Ý thức về RÁC

Mathilde Tuyet Tran

·        

Xả rác là một tính xấu của nhiều người, ở khắp mọi nơi, từ khi bắt đầu có…rác. Có rác là vì từ khi có khăn tay giấy, mọi người quên cái khăn "mù xoa“ bằng vải, thường là một sản phẩm rất đẹp, rất nghệ thuật, bằng vài mỏng, có thêu, có viền đăng ten, nhưng phải mất công giặt giũ, là ủi phẳng phiu. Có rác là từ khi có lon bia, chai nhựa…mọi người quên cái chai đựng bằng thủy tinh, cái lon sữa bằng nhôm (như hộp sữa i-gô, guigoz, chẳng hạn)…hết rồi thì rửa sạch, tráng nước sôi, rồi sử dụng tiếp. Có rác là có những thứ chỉ xài một lần rồi vất.

 

Cứ sau mỗi lễ hội là một đống rác. Ở Paris, trên đại lộ đẹp nhất thế giới, les Champs Élysées, sau đêm Tết dương lịch (Réveillon de la Saint Sylvestre) là một đống rác dài cả cây số. Ai ở phía Nam của thành phố Paris luôn thấy có hai nhà máy tỏa những cuộn khói trắng dầy đặc liên tục lên trời. Khói gì đấy ? Khói của hai nhà máy đốt rác. Đốt không kịp, không hết, thì chở ra ngoại thành, vùng ven, hay đem về nhà quê, đào hố, chất chứa thành núi, làm hàng rào cản chung quanh, rồi chờ cho thời gian và sinh vật „làm việc“. Chim bay đến ăn rác, mèo hoang, chó hoang và chuột cũng sống nhờ rác. Một phần đống rác bị phân hủy theo thời gian, đống rác xẹp dần dần, những thứ rác lì lợm còn đọng lại thì được hốt, ép thành bành, chở đi chỗ khác…

 

Ở Köln, thủ phủ của Karneval, sau ngày “thứ hai hồng“ (Rosenmontag) là một đống rác phủ từ trung tâm thành phố ra tới khu vực Chlodwigplatz, nơi đóng đại bản doanh của nhiều hội đoàn Karneval. Mùi bia và mùi nước tiểu bốc lên nồng nặc trên nhiều đường phố. Cũng ở Köln, hàng ngày, người ta đứng trước một hàng các "công tơ nơ“ (containe) phân loại rác, chai nâu vào thùng nâu, chai trắng vào thùng trắng, chai xanh ve vào thùng xanh ve, nhưng còn cái chai màu xanh biển đậm thì vứt vào đâu ?! Cái hay nữa là, họ bốc các thùng đựng, chở về kho chứa rác (Mülldeponie), rồi lại vứt chung các thứ thành đống ở đó.

 

Trước Thế vận hội mùa hè 2008 tại Bắc Kinh, đọc báo thế giới, ai cũng phải buồn cười vì cái tin ngắn gọn "cấm khạc nhổ“ bừa bãi ở khắp mọi nơi. Nhưng không ai tưởng tượng được, nếu cả hàng tỷ người dân Trung Hoa cùng khạc nhổ một lúc thì sẽ ra như thế nào.

 

Đến thăm Việt Nam, du khách cũng trợn tròn mắt thì thấy khách ăn uống trong nhà hàng sang trọng thản nhiên xả rác xuống đất, cái gì cũng thẳng tay vất xuống đất, lon bia, cái xương, khăn giấy, tăm xỉa răng…vất vung vãi dưới chân, chung quanh chỗ ngồi, thật là kinh khiếp. Nhà hàng nhún vai, họ cứ vất đấy, theo thói quen, rồi có người phải quét dọn ! Đó có phải là một lý do cơ bản và chính yếu để tiếp tục xả rác ? Xả rác để biểu hiện quyền lực đồng tiền của mình ?

 

Vào nhà ai, thấy ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ là hiểu chủ nhà yêu thích nơi chốn sinh sống của mình, bằng lòng với hoàn cảnh của mình. Những chỗ ăn ở bừa bộn, dơ bẩn, hôi thối nói lên sự không có hạnh phúc của chủ nhà, họ ăn ở thế, cho qua ngày, bất an bất ổn, hễ có dịp, có cơ hội mới thì đi ngay nơi khác.

 

Không xả rác nữa, là một việc hoàn toàn không khó thực hiện. Dạy trẻ con đem rác của chúng bỏ vào thùng rác của nhà là một việc dễ, con nít cũng thích nhặt rác, chạy loong toong bỏ rác vào thùng rác, để được một cái hôn hay một nụ cười của mẹ.

 

Xả rác của người lớn, trưởng thành, có ý thức, là một thói quen không bỏ được, hay là một phương cách « trả thù“ xã hội ?

 

Xả rác trong đời sống vật chất và xả rác trong đời sống tinh thần đi đôi với nhau. Xả rác vào xã hội, xả rác vào mặt người khác bằng cách viết lên những ngôn từ tục tĩu, bẩn thỉu, nói lên những câu chửi xóc óc xóc tai cho đã miệng, cho sướng miệng, châm chọc thâm thúy chua cay, rồi hỉ hả, cho chúng nó biết tay "ông“ tay "bà“, mà không biết rằng chính mình mới là rác.  

 

Xả rác trong xã hội là gieo rắc đau khổ khốn cùng cho nhiều người, là "trao“ trách nhiệm dọn rác cho người khác trong khi chính mình là người tạo ra rác, đặc biệt những đường giây buôn bán ma túy, những sản phẩm khêu gợi dục tính và thú tính như máy móc, như súc vật, hai loại rác đặc biệt đầu độc tuổi trẻ trầm trọng, hủy hoại nhiều cuộc đời, nhiều gia đình.

 

Dễ quá mà, người xả rác cứ thản nhiên đổ thừa người khác, ai bảo không biết dạy con ? con hư tại mẹ (không phải tại cha, đâu).

 

Một người mẹ ngồi khóc cho đến ngày cuối cùng của đời mình, con trai chết vì overdose (quá liều), cháu gái chết cũng vì overdose, rồi mẹ của đứa con gái chết vì overdose cũng tự tử chết bằng overdose. Mắng bà là không biết dạy con và cháu ? Người mẹ đã phải lao động kiếm ăn nuôi gia đình, vừa lo toan mọi công việc nhà, việc chồng, việc con ? Một ngày của bà cũng chỉ có 24 tiếng đồng hồ.

 

Các sự trao đổi hàng ma túy và tiền diễn ra hàng ngày trước mắt mọi người, ai cũng thấy, chỉ có cảnh sát là không thấy. Người bán người mua hẹn gặp nhau trong quán ăn trước nhà ga, hẹn nhau ở một chỗ đậu xe ven đường, ven ruộng, hay trên xa lộ, đeo ba lô hẹn nhau ở bến xe buýt, thậm chí trước cửa các trường học…Hay là chấp nhận sự ngụy biện, hễ có người mua thì có người bán. Tại sao không nói ngược lại, nếu không có ai bán xì ke ma túy thì có ai mua ? Thị trường ma túy là một thị trường thế giới, những người bán lẻ đến tận tay người tiêu thụ chỉ là cái khâu cuối cùng trong một chuỗi dài, mà cái nguồn thì ít ai biết.

 

Đi kèm với thị trường ma túy là thị trường "con heo“ và thị trường trò chơi video. Cái dục tính "con heo“ này, tội cho con heo bị mang tiếng, nhờ có mạng Internet, mà các sản phẩm "con heo“ được truyền bá miễn phí rộng rãi, gởi kèm trong các emails (thơ điện tử), trong các bản pps thông dụng, lý do tại sao nhiều người thích học làm pps, gởi lung tung, vô tội vạ, cứ một người truyền tiếp cho cả chục người, tạo thành một sự đầu độc theo cấp số nhân tiến đến vô cực. Nhìn một lần, hai lần…nhiều lần những hình ảnh "con heo“ khích động, kèm theo những cái cười khoái trá, người xem bị mê mải bới cái "act“, cái hành động dâm dục như máy móc, hay như súc vật. Con người và tình yêu bị phép mầu làm cho biến mất. Những người chỉ nghe nói về khoái cảm mà chưa bao giờ có được khoái cảm lại còn mờ mắt hơn vì các sản phẩm "con heo“. Cái thèm muốn, cái ao ước đó trở thành một cơn sóng ngầm, âm ỉ. Bản chất «con heo» được hỗ trợ bởi bản chất «anh hùng» trong các trò chơi. Tha hồ mà giết, giết kiểu nào cũng được, nếu người đang chơi «bị giết», thì "mua" một "đời" khác, chơi tiếp. Chơi một mình, hay chơi trực tuyến, trẻ em chơi, người trẻ chơi, nhưng người bốn năm chục, thậm chí bẩy chục tuổi cũng còn ngồi chơi mê mải.

 

Một thanh niên mới lớn kể tại sao trở thành nghiện ma túy, thứ nhất là vì có người "dạy“ cho cách hút một điếu cần sa, thứ hai là các cô bạn gái, đã nghiện, trong một party vui vẻ, ồn ào tiếng nhạc, tiếng cười, tiếng người nói điếc cả tai, đưa "thuốc“ cho thử, anh không thử là anh nhát, anh không xứng đáng với tôi, tôi không làm bạn với anh. Thế là mắc bẫy, rơi vào bẫy. Rơi vào bẫy thì rất dễ, nhưng ra khỏi bẫy thì rất khó, vì những người «bạn» gần nhất, tin tưởng nhất, là những kẻ bán thuốc ma túy, bán cần sa.

 

Mắng mẹ anh ta là không bảo trước, không ngăn ngừa trước, không dạy được con ? Lời khuyên bảo của mẹ có nghĩa lý gì đâu trước những lời khích bác, trêu chọc, rủ rê của bạn bè. Bạn bè còn mớm cho những «lý luận» nghe chắc như đinh đóng cột, để cãi lại gia đình. Tuổi dậy thì, đang lớn, là tuổi theo bạn. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Khó khi khuyên bào ai, phải «bỏ» người này là bạn, hay khó khi khuyên bảo ai, không «yêu» một người nghiện, nhẹ hay nặng.

 

Đúng thật, vì có những gia đình đại phúc có được những người con mẫu mực, cố gắng học hành đến nơi đến chốn, có nghề có nghiệp đàng hoàng, lập gia đình nhỏ ấm cúng hạnh phúc…không hề biết đến cái khổ của những gia đình khác.

 

Một tin ngắn xuất hiện trên báo mạng, nhiều người đọc qua rồi sẽ quên. Con người có khả năng lọc tin một cách máy móc, tự động, tin vui thì nhớ, tin buồn thì quên, vì đời sống thực tại đều có ít nhiều khó khăn trắc trở. Chuyện buồn trong đời mỗi người đều không thiếu, đa mang làm chi, nhớ làm chi tin buồn của những người khác. Hơn thế nữa có nhiều người cho rằng, thảm cảnh xảy ra chỉ là số ít, một xã hội không có thảm cảnh là một xã hội không tưởng. Tuy thế, cuộc đời của cá nhân, gia đình là phản ảnh của xã hội, cái tương quan giữa số phận của từng cá nhân, từng gia đình và xã hội là một điều không ai có thể chối bỏ. Vì thế, trách nhiệm thuộc về ai ? nằm ở đâu ? giải quyết cách nào ?

 

Một thanh niên Pháp trẻ, 24 tuổi, thất nghiệp, hãm hiếp cô bạn gái 17 tuổi rồi giết cô ấy chết. Một sự kiện xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, không riêng chi tại Pháp. Tờ báo tường thuật vụ án: Hai người trẻ đã quen nhau từ một năm nay, họ gặp nhau trong buổi tiệc đón năm dương lịch tại tư gia. Sau khi đã uống khá nhiều rượu, cộng thêm các loại thuốc ma túy và cần sa, vào khoảng sáu giờ sáng, hai người dẫn nhau ra một góc vườn của ngôi nhà bên cạnh. Tại đây sau khi bị hành xác trong suốt 7 tiếng đồng hồ người thiếu nữ đã chết vì nhiều vết thương quá nặng. Người thanh niên 24 tuổi nêu lý do là vì lúc đầu tiên cô gái đã thỏa thuận làm tình nhưng hắn ta không thỏa mãn được dục tính, nổi giận, đánh người thiếu nữ liên tục, bóp cổ, vùi đầu cô ta xuống đất trong khi tiếp tục hãm hiếp cô gái một cách man rợ. (Nguồn 20 minutes.fr ngày 04.01.2011, bài viết mang tựa đề Lycéenne violée et tuée. Des aveux qui font "froid dans le dos")

 

Cha hay mẹ của cả hai người, thủ phạm cũng như nạn nhân, sẽ đau khổ như thế nào ? sẽ tiếp tục sống như thế nào cho đến cuối cuộc đời của họ ? Phải chăng chỉ có họ mới chịu trách nhiệm tinh thần và đạo đức cho hành động của con họ ? Phải chăng chỉ có họ mới phải dọn đống rác của xã hội dành tặng cho họ ? Phải chăng đời người và tuổi trẻ chỉ để xài một lần rồi vất bỏ ? Hai đống rác độc hại của xã hội tặng cho những thế hệ trẻ hiện nay, ai dọn ?

 

MTT, France 2011
©Mathilde Tuyet Tran, France 2011

http://www.tuyettran.de/index.php?id=1446

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle