Vô thường trong bài thơ Nhớ Mẹ của Đỗ Trung Quán

vo thuong

VÔ THƯỜNG TRONG BÀI THƠ NHỚ MẸ CỦA ĐỖ TRUNG QUÂN

Tuệ Anh

 

May mắn cho nhà thơ Đỗ Trung Quân khi ông đã từng là sinh viên của Đại học Vạn Hạnh. Chắc rằng tư tưởng Phật giáo đã tác động sâu sắc đến nhận thức của nhà thơ, để từ đó ông đã viết nên bài thơ Nhớ mẹ (có nguồn trích dẫn nhan đề là Mẹ). Đây là một bài thơ kinh điển về mẹ, hết sức lay động lòng người, bài thơ mà bất cứ người con nào cũng tìm thấy tâm tư của mình trong đó. Xuyên suốt bài thơ này là tuệ giác vô thường, một trong những giáo lý căn bản của đạo Phật.

 Vô thường nghĩa là tất cả mọi thứ trên đời này đều không thường còn, chúng luôn luôn thay đổi. Vô thường là một sự thật và thể nghiệm được sự thật này thì mới được gọi là trưởng thành trong Phật pháp. Như mọi giáo lý khác của đạo Phật, vô thường không phải là một lý thuyết mà là một phương tiện để đưa hành giả đến an vui và giải thoát.

Đỉnh điểm của vô thường là cái chết. Cái chết xuất hiện ngay câu mở đầu của bài thơ:

Con không đợi một ngày kia

 khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc.

Người con này biết chắc chắn mẹ sẽ mất theo quy luật của tự nhiên. Đó là bước đầu của sự giác ngộ. Những người tôi thương yêu và những gì tôi trân quý hôm nay, một mai thế nào tôi cũng phải xa lìa và buông bỏ, tôi không thể nào tránh khỏi được sự xa lìa và buông bỏ ấy. Bởi vì những dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ. Giật mình khóc lóc, hốt hoảng, chạy điên cuồng là những động từ mạnh miêu tả phản ứng của người con trước vô thường, trước sự thật rằng một ngày kia sẽ mất mẹ. Tuệ giác vô thường nơi nhà thơ  đủ lớn để ông nhận thấy:

Mỗi ngày qua con lại thấy bơ vơ.

Cái thấy này trùng hợp với cái thấy của nhà thơ Xuân Diệu trong bài Vội vàng:

Xuân đương tới nghĩa xuân đương qua

Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già

Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất.

Nhà thơ Đỗ Trung Quân đã thấy được sự vận động vi tế của luật vô thường. Tất cả đang thay đổi không ngừng, như con thì lớn lên và mẹ thì già đi. Có câu nói: Không ai tắm hai lần trên một dòng sông. Vì dòng sông thì trôi chảy mãi, và con người chúng ta cũng thay đổi từng sát-na. Quy luật vô thường vốn không khắc nghiệt. Nó khắc nghiệt là khi chúng ta muốn mọi thứ phải thường còn. Chính mong muốn ấy tạo ra khổ đau. Không chấp nhận vô thường nên chúng ta khổ đau.

Ai níu nổi thời gian?

 Ai níu nổi?

Con mỗi ngày một lớn lên

Mẹ mỗi ngày thêm già cỗi

 Cuộc hành trình thầm lặng phía hoàng hôn

Con sẽ không đợi một ngày kia

Có người cài cho con lên áo một bông  hồng

Mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ

Mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng

Hoa đẹp đấy cớ sao lòng hoảng sợ?

Nụ bạch hồng tượng trưng cho mồ côi mẹ. Truyền thống cài bông hồng trong ngày lễ Vu lan được Thiền sư Nhất Hạnh thiết lập. Ai còn mẹ thì được cài bông hồng màu hồng, ai mất mẹ thì cài hoa màu trắng. Mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng. Hoa đẹp đấy cớ sao lòng hoảng sợ. Là vì mỗi ngày qua là con đang mất mẹ, mỗi ngày qua mẹ càng đi về cái chết như không thể nào khác được.

Ngày nay đã qua

Đời sống ngắn lại

Như cá thiếu nước

Nào có vui gì. (Kệ Vô thường)

Con không đợi một ngày kia khi mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc, con cũng không đợi một ngày kia cài hoa hồng trắng mới nhận ra mình mất mẹ, vì con đang mất mẹ từng ngày từng giờ theo luật vô thường.

Nhận thức sâu sắc về vô thường đưa đến thái độ sám hối của nhà thơ đối với mẹ. Chắc rằng đây là thái độ của rất nhiều người con khi đã trót vô tình với mẹ: “Hãy nhìn cho kĩ - Ta đã làm gì”.

Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ

Sống tự do như một cánh chim bằng

Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái

Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?

Lời phản tỉnh đầu tiên của người con đó là đã xa rời vòng tay mẹ và quên mất mẹ. Anh quên mất rằng dù lớn bao nhiêu anh vẫn là con của mẹ. “Mẹ già hơn trăm tuổi, vẫn thương con tám mươi”. (Kinh Đại báo phụ mẫu trọng ân). Quên mất rằng mẹ và cha là hai người không thể trả ơn được là một sự tội lỗi. Trong kinh Tăng chi Đức Phật dạy rằng: “Có hai hạng người, này các T-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi, nếu đấm  bóp, xoa xức, tắm rửa , xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào trong quốc độ với tối thượng uy lực trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này”. ( Phẩm Tâm thăng bằng). Đức Phật cũng dạy rằng, trong hai tội giết cha và giết mẹ, thì giết mẹ tội nặng hơn. Mẹ là yêu thương, mẹ là nguồn cội. Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ. Nhưng bình thường người con không nhận ra điều đó. Chỉ khi nào vấp ngã, chỉ khi nào bị thương, ta mới biết ai là người thực sự yêu thương mình.

Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân

Mấy kẻ đi qua

Mấy người dừng lại?

Sao mẹ già ở cách xa đến vậy

Trái tim âu lo đã giục giã đi tìm

Ta vẫn vô tình

Ta vẫn thản nhiên?

Tình yêu thương của mẹ vô điều kiện và tự nhiên như hơi thở nên ta không trân trọng nó, ta coi đó là điều bình thường. Tội lỗi thay cho những đứa con vô tình. Đức Phật dạy rằng những người con có hiếu ít như đất trong móng tay, còn những người con bất hiếu nhiều như đất trên đại địa.

Năm xưa tôi còn bé

Mẹ tôi đã qua đời

Lần đầu tiên tôi hiểu

Thân phận kẻ mồ côi.

...

Quanh tôi ai cũng khóc

 Yên lặng tôi sầu thôi

Để dòng nước mắt chảy

Là bớt khổ đi rồi

Hoàng hôn phủ trên mộ

Chuông chùa nhẹ rơi rơi

Tôi thấy tôi mất mẹ

Là mất cả bầu trời. (Xuân Tâm)

Cho nên có câu Mẹ còn là một trời hoa, Cha còn là cả một tòa kim cương. Nhưng thường chỉ khi mất đi rồi chúng ta mới biết được ý nghĩa những gì mình từng có. Mẹ hiện diện trên cõi đời để dạy cho ta biết yêu thương. Mọi thứ đều vô thường, chỉ có tình thương của mẹ và cha là theo ta mãi mãi: “Mẹ già hơn trăm tuổi, vẫn thương con tám mươi, bao giờ ân oán hết? Tắt nghỉ, cũng chẳng thôi.” May mắn thay cho những người con nhận thấy được tình thương miên viễn đó để mà hạnh phúc. Tội nghiệp thay cho những ai lỡ quên mất tình thương của mẹ. Những dòng sám hối của nhà thơ là những lời thơ sâu lắng đối diện với chính mình để nhận ra được tình mẹ là bao la, là hy sinh vô điều kiện, là dạt dào và mãi mãi. Vòng tay của mẹ dù đã mòn mỏi vẫn luôn dang rộng đón anh về, thứ tha cho anh sau bao tháng ngày rong ruổi vô tâm.

Vô thường đưa người con đi từ hiện tại đến tương lai, từ hiện tại về quá khứ, và sau cùng, trở về với hiện tại:

Hôm nay

Anh đã bao lần dừng lại trên phố quen

Ngả nón chào xe tang qua phố

Ai mất mẹ?

Sao lòng anh hoảng sợ.

Tiếng khóc kia bao lâu nữa của mình?

Lại là cái chết, đại diện tiêu biểu của vô thường. Lại là hoảng sợ, phản ứng của người con trước vô thường. Cần lắm cái hoảng sợ ấy để anh không bao giờ còn làm đau lòng mẹ như những ngày qua:

Bài thơ này xin thắp một bình minh

Trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối.

Phải, mẹ là ánh sáng của đời ta. Nhưng ta đã làm gì? Ta đã lãng quên như một kẻ vô ơn độc ác. Vô ơn và bội bạc với mẹ mà lại sâu nặng với những người dưng. May thay cuối cùng người con cũng đã nhận ra được tội lỗi của mình để quyết tâm thay đổi. Thắp một bình minh nghĩa là anh phải đem nụ cười và hạnh phúc đến cho mẹ. Sẽ không để mẹ phải cô đơn và buồn tủi nữa. Anh sẽ có mẹ, và mẹ sẽ có anh trong tình thương bất diệt. Bốn câu kết của bài thơ là một ngọn lửa bùng sáng tuệ giác vô thường:

Bài thơ này xin thắp một bình minh

Trên đời mẹ bao năm rồi tăm tối

Bài thơ như một nụ hồng

Con cài sẵn cho tháng ngày sẽ tới.

Hiểu đúng vô thường, con người sẽ sống vươn lên lạc quan tích cực. Hiểu đúng vô thường, con người sẽ không sợ hãi trước đổi thay. Đỗ Trung Quân thật xứng đáng là một người học Phật qua bài thơ này. Đi qua bài thơ, vô thường bắt đầu là những suy tư về thay đổi của thời gian và đời người, đến chỗ soi rọi lại những hành động của mình trong quá khứ, và cuối cùng là nỗ lực thay đổi đúng như nghĩa của từ sám hối: Ăn năn lỗi trước, ngăn ngừa lỗi sau (Sám k tiền khiên, hối k hậu quá). Đáng quý nhất là ở cuối bài, tác giả đã thể hiện thái độ bình thản trước vô thường. Đó là thái độ của một Phật tử đích thực. Vô thường không phải để ta bi quan, hoảng sợ. Vô thường là để ta bình thản trước mọi thay đổi của cuộc đời sau khi đã hết mình để sống.

 Tin rằng người con trong bài thơ sẽ là một người con hiếu thảo bởi đã giác ngộ được vô thường. Anh sẽ biết trân quý mẹ và đền đáp công ơn của mẹ. Anh hãy đền đáp công ơn của mẹ đúng Chánh pháp theo lời dạy của Đức Phật: “Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào lòng tin;  đối với cha mẹ theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với cha mẹ xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với cha mẹ theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ, cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha”. (Kinh Tăng chi, phẩm Tâm thăng bằng). Để đến khi có người cài lên áo con một bông hồng, con sẽ không đớn đau vì hối tiếc. Bởi không phải chỉ mẹ vô thường mà con cũng vô thường. Như giấc mộng, như ảo thuật, như bọt nước, như cái bóng, như sương mai, như ánh chớp. Cõi đời này là vậy. Trong cõi đời tạm bợ ấy, tình mẹ thương con như một dòng suối ngọt ngào bất tận mà ai ý thức được thì sẽ luôn sống như một người hạnh phúc nhất thế gian.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle