại sư Ấn Quang). Về vấn đề tu nhân, Hòa thượng Tịnh Không dùng giáo lý Nho-Phật
để khuyên dạy đại chúng. Về vấn đề niệm Phật, ngài kế thừa tư tưởng chư Tổ,
nhưng nghiêng nặng về Đại sư Ấn Quang và Ngẫu Ích.
Tịnh Tông Học Hội được kiến lập khắp
nơi trên thế giới. Có một số hành giả Việt Nam đang tham gia hội này. Pháp hội
Trung Phong Tam thời hệ niệm
cũng là một trào lưu ảnh hưởng từ Pháp sư Tịnh Không. Những chiếc cà-sa nâu, áo
tràng nâu tay rộng ở các đạo tràng Tịnh độ là biểu hiện của các hành giả đang
tiếp nhận tư tưởng tu học từ Hòa thượng.
Thích Thái Hòa (2013), Đi Vào Bản Nguyện Tịnh Độ, NXB. Văn hóa - Văn Nghệ, TP.HCM, tr.80
Ngũ niệm môn gồm: (1) Lễ bái Phật A Di Đà, (2) Tán
thán (xưng danh và nhớ tưởng) Phật A Di Đà, (3) Mong nguyện về Cực lạc, (4) Quán
sát trang nghiêm cõi Cực lạc, (5) Hồi hướng chúng sinh cùng mình sinh về Cực lạc
và sẽ trở lại Ta-bà để giáo hóa chúng sinh cùng hướng về Phật đạo. Xem, Đàm
Loan Đại sư (2017), Vô lượng thọ kinh Ưu-bà-đề-xá
- Nguyện sinh kệ chú, Thích Nhất Chân (dịch), NXB.Hồng Đức, TP.HCM, tr.240-50.
Đại sư Thiện Đạo kế thừa từ bậc thầy thuần nhất Tịnh độ
(Đàm Loan, Đạo Xước). Ở điểm này ngài không giống với các hành sĩ Tịnh độ khác,
những người tu tập theo tông phái của mình và nương vào cửa Tịnh độ để giải
thoát. Cho nên họ dùng cách nhìn của mình để đề ra học thuyết Tịnh độ. Do vậy
tư tưởng Tịnh độ sẽ không thuần chánh. Xem thêm: Tư tưởng Tịnh độ của Đại sư Thiện Đạo, Pháp sư Tịnh Tông (2017),
Liên Mãn dịch, NXB.Hồng Đức, TP.HCM, tr.34-35.
Nguyên tên của tác phẩm là “Ba điều quan trọng nhất
lúc lâm chung”, trích từ Ấn Quang Đại sư khai
thị (Tại Pháp hội Hộ quốc tức tai ở Thượng Hải ), Bửu Quang tự đệ tử Liên
Hương (dịch) (2009), Thư viện Ebook, tr.72-78.