Nguyên Nhân của Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Nam Bộ Giai Đoạn 1920-1945

Nguyên Nhân của Phong Trào Chấn

Nguyên Nhân của Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Nam Bộ Giai Đoạn 1920-1945

Thích Đồng Hạnh

1. Bối cảnh nghiên cứu

Ý tưởng về chấn hưng Phật giáo xuất phát đầu tiên từ HT.Khánh Hòa vào năm 1923. Nhân ngày giỗ tại chùa Long Hoa, quận Tiểu Cầu, tỉnh Trà Vinh (19-9-Quý Hợi), HT.Khánh Hòa đã thỉnh mời những vị tôn túc ở vùng Tiền - Hậu Giang về dự. Trong buổi lễ giỗ, Hòa thượng đã ngõ ý mời các vị tôn túc cùng thành lập một tổ chức Phật giáo chung nhằm củng cố và chấn hưng Phật giáo [15, tr.43]. Trước ngõ ý rất chân thành của HT.Khánh Hòa và vì một nền Phật giáo tươi sáng hơn, chư Hòa thượng như Huệ Quang, Chí Thiền, Trí Thiền, Từ Phong, Chánh Quả, An Lạc, Huệ Định, Diệu Pháp đã hoan hỷ nhận lời hiệp tâm với HT.Khánh Hòa. Quý ngài đã thành lập Hội Lục Hòa Liên Hợp nhằm tạo cơ sở cho một hội Phật giáo thống nhất toàn quốc. Nhưng những n lực ban đầu của HT.Khánh hòa đã thất bại [15, tr.45; 8, tr.23].

Mãi tới năm 1926, ý tưởng chấn hưng Phật giáo mới được cư sĩ Huỳnh Thái Cửu nhắc lại. Nhân dịp lễ Vu lan vào năm này, cư sĩ đã thỉnh mời một số vị Hòa thượng tới tư gia tại Trà Vinh để cúng dường trai tăng. Trong buổi tác bạch cúng dường, cư sĩ đã thưa trình về những vấn nạn của giới Tăng Ni và sự suy thoái của Phật giáo nước nhà, và ông cũng nêu rõ thành ý muốn thành lập một tổ chức Phật giáo thống nhất để hưng khôi Phật giáo nước nhà. [15, tr.44; 26, tr.431]. Cư sĩ Huỳnh Thái Cửu đã đề ra 3 tiêu chí cho việc chấn hưng như sau:

a.       Lập hội Phật giáo.

b.      Thỉnh ba tạng kinh điển dịch ra chữ Quốc ngữ.

c.       Lập trường Phật học đào tạo Tăng tài.

Vào năm 1927, HT.Khánh Hòa hiệp thông cùng HT.Huệ Quang, Liên Trì, Thiện Niệm, Thiện Chiếu cùng các cư sĩ trẻ tại chùa Linh Sơn lập ra một tổ chức với tên gọi Phong Trào Chấn Hưng, với mục đích ban đầu là làm cơ sở giáo dục chư Tăng Ni và tàng lưu kinh sách phục vụ cho vấn đề nghiên cứu [15, tr.50]. Tuy nhiên, do không xin được giấy phép của chính quyền thuộc địa, tổ chức này không được đi vào hoạt động. Vào đầu năm 1929, nhóm của HT.Khánh Hòa lại hiệp thông với Thiện Chiếu lập Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học. Nhưng do không xin được giấy phép, nên tổ chức này cũng không thể đi vào hoạt động ngay được. Cũng trong năm 1929, nhóm HT.Khánh Hòa đã vận động thành lập hai tập san Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ là Pháp ÂmPhật Hóa Tân Thanh Niên. Tuy nhiên, tờ Pháp Âm bị đình chỉ ngay sau ấn bản đầu tiên; tờ Phật Hóa Tân Thanh Niên vẫn được hoạt động.

   Ngày 26-8-1931, Thống đốc Nam Kỳ Khrautheimer phê chuẩn Nghị định số 2062 chính thức công nhận tính pháp lý của Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học (Association pour l'etude et la conservation du Bouddhisme en Cochinchine), đồng thời thông qua bản điều lệ gồm 19 điều và bản quy tắc 51 điều [15, tr.54].

   Tiếp bước sự thành công của Hòa thượng Khánh Hòa trong việc lập Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học Hội, một số vị tôn túc cũng cho thành lập những tổ chức Phật giáo cũng như tập san Phật giáo, nhằm mục đích cùng chấn hưng Phật giáo tại Nam bộ. Đến ngày 16-7-1935, tại Miền Nam có các tổ chức Phật giáo được công nhận tính pháp lý là: Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học đăng ký tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn; Tịnh độ Cư sĩ Phật Hội tại chùa Hưng Long, Chợ Lớn; Lưỡng Xuyên Phật học Hội tại chùa Long Phước, Trà Vinh; Long Xuyên Phật giáo Lương Hữu Hội tại chùa Bình An, Long Xuyên; Hội Phật Học Tương Tế tại chùa Thiên Phước, Sóc Trăng; Thiên Thai Thiền Giáo Tông Liên Hữu Hội tại chùa Phước An, Bà Rịa [36, tr.55]. Thành lập muộn nhất tại Miền Nam là Hội Phật học Kiêm Tế (Association Bouddhique et de Bienfaisance de Rachgia) vào năm 1937, và đây là hội Phật giáo cuối cùng được thành lập tại Nam Bộ giai đoạn 1920-1945 [6, tr.8].

   Phong trào chấn hưng tại Nam Bộ giai đoạn 1920-1945 thật sự đạt được mục tiêu quảng tuyên Phật lý theo hướng chuyên nghiệp, phổ thông và dễ tiếp cận, bởi vì mỗi hội nhóm kể trên đều có những Tập san Phật học. Những tờ báo có ảnh hưởng tới phong trào chấn hưng trong giai đoạn này là Từ Bi Âm (Nam kỳ Nghiên cứu Phật học Hội), Duy Tâm ( Lưỡng Xuyên  Phật học Hội), Tiến Hóa (Phật học Kiêm tế Hội), Tạp chí Pháp Âm (Tĩnh độ Cư sĩ),Phật Học Tùng Thư ( Đoàn Trung Còn) [12, tr 567]. Hơn thế nữa, phong trào chấn hưng Phật giáo đã góp phần xác định yếu tố Phật giáo là một trong những yếu tố quan trọng của văn hóa Việt Nam [12, tr 568], mặc dù còn nhiều hạn chế trong thành quả.

   Vậy nguyên nhân gì đã thúc đẩy việc chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn này? Để trả lời cho câu hỏi này, bài viết này xin nêu những nguyên nhân đã thúc đẩy công cuộc chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam nói chung và tại Nam Bộ nói riêng.

2. Những nguyên nhân thúc đẩy sự chấn hưng Phật giáo giai đoạn 1920-1945

2.1.1. Những tác động từ bên ngoài

   Trong giai đoạn đầu của thế kỷ 20, nhiều cuộc vận động chấn hưng Phật giáo quốc tế đã diễn ra, như các phong trào chấn hưng Phật giáo Ấn Độ, Trung Quốc v.v… Những phong trào này đã ảnh hưởng tới giới trí thức hữu tâm người Việt, và thúc đẩy họ tiến bước khôi chấn lại Phật giáo nước nhà [16; 1].

   Phong trào chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ được khởi xướng bởi David Hewavitarane, người Tích Lan. Ông về sau xuất gia và được gọi là Đại đức Dharmapala [12, tr.561; 5, tr.645]. Dharmapala bắt đầu công việc chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ bằng việc trùng tu lại các Phật tích quan trọng tại Ấn Độ (12, tr.565). Một thời gian sau, song song với việc trùng tu những thánh tích Phật giáo đang diễn tiến, Dharmapala vận động thành lập Hội Mahabodhi Society. Hội Mahabodhi không chỉ là nơi xuất bản tạp chí Phật học mà còn là trung tâm Phật học [12, tr.564; 5, tr.692].

   Hơn thế nữa, Dharmapala cũng là người truyền lửa cho việc chấn hưng Phật giáo tại Trung Quốc. Theo Nguyễn Lang [12, tr.563], vào năm 1908, Dharmapala đã liên lạc với cư sĩ Dương Nhân Sơn ở Trung Quốc để thành lập Kỳ Hoàn tinh xá, làm nơi cho Tăng Ni và cư sĩ hữu tâm về nghiên cứu Phật học. Trung tâm Kỳ Hoàn khuyến khích các Tăng Ni và học giả nghiên cứu và dịch thuật Phật pháp bằng ba ngôn ngữ chính: Anh, Hán và Pāli. Dương Nhân Sơn và những người bạn của ông sau này trở thành những trụ cột chính trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung Hoa.

   Phong trào chấn hưng Phật giáo tại Nhật Bản bắt nguồn từ cuộc cải cách của Thiên hoàng Minh Trị vào cuối thế kỷ 18 - đầu thế kỷ 19. Vào cuối thế kỷ 19, với sự ủng hộ của các nước phuong Tây và lợi dụng sự bất mãn của các Phiên, Minh Trị đã lật đổ thế lực Mạc Phủ và trở thành người nắm quyền lực tối cao tại Nhật Bản [22]. Sau khi lên nắm quyền, Minh Trị ban hành chính sách cải cách toàn diện Nhật Bản [17, tr.60]. Vào thời Mạc phủ Togugawa, nhà nước thiết lập chính sách Đàn gia (Danka). Theo chính sách này, tất cả người dân phải đăng ký hộ khẩu tại một ngôi chùa [17, tr.62]. Nói cách khác, chùa chiền trở thành công cụ quản lý nhân khẩu trong một vùng. Bởi vậy, khi Thiên hoàng Minh Trị lên nắm quyền, Phật giáo bị rơi vào tầm cải cách quyết liệt nhất.

   Thực tế, Minh Trị không chủ tâm cải cách để Phật giáo tốt hơn mà chủ trương triệt hạ sự phát triển của Phật giáo [17, tr.65]. Nhưng sự đàn áp của Minh Trị lại đưa đến một chiều hướng khác. Khi Phật giáo rơi vào tình trạng bế tắc cùng cực, các tu sĩ Phật giáo bắt đầu tìm đường qua Châu Âu du học. Khi trở về, những tu sĩ này được trang bị một kiến thức sâu rộng về Pāli, Anh và Sankrit, cộng với kiến thức nghiên cứu hiện đại và hàn lâm của phương Tây. Họ đã lập ra những hội phiên biên dịch kinh điển từ Pāli, Sankirt, Hán sang Nhật ngữ. Họ cũng lập những trường Phật học để truyền bá và nghiên cứu Phật học [17, tr.67].

   Để nối dài tinh thần học thuật cho Phật giáo, việc đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục là lựa chọn tất yếu. Các trường đại học chuyên khoa của các tông phái Phật giáo liên tiếp xuất hiện dưới thời Đại Chính. Đến nay, sau những nỗ lực toàn diện để cải cách và hiện đại hóa Phật giáo, cùng ảnh hưởng của triết học Phương Tây và Ki-tô giáo, Phật giáo Nhật Bản đã hoàn toàn thoát ly hình thái và quan niệm của Phật giáo Trung Quốc. Tầng lớp tu sĩ vào núi tu hành và chờ chúng sinh đến xin cứu độ đều bị xã hội hiện đại đào thải [17, tr.69].

   Phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung Quốc được khởi xướng từ nhóm của cư sĩ Dương Nhân Sơn và Đại sư Thái Hư [12, tr.557; 24]. Nhưng nguyên nhân của việc chấn hưng là do sự suy thoái và yếu kém của Phật giáo tại Trung Quốc từ đầu thế kỷ 19. Theo Thích Nữ Tuệ Thanh [24], dưới thời Gia Khánh, triều đình bỏ chính sách quản lý chùa chiền và ủng hộ mạnh mẽ sự phát triển của chùa chiền. Với sự ủng hộ này, bao nhiêu tệ hại đã ập tới với Phật giáo Trung Quốc. Cũng chính trong giai đoạn này, Trung Quốc bị tấn công bởi phương Tây và Nhật Bản, điều này khiến cho giới trí thức xem Phật giáo như là vật cản cho sự canh tân đất nước.

   Người góp công đầu trong việc canh tân Phật giáo Trung Quốc là Dương Nhân Sơn. Ông tên thật là Văn Hội (1837-1911), người Thạch Đại, tỉnh An Huy. Năm 28 tuổi, khi đang nằm điều trị bệnh, ông tình cờ đọc được nhiều trước tác Phật giáo. Sau đó ông phát nguyện đi theo đạo Phật và tiếp tục nghiên cứu các bộ kinh luận Phật giáo, như kinh Hoa nghiêm, Pháp hoa, các bộ luận về Duy thức Tịnh đ v.v… Điều đặc biệt là trong khi đi công tác tại Anh, ông đã kết giao với một vị trí thức của Nhật Bản, đó là Tiến sĩ Nam Điều Văn Hùng. Nhờ thiện duyên này mà ông đã mang được nhiều Phật điển, chương sớ bị tán thất tại Trung Quốc nhưng vẫn còn tại Nhật Bản về lại Trung Quốc và cho ấn hành. Năm Quang Tự hai mươi ba (1897), ông sáng lập Khắc kinh xứ tại Kim Lăng. Trải qua nhiều gian lao vất vả, cuối cùng đã in được hơn 2.000 quyển kinh, luận. Sự nghiệp nghiên cứu Phật học và trước tác của ông đã được biên tập thành một bộ sách gồm 10 quyển với tên gọi là Dương Nhân Sơn cư sĩ di trước [11, tr.25-26].

Mặc dù Dương Nhân Sơn là người đi đầu trong việc chấn hưng Phật giáo Trung Quốc, Đại sư Thái Hư được xem là người tiến hành và phát triển phong trào chấn hưng Phật giáo Trung Quốc [11, tr.25-26]. Ngài họ Lữ, hiệu Duy Tâm, pháp danh Thái Hư, sinh ngày 2 tháng 12 năm 1889 tại huyện Sùng Đức, tỉnh Triết Giang, vào đời vua Quang Tự năm thứ 15. Lúc 16 tuổi, vào năm Quang Tự 30 (1904), ngài lên núi Tiểu Cửu Hoa cầu xin xuất gia với Hòa thượng Khoan Công, và được bổn sư đưa về Tứ Minh, làm lễ ra mắt Tổ sư Tráng Niên Lão Nhân và chính thức xuất gia tại đây.

Vào năm 1924, ngài tổ chức Đại hội Phật giáo Liên hiệp thế giới tại chùa Đại Lâm. Và trong thời gian này, ngài bắt đầu giảng kinh Nhân vương h quốc tại Trường Đại học Trung Hoa. Sau đó ngài đi thăm Ngũ Đài Sơn và hướng dẫn phái đoàn Phật giáo Trung Quốc đi Nhật tham dự Đại hội Phật giáo Đông Nam Á. Về nước, ngài đi Thượng Hải lập Phật Hóa Giáo Dục Xã, xuất bản tuần san Tâm Đăng, đến giảng tại Đại học Hạ Môn và Phật học viện Mân Nam. Bấy giờ trong nước cuộc chiến tranh đã lan tới phương Bắc, Tăng Ni bị buộc phải hoàn tục. Trong tình thế này, ngài đã viết ra quyển Tăng chế kim luân để vận động cách tân Phật giáo.

   Tóm lược: Nguyên nhân của những phong trào chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc đều xuất phát từ sự suy thoái trong chùa chiền. Điều này cũng đúng với Phật giáo Việt Nam giai đoạn đó, như được mô tả rõ trong nhận xét của Thiện Chiếu: “Xét lại Tăng giới hiện thời của nước ta, nhất là Nam kỳ, phần nhiều không chuyên tâm về đường học vấn... Phần lớn chỉ cầu Thần Phật hộ trì cho cuộc đời mình sung túc, ít ai chịu thậm nhập đạo từ bi bác ái. Chùa chiền giống công ty bảo hiểm thì tránh sao những kẻ gian tà không lợi dung làm kế sinh nhai, khiến cho trong giới Tăng sĩ hằng diễn tệ nạn.” [6, tr.57]. Với sự tương đồng như vậy, những cuộc chấn hưng Phật giáo diễn ra tại Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc vô hình chung là chất xúc tác hữu hiệu thúc đẩy những người thiện tâm đứng lên cách tân Phật giáo nước nhà.

2.1.2. Những tác nhân từ trong nước

   Từ đầu thế kỷ 18 tới giữa thế kỷ 19, xã hội Việt Nam thay đổi liên tục, và đây là nguyên nhân tạo ra những nhân tố tác động mạnh tới nền Phật học. Theo tư liệu chúng tôi có, có bốn nguyên nhân trong nước đã tác động mạnh tới sự cải cách và chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn 1920-1945: sự thay đổi của nền giáo dục, sự kỳ thị tôn giáo của thực dân Pháp, sự ra đời một số tôn giáo bản địa mới, và sự suy thoái của tầng lớp Tăng sĩ.

a.      Sự thay đổi của hệ thống giáo dục

Ngày 21-12-1917, Toàn quyền Albert Sarraut ký Nghị định ban hành Học chính Tổng quy (Règlement général de l’Instruction publique en Indochine), là bộ luật giáo dục chính thức quy định về cơ quan quản lý giáo dục, hệ thống trường lớp, cơ cấu tổ chức các loại trường, chương trình, quy định về giáo viên, cách thức đánh giá, thi cử, thanh tra nhà trường [20, tr.42].

   Kể từ khi bộ luật giáo dục này được ban hành, nền giáo dục Việt Nam bước vào ngã rẻ mới: Tư tưởng giáo dục Nho gia bị thay thế bằng giáo dục thực tiễn, và Tiếng Việt cùng chữ Quốc ngữ Pháp ngữ được đẩy mạnh, dùng làm công cụ chính cho giáo dục thời kỳ này [20, tr.45]. Vào thời kỳ này, một đội ngũ trí thức Tây học xuất hiện thay thế tầng lớp trí thức cũ nặng về tầm chương trích cú [1]. Giáo dục Phật giáo Việt Nam vào giai đoạn trước khi Pháp ban hành bộ luật giáo dục năm 1917 chịu ảnh hưởng nặng nề phương thức giáo dục của Nho gia, với kiểu học tầm chương trích cú phổ biến trong giới Tăng lữ. Vào giai đoạn này, hầu hết kinh điển Phật giáo được lưu giữ bằng Hán văn. Cho nên khi tư tưởng Tây học được phổ biến rộng rãi trong quần chúng, Phật giáo bị rơi vào thế lạc hậu [1].

b.      Sự kỳ thị tôn giáo của Pháp

   Vào năm 1885, thực dân Pháp chính thức đô hộ toàn bộ Việt Nam, Lào và Campuchia cũng như Quảng Tây. Trong thời gian cai trị, ngoài hệ thống giáo dục thực tiễn, thực dân Pháp còn ủng hộ mạnh mẽ việc phát triển Ki-tô giáo [12, tr.550]. Với chính sách này, Pháp dùng nhiều biện pháp để triệt thoái ảnh hưởng của Phật giáo trong quần chúng nhân dân. Trong giai đoạn từ năm 1861 đến 1865, Pháp đã triệt hạ các chùa lớn, chỉ để lại các chùa trong ngõ hẻm [13, tr29]; trong đó chùa Kim Chương và chùa Phật Lớn (Ông Phúc) bị dỡ bỏ vào năm 1865, trong khi chùa Kim Tiên (Chợ Quán) bị dỡ bỏ vào năm 1863. Tồi tệ hơn, trong giai đoạn này, Pháp thực hiện chính sách kỳ thị tôn giáo. Chúng không chỉ ủng hộ sự phát triển của Thiên Chúa giáo mà còn chiếm dụng chùa chiền để làm đồn bốt, nhà thờ [3,tr.28].

c. Sự ra đời những tôn giáo bản địa mới

   Một nguyên nhân khách quan khác ảnh hưởng tới Phật giáo là việc ra đời các tôn giáo mới mà chúng dựa trên nền tảng của Phật giáo, như Bửu Sơn Kỳ Hương (1849), Cao Đài (1926), Tứ Ân Hiếu Nghĩa (1867), và Hòa Hảo (1939) [7, tr.11-12]. Mặc dù nhiều sử liệu trong giai đoạn 1920-1945 cho thấy Hòa Hảo và Tứ Ân Hiếu Nghĩa không gây được nhiều ảnh hưởng, thì đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Cao Đài là hai tôn giáo có sức ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với quần chúng nhân dân trong khu vực Nam Bộ [18]. Đạo Bửu Sơn Kỳ Hương mặc dù được thành lập dựa trên nền tảng Phật lý, nhưng nó đơn giản và mộc mạc hơn, vì vậy nó gần gũi và thu hút được thành phần nông dân nghèo khổ ở lưu vực sông Cửu Long [14];[10, tr.46]. Trong khi đó, mặc dù có tuồi đời non trẻ, đạo Cao Đài được cho là có ảnh hưởng mạnh nhất và thu hút được nhiều người theo nhất trong giai đoạn 1920-1945 [18].

d.      Sự suy thoái của tầng lớp Tăng sĩ

   Sự suy yếu về phẩm chất tu học của giới Tăng lữ có lẽ là nguyên nhân quan trọng thúc đẩy sự chấn hưng Phật giáo [1]. Hòa thượng Thích Mật Thể [25, tr.53] trong công trình nghiên cứu sơ lược về lịch sử Phật giáo Việt Nam, đã nhấn mạnh rằng nguyên nhân yếu kém của tầng lớp Tăng lữ là do sự sủng ái quá mức của các vua triều Nguyễn đối với Phật giáo: “Từ trên vua quan cho đến thứ dân, ai ai cũng an trí đạo Phật là ở sự cúng cấp cầu đảo chứ không biết gì khác nữa Phần đông Tăng đồ chỉ nghĩ đến danh vọng, chức tước: xin bằng Tăng Cang, Trú trì, Sắc tứ .v.v... Ôi! Tinh thần Phật giáo đến đây hầu đã tuyệt diệt?”.

Về giáo lý, kinh sách thì bị thất truyền, sai lạc nhiều do sự thâm nhập của lối sống thế tục và các hình thức mê tín, nhất là của đạo Lão thần tiên. Về sự tu hành càng bị sa sút. Cư sĩ Khánh Vân đã miêu tả trong Tạp chí Duy Tâm số 18 năm 1926 rằng: “Có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, nhập sóc vọng, cũng sám hối như ai, nhưng lại luyện bùa học ngải, luyện roi thần, khi lên ông, lúc gặp bà, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng thực ra lợi dụng lòng mê muội của thiện nam, tín nữ, rộng túi tham vơ vét cho sạch sành sanh.[27, tr.301-307]. Cư sĩ Thanh Quang cũng nói về tình trạng này trong Tạp chí Đuốc Tuệ: “Đau đớn thay xứ ta, những hạng xuất gia vào chùa phần nhiều chỉ học đặng vài bộ kinh, lo luyện hơi cho hay, tập nhịp tán cho già, nay lãnh đám này, mai lãnh đám kia; cũng tràng hạt, cũng cà-sa, thử lật mặt trái của họ ra mà xem thì có khác nào người trần tục. [28, tr.3-5].

 

 

 

3. Kết Luận

Trong nghiên cứu này, khảo cứu lịch sử và khảo cứu văn học được sử dụng như hai công cụ cho việc tiếp cận dữ liệu. Sau khi phân tích nguồn dữ liệu, cho thấy có hai nguyên nhân chính thúc đẩy sự chấn hưng Phật giáo giai đoạn 1920-1945, nguyên nhân từ bên ngoài và nguyên nhân trong nước.

Trong khi nguyên nhân từ bên ngoài được cho lưu xuất từ những cao trào chấn hưng Phật giáo tại Ấn Độ, Nhật Bản Trung Quốc, nguyên nhân từ trong nước bao gồm 4 yếu tố: sự thay đổi của nền giáo dục, sự kỳ thị tôn giáo của Pháp, sự ra đời các tôn giáo bản địa, và sự suy thoái của giới Tăng lữ.

Và rồi khi mọi nhân duyên hội đủ, phong trào chấn hưng Phật giáo được khởi động và tạo nên một làn sóng chấn hưng Phật giáo khắp cả nước, đem lại nhiều thành quả to lớn cho Phật giáo Việt Nam từ thời chấn hưng cho đến ngày nay.

Tài Liệu Tham Khảo

1.      Lại Như Bằng (2016), Phong trào Chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam và tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản - Kỳ 1. Tham khảo tại https://toasang-ugvf.org/

2.      Binh Anson (1999), Hòa thượng Hộ Tông Vansarakkhita (1893-1981). Tham khảo tại https://www.budsas.org/

3.      Lê Cung (2008), Phong trào Phật giáo miền Nam Việt Nam năm 1963, NXB.Thuận Hóa, Huế.

4.      Lê Cung (2013), 50 năm nhìn lại phong trào chấn hưng Phật giáo miền Nam Việt Nam (1963 - 2013), NXB.Đại Học Huế, Huế.

5.      David, G ( 2014 ). Rebuilding the Navel of the Earth: Buddhist pilgrimage and transnational religious networks. Modern Asian Studies, Volume 48 (3), pp.645-692.

6.      Nguyễn Đại Đồng & Nguyễn Thị Minh (2007), Phong trào Chấn hưng Phật giáo - Tư Liệu báo chí Việt Nam từ 1927-1938, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

7.      Thiện Hậu (2017), Phật giáo Nam tông Kinh Việt Nam (1938-1963), NXB.Hồng Đức, Hà Nội.

8.      Thích Thiện Hoa (1970), 50 năm chấn hưng Phật giáo-Tập I, Viện Hóa Đạo, Sài Gòn.

9.      Hội Phật học Kiêm Tế (1937), “Điều lệ”, chùa Tam Bảo, Rạch Giá: 10.

10.  Phạm Bích Hợp (2007), Người Nam Bộ và tôn giáo bản địa (Bửu Sơn Kỳ Hương, Cao Đài, Hòa Hảo), NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

11.  Thích Giác Minh Hữu (2019), “Thái Hư Đại sư với sự phục hưng Phật giáo Trung Quốc”, Tạp chí Nghiên cứu Phật học, số tháng 11/2019, trang 25-32.

12.  Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo s luận toàn tập, NXB.Văn Học, Hà Nội.

13.  Trần Hồng Liên (1996), Phật giáo Nam Bộ từ thế kỷ XVII đến 1975, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, Tp.HCM.

14.  Nguyễn Hồng Lương (2018). Ảnh hưởng của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương đến đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ. Tham khảo tại http://btgcp.gov.vn/

15.  Dương Thanh Mừng (2015), “Các tổ chức Phật giáo trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trước năm 1945”, Tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo, số 143, tr.43-59.

16.  Đào Nguyên (2013), Từ phong trào chấn hưng (1928-1945) đến phong trào tranh đấu của Phật giáo miền Nam. Tham khảo tại https://giacngo.vn/nguyetsan/2013/07/04/16D00A/

17.  Nguyễn Minh Nguyên & Trần Thị Thúy Ngọc (2015), “Một số biến động của Phật giáo Nhật Bản Từ Minh Trị Duy Tân (1868-1912)”, Tạp chí Nghiên Cứu Tôn Giáo, số 143, tr.60-69.

18.  Pascal Bourdeaux (2015), Đặng Thế Đại (dịch), Về nguồn gốc lịch sử của Phật giáo Hòa Hảo. Tham khảo tại http://nghiencuuquocte.org/

19.  Pascal, B (2005). Croyances populaires et rétorsion coloniale dans le delta du Mékongn           Commentaires sur la découverte d'une secte religieuse au village Hoa Hao mars - mai        1940, In: Aséanie, No 16: 124.

20.  Trần Thị Hòa Phương (2012), “Tổ chức quản lý giáo dục ở Việt Nam trong bộ máy chính quyền thời Pháp thuộc trước năm 1945”, Tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử, số 10, tr.42-47.

21.  Vũ Ngọc Ruẩn (2013). Minh Trị Thiên hoàng & những yếu tố canh tân thành công. Tham khảo tại       https://baoquocte.vn/

22.  Tôi Có Thể Viết (2018). Bộ máy nhà nước Nhật Bản thời Duy Tân Minh Trị. Tham khảo tại       https://medium.com/

23.  Thích Nhật Từ (2019), Phật học Việt Nam thời hiện đại: Bản chất, hội nhập và phát triển, Học viện Phật giáo Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh n hành.

24.  Thích Nữ Tuệ Thanh (2018), Thái Hư Đại sư trong phong trào phục hưng của Phật giáo Trung Hoa. Tham khảo tại https://budsas.net/sach/vn48huethanh_thaihu.pdf

25.  Thích Mật Thể (2004), Việt Nam Phật giáo sử lược, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội.

26.  Nguyễn Tài Thư chủ biên (1988) và các tác giả khác, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, NXB.Khoa Học Xã Hội, Hà Nội.

27.  Khánh Vân (1937), “Phật giáo ở nước ta vì đâu phải chịu cái hiện trạng suy đồi?”, Duy Tâm Phật học, số 18, tr.301-307.

28.  Thanh Quang (1942), “Hiện trạng Phật giáo ở xứ ta”, Đuốc Tuệ, số 178, tr.3-5.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle