Như một câu rốt sau

nhu mot cau

Như một câu rốt sau

Chân Hiền Tâm

Có những khoảng thời gian trôi qua trong dễ dàng. Mọi thứ êm đềm xuôi lọt, cảm thấy thoải mái và thấy cuộc đời yên vui. Nhưng vẫn vướng đâu đó một chút lo âu dù chỉ thoáng qua. Hình như con người trở nên yếu hèn và hay sợ hãi khi sống trong nhung lụa và mọi thứ được như ý.

Cũng có những khoảng thời gian trôi qua không êm thắm, vướng một cái gì đó, không yên ổn một chỗ nào đó, khuất tất một việc gì đó. Nhưng rồi mọi thứ cũng xong. “Không xong” thì cũng là xong. Được, mất, hơn, thua đều phải có kết cuộc, đó là xong. Chỉ là như ý hay không như ý. Như ý thì cũng là xong. Không như ý thì cũng là xong. Nói chung, cuối cùng tất cả đều xong. Đều là quà tặng quý giá của cuộc sống.

Bất cứ điều gì cũng trở thành quà tặng của cuộc sống nếu mình biết nhận chân giá trị của nó. Ít nhất là… kinh nghiệm. Kinh nghiệm là nền tảng để con người bước đi ít vấp ngã hơn. Nó giúp con người trưởng thành và khôn ngoan hơn. 

Khó khăn có khi khiến con người gục ngã nhưng cũng chính là thứ khiến con người trở nên mạnh mẽ và cang cường.

Khi phải đối diện và giải quyết những bất như ý trong cuộc sống của mình, già nua sẽ xuất hiện, có thể về cả thể xác lẫn tinh thần. Ngày thêm cứng cỏi. Không còn thấy sợ hãi khi nghĩ về tương lai. Bởi hiện tại vốn đã bất hạnh, còn gì để lo âu hay sợ hãi ở tương lai?

Tuy vậy, không ai trong cuộc sống này muốn cuộc sống của mình gặp nhiều trở ngại hay bất hạnh. Tôi cũng vậy. Không cầu mình sẽ gặp nhiều trở ngại hay bất hạnh trong cuộc sống. Dù biết trở ngại sẽ giúp tôi luyện con người mình thêm vững chắc. Nhưng đó là việc mình phải chấp nhận như chấp nhận cái thế vô thường của cuộc đời, chấp nhận sinh ra thì một ngày nào đó phải chết, v.v... Chấp nhận vì cuộc đời vốn như thế. Chấp nhận khác với mong muốn. Người ta có thể chấp nhận trở ngại, không có nghĩa người ta mong muốn trở ngại đến với mình. Không ai mong muốn cuộc sống của mình lấp đầy trở ngại. Thông suốt vẫn tốt hơn. 

Tôi cũng không cầu mình luôn được an nhàn và sung sướng. Vì biết khó mà đạt được điều đó ở thế giới Sa-bà này. Cũng thừa biết điều đó không mang lại chút tốt đẹp nào cho tâm thức của mình ngoài sự ươn hèn và yếu đuối.

Thế nên, đặt mình ở thế trung đạo. 

Đó là những gì mà tôi đang cố thực hiện và hướng tới chỗ hoàn thiện. Trung đạo thì không nghiêng về bên này hay bên kia. Không cầu trở ngại cũng không cầu an nhàn. Chỉ là, khi trở ngại thì giải quyết theo trở ngại, khi an nhàn thì giải quyết theo an nhàn. Không thắc mắc sao lại trở ngại thế, cũng không vui thú sao lại an nhàn thế. Duyên thế nào cứ theo thế ấy mà đi. Tập dần cái gọi là “Tuỳ duyên tiêu nghiệp cũ. Hồn nhiên mặc áo xiêm”[1]

Và vì thế, đưa tâm về giây phút hiện tại là những gì mà tôi thấy cần phải làm trong cuộc sống này. 

Tâm là gì mà đưa? 

Nó phải có hình tướng rõ rệt mới nắm mà đưa được. Nếu không có hình tướng thì nương vào đâu mà nắm? Cái tâm không có hình tướng là chân tâm. Tâm đó không thể nắm nên không thể đưa. Mà nắm và đưa làm gì khi lúc nào nó cũng có mặt đó, lúc nào nó chẳng hiện tiền đó. Chỉ là vì chân đó mà chê. Cứ lao xao cho đầy tâm thức. Thích cái gì hư ảo mộng huyền. Không nghĩ về hoạch định này thì lại miên man theo kế hoạch khác. Không ghét thì thương, không dỗi thì hờn, không vui thì khóc, luôn phải có cái gì đó để tâm phải chộn rộn. Người ta sợ cái không của tâm như sợ mất chính bản thân mình. Mệt nhoài rồi vẫn mãi mê theo những niệm khởi lan man, để chắc rằng ta vẫn còn đây. Còn nghĩ là còn sống. Thế đó. 

Đưa là đưa cái tâm đó. 

Cái tâm được kết nối bằng những niệm tưởng miên man như dòng thác chảy. Một dòng tương tục chưa bao giờ ngưng nghỉ. Nó làm chủ mọi hành vi của con người. Hễ nghĩ là làm liền. Hễ khởi là liền theo. Không kịp cho mình khoảng thời gian suy nghĩ coi làm thế này là đúng, nói thế này có sai? Mọi thứ đều rất nhanh như công tắc đèn, đụng là liền sáng, nghiệp theo đó nối dài, liên tu bất tận. 

Hiện tại được sai sử bởi những cái nhân đã gây tạo trong quá khứ. Đa phần đều là thế. Chẳng ai còn tự do để lo cho trọn tương lai của mình. Không số mệnh bỗng trở thành có số mệnh. Chỉ là vì bị nghiệp nhân thời quá khứ dẫn đi. 

Để rồi con người cứ tự hỏi sao chuyện đó lại xảy ra? Sao thằng bé hiền thế kia mà lại giết người? Sao tôi lại làm một chuyện ngu xuẩn như thế? Vì cái quả trong hiện tại được sai sử bằng cái nhân đã gieo trong quá khứ. Nghiệp của người này bị điều khiển bởi sự ràng buộc nhân duyên với người kia. Bởi trí tuệ không có nên không thể nhìn thấu được mọi điều. Bởi định lực không đủ nên không thể dừng đi những lôi kéo đã tạo ra trong quá khứ. 

Đưa là đưa cái tâm đó. Để dừng đi mọi rộn ràng không đáng có. Để bình yên trước những nẻo khổ đau. 

Muốn đưa được trước phải thấy cho bằng được những niệm tưởng cảm xúc đang hiện khởi nơi tâm. Như thằng chăn thoạt thấy được con trâu. Oằn cả người mới lôi được. Không phải là chuyện ngày một ngày hai. Không phải là chuyện dễ dàng. Mà phải làm cho bằng được. Phải nhận cho được sự có mặt của những niệm tưởng hiện ra nơi tâm thức của mình. 

Muốn vậy, phải phản quan. Xoay cái nhìn nhìn lại nơi mình. Chẳng hướng ra ngoài theo cảnh. Trời mưa thì mặc trời mưa, tâm đang thế nào phải biết y như thế đó mới được. Thiền sư Cảnh Thanh nghe tiếng mưa rơi liền hỏi: "Ấy là tiếng gì?". Thiền Tăng trả lời: “Tiếng mưa rơi”. Thiền sư Cảnh Thanh liền quở: "Quên mình theo vật"[2]. Mưa rơi thì nói mưa rơi. Pháp thế nào nhận đúng thế ấy, sao lại bị quở? Là vì bổn phận của người tu là phản quan mà không phản quan, lại hướng ra ngoài biết vật. Hướng ngoài thì chẳng thể biết trong. Không phải mất mình theo vật là gì. Quên mất trâu mình, xâm phạm lúa mạ của người. 

Đưa là đưa cái tâm đó. 

Dừng lại đi mọi loạn tưởng lăng xăng. Đừng để nó rong ruổi mãi. Cứ thế hiện tại hiện tiền trong từng giây phút. Tương lai chưa tới, thôi nghĩ. Quá khứ qua rồi, nghỉ thôi. Hiện tại chưa từng dừng trụ. Cứ thế mà thử một lần. Hiện tiền coi có niệm không? Không niệm nhưng vẫn sống tốt đó thôi. Mắc gì phải nghĩ cho nhiều. Buồn vui vướng bận khổ đời chúng sinh. 

Cứ như thế, ngoài việc khiến tôi tìm thấy bình yên cho bản thân mình, nó còn giúp tôi tăng cường sức khỏe, cả vừa thể xác lẫn tinh thần. Có sức khỏe, công việc tiến hành được tốt hơn, tôi làm được nhiều việc hơn. Cũng giúp tôi thấy yên vui trong cuộc sống này. Một cái tâm định tĩnh còn là nền tảng để mình có thể dễ dàng nhìn thấy các pháp đúng như chính nó. Hay chí ít là có thể nhìn thấy tâm mình mà dừng lại.

“Pháp trụ pháp vị, tướng thế gian thường trụ”, kinh Pháp hoa nói thế. Mọi việc sẽ không còn rắc rối hay phiền não khi ta nhìn pháp đúng như chính nó.

Với công việc như thế, tôi không còn thời gian để cầu mong điều gì xảy ra với mình.

Không cầu hạnh phúc cũng không cầu bất trắc. Cũng không hề nghĩ mọi việc sẽ đến với mình dễ dàng và tốt đẹp, dù tôi vẫn tạo thiện nghiệp không ngừng khi đủ duyên. Đơn giản vì, nếu mọi việc đến với tôi dễ dàng, tôi nghĩ mình không cần có mặt trong cuộc đời này. Tôi ra đời không phải là để thừa hưởng cái hạnh phúc nhỏ nhoi mà mọi người vẫn đang mong muốn. Phải luôn có chuyện để gánh vác, học hỏi và rút kinh nghiệm cho con đường mình đã chọn. Con đường mà Phật Tổ đã đi qua. 

Đó là một ý nghĩ, thoạt nhìn qua, có vẻ rất kiêu mạn. Cứ như tôi là một vị Bồ-tát không bằng. À, không phải Bồ-tát là gì? Bồ-đề tâm phát rồi nhất định phải là Bồ-tát. Nguyện theo con đường chư Phật đã đi nhất định phải là Bồ-tát. Chỉ là, Bồ-tát không phải là Bồ-tát mới gọi là Bồ-tát. Thế thôi. Có điều, dù ý tưởng đó kiêu mạn thế nào, nó như là một “câu rốt sau”[3] giúp tôi phá tan phiền não của mình một cách vi diệu. Có một loại phiền não mà dù ngồi thiền bao nhiêu nó vẫn đọng đó và liền ló ra khi tôi đối duyên tiếp cảnh, nhất là nghịch cảnh. Vậy mà chỉ cần một "câu rốt sau" như thế lóe lên, như một ánh chớp lóe lên trong bầu trời đêm, giúp tôi phá tan mọi thứ. Tôi trở nên bình thản với những nghịch duyên của mình. 

Cũng từ đó, tôi không còn thắc mắc sao mình sống như thế mà nghịch duyên lại đến với mình. Sao mình tu như thế mà không hết những thứ thiên hạ gọi là tai ương hoạn nạn. Tôi không còn bận lòng về những việc đó. Tôi đón nhận nó như đó là việc tự nhiên trong đời, là đời sống của riêng mình. Đón nhận và giải quyết. Thuận mới là điều khó hiểu. Nghịch là chuyện bình thường ở đời, trong đời sống của tôi. Nghịch để vững vàng. Để mà củng cố định lực. Để mà phát huy trí tuệ. Bồ-tát ra đời chẳng phải tìm kiếm an nhàn, mà để gánh vác, để trôi tròn công hạnh tự lợi lợi tha của mình. Như chuyện ăn cơm uống nước hằng ngày. Như thế là như thế. 

Trong pháp giới của tôi hay của bạn, nhân quả nối tiếp trùng trùng như lưới châu trời Đế Thích. Nhân nào quả ấy không sai lệch chút nào. Trong ruộng đồng mênh mông chẳng thể tìm thấy gỗ quý. Nơi vực thẳm rừng sâu, ánh sáng của châu báu mới xuất hiện. Một đời sống nhàn lương được bọc kỹ bằng những thuận ý vừa lòng sẽ chẳng thể giúp bạn hiểu ra thế nào là nạn khổ của một kiếp người bần khổ. Bồ-tát không thể thiếu phần đồng sự trong việc lợi tha của mình là thế. Phải hiểu nghiệp quả chi phối con người thế nào mới thấu hết được cái khổ của một kiếp người. Bố thí, ái ngữ… phát huy không mấy khó khăn khi tình thương bao trùm tất cả. 

Những ngày lang thang trong bệnh viện, với phước duyên sẵn có của bao đời, tôi có vẻ ung dung với căn bệnh của mình. Khi người ta ói mửa liên tục, tôi dợn dợn rồi thôi. Khi người ta thức trắng đêm với những đau nhức nơi lục phủ ngũ tạng thì tôi cứ phây phây với những cơn ngủ say không mộng mị. Ăn rồi ngủ. Ngủ rồi ăn. Rồi vừa ngủ vừa ăn. Mọi thứ khá dễ dàng. Ăn cái gì cũng được. Nổi danh với việc ăn uống của mình. Ăn sao để đủ máu đánh thuốc là được. Mà không phải ăn thịt. Một ngày, có thể ăn toàn cháo xay rau củ, không cần mắm muối, cứ thế mà nhai, từ ngày này qua ngày khác, từ tháng này qua tháng kia, không chút chán ngán. Miễn đủ máu đánh thuốc là được. Thong dong tự tại mạnh mẽ hơn người. Bệnh tật không là gì với một tinh thần bất khuất. Phụ nữ Việt Nam cang cường mà lị. 

Tôi tiếp lửa cho người. 

Tôi ăn và tôi muốn người khác cũng ăn.

Những gì tôi làm được tôi cũng muốn người làm được. Tôi dỗ dành từng người, đút cho họ từng muỗng bột, sẵn sàng cho họ những gì tôi có, hy vọng họ mạnh khoẻ. Tôi muốn họ sống như tôi đã sống. Mọi thứ không có gì khó khăn để không thể vượt qua. Chỉ cần bạn muốn sống, mọi thứ đều có thể làm được. Mà ngày mai dù phải chết thì hôm nay vẫn phải vui tươi mà sống. Tôi tha thiết với việc tiếp lửa của mình trong những ngày ít ỏi ở bệnh viện. 

Nhưng có người khi nào thấy cũng ủ rủ. Hỏi muốn sống không mà cứ ủ rủ như thế. Gật đầu nhưng vẫn thích nghi với sự ủ rủ. 

Không có mùa xuân nơi một thân thể héo tàn. Dỗ dành thương cảm cũng chẳng hơn được. Vẫn là ủ rủ. Có người, khuấy cho ly bột đưa đến tận miệng. Uống đi! Uống xong ói hết. Bảo là không quen. "Cố lên cho nó đủ máu đánh thuốc mà về với con. Không quen rồi sẽ thành quen". Nhưng không. Không muốn làm quen. Không thể uống được. Rồi không chịu uống. Có người mệt nhoài, đút cho muỗng cháo xay nhuyễn, tỉnh người vui vẻ, cảm ơn rối rít. Nói về sẽ làm theo đó mà ăn. Nhưng không. Gặp lại vẫn là mệt nhọc, vẫn là thiếu máu. Hỏi sao không nấu mà ăn? Nấu rồi. Ngán quá không ăn. Nuốt mãi không vô. Tội… Vô vàn sự việc xảy ra không thể tiếp lửa, dù rất muốn tiếp. 

Trong đầu không khỏi ý tưởng "Không tự cứu mình thì ai là người cứu mình bây giờ. Không tự thắng mình thì ai là người giúp mình thắng mình bây giờ". Đành thôi. Thôi là thôi không còn tiếp lửa. Còn cái tâm vọng tưởng của mình thì chưa thôi. Đâu đó vẫn còn lưu giữ một chút trách người "Không cố gắng lên... ". 

Cho đến cái ngày bỗng dưng mọi thứ không còn như cũ. Thay đổi nhanh chóng không chống đỡ nổi. Nhanh chóng dị thường. Như trở bàn tay...

Không biết từ đâu, phụ nữ Việt Nam cang cường như thế bỗng nhiên ngã quỵ. Chê hết thức ăn. Ăn vô đầy bụng. Tai nghe liền nôn. Người rủ xuống như con gà chết. Nhận ra sự kiệt quệ len vào từng thớ thịt đốt xương mà không thể nào chống đỡ nổi. Mệt nhọc kinh hoàng. Chỉ muốn chết cho yên. Ai nói cố lên. Lập tức mời đi chỗ khác. Ôi thôi, cười không nổi, nuốt không trôi, cố gắng chỗ nào? Một tháng bầm mình chịu trận như thế, cho thấu tất cả những gì đã trách thiên hạ không chịu cố gắng, không chịu thắng mình. 

Mỗi người một nghiệp thắng sao? 

Cái may của mình là biết Phật pháp, từng tạo thiện nghiệp sâu dày. Cái quả nhận được bây giờ đã có cái nhân tạo từ quá khứ, nên được cái thời tự tại thong dong như thế. Anh hùng từng tạo thời thế nên giờ đủ duyên thời thế tạo anh hùng. Mọi thứ đều do thiện nghiệp quá khứ dẫn đường. Chỉ cần vững lòng cố gắng một chút, mọi thứ tự nhiên thành tựu. Có giỏi giang gì? 

Thiên hạ nghiệp nạn sâu dày. Thiện nghiệp ít tạo nên giờ nghiệp dẫn chẳng thể thong dong. Như kiểu Nguyễn Du từng nói, "Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao". Ai bắt, ai cho? Nghiệp của mỗi người chớ ai. Thiện nghiệp nhiều thì thanh cao nhiều. Thiện nghiệp ít thì thanh cao ít. Thiện nghiệp nhiều thì thong dong nhiều. Thiện nghiệp ít nên ít thong dong. Nhân trước quả sau cứ vậy mà nối tiếp, kết thành đời sống một con người. 

Nghiệp thì không cố định, có thể chuyển được? Ừ thì nghiệp chuyển được. Cũng bằng thiện nghiệp. Nhưng chỉ ở một số người không bị chi phối bởi định nghiệp. Tuỳ mức độ thiện nghiệp mà nghiệp chuyển được hay không. Còn lại đa phần đều bị nghiệp thời quá khứ chi phối. Mình thì cứ bảo người ta phải cố lên, trong khi cái dây nghiệp buộc ngang lưng người ta thì cứ trì lại, sao cố lên được. Loại bột uống quen như thế, đến khi nạn tới, đổ vào, nó trào ra lại, đâu theo ý mình mà nói cố lên. Cố lên cách nào? Cho nên, phải tạo thiện nghiệp hồi hướng cho người. Phải chỉ người tạo thiện nghiệp. Thiện nghiệp tạo rồi thì nói cố lên, hy vọng thành công. Còn không, theo nghiệp mà đi. Cố lên sao được. 

Không có thứ gì có thể thấu đạt được chỗ sâu xa tận cùng chỉ bằng ngôn từ lý luận. Rìa rìa còn chưa thể được nói là mức độ thâm sâu. Khi bạn chưa khổ, bạn không thể hiểu khổ là thế nào dù có nhai đi nhai lại vạn lần chữ khổ trong đầu. Khổ rồi, đương nhiên sẽ hiểu khổ là thế nào. Khổ do đói không giống với khổ do thất tình. Không có cái khổ nào giống cái khổ nào. Chưa kể nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột. Mọi thứ phải được "như thật biết" để mà thấu đạt. 

Cho nên, mọi thứ phải được "như thật biết" thì cái gọi là thấu đạt mới phát sinh. Từ Khổ cho đến Tập. Từ Đạo cho đến Diệt. Kinh Lăng-già tâm ấn có đề cập đến ba tướng thánh trí mà Bồ-tát phải tu học, trong đó có tướng “Chỗ tự nguyện của tất cả chư Phật là chỗ chư Phật trước tự nguyện tu mà sinh ra. Đại sư Hàm Thị bàn rằng: "Kinh Anh lạc nói ‘chưa qua Khổ đế khiến qua Khổ đế, chưa hiểu Tập đế khiến hiểu Tập đế, chưa an Đạo đế khiến an Đạo đế, chưa được Diệt đế khiến được Diệt đế’. Đây là bốn hoằng thệ, y nơi giáo Biệt và Viên, đều duyên hai thứ Tứ Thánh đế hữu tác và vô tác. Chính là tướng Phật trước tự nguyện. Bồ-tát phát tâm không đồng với Nhị thừa[4].

Kinh qua Khổ đế là một trong bốn hoằng thệ của hàng Bồ-tát Đại thừa. Bồ-tát tu hành không sợ khổ xứ. Bởi không tự bản thân mình trải qua, không thể hiểu khổ là gì. Cũng không thể hiểu được tha nhân khổ ra sao mà động lòng trắc ẩn. Không khổ, khó từ bỏ những gì mang đến khổ. Cũng khó nhận ra gốc của khổ. Không nhận ra được thì khó mà giải quyết khổ cho đến nơi đến chốn. Chưa kể kinh Hoa nghiêm còn nói, “Chịu thay thế mọi khổ nạn cho chúng sinh, lấy đó làm pháp cúng dường mười phương chư Phật”. Khổ nạn của chúng sinh còn phải gánh, huống chi một chút khổ nhọc trong đời thường? Mọi thứ đều phải như thật biết, không chỉ dừng trên sách vở học hỏi. 

Có khó khăn để giải quyết, con người sẽ có kinh nghiệm để học hỏi và trưởng thành. Có khó khăn, để thấy tâm mình “không” tới đâu. Chưa “không” là dịp để thấy mà “không” cái tâm.  

Có pháp dưới cái nhìn của thế gian là không tốt, nhưng với cái nhìn của Phật giáo qua một tâm thức vô phân biệt, nếu nó có thể giúp phá bỏ phần sở tri và phiền não của chúng sinh thì đó vẫn là diệu pháp. Như á phiện được cảnh cáo là không nên dùng đối với một người bình thường, vì nó gây nghiện và phá bỏ ý chí cũng như tàn hoại thân thể của con người. Nhưng với người bệnh, trong một số trường hợp, nó chính là thuốc giúp giảm đau và thêm những công dụng khác khi dùng đúng liều. Quan trọng là dùng thuốc sao cho đúng bệnh, đúng duyên. Dùng sai, vừa không hiệu quả, vừa dẫn đến sai lầm và kết cục là bi thảm.

Thiền sư Inzan có một người đệ tử nữ tên là Ghiso. Thay vì phải nói lời dịu dàng và cư xử tự tại như một bậc hiền triết (là cái nhìn của hầu hết người đời đối với một Phật tử hay một vị Thiền sư của Phật giáo), ông lại mắng nhiếc và tát cô rất tàn bạo. Nhưng việc đó đã giúp Ghiso nhận lại bản tánh của mình.

Để tôn vinh Ghiso, Inzan đã viết:

Con đã theo học với ta mười ba năm

Sáng là một công án sâu xa nhất

Chiều tập trung cho một công án mới

Trước Ghiso, Tetshuma đã vượt qua tất cả

Và kể từ Majaka không ai bằng Ghiso

Song vẫn còn nhiều cửa để Ghiso vượt qua

Còn phải nhận nhiều cú đấm sắt của ta.

Thuốc đắng thì đả tật. Hiệu nghiệm cần đúng duyên. Vấn đề là làm sao để dụng pháp được đúng duyên?

Cần ánh sáng trí tuệ trong một tâm vô phân biệt, nhận được mặt bình đẳng của các pháp, ứng duyên liền hiện.

Hạnh nguyện của chư Phật và Bồ-tát đầy khắp mười phương cõi nước. Có chân, có thiết, có nguyện, có hạnh thì pháp liền ứng. Như tôi từng được ứng để phá tan phiền não cũng như sở tri của mình. Cũng học được những bài học rất quý cho bản thân: Giúp được ai thứ gì thì giúp. Gắng giúp cho hết mình. Nhưng khởi niệm về người thì không. Mỗi người một nghiệp. Chỉ khi ở trong hoàn cảnh của họ, phải mang cái nghiệp của họ, mới có thể hiểu vì sao họ như thế. Cứ thế mà thôi suy tư cho đời thảnh thơi.   



[1] Lời của Tổ Lâm Tế. Luận giải thi tụng mười bức tranh chăn trâu. HT.Thích Thanh Từ.   

[2] Quên mình theo vật. thuongchieu.net  

[3]Thiền sư Toàn Khoát Nham Đầu, Thiền sư Trung Hoa tập 2, HT.Thích Thanh Từ. 

Tuyết Phong ở Đức Sơn làm phạn đầu. Một hôm cơm trễ, Đức Sơn ôm bát đến pháp đường. Tuyết Phong phơi khăn lau, trông thấy Đức Sơn bèn nói: “Ông già này, chuông chưa kêu trống chưa đánh mà ôm bát đi đâu?”. Đức Sơn trở về phương trượng. Tuyết Phong thuật việc này cho Sư nghe. Sư bảo: “Cả thảy Đức Sơn chẳng hội câu rốt sau”. Đức Sơn nghe, sai thị giả gọi Sư đến phương trượng, hỏi: “Ông chẳng chấp nhận lão Tăng sao?”. Sư thưa nhỏ ý ấy. Đến hôm sau, Đức Sơn thượng đường có vẻ khác thường. Sư đến trước nhà tăng vỗ tay cười to, nói: “Rất mừng! Ông già Đường đầu hội được câu rốt sau, người trong thiên hạ không bì được ông, tuy nhiên cũng chỉ sống được ba năm”. Quả nhiên ba năm sau Đức Sơn tịch.

 

[4] Kinh Lăng-già tâm ấn trực giải, Đại sư Hàm Thị trực giải, HT.Thích Thanh Từ dịch.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle