Nguyên Minh
Với người bạn sẽ kết hôn
Sẽ vô cùng
may mắn nếu bạn chỉ quan hệ với một đối tượng duy nhất nào đó trước khi kết hôn.
Điều đó có nghĩa là bạn tìm được “ý trung nhân” ngay trong lần quan hệ đầu tiên.
Tuy nhiên, đây là trường hợp rất hiếm có trong thời đại này.
Thường thì bạn cần phải và buộc phải trải qua những sự lựa chọn khác nhau, đôi
khi là cùng lúc.
Và vì thế bạn cần biết cách giữ mối quan hệ tốt như thế nào
với những đối tượng mà bạn đang chọn lựa.
Quan hệ hôn nhân và quá trình tìm hiểu để đi đến hôn nhân ngày
nay đã khác xưa rất nhiều. Ngày trước, người ta rất ít
khi được trực tiếp tìm hiểu nhau trước khi kết hôn.
Thường chỉ là thông qua việc dò hỏi từ người khác, nhất là những người mai mối.
Nhưng những thông tin nhận được theo cách ấy thường ít khi chính xác, bởi mồm mép của các bà
mai mối là ... ghê gớm lắm. Có câu chuyện khôi hài về một cô
dâu sứt môi được bà mai thông báo trước với nhà trai là cô dâu “mồm mép không
được lành lặn cho lắm”. Nhà trai hiểu theo
cách là cô dâu chắc có lẽ hơi khuyết điểm về cách ăn nói, thôi thì về nhà chồng
chịu khó dạy dỗ thêm. Đến khi cưới xong mới vỡ lẽ... Nhưng bà
mai đàng trai cũng thuộc loại “cao thủ” chẳng kém gì, đã báo trước với nhà gái
là chàng rể “không được ngay thẳng lắm”. Nhà gái hiểu theo cách là chàng rể tương lai có lẽ tính tình không được
hoàn toàn chơn chất, lương thiện, nhưng điều đó có hề gì, miễn có gia đình rồi
thì nó hẳn phải lo làm ăn thôi. Đến chừng cưới xong mới vỡ lẽ
đó là một anh ... gù lưng.
Thôi thì, vỏ quít dày gặp móng tay
nhọn. Hoá ra cũng chẳng ai thua ai, mà thành ra là thật “xứng
đôi vừa lứa”.
° ° °
Đó là chuyện đùa, nhưng là đùa để nói lên một thực trạng về quá
trình tìm hiểu để xây dựng hôn nhân ngày xưa. Còn chuyện thật như cha tôi
ngày trước gặp mẹ tôi, cũng chỉ là tình cờ ngồi trong quán nước nhìn ra thấy
được, liền đem lòng vương vấn, về nhà thưa chuyện với ông bà nội rồi nhờ người
dọ hỏi đến tận nhà. Sau đó là các thủ tục cưới xin trong khi
hai người chưa một lần được trực tiếp nói chuyện cùng nhau.
Ngày nay thì sự việc hoàn toàn khác biệt.
Người ta chẳng những được tìm hiểu nhau mà thậm chí còn tìm
hiểu rất kỹ trước khi đi đến quyết định kết hôn cùng nhau.
Vai trò của cha mẹ rất mờ nhạt trong giai đoạn tìm hiểu này, bởi vì lắm khi các
vị chẳng biết gì cả, cho đến khi con cái chính thức thưa chuyện xin tiến hành
việc cưới hỏi.
Truyền thống dân tộc cũng giữ cho các mối quan hệ “tiền hôn
nhân” của chúng ta có một giới hạn nhất định. Nghe nói ở phương Tây ngày
nay còn có “mốt” sống chung với nhau “thử” một thời gian trước khi cưới. Mong rằng
cái “mốt” ấy đừng có lây sang xứ mình.
Một điều có vẻ như nghịch lý là, với sự khác biệt tích cực như
thế, nhưng tỷ lệ những cặp ly hôn ngày nay lại cao hơn gấp bội. Tôi nói
“cao hơn” cũng là nói giảm nhẹ, chứ theo chỗ tôi biết thì hầu như vào thế hệ của
cha mẹ, ông bà tôi... trở về trước, vợ chồng ly hôn là chuyện cực kỳ hiếm hoi mà
không phải ai cũng có “may mắn” được chứng kiến. Khắp vùng tôi ở, cũng chỉ được
nghe nói – chứ không nhìn thấy – đến có một vụ duy nhất là một ông nào đó “để
vợ”, theo cách dùng từ ngày trước có nghĩa là bỏ vợ, vì bà này nổi tiếng đanh đá
nhất... chợ tỉnh. Thế thì làm sao mà so sánh để nói là “cao hơn” được!
Vì sao như vậy? Tôi cũng đã trao đổi
vấn đề này với khá nhiều người, và có nhiều ý kiến nhận định khác biệt nhau.
Có người cho rằng, các cụ ngày xưa chưa hẳn đã có gia đình hạnh phúc, nhưng lễ
giáo khắc nghiệt không cho phép nghĩ đến chuyện ly hôn nên phải gượng ép sống
chung
đó thôi. Ngày nay, những quan niệm mới cởi mở hơn, tự do hơn đã giải phóng người
ta khỏi những cảnh sống bất đắc dĩ đó. Vì thế mà ta nhìn thấy
một tỷ lệ ly hôn cao. Theo những người này, những cặp “không ly hôn” mới
thật sự là hạnh phúc, và rất có thể sau nhiều lần ly hôn thì cuối cùng mỗi người
đều sẽ tìm được cho mình một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Tôi không biết ý kiến này có đúng không.
Nhưng thấy có vẻ hơi võ đoán.
Có lẽ cần phải có những cuộc điều tra, thống kê cụ thể để đưa ra các số liệu
chứng minh thì may ra mới có thể thuyết phục được. Còn cứ theo
như suy luận mà nói, thì lập luận này có nhiều chỗ không ổn lắm.
Làm sao biết các cụ ngày xưa không hạnh phúc? Các cụ thì tôi không biết,
nhưng hai cụ nhà tôi thì quả thật các vị chẳng có vấn đề gì để phải gọi là sống
chung “bất đắc dĩ”. Còn những người có thành tích ly hôn cao vào thời này
– từ ba đến bốn lần hoặc hơn nữa – thì tôi cũng đã có may mắn tiếp xúc, và tôi
rất lấy làm ngờ vực là sau “nhiều lần ly hôn” liệu họ sẽ có được một gia đình
hạnh phúc hay không. Điều làm tôi ngờ vực là hoàn toàn có cơ sở, bởi những nguyên nhân
dẫn đến ly hôn vẫn còn sờ sờ ra đó, làm sao có thể hy vọng một cuộc hôn nhân tốt
đẹp?
° ° °
Tuy nhiên, trong ý kiến này tôi thừa nhận yếu tố “lễ giáo khắc
nghiệt” như một nguyên nhân tích cực gìn giữ hạnh phúc gia đình. Nhưng “khắc nghiệt” có lẽ là một từ dùng hơi sai lệch hoặc thái quá
trong trường hợp này. Nói cho chính xác, đó là một nề nếp, một quan điểm
sống được gìn giữ trong truyền thống văn hoá dân tộc ta từ xưa đến nay.
Qua cha mẹ tôi, tôi hiểu rằng việc ly hôn được các cụ ngày xưa xem như một điều
rất đáng xấu hổ, không chỉ cho cá nhân hai người mà còn là cho cả hai bên dòng
họ nữa.
Chính cách suy nghĩ này đã tạo nên một tinh thần trách nhiệm
rất cao trong cuộc sống hôn nhân. Nhờ đó, người ta có thể vượt qua hầu
hết những trở ngại, vấp váp không sao tránh khỏi trong cuộc sống chung của một gia đình. Tôi sẽ trở lại vấn
đề này trong một phần sau.
Một trong những điểm chung
thường gặp ở những người có thành tích ly hôn cao là họ đã nghĩ đến chuyện ly
hôn ngay trước khi kết hôn. Họ đã xem hôn nhân như một cách ... thử qua cho
biết! Nếu vừa ý thì sống chung, có gì đó bất đồng hoặc
không thoả mãn thì ... chia tay. Thật đơn giản!
Với cách nghĩ đó, những cụm từ như “ván đã đóng thuyền”, “chim vào lồng”, “cá
cắn câu”... mà ngày xưa dùng để chỉ quan hệ hôn nhân thật không còn thích hợp
nữa, vì mối quan hệ ràng buộc không còn được xem như bất di bất dịch, mà quả
đúng thật chỉ là “vợ chồng áo mặc thay ra thay vào”.
Khác biệt lớn nhất, theo tôi, là ở điểm này. Ngày nay,
người ly hôn không tự mình cảm thấy có gì phải “xấu hổ” như ngày xưa, nói gì đến
chuyện lo nghĩ về danh dự, tiếng tăm của dòng họ!
Không có sợi dây ràng buộc quan trọng này, tuổi trẻ bốc đồng thường dẫn đến
những quyết định sai lầm là điều không sao tránh khỏi.
Một trong những ý nghĩ chủ quan của riêng tôi là, nếu những cặp ly hôn đều cố
gắng sống chung với nhau trong một thời gian nhất định
nào đó và cùng nỗ lực giải quyết các vấn đề chung, có lẽ số người thật sự muốn
ly hôn sẽ giảm xuống phần nào chăng.
Thật ra thì luật pháp cũng đã vận dụng ý tưởng này, bằng cách
dành một thời gian chờ đợi nhất định cho những người xin ly hôn trước khi đưa ra
quyết định chính thức cho phép ly hôn. Nhưng một thời
gian ngắn và với sự thiếu thiện chí của cả đôi bên thì cũng hiếm khi mang lại
được một kết quả tích cực.
Vì thế, điều tốt nhất vẫn là sự thận trọng cần thiết trước khi
đi đến quyết định kết hôn.
Nếu trong thời gian tìm hiểu để đi đến hôn nhân mà bạn có nghĩ đến việc ly hôn
như một “giải pháp dự phòng” khi quan hệ hôn nhân không được tốt đẹp, tôi khuyên
bạn hãy từ bỏ ngay ý tưởng ấy đi. Bởi vì chính ý nghĩ này sẽ trở thành một thứ kính mờ ngăn che không
cho bạn nhìn rõ những vấn đề mà lẽ ra phải biết rõ.
° ° °
Biết cảm thông và bao dung, rộng lượng là những đức tính rất
tốt giúp cho quan hệ hôn nhân được bền vững, nhưng lại là những điều không nên
lạm dụng trong giai đoạn tìm hiểu để đi đến hôn nhân.
Bởi vì, rất có thể bạn cảm thông cho một khuyết điểm hoặc sự bất đồng nào đó của
người yêu, nhưng sẽ không thể cảm thông cho cùng một điều ấy nơi một người vợ
hoặc người chồng.
Tinh thần trách nhiệm cao trong khi quan hệ tìm hiểu đối tượng mà bạn sẽ kết hôn
là một trong những yếu tố có thể giúp giảm thiểu tối đa nguy cơ tan vỡ về sau
này. Điều này giúp bạn có được những nhận xét chính xác, đúng đắn hơn mà
không bị che mờ bởi những tình cảm bốc đồng của tuổi trẻ.
Tuy nhiên, nếu bạn thật sự muốn có một mái ấm gia đình và không đến nỗi phải “ở
goá” bất đắc dĩ, tôi khuyên bạn đừng đặt ra những chuẩn mực quá lý tưởng để rồi
đi đến chỗ “cầu toàn trách bị”. Mỗi con người nhất thiết đều phải có những
khuyết điểm nào đó – người nào hoàn toàn không có mới là chuyện lạ trên đời!
Điều quan trọng là, những “khuyết điểm nào đó” có “chỏi” lắm với bản thân bạn
hay không? Có thể rồi sẽ khắc phục được hoặc chấp nhận được hay không?
Nói chung, một người vợ hoặc người chồng lý tưởng không
phải là mọi cái đều lý tưởng – nếu có người như thế, họ cũng không thèm kết hôn
với bạn đâu! – mà chính là mọi cái đều thích hợp, chấp
nhận được đối với mình. Nói nôm na
như ông bà xưa là “nồi nào, vung nấy”!
° ° °
Bạn có nên cùng lúc có nhiều đối tượng tìm hiểu để đi đến hôn nhân
hay không? Mỗi người có thể nghĩ khác nhau về vấn đề
này. Nhiều người cho rằng đó là lối “bắt cá hai tay” và rất dễ đưa đến
việc “xách rổ về không”.
Nhưng chúng ta tôn trọng chế độ một vợ một chồng, chứ việc có
nhiều “đối tượng tìm hiểu” thì thật ra có gì sai trái đâu?
Vấn đề này, theo tôi cũng không hẳn là do bạn “muốn mà
được”. Duyên số ấy mà! Có phải đối tượng nào cũng có đủ những điều kiện ban đầu
nhất định để bạn khởi sự việc theo đuổi, tìm hiểu đâu? Nhưng nếu “duyên may” đưa đẩy mà bạn gặp gỡ được đến đôi ba người
cùng lúc, “mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười” thì biết bỏ ai lấy ai ngay lập
tức đây?
Trong những trường hợp đó, tôi cho rằng việc giữ mối quan hệ
tìm hiểu với cùng lúc hai hoặc ba đối tượng không phải là điều sai trái.
Vấn đề là bạn nhất thiết phải thành thật với chính mình và cả với các “đối tượng”.
Không có gì phải che giấu “ý đồ” đang tìm hiểu để chọn lựa của mình.
Thời đại bình quyền này, bạn chọn lựa người khác thì bản thân bạn cũng đang là
đối tượng để người khác chọn lựa đấy.
Đâu có ai hơn ai! Và một khi đã có đủ các yếu tố thích hợp để đi đến quyết định,
hãy tìm cách bày tỏ ngay – trực tiếp hoặc gián tiếp – cho “mọi người” đều biết
quyết định của mình. Điều đó thể hiện tinh thần trách nhiệm của bạn đối với chính mình
cũng như với người khác.
Giai đoạn quan hệ tình cảm “tiền hôn nhân” thường là giai đoạn
tình cảm đẹp đẽ nhất trong suốt cuộc đời của mỗi chúng ta. “Tình chỉ đẹp
khi còn ... dang dở” kia mà! Nối kết lại với nhau rồi
thì những mơ mộng liền phút chốc vỡ tan, để hiển bày ra các yêu cầu khó khăn,
khắc nghiệt của những lo toan “cơm áo gạo tiền” trong một cuộc sống
chung. Vì thế, không ai trong chúng ta là không lưu
luyến những ngày tháng êm đềm của một cuộc tình... chưa ghé bến.
Tuy nhiên, chính sự êm đềm, đẹp đẽ của những quan hệ tình cảm đầy đam mê, say
đắm đó là những lớp sương mù bao phủ nhiều khi khiến cho bạn “nhắm mắt đưa chân”
vào một cuộc hôn nhân mà lẽ ra không nên có. Điều này sẽ làm
khổ cho cả hai người về sau, và ly hôn không bao giờ có thể xem là một giải pháp
trọn vẹn bởi vì nó để lại những thương tổn khó lòng xoá bỏ được.
Vì thế, hãy tận hưởng những gì tốt đẹp nhất mà tình yêu mang đến cho bạn, nhưng
cũng hãy hết sức tỉnh táo và trách nhiệm trong việc tìm hiểu chọn lựa một đối
tượng để thật sự đi đến hôn nhân.
Quan hệ hôn nhân
Quan hệ hôn nhân được xem như một
điều tất yếu của đời người, và thời xưa kia còn được xem như một bổn phận của mỗi người. Nhất là
người con trai trong gia đình. Bởi vì: “Có ba tội bất hiếu, trong đó không con
nối dõi là tội lớn nhất.”
Cách nhìn về hôn nhân ngày xưa khác hơn ngày nay rất nhiều, có
những khía cạnh nghiêm khắc hơn nên cũng có thể nói là nhìn nhận hôn nhân một
cách quan trọng hơn. Ngày nay, vấn đề hôn nhân có thể
nói là vừa phức tạp lại cũng vừa đơn giản hơn xưa.
Nói rằng phức tạp, là vì hôn nhân chịu rất nhiều yếu tố tác động, chẳng hạn như
vấn đề bình quyền nam nữ, luật hôn nhân, quan điểm mới về quan hệ vợ chồng, quan
hệ mới trong kinh tế gia đình... và rất nhiều yếu tố khác nữa. Còn nói rằng đơn
giản, là vì vấn đề hôn nhân ngày nay gần như chỉ còn là vấn đề riêng của hai
người, những tác động của gia đình hoặc xã hội đều rơi vào hàng thứ yếu, và quan
hệ hôn nhân cũng không còn giữ được tính bất di bất dịch như ngày xưa, mà thật
không may lại là một thứ quan hệ có thể thường xuyên “xoá đi làm lại”.
Chính vì những khác biệt đó, để giữ được một quan hệ tốt trong
hôn nhân, ngày nay người ta cần biết nhiều hơn, cũng như phải chủ động làm nhiều
điều hơn. Và cũng vì mối đe doạ tan vỡ của một cuộc hôn nhân ngày nay là
cao hơn nhiều so với trước đây.
° ° °
Một trong những khác biệt lớn có thể dễ dàng nhận ra trong
quan niệm của ngày nay là việc xem hôn nhân không còn là vấn đề bắt buộc nữa.
Cha mẹ không còn theo
như ngày xưa, ép buộc con cái phải lập gia đình ngay cả khi chúng không muốn, mà
bản thân mỗi người thì tỷ lệ những người chọn sống độc thân đang ngày càng lên
cao. Ở nước ta, con số này đã bắt đầu đáng gây chú ý, còn ở những nước công
nghiệp, nó đã lên cao đến mức kỷ lục so với trước đây. Ngoài
ra, số người lập gia đình trễ – trên ba mươi, hoặc thậm chí chờ đến bốn mươi –
cũng gia tăng đáng kể. Đây cũng là những đặc điểm cần
chú ý khi phân tích về quan hệ hôn nhân trong thời hiện đại.
Vì sao người ta chọn sống độc thân hoặc lập gia đình trễ?
Có những lý do khác nhau cho hiện tượng này. Một số người muốn dành thời gian để hưởng thụ những tiện nghi mà đời
sống hiện đại mang đến, không muốn bị trói buộc vào một cuộc sống hôn nhân đầy
trách nhiệm. Những người này có thể sống buông thả,
theo cách mà họ cho là thoải mái nhất. Cũng chính những người có quan
điểm thiếu lành mạnh này là những người thường hay vướng vào những quan hệ
lăng nhăng không chính thức, thường chỉ để đùa vui qua đường mà không
thật sự nghĩ đến việc xây dựng lâu dài.
Nhưng một số khác có những lý do chính đáng hơn. Chẳng hạn họ
muốn xây dựng, củng cố sự nghiệp, năng lực hay kiến thức thật vững chãi trước
khi lập gia đình. Cũng có người không cố ý lập gia đình muộn, nhưng niềm
đam mê trong công việc hoặc một sự nghiệp mà họ đang theo đuổi đã làm cho họ không nghĩ đến việc lập gia đình, cho
đến một thời gian thích hợp nào đó.
Nói chung, lập gia đình quá sớm cũng là một điều không
tốt. Cả hai bên đều còn non trẻ, thiếu kinh nghiệm cũng như sự
hiểu biết để có thể đương đầu với những khó khăn không lường trước trong cuộc
sống gia đình.
Nhưng lập gia đình quá trễ sẽ rơi vào cảnh “cha già con muộn”, và sự rủi ro
không nuôi dưỡng con cái thành tài cũng là điều đáng lo ngại.
Vì thế, nếu bạn quyết định lập gia đình, nên cân nhắc các yếu
tố vào những lúc thích hợp để đi đến quyết định vào một thời điểm vừa phải.
Thế nào là vừa phải?
Có thể nói đó là khi bạn đã nắm vững những yêu cầu của đời
sống gia đình và có đủ sự vững chãi cần thiết cả về mặt tinh thần cũng như vật
chất để tự lập trong cuộc sống.
Thực tế cho thấy những cuộc hôn nhân vào thời điểm khi mà hai người đều đã có sự
cân nhắc và chuẩn bị chín chắn ít có nguy cơ tan rã hơn những cuộc hôn nhân vội
vã bốc đồng của tuổi mới lớn.
Đối với những người chọn cuộc sống độc thân, đôi khi có thể là vì theo đuổi một đời sống tinh thần đặc biệt mà trong đó họ
không xem việc lập gia đình là cần thiết. Nhưng cũng có đôi
khi đó chỉ là dấu hiệu của sự thiếu quân bình trong các yếu tố tâm sinh lý, hoặc
đơn giản hơn là một sự chọn lựa, đòi hỏi vượt quá thực tế như tôi đã có lần đề
cập đến trước đây. Dù là gì đi nữa thì đây cũng không
phải là đối tượng trao đổi của chúng ta trong tập sách này.
Theo nghiên cứu của các nhà tâm lý học gần đây, việc lập gia
đình không chỉ đơn thuần là đáp ứng các nhu cầu về tính dục và duy trì nòi giống.
Sự kết hợp tình cảm nam nữ còn tạo ra những điều kiện tâm sinh lý cần thiết để
con người tiếp tục phát triển bình thường.
Một cuộc sống gia đình hạnh phúc thật sự giúp người ta dễ dàng phát triển thêm
năng lực sáng tạo cũng như nhiều khả năng khác trong cuộc sống.
Ngoài ra, tình cảm lứa đôi còn là chỗ dựa rất cần thiết cho mỗi người khi có
những biến cố bất ngờ trong cuộc sống. Tuy nhiên, như
đã nói, phải là một gia đình thật sự hạnh phúc, nghĩa là phải giữ được một mối
quan hệ hôn nhân tốt đẹp.
° ° °
Quan hệ hôn nhân là một quan hệ phức tạp. Đối với hôn
nhân trong thời đại này, mối quan hệ đó không thể được xây dựng tốt dựa hoàn
toàn theo bản năng như trước đây, mà cần phải có những hiểu biết
nhất định. Trước hết, bạn cần phải nhận thức đúng được tầm quan trọng của người
bạn đời chung
sống với mình, sau đó phải biết được người ấy cần những gì nơi bạn, và cuối cùng
là bạn có thể đòi hỏi những gì có thể xem là hợp lý từ nơi người ấy.
Khi bạn nhận thức đúng được những vấn đề này, bạn sẽ tự biết cách làm thế nào để
xây dựng hoặc giữ gìn một gia đình hạnh phúc.
Trong một cuộc nghiên cứu được thực hiện với 800 phụ nữ tiêu
biểu tại Hoa Kỳ, người ta đã thử đi tìm xem phụ nữ nghĩ thế nào về việc xây dựng
một gia đình hạnh phúc.
Nhiều yếu tố quan trọng khác nhau đã được các nhà tâm lý học
trong cuộc nghiên cứu này nêu ra. Sau khi nhận được
những kết quả sau đây, họ đã tỏ ra khá ngạc nhiên vì có vẻ như không thật sự
giống với những gì mà họ dự đoán.
– 84% cho rằng các mối quan hệ cá nhân giữ vai trò hàng đầu. Điều này có nghĩa
là, người có khả năng xây dựng một gia đình hạnh phúc phải là người có khả năng
duy trì tốt các quan hệ bè bạn, quan hệ trong gia đình, quan hệ với con cái và
thậm chí cả quan hệ với các đồng nghiệp trong công việc nữa.
– 81% cho rằng yếu tố quan trọng nhất là có một gia đình trọn vẹn, nghĩa là có
đủ con cái theo ý muốn – một trai một gái chẳng hạn –
và vợ chồng cùng tham gia nuôi dạy con cái.
– 36,5% cho rằng yếu tố quan trọng nhất là phải thành
công về tài chánh.
– 10,5% cho rằng yếu tố quan trọng nhất là đạt được
quyền lực trong xã hội
Những con số này nói lên suy nghĩ của người phụ nữ trong xã hội phương Tây có vẻ
gì đó như đang đến gần những suy nghĩ của người phụ nữ Á Đông chúng ta. Bạn có
thể thấy hai yếu tố “quyền lực” và “tài chánh” đã bị đẩy xuống cuối bảng với rất
ít người tán thành. Trong khi yếu tố “biết ăn biết ở”
được đưa lên hàng đầu. Đứng ở hàng tiếp theo, không
thua kém bao nhiêu, là một ước mơ đơn giản về “gian nhà tranh hai quả tim vàng”,
nghĩa là một gia đình theo đúng nghĩa mà không nhất thiết phải giàu sang dư giả
mới gọi là hạnh phúc.
Nhưng đó cũng chỉ là “chuyện người khác”, nói nghe chơi cho
vui và có thể dùng để “tham khảo” vậy thôi. Còn nếu bạn thực sự muốn xây
dựng một gia đình hạnh phúc thì không cần phải điều tra quá nhiều người như thế
mà chỉ cần điều tra kỹ một mình ... bà xã hoặc ông xã ở nhà thôi!
Vai trò của người vợ và người chồng trong quan hệ hôn nhân
ngày nay được xem như là ngang nhau – ít nhất cũng là trên lý thuyết. Tuy
nhiên, vấn đề không phải là ở chỗ “ngang nhau” hoặc “hơn nhau”, mà là ở chỗ mỗi
người đều phải nhận thức đúng được tầm quan trọng của người bạn đời cùng chung
sống với mình. Phần lớn các cuộc hôn nhân tan vỡ đều có sự đóng góp của yếu tố
thiếu tôn trọng lẫn nhau, mà điều đó tất nhiên là xuất phát từ việc mỗi người đã
không nhận thức được tầm quan trọng của người kia.
Khi không thấy được tầm quan trọng của người bạn đời, người ta lại rất thường
hay có khuynh hướng thấy rõ hơn, và thường là quá đáng, tầm quan trọng của ...
chính mình. Nếu bạn có lúc nào đó rơi vào một trong các ý
tưởng tương tự thuộc loại này, tôi khuyên bạn hãy bắt đầu nghĩ lại ngay trước
khi mọi việc đã là quá trễ.
Khi người chồng là trụ cột tài chánh của gia đình, anh ta thường lấy đó làm “lý
do chính đáng” để tự xem mình là “trung tâm vũ trụ”. Nhưng anh ta không biết
rằng, ngay cả trong trường hợp đó, người vợ cũng không nghĩ như anh, mà vẫn
thường tự cho rằng công việc chăm sóc con cái, nhà cửa là ... quan trọng hơn
nhiều!
Vấn đề trở nên phức tạp hơn khi cả hai vợ chồng đều có thu
nhập. Nhưng nói chung trong bất cứ trường hợp nào thì
chuyện tranh cãi “ai quan trọng hơn ai” mãi mãi là một vấn đề không có đáp án
nếu mỗi người đều khăng khăng nhìn theo cách của mình. Vấn đề thật tế nhị ở đây
là, những ý nghĩ so sánh ấy mỗi người đều thường giữ lại âm ỉ trong tâm tưởng
mình chứ không hề nói ra, nhưng nó lại chính là động lực thúc đẩy làm bùng nổ
những cơn nóng giận, cáu gắt hoặc cãi vã... về những chuyện khác! Vì thế, vấn đề thường là cứ ngấm ngầm tồn tại cho đến lúc ... không
còn tồn tại được nữa, nghĩa là đường ai nấy đi.
Bạn có thể phát hiện và tự mình “điều trị” căn bệnh này một cách hữu hiệu.
Nguyên tắc được áp dụng ở đây rất đơn giản và rất ... xưa. Đó
là nguyên tắc “tiên trách kỷ, hậu trách bỉ”– Trước tiên hãy tự trách mình trước
khi đổ lỗi cho người khác. Chỉ cần bạn chịu lùi một
bước, bạn sẽ tiến đến được hai, ba bước, và thậm chí là sau đó có thể đều bước
tiến lên cho đến suốt cuộc đời.
Thật ra, ông bà xưa đã từng nói “của chồng công vợ” để chỉ đến
sự đóng góp quan trọng như nhau của cả hai vợ chồng.
Đôi khi tôi cũng lấy làm ngạc nhiên về những ý tưởng đúng đắn vượt thời đại của
người xưa, ngay cả khi mà chủ nghĩa nam nữ bình quyền vẫn còn là một điều gì đó
chưa từng được đề cập đến trên xứ sở này.
Nếu bạn chịu suy nghĩ một cách khách quan, bạn sẽ thấy điều
này là hoàn toàn chính xác. Mỗi người đều có những đóng góp vào việc xây
dựng gia đình mà người kia không sao thay thế được. Bạn có làm được tất cả những gì mà vợ bạn đã làm và vẫn âm thầm tiếp
tục làm hàng ngày hay chăng? Ngay cả khi bạn nói rằng được với tất cả
những công việc nhà đầy rối rắm vụn vặt, thì bạn vẫn phải trăm ngàn lần biết ơn
cô ấy về việc đã sinh ra những đứa con kháu khỉnh làm trung tâm điểm cho cả gia
đình. Ngược lại, người vợ cũng không thể không đánh giá cao
hoặc cảm thông với những khó khăn vất vả, lo toan của người chồng trong vai trò
trụ cột của gia đình. Anh ấy phải đương đầu với hầu hết mọi chuyện ngoài
xã hội, để có thể xứng đáng là một “đấng nam nhi” và
đảm bảo cho vợ con một đời sống tốt đẹp nhất như có thể.
Hơn thế nữa, tiền đồ của con cái bao giờ cũng là một nỗi lo toan không thôi
trong lòng bạn, và vì thế bạn nên cảm thông một điều là người bạn đời của mình
cũng đang mang nặng trong lòng một mối lo toan như thế. Bởi vì
cha mẹ nào lại chẳng thương con? Và tôi chắc là bạn cũng không ngây thơ
đến nỗi đặt ra câu hỏi “ai thương con nhiều hơn?”.
Một khi bạn đã nhận thức đúng được vấn đề, đừng lo là người vợ hay chồng của bạn
không nghĩ được như thế. Đây là một vấn đề có tính cách tác
động lẫn nhau. Khi bạn đã nhỏ nhẹ lùi bước và bày tỏ sự tôn trọng của
mình một cách chân thành, tôi tin chắc là bạn sẽ nhận được sự “hồi đáp” một cách
tương xứng, thậm chí thường là tốt đẹp hơn cả sự mong đợi của bạn.
Tuy nhiên, việc nhận thức đúng đắn và tôn trọng lẫn nhau chỉ
mới là nền tảng ban đầu cho một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Để duy trì hạnh phúc gia đình, bạn cần đến những chất liệu nhất định để nuôi
dưỡng nó.
Hay nói cách khác, bạn cần biết được người bạn đời của mình
đang mong đợi những gì ở nơi mình.
Nếu phải trả lời ngay câu hỏi này, nhiều người thường sẽ đưa ra câu trả lời rằng
đó là sự quan tâm đúng mực, tinh thần trách nhiệm với gia đình, con cái, và nếu
có thể được, là một sự cung ứng dồi dào về tài chánh. Vâng, đó
là những điều hầu như ai cũng có thể thấy được như là những điều kiện cần thiết
cho một gia đình hạnh phúc.
Tuy nhiên, đó chỉ là những điều cần mà chưa đủ. Nhiều
cuộc hôn nhân vẫn hội đủ các điều kiện này mà vẫn đi đến tan vỡ như thường. Vậy, còn thiếu những yếu tố nào khác?
Hay nói khác đi, trong hôn nhân người ta còn mong đợi những gì ngoài những việc
đã nói trên?
Có thể bạn sẽ lấy làm ngạc nhiên phần nào về những điều sắp được trình bày sau
đây, vì bạn sẽ cho rằng nó nhỏ nhặt biết bao! Nhưng xin đừng
vội chủ quan. Ngôi nhà to lớn có thể sụp đổ chỉ vì những con mọt rất nhỏ.
Và một công trình vĩ đại đến đâu cũng được xây lên từ
những viên gạch không lấy gì làm lớn.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ của một cuộc hôn nhân mà hầu hết
các tâm lý gia đều thừa nhận là sự phai nhạt đi của tình yêu ban đầu sau một
thời kỳ chung sống. Những gì nóng bỏng nhất, đam mê nhất trong
thời kỳ ban đầu dần dần nguội lạnh đi như một tiến trình tự nhiên tất yếu.
Có câu chuyện vui về một cặp vợ chồng trẻ. Khi còn yêu
nhau, Chủ nhật nào chàng cũng đưa nàng đi lễ nhà thờ bằng một chiếc
xe đạp. Đường đi đến nhà thờ phải qua một quãng dốc khá cao. Mỗi khi xe lên dốc, nàng thì thầm vào tai chàng: “Có mệt lắm không
anh?” Chàng cố giấu đi hơi thở mệt nhọc, vui vẻ đáp lại: “Không, không sao đâu
em.”
Khi hai người đã cưới nhau một thời gian sau – không biết là bao lâu – vẫn quãng
đường dốc ấy, vẫn chiếc xe
đạp ấy, nàng thì thầm vào tai chàng: “Có mệt lắm không anh?” Chàng thở ra phì
phò, bực bội gắt lên: “Đường dốc thế này, người chứ có phải trâu hay sao mà
không mệt!”
Chuyện đùa thôi, nhưng về mặt tâm lý thì đúng là như thế.
Nếu bạn vẫn còn nuôi ảo tưởng về một tình yêu bất diệt trường tồn qua năm tháng,
có lẽ bạn cần sớm xem xét lại vấn đề.
Thật ra, nói như thế cũng là chưa chính xác lắm và có phần khá
bi quan. Nói đúng hơn là để có được một “tình yêu bất
diệt”, bạn cần phải biết cách vun đắp, nuôi dưỡng nó.
Bằng không, sự lạnh nhạt chỉ là một điều tất nhiên sớm muộn rồi cũng sẽ đến mà
thôi.
Sau đây là một số lời khuyên thiết thực mà bạn có thể áp dụng
trong cuộc sống gia đình của chính mình. Những điều này
có giá trị nuôi dưỡng hạnh phúc gia đình bởi vì chúng chính là những điều mà một
người vợ hoặc người chồng mong đợi nơi người bạn đời cùng chung sống của mình.
1. Giữ mối liên hệ vào những lúc vợ chồng phải xa nhau, dù chỉ là trong một thời
gian rất ngắn. Một cú điện thoại từ nơi làm việc gọi về nhà để
nói vài lời thân mật, âu yếm, hoặc khi bạn phải đi công tác xa trong ngày, có
giá trị nhắc nhở và duy trì tình cảm hơn xa so với số tiền cước điện thoại mà
bạn phải trả. Nếu bạn giữ được thói quen này đều đặn, người vợ hay người chồng của
bạn cũng sẽ hình thành thói quen mong đợi bạn gọi về.
Tâm trạng mong ngóng này khiến cho hai người luôn có cảm giác là đang ở bên nhau.
2. Hãy quan tâm đến những điều mà vợ hay chồng của bạn mong muốn, và tạo điều
kiện để thực hiện chúng, ngay cả những điều đơn giản nhất hoặc là những điều
người ấy mong muốn cho bạn. Chẳng hạn, nếu cô ấy muốn may cho bạn một bộ đồ mới,
đừng phản đối với lý do là chưa cần thiết. Dù là may đồ cho bạn nhưng đó là mong
muốn của cô ấy, và bạn tốt hơn là nên tôn trọng.
3. Cùng nhau bàn thảo về những vấn đề tương lai. Rất có thể người vợ hay người
chồng của bạn chẳng hiểu gì cả về công việc của bạn, nhưng đừng vì thế mà bỏ qua
việc này. Khi được trao đổi ý kiến cùng nhau, thậm chí chỉ là
lắng nghe nhau, người ta sẽ cảm nhận được sự tôn trọng lẫn nhau và càng thấy gắn
bó nhau hơn.
4. Nên sắp xếp thời gian nghỉ ngơi và giải trí cùng nhau. Dù
sao thì bạn cũng cần có thời gian nghỉ ngơi tối thiểu trong ngày. Hãy tranh thủ thời gian ấy để ở bên nhau.
Sở thích của hai người có thể là khác nhau, nhưng sự chân thành có thể dẫn đến
hoà hợp và tôn trọng lẫn nhau. Bạn cũng có thể chọn
những hình thức giải trí nào mà cả hai người cùng ưa thích. Tốt nhất là
chơi đùa cùng con cái.
5. Đừng quên bày tỏ sự quan tâm săn sóc nhau bất cứ khi nào có thể. Thậm chí một
lời thăm hỏi về công việc trong ngày khi đi làm về, hoặc gắp thức
ăn cho nhau trong bữa ăn... Những việc nhỏ nhặt như thế
có thể có giá trị rất tích cực trong việc nhắc nhở và duy trì tình cảm đối với
nhau.
6. Nên dành thời gian để thỉnh thoảng cùng đi ra khỏi nhà với nhau. Không cần
thiết phải là một bữa ăn sang trọng tốn kém ở nhà hàng mới là dịp để bạn làm
điều này. Chỉ cần chừng mười hoặc mười lăm phút đi dạo bên nhau trên con đường
trước nhà vào buổi chiều hoặc tối cũng là quá đủ rồi.
7. Vào những dịp nhất định nào đó trong năm, hoặc đơn giản chỉ là sau một thời
gian mà bạn cảm thấy đã khá lâu, nên nghĩ cách để làm cho vợ hoặc chồng mình
phải ngạc nhiên về một món quà nào đó. Vấn đề không phải là thật đắt tiền, mà là làm thế nào để gây ra ngạc
nhiên nhằm tạo sự phấn khích trong tình cảm qua việc bày tỏ sự quan tâm của bạn.
Có thể là một chiếc áo khoác mới treo sẵn trên đầu giường nằm, để vừa sáng ra
chợt thấy; hoặc một chai dầu gội mới loại mà bà xã rất thích nhưng không thường
dùng – vì hơi đắt tiền – được bí mật đặt trong phòng tắm vào tối hôm trước...
8. Khi có dịp cùng nhau đến những nơi công cộng, đông người, đừng quên bày tỏ
mối liên kết giữa hai người bằng cách nắm tay nhau.
Thật đơn giản nhưng cũng thật hiệu quả mà rất nhiều người không nhớ đến.
9. Bày tỏ tình cảm của bạn mỗi ngày, vào những lúc chia tay
nhau để đi làm hoặc khi đi làm về... Một nụ hôn vội lên trán hay một cái vuốt
tóc trìu mến có vẻ như rất là nhỏ nhặt, nhưng nó nhắc nhở tình cảm cho nhau và
không bao giờ là quá thừa.
10. Nếu có việc phải đi xa, đừng quên viết thư về. Ngay
cả khi bạn có thể gọi điện thoại về nhà được thì một lá thư
với lời lẽ thích hợp vẫn có tác dụng khác hơn, bởi nó là một cái gì đó cụ thể
hơn, có thể nhìn ngắm để nhớ đến nhau.
11. Việc góp ý xây dựng nhau trong cuộc sống là điều tất nhiên, nhưng hãy làm
điều đó thật khéo léo và nhất là đừng quá thường xuyên. Những
bất đồng không đáng kể nên được bỏ qua đi thay vì là làm cho cuộc sống thêm phức
tạp.
12. Cần chú ý tôn trọng những gì là riêng tư của nhau. Nhiều
người quan niệm đã là vợ chồng thì có thể chia sẻ với nhau mọi thứ.
Điều đó cũng đúng mà cũng không đúng. Nó chỉ đúng khi người ta tự nguyện
chia sẻ cùng nhau, và không đúng khi một trong hai người tự ý xâm phạm những gì
là riêng tư của người kia. Chẳng hạn,
thư của một người bạn nào đó gửi cho vợ mình, đừng tự tiện bóc ra xem khi
cô ấy không có nhà. Hoặc những điều nhỏ nhặt đại loại là như thế...
13. Đừng cho rằng việc nói lên những lời yêu nhau là không cần thiết sau khi đã
cưới nhau. Có đấy. Và thậm chí là rất cần thiết nếu
như bạn không muốn những tình cảm của mình ngày càng phai nhạt.
14. Hãy lắng nghe bất cứ khi nào người bạn đời của mình có nhu cầu muốn nói ra
điều gì đó. Đôi khi có những chuyện bạn cho là không cần
thiết, nhưng vấn đề không phải là câu chuyện mà là người nói ra câu chuyện.
Lắng nghe là một cách để biểu lộ sự tôn trọng và sẵn sàng chia sẻ cùng nhau.
15. Đừng bao giờ tự mình quyết định điều gì, dù là nhỏ nhặt.
Đôi khi, vấn đề không phải là hỏi ý kiến lẫn nhau mà chỉ cần là thông báo cho
nhau biết. Bởi vì chỉ cần được nghe biết về sự việc trước khi xảy ra cũng đủ để
người ta không có cảm giác mình là một người ngoài cuộc.
16. Cần chia sẻ với nhau cả trách nhiệm lẫn quyền hạn trong gia đình.
Theo tự nhiên thì người vợ bao giờ cũng có khuynh hướng tôn trọng và chấp nhận
thua kém người chồng. Nhưng điều đó thường không là
giải pháp lâu dài.
Một người chồng khôn ngoan sẽ chia sẻ quyền hạn – kèm theo
là trách nhiệm – trước khi có những dấu hiệu phản kháng từ người vợ. Bạn có thể
bày tỏ sự chia sẻ quyền hạn bằng những cách rất đơn giản hàng ngày, chẳng hạn
như nhường cho vợ chọn ngày giờ hoặc địa điểm đi chơi, chấp nhận mở chương trình
ti-vi mà vợ ưa thích, hoặc ngừng xem bóng đá để lắng nghe vợ nói một câu chuyện
nào đó...
17. Không có vấn đề hơn hoặc thua trong quan hệ vợ chồng. Nếu
bạn nghĩ rằng bạn đã thắng khi nhận được một lời xin lỗi hoặc thái độ thua thiệt
của vợ hoặc chồng mình, bạn đã lầm.
Vấn đề là sự hài hoà trong quan hệ, vì đó mới chính là nền
tảng của hạnh phúc gia đình. Suy cho cùng thì bạn thấy điều nào quan
trọng hơn: một không khí đầm ấm, hoà thuận, hay một cảm giác thoả mãn lòng tự ái
nhưng sẽ mất tất cả.
Nhưng vấn đề quả đúng là như vậy.
18. Chia sẻ với nhau không chỉ những niềm vui, sự thành công, mà ngay cả những
thất bại, âu lo hay muộn phiền trong cuộc sống. Nên biết rằng,
khi không được chia sẻ những nỗi buồn của người chồng hoặc người vợ, người ta sẽ
phát sinh mặc cảm là có một sự ngăn cách nhất định nào đó.
19. Chấp nhận những khác biệt, bất đồng nhất định nào đó giữa hai người, chỉ trừ
khi đó là mối đe doạ cho sinh hoạt chung của cả gia
đình, chẳng hạn như sự nghiện ngập hay những đam mê tai hại... Nếu bạn biết chấp
nhận, bạn sẽ dễ hài lòng hơn với cuộc sống chung.
Nhưng dù bạn có không muốn chấp nhận thì thật ra bạn cũng rất khó lòng thay đổi,
nếu không muốn nói là không thể được.
20. Mỗi người phải luôn có ý thức phục thiện, sửa đổi lỗi lầm. Nói chung, hầu hết các lỗi lầm khi mắc phải lần đầu tiên đều có
thể được tha thứ, nhưng chúng sẽ bắt đầu gây ra sự khó chịu kể từ lần tái phạm
thứ hai, thứ ba... Bởi vì chúng tạo ra cho người khác cảm giác
là không có sự thay đổi tích cực.
Những điều nêu trên có thể là nhỏ nhặt khi bạn mới nhìn qua,
nhưng hiệu quả của chúng quả thật không nhỏ nhặt chút nào. Và thực tế là
chúng cũng không quá dễ thực hiện như bạn tưởng, mà luôn cần đến một thiện chí
xây dựng với quyết tâm cao để theo đuổi một cách kiên
trì. Tuy nhiên, kết quả chắc chắn sẽ hoàn toàn xứng đáng với
những nỗ lực của bạn.
Tuy nhiên, quan hệ hôn nhân là một quan hệ hai chiều, vì thế
mỗi bên đều phải có những đóng góp tích cực nhất định vào việc xây dựng và bảo
vệ hạnh phúc gia đình.
Cho dù bạn có tích cực và theo
đuổi các biện pháp đúng đắn đến đâu đi chăng nữa, nhưng với một người vợ hoặc
người chồng vô trách nhiệm thì vấn đề cũng sẽ chẳng cải thiện được gì.
Tôi hy vọng đó không phải là trường hợp của bạn.
Vấn đề muốn nói ở đây là, bạn cần trao đổi một cách chân thành
để khuyến khích vợ hoặc chồng mình cùng tham gia.
Thường thì người chồng nên đóng vai trò tích cực, chủ động thực hiện các giải
pháp bảo vệ tình cảm chung, và người vợ cần biết cảm
thông và chấp nhận thiện chí của chồng. Tuy nhiên, không phải
lúc nào cũng vậy, đôi khi người vợ cũng có thể có những thái độ tích cực giúp
xoay chuyển một chiều hướng tình cảm đang xấu đi.
Như vậy, nếu như về phần mình bạn đã có những nỗ lực tích cực
nhất để vun đắp hạnh phúc gia đình, thì bạn có thể chờ đợi, đòi hỏi những gì là
hợp lý ở một người bạn đời?
° ° °
Một cách tối thiểu, bạn có thể đòi hỏi nơi vợ hoặc chồng mình
một thiện chí xây dựng. Tất cả những nỗ lực của bạn sẽ
là hoàn toàn vô ích khi đối phương là một người thiếu thiện chí xây dựng trong
hôn nhân, và điều này thì có rất nhiều nguyên nhân mà chúng ta không thể đề cập
hết ở nơi đây.
Ngoài ra, một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng là sự
hiểu biết, cảm thông và chấp nhận vấn đề. Nhiều quan hệ căng thẳng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, và một khi
bạn chưa giải quyết được sự thiếu hiểu biết này thì mọi nỗ lực nhằm cải thiện
tình hình đều vô ích. Để có được sự hiểu biết lẫn nhau,
mỗi người đều phải chịu lắng nghe và cảm thông người khác.
Đây cũng là một trong những yếu tố mà bạn có thể đòi hỏi nơi vợ hoặc chồng mình
để giúp cho quan hệ hôn nhân được bền vững. Tuy nhiên,
một phần nào đó bạn cũng có thể có những ảnh hưởng chủ động nhất định, chẳng hạn
như cách trình bày vấn đề hoặc sự bày tỏ thiện chí một cách chân thành.
Tình huống lý tưởng nhất là khi cả hai vợ chồng đều có những
hiểu biết thích đáng và sự tích cực trong việc xây dựng cũng như bảo vệ hạnh
phúc trong hôn nhân. Thật ra, khi mới kết hôn thì hầu
hết các gia đình đều ở trong tình huống này. Điều tệ
hại nhất là người ta thường nghĩ đến vấn đề một cách muộn màng khi mà một trong
hai người đã không còn giữ được ngọn lửa nhiệt tình nóng bỏng như xưa.
° ° °
Ngoài những gì đã đề cập đến như trên, quan hệ hôn nhân đôi khi cũng có thể xấu đi do một số những quan điểm sai lầm xuất phát từ sự thiếu
hiểu biết hoặc kinh nghiệm sống.
1. Một số người xem vợ hoặc chồng mình là một người bạn tốt – và do đó họ thường
đòi hỏi nơi vợ hoặc chồng mình những điều giống như ở một người bạn tốt.
Đây là một sai lầm. Điều đó cũng có thể xảy ra nhưng
không phải bao giờ cũng vậy. Quan hệ bạn bè hoàn toàn khác với quan hệ
hôn nhân. Tốt nhất là bạn nên tìm một người bạn tốt thật sự để
chia sẻ hoặc hỗ trợ cho bạn những gì bạn cần, còn người chồng hoặc người vợ cần
giữ đúng vai trò của họ mà thôi.
2. Một số người cho rằng hôn nhân có thể giúp thực hiện được những ước mơ của
đời mình. Điều này không đúng. Một
cuộc hôn nhân tốt đẹp có thể đóng vai trò thúc đẩy tốt, nhưng đó không phải là
động lực cần và đủ. Bạn vẫn phải có những nỗ lực thích
đáng của riêng mình, vì hôn nhân không phải là cây đũa thần vạn năng như nhiều
người lầm tưởng khi đang yêu.
3. Một số người cho rằng vợ chồng nên có những công việc giống nhau để đảm bảo
quan hệ ngày càng gắn bó hơn. Điều này không đúng, hay nói
chính xác hơn là không cần thiết.
Sự gắn bó của hôn nhân phụ thuộc vào cách thức mà hai vợ chồng
sinh hoạt khi ở bên nhau, còn đối với công việc làm hoặc thậm chí sở thích riêng
không cần thiết phải giống nhau. Cách nghĩ sai lầm này dẫn đến những cố
gắng gò bó tai
hại, chẳng hạn người vợ cố theo chồng đi xem bóng đá, hoặc người chồng cố gắng
ngồi trước máy thu hình với vợ để nghe dạy nấu ăn... Những
điều này trong thực tế không thể kéo dài được và cũng không mang lại kết quả gì
tốt đẹp.
4. Một số người cho rằng người chồng nên làm tốt những công việc “đàn ông”,
trong khi người vợ thì đảm đương chuyện “đàn bà”. Sự phân vạch
này là không cần thiết. Ngược lại, đôi khi vợ chồng cùng nấu
ăn hay rửa chén bát có thể là những giây phút rất tuyệt vời.
5. Một số người cho rằng những cuộc hôn nhân không tốt đẹp sẽ được cứu vãn khi
có con. Điều này không đúng. Khi đã có được quan hệ hôn nhân tốt đẹp, con cái sẽ là một mối liên
kết chặt chẽ giữa hai người.
Nhưng nếu đã “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, con cái sẽ càng là một gánh
nặng, vì thế còn dễ làm cho cả hai sớm đi đến chỗ chia cách hơn.
6. Một số người cho rằng duy trì một cuộc hôn nhân không hạnh phúc vẫn tốt hơn
là đi đến tan vỡ. Con cái đôi khi cũng là động lực để hai người “cắn răng chịu
đựng” sống chung
cùng nhau. Điều này không đúng.
Cứu vãn sự tan vỡ của hôn nhân là điều cần thiết phải làm. Nhưng một khi mọi cố
gắng đã vô hiệu và bạn có thể nhìn ra được những nguyên nhân không thể khắc phục
nằm ở chỗ nào, thà rằng chia tay còn tốt hơn. Ngay cả với tâm lý con
cái, dù việc sống với cha hoặc mẹ sau khi hôn nhân tan rã là điều rất đáng buồn,
nhưng vẫn còn dễ chịu và ít căng thẳng tâm lý hơn là sống trong một gia đình
thường xuyên có chiến tranh.
7. Một số người cho rằng những chuyện giận hờn thường làm cho cuộc sống hôn nhân
trở nên ý vị, nhiều màu sắc hơn. Thật ra, nhiều màu sắc hơn là điều tất nhiên, nhưng tốt đẹp hơn
không thì cần phải xem lại. Nói chung, sự giận
dỗi thường xuyên tạo ra một cảm giác quen thuộc đến mức chán nản. Dù người kiên nhẫn đến đâu cũng không thể mãi mãi nghĩ đến chuyện dỗ
dành. Xét cho cùng, quan hệ hôn nhân là một quan hệ đầy
trách nhiệm, không giống với chuyện tình cảm trước khi cưới được.
8. Một số người cho rằng chuyện tình dục là không quan trọng, chỉ cần có tình
cảm tốt đẹp với nhau là đủ. Điều này không đúng. Một
trong những điều làm cho quan hệ hôn nhân khác hẳn với quan hệ bè bạn chính là
hoạt động tình dục. Dù sao cũng phải thừa nhận đây là một nhu
cầu trong đời sống vợ chồng. Vì thế, nếu một trong hai
người, hoặc cả hai, không còn thấy ham muốn về mặt tình dục là cuộc hôn nhân ấy
đã bắt đầu có vấn đề. Quan hệ tình dục ở mức độ thích
hợp và có sự quan tâm lẫn nhau là dấu hiệu tốt của một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Vì thế, việc từ chối hoặc thụ động khi có bất đồng về một chuyện khác là một
thái độ thiếu khôn ngoan rất thường gặp.
9. Một số người cho rằng đã kết hôn với nhau rồi thì không còn cần thiết phải
ghen tuông như khi chưa cưới. Họ cho rằng điều đó có hại cho cuộc sống chung, vì nó tỏ ra thiếu sự tin cậy lẫn nhau.
Vấn đề là ở chỗ, tuy họ nghĩ như thế nhưng thường không làm được như thế.
Ghen tuông là một bản năng hoàn toàn tự nhiên của con người mà lắm khi chúng ta
không nhận ra được sự hiện hữu của nó. Trừ khi ở mức độ thái
quá, bằng không thì đó cũng là một trong các yếu tố tất yếu để gìn giữ hạnh phúc
cho cả hai người. Chẳng hạn, người chồng không thể viện cớ “hoàn toàn trong sạch” để
duy trì quan hệ với nhiều bạn gái như khi chưa kết hôn.
Nếu anh ta không tỉnh táo trong việc này, sự “trong sạch” của anh ta sẽ có nguy
cơ hoen ố vào một lúc nào đó mà chính anh ta cũng không lường trước được.
10. Một số người cho rằng tiền bạc là yếu tố quan trọng nhất trong đời sống gia
đình, vì thế cho dù có những vấn đề bất ổn nào đó, chỉ cần cố gắng kiếm được
thật nhiều tiền là sẽ giải quyết được tất cả, nhờ vào sự thoải mái về vật chất.
Điều này không đúng. Một món quà đắt tiền quả là có giá
trị mang lại niềm vui khác hơn một món xoàng xĩnh, nhưng đó là trong trường hợp
mọi việc đang diễn ra bình thường. Nếu bạn chỉ chú
trọng đến của cải vật chất, rồi có ngày bạn sẽ phải hối hận vì không thể dùng
chúng để hàn gắn lại những rạn nứt trong tình cảm.
Ngày nay, tỷ lệ ly hôn đã lên đến mức đáng báo động.
Nếu như trước kia đó là một điều có vẻ như chỉ được
thấy trong các xã hội phương Tây, thì ngày nay kể cả các xã hội Á Đông cũng đã
đối mặt với vấn đề. Ly hôn không chỉ là chuyện không may cho hai người, mà còn
tạo ra nhiều hệ quả xấu khác. Những đứa trẻ lớn lên không cha
hoặc không mẹ thường hiếm khi có được sự phát triển tâm sinh lý bình thường để
trở thành những người hữu dụng cho xã hội. Phần lớn chúng phải chịu đựng
khó khăn về vật chất hơn các trẻ em khác, và cả một gánh nặng tâm lý khiến cho
chúng trở nên khác thường theo hướng tiêu cực. Trong một chừng mực
nào đó, khi số người ly hôn là quá nhiều và con cái của họ chiếm một tỷ lệ đáng
kể, xã hội không có mấy biện pháp hữu hiệu để giúp đỡ hoặc ngăn ngừa các hậu quả
xấu.
Vấn đề có thể cải thiện đáng kể nếu mỗi người đều ý thức được
trách nhiệm của mình trong hôn nhân. Chính tinh thần
trách nhiệm cao sẽ giúp khắc phục và vượt qua những khó khăn tất yếu của đời
sống vợ chồng. Bên cạnh đó, sự hiểu biết đúng đắn và nỗ
lực tích cực của cả hai người trong việc vun đắp hạnh phúc gia đình sẽ giúp giảm
thiểu tối đa nguy cơ dẫn đến sự tan vỡ. Xét cho cùng,
phần thưởng mà bạn nhận được trong một cuộc hôn nhân hạnh phúc sẽ vô cùng xứng
đáng so với những nỗ lực đã bỏ ra, và tương lai con cái bạn cũng hoàn toàn phụ
thuộc vào những nỗ lực đúng đắn như thế.