Văn hóa còn, dân tộc còn
van hoa
Huệ Trân
Bánh xe lịch sử nhân loại không bao giờ ngừng quay. Nó
thầm lặng và trung thực tuyệt đối. Những sự kiện được người đời ghi lại
theo vết lăn của những vòng bánh xe đó, không thể nào trung thực bằng,
vì dù ít nhiều gì, người ghi lại cũng có phần chủ quan, kín đáo ẩn ngay
trong những lời xác định khách quan.
Nhưng vết lăn của bánh xe lịch sử thì không
đứng trên chủ quan nào mà lăn. Nó chỉ lăn vì những sự kiện đang diễn
biến. Và dù có bị bóp méo, bị nhào nặn cho khác đi, thì với thời gian,
nó sẽ luôn được hậu thế nhận ra bằng sự trung thực nhất.
Lịch sử thế giới luôn chứng minh điều đó.
Những hưng, suy, thăng, trầm, vinh, nhục,
luôn là những biến đổi trong bức họa đa dạng qua những vết xe lăn. Hiếm
hoi mới thấy những điều bất biến.
Thời
gian của 2015 đang ghi dấu một điều hiếm hoi đáng quý, giữa nhiều biến
động bi thảm của thế kỷ 21. Một người, trong suốt chiều dài 80 năm của
kiếp nhân sinh mà không gây một tỳ vết, tuyệt đối trong sạch, tràn ngập
từ bi, không hề chao đảo lý tưởng và hết lòng phụng sự nhân loại.
Đó là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, vị lãnh đạo
tinh thần của dân tộc Tây Tạng, một dân tộc không còn quê hương nhưng
thế giới luôn hướng về bằng sự ngưỡng mộ, vị Giáo Chủ Phật Giáo Tây Tạng
không một nơi trụ trì mà Giáo Pháp được Ngài hoằng dương truyền đạt
không ngừng tuôn chảy tới mọi thành phần, khắp năm châu bốn biển.
Năm nay, tháng 7, 2015 là sinh nhật thứ 80
của Ngài. Dù giấy bút nhân gian có viết về Ngài bằng những gì tột cùng
trân quý cũng không thể trung thực hơn là những sự kiện đã thể hiện từ
chính bản thân Ngài.
Năm mới lên 3 tuổi, Ngài đã được tăng đoàn
và chính quyền Tây Tạng phát hiện những dấu hiệu nhiệm mầu có thể chứng
minh Ngài là hóa thân của Thupten Gyatso, vị Lạt Ma thứ 13 đã nhập Niết
Bàn năm 1933.
Sau nhiều đợt thử nghiệm về cách nói năng,
phong thái ứng xử và nhất là nhận diện về những kỷ vật lưu niệm của Đức
Đạt lai Lạt Ma thứ 13, thì cậu bé Lhamo Dhondup 3 tuổi đã được toàn thể
Ban Thiền Lạt Ma công nhận sẽ là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Ngài lập tức
được đưa về tu viện Kumbum để có sự chăm sóc đặc biệt.
Rồi những sự kiện phải đến, tất đến. Đó là
dấu mốc lịch sử của mùa đông, ngày 22 tháng 2 năm 1940, vị hóa thân của
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 13 đã được chính thức tấn phong tước vị lãnh đạo
Phật Giáo Tây Tạng, đồng thời cũng là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, vị
lãnh đạo tinh thần tối cao của toàn thể nhân dân Tây Tạng.
Với những trách nhiệm cực kỳ nghiêm trọng
đặt lên đôi vai bé nhỏ, Ngài đã phải chính thức nhập những thời khóa tu
học nghiêm túc ngay khi vừa 6 tuổi, tại tu viện Jokhang, nơi chuyên đào
luyện các vị Lạt Ma tại thủ đô Lhasa. Chính tại nơi này, Ngài đã được
thế phát xuất gia để trở thành chú điệu Tenzine Gyatso.
Từ đó, Ngài đã đi vào một khuôn khổ với
những chương trình tu và học mà một người bình thường khó có đủ kiên trì
và tuệ giác để theo đuổi và hoàn tất. Không phải chỉ các học thuật và
giáo lý cam go về cả hai mặt nội điển và ngoại điển, mà các bộ môn được
coi là phụ, như thơ văn, kịch nghệ, âm nhạc, thiên văn, biện luận … v …
v… cũng phải đạt mức vượt trội hơn người. Suốt chặng đường tu và học,
Ngài luôn là vị học tăng xuất sắc, từ lúc mới 6 tuổi cho tới tháng 3 năm
1959 khi Ngài 25 tuổi là kỳ thi cuối cùng để được phong tước là một
Tiến Sĩ Triết Học Phật Giáo.
Thời kỳ giữa những thập niên 50, mưu đồ bành
trướng quyền lực của Trung Cộng trên đất nước Tây Tạng đã ngày càng rõ
nét tâm địa muốn xâm chiếm, cưỡng đoạt, nhất là những cuộc cải cách do
Mao Trạch Đông đề xướng được lồng vào mỹ từ Dân Chủ nhưng hoàn toàn
không phù hợp với văn hóa và bản chất hiền hòa của nhân dân Tây Tạng.
Cùng tất biến, giữa tháng 3 năm 1959, nhân
dân Tây Tạng đã nhất loạt đứng lên, nương theo hạnh từ bi của vị lãnh
đạo tối cao là Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 mà biểu tình bất bạo động, kêu
gọi quân đội Trung Cộng hãy rút khỏi Tây Tạng, trả lại cho đất nước này
quyền độc lập và tự trị.
Cuộc biểu tình bất bạo động của một xứ sở
hiền hòa đã được binh lính Trung Cộng đáp trả bằng bạo lực cực kỳ tàn
khốc! Bao chùa chiền bị đốt phá, bao người dân và cả các vị sư Tây Tạng
đã bị lùa vào nhà tù, không cần xét xử! Trong hoàn cảnh hiểm nguy và
nghiệt ngã đó, những huynh đệ thân tín đã thuyết phục Ngài, tạm qua tỵ
nạn tại miền đồi núi phía Bắc Ấn Độ để tìm cơ hội quang phục quê hương.
Đó là đêm 17 tháng 3 năm 1959.
Ngài bắt đầu thân phận lưu vong từ đó, nhưng
cũng từ bước ngoặc bi thảm của dân tộc mà vị Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của
Phật Giáo Tây Tạng- nói riêng- và của nhân dân Tây Tạng-nói chung- đã
trở thành ngôi sao rực sáng trên toàn thế giới. Ngài đã du hóa khắp nơi,
trên sáu lục địa. Tất cả những cuốn sách Ngài đã viết, tất cả những lời
Ngài đã nói, dù trước các nguyên thủ quốc gia hay tầng lớp nông dân,
giới tiểu thương hay giai cấp nghèo khó, lời Ngài dạy luôn là khai triển
lòng từ bi, trao tặng sự thương yêu mới thực sự giúp nhau có hạnh phúc.
Ngài luôn nhắc nhở rằng, muốn có hạnh phúc thật sự thì chúng ta phải
trải rộng tình thương tới tất cả mọi người, mọi loài, không nuôi dưỡng
ganh ghét, oán thù.
Ngài kể, về lần gặp một vị tu sỹ Tây Tạng,
từng bị Trung Cộng giam cầm, tra tấn khổ nhục hơn 20 năm. Ngài đã hỏi vị
đó rằng, trong hơn 20 năm bị đọa đầy, điều gì làm ông sợ hãi nhất? Và
vị tu sỹ chắp tay cung kính thưa rằng, suốt những năm tháng trong tù,
chỉ một điều làm con lo sợ nhất là nếu con đánh mất lòng từ bi đối với
những người hành hạ, giam cầm con.
Ôi! Giữ được tấm lòng thiết thạch đó, có
phải từ bản chất dân tộc, từ văn hóa dân tộc và cũng từ pháp thân vị
lãnh đạo tinh thần đã luôn chánh niệm, thể hiện từng phút, từng giây qua
mỗi hành xử của mình để là tấm gương sáng dẫn dắt con dân!
Một bài báo, viết về những người mẹ Tây Tạng
can đảm, đã âm thầm đưa con nhỏ vượt Hy Mã Lạp Sơn, với ước mong duy
nhất là gửi được con mình vào các ngôi trường của người Tây Tạng lưu
vong ở Nepal hay Ấn Độ để hy vọng thế hệ con cháu mình được hưởng nền
giáo dục Tây Tạng và nhất là được nuôi dưỡng trong dòng suối từ bi của
Giáo Pháp Phật Giáo Tây Tạng.
Vượt Hy Mã Lạp Sơn đồng nghĩa với vượt ranh
giới giữa sống và chết, vì muôn trùng hiểm nguy của chênh vênh đèo núi,
của tuyết phủ rêu phong, của những họng súng biên phòng hườm sẵn, của
đói, lạnh, thương tích ….. Vậy mà những bà mẹ Tây Tạng vẫn đưa con ra
đi. Gửi được con rồi, lại đơn độc trèo đèo lội suối trở về với tâm trạng
kiếp này đành vĩnh biệt!
Bi thương đến thế, nhưng theo bài báo, thì
hàng năm vẫn có từ 2500 đến 3000 bà mẹ Tây Tạng cùng con nhỏ, vượt Hy Mã
Lạp Sơn với tấm lòng băng thạch là tìm môi trường bảo vệ văn hóa của
dân tộc mình cho lớp măng non.
Sự quyết tâm bảo vệ văn hóa dân tộc và đặt
kỳ vọng vào thế hệ con cháu, phải chăng do trạng huống thực tế khi chứng
kiến những đoàn xe lửa nối liền Hoa Lục và Tây Tạng, ồ ạt đưa người Hán
vượt biên hợp pháp, mang theo cồng kềnh hành trang ngũ trược vào một xứ
sở bốn mùa trầm lắng tiếng chuông ngân!
Rồi sẽ còn không, hương thiền trang nghiêm nơi bao tu viện ẩn mình sau
những rừng cây, đồi núi trong xanh?
Rồi sẽ còn không, tiếng kinh chiều nhắc nhở người quy thiện?
Rồi sẽ còn không, những cậu bé được dọn thân
tâm từ thuở ấu thơ, hoan hỷ lấy mái tu viện làm nhà, lấy Sư Trưởng, bạn
đồng môn làm thân thuộc?
Rồi sẽ còn không, bóng ca-sa thấp thoáng
trên đường phố, hòa vào dòng chảy của dân tộc, chung một đạo vị từ bi,
nhân ái?
Rồi sẽ còn không, ngôn ngữ, phong tục, tập
quán của một dân tộc nhỏ bé với hơn sáu triệu dân mà đại đa số thuần
nhất hướng về Chư Phật?
Những dấu hỏi mà ngày càng mong manh hy vọng
sẽ được đáp ứng tích cực, đã chọn cho những ai quyết bảo vệ văn hóa dân
tộc, một hướng đi dũng mãnh phi thường!
Sự dũng mãnh, phi thường đó còn thể hiện ở
những môi trường khác. Chỉ trong khoảng thời gian 3 tháng của năm 2011,
tin tức chạy trên các trang mạng thông tin toàn cầu đã rực lửa với hình
ảnh bi tráng của mười vị tu sĩ Tây Tạng, quả cảm tự thiêu, dâng hiến
thân mình để nói lên tiếng nói tranh đấu cho Đạo Pháp và Dân Tộc.
Các vị sư đều còn rất trẻ.
Ngọn lửa bùng lên đầu tháng ba, năm 2011
trên thân xác vị sư mới 21 tuổi. ngọn lửa kế tiếp được thắp sáng bởi sư
Tsewang Norbu 29 tuổi, tại Sichuan, tỉnh Tứ Xuyên. Với quyết tâm không
để ai cứu được, sư đã uống xăng rồi mới tẩm xăng bên ngoài, tự châm lửa
và kịp dõng dạc hô to: “Đức Đạt lai Lạt Ma muôn năm! Trung Cộng hãy chấm dứt đàn áp dân Tây Tạng! Hãy để Đức Đạt lai Lạt Ma được trở về quê hương!”
Theo
bước nam nhi, người thứ 9 hiến thân vì Đạo Pháp là ni-cô Tenzin Wangmo,
mới 20 tuổi!Ngọn lửa dũng cảm này bùng lên tại thành phố Aba, cũng
thuộc tỉnh Tứ Xuyên, nơi có một tu viện Phật Giáo từng xảy ra nhiều cuộc
biểu tình bất bạo động nhằm phản đối Trung Cộng đã đối xử bất công và
tàn nhẫn với người dân Tây Tạng. Những người chứng kiến nghe được giọng
ni-cô hùng hồn quyện trong lửa đỏ: “ Tự do cho dân tộc Tây Tạng! Phải để Đức Đạt Lai Lạt Ma được trở về Tây Tạng!”
Rồi không chỉ các nhà sư, mà dân chúng cũng nhập cuộc.
Đầu tháng 11 năm 2011, người thanh niên Tây
Tạng 25 tuổi, tên Sherab Tsedor đã cuốn rơm tẩm xăng quanh mình rồi mới
mặc quần áo bên ngoài. Anh đứng trước sứ quán Trung Cộng tại New Delhi,
tự châm lửa rồi hô to: “Tự do, độc lập cho Tây Tạng!’
Cũng giữa phố chính, ở New Delhi, khi cảnh
sát đang giải tán đoàn người Tây Tạng tuyệt thực, đòi độc lập, để sửa
soạn đón một lãnh tụ Trung Quốc, thì bất ngờ, một cây-đuốc-sống xuất
hiện. Đó là anh sinh viên Thupten Ngodup tự châm lửa trên thân rồi chạy
xuyên vào đám đông khiến cảnh sát không ngăn chặn nổi. Với lửa phừng
phừng trên da thịt, anh cứ lảo đảo chạy và hô: “ Độc lập cho Tây Tạng! Độc lập cho Tây Tạng! ….” Cho đến khi kiệt sức, ngã quỵ với hai tay chắp trước ngực!
Ngay cả động tác cuối cùng anh cũng dành để cầu nguyện cho quê hương.
Hơn nửa thế kỷ lưu vong, Đức Đạt Lai Lạt Ma
thứ 14 luôn kiên trì tranh đấu bất bạo động bằng tinh thần Từ Bi của Đạo
Phật. Ngài từng lên tiếng can ngăn sự hủy mình hiến dâng cho lý tưởng,
nhưng đồng thời Ngài cũng phải cảm thông với nỗi bi thiết cùng cực của
tuổi trẻ Tây Tạng khi những đau đớn phẫn uất nung nấu đêm ngày tới mức
tột cùng chịu đựng. Họ chỉ còn tấm thân thay lời nói để giãi bầy tấm
lòng tha thiết với quê hương cùng sự phẫn nộ trước sự lặng thinh bất
nhẫn của thế giới đối với chính sách dã man mà Trung Cộng đã áp đặt lên
Tây Tạng.
Ảnh hưởng năng lượng Từ Bi trải rộng tới
muôn người, muôn loài, trong mọi trạng huống mà Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ
14 không ngừng rao giảng cũng thể hiện đậm nét khi trận động đất với
cường độ 6.9 xảy ra ở Yushu, Trung Quốc, năm 2010, khiến hàng ngàn người
bị chôn vùi dưới gạch vụn. Ngay sau khi đất giận dữ lắc mạnh thì hàng
loạt hậu địa chấn sẽ nối tiếp với cường độ được ghi nhận từ 5.0 đến 6.0
đã tiếp sức tích cực tàn phá, để những cao ốc còn ngất ngư sẽ sụp đổ, để
những nạn nhân còn ngắc ngoải lập tức bị chôn vùi sâu hơn, để những thị
trấn nhỏ, ngoại thành Gyegu hầu như biến thành bình địa!
Ngay những phút đầu ở vùng đất kinh hoàng
đó, ngay ở thời điểm mà sự chết đang đùa cợt, rượt bắt sự sống đó, thì
người ta đã thấy thấp thoáng bóng ca-sa của các vị Lạt Ma Tây Tạng.
Những nhà sư thầm lặng nhưng nhanh nhẹn, đào
bới gạch vụn, tìm người còn sống để tiếp cứu, tìm người đã chết để tẩm
liệm. Các vị không kịp trang bị gì để bảo vệ mình ngoài khẩu trang đơn
sơ. Trước thảm họa, khi mà quân đội còn chờ lệnh, chính quyền còn bàng
hoàng lúng túng thì các nhà sư Tây Tạng đã có mặt. Lều được dựng ngay
trên đổ nát để những thương tích được băng bó, chăm sóc, những đói khát
được chia sẻ thực phẩm, những bơ vơ được an ủi vỗ về, những xác chết
được đặt nằm ngay ngắn.
Và tiếng tụng kinh vang lên.
Ngôn ngữ nào diễn đạt cho đủ 2 tiếng Từ Bi trong Đạo Phật!
Ống kính các phóng viên khắp nơi đã thấy, và lập tức phổ biến toàn cầu!
Nhà nước không phổ biến, nhưng những ống kính trung thực đã phổ biến.
Nhà nước không viết tin, nhưng những ngòi bút trung thực đã viết tin.
Thế giới biết và thấy. Nhân dân Trung Quốc cũng biết và thấy.
Làm sao mà Bắc Kinh không lo ngại khi nhân
dân Trung Quốc cảm nhận được lòng từ bi không ranh giới của những người
mang mầu áo và quốc tịch mà chính quyền luôn rêu ra phải loại bỏ, phải
tiêu diệt!
Ấy thế mà vị lãnh đạo tinh thần toàn dân Tây Tạng vẫn chỉ một lòng nhắc
nhở con dân mình rằng: “Nếu ta bị đốt cháy, chẳng lẽ ta nổi giận cùng lửa, khi bản chất của lửa là đốt cháy?!”
Hơn nửa thế kỷ qua, vùng đồi núi Dharamsala thuộc miền
Bắc Ấn Độ đã cưu mang và hình thành như một “Lhasa nhỏ” với một chính
quyền lưu vong Tây Tạng từ 1960. Từ đó, với thời gian, với sự kiên trì,
với quyết tâm giữ vững Đạo Pháp và văn hóa của dân tộc, các lãnh vực để
khai triển “Lhasa nhỏ” thành một thực thể, như kinh tế, giáo dục, văn
hóa, nghệ thuật … v … v… đã tuần tự thành hình tại Ấn Độ. Tiêu biểu là
địa danh Dharamsala, nơi đầu tiên Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đặt bước
chân lưu vong, nay nhiều tu viện Tây Tạng đã được xây dựng với số lượng
Tăng Ni đông đảo đang góp phần tích cực trong việc duy trì văn hóa dân
tộc và hoằng dương giáo lý Phật Giáo Tây Tạng.
Suốt chặng đường dài lãnh trọng trách trên
vai, vị lãnh đạo nhân dân Tây Tạng trên cả 2 phương diện dân trí và Đạo
Pháp, luôn tự nhận Ngài chỉ là một người bình thường, được nuôi dưỡng và
bao bọc bởi một nền văn hóa được xây dựng bằng nền tảng căn bản của
Phật pháp, là lòng từ bi. Chỉ đơn giản thế thôi, thể hiện được từ bi
theo tinh thần Phật dạy thì dù ở trong cảnh huống tệ hại nhất, ta vẫn
giữ được sự bình an.
Điều gì xứng đáng để chúc mừng sinh nhật thứ
80, vị lãnh đạo tinh thần một dân tộc lưu vong hơn nửa thế kỷ mà luôn
được thế giới ngưỡng mộ?
Có lẽ đó là, hãy nhận chân bản chất đáng quý
trong mỗi cá nhân Tây Tạng đã được ảnh hưởng từ Ngài, để không chỉ nhân
dân Tây Tạng, mà thế giới khi nhìn vào, cũng đều công nhận và tin
tưởng: “Văn hóa còn, dân tộc còn”.
Huệ Trân
(Tào-Khê tịnh thất – Hạ chí, Ất Mùi niên)