Lịch sử Phật giáo Chăm nên được coi là một phần của lịch sử Phật giáo Việt Nam

lich su

Minh Thạnh

1)     Lịch sử Phật giáo Chăm nên được coi là một phần của lịch sử Phật giáo Việt Nam

Với sự phát triển của khoa học xã hội, những quan điểm mới đã được triển khai trong nghiên cứu lịch sử văn học, nghiên cứu lịch sử mỹ thuật… Theo đó, lịch sử văn học, lịch sử mỹ thuật… của các dân tộc anh em sống trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có dân tộc Chăm.

Đi vào cụ thể, lịch sử mỹ thuật Chăm chẳng hạn được coi là một phần của lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Quan điểm như thế là rất rõ ràng qua cách thể hiện hình ảnh tháp chăm, các cổ vật Chăm như là những giá trị của nghệ thuật Việt Nam…

Nhưng dường như các nhà nghiên cứu lịch sử Phật giáo chưa đi đến quan điểm thống nhất về việc xem lịch sử Phật giáo Chăm là một phần của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Trong cái nhìn của nhiều nhà nghiên cứu Phật giáo Việt Nam, Phật giáo Chăm được xem như Phật giáo một nước ngoài, hơn là một bộ phận của Phật giáo Việt Nam theo một quan điểm rộng hơn, nhìn nhận lịch sử các dân tộc anh em sống trên lãnh thổ Việt Nam chính là một phần cấu thành lịch sử Việt Nam.

Do đó, chúng tôi đề xuất với tăng ni Phật tử Việt Nam quan điểm mới, xác định lịch sử Phật giáo Chăm là một bộ phận của lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Khi nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam không thể bỏ qua lịch sử Phật giáo Chăm. Một nền Phật giáo đã từng phát triển rực rỡ trên lãnh thổ Việt Nam và nghệ thuật Chăm phát triển từ Phật giáo đã được coi là một phần của nghệ thuật Việt Nam.

Dân tộc Chăm hiện nay là một trong 64 dân tộc anh em sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, vì vậy, dù rằng Phật giáo đã hoàn toàn tiêu vong ở dân tộc Chăm, nhưng việc đi đến quan điểm như thế là tương tự với quan điểm xem Phật giáo Khmer Tây Nam Bộ là một phần không thể tách rời của Phật giáo Việt Nam, lịch sử Phật giáo Khmer Tây Nam Bộ là bộ phận hợp thành lịch sử Việt Nam.

2)     Phật giáo Chăm đã phát triển trong hơn 1000 năm

Căn cứ vào bia Phật giáo Chăm, đặc biệt là bia Võ Cạnh, gọi theo tên nơi tìm thấy là làng Võ Cạnh, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, niên đại lập bia cuối thế kỷ II, đầu thế kỷ III, các nhà khoa học phỏng đoán rằng Phật giáo có thể được truyền bá vào Chăm pa vào khoảng thế kỷ I sau Công nguyên.

Theo học giả Pháp L. Finot, nội dung bia là lời quốc vương nhận thức về lẽ vô thường của cuộc đời, về lòng từ bi với chúng sinh, tức là những nguyên tắc cơ bản của đạo Phật. Thế kỷ I sau CN là giai đoạn phát triển của văn hóa Ấn Độ sang đất nước lân cận.

Tuy nhiên, đường biển và đường bộ từ Trung Hoa cũng được xem là một hướng mà đạo Phật được hoằng hóa ở Chăm pa, vì dấu ấn Phật giáo Đại Thừa với các tượng Bồ Tát (Lokesvara).

Chăm-pa là một quốc gia trải đọc ven biển, có nhiều cảng, vì vậy giao thông biển rất phát triển, bờ biển và các cảng biển Chăm-pa là cửa ngõ đón nhận sự hoằng hóa của Phật giáo.

Học giả Pháp George Coedes cho rằng, đến thế kỷ III, Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ ở vùng mà ngày nay là Nha Trang. Thời kỳ này Phật giáo là tôn giáo của triều đình.

Một trung tâm Phật giáo Chăm khác đã có thể là khu vực Ninh Thuận, lúc bấy giờ là xứ Panduranga.

Cho rằng Phật giáo đến Chăm-pa từ nhiều hướng như thế vì các tượng Phật Chăm tìm được có tượng được coi là mang phong cách Ấn Độ, có tượng thì có vẻ lại chịu ảnh hưởng Trung Quốc.

Các di vật, nhất là tượng Phật, Bồ tát cho thấy Phật giáo Chăm hưng thịnh liên tục vào các thế kỷ sau đó. Ngoài di vật, đặc biệt có việc ghi nhận hang động được người Chăm sử dụng thờ Phật.

Tượng Phật, bia Phật, hang động thờ Phật đã tạo nên diện mạo Phật giáo Chăm hơn 10 thế kỷ.

Hai trung tâm Phật giáo lớn trên lãnh thổ Việt Nam là Luy Lâu (nay thuộc Bắc Ninh) và khu vực nay thuộc khoảng Nha Trang tương đồng về thời gian phát triển hưng thịnh.

Năm 875, một trung tâm Phật giáo lớn được hình thành còn lưu di tích đến ngày nay là Phật viện Đồng Dương.

Sách Việt Nam Phật giáo Sử luận của tác giả Nguyễn Lang cho chúng ta biết năm 1069, vua Lý Thánh Tông đã phát hiện khi đưa từ Chăm-pa về nước Thiền sư Thảo Đường từ đó lập một dòng thiền mới tại Đại Việt. Phật giáo Chăm được coi là một hướng hoằng pháp vào Đại Việt. Trước đó, thì vua Lê Đại Hành cũng đưa từ Chăm về một thiền sư Ấn Độ.

Phật Viện Đồng Dương trong thực tế là một trung tâm Phật giáo quốc tế. Phật giáo Chăm đã thu hút được Sư tổ Trúc Lâm Yên Tử đến vân du vào năm được ghi là 1301.

Tuy không còn kiến trúc, nhưng di vật tượng Phật, bệ thờ, nền móng cho thấy trung tâm Phật giáo Đại Thừa này tạo thành một đỉnh cao hưng thịnh mới cho Phật giáo Chăm.

Sự hưng thịnh của Phật giáo Chăm kéo dài khoảng hơn 1000 năm. Sự suy vong của Phật giáo Chăm kéo dài qua nhiều thế kỷ cho đến thời điểm người Chăm cải đạo sang Hồi giáo thế kỷ XVI-XVII. Nhưng trước đó là quá trình phát triển của đạo Bà La Môn.

3)     Điều rất đáng suy nghĩ là nguyên nhân suy vong của Phật giáo Chăm

Tuy phát triển rực rỡ, nhưng Phật giáo Chăm đã đi vào suy thoái, đến mức tiêu vong hoàn toàn, hầu như không để lại dấu vết gì trong đời sống tinh thần của người Chăm hiện nay.

Bản dịch tóm tắt bài viết “Bàn thêm về thời điểm người Chăm ở Việt Nam theo Islam giáo”, của tác giả Nguyễn Bình, đăng trên tạp chí “Nghiên cứu Tôn giáo” số 06 (132), 2014 đã dùng từ “converted” nghĩa là cải đạo.

Trong cùng số tạp chí trên, tác giả Quảng Văn Sơn, với bài viết “Phật giáo Champa từ tư liệu đến nhận thức” đã nêu lên những nguyên nhân. Điều đáng nói là quá trình cải đạo của người Chăm, tuy chịu tác động của nhiều nguyên nhân, trong đó có tác động ngoài nước nhưng không thấy có việc ghi nhận cải đạo bằng bạo lực. Người Chăm đã cải đạo trong sự lựa chọn, khác với trường hợp cải đạo sang Hồi giáo ở nhiều nơi trên thế giới, cải đạo dưới tác động của bạo lực.

Vì vậy, sự suy tàn và tiêu vong của Phật giáo Chăm, rất đáng được nghiên cứu, và nghiên cứu như một bộ phận của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Nghiên cứu việc cải đạo của người Chăm giúp chúng ta hiểu được sự thịnh suy của Phật giáo trên một khu vực của lãnh thổ Việt Nam.

Việc cải đạo dưới áp lực của sự đe dọa, cưỡng bức đơn giản, dễ hiểu, cũng như ít có giá trị tham khảo cho đời sau so với cải đạo tự lựa chọn, bằng truyền bá phi bạo lực. Sự tiêu vong Phật giáo Chăm cần được tìm hiểu trên tinh thần như vậy.

Dưới đây là toàn văn phần kết luận về nguyên nhân tiêu vong của Phật giáo Chăm của nhà Chăm học Quảng Văn Sơn, trong tài liệu đã dẫn. Nội dung bình luận đối với những luận điểm được nêu ở đây sẽ được trình bày trong bài 2.

“Nguyên nhận sự tiêu vong của Phật giáo Champa

Sau một thời kỳ dài hưng thịnh, Phật giáo Champa dần bị tiêu vong. Sự tiêu vong của Phật giáo Champa, theo chúng tôi, do các nguyên nhân khách quan và chủ quan sau đây:

Về nguyên nhận chủ quan: Thứ nhất, nhà nước Champa được tổ chức theo thể chế liên bang, mà nhiều nhà khoa học gọi là Mandala, chứ không trung ương tập quyền như Đại Việt và Trung Hoa. Vì vậy, sự thay đổi vị trí của các tiểu vương trong việc nắm quyền lãnh đạo vương quốc Champa dẫn đến tư tưởng có thể thay đổi. Điều này thể hiện cụ thể trong lịch sử vương quốc này. Nếu như thời kỳ Indrapura, Phật giáo chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống chính trị xã hội, thì đến thời kỳ Vijaya, tôn giáo này mất dần ảnh hưởng và đi đến tiêu vong. Thứ hai, cộng đồng xã hội người Chăm bị chi phối rất lớn bởi tôn giáo. Điều kiện này góp phần dẫn đến việc Phật giáo chấm dứt sự tồn tại của mình. Người dân có thể theo Phật giáo, Bà La Môn giáo hoặc Islam giáo. Thứ ba, Phật giáo Champa không có vai trò to lớn như Bà La Môn giáo trong việc củng cố sự thống trị của vương quyền và thần quyền. Bà La Môn giáo chủ trương phân chia đẳng cấp nhằm duy trì sự ổn định xã hội, trong khi đó Phật giáo quan niệm ngược lại, nên xảy ra sự mâu thuẫn giữa hai tôn giáo này. Sự mâu thuẫn làm cho hai tôn giáo không thể chung sống một cách hòa bình, dẫn đến sự tiêu vong của Phật giáo. Thêm nữa, người Chăm có sự nhạy bén trong tiếp nhận văn hóa ngoại lai, bởi họ là cư dân biển, thương nghiệp phát triển chứ không như văn hóa Đại Việt tĩnh tại. Nền văn hóa Chăm mang tính chất động như vậy, cho nên năng lực tiếp nhận rất lớn và dễ thay đổi.

Về nguyên nhân khác quan: Các cuộc chiến tranh với Đại Việt góp phần làm mất dần vai trò Phật giáo Champa. Champa và Đại Việt trong lịch sử đã nhiều lần xung đột với nhau, làm cho vương triều Indrapura bị xóa sổ, dẫn đến việc Phật giáo Champa không còn chiếm địa vị thống trị nữa. Bên cạnh đó, sự xâm nhập của Islam giáo làm cho trung tâm Phật giáo lớn ở Đông Nam Á là Indonesia sụp đổ. Phật giáo Champa cũng nằm trong xu hướng nêu trên. Việc tiêu vong của Phật giáo Champa còn do sự chấn hưng Bà La Môn ở Ấn Độ và sự tác động mạnh mẽ của tôn giáo này đến Champa.

Ngoài ra, Phật giáo đưa vào người Chăm những triết lý cao siêu, phong cách nghệ thuật và kiến trúc Phật giáo độc đáo, nhưng cũng làm tăng thêm tính bảo thủ, thụ động, và an phận vốn có ở tộc người này. Đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm cho vương quốc Champa dần suy thoái, Phật giáo ở vương quốc này cũng dần tiêu vong”.

MT

Thông tin, thảo luận, phản hồi riêng và các bài tranh luận đặc biệt: vinasat132@yahoo.com, vi-vn.facebook.com/cusiminhthanh.

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle