Quy hoạch cuộc đời của tín đồ Phật giáo

niem tin

Tinh Vân – Nhã Tuệ dịch

 

Đường Bá Hổ (Đường Dần, 1470-1524) - nhà thơ, nhà thư pháp, nhà họa sỹ nổi tiếng sống vào triều Thanh từng nói: “Nhân sinh thất thập cổ hy, ngã niên thất thập vi kỳ. Tiền thập ấu tiểu, hậu thập suy lão, trung gian chỉ hữu ngũ thập niên, nhất bán hựu tại dạ lý quá liễu. Toán lai chỉ hữu nhị thập ngũ niên tại thế, thọ tận đa thiểu bôn ba lao khổ.” (Thất thập từ)[1]. Nghĩa là đời người sống được 70 tuổi hiếm thấy, ta nay được 70 tuổi lấy làm kỳ lạ. Mười năm trước trẻ thơ, mười năm sau già yếu, ở giữa chỉ có năm mươi năm, một nửa lại sống ở trong đêm tối. Tính ra chỉ có hai mươi năm ở đời, chịu lấy biết bao vất vả bôn ba. Trong thơ nói rõ thân người khó được, thời gian ngắn ngủi, khổ lạc vô thường. Cho nên chúng ta phải nắm lấy thời gian đời người hữu hạn, tích cực vận dụng thời gian, quy hoạch cuộc đời thích hợp, để sinh mệnh từng bước đạt được những thăng hoa, tất cả thành tựu cuộc đời, để lại những cống hiến, để lại tấm gương, để lại những chỉ dạy bằng lời, để lại công trạng và thành tích cho xã hội loài người, dựng nên tuổi thọ vĩnh hằng. Bậc tiên sư thánh hiền của Trung Quốc là Khổng Tử từng nói: “Thập ngũ chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngủ thập nhi tri mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập tùng tâm sở dục bất du cử.” Tức là 15 tuổi để hết tâm chí vào việc học tập, 30 tuổi tự lập thân ở đời, 40 tuổi không còn bị mê hoặc điều gì, 50 tuổi biết được cái gì là thiên mệnh, 60 tuổi có thể nghe được ý kiến bất đồng, 70 tuổi mới có thể đạt được làm theo ý thích, muốn làm gì thì làm cái đó nhưng vẫn không vượt quy củ khuôn phép. Điều này là quy hoạch kiếp người từ 15 tuổi đến 70 tuổi. Còn quy hoạch một kiếp người trong tín đồ Phật giáo, có thể bao gồm bốn phương diện:

1.    Quy hoạch đời người từ sự tăng dần tuổi tác

Thứ 1, thời kỳ học tập trưởng thành: đời người lúc 20 tuổi, phải dùng tất cả những tri thức được học trên ghế nhà trường, kỹ năng làm việc, cho đến quan niệm đạo đức cơ bản làm người học tập hoàn thành. Thậm chí tu khổ hạnh, tăng thêm nghị lực tinh thần.

Thứ 2, thời kỳ thực tập phục vụ: đời người lúc 30 tuổi, phải sống chung hợp tác với mọi người, xử lý tốt mối quan hệ giữa cá nhân với quần chúng, thực tập hoàn thành nền tảng sự nghiệp, biến ý niệm phục vụ chúng sinh thành hành động.

Thứ 3, thời kỳ hoàng pháp bố giáo: đời người lúc 40 tuổi, nên là truyền bà giáo nghĩa, phát huy đời người sở trường sự nghiệp. Đời người như một miếng ruộng đồng, sau này phải có gặt hái, thì cần phải gieo xuống những hạt giống Bồ-đề.

Thứ 4, thời kỳ Phật pháp viên dung: đời người lúc 50 tuổi, không ngại quy hoạch (lập kế hoạch) các giai đọan giáo – học – hành, một mặt tự học tự thực hành, một mặt truyền dạy kinh nghiệm cho người khác.

Thứ 5, thời kỳ truyền thừa kinh nghiệm: đời người lúc 60 tuổi, phải viết lách lập thuyết chuyên ngành, hoặc chuyên trách dạy học, đem trí tuệ kinh nghiệm một đời truyền thừa cho người đời sau.

Thứ 6, thời kỳ vân du độ sinh: đời người lúc 70 tuổi có thể vân du giúp đỡ chúng sinh, làm những gì mình muốn, hoặc một mặt dạy học, một mặt du sơn ngoạn thủy, tùy hỷ tùy duyên đem những kinh nghiệm, tri thức thu được qua sự từng trải quốc tế hóa, mở rộng đời người sau này.    

2.    Quy hoạch đời người từ bốn thời kỳ của cuộc đời

Thứ 1, thời kỳ thiếu niên (khoảng 10 đến 16 tuổi), phải có tán dương cảm ơn sinh mệnh. Cha mẹ sinh thành dưỡng dục chúng ta, thầy cô dạy dỗ chúng ta, quốc gia bảo vệ chúng ta, xã hội tác thành chúng ta. Việc mặc ăn ở đi của chúng ta, những đòi hỏi cuộc sống, là nhờ dựa vào sự duy trì cực khổ của rất nhiều người, mới có thể sinh tồn, vì thế phải có tâm cảm ơn.     

Thứ 2, thời kỳ thanh niên (khoảng 16 đến 30 tuổi), phải có lòng tin khẳng định bản thân. Phải tin tưởng bản thân vốn có năng lực vô cùng vô tận, phải mạnh mẽ bày tỏ chí nguyện lý tưởng của mình.

Thứ 3, thời kỳ tráng niên (khoảng trên dưới 30 đến 40 tuổi), phải có sự tinh tiến như nước chảy đầu nguồn. Giao thiệp với người, phục vụ nhiệt thành, làm dòng nước chảy đầu nguồn, hiển bày sức sống khỏe khoắn. Ông Chu Hy (1130-1200) nói: “Sao nước mương được trong như thế kia, là vì nó đến từ dòng chảy đầu nguồn.”[2] Từ trong tâm của mình tuôn trào sinh mệnh dòng chảy, là thanh tịnh, tốt đẹp, chúng ta nên khéo dùng dòng nước chảy của con kênh này, tịnh hóa thế gian.

Thứ 4, thời kỳ lão niên (khoảng trên 60, 70 tuổi), phải có cuộc đời yên ổn hoan hỷ. Đến lúc về già, có thể động cũng có thể tĩnh, có thể hội đại trí nhược ngu (người tài vẻ ngoài đần độn), có thể thích ứng trong mọi tình cảnh, tùy tâm tự tại, tùy duyên hoan hỷ, cuộc sống như vậy, thú vị vô cùng.

3.    Quy hoạch cuộc đời từ chí hướng tính cách  

Mỗi người đều có sở trường, tính cách đặc biệt của mình, đời người cần tìm ra một lối đi cho tính cách của mình. Ví dụ:

Thứ 1, tính cách nghiên cứu: người có tính cách nghiên cứu, có thể tham gia các công việc như nghiên cứu khoa học, y liệu, thiên văn, sinh vật, tôn giáo, triết học.

Thứ 2, tính cách thực tế: người chú trọng cuộc sống thực tế, có thể tham gia các công việc như lao động phục vụ, thao tác máy móc, sản xuất nông nghiệp.

Thứ 3, tính cách nghệ thuật: người có sở thích nghệ thuật, có thể làm một nhà thơ, điêu khắc, họa sỹ, thiết kế, đạo diễn, hoặc là âm nhạc.

Thứ 4, tính cách xã hội: người có tính cách xã hội, có thể làm tình nguyện viên, nghề dịch vụ, phụ đạo viên, thầy truyền giáo.

Thứ 5, tính cách sáng tạo: người có tính cách mạo hiểm không sợ khó khăn, khai sáng cách tân, có thể phát triển các mặt như kinh doanh, chào hàng, chính trị, quân sự.

Thứ 6, tính cách truyền thống: người có cá tính bảo thủ, truyền thống, có thể tham gia các công việc như trợ lý, thư ký, kế toán, thủ quỹ.

Thứ 7, tính cách truyền thống: người có lòng từ bi, an phận thủ thường (biết thân biết phận), bằng lòng với số mệnh, nhiệt tâm lợi ích chung, có thể làm người tu đạo, nhà từ thiện. Cuộc sống của tôn giáo là một cuộc sống tốt đẹp thích ứng mọi hoàn cảnh, vui vẻ làm việc, tùy tâm tự tại; cũng là cuộc sống bố giáo tuyên dương chân lý, phổ tế chúng sinh, ích lợi nhân quần.

Tín đồ Phật giáo cũng có thể chọn lưa sự nghiệp Phật giáo như là quy hoạch cuộc đời làm việc, như kinh doanh quán ăn chay Phật giáo, văn hóa phẩm Phật giáo, thư viện Phật giáo, công ty bách hóa Phật giáo, sáng lập đài truyền hình, đài phát thanh, trung tâm tin tức, báo chí Phật giáo, chỉ cần có tâm có hứng thú, có thể tham gia các dịch vụ, mở rộng phát triển lợi sinh.  

4.    Quy hoạch đời người từ mỹ học ý cảnh

Mỗi người đều hy vọng bản thân có thể có được nhân sinh chân thiện mỹ, làm thế nào để sống một đời chân thiện mỹ? Có thể quy hoạch từ một góc độ khác.

Thứ 1, đời người văn học: trước 30 tuổi, có thể quy hoạch làm nhân sinh văn học, mượn thơ từ ca phú bồi dưỡng tính tình. Trong văn học có cảnh giới có tình có nghĩa, có thể điểm tô làm đẹp đời người, khiến đời người mở rộng đạt tới cảnh giới chân thiện mỹ. Ý vị lãng mạn, chủ nghĩa lý tưởng, cảnh giới tưởng tượng trong văn học có thể làm phong phú đời người thanh niên.

Thứ 2, đời người triết học: từ 30 đến 50 tuổi có thể quy hoạch thành nhân sinh triết học. Khi có những kinh nghiệm sự từng trải của đời người được phong phú rồi, thì từ từ cảm thấy được sự quan trọng thâm nhập triết lý sách vỡ, lúc này có thể đọc và nghiên cứu các sách luận uyên thâm khó hiểu như Duy thức nhị nhập tụng, Duy thức tam thập tụng, Câu-xá luận, kể cả học tập giảng thuyết, thâm nhập tư duy. Đời người có sự hun đúc của văn học, lại có thể thông suốt triết học thì dễ dàng hơn nhiều, đồng thời đối với kinh nghiệm đời người cũng càng sâu sắc hơn.

Thứ 3, đời người tôn giáo: sau 50 tuổi là nhân sinh tôn giáo. Đời người tới lúc này, dù rằng có nhiều con cái, của cải, dần dần sẽ thấy được những thứ đó đều không phải của mình, ngay cả thế gian sinh tồn cũng không phải của ta, trái lại niệm một câu Phật hiệu, hạt giống Bồ-đề của Phật hiệu là của ta; tham thiền một cây nhang, sự tinh tiến của cây nhang này là của ta; kết một phần duyên, phước đức của thiện duyên này là của ta. Chỉ có tôn giáo mới có thể mang đến sự xoa dịu vô hình và sự giải thoát thật sự cho con người.

Ngoài ra, còn có thể mong đợi, phát nguyện quy hoạch nhân sinh của chúng ta, khiến nó trở thành đời người trí tuệ tinh tế, đời người dí dỏm vui tươi, đời người phục vụ phụng hiến, đời người nhẫn nại khoan dung, đời người dung hòa hoan hỷ, đời người tiêu dao tự tại, đời người từ bi hỷ xả, đời người tín giải hạnh chứng, đời người của ta và người đều viên mãn, tròn đầy.

           Nhân sinh nên quy hoạch như thế nào? Điều quan trọng nhất là cần phải lập chí phát nguyện: làm một ly nước trong veo cho người giải khát, mát rượi, tưới nhuần cho đại địa vạn vật sinh trưởng; làm một cây, tạo bóng mát, che chở cho con người; làm một chiếc cầu, tiện lợi cho con người, để con người được thông qua; làm một con đường lớn, để chúng sinh có thể đi đến đích trên sóng lưng của ta; làm một con cờ, cho người chỉ huy bố trí, dù là xe, ngựa, pháo, tiểu binh tiểu tốt cũng có thể lập nên đại công; làm một cái đệm hương bồ, khiến chúng sinh an trú thân tâm trên đệm hương bồ ấy, thể hiện vũ trụ tam thiên đại thiên thế giới; làm một pho Phật tổ, có một trái tim Phật, chỉ cần đảm đương mình là Phật, thì sẽ không tính toán, đố kỵ với người khác, nhiều thói xấu thì có thể tiêu trừ. Thừa nhận bản thân có tâm Phật thì có thể cải tạo lại chính mình. Có Phật tâm, những gì con mắt có thể nhìn thấy thế giới này đều là thế giới của Phật, những thứ mà đôi tai có thể lắng nghe được đều là thanh âm của Phật, những lời nói ra từ miệng đều là ngôn ngữ của Phật, những việc làm của chân tay đều là việc của Phật. 

 

Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, Nxb Từ thư Thượng Hải, tr.168-172

 

 


 

[1] Nguyên văn: 人生七十古稀,我年七十為奇。前十幼小,後十衰老,中間只有五十年,一半又在夜裡過了。算來只有二十五年在世,受盡多少奔波勞苦。《七十詞.

[2] Nguyên văn: 問佢那得清如許,為有活水源頭來/ Vn c na đc thanh như ha, vi hu hot thy nguyên đu lai.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle