Trong nhật ký Ô mai

Trong nhật ký Ô mai

 

Chiêu Hoàng

 

 

Loài Hoa Quý 

Trong kinh Phật có nói về một loài  hoa tên gọi là "Hoa Ưu Đàm", một ngàn năm mới nở một lần, vì vậy nó rất hiếm quý.  Tôi trộm nghĩ ngoài sự hiếm quý, hẳn là nó rất đẹp. Tôi chưa bao giờ có cơ duyên nhìn thấy một đóa hoa nào như thế, dĩ nhiên, vì thọ mạng của một kiếp người dài nhất chỉ có một trăm năm thôi, phải đợi mười kiếp mới có thể gặp được đóa hoa hiếm quý như thế. Dẫu vậy, cũng chẳng ai có thể biết được đóa hoa Ưu Đàm hình thù ra sao, chắc nó chỉ hiện hữu trên những từng trời mà thôi.  Nếu vậy, một ngàn năm thọ mạng của chư thiên so với ngàn năm của kiếp người thì hẳn là rất dài…, rất dài….

Thế mà tôi vẫn thấy còn một loài  hoa hiếm quý, thơm ngát hương hơn.  Loài  hoa này đã nở hơn 2500 nay rồi.  Đó là đức Phật đã khởi bi tâm thị hiện xuống cõi Ta-bà này để cứu độ chúng sanh.  Dù Ngài đã tịch diệt, nhưng hương thơm của giáo pháp vẫn lan tràn thơm ngát khắp nơi. Vì vậy mỗi năm, tất cả các chùa chiền, từ trong nước tới hải ngoại đều tổ chức ngày Phật đản rất long trọng, tổ chức để tạ ơn tấm lòng Đại từ, Đại bi của Ngài vì nghĩ đến sự đau khổ của tất cả chúng sanh mà thị hiện nhục thân, rồi để lại giáo pháp như một đóa hoa hiếm quý thơm ngát xuyên suốt thời gian, không gian mà sự quý giá nhất của đóa hoa ấy ngày càng tỏa hương lan rộng khắp mọi nơi, mọi chốn. Giáo pháp của Ngài cũng tựa như đóa hoa muôn sắc rực rỡ như thế.  Một Đại-Biểu-Liên-Hoa nở rộng suốt cõi Ta-bà này.

Tôi không bao giờ quên được những ngày ấu thơ, được mẹ đưa lên chùa trong những dịp lễ lớn.  Ngày lễ lớn nhất mà tôi có thể nhớ là ngày Phật đản.  Trên chùa tấp nập biết bao nhiêu người.  Người nào cũng bận bịu, nhưng hình ảnh ăn sâu mãi trong tôi ở chùa là hai nơi.  Một là khung cảnh nhà bếp với một "đội quân" làm việc rất nhịp nhàng, ồn ào, náo động. Người lo thổi cơm, rửa rau, nấu nướng những món ăn trong những nồi lớn bằng cả người tôi chui vào ngồi lom khom cũng còn lọt. Các món ăn mới tuyệt vời làm sao, dù tất cả chỉ toàn là rau, cải, đậu hũ, tương, chao v.v.. Nhưng dưới những bàn tay khéo léo của các dì, các bác và ngay cả những "chị lớn" đã biến thành những món ăn chay ngon tuyệt vời.  Tôi thích nhất trong những lúc đói bụng, cứ hay quanh quẩn trong khu nhà bếp.  Bác Tư hiểu ý, nhét vào tay tôi miếng khoai lang nhỏ rồi âu yếm mắng khéo rằng: "Lại đói rồi phải không? Cái con bé này, đáng lý phải giúp Bác Tư mới đúng chứ!  Đây, có củ khoai nhỏ này con ăn đỡ đi, chừng lễ xong rồi tha hồ mà ăn".  Tôi sung sướng đỡ lấy củ khoai lang nhỏ chạy bắn ra ngoài hiên nhập cùng với đám bạn tiếp tục chơi nhảy dây, hoặc ca hát. 

Khung cảnh thứ hai là trong chánh điện, rộng lớn và trang nghiêm làm sao!  Người ngồi san sát như nêm cối.  Do sự dẫn tụng của vị đạo sư trụ trì (mà tôi thường gọi là Sư Ông) sau hồi chuông trống bát-nhã. Sư Ông bắt đầu kể về đức Phật, về cuộc đời nửa thật, nửa huyền thoại của Ngài. Dẫu tôi đã nghe nhiều lần, nhưng lần nào tôi cũng chăm chú nghe và bị lôi cuốn như mới nghe lần đầu.  Tôi yêu thích nhất đoạn  Hoàng hậu Māyā một hôm nằm mơ thấy con voi sáu ngà bỗng từ trời sa xuống nhập vào thân mình, chung quanh chan hòa những hào quang sáng rực như đêm hội hoa đăng.  Hoàng hậu bàng hoàng tỉnh dậy, ngài nghe đâu đây một mùi hương thơm ngát và những quang minh vẫn còn rơi rớt quanh đây... Rồi tới ngày đức Phật đản sanh, thật tuyệt vời và kỳ diệu làm sao.  Hoàng hậu vịn vào cành cây Vô Ưu trong khi đức Phật với gót sen quý đã bước đi bảy bước, mỗi bước đi có một đóa sen nâng bước chân Ngài, lúc đó Ngài đã cất lên một câu bất hủ "Thiên thượng  thiên  hạ, duy ngã độc tôn."

Mùa Phật đản ngày nay, không còn là một ngày lễ tôn giáo thuần túy nữa, mà dường như đó còn là một ngày hội lớn của người con Phật.  Một lễ hội nói về một đóa hoa quý không bao giờ tàn sau bao nhiêu ngàn năm vẫn còn để lại hương thơm của pháp, đem lại sự bình an, hạnh phúc cho tất cả mọi loài. 



Ngày....tháng.....năm....

8:15am

Duyên nghiệp

Tôi đang săm soi nhìn vào bàn tay mình trên những đường chỉ dài ngắn, ngang, dọc và những ốc đảo để tìm về quá khứ.

Về một kiếp xa xưa huyền thoại. Một huyền thoại trong đó có tôi và anh....

Hình như mình đã từng còn mong gặp lại?

Ngày....tháng.....năm....

10:30am  

Cho và nhận

Vị sư già nhìn thấy những giọt mồ hôi lấm tấm ở chân tóc trên trán và dưới những sợi tóc mai của người thiếu nữ. Hẳn là cô vừa dang nắng đi một đoạn đường dài từ chân núi. Mặt cô đỏ au và có vẻ mệt, nhưng vẫn không giấu được nét hồn nhiên hoan hỷ đã vượt qua một đoạn đường dài. Ông dịu dàng đem đến một bình nước vối và ban cho cô một nụ cười...

Cô nhận tặng phẩm ông cho bằng cả hai tay. Cô ngước lên, nhoẻn miệng cười với ông. Ở ông, toát ra một cái gì hiền hậu và an ổn. Lòng cô thật hoan hỷ....

Cô không ngờ rằng, mình đã trả ơn ông bằng nụ cười hồn nhiên ấy....

Thật tuyệt vời biết bao khi cả người cho lẫn kẻ nhận đều cùng cho và nhận hết lòng. Cùng có cảm giác mình vừa cho đi và vừa nhận lại được một điều không thể mua được....

Ngày....tháng.....năm....

7:56am

Trường ca

Mỗi người đều có một khúc trường ca mà trong đó có đầy đủ những vị vui, buồn, ngọt, đắng và khổ đau... Nó bắt nguồn từ hơi thở vào và chỉ chấm dứt khi hơi thở cuối cùng hắt ra. Rồi tất cả những khúc trường ca ấy, hòa lại, thành một đại trường ca hoành tráng, nối tiếp nhau không ngừng.

Bỗng nhớ đến Câu Chuyện Dòng Sông của H.H. trong đoạn cuối, khi tất cả những danh vọng, tiền tài, lòng ganh ghét, đố kỵ, niềm vui, nỗi buồn, sự sung sướng, hạnh phúc hay khổ đau chỉ gom lại một chữ OM mầu nhiệm... Ồ, thật tuyệt diệu làm sao khi sáng nay, tôi mới nhận ra được điều ấy trong cuối thời công phu sáng...

Tôi vừa được nghe nửa khúc trường ca của bạn. Chỉ muốn nói với bạn rằng, mọi khổ đau, tôi đã gánh nhận và rửa sạch bằng tất cả lòng chân thành của mình trong những ngày retreat vừa qua....


Ngày....tháng.....năm....

4:08pm

Con số 7

Từ khi biết suy tư, tôi cứ có cảm giác cuộc đời mình ưa dính dáng đến con số 7. Chẳng hiểu đó là một điềm họa hay điềm may. Nhưng tôi cứ cho đó là một điềm may mắn, vì trong Phật giáo, con số 7 cũng mang một ý nghĩa rất... mầu nhiệm.

Bằng một sự tưởng tượng cực kỳ chủ quan, tôi cho rằng, con số 7 có nét rất... thanh tao. Nó không dẹp lép, thẳng đuột như số 1, cũng không... mất quân bình phình chỗ này, lép chỗ khác như số 5, 6 và 9, lại nhất là không... mập ị ra như số 8. Số 3 bị... mập một nửa, còn lại số 2 - hơi giống số 7 - nhưng số 2... điệu quá....

Tôi chỉ thích con số 1 hay số 2 ghi trên sổ học bạ.

Mà cả đời, những con số ấy chẳng khi nào hiện diện trên tấm học bạ của tôi bao giờ...

Ngày....tháng.....năm....

5:58pm

Qua khung cửa

Từ khung cửa phòng khách nhìn ra một khoảng mái hiên nhỏ. Bên ngoài là một hồ nước rộng, chung quanh có nhiều loại cây cao tỏa đầy bóng mát. Tuy là một hồ nước nhân tạo, nhưng được trang trí giống như cảnh thiên nhiên thu nhỏ. Ven hồ, có vài hòn đá tảng với bề mặt bằng phẳng, ta có thể ngồi trên những hòn đá đó hoặc đọc sách, hoặc nhìn ra hồ nước trong vắt với những con cá koi lớn và một bè hoa súng nở rộ trông rất đẹp mắt...
Hồ có hai vị khách thường xuyên ghé đến là hai con vịt trời. Chúng đến thăm, tắm gội và âu yếm nhau vào khoảng cuối thời kinh sáng, vào lúc mà tôi bắt đầu khởi tâm hồi hướng những gì mình vừa hoàn tất. Bằng đôi mắt nâu mầu hạt dẻ, thỉnh thoảng, tôi nhìn qua khung cửa, mỉm cười với hạnh phúc của chúng....

Ít khi nào tôi có dư thì giờ để buông tâm ngắm được cảnh đẹp thiên nhiên ấy. Vì thì giờ của tôi thường bị ngăn chia ra thành từng ô to, nhỏ, dài, ngắn tùy theo tính chất quan trọng nhiều ít của nó. Nên tôi thường có cảm giác mình như một kẻ bị động bởi những commitments do chính tôi đặt ra. Thỉnh thoảng, có một vài buổi cuối tuần - như hôm nay - tôi buông tâm, mặc kệ những công việc còn đang sắp hàng chờ giải quyết. Tôi nằm dài trên ghế sofa nhìn ra mặt hồ, nghe tiếng nước chảy róc rách, cảm nhận từng bước thời gian rón rén đi qua. Thật là một điều tuyệt vời khi có được những khoảng thời gian như thế.

"Em ơi. Hình như con vịt cái đã bỏ đi, để lại con vịt đực bơ vơ. Từ sáng giờ anh nghe nó kêu khóc tới khản cổ rồi..."

"Sao anh biết đó là con cái?"

"Ờ...ờ... Anh đoán thế. Vì giống cái ưa... đa đoan, đòi hỏi…"

"Anh có nghĩ là anh hơi... độc đoán lắm không khi nói những điều như vậy?"

"Dẫu sao thì chỉ còn lại một con thôi. Em ra coi nó không còn khóc được nữa kìa..."

Con vịt đơn côi nép bên bè hoa súng. Trông thật tội nghiệp. Cái đầu nó lắc qua, lắc lại. Miệng mở ra ngáp ngáp. Hình như anh nói đúng. Nó đã khản cổ vì kêu khóc....

Tôi ngồi trên một mỏm đá. Cảm nhận và chia sẻ với con vịt sự buồn sầu và cô độc.

Đời sống là một chuỗi dài của Hạnh Phúc lẫn Khổ Đau như chiếc cầu vồng ngũ sắc của Mầu Tình Yêu tôi đã nghĩ đến hôm nào....

Ngày....tháng.....năm.... 

Huyền thoại

Huyền thoại là những gì chỉ được nghe kể mà chưa ai gặp bao giờ. Hiển nhiên, trong đời sống có quá nhiều huyền thoại và đôi khi, những câu chuyện ấy kết thành những giấc mơ đưa ta vào những khung trời không biên giới....

Tôi đang nghĩ đến một loài cây. Cây Chiên Đàn. Nghe đâu loài cây này chẳng hiện hữu trong đời sống, nó mơ hồ lãng đãng như loài Rồng, Lân, Phượng. Chưa ai tận mắt nhìn thấy những loài này bao giờ, nhưng người nhân gian vẫn nặn thành tượng nên chúng có những hình dáng của riêng nó.

Còn một loại chim, gọi là Kim Sí Điểu, cũng thường được nhắc nhở trong kinh Phật. Loại chim này có đôi cánh rất rộng và to lớn, mỗi lần dang cánh là bay xa cả ngàn dặm. Nó thường lẩn quẩn ở một miền gọi là "Hương Thủy Hải", nơi có những chú Rồng con ưa bị nó nuốt sống. Nghe đâu, có lần, một vị đại Bồ-tát đi ngang, nhìn thấy cảnh ăn nuốt lẫn nhau như vậy, ngài đã khởi từ bi tâm mà nhỏ xuống một giọt lệ trong suốt.

Các vị Taras được hóa sinh từ giọt lệ ấy.

Thật kỳ lạ. Những điều như Hư, như Thực và những huyền thoại có thể thu hút tôi một cách thật mãnh liệt. Tôi có cảm tưởng mình đang bước vào một thế giới huyễn mộng nào, mà trong đó nó biến hiện chập chùng như từng tâm niệm khởi lên mỗi ngày.

Có bao giờ bạn bỏ thì giờ để đếm từng tâm niệm của mình? Hẳn là chưa bao giờ. Bởi vì, thật là một việc làm vô ích và tốn thì giờ lắm! Chỉ có những người dở hơi (như tôi) thỉnh thoảng thấy mình đang lảo đảo đi giữa bờ mé của Đời và Đạo, lúc tỉnh, lúc say rồi hốt nhiên muốn đếm tâm niệm của chính mình mỗi khi nó phụt khởi. Nhưng đếm không phải dễ đâu đấy nhá. Phải có một tâm thật tỉnh thức. Phải biết khi nào nó đến, khi nào nó đi rồi nhìn được phản ứng tâm thức mình lúc đó. Hưm... Làm một người dở hơi cũng thật là khó. Chắc chỉ có những vị đại đạo sư mới làm được những việc ấy mà thôi...

Ưm. Thể nào tôi cũng phải viết một câu chuyện về "cây chiên đàn", về "Kim Sí Điểu" bằng sự tưởng tượng "không biên giới" của mình....

Ngày....tháng.....năm.... 

Lòng ganh tỵ

Hồi chùa mới thành lập. Thầy cần một người thông dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Cô không biết thầy có hỏi ai ngoài cô không, nhưng một lần lên thăm, Thầy muốn cô làm việc ấy. Thật là một điều sung sướng và hãnh diện khi được Thầy chọn mình. Nhưng, tính cô lại cẩn trọng, cảm thấy rằng, sự dịch thuật rất quan trọng, chỉ cần dịch sai một li là đi một dặm như chơi. Suy nghĩ một lúc, cô bảo: "Con không chắc đã làm được điều này. Thầy cho con khoảng vài tháng nữa, để học hết những từ chuyên môn thì may ra." Thầy bằng lòng, và chọn một vị khác.

Người được chọn lựa là một cô bác sĩ, tên Ngọc. Không biết gì về Phật pháp nhiều. Nhưng lại có một tấm lòng rất nhiệt thành. Được Thầy đề cử, Ngọc sung sướng nhận ngay. Nghe được tin ấy, hình như trong lòng cô có một cái gì đó... không vui. Biết rõ rằng, nếu so sánh, Ngọc không có khả năng bằng cô. Nhưng đã lỡ, chẳng còn cách nào khác.

Một vài người bạn thân xúi cô rằng, lên nói lại với Thầy để cho cô giữ chức "thông dịch viên" ấy. Nhưng cô không làm. Phần vì nghĩ đến Ngọc. Phần vì mình không nên quá sức trẻ con thay đổi ý kiến soành soạch như thế.

Hiển nhiên, Ngọc dịch thuật rất lọng cọng. Ngọc không biết nhiều về những danh từ chuyên môn của Phật giáo, ngay cả những từ rất thông dụng. Ngày đầu, cô thấy rõ ràng mình... khó chịu, cô chăm chú nghe Ngọc dịch và chỉ tìm những điều sai và những điều thiếu sót. Tình cờ, cô nhìn thấy ánh mắt của Thầy đang kín đáo quan sát mình. Hốt nhiên, cô cảm thấy hổ thẹn. Rõ ràng, lòng ganh tỵ đã biến cô thành một con người rất nhỏ nhen.
Nhận diện được tính xấu ấy nhưng không phải là mình có thể chừa bỏ nó được ngay. Phải mất cả hơn nửa năm sau cô mới có thể vất bỏ nó ra khỏi tâm trí mình. Bây giờ cô tùy hỷ với những điều Ngọc làm, và nhận ra ở Ngọc có một sự cố gắng và lòng khiêm cung cùng với những từ dịch thuật rất... ngớ ngẩn tới dễ thương.

Ngày....tháng.....năm....

Kỷ niệm

Kỷ niệm như những hạt châu.  Có hạt trắng, hạt đen, hạt ngà ngà như hàm răng cười của người thiếu nữ, v.v… Tất cả được gói ghém trong một tấm nhung mềm mại được đặt ở một ngăn vuông ký ức...

Đêm nay,

Tình cờ tôi lại mở ngăn vuông ký ức này.  Hình như mọi kỷ niệm đều trở về, mơ hồ, lãng đãng, nhưng lại rất sống động trong tôi.

Ngày....tháng.....năm....

8:58am

Cái chết

Cuộc sống là bắt đầu những bước chân đi dần đến cái chết, và nó có thể viếng thăm bất cứ lúc nào, bất cứ ai. Đó là một điều hiển nhiên mà ít ai để ý.  Đôi khi - vì nó hết sức hiển nhiên - nên bạn và tôi đều lờ đi, vội vã, hối hả lấp đầy vào cuộc sống mình bằng những hoạt động, những dự tính rộn ràng khác. Đôi khi lại nghĩ rằng - một ý nghĩ cực kỳ phi lý - "Hình như, cái chết chỉ dành cho ai đó kia, không phải chúng ta đâu, hoặc nếu có, thì cũng còn lâu, mơ hồ, không có thật như hoa đốm giữa hư không..."  Vì vậy, chúng ta đang bỏ nhiều công sức để tiếp tục xây một công trình vĩ đại cho cuộc đời mình trên cát, mà chẳng thèm biết một ngày nào đó, ngọn sóng nào sẽ quét sạch chúng đi.

"Tôi sẽ ra sao khi một ngày anh bỏ đi trước?"

Tôi đang tập đối diện với nó đây.  Tập suy tư và quán tưởng đến cái chết.  Hiển nhiên, nó cũng rất khốc liệt, mang đầy tính chất của sự chia xa.  Nghĩ xa hơn, tôi cũng không ngoại lệ, một ngày nào đó - dù muốn hay không - chính mình cũng phải ra đi.  Ai biết được người nào đi trước chứ!

Vậy, nếu "sống là đi dần đến sự chết" thì sống để làm gì khi tất cả những điều ta làm đều bị sổ toẹt?  Có một ý nghĩa nào mầu nhiệm của sự sống? Tại sao trong Phật giáo lại đề cao "được làm thân người thì thật là hiếm quý, khó được"? Dĩ nhiên, chúng ta có thể làm rất nhiều điều trong sự sống, tùy theo những ước nguyện và dự tính mà nó đưa ta đi đến đâu.  Tôi rất tin tưởng đến "Sự Luân Hồi". Vì chết không phải hết, mà đời sống sẽ được tiếp nối sau một cái chết.  Một đời sống mới, tùy theo những gì mình đã tạo cho kiếp này và những kiếp của quá khứ.

Dần dần, tôi nhận ra một điều rất thật.  Quán niệm về sự chết - dẫu có khốc liệt tới thế nào - rồi cũng sẽ một ngày làm cho tâm ta phải chấp nhận nó, tâm ta sẽ bình yên hơn, sẽ chấp nhận cái chết của mình và của những người thân một cách dễ dàng hơn.  Lúc đó ta sẽ thấy đời sống thật đáng quý và làm cho nó thêm ý nghĩa....

A.  Tôi thật là nhiều chuyện khi nói loanh quanh những đề tài mà chẳng ai muốn nghe, chẳng ai thích đọc.

Ngày....tháng.....năm....

Nhớ, quên....

Hình như khi cố quên thì nó lại chính là chất xúc tác cho sự nhớ càng thêm lớn mạnh. Ấy thế mà tôi cứ ngây thơ và dại dột loay hoay mãi với cái quên để phải nhớ càng hơn thêm....  
Có bao giờ mình có thể làm ngược lại rằng, cứ tha hồ nhớ để hầu quên được không nhỉ?

Dạo này, tôi thấy mình bị một cái bệnh đãng trí trầm kha trên tất cả mọi vấn đề, ngoại trừ một vấn đề chính muốn quên thì chẳng quên bao giờ...

Thật là vớ vẩn khi đêm dần khuya rồi mà tôi cứ còn loay hoay với ba cái từ "nhớ với quên"....

Ngày....tháng.....năm....

10:18am

Kiến ơi.....

Đêm qua, tôi như một chú kiến con, mở ngăn kéo trong góc tim, ngắm nghía lại từng "cục đường kỷ niệm".  Mỗi một cục đường tôi để mắt nhìn tới là nó đều sáng ngời như những hạt ngọc.

Tôi không còn cảm thấy buồn nữa.  Trái lại, tôi biết rằng, ở một nơi nào đó, Kiến cũng đang tha lôi, cũng bận bịu cho sự sống của mình và những người thân chung quanh. 

Có phải chăng, tôi vẫn thường nói đến Vô thường và sự chết, thì lý đâu tôi lại buồn phiền vì một sự chia ly?  Cuộc đời luôn thay đổi như một dòng sông xuôi chảy, chảy siết một dòng.

Chẳng ai có thể tắm được hai lần trên một dòng sông....

Ừ.  Tôi phải nên nhắc nhở hoài với chính mình điều đó.

Ngày....tháng.....năm....

20:57 pm

Cây kiếm quý

Đã từ lâu, nàng có được một cây kiếm rất quý. Cây kiếm của trí huệ. Quả thực, nó rất đẹp, nó đẹp vì nó như hư, như thực, lãng đãng, mở ảo như mảnh trăng ẩn hiện dưới một đám mây đen... Nhưng đôi khi nó hiển lộ một cách rõ ràng, đôi khi lại mờ nhòa như có một làn nước mỏng bao phủ. Cán kiếm - chẳng biết làm bằng gì - nhưng đầy mầu sắc, lạ một điều là mầu sắc thường thay đổi luôn luôn, không nhất định. Còn thanh kiếm thì ánh lên một ánh bạc như ánh trăng. Đẹp lạ lùng. Nhiều lần, ngồi suy tư một cách sâu xa, nàng sung sướng vô cùng khi trực nhận rằng mình đang có một báu vật. Hiển nhiên, nàng rất trân quý. Thường cất kín ở một xó trong tâm.

Dòng đời cứ xuôi chảy, nàng như cọng rơm nổi trôi theo những khúc quanh nghiệt ngã. Tâm thức bập bềnh theo đó mà phụt lên những nỗi buồn, vui, đau khổ và những niềm thất vọng sâu xa tưởng như không thể chịu đựng nổi....

Một ngày lên chùa. Gặp người bạn đạo, người bạn mà ngày xưa nàng vẫn thường đấu kiếm và trao đổi những thế rất hùng hồn. Chàng nhìn nàng và cười một cách hóm hỉnh với lòng thương yêu hồn nhiên. "Nghe chừng bạn đang gặp nhiều phiền não? Kiếm quý đâu không lấy ra chặt đứt những phiền não ấy nhỉ?" Nghe xong, nàng chợt bừng tỉnh. Mới hay, từ nào tới giờ, nàng nhận ra một điều rất thật. Cây kiếm dẫu đẹp, dẫu quý thế nào nhưng nếu không biết cách dùng thì nó cũng chỉ là một vật vô dụng, chỉ là một thứ đồ trang sức lòe loẹt bên ngoài, chẳng giúp ích gì cho bản thân mình mấy đỗi.

Ngày....tháng.....năm....

9:18pm

Hắn

Hình như trong cuộc sống cô hay vấp phải những nam… nhân.  Mỗi một nhân vật, là một biểu tượng của một mảnh đời, chập chùng, biến hiện.

Hắn có cái cười rất tươi, mỗi lần cười là xòe đủ một hàm răng.  Đôi mắt được nấp sau cặp kính cận.  Khuôn mặt còn khá trẻ, nếu cái bụng của hắn không bự, thì có lẽ cô đã kêu hắn bằng "cậu nhỏ" rồi.  Ấy thế mà hắn dám xưng "anh" với cô. Lòng đầy ngạc nhiên và tò mò.  Định bụng, đợi khi thân, cô sẽ hỏi cho ra nhẽ hắn bao nhiêu tuổi.  Nếu quả thật hắn trẻ hơn cô thì thể nào cô cũng sẽ "bắt" hắn kêu cô bằng chị.

Rồi để xem!

Ngày....tháng.....năm....

10:33pm

Nhiều tóc, nhiều tội....

Ngày xưa còn bé, tóc cô vừa nhiều vừa cứng như một cánh rừng dựng đứng.   Các bạn kháo nhau rằng.  "Nhiều tóc, nhiều tội lắm đấy!" Với tính cả tin, nghe xong, cô đâm lo.  Thỉnh thoảng, lại ngồi bứt mấy sợi tóc trên đầu cho... bớt tội.  Nhưng chỉ bứt được vài sợi, đau quá, cô lại thôi!

Ngày tháng qua đi.  Nỗi lo trẻ con ngày ấy cũng nhạt nhòa.  Dòng đời xuôi chảy, cô còn có nhiều nỗi lo lắng hơn thế nữa. Dạo sau này, những lần gội đầu, cô thấy tóc mình rụng đi ít nhiều.  Lại thấy lo lo.  Chẳng hiểu tới bao giờ thì đầu cô bị... trọc như một vị... ni cô nhỉ?

A. Nếu vậy, ít nhất thì cô cũng... bớt được rất nhiều tội.

(Chỉ chịu khó hơi bị xấu một xíu thôi mờ!)

Chợt thấy mình trẻ con quá mức. Cái gì cũng lo. Lo chuyện tào lao, vớ vẩn như có lần ông bạn quở rằng. "Cứ lo bò trắng răng" là vậy!

Ngày….tháng…năm…

Như một lời chia tay

Ơi...

Dòng đời vội vã,

Gặp nhau qua trang kinh,

Đời chia muôn lối ngã

Còn lại đây, cuộc tình...

Tờ kinh xưa anh dịch

Thành hoa đốm hư không

Em về đan kết lại

Vọng tình trong mắt trong

Trăm năm đời một kiếp

Như gió thoảng mây trôi

Lạc nhau từ mấy kiếp?

Tình trần vẫn đơn côi...

(Lạc Nhau - Chiêu Hoàng)

Tôi “gặp” anh trong một trang kinh anh dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt.  Đó là một bài kinh của Phật giáo Tây Tạng.  Rất tình cờ như hàng vạn cơ duyên tình cờ khác đã đến rồi đi trong cuộc sống.  Nhưng sự tình cờ này kéo dài nhiều năm, đủ để lại trong tâm một ấn tượng khá sâu đậm, một cái gì gần gụi, thân quen.  Dù sự liên lạc không được thường xuyên, nhưng khi chợt nhớ, tôi vẫn có thể liên lạc, nghe được giọng nói trầm trầm và nụ cười rộn rã.  Hình như chỉ có tâm hồn tôi còn bập bềnh, sôi nổi, chứ với anh, chẳng hiểu vì cuộc sống quá bình dị hay chẳng có vấn đề gì làm anh phải quan tâm, lúc nào cũng vậy, cũng ngày hai buổi đi làm, về thì dịch những kinh sách hoặc trên chùa có hư hại cái gì thì kêu anh lên sửa.  Một vài lần gọi cho anh, tôi cự nự:

“Lâu rồi. Sao anh không gọi em?”

“Dạo này anh bận quá”

“Bận gì thế?”

“Bận dịch kinh sách sang tiếng Việt”

“Ai nhờ?”

“Thì Thầy chứ còn ai.  Thầy muốn anh dịch cho xong cuốn kinh Taras vào cuối tháng này.”

“Sau đó thì được nghỉ hả?”

“Không.  Sau đó lại dịch cái khác…”

“Sau đó nữa?”

“Ai biết được! Nhưng chẳng bao giờ hết việc cả.”

Tôi có cảm tưởng anh sinh ra để làm việc.  Không.  Nói cho đúng, với con mắt rất lệch lạc và thiếu tinh tấn như tôi, thì anh sinh ra để “trả nợ”.  Nhưng anh chẳng than bao giờ. Có những việc làm rất vô lý, chẳng đáng mà anh cũng làm.  (Những lúc như thế, tôi không dám nói ra, sợ anh “chê” tôi… ích kỷ!)

Bẵng đi một thời gian lâu.  Nhớ anh.  Tôi lại gọi.  Lần này thì… lôi thôi to.  Chẳng biết có gì biến đổi trong tâm thức anh, hay vì cơ duyên chín muồi đã làm anh quyết định làm cho cuộc đời anh rẽ sang một hướng mới.  Do vì công đức dịch thuật khá nhiều kinh sách từ Anh ngữ, Pháp ngữ của Phật giáo Tây Tạng, anh được mời đi làm thông dịch viên cho những buổi thuyết pháp của các phái đoàn Phật giáo Tây Tạng đi hoằng hóa một vài nơi, họ dự định mời hẳn anh sang Ấn, sống ẩn cư trong một ngôi chùa cổ, học tiếng Tây Tạng và làm công việc dịch thuật tất cả những kinh sách được cất giữ trong tàng kinh các.  Anh kể tôi nghe với một giọng trầm trầm, bình thản, như người nói về một câu chuyện… rất đời:

“Chắc trong tương lai rất gần, anh sẽ đi xa, và sẽ ở lại chỗ mới một thời gian khá lâu”

“Anh đi đâu?”

“Sang Ấn!”

Ngạc nhiên, tôi kêu lên:

“Để làm gì?”

Anh kể tôi nghe những gì sẽ xảy ra.  Anh bảo hai năm nữa anh sẽ về hưu sớm và dự định một đời sống ẩn dật.  Nghe xong, thay vì tùy hỷ với anh tôi lại cảm thấy… buồn.  Hình như trong đáy tầng tâm thức, tôi không coi anh là một người bạn thuần túy, hơn thế nữa, một người bạn tâm linh mà tôi rất quý mến.  Chính vì sự quyến luyến đó làm tôi có cảm giác sẽ mất anh.  Anh sẽ biến mất hẳn trong cuộc đời tôi.  Có muốn liên lạc cũng chỉ có thể liên lạc trong tâm hồn, trong ý tưởng mà thôi.

Dĩ nhiên, tôi vẫn chúc phúc cho anh.  Con đường anh đi quả thật đã bắt đầu trổ hoa, kết trái. Khu vườn tâm linh anh đã đầy ngát hương thơm.  Tôi ước mơ một ngày nào đó, tôi cũng sẽ có nhiều thuận duyên như thế.  Thật tuyệt vời khi tất cả gánh nặng cuộc đời mình đều có thể buông bỏ, không một chút mảy may luyến tiếc, chỉ còn lại con đường đi tới, đi tới mãi…

Gate, gate, pāragate,

 pārasagate bodhi svāhā !

Chia sẻ: facebooktwittergoogle