Đối với riêng tôi, quả thật tôi cũng không dám tự nhận là mình đã đạt được
tâm thức Giác Ngộ - hay Bồ Đề Tâm -, một phẩm tính mà tôi luôn ngưỡng mộ. Dầu
sao thì tôi cũng có cảm giác rằng sự ngưỡng mộ ấy đã mang lại cho tôi sự phong
phú và một nguồn nghị lực lớn lao, và cũng là nền móng giúp tôi xây dựng tất cả
những niềm hạnh phúc của tôi; và cũng chính là nhờ vào những niềm hạnh phúc đó
mà tôi có thể hội đủ khả năng để giúp đỡ những người khác cũng được hạnh phúc
như tôi, và đối với riêng tôi thì tôi cũng cảm nhận được một cảm tính toại
nguyện và hài lòng nào đó. Tôi hoàn toàn
hy sinh cho lý tưởng vị tha ấy và tôi nguyện sẽ luôn trung thành với lý tưởng đó
- dù cho tôi đang ốm đau hay khoẻ mạnh, dù trong lúc tuổi già hay khi nhắm mắt -
tôi tin chắc rằng tôi sẽ không bao giờ đánh mất lòng tin đối với lý tưởng đó,
một lý tưởng mà lúc nào tôi cũng mến phục thật sâu xa. Này các
bạn, tôi mong các bạn nên cố gắng đến gần với Bồ Đề Tâm, càng gần càng tốt.
Nếu có thể thì các bạn cũng không nên ngần ngại dốc hết nỗ lực để làm hiện ra
trong nội tâm mình lòng nhân ái và từ bi.
Việc phát huy tâm thức Giác Ngộ đòi hỏi nhiều năm luyện
tập thiền định - có khi suốt cả đời người. Thực hiện tâm thức Giác Ngộ không chỉ
có nghĩa là hiểu được Bồ Đề Tâm là gì trên phương diện trí thức đơn thuần, cũng
không phải là cách phát lộ mang tính cách trực giác về một sự mong cầu nào đó,
chẳng hạn như: "Mong sao cho tất cả chúng sinh có giác cảm đạt được Giác Ngộ
hoàn hảo". Thực hiện tâm thức Giác Ngộ là một điều nên làm,
bởi vì không có một phép tu tập Dhamma
(Đạo Pháp) nào có thể sâu xa hơn. Vì thế chính Tịch Thiên cũng
đã nói lên như sau:
Tiết
I.10. Việc tu tập ấy sẽ biến thân xác ô uế này trở thành một biểu tượng bằng
vàng ròng vô giá của một vị Phật. Hãy cầm thật chặt trong tay bát thuốc mầu
nhiệm này, tên của bát thuốc ấy là Tư Duy Giác Ngộ!
Suy tư một cách hời hợt về Bồ Đề Tâm cũng không phải là
chuyện quá khó, thế nhưng cũng chẳng phải là hấp dẫn lắm.
Các phép thiền định tan-tra (các phép thiền định của
Kim Cương Thừa) dựa vào các mạn-đà-la (các biểu đồ biểu trưng cho sự thiêng liêng của các vị thần
linh, nhằm giúp cho việc thiền định) và các thần linh có thể là những gì thật huyền bí đối với quý
vị, và cũng chính vì thế nên các thứ ấy cũng có vẻ hấp dẫn hơn đối với quý vị.
Thế nhưng chỉ khi nào bước vào con đường tu tập thật sự thì Bồ Đề Tâm mới cho
thấy tính cách vô tận của nó. Không bao giờ Bồ Đề Tâm mang lại sự thất vọng hay
thối chí, trong khi đó các phép thiền định dựa vào các vị thần linh, việc tụng
niệm man-tra (các câu thần chú mang tính
cách thiêng liêng) hay các cách tu tập khác, đôi khi cũng có thể mang lại sự
thất vọng, bởi vì chúng ta thường hay đặt quá nhiều tham vọng vào các cách tu
tập ấy. Sau nhiều năm tu tập, biết đâu chúng ta cũng có thể thốt lên rằng: "Mặc
dù chuyên cần thiền định dựa vào các vị thần linh và thường xuyên tụng niệm tất
cả các câu man-tra, thế nhưng tôi chẳng thấy một chút tiến bộ nào cả, cũng chẳng
phát hiện được một kinh nghiệm cảm nhận thần bí nào". Trái lại
phép luyện tập Bồ Đề Tâm không bao giờ đưa đến những thất vọng như thế.
Việc thực hiện Bồ Đề Tâm đòi hỏi một thời gian luyện
tập lâu dài.
Thật hết sức quan trọng là ngay từ khi mới bắt đầu đạt được một ít kinh nghiệm
thì phải phát lộ ngay sự quyết tâm của mình bằng cách xướng lên những lời ước
vọng dưới sự chứng kiến của một vị đạo sư (tức một vị
thầy tu tập tan-tra) hay một vị đại diện cho Đức Phật (có nghĩa là với bất cứ một vị xuất gia hay tại gia nào, tương
tự như trường hợp khi quy y). Quyết tâm đó sẽ làm gia tăng thêm khả năng thực hiện Bồ Đề
Tâm của mình. Việc thệ nguyện thực hiện Bồ Đề Tâm được đánh dấu bởi một nghi lễ
đặc biệt, mục đích của nghi lễ là tạo dịp cho chúng ta xác nhận trước mặt một vị
thầy lòng quyết tâm của mình mong sao đạt được Giác Ngộ hầu giúp mình hội đủ khả
năng để mang lại sự an lành cho tất cả chúng sinh.
Phần thứ nhất của nghi lễ xoay quanh việc khơi động ước
vọng thực hiện Bồ Đề Tâm. Phát huy ước vọng vị tha mong cầu đạt
được Phật Tính vì sự an lành của tất cả chúng sinh, là cách nói lên sự cam kết
của mình là sẽ không từ bỏ, cũng không lơ là trước ước vọng đó, chẳng những
trong kiếp sống này mà cả trong những kiếp sống tương lai. Nếu
muốn giữ được những lời cam kết ấy thì phải tuân thủ một số giới luật. Phần thứ hai của nghi lễ sẽ được tổ chức xoay quanh việc phát nguyện
của người Bồ-tát; phần nghi lễ này chỉ được tổ chức cho những ai đã thật sự khơi
động được ước vọng của mình trong phần thứ nhất của nghi lễ trên đây.
Sau khi đã phát nguyện, dù muốn hay không và dù điều ấy
có mang lại một sự thích thú hay không, thì cũng phải xem những ước vọng ấy quý
giá hơn mạng sống của chính mình.
Nếu muốn giữ được sự cam kết đó (tức là ước vọng đạt được Phật Tính để thành Phật vì sự an lành
của tất cả chúng sinh) thì quyết tâm của mình phải vững chắc
như một quả núi; và nhất là ngay từ lúc này quý vị phải tuân thủ các giới luật
của người Bồ-tát (có một số
giới luật mà người Bồ-tát phải có bổn phận tuân thủ nhằm mục đích mang lại sự an
lành cho chúng sinh, sơ đẳng nhất là không sát sinh chẳng hạn) và chọn một cuộc sống phù hợp với
việc tu tập nhằm giúp mình hướng vào sự Giác Ngộ.
Tất nhiên cũng sẽ có một số người
đọc quyển sách này không phải là những người Phật Giáo thuần thành. Một số khác tuy là người Phật Giáo thế nhưng cũng có thể cảm thấy
không thích chọn cho mình các ước vọng của người Bồ-tát, nhất là bước vào giai
đoạn thứ hai của nghi lễ. Nếu quý vị nghĩ rằng mình
không đủ khả năng tuân thủ các giới luật của người Bồ-tát thì không nên phát
nguyên. Tuy nhiên điều đó cũng không ngăn cấm quý vị khơi động lòng nhân
ái của mình để cầu mong cho tất cả chúng sinh có giác cảm đều được hạnh phúc và
xin cho mình hội đủ được khả năng đạt được sự Giác Ngộ vì sự
an lành của kẻ khác. Làm được như thế cũng đủ: đó cũng là cách giúp quý
vị thừa hưởng những điều xứng đáng do Bồ Đề Tâm mang lại, mà không cần phải tuân
thủ các giới luật (xin thận trọng không nên hiểu câu này một
cách lệch lạc: có nghĩa là muốn làm gì thì làm và chỉ cần mong cầu sao cho tất
cả chúng sinh đạt được hạnh phúc là cũng đủ khiến cho mình trở thành một con
người đạo hạnh và sẽ đạt được Giác Ngộ. Nếu vô minh, hận thù và tham vọng vẫn
còn chi phối hành động và tư duy của mình khiến mình không sao tuân thủ được
giới luật thì cũng nên nghĩ đến sự an lành và hạnh phúc của kẻ khác. Điều đó sẽ
dần dần sẽ khiến mình đến thức tỉnh và giúp mình bước vào con đường đạo đức, và
từ đó sẽ mở ra cho mình một bầu không gian ngập tràn yêu thương, sự hy sinh và
lòng từ bi đích thật. Trong bầu không gian đó sẽ hiện ra với mình con đường
thênh thang của người Bồ-tát, và mình sẽ không còn nghĩ đến việc quay trở về với
con đường chật hẹp của mình trước đây nữa). Theo cách đó quý vị
sẽ ít bị rơi vào tình trạng bất chấp đến giới luật hơn.
Nếu không muốn phát nguyện thì quý vị cũng có thể chỉ cần khơi động ước vọng
trổi lên bởi Bồ Đề Tâm. Dầu sao tất cả cũng tùy vào sự
nhận định của quý vị.
Thúc đẩy bởi lòng ước vọng giải thoát cho tất
cả chúng sinh,
Tôi xin quy y
Nơi Phật, Đạo Pháp và Tăng Đoàn,
Cho đến khi nào đạt được Giác Ngộ hoàn hảo.
Thúc dục bởi trí tuệ và lòng từ bi,
Hôm nay trước mặt Phật,
Tôi xin khơi động trong tôi tâm thức Giác Ngộ,
Vì sự an lành của tất cả chúng sinh.
Khi nào không gian còn tỏa rộng,
Khi nào chúng sinh còn hiện hữu,
Thì tôi sẽ còn cầu xin vẫn được còn đây,
Để làm tan biến khổ đau của thế gian này.
(Quển sách nói về trí tuệ thế nhưng lại chấm dứt bằng cách
tu tập về lòng từ bi. Thật vậy đối với Phật Giáo trí tuệ và
từ bi, từ bi và trí tuệ, luôn phải đi đôi với nhau. Tu tập từ
bi không trí tuệ thì cũng chẳng khác gì như những sự sinh hoạt giải trí cho vui.
Phát huy trí tuệ không từ bi thì cũng chẳng khác gì những trò kênh kiệu, tự mãn,
ngây thơ và lố bịch)
Trích từ sách ‘Tu Tuệ’,
Hoang Phong dịch