Mang Viên Long - từ phố chợ An Nhơn đến chùa Phi Lai
Mang Viên Long - từ phố chợ An N
Mang Viên Long - từ phố
chợ An Nhơn đến chùa Phi Lai
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG
Năm chín tuổi, lần
đầu tiên tôi được gia đình cho vào thăm Bình Định. Đó là chuyến đi xa đầu tiên
của tuổi thơ tôi ra ngoài địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Tôi theo mẹ vào thăm một
người mợ ở xã Hoài Tân, huyện Hoài Nhơn, rồi vào Quy Nhơn đón một người cậu vừa
dự kỳ thi tú tài ở đây về nhà.
Vậy Quy Nhơn là thành
phố lớn tôi nhìn thấy đầu tiên trong đời, nhưng sao tôi không giữ ấn tượng gì rõ
rệt, ngoài cái bến xe ngột ngạt mùi xăng. Sau này lớn lên tôi chỉ yêu Quy Nhơn
qua sách vở, nơi có Bàn Thành Tứ Hữu, nơi Trịnh Công Sơn từng đi học và viết
nhạc, nơi là nguồn cảm hứng cho những bài thơ của Lê Văn Ngăn:
Quy Nhơn
Quy Nhơn, đồng ruộng mía ở phía Tây
Phất phới
vườn bông gòn
Những cửa
hàng lấm bụi, những chiếc ga tạm hoang tàn, những
người định cư, những người tứ chiếng
Nơi em
Quê hương
chẳng phải là điều trừu tượng
Điều ấy,
tôi giữ trong lòng
Và đi xa
em. Tiếng sóng vẫn đập vào eo biển.
(Sóng vẫn đập vào eo biển)
Chuyến đi ấy để lại
trong tôi hình ảnh đậm nét của những bàu sen thôn Đệ Đức, tiếng máy dệt vải sầm
sập ở nhà mợ tôi và bóng dáng những người phụ nữ mặc quần áo vá trên đường làng,
bờ ruộng. Người Bình Định trong chiến tranh cũng lam lũ giống như người quê tôi,
chỉ có giọng nói là khác.
Từ ấy đến nay tôi chỉ
đi xe đò hay tàu lửa ngang qua vùng đất này mà chưa bao giờ có duyên may dừng
lại. Vào Đại học rồi ra trường, tôi có nhiều bạn thân ở Thừa Thiên - Huế, Quảng
Nam - Đà Nẵng, nhưng không có cơ duyên nên rất ít bạn người Bình Định. Đồng
nghiệp tỉnh này cũng thường vào trường tôi học sau đại học, được Khoa tôi đào
tạo thành đạt, nhưng khi mời cộng tác, giảng dạy, thì họ ưu tiên mời chuyên gia
từ Hà Nội.
Mấy lần tôi định theo
Nguyễn Thái Dương, Ngô Liêm Khoan và Trần Thi Ca về thăm Bình Định nhưng đều lỡ
dịp. Tôi muốn một lần đi thăm mộ Hàn Mặc Tử, thăm ngôi trường cũ của Trịnh Công
Sơn, ngủ một đêm nghe sóng biển Quy Nhơn và nhất là gặp văn hữu đàn anh Mang
Viên Long.
Tôi đọc Mang Viên
Long từ đầu những năm 1970, ban đầu vì chú ý cái tên lạ của ông, sau vì thích
giọng văn chân thành kể chuyện quê hương trong khói lửa và tình người dưới đạn
bom. Tôi nhớ chuyện ông kể những lần về phép ghé Nha Trang thăm nhà văn Võ Hồng
và ngủ tạm trong căn nhà giản dị ở đường Hồng Bàng. Khung cảnh chiến tranh và
tâm trạng con người trong truyện ngắn Mang Viên Long có nét gần gũi với một số
tác phẩm của Y Uyên và Lê Văn Thiện (Văn Lệ Thiên) - những nhà văn trẻ sáng tác
trong một thời buổi gian nan của miền Nam. Họ đã sống, yêu và viết trong niềm
giả định “Nếu có một ngày…”, như tên một truyện ngắn của Mang Viên Long.
Mang Viên Long là
bạn thân của Y Uyên, một nhà giáo tốt nghiệp Trường Sư phạm Sài Gòn, được bổ
nhiệm dạy tiểu học ở Tuy Hòa rồi bị động viên vào lính, đóng quân ở đồn Nora,
Phan Thiết, và tử trận ngày 08-01-1969. Hai tháng sau, Mang Viên Long viết
truyện Một câu chuyện tình kể lại mối tình chỉ kéo dài một năm ngắn ngủi
của Sãi và Thị, dựa theo một đoạn đời của Nguyễn Văn Uy (Y Uyên) và cô giáo Trần
Thị Ngọc. Mang Viên Long viết những dòng cuối truyện thật đau xót:
“Sãi đến với
Thị và ra đi mãi mãi đúng một năm, - một năm tròn cho một
mối tình giữa
thời ly loạn, phải chăng đã là quá dài? Tình yêu, tuổi trẻ,
trong ngọn lửa
hung tàn, phi nhân, dễ bén cháy và tàn mục còn hơn những
xác lá vật vờ
cuốn theo chiều gió. Sãi đã ra đi, có thể về miền
cao nhất.
Còn lại Thị,
Thị và những kỷ niệm lây lất buồn rầu, trên cõi trần gian đầy
hệ lụy, - chỗ
dung thân thấp
nhất của kiếp người cô đơn, bé bỏng…”
(Mang Viên Long:
“Một câu chuyện tình”, in trong Y Uyên: Có loài chim
lạ,
Nguyệt san Tân Văn,
số 44, tháng 12-1971, tr.131).
Tôi tưởng tượng, khi
về Bình Định, tôi sẽ đến An Nhơn, ngồi uống trà ở hiên nhà Mang Viên Long để hỏi
thêm ông về sinh hoạt văn học miền Nam thời chiến. Rồi chúng tôi sẽ cùng đi xe
ngựa một đoạn đường trước khi ông dẫn ra chợ An Nhơn chỉ xem nơi ông đã ngồi
hành nghề làm chìa khóa và sửa khóa 30 năm sau khi mất nghề dạy học, khiến
bị nhiễm độc bụi đồng còn để lại di chứng
Mang Viên Long cho
biết ông bị bệnh tim mạch khá nặng, đã giải phẫu nhưng phải theo dõi thường
xuyên. Cứ sáu tháng một lần ông vào Sài Gòn để bác sĩ Thân Trọng Minh, tức nhà
văn Lữ Kiều, tái khám miễn phí.
Những lần vào Sài
Gòn, nếu có thời gian, Mang Viên Long hẹn gặp tôi, lúc cùng đi ăn cơm chay, lúc
họp mặt với tập san Quán Văn, lúc đến trường tôi dự hội thảo về văn học
chiến tranh.
15 năm cuối đời, Mang
Viên Long in sách liên tục, cuốn nào ông cũng gửi cho tôi, có cuốn ông gửi hai
bản để tặng lại bạn bè. Hình như ông cố gắng chạy đua với thời gian để kịp giữ
lại cho đời những điều tâm huyết của mình.
Mang Viên Long cộng
tác với nhiều báo và tạp chí, làm thơ, viết truyện ngắn, truyện dài, tản văn,
tùy bút, tiểu luận, đã xuất bản 33 tác phẩm. Cuốn sách của ông khiến tôi suy
nghĩ nhiều nhất là tập bút ký Những ngày tháng bình yên. Đó là những ngày
ông đi tránh cuộc sống căng thẳng ở gia đình với nhiều uẩn khúc, tìm đến nương
náu dưới bóng Phật Tổ Từ Bi ở chùa Phi Lai, thôn Mỹ Trung, xã Hòa Thịnh, huyện
Tây Hòa, tỉnh Phú Yên. Nơi đó, đạo hữu Huệ Thành Mang Viên Long đã được Hòa
thượng Thích Thiện Đạo và các đồng đạo cưu mang, chia sẻ những khó khăn về tinh
thần và cuộc sống. Gánh nợ gia đình không cho phép ông thường trú ở Phi Lai mà
lúc về lúc đi, nhưng ngôi chùa giữa cảnh quê hiền dịu này là nơi neo đậu tâm hồn
ông, như ông đã viết;
“Mỗi lần tôi trở về Phi
Lai - dầu chỉ một vài ngày - bao giờ lòng tôi cũng thấy an vui, yên ổn. Tôi nghĩ,
chắc là tôi có duyên với Phi Lai từ nhiều kiếp trước, nên luôn có dịp tìm về,
gọi Phi Lai là “quê nhà, chốn cũ” cho tâm tôi được an trú trước những cơn bão
táp của cuộc đời không ngớt phủ chụp lấy tôi.”
(Mang Viên Long: Những
ngày tháng bình yên, NXB.Hội Nhà Văn, 2018, tr.108).
Đọc chuyện đời của Mang Viên
Long, tôi nhớ đến câu chuyện gia đình của Nguyễn Khải trong Thượng đế thì
cười. Bi kịch gia đình nhiều khi rơi xuống thân phận con người mà không ai
biết nguyên nhân từ đâu, không giải thích và dự đoán được để mà ứng phó.
Mang Viên Long tìm
đến Phật học để chữa trị vết thương tinh thần của mình. Hội thảo “Phật giáo và
Văn học Bình Định: thành tựu và giá trị” tháng 8 năm 2018 do Ban trị sự Giáo hội
Phật giáo Việt Nam tỉnh Bình Định phối hợp với Trường Đại học Khoa học Xã hội và
Nhân văn TP.HCM tổ chức tại Trường Trung cấp Phật học Bình Định (Tu viện Nguyên
Thiều), ghi nhận “Phật tính trong trang viết Mang Viên Long” qua tham luận của
Nguyễn Thị Thanh Xuân. Ông đến dự khai mạc Hội thảo nhưng không kịp nghe bản
tham luận vì có hẹn trước phải vào Tuy Hòa dự họp mặt với học trò cũ ở Trường
Nguyễn Huệ, nơi ông có mấy năm làm nghề giáo sau khi tốt nghiệp khóa 3 Trường Sư
phạm Quy Nhơn, trước khi bị động viên vào lính và cuộc đời xoay chuyển những
bước trầm luân. Sau khi tham luận công bố trong Kỷ yếu Hội thảo và Tập san
Quán Văn in lại, Mang Viên Long đã kịp đưa vào cuốn sách cuối đời của mình.
Trong những cuốn sách
cũ và mới Mang Viên Long tặng tôi, tôi quý nhất tập Phố người gồm sáu
truyện ngắn, in trên giấy pelure màu xanh rất trang nhã. Điều đặc biệt là cuốn
sách này, tác phẩm thứ ba của ông, được NXB.Đồ Bàn ấn hành 2000 bản vào mùa hè
năm 1971. Trong giới làm sách ở miền Nam trước đây, Đồ Bàn là một cái tên độc
đáo và có phần xa lạ. Ai là người sáng lập và điều hành NXB này? Đó chính là NXB
do Mang Viên Long, ở tuổi 27, chủ trương, tự xin giấy phép của Sở Phối hợp Nghệ
thuật - tên gọi mới của Sở Kiểm duyệt - Bộ Thông tin, tự lo việc in và phát
hành. Trên bìa sách ghi rõ địa chỉ mà ông tạm trú lúc đó: 158/19B
Bà Hạt, Chợ Lớn. Đời sống văn học miền Nam có những điều thật thú vị
khó ngờ.
Nhớ đến Mang Viên
Long là nhớ thành Đồ Bàn, nhớ phố chợ An Nhơn, như trong câu thơ Chế Lan Viên:
Trở lại An Nhơn. Tuổi lớn
rồi
Bạn chơi ngày nhỏ chả còn
ai
Nền nhà nay dựng cơ quan
mới
Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi
người!
(Chế Lan
Viên: Trở lại An Nhơn)
Giờ thì Mang Viên
Long đã giã từ An Nhơn, ra đi nhẹ nhàng và thanh thản.
HUỲNH NHƯ PHƯƠNG