(Bouddhisme: une non-violence de l'Intérieur)
Jean-Paul Ribes
Hoang Phong chuyển ngữ
Jean-Paul Ribes
Jean-Paul Ribes sinh năm 1939, một nhà văn và nhà báo chuyên về Tây Tạng,
và cũng là một người tu tập Phật Giáo đã hơn bốn mươi năm. Ảnh chụp ngày
27 tháng 4, năm 2008, trong một cuộc phỏng vấn của một chương trình Phật
Giáo trên đài truyền hình quốc gia Pháp)
Người ta thường xem phi-bạo-lực là một trong các phẩm tính tự nhiên của
Phật Giáo. Điều này quả hết sức đúng. Thế nhưng sự phi-bạo-lực ấy có
phải là một trong các mục tiêu hay chỉ là một phương pháp luyện tập chủ
yếu của Phật Giáo? Câu hỏi thật tế nhị.
Người ta có thể so sánh tinh thần phi-bạo-lực của Phật Giáo với bản chất
thấm ướt tự nhiên của nước trong đại dương, và đấy cũng là cách so sánh
thường thấy trong nền văn hóa Á Châu. Thật vậy phi-bạo-lực là bản chất
thật hết sức tự nhiên của Phật Giáo! Tuy thế sự so sánh ấy cũng chẳng
giúp được gì nhiều nếu muốn tìm hiểu sâu xa hơn về chủ đề này. Nếu muốn
hiểu rõ những lý do nào ẩn chứa bên trong Phật Giáo đã khiến tín ngưỡng
này chủ trương không chấp nhận bạo lực, thì trước hết phải tìm hiểu
chính xác ý nghĩa của chữ
ahimsa trong tiếng Phạn
(chữ ahimsa vừa là tiếng Phạn và tiếng Pa-li). Đây là một thuật
ngữ dùng để chỉ định một thái độ hay một nguyên tắc sống không hề được
phổ biến rộng rãi ở Ấn Độ vào các thời kỳ tiền Phật Giáo, và ngày nay
cũng chỉ được dịch một cách khái quát là "phi-bạo-lực" (Đức
Phật nêu lên giới luật phi-bạo-lực trước hết là nhằm chống lại tục lệ
giết súc vật để tế lễ của những người Bà -la-môn, rất phổ biến vào thời
bấy giờ - kinh Aggi-Sutta - nhưng thật ra khái niệm hay chủ trương thật
căn bản này bàng bạc trong rất nhiều tạng kinh). Nghĩa từ chương
của tiền ngữ
a
(trong chữ ahimasa) nói lên một sự quấy nhiễu
(nuisance/sự phiền toái, khó chịu, bất ổn. Xin lưu ý là nguyên nghĩa của
chữ ahimsa trong tiếng Pa-li có nghĩa là vô hại, không gây ra tác hại/inofensiveness,
non-hurtling) nhằm phủ nhận ý nghĩa của hậu ngữ
himsa
(himsa trong tiếng Pa-li có nghĩa là bother, hurt/làm phiền toái, gây
tác hại hay thương tích). Do đó chữ
ahimsa có thể hiểu là phi-bạo-lực theo cách dịch từ trước đến
nay. Thế nhưng cách hiểu đó lại không được thích nghi lắm nếu đặt khái
niệm này vào khung cảnh tranh đấu chính trị nhằm mục đích mang lại các
kết quả theo chiều hướng này hay chiều hướng khác, hoặc là để giải quyết
một sự tranh chấp, mà không cần phải sử dụng đến bạo lực một cách công
khai
(tranh đấu hay tìm cách giải quyết một sự tranh chấp dù là mang tính
cách phi-bạo-lực đi nữa cũng không tránh khỏi gây ra một sự bất ổn hay
xáo trộn nào đó).
Chữ ahimsa
sau khi được Phật Giáo thu dùng đã biến thành một thuật ngữ mang ý nghĩa
thật bao quát là tránh tất cả mọi sự chủ tâm gây ra tác hại
(nuisance/tổn hại, thiệt thòi, phiền toái, quấy rầy) cho kẻ khác và cho
cả chính mình, dù chỉ là ý định hay ngôn từ
(ý nghĩ gây ra một sự tác hại hay một ngôn từ thô bạo cũng là những hình
thức bạo lực tương tự như trường hợp của chữ Karma /Nghiệp//Hành động
cũng mang ý nghĩa thật rộng: tư duy mang tính cách chủ tâm trong tâm
thức là một "hành động" tâm thần, lời nói là một "hành động" dưới hình
thức ngôn từ, một động tác mang tính cách chủ tâm là một "hành động"
trên thân xác. Tất cả các "hành động" ấy đều tạo ra nghiệp cho một cá
thể). Do đó lời nói dối, phỉ báng hay lèo lái (tuyên truyền) đều
là những hành động tiêu cực gây ra tai hại (préjudiciable/detrimental/mang
lại hậu quả không tốt lành), đôi khi còn tệ hại hơn cả việc ẩu đả hay
quất một roi vào mông
(hận thù hiện ra trong tâm thức hay những lời nói thiếu ý thức, thô bạo,
hằn học - chẳng hạn như nuôi nấng hận thù, hay những lời tuyên truyền
hoặc các bài viết với chủ đích khích động hay đánh lừa kẻ khác, đôi khi
có thể tạo ra nghiệp nặng nề hơn nhiều so với các động tác trên thân
thể. Do đó cũng phải hiểu ý nghĩa của chữ ahimsa liên quan đến cả ba
lãnh vực: tư duy, ngôn từ và hành động).
Hơn nữa, chủ trương không-gây-ra-tác-hại (phi-bạo-lực) trên đây không
nhất thiết là chỉ giới hạn trong lãnh vực con người mà còn bao gồm tất
cả chúng sinh có giác cảm (tức là cả thú vật), và môi trường sống của
toàn thể sinh linh trên địa cầu này kể cả trong bầu không gian rộng lớn.
Thật vậy John Snelling
(một người Phật Giáo trung kiên, tác giả của một quyển sách nổi tiếng
"The Buddhist Handbook") khẳng định rằng: "Không có bất cứ một
thứ gì lại có thể thoát ra khỏi lãnh vực trách nhiệm đạo đức của chúng
ta được"
(một hành động thiếu đạo đức là một hành động bạo lực). Khái niệm
ahimsa mang lại cho chúng ta một thái độ hành xử "đúng đắn" mà
Phật Giáo gọi là "Con Đường Cao Quý của Tám Điều Đúng Đắn" (Bát Chánh
Đạo), tức là gồm tám quy tắc mà người Phật Giáo phải tuân thủ: 1- sự
hiểu biết đúng hay tư duy đúng là những gì đưa đến trí tuệ (prajna),
2- ngôn từ đúng, 3- hành động đúng và 4- phương tiện sinh sống đúng, là
những gì mang lại đạo đức (sila),
-5 cố gắng đúng, 6- chú tâm đúng và 7- sự tập trung tâm thức đúng, là ba
phẩm tính giúp vào việc 8- thiền định (dhyana).
Ý nghĩa của khái niệm
ahimsa trong Phật Giáo phải được hiểu như là một quá trình toàn
diện liên quan đến sự ý thức về bản chất tối thượng của mọi sự vật và cả
nội tâm của chính mình. Điểm khởi đầu của quá trình này là phải nhận
biết được các triệu chứng hé lộ cho thấy tình trạng khổ đau -
dukkha - đang chi phối mình
(chỉ khi nào ý thức được các triệu chứng khổ đau sâu kín đang hành hạ
mình thì khi đó mình mới cố gắng tìm hiểu nguyên nhân làm phát sinh ra
chúng, hầu giúp mình loại bỏ chúng).
Đấy cũng chính là điểm tiên khởi của toàn bộ giáo huấn mà Đức Phật đã
lưu lại cho chúng ta.
Tất cả những gì mà chúng ta có thể biết được qua các huyền thoại nằm
chung trong lịch sử của nước Ấn về Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, là Đức Phật
cũng chỉ là một con người, chỉ khác là đã được hưởng một nếp sống và
giáo dục che dấu tất cả những nỗi khổ đau và bất hạnh trong thế giới
này. Thế nhưng cũng có thể là chính vì thế nên Ngài đã không thể nào
ngồi yên được khi bất chợt chứng kiến những nỗi khổ đau của sự sinh, già
nua, bệnh tật và cái chết. Bất cứ cái gì xem là một sự khổ đau thì tất
phải có một nguyên nhân làm phát sinh ra nó? Đức Phật đã ra sức tìm kiếm
cái nguyên nhân ấy. Thế rồi Ngài đã khám phá ra được nó: cái nguyên nhân
ấy tàng ẩn bên trong sự u mê luôn xúi dục chúng ta bám víu vào những gì
chỉ toàn là ảo giác, chúng chỉ là các hiện tượng phải nhờ vào điều kiện
mà có (các
hiện tượng chỉ có thể hiện hữu nhờ vào sự liên kết và tương tác với các
hiện tượng khác qua quy luật tương liên hay lý duyên khởi, do đó chúng
không hiện hữu một cách thật sự như chúng ta tưởng, nếu cứ nắm lấy
chúng, tựa vào vai chúng hay ôm lấy chúng thì cũng có nghĩa là nắm lấy
khổ đau, tựa vai vào khổ đau và ôm lấy khổ đau), và cũng chỉ là
những gì tạo ra các thứ thích thú phù du nhưng lại đưa đến những khổ đau
bất tận.
Sự kiện tin tưởng vào một cái tôi trường tồn, còn gọi là cái ngã, đã
khiến chúng ta phải trả một cái giá thật đắt. Sự tin tưởng ấy chỉ là một
trong số các ảo giác "đắt giá" nhất, buộc chặt chúng ta vào một chuỗi
dài những cuộc phiêu lưu bất tận mà chúng ta đều có thể tiên đoán được
là gì: đó là samsara
hay cõi luân hồi, tức là chu kỳ xoay vần bất tận của những sự hiện hữu
phát sinh từ những điều kiện trói buộc. Vì thế chúng ta cũng nên tự vấn
là tại sao mình lại không tìm cách để thoát ra khỏi cái vòng xoay bất
tận ấy?
Thật ra công việc tháo gỡ cấu trúc của các định kiến và xóa bỏ các tấm
màn u mê, nói chung là những sự hiểu biết nông cạn, các thói quen lười
biếng không đắn đo hay chỉ biết suy nghĩ một cách máy móc, thì cũng
không khác gì cách khảo cứu tìm tòi của một khoa học gia.
Chủ đích của công việc trên đây cũng chính là mục tiêu cao cả nhất của
Đức Phật. Ngài quyết tâm đạt cho bằng được cái mục tiêu ấy, dù phải trả
một giá rất đắt gồm thật nhiều suy tư khắc khoải và cả một sự thách
đố điên rồ: "Hễ khi nào ta chưa tìm thấy được giải pháp thì ta nhất
quyết sẽ không rời khỏi thể dạng thiền định này"*.
*(Trong suốt lịch sử nhân loại cho đến tận ngày nay, dường như chưa có
một ai dám tự nhận mình thông thái hơn Đức Phật, kể cả các khoa học gia
uyên bác nhất, các triết gia lừng danh nhất, các nhà lănh đạo chính trị
tài ba nhất, cũng như các vị sáng lập những tôn giáo khác. Họ có thể có
nhiều quyền lực hơn Đức Phật, thành công hơn Đức Phật, danh tiếng hơn
Đức Phật, nhờ dựa vào sức mạnh, trí thông minh, phương tiện phong phú,
thời cơ thuận lợi hay một sức mạnh thiêng liêng mang ít nhiều tưởng
tượng nhằm trấn áp, khuyến dụ và thu phục con người. Duy nhất chỉ có Đức
Phật là dựa vào sự hiểu biết để giải thoát con người, một sự hiểu biết
mà Ngài đã phải trả một cái giá thật đắt trong kiếp nhân sinh của chính
mình).
Thực chất của thế giới trong đó hàm chứa mọi thứ độc tố và cả đạo đức,
cũng như bản thể của tâm thức giúp mình cảm nhận và biến cải con người
của chính mình trong cái thế giới ấy, và cả phương pháp mang lại sự Giác
Ngộ - có thể xem như là cả một sự chấn động nói lên cả một cuộc cách
mạng trọng đại mà tất cả chúng ta đều mang tiềm năng đạt được - tất
cả đều vụt hiện lên với Đức Phật qua một vầng hào quang rạng rỡ, như là
một sự khám phá thật tuyệt vời, hoàn toàn dựa vào trực giác và lý trí.
Nếu phải trình bày toàn bộ cấu trúc về sự khám phá ấy [của Đức Phật] qua
tất cả các thể dạng phong phú của nó thì quả hết sức là dài dòng. Do đó
thiết nghĩ cũng chỉ cần tìm hiểu các yếu tố nào đã mang lại những thứ u
mê gọi là Klesha*
cũng là đủ, và theo kinh sách thì có đến 84.000 thứ khác nhau
(84.000 là một con số tượng trưng trong nền văn hóa Ấn Độ, có nghĩa là
nhiều vô kể không sao đếm hết được). Chúng ngăn chận và gây ra
mọi thứ chướng ngại trên đường Giác Ngộ bằng cách nhận chìm chúng ta
dưới sự kiềm tỏa của các thứ xúc cảm tiêu cực, xui khiến chúng ta phạm
vào các hành động (nên hiểu hành động ở đây gồm cả tư duy, ngôn từ và
hành động trên thân xác) mà chúng ta phải gánh chịu mọì hậu quả, đó là
khái niệm
Karma (Nghiệp) mà ai cũng biết
(luôn nên ghi nhớ trong tâm là "hành động" tạo nghiệp gồm có "tư duy",
"ngôn từ" và các "động tác mang tính cách chủ tâm" trên thân xác. Chúng
ta thường có thói quen nghĩ rằng nghiệp là những hành động gây ra tác
hại một cách cụ thể "trông thấy" bằng mắt, do đó chúng ta thường thiếu
cảnh giác và không kiểm soát được một cách toàn diện và hiệu quả các
hành vi thật tinh tế và nhỏ nhặt của mình - chẳng hạn như những sự suy
nghĩ, các ngôn từ và cử chỉ mang hậu ý không tốt nhưng đã trở thành thói
quen - trong cuộc sống thường nhật của mình).
*(Rất nhiều thuật ngữ Phật Giáo đã trở thành các từ thông dụng trong
ngôn ngữ Tây Phương, chẳng hạn như klesa, nirvana, samsara, karma,
v.v... Chữ klesha là tiếng Phạn còn viết là klesa, tiếng Pa-li là
kilesa, nguyên nghĩa của các từ này là dục vọng, thèm khát, đớn đau, ô
nhiễm, buồn khổ... - depravity, dirt, impurity, passion, lust,
affliction. Đức Đạt-lai Lạt-ma thường gọi chung là các xúc cảm tiêu cực
hay bấn loạn. Theo Phật Giáo Theravada thì kilesa là "ba thứ độc tố tâm
thần" gồm vô minh, bám víu và ghét bỏ, ba thứ xúc cảm này là ba yếu tố
quan trọng nhất làm phát sinh ra tất cả các xúc cảm bấn loạn khác. Trong
khi đó kinh sách Hán ngữ lại dịch chữ klesa/kilesa là "phiền não"
(煩惱),cách
dịch này quả không được chính xác lắm. Quyển Hán Việt Từ Điển của Đào
Duy Anh dịch chữ "phiền não" là "buồn rầu". Nếu tra cứu thêm thì sẽ thấy
rằng chữ "phiền"
(煩)có
nghĩa là buồn rầu, rắc rối; chữ "não"
(惱)có
nghĩa là buồn bực, buồn giận, ảo não. Tóm lại là chữ "phiền não" chẳng
những không nói lên được ý nghĩa của chữ "klesa" trong giáo lý Phật Giáo
là các thứ xúc cảm mang tính cách khổ đau và bấn loạn, mà còn có thể
khiến đánh lạc hướng và mang lại các sự hiểu biết "hời hợt" và lệch lạc
về các khái niệm liên quan đến sự vận hành của tâm thức nói chung. Sở dĩ
xin mạn phép dài dòng là vì một chữ dịch không sát nghĩa hoặc sai không
những khiến cho một khái niệm trở nên tối nghĩa mà còn có thể tạo ra
thêm nhiều hoang mang. Tiếc thay trong các kinh sách dịch từ Hán ngữ
sang tiếng Việt còn quá nhiều chữ Hán và một số thuật ngữ không sát
nghĩa, khiến việc đưa Giáo Huấn đến gần với quảng đại quần chúng có thể
gặp nhiều khó khăn. Thiết nghĩ khi dịch cũng nên so lại với tiếng Pa-li
và tiếng Phạn cũng như các ngôn ngữ Tây Phương. Tự điển ngày nay có rất
nhiều và đủ loại mà chỉ cần chịu khó bỏ chút thì giờ tra cứu tìm tòi là
sẽ rõ).
Sự thèm-muốn
(tanha/craving, desire/thèm khát, ham muốn, dục vọng) và bám-víu
(upadana/clinging, grasping/gắn bó, níu kéo, nắm bắt, chiếm giữ)
là các nguyên nhân đưa đến các thái độ hành xử mang lại đủ mọi thứ tai
hại cho mình và cho cả kẻ khác (khó tiêu, sát nhân!)
(ý tác giả muốn nói là sự thèm-muốn và bám-víu gây ra các tai hại có thể
chỉ là thứ yếu chẳng hạn như tham ăn thì sẽ bị chứng "khó tiêu", hoặc
cũng có thể biến thành các thứ dục vọng điên rồ xui khiến mình phạm vào
tội "sát nhân". "Thèm muốn" và "bám víu" là một cặp bài trùng: thèm muốn
luôn đưa đến bám víu và bám víu thì sẽ đưa đến muôn nghìn hậu quả không
sao lường hết được, và càng bám víu thì lại càng làm cho sự thèm
muốn/dục vọng gia tăng. Các xúc cảm "bấn loạn" này tai hại hơn nhiều so
với các xúc cảm gọi là "phiền não"). Ngoài ra lại còn có một thứ
độc tố khác thô thiển hơn nhiều - đúng với ý nghĩa bạo lực của nó - có
thể đưa đến các hành động vô cùng tệ hại như tra tấn hay giết người, đấy
là hận thù đưa đến sự giận dữ. Phải hiểu rằng các xúc cảm này đều trực
tiếp phát sinh từ ảo giác về một cái tôi và sự bảo vệ của mình đối với
nó, và đấy cũng là nguyên nhân của tất cả. Nói thế để hiểu rằng chỉ cần
một phút nóng giận phát sinh từ hận thù cũng đủ để tàn phá cả một cuộc
đời đạo hạnh!
Tuy nhiên cũng không nên hoảng sợ, bởi vì đối với mỗi thứ độc tố đều có
một phương thuốc hóa giải thích nghi. Trong trường hợp trên đây phương
thuốc chính yếu nhất chính là sự nhẫn nhục.
Tam Thừa trong Phật Giáo
Trước khi đào sâu thêm chủ đề trên đây thiết nghĩ cũng cần tìm hiểu một
vài nét đại cương về Phật Giáo. Tín ngưỡng Phật giáo được hình thành từ
một tổng hợp văn liệu (corpus) lịch sử, được ghi chép với các mốc thời
gian chính xác, vì thế nên không sao tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi sự tiến
hóa của tâm tính con người, các sự diễn đạt khác nhau và sự hình thành
sau này của nhiều học phái tư tưởng cũng như các phương pháp tu tập khác
nhau. Các "cỗ xe" hay "Yana"
này
(tức là các hình thức diễn đạt về giáo huấn của Đức Phật và các phương
pháp tu tập được hình thành trên dòng lịch sử phát triển của Phật Giáo
sau khi Đức Phật đã tịch diệt) gồm có ba thứ tất cả
(tức là ba "Thừa" trong Phật Giáo). Mỗi "cỗ xe" đều được dựa vào
một số kinh sách riêng nhằm vạch ra một đường hướng tu tập thích nghi
[với các kinh sách ấy] nhằm mục đích giúp người tu tập đạt được Giác
Ngộ. Không nên nghĩ rằng sự kiện này là một sự mâu thuẫn [giữa các thừa
với nhau] mà chỉ nên xem đấy là một sự phong phú mà mỗi thừa đều góp
phần mình bằng cách đưa ra nhiều phép tu tập mang những nét đặc thù khác
nhau.
Cỗ xe xưa nhất được gọi với một chút khinh thị là Cỗ Xe Nhỏ hay
Hinayana mà ngày nay chỉ còn một chi phái tồn tại là Phật Giáo
Theravada hay "Con đường của những Người Xưa". Cỗ xe ấy là của những
người Ahrat (A-la-hán), tức là các sinh linh đã thực hiện được sự giải
thoát cho mình, và họ cũng thường được xem là những người tu tập với chủ
đích đạt được sự Giác Ngộ cho riêng mình. Mục đích chủ yếu nhất trong
việc tu tập của thừa này là một mặt phải loại bỏ mọi sự bám víu và một
mặt phải tuân thủ thật nghiêm nhặt các giới luật (sila).
Vậy những người xuất gia (tăng đoàn) phải tu tập như thế nào để có thể
chấp hành các kỷ luật vô cùng khắt khe đó? Tạng Luật nêu lên hơn 270 lời
nguyện của ngườì tu hành. Lời nguyện giữ gìn phi-bạo-lực đã được nghi lễ
hóa và trở thành một quy tắc, tương tự như việc khất thực, việc tụng
niệm hằng ngày
(người tỳ-kheo Theravada trên nguyên tắc phải thuộc lòng tất cả các bài
kinh trong Kinh Tạng, hoặc ít nhất là tất cả các bài kinh trong Trung A
Hàm) và trên một bình diện tổng quát hơn là phải tránh các hành
vi của người "thế tục", vì các hành vi này có thể mang lại sự ô uế cho
những người A-la-hán tương lai. Những người tu tập theo "cỗ xe" này
thường bị phê bình là chỉ biết nêu cao lý tưởng của người xuất gia (có
nghĩa là người tu hành phát động tinh thần phi-bạo-lực, trong khi
đó thì kẻ thế tục lại thực thi bạo-lực dưới đủ mọi hình thức: tư duy,
ngôn từ và các tác động trên thân thể), và vô cảm trước những" khổ đau
của xã hội" kể cả đối với những sự bất công.
Thế nhưng trên thực tế các phong trào phản kháng lại thường hay phát
sinh từ các học phái của Phật Giáo Theravada, chẳng hạn như phong trào
INEB
(International Networks of Engaged Buddhists/Mạng lưới quốc tế những
người Phật Giáo dấn thân)
mà người lãnh đạo là Sulak Siravasta của Phật Giáo Thái Lan.
Phật Giáo Mahayana (Đại Thừa) được hình thành vào đầu thiên niên kỷ thứ
I, nhưng thật ra có thể đã được thai nghén từ trước đó (Kinh
Hoa Sen là một trong số các bộ kinh tiêu biểu nhất của Đại Thừa, đã được
trước tác qua nhiều lần từ giữa thế kỷ thứ I trước Tây Lịch đến giữa thế
kỷ thứ I sau Tây Lịch. Thuật ngữ "Đại Thừa" lần đầu tiên đã được nhắc
đến trong kinh này). Phật Giáo Mahayana tự cho mình là cỗ xe lớn
và chủ trương sự kết hợp chặt chẽ giữa trí tuệ và lòng từ bi, thể hiện
qua cung cách hành xử của một con người lý tưởng mà mọi người phải noi
theo: đó là người bodhisattva (bồ-tát), một vị anh hùng đứng lên vì sự
giác ngộ của tất cả chúng sinh, và xem sự giác ngộ ấy cũng là điều kiện
tiên quyết và cần thiết cho sự giác ngộ của riêng mình.
Sau hết là Phật Giáo Vajrayana (Kim Cương Thừa), phát sinh từ Mahayana
(Đại Thừa). Kim Cương Thừa chủ trương tận dụng tất cả các sinh khí cũng
như tất cả mọi sức mạnh
(tiêu cực cũng như tích cực) trong thế giới hiện thực tương đối
này, nhưng đồng thời cũng vượt lên trên và biến chúng trở thành một
phương tiện giúp mình giải thoát cho tất cả chúng sinh. Một số các phép
tu tập gọi là tan-tra thần bí
(trong Kim Cương Thừa) đôi khi được xem là mang tính cách "mầu
nhiệm", thế nhưng thật ra cũng chỉ dành riêng cho một số nhà sư cao thâm
mà thôi. Trên phương diện tổng quát các phép tu tập tan-tra nói chung
sau khi được phát triển ở Tây Tạng đã mang thêm một số các đường nét
thật đặc thù, khác hơn với các thừa khác, và được gọi là "cỗ xe" của
những người tu tập tan-tra (Tăng-tra Thừa). Thừa này mang nhiều khía
cạnh tượng trưng thật phong phú và các nghi lễ đủ loại có thể - và đôi
khi cũng là điều kiện cần thiết - mang lại những sự quán thấy xuyên qua
các vị "thần linh hung tợn" giúp mình chuyển biến sự sợ hãi cũng như các
thể dạng tâm thần bấn loạn trở thành một sức mạnh mang lại sự an bình
cho mình. Hình ảnh Văn Thù Sư Lợi (Manjushri), một vị "tối thắng thật
hiền hòa" vung lên một thanh kiếm sắc bén không phải là cách chỉ dạy các
môn đệ của mình cách sử dụng binh khí khi phải xông vào một trận chiến.
Thanh kiếm chỉ nhằm nhắc nhở chúng ta là phải đâm thủng các thứ ảo giác,
chẳng hạn như khổ đau. Thanh kiếm cũng biểu trưng cho một sức mạnh, một
sự quyết tâm và đôi khi cả khả năng chịu đựng sự khổ đau của chính mình.
Một số các phép thiền định đã được nghi lễ hóa chẳng hạn như nghi lễ
hiến dâng thân xác mình cho bọn ma vương đói khát, nghi lễ này có thể
làm bùng lên lòng từ bi của mình một cách thật cụ thể và làm hiện ra trí
tuệ
(từ bi và trí tuệ luôn kết chặt và cùng vận hành chung với nhau, một khi
phát động được lòng từ bi thật mạnh thì trí tuệ sẽ tự nhiên hiện ra:
chẳng hạn như trí tuệ giúp mình "quán thấy" được bản chất của thực tại,
"ý thức" được sai lầm và khổ đau của con người, "cảm nhận" được bổn phận
của mình, và sự "cảm nhận" đó về bổn phận của mình thì cũng có nghĩa là
mình lại "quay về" với lòng từ bi của mình. Thí dụ trên đây cho thấy sự
níu kéo và xoay vần giữa từ bi và trí tuệ. Từ bi không trí tuệ chỉ là
những hành động vô nghĩa hay mang tính cách bám víu, trí tuệ không từ bi
thường là rất nguy hiểm).
Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Điều cần quan tâm là phải thường xuyên luyện tập về cung cách hành xử
phi-bạo-lực trong cuộc sống thường nhật, và tốt nhất là nên luyện tập
theo giáo huấn Đại Thừa, tuy nhiên đồng thời cũng phải thực hiện được
toàn bộ phần căn bản chung của cả ba thừa Phật Giáo. Căn bản chung đó
chính là phép thiền định Samatha/Vipassana
("Chỉ" và "Quán" hay tĩnh lặng tâm thần" và sự "quán thấy", quán thấy ở
đây có nghĩa là cách thấu triệt được bản thể của hiện thực), các
phép luyện tập này đòi hỏi sự chuyên cần và kiên trì nhằm mang lại một
thể dạng tâm thức bình lặng, mới mẻ, tinh khiết và trong suốt, giúp mình
thực hiện một sự quán thấy trong sáng, tương tự như nhìn xuyên qua "một
mặt nước phẳng lặng".
Thể dạng phi-bạo-lực luôn tương kết với sự giác ngộ
Việc luyện tập phi-bạo-lực của Đại Thừa được thể hiện qua hình ảnh một
người bồ-tát và là một thành phần không thể thiếu sót trong việc "phát
huy tinh thần Giác Ngộ". Vậy sự luyện tập ấy là gì? Là phải khởi động
một cuộc cách mạng khá triệt để, bởi vì nó phải đủ sức giúp mình loại bỏ
tuần tự các tư duy có sẵn
(các sự hìểu biết công thức thu đạt được nhờ giáo dục và các kinh nghiệm
sống) ra khỏi những gì chủ yếu
(tâm thức nguyên sinh) liên quan đến bản thân mình, và đồng thời
cũng giúp mình ý thức được là lúc nào cũng phải sẵn sàng giúp đỡ và mang
lại hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Niềm hạnh phúc đó không phải chỉ
giới hạn trong các lãnh vực vật chất, xã hội hay chính trị, mà nhất
thiết là một niềm hân hoan tỏa rộng trong nội tâm mình, thế nhưng cũng
không phải vì thế mà gạt qua một bên các hạnh phúc vật chất trên đây.
Niềm hạnh phúc tâm linh đó không hề được tạo ra bởi những lời hứa hẹn về
một cõi "thiên đường" (dù rằng khái niệm này cũng thấy được đề cập đối
với một vài tông phái Phật Giáo, chẳng hạn như đạo Amidism (đạo A-di-đà)
chủ trương phải dựa vào một vị "cứu khổ" là Đức Phật A-di-đà) mà đúng
hơn là một sự thực hiện các kinh nghiệm cảm nhận của chính mình trong
những giây phút của hiện tại
(tác giả nêu lên điều này quả là cả một sự tế nhị. Trước hết nên hiểu
rằng Đức Phật A-di-đà không phải là một vị Phật lịch sử, và Tịnh Độ nhất
thiết chỉ là một phương tiện tu tập cực mạnh. Phật Giáo Tây Tạng tôn thờ
và cầu khẩn Đức Phật A-di-đà thế nhưng luôn ý thức đấy cũng chỉ là một
phương tiện thiện xảo, tương tự như tất cả các phương tiện thiện xảo
khác, nhằm mang lại sức mạnh giúp mình đạt được giác ngộ. Tu tập Tịnh độ
rất tốt vì phù hợp với tính khí của một số người, thế nhưng phải thật
cảnh giác, không nên dừng lại ở "phương tiện" mà phải nhìn vào "cứu
cánh" là sự giải thoát và giác ngộ). Phép "luyện tập" phi-bạo-lực
này được nêu lên thật tuyệt vời trong tác phẩm của Shantideva (Tịch
Thiên) dưới hình thức một Phong Cách Sống thật dũng cảm nhằm mục đích
đạt được giác ngộ . Đó là một cách luyện tập nhất thiết dựa vào Bốn phẩm
tính "vô biên" (Tứ vô lượng) gồm tình thương, lòng từ bi, sự hân hoan và
sự bình đẳng "
(tiếng Phạn là apramana, tiếng Pa-li appamanna, là một khái niệm nói lên
bốn cảm tính đạo đức hay bốn thể dạng tâm thần của một người tu tập:
Maitri/Lòng vị tha, Karuna/Lòng từ bi, Mudita/Sự hân hoan, Upeksa/Sự
bình đẳng, tức là sự buông xả, không phân biệt. Kinh sách gốc Hán ngữ
gọi bốn cảm tính nội tâm này là Từ, Bi, Hỷ, Xả. Sự bình đẳng
(thanh thản, thăng bằng, không phân biệt và so sánh) có nghĩa là
một thể dạng tâm thức xem tất cả đều ngang hàng như nhau, tức là một
cách giúp mình tháo gỡ mọi quan điểm thái quá hầu giúp mình kiểm soát
một cách thật tự nhiên các xúc cảm hiện đến với mình. Dưới một góc nhìn
nào đó cũng có thể xem cảm tính này như là một hình thức phi-bạo-lực
trong tâm thức
(buông xả không chấp nhất, không so sánh, đánh giá, diễn đạt hay phân
biệt gì cả, tức là không gây ra một chướng ngại nào trong tâm thức đối
với bất cứ gì xảy ra trong nội tâm cũng như trong bối cảnh bên ngoài, và
đó cũng là cách tạo ra cho mình một tâm thức phi-bạo-lực). Hãy
nêu lên một thí dụ, trong trường hợp phải đối phó với các nỗi khổ đau
(dù là của mình hay của kẻ khác) mà nếu cứ để cho sự phẫn nộ bùng lên
thì có thể sẽ chẳng mang lại một hiệu quả nào. Thái độ đó cũng chẳng
khác nào như một vị bác sĩ nổi nóng hay là ràn rụa nước mắt khi khám một
bệnh nhân bị bệnh sởi. Đối với con người cũng thế: nếu thù ghét đối thủ
của mình và xem người này như là một "kẻ thù không đội trời chung", thì
đấy cũng chỉ là cách tự chui đầu vào ngõ cụt. Vì thế phải biết "xoay
chiều", và đấy cũng là chủ đích của phép luyện tập tonglen về sự hiến
dâng và nhận chịu, sẽ được nói đến trong phần dưới đây
(tonglen là một phép luyện tập của Phật Giáo Tây Tạng: hiến dâng hạnh
phúc của mình cho kẻ khác để đổi lấy tất cả khổ đau của họ).
Cách luyện tập về "Bốn cảm tính vô biên" (Tứ vô lượng) được dựa vào "Sáu
phẩm tính siêu nhiên" (Lục Ba-la-mật). Các phẩm tính này cũng có thể xem
như các phương pháp thực tiễn giúp chúng ta ứng phó với mọi hoàn cảnh
xảy ra trong cuộc sống. Tiếng Phạn gọi các phẩm tính này là paramita:
para có nghĩa là "bờ bên kia" hay "tận phía bên kia"
mita có nghĩa là một chủ thể đang hành động, một cách cụ thể là
các phong cách hành xử siêu nhiên giúp mình vượt sang bờ bên kia
(phép tu tập về "Sáu phẩm tính ba-la-mật" hay "Lục Ba-la-mật" của Phật
Giáo Đại Thừa được xem tương đương với "Con đường của tám điều đúng đắn"
hay "Bát Chánh Đạo" của Phật Giáo Theravada). Sở dĩ các phẩm tính
ấy được gọi là siêu nhiên là vì một khi đem ra để luyện tập, suy tư và
ứng dụng thì chính mình cũng sẽ "trở thành"
paramita, có nghĩa là sẽ hóa thành một với sự siêu nhiên ấy và sẽ
đưa đến một sự đột khởi phi cá thể
(thoát ra khỏi cái tôi), vượt lên trên tất cả mọi trói buộc đạo
đức hay tín ngưỡng
(tức là các bước đầu tu tập còn câu nệ vào việc giữ giới và lòng tin tôn
giáo), không hề do một lời chỉ dạy nào, mà chỉ đơn thuần là kết
quả mang lại từ những phút giây của hiện tại, và cũng là một cách biểu
lộ tinh khiết của
Karuna (Lòng từ bi) phát sinh từ một con tim cao cả (một con tim
đầy can trường), thuật ngữ con tim cao cả thật ra cũng là một cách nói
lên lòng từ bi.
Sáu phẩm tính ba-la-mật là: 1- sự rộng lượng biểu trưng bởi sự bố thí (dana),
2- đạo đức/kỷ luật (sila),
3- sự kiên nhẫn (kshanti),
4- nghị lực/sự chuyên cần (virya),
5- sự tập trung tâm thần (dhyana)
và 6- trí tuệ (prajna).
Trí tuệ là ba-la-mật thứ sáu, là phẩm tính khơi động và làm gia tăng sức
mạnh cho toàn bộ năm thứ ba-la-mật kia. Mỗi ba-la-mật đều đòi hỏi một sự
luyện tập lâu dài.
Tất nhiên sự bố thí (dana)
không phải chỉ là hiện vật, mà là cả sinh mạng mình, thân xác mình, gồm
cả các hình thức hiến dâng thuộc lãnh vực tâm linh. Đối với việc hiến
dâng những lời giáo huấn, có nghĩa là trao truyền Đạo Pháp (Dharma/Giáo
Huấn của Đức Phật), thì chỉ có thể mang lại hiệu quả khi nào chính mình
cũng đã từng được thụ giáo
(học hỏi và tiếp nhận được sự hiểu biết từ một vị thầy uyên bác),
thực hiện được các kinh nghiệm cảm nhận, hội đủ khả năng, tóm lại là
những gì mà một người đứng ra giảng dạy cần phải có. Sau hết là thể loại
hiến dâng thứ ba gọi là sự "không-sợ-hãi", tức là cách hiến dâng một nơi
an trú vật chất và một nơi nương tựa tinh thần cho những kẻ lạc hướng
không tìm được một chốn tạm trú nào, nói cách khác là mang lại cho họ
một chút che chở, một lời khuyến khích giúp họ can đảm hơn trong lúc mà
họ đang lo sợ. Các sự hiến dâng trên đây cũng phải hướng vào súc vật
đang gánh chịu cảnh khổ đau, có nghĩa là phải nuôi nấng và bảo vệ sinh
mạng của chúng. Tuy nhiên, thể loại ba-la-mật chủ yếu và quan trọng nhất
trong việc luyện tập phi-bạo-lực chính là ba-la-mật
Kshanti hay là sự kiên nhẫn đã được nói đến trên đây.
Phải nhìn vào phẩm tính ba-la-mật này với tất cả các khía cạnh của nó.
Nếu muốn hóa giải hận thù và giận dữ thì phải huy động sức kiên trì giúp
mình giữ vững sự bình thản
(buông xả). Điều đó có nghĩa là phải gia tăng khả năng chịu đựng
các sự tệ hại mà người khác có thể gây ra cho mình, chẳng hạn như nhục
mạ, nói xấu, kể cả hành hung, nhưng mình không hề nuôi dưỡng một ý nghĩ
báo thù nào. Trái lại phải giữ tâm thức bình thản và thanh thoát, giúp
mình nắm vững và phân tích tình thế một cách sáng suốt, chẳng hạn như
tiến sâu vào phía sau lằn ranh phòng thủ của kẻ thù, hầu tìm hiểu thật
sâu xa các nguyên nhân nào đã thúc đẩy họ hành xử theo cung cách đó đối
với mình.
Mục đích của sự xâm nhập đó không phải là để nghiền nát họ, tạo ra thêm
khổ đau cho họ, mà đúng hơn là tìm cách làm nhẹ bớt đi những khổ đau của
họ, bởi vì những khổ đau ấy chính là nguyên nhân đã khiến họ hành xử
thô bạo với mình. Con đường đó thật hết sức chông gai! Và cũng chính vì
thế nên
Kshanti (sự kiên nhẫn) cần phải có sự hợp lực của
Virya, là sự can đảm và một nghị lực thật kiên trì, giúp củng cố
sự quyết tâm của mình. Và thật ra sự quyết tâm này cũng chỉ có thể trở
nên mạnh mẽ nhờ vào phép thiền định
dhyana (sự tập trung tâm thần) và sự ý thức về vô thường, cũng
như sự buông xả và sáng suốt.
Jetsun Milarepa
(Mật-lặc Nhật-ba, 1040-1123, một đại sư Tây Tạng thật uyên bác và tràn
đầy nghị lực, tác giả của một tập thơ trường thiên mang tựa là "Thập Vạn
Ca") đã nêu lên quá trình tu tập về các phẩm tính ba-la-mật qua
những vần thơ thật cô đọng sau đây:
Khi nào không còn nắm bắt khái niệm của cái tôi,
Thì sẽ không còn cần đến một sự rộng lượng nào khác nữa.
Khi nào đã loại bỏ được mọi thứ đạo đức giả,
Thì sẽ không còn cần đến một giới luật nào khác nữa.
Khi nào đã vượt lên được mọi sự sợ hãi đúng với ý nghĩa của chúng,
Thì sẽ không còn cần đến một sự kiên nhẫn nào khác nữa
Khi nào không còn lơ là trong việc tu tập,
Thì sẽ không còn cần thêm một sự can đảm nào khác nữa.
Khi nào vẫn còn tiếp tục duy trì được thể dạng tâm thần không sứt mẻ,
Thì sẽ không còn cần đến một sự tập trung nào khác nữa.
Khi nào đã tạo được một thái độ [đúng đắn] cho mình,
Thì sẽ không còn cần đến một sự hiểu biết nào khác nữa.
Khi nào tất cả những gì mình làm đều là Đạo Pháp (Dharma),
Thì sẽ không còn cần đến một phương tiện [thiện xảo] nào khác nữa.
Khi nào chiến thắng được bốn thứ ma vương*,
Thì cũng sẽ không còn cần đến một sức mạnh nào khác nữa.
Khi nào đạt được cả hai mục đích**,
Thì sẽ không còn cần đến một sự khấn nguyện nào khác nữa.
Khi nào nhận thấy được các sự sai lầm tàng ẩn phía sau các xúc cảm,
Thì sẽ không còn cần đến một thứ trí tuệ nào khác nữa.
* (Bốn ma vương (catvaro marah, kinh sách Hán ngữ gọi là Tứ Ma) là: 1-
Ma vương thứ nhất (Klesa-mara) là ba thứ nọc độc tâm thần, còn gọi là
tam độc: tham lam, giận dữ và vô minh, tức là tham sân si; 2- Ma vương
thứ hai (Skhanda-mara) là năm thứ cấu hợp (ngũ uẩn) tạo ra một cá thể,
biểu trưng cho sự hiện hữu trói buộc và các sự thúc dục bản năng gây ra
khó khăn trong việc tu tập ;3- Ma vương thứ ba (Mrtyu-mara) tức là thần
chết, tạo ra sự gián đoạn trong việc tu tập; 4- Ma vương thứ tư
(Tenji-ma, Devaputra-mara) là "Con Trời" (tiếng Phạn là devaputra) còn
gọi là "Ma vương ngụ ở cõi trời thứ sáu", là cõi trời cao nhất trong sáu
cõi dục giới, biểu trưng cho dục vọng và sự sợ hãi trước những kẻ quyền
thế vì tham vọng có thể gây ra tác hại cho mình. Ma vương thứ tư này rất
là khó trị. Mục đích của việc tu tập là phải chiến thắng cả bốn thứ ma
vương. Người ta thường gọi Đức Phật là Vị Tối Thắng để cho biết là Ngài
đã chiến thắng được tất cả bốn thứ ma vương).
**
Hai mục đích là sự giác ngộ của chúng sinh và của chính mình.
Tìm hiểu các phép luyện tập trong Phật Giáo
Dù rằng các phép luyện tập trên đây mang tính cách thật khẳng định
(radicalité/radicalism/quyết liệt, triệt để) và tỏ ra khá trừu tượng
(abstract), thế nhưng cũng nên hiểu rằng mỗi tông phái và học phái qua
các bối cảnh văn hóa khác nhau, đều đã triển khai các phép luyện tập
chuyên biệt cho mình hầu có thể mang ra ứng dụng một cách thích nghi và
hiệu quả. Chính vì thế mà phương pháp luyện tập tonglen, tức là sự hiến
dâng và nhận chịu, có thể là một động cơ thúc đẩy góp phần không nhỏ vào
việc phát triển các phép luyện tập về sự kiên nhẫn và lòng từ tâm trong
Phật Giáo Tây Tạng.
Bước đầu trong phép luyện tập tonglen cũng thật hết sức đơn giản và cũng
chỉ là sự chú tâm, thường thấy trong tất cả các phép thiền định, chẳng
hạn như theo dõi hơi thở của chính mình. Tuy nhiên đối với phép luyện
tập tonglen thì việc theo dõi hơi thở lại mang ý nghĩa ngược lại với
quan điểm thường thấy, dù rằng chỉ mang tính cách tượng trưng
(đối với các phép thiền định thông thường thì việc chú tâm vào hơi thở
là cách theo dõi hơi thở thật sự của mình: hít vào không khí trong lành
và thở ra không khí ô nhiễm, trong khi đó đối với phép thiền định
tonglen thì việc chú tâm vào hơi thở chỉ mang tính cách tượng trưng: thở
ra là cách mang theo tất cả hạnh phúc và những điều xứng đáng của mình
để hiến dâng cho tất cả chúng sinh, và để đổi lại thì hít vào là cách
mang theo tất cả khói đen ô uế, bệnh tật và khổ đau của tất cả chúng
sinh). Hít vào không có nghĩa là tiếp nhận không khí tốt lành mà
là cách thu vào các thứ ô nhiễm, cặn bã và mọi sự khổ đau. Thở ra là
cách trao trả lại không khí đã được tẩy uế, thơm ngát và trong lành.
Một cách tổng quát, tonglen là một phép luyện tập nói lên sự chia sẻ và
hiến dâng cho kẻ khác tất cả những gì tốt lành của mình để đổi lấy tất
cả những khó khăn và khổ nhọc của kẻ khác. Tuy nhiên cũng không nên để
mình vướng vào các cảm tính yêu thích [đơn thuần] sự đau đớn (masochism)
hoặc là các hình thức yêu thích sự u sầu (morose delectation). Sự trao
đổi ấy chỉ có thể thực hiện dần dần mà thôi, tất cả đều tùy vào nghị lực
và sự mở rộng tuần tự của con tim mình, tương tự như một lực sĩ cử tạ
gia tăng thêm từng gram một sức nặng của các quả tạ mà mình phải nhấc
lên.
Dù trong bất cứ trường hợp nào, cũng không nên để cho các phép luyện tập
đó biến thành ảo tưởng
(fantasme/fantasy/những sự tưởng tượng giúp mình thoát ra khỏi hiện
thực) hay một sự ám ảnh
(obsession) nào cả, mà phải giúp mình ngày càng đến gần hơn với
các bối cảnh hiện thực, mang lại một cái gì đó thật cụ thể cho việc
luyện tập của mình. Đó là cách nuốt chửng từng ngụm lớn các cảnh huống
khổ đau trong cuộc sống thường nhật hiện lên và khơi động lòng từ bi của
mình
(không nên đọc những lời chỉ dẫn này để mà thán phục hay để tìm hiểu
suông, mà nên nhắm mắt lại để tập thử xem sao, chỉ cần vài phút thật
chân thành và chăm chú sẽ mang lại hiệu quả ngay. Rất tiếc nhiều người
đọc sau khi đứng lên là quên hết, lại cuống quýt lo hết chuyện này sang
chuyện khác, đấy là chưa nói đến trường hợp nhiều người đọc đoạn sau thì
quên đoạn trước. Sự kiên nhẫn/kshanti và nghị lực/virya rất cần thiết
như đã được nói đến trên đây).
Điều quan trọng là không được bỏ cuộc hay tránh né. Lúc mới khởi sự cũng
chỉ cần hít vào và nhận chịu sự khổ đau của một người thân hay một người
bạn, và dần dần sau đó sẽ hướng lòng từ tâm của mình vào những người mà
mình chưa hề quen biết, chẳng hạn như những người gặp trên hè phố hoặc
trông thấy trên màn ảnh truyền hình, và sau đó là hướng vào các kẻ thù
của mình, là những người mà mình cố tình nhìn họ qua những hình ảnh méo
mó mang những nét ghê tởm hay khiếp sợ, và vẫn phải cố gắng thực thi
phép tonglen đối với họ. Các điều này quả khó thực hiện lúc ban đầu,
nhất là khi thở ra phải hiến dâng những gì tốt lành của mình cho họ để
nói lên lòng trìu mến của mình đối với họ. Thế nhưng phải tập đi tập
lại, mỗi lần gia tăng thêm một chút yêu thương và một chút an lành cho
họ.
Phép luyện tập tonglen tuy lúc ban đầu phải cần đến sự chú tâm và một
sức cố gắng và cũng chỉ có thể thực hiện được trong những lúc [rảnh rỗi]
nào đó trong cuộc sống thường nhật tràn ngập bận rộn của mình, thế nhưng
dần dần sau đó việc luyện tập tonglen không phải là không thể thực hiện
được trong bất cứ bối cảnh nào trong cuộc sống. Mỗi khi mở cửa sổ để xem
thời tiết và nếu thấy bầu trời rạng rỡ khiến mình yêu thích thì cũng là
một dịp để mình hiến dâng, và đấy cũng là một cách luyện tập tonglen;
mỗi khi phải nhai vội một khúc bánh mì hay đang thưởng thức một đĩa thức
ăn tuyệt hảo, thì cũng đều là những dịp giúp mình luyện tập tonglen
(mỗi khi nuốt vội một mẫu bánh mì hay đang thưởng thức một món ăn ngon
thì cũng nên nghĩ đến những kẻ đói nghèo, ước sao họ được mẫu bánh mì
hay đĩa thức ăn này).
Tóm lại là phép luyện tập tonglen chỉ có thể mang ý nghĩa vẹn toàn của
nó qua các mối tương giao lành mạnh, nhân từ, sáng suốt và ngập tràn
hạnh phúc, nối kết giữa mình và thế giới chung quanh mình.
Phi-bạo-lực là kết quả mang lại từ sự tu tập
Thật hết sức rõ ràng là chỉ khi nào mình đủ sức chịu đựng một sự đớn đau
nào đó dù là trong tâm thức hay trên thân xác, nhưng vẫn phát lộ được
niềm hân hoan đích thật, một niềm hân hoan thật bén nhạy nhưng cũng thật
trong sáng, sẵn sàng trao nó cho kẻ khác, thì khi ấy mình mới thật sự đủ
sức thực thi phép luyện tập
ahimsa, tức là phát động lòng vị tha phi-bạo-lực một cách thật tự
nhiên.
Toàn bộ các phép luyện tập trên đây cũng đã được nêu lên trong các kinh
sách cổ điển của Phật Giáo Đại Thừa, chẳng hạn như trong tập
Bodhisattvacaryavatara (Nhập
Bồ-đề hành luận) của Shantideva (Tịch Thiên) nói đến trên đây, và
cả trong ba mươi bảy phép tu-tập của người bồ-tát, cũng như năm mươì
chín câu phương châm của Atisha
(A-đề sa, một vị đại sư người Ấn, 982-1054. Các câu phương châm hay đúng
hơn là những lời hướng dẫn giúp việc thiền định, nhằm phát động lòng từ
bi do nhà sư này học được ở Inđônêxia - lúc đó Kim Cương Thừa phát triển
rất mạnh trên đảo Java - và sau đó đã đưa vào Tây Tạng và đã được đúc
kết vào thế kỷ XII thành 59 câu tất cả và được gọi chung là phép tu tập
Lodjong). Thế nhưng phải luôn cảnh giác là nếu chỉ đọc mà không
thực hành thì cũng chỉ là vô ích mà thôi!
Ngoài ra nếu không có sự giúp sức của một người giảng dạy đầy đủ khả
năng thì các lời hướng dẫn trên đây
(các tiết thơ của Tịch Thiên, ba mươi bảy phép tu tập của người bồ-tát,
và năm mươi chín câu châm ngôn của A-đề-sa) cũng sẽ là những gì
nhàm chán và mơ hồ, chẳng khác gì trong tập sách nêu lên các lời chỉ dẫn
dành cho binh sĩ mà thôi. Chẳng mang lại một chút lợi ích nào cả*!
*(Xin lưu ý câu này cho thấy tác giả là một người tu tập theo Phật Giáo
Tây Tạng luôn xem trọng vai trò của người thầy. Trong một đoạn trên đây
ông cũng có nhắc đến việc truyền thụ của một người giảng dạy uyên bác
rất cần thiết. Thật vậy những lời giáo huấn chân chính và đích thật của
một người thầy uyên bác thổi vào giáo huấn của Đức Phật một sức sống
mới, một sự sinh động mới giúp người tu tập đến gần với Giáo Huấn của
Ngài hơn. Tác giả Jean-Paul Ribes là một người thật khiêm tốn và vô cùng
kín đáo, không bao giờ tự nhận mình là một người tu hành, tuy nhiên qua
một số tư liệu hiếm hoi người ta biết được ông là đệ tử của nhà sư
Kalou Rinpoché, và ông cũng là một trong những người Pháp đầu tiên vượt
đường bộ từ Katmandu (Nepal) lên Lhassa (Tây Tạng) năm 1985, trong một
giai đoạn thật khó khăn dưới sự kiểm soát chặt chẽ của các đạo quân
Trung Quốc. Tóm lại nghị lực hay sự kiên nhẫn/kshanti không những là một
phẩm tính mà tác giả xem là cao nhất trong số sáu phẩm tính ba-la-mật
giúp vào việc phát động tinh thần phi-bạo-lực, mà còn thật hết sức cần
thiết trong việc tu tập nói chung. Ngày nay dường như cũng khó cho mỗi
người chúng ta để tìm được một vị thầy uyên bác có thể thổi Đạo Pháp vào
con tim mình, do đó chính mình phải mượn sự kiên nhẫn và nghị lực giúp
mình giữ gìn tinh thần phi-bạo-lực và mang Đạo Pháp của Đấng Thế Tôn tự
thổi vào con tim mình để tạo ra sức sống cho chính mình. Đấy cũng là lời
dặn dò cuối cùng của Đức Phật: "Các con hãy xem Đạo Pháp là vị Thầy của
mình và xem mình là ngọn đuốc soi sáng cho chính mình". Dưới một góc
cạnh nào đó thì thái độ ấy - những lời khuyên nhủ ấy - cũng là một cách
giữ gìn tinh thần phi-bạo-lực sâu xa nhất và hiệu quả nhất. Khi nào còn
hướng vào một sức mạnh bên ngoài dù là dưới hình thức tín ngưỡng hay
chính trị thuộc bất cứ một hệ tư tưởng nào, một khuôn mẫu xã hội nào,
một quyền lực nào thì khi đó sẽ khó mà tránh mọi thứ khó khăn xảy ra)
Nếu xem Phật Giáo như một triết thuyết hay một tôn giáo đơn thuần,
thì đấy cũng chỉ tương tự như một gáo nước mát. Trái lại một khi được
mang ra thực hành nhờ vào các phép thiền định, sự học hỏi và các lời
truyền thụ [từ một vị giảng huấn uyên bác], thì Phật Giáo sẽ biến thành
cả một địa giới mênh mông để tha hồ mà khám phá. Chẳng phải là các điều
ấy cũng có thể áp dụng cho nền hòa bình [trên thế giới] và tinh thần
phi-bạo-lực hay sao?
(nếu hòa bình và phi-bạo-lực chỉ là các khẩu hiệu hô hào thì chẳng có
ích lợi gì cả, nếu mang ra thực hành và áp dụng trong mọi sinh hoạt xã
hội thì tất sẽ mang lại một ngưồn hứng khởi lớn lao và một sự hợp tác
phong phú và đạo đức giữa con người với nhau).
Chỉ khi nào thật sự bước vào việc tu tập và đắm mình vào đó, thì các thể
dạng tẻ nhạt, những sự thích thú lặt vặt, thậm chí kể cả những sự lười
biếng nho nhỏ thường chi phối chúng ta, cũng sẽ tan biến hết.
Việc kiến tạo hòa bình và xây dựng tinh thần phi-bạo-lực không thể thực
hiện được hay đạt được trong một ngày. Trên phương diện tổng quát, Phật
Giáo dù có duy trì được các khía cạnh sinh hoạt của nó và khơi động lại
theo một định kỳ nào đó, thì cũng không tránh khỏi những sự thất bại,
các khía cạnh mờ ám, các thể chế hung bạo, các kẻ về hùa, những người tu
hành che dấu những sự tàn ác [của kẻ khác]
(qua dòng lịch sử phát triển, Phật Giáo cũng khó tránh khỏi những lúc bị
ngược đãi, những cảnh thất bại, những kẻ lợi dụng. Kiến tạo hòa bình và
xây dựng tinh thần phi-bạo-lực đòi hỏi sự kiên trì và một sự cố gắng lâu
dài, tương tự như phép luyện tập tonglen!).
Dầu thông điệp [Phật Giáo] luôn là một thông điệp hòa bình và đôi khi có
thể ngăn chận được chiến tranh, thế nhưng về phần con người (kể cả Đức
Phật!) cũng có thể gặp phải thất bại. Vì thế có nên tự hỏi là phải quên
đi bản thân mình để vun xới tinh thần hòa bình hay không?
(Dù tinh thần phi-bạo-lực là bản chất thâm thúy của Phật Giáo, thế nhưng
Phật Giáo đôi khi cũng không thể nào mang lại hòa bình được khi mà con
người chỉ muốn chiến tranh. Mahatma Gandhi, đã quên mình vì lý tưởng hòa
bình và bất-bạo-lực, thế nhưng sau khi dành lại được độc lập cho xứ sở
vào năm 1947 thì tình thế - dưới bàn tay của những kẻ ngoại bang - lại
đưa đến sự chia cắt giữa nước Ấn và nước Pakistan, đó là một sự thất bại
thật cay đắng cho riêng ông và thật đau thương cho toàn thể các dân tộc
trong toàn vùng. Gandhi bị ám sát năm 1948).
Đối với một người tu tập Phật Giáo thì cũng nên thường xuyên lập đi lập
lại với họ một điều là
ahimsa (tinh thần phi-bạo-lực) không nhất thiết chỉ là một phương
pháp để luyện tập hay một con đường để khám phá, mà còn là cả một thể
dạng tâm thần để thực hiện, để mang ra áp dụng và chia sẻ với tất cả mọi
người.
Vài lời ghi chú của người dịch
Điểm nổi bật nhất trong bài viết trên đây là không những tác giả đã mổ
xẻ thật sâu sắc tinh thần phi-bạo-lực trong giáo lý Phật Giáo mà còn gửi
gấm đến người đọc tất cả hoài bảo của mình qua những phép luyện tập đã
học được.
Điểm đáng chú ý thứ hai là tác giả đã nhận thấy được tinh thần
phi-bạo-lực tàng ẩn kín đáo trong phép luyện tập tonglen của Kim Cương
Thừa và cả trong toàn bộ giáo lý Đại Thừa nói chung. Không những ông đã
nhìn thấy được cái tinh thần đó một cách tuyệt vời trong phép luyện tập
tonglen mà cả trong các khái niệm về "sáu phẩm tính ba-la-mật", "tứ vô
lượng"..., và cả trong các vần thơ của Tịch Thiên. Thật vậy tình thần
phi-bạo-lực tuy bàng bạc trong toàn bộ giáo huấn của Đức Phật thế nhưng
cũng khá khó để nhận biết trong Đại Thừa Phật Giáo khi mà thừa này chủ
trương một đường hướng tu tập mang tính cách nhập thế.
Dường như tinh thần phi-bạo lực tương đối dễ cảm nhận hơn qua phong thái
của Thiền Học nói chung khi chủ trương sự yên lặng tuyệt đối của tâm
thức và qua cách quán nhìn vào bản chất "chỉ là như thế" của hiện thực,
và cho rằng sự giác ngộ cũng chỉ đơn giản là cách ngồi xuống thật im
trước một bức tường yên lặng và phẳng lì. Thật vậy không có gì có thể
biểu trưng cho tính cách phi-bạo-lực trong Phật Giáo bằng sự yên lặng.
Chẳng phải là người ta vẫn thường gọi Đức Phật là Đấng Tịch Tĩnh hay
sao?
Sự im lặng đó không chỉ có nghĩa là không nói năng, hô hào, kêu gọi hay
vung tay vung chân, mà là một sự im lặng hay phẳng lặng trong tâm thức
của người tu hành. Thế nhưng sự im lặng đó không hề phản ảnh một sự khô
cằn và vô cảm nào cả, mà đúng hơn là tương tự như một đài hoa thơm ngát
hé mở ra một không gian vô tận để đón nhận thiên nhiên, sự sống, con
người và tất cả chúng sinh.
Thật vậy trong cuộc sống thường nhật chúng ta luôn bị tấn công bởi
bạo-lực dưới mọi hình thức: từ quảng cáo, báo chí, tuyên truyền, ca hát,
các khu giải trí...với đủ thứ màu sắc và âm thanh, đấy là chưa nói đến
những sự xao động và các thứ xúc cảm dấy lên trong chính tâm thức mình.
Tất cả đều là bạo-lực. Những sự tấn công đó đôi khi rất kín đáo và nguy
hiểm. Chẳng hạn mỗi khi theo dõi tin tức trên truyền hình và nhận thấy
người đọc tin có một ánh mắt tán đồng hay khinh thị, một nụ cười nhẹ hay
thoáng cau mày khi đang đọc một mẫu tin nào đó, thì đấy cũng là một hình
thức bạo-lực (người xướng ngôn viên thường được chọn với tiêu chuẩn là
phải đứng vào phía của những người lãnh đạo chính trị), khi trông thấy
các tấm bích chương hay một đoạn phim quảng cáo một món ăn hay một chiếc
xe hơi, thì nhất định là phải kèm theo hình ảnh một cô gái ăn mặc hở
hang, phấn son lòa loẹt, đấy cũng là một hình thức bạo-lực.
Ngồi xuống để thiền định là giúp cho những cánh hoa của con tim mình nở
rộ ra để gạt bỏ những sự tấn công tới tấp mang tính cách bạo-lực thật
kín đáo đó, hầu mang lại cho mình một sự im lặng thật đúng nghĩa và thâm
sâu của nó.
Bures-Sur-Yvette,
16.01.15
Hoang Phong chuyển ngữ
(độc giả có thể tham khảo bản gốc của bài này bằng tiếng Pháp trên trang
mạng Buddhachannel:
http://www.buddhachannel.tv/portail/spip.php?article3963)