Buông xả là bao dung tất cả

Buông xả là bao dung tất cả

 Buông xả là bao dung tất cả

Có một thiền sinh hỏi tôi, làm thế nào để ta có thể đi từ khổ đau đến hạnh phúc?

    “Tôi không nghĩ là chúng ta làm điều đó,” Tôi trả lời. “Tôi nghĩ là chúng ta, cùng một lúc, ôm trọn cả hai.”

    Tôi thật sự tin như vậy. Buông xả là ôm trọn hết tất cả. An lạc không có nghĩa là ta rời xa hay vượt qua những nỗi đau, để đi đến một nơi nhẹ nhàng, rộng mở, thảnh thơi nào đó.

 
    Chúng ta nâng niu và gìn giữ cả hai cùng một lúc: nỗi đau mênh mông và sự kỳ diệu của cuộc sống. Sự có mặt trọn vẹn với cả hai, là món quà mà sự buông xả ban tặng ta — một tĩnh lặng bao la, một bình yên ngời sáng.

 

    Tác giả Joanna Macy chia sẻ, “Nếu như chúng ta không sợ hãi, và có mặt với nỗi đau của mình, nó sẽ tự biến đổi. Nó sẽ không đứng yên mãi. Nỗi đau chỉ không thay đổi nếu như ta không dám nhìn vào nó. Nhưng khi ta quan sát, đối diện với nó, khi ta có thể có mặt với nó và vẫn tiếp tục sống, nó sẽ biến đổi.

    Nó sẽ quay lại để lộ ra một khuôn mặt khác. Và gương mặt khác của nỗi đau với cuộc sống, chính là tình thương của ta đối với tất cả. Một mối tương quan hoàn hảo, trọn vẹn, và không thể tách rời của ta với mọi sự sống.”

    Buông xả có nghĩa là có mặt với khổ đau và hạnh phúc, niềm vui và nỗi đau, với một con tim rộng mở, hoàn toàn và nguyên vẹn. Chúng ta có thể nhận biết những gì là chân thật và cảm nhận được sự bình an, cho dù đó là phiền não.

    Buông xả không hề có nghĩa là ta lạnh lùng, dửng dưng trước tất cả mọi việc. Đây không phải là một trạng thái trống không. Ngược lại, đó là một sự rỗng lặng, thênh thanh, có thể dung chứa và tiếp nhận bất cứ một cảm xúc nào, một sự kiện nào, một sự sinh khởi nào, nhưng vẫn là thong dong và tự tại.

Sharon Salzberg

 Duy Nhiên


 
Chia sẻ: facebooktwittergoogle