Nguyên Hạnh
(Nhận xét về cuốn
Lời kinh xưa, buổi sáng này)
Với văn phong nhẹ nhàng, với các hình ảnh thiên nhiên, tỉnh vật, với các điều mà
tâm thân tác giả tâm cảm hay ứng cảm từ ngoại cảnh, với các ví dụ trí tuệ của
chính mình hay của các thiền sư, thức giả, tác giả đã hoàn thành một tác phẩm
giá trị và hấp dẫn. NH muốn nói đến sức thuyết phục của cuốn sách, ở chỗ
được viết với văn phong, văn ý của một thiền sinh chứ không phải từ một thiền sư,
một đạo sĩ; của một thiền sinh tu tập nhuần nhuyễn, kiến thức thiền học, thiền
hành lại dồi dào. Sách tạo cho độc giả niềm lạc quan và thêm
tự tin rằng thiền không phải là tôn giáo bí nhiệm, là thiền giáo khó hiểu, là
thiền pháp khó thực hành mà chỉ các thiền sư, cao tăng mới tu luyện được.
Không, sách của NDNhiên là một khẳng định khả tính dễ dàng tu tập và những lợi
lạc do Thiền đem lại nếu hành giả bất cứ ai chịu tu tập đúng cách và chuyên cần.
ảnh minh họa
Trong tủ sách Phật học, Thiền học tiếng Việt hay tiếng ngoại quốc, sách do các
cao tăng, thiền sư, thiền gia, học giả bàn luận về thiền hay dạy thiền có rất
nhiều. Trong số sách phong phú đó cũng có nhiều tác
phẩm chuyên chú về các cuộc hành trình tầm sư học đạo, hành trạng uyên mật của
các đại tăng tổ, các đạo sư danh tiếng (Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng).
Sách viết ra từ kinh nghiệm tu tập của một thiền sinh như NDNhiên là điều hiếm
quý, viết bằng tiếng Việt càng hiếm quý hơn. Tác phẩm của những người tu
tập thiền, dạy thiền như cụ Trần Văn Kha, chỉ dịch lại các bài học yoga đã có,
như cư sĩ Mật tông Mật Nghiêm với Mật Tông Vấn Đáp, Đạo Làm Đời Sống Nở Hoa,
chỉ sơ dẫn giáo nghĩa thiền mật, Phật pháp căn bản hơn là giáo hành, thiền hành,
như cố giáo sư, văn sĩ kiêm kịch tác gia Vũ Khắc Khoan với tác phẩm
Đọc Kinh chỉ nêu lên những suy niệm về Tánh Không, như nhà văn kiêm biên
khảo gia Doãn Quốc Sĩ với Về Thiền chỉ góp nhặt và dịch lại các tiểu phẩm
đối thọai của các thiền sư Nhật, Hoa và môn đồ, như dịch giả Phạm Huê chuyển tác
một phần tác phẩm Hảo Tuyết Phiến Phiến ra Giai Thoại Thiền Sư
cũng chỉ là sao lục các công án Thiền tông Trung Hoa. Có thể nói khó tìm kiếm
cho ra một tác phẩm tinh tế trong thuật sự và chân thiết trong sách tấn hành
thiền, dưới cái nhìn, cảm nhận và kinh lịch của một thiền sinh như NDNhiên;
ngoại trừ những bài viết rãi rác, tản mạn của các thiền sinh trên các báo chí,
nội san không đủ tạo nên một cái nhìn nhất quán, đầy đủ và hấp dẫn để hiểu Thiền
và hành Thiền.
Trong một số sách
của Sư Ông Nhất Hạnh cũng có vài cuốn nhân nói về sinh hoạt Làng Mai, Làng Hồng,
cũng có trích đăng một số bài viết của các tăng nhân có các pháp danh giống nhau
ở chữ đầu tiên là Chân. Dù các bài này cũng nói lên kinh nghiệm an lạc, tươi mát
(tôi chưa dám nói đến chữ tỉnh thức ở đây, tôi tin rằng chưa thiền sinh nào, dù
là chúng tăng, dám bảo mình đã đạt được tỉnh thức) khi tu tập chánh niệm trong
hít thở và bốn oai nghi, nhưng có sức thuyết phục của các bài đó cũng không cao
bằng những điều NDNhiên nói ra. Bởi lẽ, các sư chú, sư cô họ Chân, dầu sao cũng
đang tu tập trong môi trường viện tự trầm lắng, nghiêm tịnh,nơi mà không có,
hoặc có rất ít hay đã giảm trừ những tiếp xúc tế nhuyễn của cuộc sống đời thường;
trong khi NDNhiên, một thiền sinh cư sĩ, biết mình phải tu tập ra sao, không
những tại đạo tràng thiền lâm mặc tịnh mà còn trên bồ đoàn tại gia giữa vợ con
quây quần hay ngay cả trong giao tế xã hội đa tạp mà anh phải xem như một
siêu đạo tràng, phải đối xử bất cứ ai như trong tăng thân. Bởi thế tiếng nói
của NDNhiên gần gủi, thân tình, chân thành, dễ mến, dễ tin cậy hơn, ở chỗ: “Điều
gì thiền sinh phật tử hay cư sĩ NDNhiên làm được, tức các phật tử, cư sĩ bình
thường cũng có thể làm được.”
Chính vì thế tôi yêu NDNhiên ở những lời tỏ bày thiết thân với văn phong đầy
tình bằng hữu, thiền hữu hơn là thấp thoáng chút hơi hướng giáo thọ, hay thiền
huynh. Tôi mến mộ những chữ: “bạn hở”, “bạn nhỉ”, “bạn nhé”, “bạn có nghĩ
vậy không”, “bạn có bao giờ”, “tôi muốn góp ý”…, hơn là những chữ: “bạn hãy”,
“bạn đừng”, “chúng ta phải ý thức”…… Có nhiều thí dụ và kiến thức của NDNhiên
nêu lên một số lấy từ sách vở của các bậc tiên hành hay thuật dịch lại, nhưng
được tác giả cô đọng và đưa vào rất khéo léo, làm rõ ý, rõ nghĩa điềù tác giả
nhắm trình bày. Những thí dụ khác do chính tác giả kinh lịch cũng thật quý báu,
đẹp như những đóa hoa do chính tác giả chăm bón và trỗ nụ trong khu vườn thiền
mà tác giả đã ước nguyện lưu cư dài lâu hay suốt đời.
Những phong cảnh,
cây lá thiên nhiên, sỏi đá, qua ngòi bút của NDNhiên đã thành đầy ắp sức sống,
cái sống tự tại, an lành, vô nhiễm. Tác giả đã dùng chúng để giúp người đọc tâm
lãnh những phép hành thiền ngay trong cuộc sống thường nhật, nhìn ngó lại chính
mình để nhận biết mình không phải là cái Tôi ốc đảo, mà là cái Tôi tương quan
hằng hữu với muôn loài. Cũng từ đó chúng ta sẽ nhận ra chẳng còn cái Tôi nào cả.
Ngoại cảnh hiện tiền, có sẵn bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào, với các thiền sư,
là bài học mầu nhiệm cho chánh niệm tỉnh giác về cái đang là, bây giờ.
NDNhiên đã diễn bày
bài học đó thật dễ dàng, trong sáng; và tác giả độc đáo dùng lời văn nhẹ nhàng,
ngắn gọn, chấm phá như nét thủy mặc. Như hình các thiền gia, thiền sư, thiền
giả, khi mô tả trạng thái thiền, hay truyền dạy những bài học thiền, đặc biệt
Thiền sư Nhất Hạnh và tăng chúng của Thầy, đa phần thường dùng ngoại cảnh, hơi
thở và thiền hành, như phương tiện thiền quán, hay trụ tâm, dứt niệm, đạt được
chánh niệm,an lạc. NDNhiên, một thiền sinh, học nhiều thầy,
dịch nhiều sách Thiền, cũng không ra khỏi thông lệ đó. Nhưng văn phong và cách phân tích của anh lại không nặng phần lý
luận, Phật pháp. Anh không cần liệt kê pháp môn hay phương pháp dụng công theo nguyên tắc sư phạm. Anh cứ từ tốn,
thanh thản diễn bày điều anh đã làm, đã thấy, và đã cảm nhận.
Anh nói về chính điều anh đã sống, từng giờ từng phút trong ánh sáng và hạnh
phúc do thiền đem lại.
Điều anh sống không phải đôn đáo, vật vã, xốc xáo, khăn khó
kiếm tìm. Sống thiền thật đơn giản, bởi tất cả không nằm ngoài ta, và có
sẵn cả quanh ta nữa. Nếu đây là chân lý đích thật cho những ai muốn học thiền,
hành thiền, thì những điều NDNhiên viết ra thật đáng ca ngợi, tác phẩm chân tình
của anh đã gói trọn thông điệp này.
Sẽ có người không
đồng ý nhận xét của tôi khi bảo NDNhiên viết với tư cách của một thiền sinh mà
không phải là của một thiền giả nhiều kinh nghiệm, trong thiền pháp lẫn dụng
công, cho dù những điều anh viết rất khiêm nhường, rất bằng hữu. Điều “dễ
thương”, “dễ mến” của anh ở chỗ anh rất chân thành với mình và với người nên tác
giả dù tâm lãnh, tu tập và từng sống với cái “hiện là”, “bây giờ và ở đây”, tác
giả cũng không dấu được tâm trí tác giả thường phiêu du về bao phương trời quá
khứ và lòng thường ao ước về những gì sẽ xảy ra. Đứng ở quê nhà vẫn vọng nhớ về
Tu viện, về Làng, Phương Vân Am, về mây núi, cây ngàn một thời.
Sống giữa thế nhân, anh bao lần nói “Tôi muốn” thật đậm đà và
thành khẩn.
Anh nhìn thiên nhiên như một đời sống cộng sinh của chính anh hay cũng
chính là đời sống của anh. Anh tán dương Henry Thoreau tìm về sống với
thiên nhiên tịch mặc như nhà hiền giả tỉnh tâm, nhưng anh cũng, với cái nhìn
thực tế , biết phải sống thiền ngay trong cuộc sống xã hội xô bồ, nên có lúc anh
nhẹ trách ông Thoreau “có vẻ không thực tế lắm. Mà tôi nghĩ
cũng chưa chắc là đúng!” (tr. 23). Cũng có
lúc anh nhận ra giá trị và ích lợi cho tâm thân của sự đi bộ giữa thiên nhiên mà
ông Thoreau đã bỏ ra 4 tiếng mỗi ngày, nhưng anh nghi ngờ: “Tôi không nghĩ
ông biết thiền hành như chúng ta đâu?” (tr. 107). Với giọng văn từ tốn, lịch sự, những điều NDNhiên
nói, không phải chê trách, hay đánh giá thấp. Nhưng phản bác, dù nhẹ nhàng, một
nhân vật nổi danh khác nhằm làm sáng tỏ quan điểm của mình là điều càng tránh
càng tốt, nhất là trong thiền môn hay lãnh vực thiền học.
Thật quý hóa biết
bao nếu chúng ta, sắp tới, được đọc thêm những tác phẩm thiền nhẹ nhàng và hấp
dẫn như thế này của NDNhiên, viết thực tiển cho những ai muốn tìm chánh niệm, an
lạc ngay trong đời sống tất bật, đa đoan, chứ không chỉ riêng giữa thiền lâm hay
cảnh thiên nhiên xa khuất.
Dầu sao cũng không thể xem thường thiên nhiên, vạn hữu, cho đến cả uống một tách
trà hay nhìn con bướm lượn. Đó là môi trường sẵn có và sẵn tâm đại lượng,
nhưng cũng là môi trường sinh tử, thử thách và huấn luyện cho những ai tấp tểnh
vào thiền, như một người lính phải vỡ lòng huấn dục quân sự trước khi ra trận
tiền.
Tác phẩm của NDNhiên phải chăng vì thế đã khẻ khàng mời chúng ta nhìn anh đi
đứng, sống giữa thiên nhiên dịu dàng, tươi mát, đầy những dưỡng chất cho thân
tâm.
* Hp xin thay đổi
“tiêu đề”. Rất mong tác giả hoan hỷ.