Câu chuyện giấc mộng người vàng của Hán Minh Đế và sự thật lịch sử
cau chuyen
CÂU CHUYỆN
GIẤC MỘNG NGƯỜI VÀNG CỦA HÁN MINH ĐẾ VÀ SỰ THẬT LỊCH SỬ
Thích Quảng Minh
Trước đây, các sử gia thường sử dụng
thuyết Minh Đế cầu pháp để ghi
nhận thời điểm Phật giáo chính thức du nhập vào Trung Quốc. Tuy
nhiên, các học giả đương đại lại có những quan điểm trái chiều về thuyết này. Liệu rằng thuyết
Minh Đế cầu pháp có đầy đủ chứng
cứ lịch sử như các thế hệ học giả tiền bối đã tin tưởng hay không? Trước hết chúng ta cùng
đi vào tìm hiểu thuyết này trong những nguồn
tài liệu chính thống.
Trong bộ chính sử Hậu Hán thư (後漢書), tác giả
Phạm Diệp viết:
“Thế gian truyền rằng vua Minh Đế nằm mộng thấy người vàng, cao lớn,
phát ra hào quang, liền kể lại cho quần thần nghe. Có người tâu rằng: Ở phương
Tây có vị thần, tên gọi là Phật, nghe nói rằng thân cao sáu trượng, có màu vàng ánh. Vua muốn biết về đạo
của vị Phật đó, liền sai sứ giả đi Thiên Trúc (Ấn Độ) để hỏi về pháp của đạo Phật.
Trong bài tựa kinh Tứ thập nhị chương (四十二章經) có chép
rằng:
“Chuyện về vua Hán Hiếu Minh hoàng đế, một đêm mộng thấy vị
thần, toàn thân vàng, phát hào quang, bay vào cung điện. Nhà vua lý thú với
giấc mộng, buổi sáng liền vấn hỏi các vị quan: Đó là vị thần
nào vậy? Quan
thông thái Phó Nghị tâu rằng: Thần nghe ở Thiên Trúc, có bậc đắc đạo, gọi là Phật,
có khả năng phi thường, phải chăng là vị ấy? Lúc đó, nhà vua đã hiểu rõ sự việc,
nên phát lệnh cho Trương Khiên, Vũ Lâm, trung lang tướng Tần Cảnh, bác sĩ đệ tử
Vương Tuân, cùng với mười hai người khác, đến nước Đại Nguyệt Chi, chép quyển
kinh Tứ thập nhị chương mang về cất trong hang đá thứ mười bốn, lập tháp thờ tự.
Từ đây, đạo pháp được truyền bá khắp nơi, chùa chiền được thành lập, người người
cảm phục và phát nguyện tu tập, không thể tính đếm. Đất nước trở nên thái bình,
mọi loài chúng sinh đều
được nương nhờ ân đức, đến tận ngày nay.
Tương tự, trong Lý hoặc luận (理惑論) đoạn 21, tác giả Mâu
Tử viết:
“Chuyện về Hiếu Minh hoàng đế, nhà Hán, mộng thấy vị thần,
thân phát ánh sáng mặt trời, bay vào trước cung điện. Nhà vua hân hoan, sáng
hôm sau, rộng hỏi quần thần: Đó là thần gì? Quan thông thái Phó Nghị tâu rằng:
Thần nghe ở Thiên Trúc có vị đắc đạo, gọi là Phật, có thể bay trên không, thân phát hào
quang, chắc là vị thần ấy. Nhà vua hiểu rõ, bèn truyền lệnh cho trung lang tướng
Trương Khiên, Vũ Lâm, lang trung Tần Cảnh, bác sĩ đệ tử Vương Tuân, cùng
với mười tám người đến Đại Nguyệt Chi, chép kinh Tứ thập nhị
chương, đem về cất
tại gian số mười bốn thạch động Lan Đài.
Trong Cao Tăng truyện (高僧傳) do tác giả Huệ Kiểu (497 - 554) biên soạn, truyện về ngài
Ca Diếp Ma Đằng, cũng có
đoạn:
“Vào niên hiệu Vĩnh Bình, vua Hán Minh Đế đêm mộng thấy
người vàng bay trên không đến, bèn tập hợp quần thần để giải mộng đó. Vị quan
thông thái Phó Nghị tâu rằng: Thần nghe ở Tây Vực có vị thần, gọi là Phật, phải
chăng bệ hạ đã thấy vị ấy? Nhà vua cho rằng đúng như vậy nên phái
trung lang tướng Thái Âm, bác sĩ đệ tử Tần Cảnh đi sứ đến Thiên Trúc, tìm cầu
Phật pháp. Phái đoàn đến Thiên Trúc thì gặp ngài Ma Đằng, đã mời ngài về đất
nhà Hán. Ngài Ma Đằng nhận lời và vượt bao hiểm trở để đến Lạc Dương. Minh Đế
tiếp đón long trọng, nơi cửa thành Tây Môn, cho xây dựng tinh xá để Ma Đằng cư
trú. Kể từ đây, đất nhà Hán bắt đầu có vị tu sĩ Phật giáo cư trú.”
Như vậy, qua những trích dẫn trên, chúng ta dễ dàng nhận thấy thuyết Minh Đế cầu pháp đã được biên
chép không đồng nhất. Trong Hậu Hán thư, sử gia Phạm Diệp
đã đưa thuyết này vào trong phần Liệt
truyện (列傳) và không hề đề cập đến niên đại hay một nhân vật nào,
ngoài vua Hán Minh Đế. Trong bài tựa kinh Tứ thập nhị chương và
đoạn 21 của tác phẩm Lý hoặc luận, các tác giả cũng chỉ nhắc đến vua Hán Minh Đế, và vẫn không nói đến
niên đại diễn ra sự kiện, nhưng lại có bổ sung những nhân vật đi cầu pháp. Còn trong Cao tăng truyện, tác giả Huệ Kiểu đã ghi chép tương đối
khác: có niên hiệu “Vĩnh Bình” (永平), có nhân vật
đi cầu pháp, có cả vị Sa-môn Ma Đằng (摩騰) đến truyền
pháp. Ngoài ra, một số tác phẩm lịch sử Phật giáo về
sau đã ghi chép dựa vào những tài liệu trên nhưng cũng có nội dung không thống
nhất, giữa các tác phẩm trước và sau.
Như vậy, dường như những tài liệu càng về sau,
đặc biệt là những tài liệu thuộc lịch sử Phật giáo, đã bổ sung thêm các tình tiết. Chính
vì điều này, một số học giả đã đặt vấn đề nghi vấn
đối với sự thật của giả thuyết. Để làm sáng tỏ sự việc này, chúng ta cùng phân tích sự thật
câu chuyện.
1.
2.
2.1.
2.2.
Sự kiện ngài Ca Diếp Ma Đằng (Kāśyapa Mātaṇga) và Trúc
Pháp Lan (Dharmarakṣa) đến đất nước Trung Quốc
Sau khi tìm hiểu về thuyết Minh Đế cầu pháp, người viết nhận thấy
có một số vấn đề không hợp lý
trong việc ghi chép thuyết này ở những thời kỳ
về sau. Qua tổng hợp
từ nhiều nguồn tư liệu
và ý kiến, người viết
xin nêu ra năm vấn đề cho
thấy sự mâu thuẫn của thuyết này.
Trước hết, việc
ghi chép niên đại của thuyết này giữa các tác phẩm lịch sử dường như không hoàn toàn
thống nhất. Trong Hậu
Hán thư và Tư trị thông giám, các sử gia đã không ghi về niên đại, ngoại
trừ thụy hiệu Hán Minh Đế đã giúp cho chúng ta dự đoán sự kiện đã diễn ra vào triều đại của
ông trị vì. Còn lại ở nội dung
chỉ dùng trạng từ “thế truyền” (世傳), nghĩa là người
thế gian truyền tụng, để dẫn dắt câu chuyện theo cách dân gian truyền thuyết
thường sử dụng.
Đối với những tác phẩm thuộc lịch sử Phật
giáo, sự hổn dung về niên đại sau đó bắt đầu diễn ra. Trước tiên, trong Cao Tăng truyện, tác
giả Huệ Kiểu đã nhắc tới niên hiệu “Vĩnh Bình” (永平), tức khoảng thời
gian từ năm 58-75, tuy
vẫn chưa rõ ràng nhưng đã ghi chép theo dạng Kỷ (紀, biên niên sử) mang tính sử liệu hơn. Kế tiếp, trong một số tác phẩm
khác như Lịch đại Pháp bảo ký (曆代法寶記), Tập
cổ kim Phật đạo luận hoành (集古今佛道論衡), Phá
tà luận (破邪論), Tứ phần luật hành sự sao tư trì ký (四分律行事鈔資持記), Quảng hoằng minh tập (廣弘明集)... các tác giả đều thống
nhất niên đại của thuyết Minh Đế cầu pháp là vào “Vĩnh
Bình năm thứ ba”.
Trong khi trong một số tác phẩm như Lịch đại Tam bảo ký, Phật
tổ thống kỷ, Thích thị kê cổ lược (釋氏稽古略), Chú
Tứ thập nhị chương kinh (註四十二章經), Khai Nguyên thích giáo lục (開元釋教錄)... các tác giả đã dùng niên đại “Vĩnh Bình năm thứ bảy”
để đánh dấu sự kiện vua Hán Minh Đế nằm mơ thấy thần nhân và phái sứ đoàn đi cầu pháp. Còn trong hai quyển Truy môn cảnh huấn (緇門警訓) và Đường hộ pháp Sa-môn Pháp Lâm
biệt truyện (唐護法沙門法琳別傳), các tác giả lại ghi rằng“Vĩnh Bình năm thứ mười ba” sự kiện giấc mơ người vàng của Hán Minh Đế mới diễn ra.
Qua đó, chúng ta dễ dàng nhận thấy sự không đồng nhất trong việc ghi chép niên đại của thuyết Minh Đế cầu pháp ở những sử liệu Phật giáo Trung Quốc thời cổ đại
lẫn trung đại. Đối với việc thành lập
một thuyết lịch sử công truyền, yếu tố tiên quyết nhất là niên đại diễn ra sự
kiện. Trong khi đó thuyết Minh Đế cầu
pháp lại không đồng nhất về niên đại, thậm chí một số tài liệu chính sử
còn lược đi. Điều đó làm xuất hiện những nghi vấn về sự thật lịch sử của thuyết này.
Thứ hai, việc ghi chép về thân thế của những nhân vật trong phái đoàn cầu pháp thời đó dường
như không hợp lý với thời đại vua Hán Minh Đế.
Trước hết là tướng
Trương Khiên (張騫). Theo những bộ chính sử như Sử ký, Hán thư, Hậu Hán thư, Tư trị thông
giám…, ông là một
nhân vật lịch sử sống
vào khoảng thế kỷ thứ II tr.TL, dưới triều Hán Vũ Đế. Thế nên, sự có mặt của danh tướng Trương Khiên vào thời
vua Hán Minh Đế (khoảng hạ bán thế kỷ thứ I) là một sự ngụy tác. Tiếp theo là nhân vật Tần Cảnh (景博), vị bác sĩ đệ
tử mà sách Thông điển (通典) đã từng nhắc đến trong giả thuyết Khẩu
truyền Phật giáo của Y-Tồn, vào niên hiệu Nguyên Thọ, thời vua Hán Ai Đế. Giả sử nhân vật Tần Cảnh còn sống đến thời
điểm đi cầu pháp, ông đã trên
dưới trăm tuổi. Thêm nữa, thân thế của Tần Cảnh cũng không phải trung lang
tướng như giả thuyết. Liệu rằng sức khỏe của một học giả đã trăm tuổi có đáp ứng được chuyến đi hiểm trở như vậy không? Bên cạnh đó, nhân vật
Vương Tuân là một võ tướng dưới quyền của tướng Ngỗi Hiêu (隗囂), không
phải là bác sĩ đệ tử như giả thuyết. Ông đã sống và chinh chiến dưới triều vua Hán Quang Vũ Đế (5 tr.TL - 57), đã được Hậu
Hán thư và Tư trị thông giám ghi nhận. Trong khi danh
xưng Vũ Lâm (羽林) là tên gọi
của đội vệ binh được đào tạo từ trẻ mồ côi thời nhà Hán. Cuối cùng, nhân vật
trung lang tướng Thái Âm (蔡愔) chỉ thấy xuất hiện trong Cao Tăng truyện, hoàn toàn không thể tìm
thấy danh tánh nhân vật này trong hai bộ chính sử Hán thư và Hậu Hán
thư.
Mặt khác, đối với chế độ tông pháp của lịch sử phong kiến, việc kỵ húy trong hàng danh gia vọng tộc rất được chú trọng. Trong
khi việc trùng tên trùng
họ của những nhân vật được xem là quan chức cấp cao trong triều đình thời bấy
giờ lại khó có thể xảy
ra. Như vậy, sự ghi chép
về thân thế danh tánh của những nhân vật được chọn đi sứ rõ ràng có
vấn đề về sự thật và không phù hợp với thời đại lịch sử.
Thứ ba,
chính là sự thông
thái của viên quan Phó Nghị
khi ông trả lời vua Hán Minh Đế, như được đề cập trong bài tựa
kinh Tứ thập nhị chương và Cao Tăng truyện. Trong trường hợp thuyết Minh Đế cầu pháp là cột mốc đánh dấu
thời điểm đầu tiên Phật giáo truyền vào
Trung Quốc, vậy thì những kiến thức của Phó Nghị về Đức Phật xuất phát từ đâu để ông có thể giải
thích cho vua nghe về Phật giáo? Nếu viên quan Phó Nghị đã từng đến Tây Vực hay Thiên Trúc để tìm hiểu về đạo Phật thì ông chính là người đầu tiên
truyền bá Phật giáo vào Trung Quốc. Còn nếu từ một nguồn tài liệu hay một nhân vật
nào đó đã truyền tải
thông tin về Phật giáo cho ông thì thuyết Minh
Đế cầu pháp này càng không phải thời điểm đầu tiên Phật giáo du nhập vào Trung Quốc. Như vậy, thời
điểm đầu tiên Phật giáo có mặt ở Trung Quốc không thể bắt đầu từ lúc thành lập thuyết Minh Đế cầu pháp.
Thứ tư,
sự xuất hiện của hai vị Sa-môn Ca Diếp Ma Đằng (迦葉摩騰, Kāśyapa Mātaṇga) và Trúc Pháp Lan
(竺法蘭,
Dharmarakṣa) cũng không thống
nhất. Về điều này các
tác phẩm lịch sử Phật giáo đã ghi
chép không thống nhất về niên đại xuất
hiện của họ. Trước hết,
trong bài tựa kinh Tứ thập nhị chương, phái đoàn cầu pháp đã sang
nước Nguyệt Chi và
thỉnh về được bản kinh, nhưng không đề cập đến danh tánh hai vị dịch giả trên. Trong khi trong Xuất tam tạng ký
tập (出三藏記集) quyển hai, tác giả Tăng Hựu (445 - 518) đã ghi rằng phái đoàn cầu pháp đến nước Đại Nguyệt
Chi và chỉ gặp Sa-môn Trúc Ma Đằng. Sau đó,
họ đã thỉnh ngài về Lạc
Dương phiên dịch kinh sách. Tương tự, trong Khai Nguyên thích
giáo lục (開元釋教錄), tác giả Trí Thăng cho rằng phái đoàn cũng chỉ gặp Tôn giả Ca Diếp Ma Đằng và thỉnh ngài trở về Lạc Dương, còn dùng ngựa trắng để chở kinh sách và Phật tượng.
Theo Lịch đại Tam bảo ký, quyển bốn, tác giả Phí Trường
Phòng cũng nhận
định giống như hai tác phẩm ở trên.
Tuy nhiên, vẫn trong quyển bốn của Lịch đại Tam bảo ký, ở phần sau, xuất hiện thêm
chi tiết về ngài Trúc
Pháp Lan, người đã tiếp tục phiên dịch bản kinh Tứ thập nhị chương, sau
khi ngài Ma Đằng viên tịch. Đặc biệt, theo Cao tăng truyện của
tác giả Huệ Kiểu, cả hai vị Sa-môn Tây Vực này đã cùng
xuất hiện vào niên đại Vĩnh Bình của vua Hán Minh Đế. Từ đó việc xuất hiện thêm ngài Trúc
Pháp Lan cùng đến Lạc Dương với ngài Nhiếp Ma Đằng đã được một số
tác phẩm như Lịch đại Pháp bảo ký, Phá tà luận, Thích thị yếu lãm (釋氏要覽)... ghi nhận. Rõ ràng việc ghi chép về sự xuất hiện của hai vị Sa-môn Tây Vực
này có nhiều điểm không
thống nhất. Trong khi đó đối với hai bộ chính sử nổi tiếng là Hậu Hán thư và Tư trị
thông giám, các tác giả lại hoàn toàn không nhắc đến danh tánh của hai vị Sa-môn Ca Diếp Ma Đằng và Trúc
Pháp Lan ở thời điểm đó.
Như vậy, thuyết Minh Đế cầu pháp chứa đựng những dị biệt về sự có mặt của nhà truyền giáo ban đầu.
Vấn đề cuối cùng và quan trọng nhất chính là yếu tố chính trị và ngoại giao giữa Trung Quốc và Trung Á vào thời điểm
niên hiệu Vĩnh Bình (từ năm 58 - 75). Kể từ năm Thần Tước thứ hai (năm 60 tr.TL), vua Hán Tuyên
Đế đã thành công trong
việc thiết lập “Đô hộ phủ” (都護府) tại khu Tây Vực. Sau đó, vào thời vua Hán Ai Đế, các quốc
gia Tây Vực đã phải chịu sự
quản lý trực tiếp của triều
đình Trung Quốc. Bấy giờ,
khoảng năm mươi tiểu quốc ở Tây Vực, các vị trí quan lại từ Dịch trưởng cho đến Tướng
quốc đều phải mang ấn thụ của triều đình nhà Hán. Họ vừa giữ trọng trách quốc gia, vừa chịu sự điều hành của chính quyền Trung Quốc. Đối với những quốc gia ở Trung
Á họ cũng bắt đầu thiết lập quan hệ bang giao với Trung Quốc, nhằm đảm bảo lợi ích của họ ở phía Đông. Kể từ đây, thông qua khu
Tây Vực, chính quyền
Trung Quốc đã thiết lập quan hệ giao thương ổn định với khu vực Trung Á. Bên cạnh đó, sự lưu thông của con đường
tơ lụa đã góp phần thúc đẩy kinh tế của Trung Quốc và Tây Vực vào giai đoạn đầu Tây lịch. Do đó, bộ tộc Hung Nô
đã nhiều lần tấn
công vào con đường
tơ lụa ở Tây Vực, mục đích cướp bóc hàng hóa vận chuyển và gây ảnh hưởng quân sự
đối với sự lớn mạnh từng ngày của các tiểu quốc ở Tây Vực.
Do đó, vào
năm Kiến Vũ thứ mười bốn (năm 38), Toa Xa vương (Yarkand) tên là Hiền, cùng Thiện Thiện vương (Shan Shan)
tên là An,
đã cùng đến triều cống và xin nhà Hán lập “Đô hộ phủ”, để chống lại sự hoành hành của Hung Nô. Tuy nhiên, lúc
này, triều đại Hán Quang
Vũ đang trong thời kỳ củng cố chính trị, sau khi vừa
giành lại vương vị từ Vương Mãng, nên đã khước từ lời đề nghị của họ. Đồng thời, bấy giờ, nước Toa Xa cũng đang phát triển mạnh mẽ thế lực ở khu vực Pamirs. Trước đó, năm Kiến Vũ thứ chín (năm
33), Toa Xa vương Hiền đã
đánh bại Câu Di vương và Tây Dạ vương, sát nhập hai tiểu quốc vào sự quản lý của
nước Toa Xa. Cùng với nhiều mối quan hệ bang giao hữu hảo, Toa Xa vương Hiền
cũng hun đúc giấc mộng bá chủ khu Tây Vực trong tương lai gần.
Vào năm Kiến Vũ thứ mười bảy (năm 41), Toa Xa vương Hiền
lại dâng sớ và nạp cống cho nhà Hán, xin được
sắc phong chức quan “Tây Vực thủ hộ”
và ban ấn thụ, mục đích thay thế nhà Hán điều hành và cai quản khu Tây Vực. Ban
đầu, vua Hán Quang Vũ đồng ý với đề nghị. Thế nhưng Thái thú Đôn Hoàng là Bùi
Tuân (裴遵) hay tin và dâng tấu sớ can ngăn rằng:“Với
Di địch chớ nên đem đại quyền cho mượn; hơn nữa lại khiến cho các nước khác thất
vọng”.
Thế nên nhà vua liền
hạ chiếu thu hồi ấn thụ “Tây Vực thủ hộ”, đổi ban cho Toa Xa vương quân hàm Đại
tướng của nhà Hán. Thực tế, nếu lời thỉnh cầu được toại nguyện, Tây Vực sẽ nổi
lên một thế lực quân sự thứ hai làm lũng đoạn và thao túng con đường tơ lụa, về
lâu dài sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của nhà Hán.
Từ đó, Toa Xa vương Hiền bắt đầu tự tung tự tác, trá xưng
danh hiệu “Đại đô hộ” (大都護), ức hiếp các tiểu
quốc lân bang, bắt buộc họ phải thỏa hiệp với yêu sách của mình. Thế nên, vào
năm Kiến Vũ thứ hai mươi mốt (năm 45), mười tám nước ở Tây Vực liên tiếp gửi thư và con
tin vào vùng đất Trung Nguyên xin nhà Hán thiết lập Đô hộ phủ trở lại. Tuy
nhiên, lúc này tộc Hung Nô hay tin nên liên tục tấn công biên cương nhà Hán,
quyết ngăn chặn mối liên kết quân sự này. Trước áp lực chính trị từ nhiều phía,
Hán Quang Vũ lại lần nữa khước từ lời đề nghị liên minh, tập trung củng cố
phòng thủ biên thùy.
Sau một năm, Toa Xa vương Hiền ngày càng
bạo ngược hơn, bắt đầu tấn công nước Thiện Thiện, giết chết vua nước Quy Tư, thị
uy sức mạnh ở Tây Vực. Tiếp tục lần thứ ba, vua nước Thiện Thiện lại gửi thư cầu
viện nhà Hán và nhận phúc đáp từ Hán Quang Vũ Đế rằng: “Nay sứ giả và đại
binh chưa thể phái đi được, nếu các nước lực bất tòng tâm, đông nam tây bắc,
xin tự do tự tại vậy.” Lời
phúc đáp đã chấm dứt những hy vọng liên thủ của các tiểu quốc Tây Vực với nhà
Hán. Thế nên họ buộc phải chuyển sang quy phục Toa Xa vương Hiền. Một số nước ở Tây Vực không thỏa
hiệp thì đã đóng
cửa biên giới và tự lực phòng thủ. Vì vậy, mối quan hệ giữa Trung Quốc và khu
Tây Vực coi như đứt đoạn, các trạm dịch và cửa khẩu đều phải đóng cửa. Vấn đề này đã khiến việc giao thương qua con đường
tơ lụa phải ngưng trệ trong một
khoảng thời gian tương đối dài. Tất nhiên mối quan hệ ngoại giao giữa Trung Á và phía Tây Trung Quốc
cũng bị gián đoạn.
Mặt khác, theo ghi chép của sử gia Tư Mã
Quang, sự cách tuyệt giữa Trung Quốc và Tây Vực còn diễn ra trước đó nữa. Cụ thể,
vào năm Thiên Phượng thứ ba (năm 18), thời Vương Mãng chiếm quyền, sự kiện phái
đoàn của Vương Tuấn, Quách Khâm, cùng quan Đô hộ Tây Vực là Lý Sùng đi sứ ở Tây
Vực bị tập kích. Khi phái đoàn đến nước Yên Kỳ, các tướng lĩnh ở nước Cô Mặc,
Phong Lê, Nguy Tu... cùng với quân đội Yên Kỳ, đã phục kích và sát hại phái
đoàn, chỉ có Quách Khâm và Lý Sùng đi sau nên chạy thoát. Về sau, Lý Sùng cũng
chết ở Quy Tư. Lúc này tình hình Trung Quốc đang loạn lạc, một số tiểu quốc ở
Tây Vực đã trở mặt, không triều cống Trung Quốc. Thế nên Vương Mãng quyết định
đóng cửa biên giới, thu hồi Đô hô phủ, cắt đứt mối quan hệ ngoại giao chính trị
với đặc khu Tây Vực.
Cho đến năm Vĩnh Bình thứ mười sáu (năm
73), Hán Minh Đế mới phát lệnh cho tướng quân Ban Siêu (32 - 102) đi sứ Tây Vực, nhằm
nối lại mối quan hệ ngoại giao. Lúc này Toa Xa vương Hiền đã băng hà, nhưng thế lực Hung Nô
vẫn bạo tàn, ngang ngược. Khi phái đoàn của Ban Siêu vừa đến nước Thiện Thiện,
vô tình sứ giả tộc Hung Nô cũng đến. Trong đêm, tướng Ban Siêu và quân đội âm
thầm tập kích và tiêu diệt sứ đoàn Hung Nô, vua nước Thiện Thiện hay tin liền
quy phục nhà Hán. Từ đó, dưới uy quyền của Ban Siêu, các tiểu quốc ở Tây Vực đã quy phục
Trung Quốc trở lại và thiết
lập mối quan hệ ngoại giao triều cống. Thời điểm này là năm Vĩnh Bình thứ mười
sáu (năm 73).
Như vậy, tình trạng đóng cửa biên giới,
cách tuyệt ngoại giao giữa Trung Quốc và Tây Vực kéo dài tổng cộng đến sáu mươi
lăm năm, từ năm 18 đến 73, tính cả thời Vương Mãng. Đồng thời, theo tác giả Zenryu Tsukamoto, tới cuối thời
Hán Chương Đế (76 - 89), một
số quốc gia như Toa Xa (Yarkand), Quy Tư (Kucha) và Sớ Lặc (Kashgar), những trọng
điểm trên hai tuyến đường Bắc và Nam vượt sa mạc Takla-Makan, để đi vào Trung Á, vẫn chưa
quy phục nhà Hán. Liệu rằng trong niên hiệu Vĩnh Bình (từ năm 58 - 75), một sứ
đoàn chính thức của Trung Quốc có thể băng qua vùng nội loạn và chống đối lại
nhà Hán để đến được Thiên Trúc (Ấn Độ) hay Trung Á thỉnh cầu một tôn giáo “thấy
trong mơ” hay không? Từ sự kiện cách tuyệt mối quan hệ ngoại giao giữa
Trung Quốc và Trung Á, người viết có thể nhận định rằng, giả thuyết về một phái
bộ được công cử sang Thiên Trúc (Ấn Độ) cầu thỉnh Phật giáo về Trung Quốc vào niên hiệu Vĩnh
Bình, hoàn toàn vô căn cứ và không phù hợp với những diễn biến của chính sử.
Tựu trung, thông qua năm vấn đề liên
quan từ niên đại đến nhân vật lẫn sự kiện lịch sử của thuyết Minh Đế cầu pháp, chúng ta nhận thấy
rằng có quá nhiều lỗ hổng trong sự ghi chép. Thế nên, những dữ kiện khi được xâu kết
lại, hoàn toàn không phù hợp với sự thật lịch sử. Thuyết này như vậy dường như chỉ là
một giai thoại huyền sử.