Thủy chung cùng một con đường

THỦY CHUNG CÙNG MỘT CON ĐƯỜNG

(Pháp thoại T.T. Thích Thái Hòa giảng cho hai đệ tử Tuấn và Cúc cùng gia đình, bạn bè tai Đại Hùng Bảo Điện, chùa Phước Duyên, Huế, ngày 28 tháng 02 năm 2004 do Đệ tử: Nhuận Từ Nguyên và Nhuận Hạnh Châu kính ghi, đệ tử Nhuận Tịnh Phương và Nhuận Viên Như vi tính ).

 

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

Thưa đại chúng,

Hôm nay là ngày 09 tháng 02 năm Giáp Thân, tức là ngày 28 tháng 02 năm 2004, tại Đại Hùng Bảo Điện, chùa Phước Duyên, tất cả chúng ta đang có mặt để cầu nguyện Tam Bảo chứng minh cho đời sống lứa đôi của hai Phật tử Tuấn và Cúc.

Nhân đây, Thầy xin chia sẻ những chất liệu tạo nên hạnh phúc, trong đời sống lứa đôi cho hai con Tuấn, Cúc và cùng tất cả quý vị.

Trái Tim Đã Được Kế Thừa:

Thưa quý vị,

Quý vị là những bậc làm cha, làm mẹ của hai cháu Tuấn và Cúc, thì bây giờ quý vị hãy tự nhìn vào trái tim của mình, bằng tất cả những sự vui mừng. Bởi vì, trong trái tim của tất cả quý vị đã có mặt ông bà nội, ngoại, cha mẹ của quý vị. Nhờ có trái tim của ông bà, cha mẹ của quý vị mới tạo ra được trái tim của quý vị hôm nay.

Và bây giờ đây, trong trái tim của quý vị đã tạo ra được những người con của mình, mà trong đó có Tuấn và Cúc. Như vậy, trái tim của quý vị thật sự đã có những trái tim kế thừa, đó là những đứa con có sự toàn vẹn về thân thể cũng như về tâm hồn.

Có những người cha, người mẹ sinh ra con không toàn vẹn về thân thể hay toàn vẹn về thân thể, nhưng không toàn vẹn về tâm hồn. Nay nhờ túc duyên nhiều đời trong dòng họ của quý vị, nhờ thiện duyên nhiều đời của chính bản thân quý vị, nên quý vị đã sinh ra được những người con không những toàn vẹn về thân thể, mà còn toàn vẹn về cả tâm hồn nữa. Do toàn vẹn về tâm hồn, nên mới có lễ tác thành lứa đôi cho hai cháu trong khung cảnh của Phật Pháp, trong khung cảnh trang nghiêm và có ý nghĩa này.

Quý vị là những người rất thông minh và khôn ngoan, nên không những hỗ trợ cho hai cháu đi đến với nhau trong đời sống lứa đôi được thiết lập trên nền tảng của Tam Bảo, trên nền tảng đạo đức của Phật Giáo, mà quý vị còn hỗ trợ và tác thành một cách tích cực cho vấn đề có ý nghĩa cao đẹp, lâu dài và sâu xa này.

Trách nhiệm của quý vị đối với việc Tuấn và Cúc đến với nhau trong đời sống lứa đôi đến đây chưa phải là đã hoàn thành, quý vị phải tiếp tục hướng dẫn, truyền đạt cho hai cháu chất liệu làm cha, làm mẹ mà trong suốt cuộc đời của quý vị đã có kinh nghiệm, để hai cháu sống một cách trọn vẹn và có ý nghĩa.

Quý vị làm được như thế, thì chính Tuấn và Cúc sẽ là người kế thừa trái tim của quý vị một cách xứng đáng, và rồi Tuấn và Cúc sẽ trao truyền trái tim đó cho thế hệ cháu chắt của quý vị trong tương lai.

Bây giờ đây, quý vị hãy đem những chất liệu của sự tin tưởng, thương yêu, bao dung, hỷ xả, hy sinh hướng về Tam Bảo, hướng về hai cháu Tuấn và Cúc để nhất tâm cầu nguyện cho sự thành đạt trong đời sống lứa đôi của hai cháu một cách trọn vẹn.

Xin tất cả cha mẹ, bà con nội ngoại, bạn bè của hai cháu hãy hướng về Tam Bảo cùng chúng tôi để cầu nguyện, và tôi sẽ có vài lời chia sẻ với hai cháu Tuấn và Cúc trong giờ phút quý báu này.

Tuấn và Cúc, hai con quý mến!

Hai con đã tìm hiểu nhau một thời gian dài, hai con đã biết nhau một phần nào, hai con đã tự nguyện đến với nhau, cùng nhau xây dựng đời sống lứa đôi, sự tự nguyện đó đã được cha mẹ của hai con đồng ý, hỗ trợ và tác thành. Sự tự nguyện đi đến đời sống lứa đôi của hai con đã được bà con nội ngoại, bạn bè hai bên hết lòng hỗ trợ.

Trong giờ phút này, hai con hãy lắng hết tâm tư của mình, lắng hết những tư tưởng không lành mạnh, không trong sáng của mình, để Thầy có thể chia sẻ những chất liệu sống hạnh phúc cho hai con, hai con hãy lấy đó làm hành trang không những trong đời sống lứa đôi, mà còn làm hành trang trong cuộc sống toàn diện của mình.

Nhìn Kỹ Nhân Duyên:

Các con hãy nhìn sâu vào dòng nhân duyên ái nghiệp, nhân duyên phước đức, cái phước đức của những người vợ chồng trong thế gian, để từ đó hai con có thể rút ra được bốn trường hợp làm vợ, làm chồng ở trong thế gian như sau:

Trường hợp thứ nhất: Vợ sống với tâm hồn thuỷ chung và chồng cũng sống với tâm hồn thuỷ chung. Nên hai vợ chồng sống với nhau rất hạnh phúc.

Trường hợp thứ hai: Chồng sống thuỷ chung, nhưng vợ sống không thuỷ chung.

Trường hợp thứ ba: Vợ sống thuỷ chung, nhưng chồng sống không thuỷ chung.

Trường hợp thứ tư: Chồng sống không thuỷ chung và vợ sống không thuỷ chung.

Loại trừ trường hợp thứ nhất, còn ba trường hợp còn lại, vợ chồng sống với nhau chỉ tạo ra địa ngục, khổ đau cho nhau. Họ sống không thuỷ chung với nhau, nhưng vẫn sống với nhau, đó là vợ chồng đến với nhau như oan nghiệp mà cần phải trả. Sống trong oan nghiệp như vậy, nếu chúng ta không thông minh, thì chúng ta không những tạo ra oan nghiệp đời này, mà còn tạo ra nhiều oan nghiệp về sau, không những tạo hệ luỵ cho ta và các con cháu của ta đời này, mà ta còn tạo hệ luỵ cho ta và con cháu của ta nhiều đời về sau nữa. Ta không những làm tủi nhục trái tim của cha mẹ ta trong hiện tại, mà ta còn làm tủi nhục cho cả trái tim của tổ tiên ông bà nội, ngoại của chúng ta nhiều đời, không những vậy mà chúng ta còn làm tủi nhục cho trái tim con cháu của ta trong những thế hệ tương lai nữa.

Lại nữa, ở trong đời, không có ai thiết lập đời sống lứa đôi mà mong muốn người chồng hay người vợ sống không có thuỷ chung, không ai muốn đến với nhau trong oan nghiệp, hay để vui với nhau trong chốc lát, ví như khát nước mà uống nước mặn, khát mà uống nước đường. Tất cả mọi người trên trái đất này, dù là người tầm thường đến mấy, khi thiết lập đời sống lứa đôi, họ cũng ước ao rằng, làm thế nào mình cũng có đời sống vợ chồng chung tình, cuộc sống có thuỷ chung với nhau từ khi tóc xanh cho đến bạc đầu. Không những vậy, mà còn đến khi qua đời rồi, vợ chồng vẫn còn bên nhau trên bàn thờ một cách ấm cúng.

Họ còn mong rằng, đời sau mình còn gặp lại nhau trên một đường hướng đẹp hơn, quý hơn và hỗ trợ nhau trên con đường rộng lớn hơn.

Muốn như vậy, ta phải làm gì? Ta đi xin điều ước muốn đó ở đâu và ai cho? Ta phải đi mua điều ước muốn đó ở đâu? Và ở đâu bán cái ước muốn đó cho ta? Ta muốn như vậy, ta ước mơ như vậy, thì không gì khác hơn, ta phải biết biến ước muốn đó thành hiện thực trong đời sống của ta, ta phải cầu nguyện ước muốn đó trở thành hiện thực trong đời sống của ta. Vì vậy, hôm nay Thầy muốn chia sẻ đến với hai con năm chất liệu tạo nên đời sống chung thuỷ giữa vợ và chồng không những đời này, mà đời sau nữa, mà hai con phải luôn luôn ghi nhớ :

Luôn Giữ Niềm Tin Cho Nhau:

Hai con phải luôn giữ niềm tin với nhau. Vì nếu không có niềm tin với nhau, thì không thể nào có sự thuỷ chung trong đời sống vợ chồng. Hai con phải nhớ giữ niềm tin với nhau qua lời nói, cách nhìn, cách lắng nghe, cách tiếp xúc, qua sự hành xử hàng ngày.Ta chỉ giữ niềm tin với nhau qua lời nói, mà không qua cách sống, như vậy là giữ niềm tin chưa giỏi. Đó là chất liệu thứ nhất, mà các con cần phải lưu ý và biến nó thành chất liệu của cuộc sống chính mình.

Sự Hiểu Biết Lẫn Nhau:

Nếu không có niềm tin, không có sự hiểu biết, thì mình sẽ không gần gũi nhau được. Gần gũi nhau, ta mới nói cho nhau nghe những gì mà cuộc đời của ta đã vấp phải, đã thất bại hay cuộc đời của ta đã có những thành công và may mắn. Cái may mắn trong lòng hay cái thất bại trong lòng đó, ta chỉ nói cho nhau nghe, khi ta có niềm tin với nhau, khi ta có niềm tin với nhau rồi, ta mới bắt đầu tìm hiểu để có sự hiểu biết. Từ nơi sự hiểu biết, ta giúp nhau vượt qua được những khó khăn của nhau, giúp nhau bước tới những thuận lợi của nhau. Thiếu chất liệu niềm tin, ta không có cơ sở để tiến tới sự hiểu biết.

Cho nên, hiểu biết nhau tức là không phải chỉ hiểu biết bên ngoài, mà hiểu từ bên ngoài vào cả bên trong. Không những hiểu biết cái tướng của nhau, mà còn phải biết đến cái tính của nhau. Nghĩa là tính của Cúc như thế nào, thì Tuấn phải biết và tính của Tuấn như thế nào, thì Cúc phải biết. Nếu Cúc chỉ biết cái tướng của Tuấn, mà không hiểu biết cái tính của Tuấn, thì Cúc sẽ thất bại hay ngược lại, nếu Tuấn chỉ biết cái tướng của Cúc, mà không biết cái tính của Cúc, thì Tuấn sẽ thất bại trong đời sống lứa đôi.

Vì vậy, hiểu biết nhau không phải chỉ hiểu biết bên ngoài, qua lời nói, mà hiểu biết một cách sâu sắc, trọn vẹn cả bên trong. Không những biết về hình thức và nội dung, mà còn phải biết nhân duyên của nhau, nhân duyên nào đã đưa Tuấn ra đời và nhân duyên nào đã đưa Cúc ra đời. Các con có hiểu biết nhau như vậy, các con mới tạo được hạnh phúc trong đời sống lứa đôi, các con mới giúp nhau đi trọn vẹn trên con đường ghồ ghề, khúc khuỷu, lầy lội của đời sống gia đình, xã hội và cùng nhau thăng hoa trong đời sống lứa đôi.

Nếu Tuấn chỉ biết Cúc, mà không biết cha mẹ của Cúc, không biết dòng họ nội, ngoại của Cúc, không biết bạn bè của Cúc, thì làm sao gọi là biết Cúc. Trái lại, nếu Cúc cũng có cái biết như vậy đối với Tuấn, thì Cúc không thể làm một người vợ đẹp, một người dâu đẹp, cái biết đó gọi là cái biết bị hỏng, và vì vậy, nó không thiết lập được đời sống hạnh phúc. Đó là chất liệu thứ hai mà các con phải ghi nhớ để thực tập.

Thương Yêu Chân Thực:

Khi hai con đã có sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, những chất liệu đó sẽ tạo nên sự thương yêu. Sự thương yêu như vậy, mới gọi là thương yêu chân thực. Hai con có được sự thương yêu như vậy, hai con sẽ đem lại sự vinh dự lớn lao cho cha mẹ, gia đình, dòng họ của hai con, hai con sẽ dẫn nhau đi lên khung trời rộng lớn, giúp nhau tạo nhân cách hoàn chỉnh, làm tăng nét đẹp của con người, của gia đình, của dòng họ, của xã hội và còn tạo ra được chỗ dựa vững chãi cho con cháu của hai con trong tương lai. Sự thương yêu đó mới thật sự đem lại hạnh phúc cho hai con. Còn sự thương yêu nào không được thiết lập trên nền tảng của sự tin tưởng và sự hiểu biết, thì sự thương yêu đó sẽ đào hố thẳm để chôn nhau. Đây là chất liệu thứ ba, các con hãy luôn luôn ghi nhớ và thực tập.

Chất Liệu Sống Cùng Và Sống Với:

Nghĩa là hai con sống với nhau cùng một niềm tin, cùng một chất liệu hiểu biết, cùng một chất liệu thương yêu. Chính chất liệu sống cùng và sống với như vậy sẽ tạo nên sự an ổn, hạnh phúc trọn vẹn cho đời sống lứa đôi. Khi hai con sinh con, nở cháu, nếu hai con không có chất liệu sống cùng và sống với, chồng nhìn về hướng Đông, vợ nhìn về hướng Tây, hai con không thể gặp nhau tại đích. Nếu ta nhìn như thế, đầu tiên ta gặp nhau ở một điểm, nhưng mỗi ngày trôi qua là mỗi ngày chúng ta xa nhau, xa nhau đến biền biệt, không bao giờ gặp nhau, đã không gặp nhau thì làm sao chúng ta có thể tạo ra được hạnh phúc cho nhau.

Chất liệu sống cùng và sống với, nghĩa là chúng ta cùng có chung một lý tưởng, một quan điểm sống. Sống với nhau trong một khung cảnh, ta có ngọt, ta chia sẻ ngọt cho nhau, ta có đắng cay, thì ta chia sẻ đắng cay cho nhau. Sự thành công của gia đình vợ, chính là sự thành công của gia đình chồng, sự thất bại của gia đình vợ là sự thất bại của gia đình chồng và ngược lại.

Khi có một sự đau buồn xảy ra trong đời sống của mình, thì vợ không đổ lỗi cho chồng và chồng không đổ lỗi cho vợ, đó không phải là việc riêng của chồng hay của vợ, mà chung cho cả hai người, chúng ta sống phải có ý thức như vậy.

Nếu chúng ta sống không có ý thức như thế là chúng ta sống quá hèn mọn và ích kỷ, không xứng đáng để làm chồng, làm vợ sống với nhau, nó không đúng với sự thiết lập đời sống lứa đôi trên nền tảng đạo đức Phật giáo.

Nên, hai con phải luôn luôn ghi nhớ chất liệu thứ tư nầy để thực tập khiến cho đời sống lứa đôi của hai con được bảo toàn.

Ý Thức Sự Có Mặt Trong Nhau:

Sống cùng và sống với, một đôi khi vẫn tồn tại hai cõi trời riêng biệt, nhưng ý thức được sự có mặt trong nhau là chất liệu mà hai con phải thực tập. Hai con sống với nhau trong tình yêu lứa đôi, không phải là hai cõi trời riêng biệt, hai trái tim riêng biệt, mà là hai trái tim có cùng một nhịp đập, một nhịp điệu, hai cõi trời đó đã trở thành một cõi trời, hai tâm hồn đã trở thành một tâm hồn.

Cho nên, chất liệu vợ có mặt trong chồng và chồng có mặt trong vợ, chồng đi công tác xa, nhưng trong chồng luôn có hình ảnh, chất liệu của vợ. Tuy vợ ở nhà, nhưng trong vợ luôn có chất liệu của chồng, có tất cả những gì cao quý của chồng. Vợ chồng luôn có mặt trong nhau, như vậy cái gì vợ làm là làm cho chồng, cái gì chồng làm là làm cho vợ. Mình ăn chay, tu tập là ăn chay, tu tập cho vợ, cho chồng của mình. Mình làm tất cả phước đức là làm cho chồng, cho vợ mình. Mình có hiếu với ông bà gia là có hiếu cho chồng, cho vợ mình. Trong đời sống vợ chồng, hai con phải có ý thức được như vậy, là hai con đã có được chất liệu căn bản tạo nên hạnh phúc trọn vẹn trong đời sống lứa đôi.

Năm chất liệu trên, Thầy trao cho hai con, để hai con làm hành trang, không những trong đời sống lứa đôi, mà còn để làm người cao đẹp trong cõi này, ngay cả đời sau.

Chúng ta chỉ gặp nhau trong một khoảnh khắc thôi, cũng đã có nhân duyên với nhau rồi, huống chi là chúng ta gặp nhau để làm chồng, làm vợ với nhau, và không những vậy mà còn sinh con, nở cháu và cùng nhau làm tổ tiên trong dòng họ nữa, nên nhân duyên gặp gỡ để kết làm vợ chồng với nhau là một nhân duyên hết sức đặc biệt, nhân duyên ấy là nhân duyên đã có với nhau nhiều đời.

Thầy biết Tuấn và Cúc không chỉ mới gặp nhau trong đời này, mà hai con đã gặp gỡ nhau trong nhiều đời về trước, đã từng làm vợ, làm chồng, làm bạn bè của nhau, làm thiện tri thức của nhau... Đời này hai con gặp nhau không phải chỉ gặp nhau trong tình yêu phàm tục, mà hai con đã biết nâng tình yêu phàm tục đó lên một bậc cao hơn, đó là tình yêu thánh thiện. Hai con đã biết nâng chất phàm tục trong hai con thành chất Thánh, chất Phật trong hai con. Chính chất Phật trong hai con đã giúp hai con đi đến với nhau một cách cao đẹp, sống với nhau một cách cao quý và hành xử với nhau một cách cao thượng.

Hai con làm được như vậy, tức là hai con đã xứng đáng là con của cha mẹ, là cháu của tổ tiên ông bà trong dòng họ của hai con, hai con xứng đáng là thiện tri thức của bạn bè hai con, xứng đáng là Phật tử của Tam Bảo, học trò của quý Ôn, quý Thầy.

Vậy, đó là những gì Thầy muốn chia sẻ đến hai con, mong hai con ghi nhớ thực tập, nuôi dưỡng để những chất liệu đó luôn luôn có mặt trong đời sống của hai con, những chất liệu đó sẽ hộ trì cho hai con sống an lạc, thảnh thơi trong đời sống lứa đôi của mình.

Chuỗi Hạt Trao Nhau:

Bây giờ, Thầy có hai tràng chuỗi hạt mà Thầy muốn chia sẻ đến hai con, tràng chuỗi nầy hai con trao cho nhau ý nghĩa rằng, ta đến với nhau và hãy trang nghiêm cho nhau bằng sự An Lạc. Trong kinh Bồ Tát Giới Anh Lạc, Đức Phật dạy rằng, chúng sinh phải được Bồ Tát trao chuỗi hạt Anh lạc để trang nghiêm thân thể, trang nghiêm đời sống của mình và quan trọng hơn là trang nghiêm Pháp thân.

Bằng ý nghĩa và biểu tượng như vậy, nên Thầy trao hai tràng chuỗi hạt này đến hai con, hai con đeo vào trong đời sống của mình và luôn nhớ rằng, mình hãy trang nghiêm đời sống của mình bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, bằng sự trang nghiêm của Giới, của Định, của Tuệ và những tâm nguyện rộng lớn. Hai con hãy trang nghiêm đời sống của mình như những chuỗi ngọc châu Anh Lạc nầy.

Mỗi khi hai con có gì không phải với nhau, thì hãy nhớ đến tràng chuỗi này, khi đó tất cả những gì ưu tư, phiền muộn sẽ lắng xuống, hai con sẽ được trong sáng, đẹp và quý báu như tràng chuỗi Anh Lạc này. Bây giờ, Thầy trao cho hai con để làm kỷ vật bên mình, hai con nhớ lấy để bảo trọng, hai con nghe Thầy xướng rồi lạy cha mẹ của hai con và dòng họ nội ngoại của hai con để tỏ lòng biết ơn một cách sâu xa.

Và quý vị tham dự trong buổi lễ này, xin quý vị hãy nhất tâm cầu nguyện cho Tuấn và Cúc biết thương quý nhau, có nhiều hạnh phúc trong đời sống lứa đôi, trong đời sống con người.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle