Phật
điện thâm nghiêm huyền mặc, một cô bé tuổi chừng bảy tám dầm dề mồ hôi,
khấu đầu trước Phật tượng để thực hiện cho bằng được 3000 cái lạy chỉ
với một mục đích duy nhất, là được gặp lại người mẹ mà mình chưa từng
biết mặt. Và có ai ngờ giây phút đó đã là điểm bắt đầu cho một trận ba
đào nhân thế.
Cô bé ấy đi
tìm mẹ, một kỹ nữ tài hoa mệnh bạc, đã mắc lỗi nghề nghiệp là vụng dại
yêu người, rồi thế là có cô. Để giải thoát cho con, nàng đem gửi nó ở
chùa. Hôm nay, nó đã vừa đủ lớn để đi về phố, mà cũng là về đời, để tìm
mẹ, cội nguồn của nó. Rồi hình ảnh những người kỹ nữ nhìn thấy trên
đường, đã đưa cô bé vào một định phận thật khốc liệt. Phật chất trong cô
không đủ mạnh để làm nguội lạnh dòng máu ca kỹ mà cô đã kế thừa từ mẹ.
Tình mẹ đưa cô rời chùa, nhưng niềm đam mê thống lụy kia đã đẩy cô về
với đời, cõi trầm luân nằm ngoài ánh đèn Phật tự. Nhìn thấy ánh mắt cô
bé trông theo đoàn ca kỹ, tôi ngầm hiểu đời cô từ giờ đã vận vào một thứ
khổ nghiệp.
Cái độc đáo của câu chuyện bắt đầu ở chỗ bàn tay từ tâm
đầu tiên đón nhận cô trở lại với đời, cũng chính là bàn tay sẽ đưa đời
cô vào chỗ oan nghiệt. Người trong kỹ phường gọi bà bằng một danh xưng
trịnh trọng là Hàng Thủ Bạch Vũ. Cái ngọt ngào rất chân tình của bà đã
là một níu kéo khó chối từ cho cô bé ham vui kia. Bà biết gốc tích đáng
nể của mẹ cô ngày xưa và cái tài thiên phú của cô hôm nay. Bà đón nhận
cô, nuôi dạy cô, nhưng cũng là để giết chết đời cô. Góc cạnh này thiệt
thâm thúy. Chốn đất lành bình yên là mái chùa đầy ắp đạo tình ngày nào
với cô, bây giờ không phải chốn về đích thực, chỉ là một lữ quán qua đêm
mà thôi. Cô không bao giờ thuộc về nơi chốn đó. Cô đi tìm mẹ chỉ là tìm
lại cội nguồn của cái hình hài da thịt, nhưng cô bỏ chùa để được múa hát
chính là tìm về cội nguồn sinh tử của cô. Tìm gặp lại mẹ không phải cứu
cánh cao nhất của đời cô, cô còn có một nguồn cội khác còn hơn cả vòng
tay mẹ nữa. Cô quên chùa, quên Phật, quên thầy, chỉ để được hát múa như
những người ca nữ mà cô đã nhìn thấy. Lại một bài học khác của nhân
gian: Người ta vẫn thường xoay lưng với chính mình bằng cách chối bỏ đất
sống để tìm về cõi chết, và ngoài cái nhu cầu cơm áo thường nhật, mỗi
người còn luôn bị tác động bởi những hấp lực thầm kín nào đó từ đáy
lòng.
Nhiều năm
trước, tôi từng đọc mê mẩn cuốn
Bay Đêm
của Saint
Exupéry, rồi thì
Chàng Hải Âu Kỳ Diệu
(Dịch từ nguyên tác tiếng Anh là
Jonathan Livingston Seagull
của Richard Bach).
Tôi sợ và ghét kỷ luật, nhưng mê hai cuốn sách này, chỉ vì trong đó kỹ
luật đã trở thành kỹ thuật và được nâng lên thành một thứ nghệ thuật.
Rồi hôm nay, tôi đã bắt gặp lại cảm giác đó khi ngồi xem bộ phim kỳ lạ
này. Từ giờ, tôi đã biết kính trọng vũ nghệ Triều Tiên như đã từng không
dám xem nhẹ tay nghề của những nghệ giả
(Geisha)
bên Nhật Bản. Ở đó, nghề ca kỹ không còn là thứ tiện nghệ tầm thường của
giới phấn hương thường thấy, mà là thứ nghệ thuật đòi hỏi bao kỹ xảo
đáng để hàng cao nhân thưởng lãm. Ngồi xem từng bài tập của kỹ phường,
nghe lý thuyết rồi xem thực hành, tôi cứ ngờ kẻ viết kịch bản cho bộ
phim hẳn không chỉ muốn giới thiệu riêng mỗi chuyện múa hát.
Đành rằng
chuyện đời có gay cấn ly kỳ đến mấy cũng chỉ là những cuộc chơi, nhưng
có cuộc chơi nào mà chẳng có luật chơi chứ. Nghề chơi nào chẳng công
phu. Để có được tiếng hát như ý, các ca nữ phải ra thác mà tập. Để có
được những vũ khúc khuynh thành, họ phải khổ công như một cao thủ võ
thuật: Lặn nước, đi dây, treo người, đội chậu, luyện thở. Hãy thử nghe
họ nói về những kỹ thuật mới khiếp. Một kỹ nữ lão luyện không thể không
biết thở và đi thế nào cho đúng mức. Hai chuyện đó bây giờ không đơn
giản là nhu cầu sinh học nữa, chúng phải được xem là những kỹ thuật sống
còn trong làng nghề. Họ phải bán mạng cho những bài tập kinh người đó
chỉ vì một lý tưởng rất đau lòng: Trở thành món đồ chơi hoàn hảo của
muôn người thiên hạ. Đời là vậy mà: Anh chỉ trở nên toàn bích hoàn thiện
khi không thuộc về một cái gì riêng tư. Một kỹ nữ đúng mức có thể khiến
cả thiên hạ phải yêu mình, nhưng bản thân không được phải lòng bất cứ ai
trong số đó. Và lý tưởng cao nhất của một kỹ nữ thượng thặng không phải
là bạc tiền hay danh phận, mà chỉ là một nỗi đau cho mình và cho người:
Có khả năng khiến người đau đớn và bản thân phải nuốt được những đắng
cay ghê gớm nhất. Không làm được hay không hiểu được chừng đó nguyên
tắc, sống không bằng chết. Đã thế, bất cứ một nam tử hán nào đem cái
chung tình mà yêu kỹ nữ thì cũng xem như nhầm chỗ. Đời họ là vậy, không
tin ai và cũng không ai nên tin họ. Họ là tiêu biểu sống động nhất cho
cái gọi là cuộc thế phù du này. Kỹ phường ở đây như một chốn thâm cung
không có lối ra. Người kỹ nữ chỉ có thể ra khỏi đó, tức chối bỏ được kỹ
tịch, khi đã là một xác chết. Nó như bao thứ ngục tù khác trong nhân
gian này vậy: Anh chỉ được giải thoát sau khi đã có một hóa thân khác.
Lối mòn đôi khi đồng nghĩa với sự giam hãm.
Cô bé Minh
Nguyệt Chân Y kia đã từng bước rời xa chính mình để trở thành một con
người khác. Cô đã khóc hết nước mắt khi yêu người, được người yêu, và
sau cùng là không còn gì hết. Mối tình đầu đời của cô đã kết thúc tức
tưởi khi cô đã yêu một người cao hơn tầm với, và đã vậy, mang thân một
kỹ nữ, cô đã phạm phải một lầm lỗi chết người là sự rung động trái tim.
Người tình chết, con người cũ của cô cũng chết. Thật khó tìm thấy một
sức sống mãnh liệt hơn thế. Vùng dậy từ nỗi đau thấu trời, Chân Y trở
thành một đệ nhất tài nữ. Cô múa như đi trên lưỡi kiếm, cô hát bằng lời
liêu trai của loài ma nữ. Cô múa hát với bóng hình của người đã khuất,
quên hết bao người chung quanh. Hát chân thành, múa chung tình. Dốc sức
đến tận tuyệt, kỳ cùng, không còn gì để sợ hãi, e sợ, thế là đứng trên
thiên hạ. Là một kỹ nữ, cô cũng còn là một kỳ nữ. Cô như một hành giả đã
chạm mức: Ai thấy được tới nơi tới chốn cái Khổ Đế thì tự dưng liễu ngộ
được Tập Đế. Cuộc tu hành nào cũng là hành trình nhận diện Khổ Đế. Trong
nghệ thuật kỹ nữ, càng kinh nghiệm đau khổ thì bản lãnh càng lớn, để từ
đó có thể làm chủ được niềm đam mê. Được vậy, thì người nghệ nhân nào
cũng đạt tới đỉnh cao của nghề.
Cái kỳ
lạ của bộ phim Quỳnh Chân Y nằm ở chỗ, có thể tóm gọn nội dung sâu sắc
của nó qua từng lời thoại trong phim, những câu nói của người trong
cuộc. Nếu có một giải Oscar cho phần lời thoại của phim, tôi rất muốn đề
cử bộ phim Quỳnh Chân Y này. Có thể đó chỉ là những kỹ thuật hướng dẫn
kỹ nữ, nhưng có thể nói, nhiều câu trong số đó đáng được xem là khẩu
quyết cho người hành đạo: Hãy vung rộng hai tay với tâm niệm đang ôm lấy
thiên hạ, hãy biến ảo đôi chân để người xem không biết mình đang bay hay
đang bước, một vũ công thượng thừa dù múa một mình (độc vũ) hay chung
với nhóm đông (quần vũ) đều hoàn hảo, hãy xem hơi thở là một với cơ thể,
chỉ cần làm chủ được hơi thở sẽ làm chủ được chính mình, và trên hết,
khi cần hãy quên mất mình là ai. Người viết kịch bản cho bộ phim đã đặt
lên môi các nàng kỹ nữ những câu nói minh triết đáng được nhớ đời. Trong
nghi thức Hiến Tân Bàn Hoa Thảo, ngày các kỹ nữ sắp ra nghề phải chịu
mất đời con gái với một lễ quan theo phong tục thời đó, ta hãy nghe một
cô bé nói một câu xanh rờn:
Không có gì để tiếc nuối và sợ hãi, chúng ta như một đôi giày, chỉ phát
huy tác dụng từ lúc được ai đó xỏ vào chân.
Một câu
nói độc địa khốc liệt nhưng đã ôn lại cho tôi một bài học giáo lý khó
nuốt: Đời sống phải cần đến những xây xát, trầy xước để mà trưởng thành
và bắt đầu hữu dụng. Niềm đau là cái bắt buộc trong đời, và nó chính là
lối thoát, là cơ hội thăng hoa của vạn vật. Chính nỗi đau đã dạy người
ta biết sống linh cảm, biết trăn trở, biết choàng dậy để không mãi hoài
ngủ mê. Tôi còn học thêm được câu nói khác: Không phải kẻ mạnh thì sống,
mà ai sống được mới là kẻ mạnh. Tuyệt!
Chân Y bẩm
sinh thông tuệ, cần mẫn và hiếu học. Chỉ hiềm một nỗi là niềm đam mê của
cô lớn quá, nó buộc cô phải sa chân vào một nơi chốn lẽ ra cô không nên
có mặt, dù thực ra đó mới là đất sống của cô. Phải mỗi ngày đối diện với
những âm mưu bẩn thỉu, cô đã hoang phí không ít thời gian cho những đối
đầu. Nhìn quanh kỹ phường, tôi cứ e ngại cho cô, ngoài mẹ và một cô bạn,
cô gần như không còn ai để có thể tin cậy. Có một hình ảnh thiệt đẹp và
dễ thương, mỗi khi bế tắc quá, Chân Y hoặc chạy về ôm gối mẹ hoặc tìm
lên chùa để mách chuyện với người sư phụ năm nào. Thì ra bên trong sâu
thẳm con người tục lụy của mình, cô vẫn còn giữ lại được chút đạo tình
của một người sư nữ lạc bước đường trần, một hạt Bồ-đề lưu lạc nhân
gian. Nhưng về với mẹ hay với chùa bao lâu rồi cô cũng phải ra đi, về
với kỹ phường, với bao thứ nhục nhằn thống lụy luôn chờ mình phía trước.
Tất thảy những thứ đó đều là cái giá mà cô phải trả.
Mối tình đầu
không còn nữa, dù vẫn chưa biết qua mùi đàn ông, Chân Y đã trở thành một
người đàn bà trong tâm hồn. Cô bắt đầu biết dạn dĩ, biết tận dụng sở
trường bản thân và theo cô, từ bây giờ sẽ là những ngày tháng sống tàn
nhẫn để trả thù cuộc đời đã giày xéo tim cô. Và câu chuyện cứ hệt như
lấy ra từ kinh Phật, khi chính người giăng bẫy đã sụp bẫy. Chưa kịp hại
ai, cô đã trở thành nạn nhân của chính mình khi yêu lấy một người chỉ vì
họ có chỗ giống Ân Hạo tình cũ. Cứ vậy cuộc đời long đong của cô xem ra
đã phải qua mấy lần đò. Nghĩ mà thương!
Quỳnh Chân Y
là một bộ phim đẹp, chữ đẹp hiểu ở nghĩa nào cũng được. Nó đẹp nhờ ở
công phu của người làm phim và những chiều sâu của kịch bản: Chiều sâu
qua tình tiết và ngôn ngữ. Từng phút trong phim là những bước chân của
đạo học, triết học, với riêng tôi, còn là Phật học. Phim của Hàn Quốc,
nhưng khi ngồi xem, tôi cứ lan man nhớ về một tác phẩm của Ernest
Hemingway, cuốn
Giã Từ Vũ Khí
(A Farewell To Arms). Những tình tiết, những thời khắc quan trọng chết
người đều diễn ra dưới mưa, mưa đêm rồi mưa chiều. Những thời khắc đó
rất ngắn, chẳng được một phần trăm tổng thời gian của phim, nhưng cứ
Chân Y gặp chuyện thì trời phải mưa, hay phải đợi có mưa thì mới sanh
chuyện. Những màn mưa đó cứ bắt tôi nhớ về những dòng thác, những giọt
lệ, những ba đào, những buốt lạnh tê cóng của cõi trầm luân. Bộ phim dài
lắm, nhưng rốt cùng vẫn là câu chuyện đời đầy chìm nổi và đáng nhớ của
người tài nữ phi thường đó bên xứ Triều Tiên xưa. Trước sau ba cuộc tình
tan nát, cộng với cái thiên tài ca vũ có một không hai, Chân Y đã gián
tiếp và cả trực tiếp can dự vào lịch sử văn hóa Triều Tiên. Bộ phim từ
đó không chỉ là chuyện về một người, mà còn là một tài liệu quan trọng
về lịch sử âm nhạc của một xứ sở có nền văn hiến lâu đời và đáng nể như
Hàn Quốc. Chính Chân Y, một kỹ nữ có tên trong sổ đoạn trường, đã là
người đảm nhiệm trọng trách lớn lao đó, khi một mình dẫm lên tất cả lừa
dối của nhân gian, vượt qua những máu lệ nát lòng, để một mình ngồi viết
lại những trang sử huyền hoặc cho dòng hương nhạc và nữ nhạc kỳ tuyệt
của quê hương, để chúng có thể trường tại cùng văn hóa và dân tộc cô từ
bấy đến giờ. Cứ nhìn cô lả lướt với những Kiếm Vũ, Hạc Vũ thì ta phải
hiểu, qua cô, lịch sử ca vũ và cả văn hóa Triều Tiên vừa được viết thêm
một trang mới. Không cần phải là người Triều Tiên, chỉ cần có chút lòng
với cái đẹp, với tinh thần nghĩa dũng, người xem phải ít nhiều biết ơn
cô. Sao lại phải thế chứ? Thử hỏi, một người con gái chốn phong trần, đã
một tay đưa hết bao đại quan rồi mặc khách vào trò chơi thanh sắc của
mình để dạy họ biết hiểu đúng và tôn trọng thanh nhạc, để ai cũng có thể
trở thành một tri âm khả kính, thì sao chẳng đáng phục? Từ vị trí một
nàng ca kỹ, Chân Y đã dạy cho thiên hạ biết được cái gì là ranh giới sau
cùng của sự tôn nghiêm, lòng tự trọng tối thiểu của những phận gái phong
trần, và độc đáo nhất, là cô đã lớn gan đem cái ngạo khí của một nhi nữ
đất Triều Tiên bé xíu mà đùa rỡn lên trên cái tinh thần tự thị Đại Hán
của một sứ thần Minh Triều khổng lồ thì sao lại không đáng phục chứ. Tôi
cảm ơn cô, người đệ nhất tài nữ Minh Nguyệt Chân Y ngày đó. Cô đã làm
tôi một phen mát ruột khi nhìn lại anh láng giềng phương Bắc từ bao đời
cứ hiếp đáp dân tôi!
Với bài viết
này, tôi tuyệt không có ý làm cái việc quảng cáo cho ai hết, ở đây chỉ
là một lời giới thiệu, một tiếng mời gọi cho những khách tri âm, ngoài
niềm yêu nghệ thuật, còn biết thiết tha bận lòng về đạo học, dù để sống
đời hay hành đạo. Tấm lòng đó, Chân Y gọi là niềm tri tâm mà cô đã một
đời tìm kiếm. Là một thầy tu, tôi dĩ nhiên không nên chấm hết bài viết
này kiểu vậy. Nếu phải kết thúc bài viết ở đây, tôi chỉ muốn nhắc lại
một danh ngôn Tây phương:
“Một bắt đầu đúng đắn thì coi như đã là một nửa hành
trình đến thành công. Một khởi hành sai lạc thì coi như cái đích đến bi
kịch đã nằm ngay trước mặ!”.
Giá ngày ấy cô bé Chân Y đừng có bước chân đầu tiên để quay về phố, giá
như ngày ấy kỹ phường đừng có ai thu dưỡng cô, giá như ngày ấy cô bị sư
phụ trách phạt nghiêm khắc hơn một tí, giá như Chân Y sớm biết rút lui...
Tất cả những sự đáng tiếc ấy cứ làm tôi nhớ đến giây phút hấp hối của Ân
Hạo, cậu đã thều thào một lời ngắn gọn mà rất thánh:
Lẽ ra chúng ta không nên bắt đầu.
Chuyện đời là vậy đó, nhiều khi trăm sự rối ren chỉ khởi đi từ một cái
cớ nhỏ xíu. Chữ Phạn gọi sự bắt đầu đó là
Samudāya,
Hán dịch là
Tập Khởi.
Bất luận đó là điểm bắt đầu cho một thứ gì ở đời...!
TOẠI KHANH