Ảnh hưởng của phong trào phục hưng Phật giáo của B.R.Ambedkar vào việc phát triển kinh tế-xã hội của tầng lớp tiện dân ở Ấn Độ

Ảnh hưởng của phong trào phục hư

Ảnh hưởng của phong trào phục hưng Phật giáo của B.R.Ambedkar

vào việc phát triển kinh tế-xã hội của tầng lớp tiện dân ở Ấn Độ

Ravi Shankar Singh[1]

 

Một trong những sự kiện có ý nghĩa quan trọng nhất trong lịch sử Ấn Độ đã xảy ra vào thế kỷ VI tr.TL, khi Đức Phật Gautama thuyết bài pháp đầu tiên tại Isipatana (Sarnath, Lộc Uyển) và thúc dục những đệ tử của mình: “Hãy lên đường vì lợi lạc của nhiều người, vì hạnh phúc của số đông, vì lòng lân mẫn đối với thế gian, vì lợi lạc, vì hạnh phúc của trời và người”. Thông điệp của Ngài về bình đẳng, hy vọng, hòa bình và lòng từ bi đã nhanh chóng lan tỏa rộng khắp; và danh tiếng của Ngài vang vọng muôn nơi. Trong tất cả những tôn giáo của thế kỷ VI tr.TL, tôn giáo của Đức Phật Gautama đã có sự tác động lớn hơn cả vào nền tảng xã hội Bà-la-môn thời bấy giờ.

Sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn vào năm 483 tr.TL, sự thăng trầm của Phật giáo ở Ấn Độ có thể nói đã trải qua nhiều giai đoạn. Việc vua Ashoka (A Dục) của triều đại Maurya quy y Phật giáo có thể nói là một sự kiện quan trọng. Thông qua các phái đoàn truyền giáo do vua Ashoka phái đi, Phật giáo được truyền vào Trung Á, Tây Á và Srilanka cùng nhiều xứ sở khác, như vậy Phật giáo đã trở thành một tôn giáo thế giới vào thời điểm đó.

Ngoài Ashoka, những vị vua khác như Milinda, Kanishka, Harshavardhana cũng xứng đáng được nhắc đến vì những nỗ lực của họ trong việc phát triển và gìn giữ văn hóa Phật giáo ở Ấn Độ. Mặc dù Phật giáo biến mất trên mảnh đất khai sinh ra nó, nó tiếp tục phát triển ở những quốc gia Nam Á, Đông Nam Á và Đông Á. Vào thế kỷ XII, Phật giáo ở Ấn Độ chỉ còn giới hạn nơi một nhóm nhỏ ở vùng Đông Bắc và khu vực Himalaya của Ấn Độ. Thậm chí nó hầu như bó hẹp trong phạm vi các tự viện. Vì vậy khi quân đội Hồi giáo tràn đến bang Bihar ngày nay, tấn công Đại học Nalanda, Vikramsila và Odantapuri, tàn sát hầu hết những Tăng sĩ đang sống ở đó, thì Phật giáo hoàn toàn biến mất. Tăng đoàn bị hủy diệt và chùa viện bị triệt phá.

Khoảng thời gian từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIX thực sự là thời kỳ đen tối nhất của Phật giáo Ấn Độ. Rất nhiều chùa viện bị những người chống Phật giáo hủy diệt và cưỡng đoạt, và một số thì bị đổ nát do hoàn toàn không còn có người quan tâm đến. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở của Phật giáo bị chuyển đổi thành nơi thờ phụng của người Hindu và Hồi giáo, trong đó có cả Bồ-đề Đạo Tràng tại Godhgaya mà nó bị một tu sĩ Hindu chiếm lấy vào thế kỷ XVI. Như vậy, dấu vết Phật giáo dần bị xóa bỏ khỏi mảnh đất khai sinh ra nó.

Sự hồi sinh Phật giáo Ấn Độ đã không trải qua một hành trình quá dài. Về phương diện khảo cổ, sự hồi sinh Phật giáo ở Ấn Độ diễn tiến từ năm 1750 đến 1890 bởi những học giả người Anh như James Princep, Alaxander Cunningham, William Jones và những người khác. Về phương diện tôn giáo, sự hồi sinh của Phật giáo Ấn Độ bắt đầu với việc Anagarika Dharmapala, một Phật tử Srilanka, đến Ấn Độ sau khi ông đọc được bài viết của Edwin Arnold đăng ở trên Daily Telegraph nói về tình trạng bi thảm của Bồ-đề Đạo Tràng. Anagarika Dharmapala đã thành lập Hội Maha Bodhi ở Tích Lan vào ngày 31-5-1891 và sự đóng góp của ông cho việc phục hưng Phật giáo là thật sự lớn lao.

Nhưng trường hợp đầu tiên áp dụng tích cực những học thuyết xã hội của Phật giáo ở mức độ đại chúng là vào năm 1950, sau khi Ấn Độ độc lập. Phong trào này bước sang một trang mới khi Phật giáo gắn liền với chủ nghĩa dân tộc và văn hóa cổ đại Ấn Độ, khi quốc hội Ấn đang soạn thảo hiến pháp cho Ấn Độ tự do, khi câu hỏi về quốc kỳ và quốc huy trở thành một vấn đề bàn cải trong những người soạn thảo hiến pháp. Cuối cùng, những người biên soạn hiến pháp đã hướng đến di sản Phật giáo mà nó đại diện cho những ngày huy hoàng của Ấn Độ. Bánh xe Pháp luân và tượng sư tử trên đầu trụ đá của vua Ashoka đã được chọn làm những biểu tượng quốc gia của Ấn Độ độc lập. Người truyền cảm hứng đứng phía sau việc chọn những biểu tượng thuộc văn hóa Phật giáo này làm những biểu tượng quốc gia không ai khác ngoài Tiến sĩ B.R.Ambedkar, bấy giờ là Chủ tịch của Ủy ban soạn thảo hiến pháp.

Tiến sĩ B.R.Ambedkar sinh năm 1891 trong một gia đình thuộc đẳng cấp Mahar tại ngôi làng Ambevade, quận Ratnagiri, bang Maharashtra. Cha của ông là Ramaji Sakpal, một người sùng đạo (Hindu); và ông đã khắc sâu niềm tin tôn giáo vào tâm khảm của những người con của mình. Điều dĩ nhiên là Ambedkar đã sống trong một môi trường tôn giáo từ rất bé. Cha của ông khuyên ông đọc Ramayan, Mahabharata và những Thánh điển Hindu khác. Bấy giờ, đẳng cấp Mahar bị xem là giai tầng tiện dân trong xã hội Hindu. Ambedkar nhận thấy rằng những người thuộc đẳng cấp thấp không có quyền hay sự tự do để học hành, để sống bình đẳng trong xã hội, và đặc biệt họ bị những người thuộc đẳng cấp cao đối xử rất tệ bạc.

Khi ông đỗ kỳ thi tuyển vào năm 1907, một buổi lễ được tổ chức để vinh danh chàng trai trẻ Bhimrao Ambedkar. Tại buổi lễ này, thấy giáo của ông, K.A. Keluskar, đã tặng cho ông cuốn sách có tiêu đề Cuộc đời Đức Phật Gautama (Life of Gautam Buddha). Cuốn sách này đã gieo vào tâm hồn ông một ấn tượng sâu sắc về Đức Phật. Và sau khi có được học bổng để theo học chương trình cao hơn, ông đã luôn tìm cách cải đổi tình trạng của giai cấp bị đàn áp bên trong xã hội Hindu.

Tiến sĩ Ambedkar đã tìm hiểu về những tôn giáo khác nhau trong một thời gian dài để tìm kiếm một tôn giáo phù hợp cho bản thân và những người theo ông. Ông vô cùng cảm kích khi đọc kinh điển Phật giáo, và nói rằng Ấn Độ sẽ tìm lại được sự vinh quang của mình khi dân chúng quay trở lại với Phật giáo và thực hành theo những nguyên tắc đạo đức mà Đức Phật đã dạy. Ông nói thêm rằng, Phật giáo chống lại sự bất bình đẳng, uy quyền và sự phân chia xã hội thành những đẳng cấp khác nhau. Bình đẳng là đặc điểm chính của Phật giáo. Pháp của Đức Phật đem lại sự tự do tư tưởng và tự do phát triển cá nhân.

Tiến sĩ Ambedkar quyết định từ bỏ Ấn giáo vào ngày 13 tháng Mười năm 1935. Tại một hội nghị của tầng lớp bị áp bức được tổ chức tại Yeola (Nasik), ông tuyên bố: “Tôi sinh ra là một người Hindu, nhưng tôi sẽ không chết như một người Hindu, vì đây là quyền của tôi”. Ông phải đưa ra quyết định này để quy y theo Phật giáo, bởi vì ông thấy rằng phong trào Satyagraha mà ông khởi xướng đã không hoàn toàn thành công trọng việc thay đổi thái độ của người Hindu về đẳng cấp. Tuyên bố Yeola đã trở thành cột móc quan trọng trong công cuốc đấu tranh của những đẳng cấp bị áp bức về bình đẳng xã hội. Ở hội nghị Mahar được tổ chức tại Bombay (Mumbai) vào ngày 31-5-1936, ông nói rằng “Tôn giáo vì con người, không phải con người vì tôn giáo”.

Tiến sĩ Ambedkar có một số bài diễn thuyết về Đức Phật và Phật giáo. Trong một bài diễn thuyết, ông nói, “Tôi cho rằng sự xuất hiện của Phật giáo ở Ấn Độ có ý nghĩa như cuộc Cách mạng Pháp. Phật giáo đã mở đường cho việc thiết lập nền dân chủ”. Vào ngày 25 -5-1950, ở Hội nghị Colombo, ông nói, “Phật giáo có thể đã biến mất nơi hình thức vật chất nhưng nó vẫn tồn tại ở Ấn Độ như một sức mạnh tinh thần”. Vào năm 1951, ông đã tham gia lễ Phật đản (Buddha Jayanti) do Hội Mahabodhi Ấn Độ tổ chức ở New Delhi. Vào dịp này ông đã nói rằng, “Nếu phần còn lại của xã hội Hindu không hợp tác, vậy thì chúng ta, những thành viên của những đẳng cấp bị phân biệt, sẽ tự mình tiếp tục và cố gắng thêm lần nữa mang lại cho Phật giáo sự vinh quang và uy thế trước đây của nó ở đất nước này”.

Vào ngày 3-10-1954, trên Đài BBC, ông nói rằng, “Triết học xã hội của tôi có thể nói được bao hàm trong ba từ: tự do, bình đẳng và tình ái hữu. Tôi đã rút chúng ra từ giáo pháp của Thầy tôi, Đức Phật”.

Vào năm 1956, Tiến sĩ Ambedkar đã công khai việc quyết tâm phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ của mình. Ông đã truyền tải Phật pháp đến với những người theo mình bằng những bài diễn thuyết và những bài viết, khẳng định rằng bình đẳng xã hội chỉ có thể đạt được thông qua con đường mà Đức Phật đã chỉ ra. Trong bài nói chuyện “Tại sao tôi yêu thích Phật giáo”, phát trên Đài BBC vào ngày 12-5-1956, ông nói, “Tôi yêu thích Phật giáo hơn vì tôn giáo này đưa ra ba nguyên tắc kết hợp mà không tôn giáo nào đưa ra. Tất cả những tôn giáo khác đang tự quấy rấy mình với ‘Thượng đế’ ‘linh hồn’ và ‘đời sống sau khi chết’. Phật giáo dạy ‘trí tuệ’ (prajna), ‘từ bi’ (karuna) và ‘bình đẳng’. Đây là những gì hấp dẫn tôi. Ba nguyên tắc này cũng có thể hấp dẫn thế giới. Không có Thượng đế hay linh hồn nào có thể cứu được xã hội”. Ông tuyên bố, “Chỉ có một người duy nhất đã cất lên tiếng nói chống lại sự phân chia [đẳng cấp] và giải phóng tầng lớp tiện dân, đó chính là Đức Phật”.

Vào ngày 24-5-1956, ngày Lễ Phật đản lần thứ 2500, tại một buổi mít tinh công cộng, Tiến sĩ Ambedkar tuyên bố rằng ông sẽ quy y Phật giáo vào ngày 14-10-1956 tại thành phố Nagpur, bang Maharastra. Và vào sáng ngày này, Tiến sĩ Ambedkar cùng với hơn 500 ngàn người theo ông đã chính thức quy y theo Phật giáo. Thế giới đã chứng kiến sự kiện vĩ đại này như một hiện tượng cải đạo tập thể chưa từng có trong lịch sử. Sự kiện lịch sử này đã khiến cho Tiến sĩ Ambedkar được biết đến như một người phục hưng Phật giáo vĩ đại nhất trong thời hiện đại, và khiến những tư tưởng và giải thích của ông về Phật giáo trở nên quan trọng hơn. Ông trở thành vị cứu tinh của những người ngoài lề xã hội và đã mở cánh cửa Phật giáo cho tất cả họ. Phật giáo đã trao cho họ một cuộc đời mới. Họ bây giờ không còn thấy mình thấp hèn trước người khác nữa. Sự thay đổi này đã mang họ đến gần hơn với những cộng đồng Phật giáo khác trên thế giới. Tiến sĩ Ambedkar đã làm vững chắc mối liên kết văn hóa này giữa Ấn Độ và những quốc gia Phật giáo trên thế giới.

Thường thì việc cải đổi tôn giáo đòi hỏi một người phải hy sinh tất cả những gì gắn liền với mình về phương diện truyền thống. Tuy nhiên, sự cải đạo của Ambedkar không xung khắc với truyền thống của Ấn Độ. Ông nói, “Phật giáo là một phần của văn hóa Bharatiya (Ấn Độ). Tôi nghĩ rằng việc cải đạo của tôi sẽ không làm tổn hại đến nền văn hóa và lịch sử của xứ sở này”.

Toàn bộ cuộc đời của Ambedkar bị định hình và bị ảnh hưởng bởi những kinh nghiệm cay đắng của ông. Ông đã tìm hiểu về nguồn gốc, sự hình thành và phát triển của vấn đề đẳng cấp và tầng lớp tiện dân ở Ấn Độ. Những người Hindu tiện dân này không được phép sử dụng các giếng nước công cộng, và chỉ được phép uống thứ nước dơ bẩn mà họ có thể tìm thấy. Con cái của họ không được nhận vào những trường dành cho học sinh người Hindu. Mặc dù họ thờ phụng những vị thần Hindu, có cùng những lễ lược như nhau, họ lại không được phép bước vào các ngôi đền Hindu.

Theo Ambedkar, đẳng cấp đã giết chết tinh thần chung của con người, hủy hoại ý nghĩa của lòng bao dung giữa người với người, và không thể tạo nên ý kiến chung; đạo đức bị đẳng cấp cưỡi lên trên và luân lý bị đẳng cấp trói buộc. Không có sự cảm thông đối với những người khốn khó. Và việc đánh giá đạo đức của một người nằm bên trong phạm vi đẳng cấp của người ấy. Ông chỉ ra rằng những gốc rễ của vấn đề tiện dân nằm chính nơi hệ thống đẳng cấp. Do đó, việc xóa bỏ đi vấn đề tiện dân, xóa bỏ đi hệ thống đẳng cấp là tuyệt đối cần thiết. Ông cũng chỉ ra rằng xã hội lý tưởng của ông được đặt cơ sở trên những nguyên tắc như tự do, bình đẳng và tình ái hữu. Đẳng cấp sẽ không còn tác dụng chỉ khi việc người giữa các đẳng cấp có thể ăn uống và kết hôn với nhau trở thành những sự hành xử chung.

Để xúc tiến giáo dục trong những người tiện dân, Ambedkar đã xây dựng những ký túc xá dành cho những sinh viên thuộc tầng lớp tiện dân tại những nơi khác nhau như Panvel, Pune, Nasik, Sholapur, Thane và Dharwar với đóng góp của công chúng và các khoản tài trợ từ chính quyền quận huyện và địa phương. Có cơ sở nội trú miễn phí cho những người làm việc trong ký túc xá, và những người này có sự đóng góp đáng kể trong việc phổ biến giáo dục trong những người tiện dân. Mặc dù các trường đại học nhận những sinh viên thuộc tầng lớp tiện dân, nhưng ngoài những vấn về về tài chính, sự kỳ thị văn hóa và xã hội cũng đã ảnh hưởng đến việc phát triển toàn diện nhân cách của họ nơi những trường đại học mà người Hindu chiếm ưu thế. Do đó, Ambedkar muốn xây dựng những cơ sở riêng cho những người tiện dân. Ông thành lập Hội Giáo dục Nhân dân (People’s Educational Society) vào tháng Bảy năm 1945. Những mục đích chính là:

- Tìm kiếm sự hy vọng

- Khởi xướng, thành lập và quản lý những cơ sở giáo dục hay viện trợ cho những cơ sở như vậy.

Ông nhấn mạnh nhiều lần rằng cần phải đập tan sự tưởng tượng mà người Hindu đã tạo ra là những người tiện dân không có khả năng học hành.

Nơi ngữ cảnh xã hội, vấn đề tiện dân, mà nó là phụ phẩm của hệ thống đẳng cấp, không chỉ là một hình thức của phân biệt xã hội mà cũng là một nguồn bóc lột kinh tế. Những người tiện dân không được phép đi vào các ngôi làng vào ban ngày và không được phép sử dụng những phương tiện công cộng như đường sá, bể chứa nước v.v… Họ buộc phải sống bên ngoài những ngôi làng, và về phương diện vật lý, họ bị cô lập khỏi dòng chính chính của đời sống. Họ bị phân cho những công việc ô uế và bị buộc làm những công việc ấy suốt đời.

Họ bị phân biệt đối xử nơi thị trường hàng hóa và nơi thị trường sản xuất vì căn cước tiện dân của họ. Tiến sĩ Ambedkar nhận thấy rằng vấn đề tiện dân không chỉ là một vấn đề tôn giáo, mà còn là một vấn đề kinh tế, điều còn tệ hơn chế độ chiếm hữu nô lệ. Vấn đề tiện dân như một hệ thống kinh tế cho phép người ta quyền bóc lột. Nơi việc xem xét những lý do ở trên, Tiến sĩ Ambedkar thấy rằng cần phải cấp bách loại bỏ hệ thống đẳng cấp. Như vậy sẽ không còn sự xung đột giữa những điều kiện kinh tế-xã hội ở nơi xã hội Ấn Độ và dân chủ chính trị.

Tiến sĩ Ambedkar ủng hộ chủ nghĩa xã hội. Ông biện luận về chủ nghĩa xã hội dựa trên những cơ sở đạo đức. Ông không muốn giới hạn chủ nghĩa xã hội chỉ nơi lĩnh vực cải cách kinh tế. Ông nói, “Nếu tự do là điều lý tưởng, nếu tự do có nghĩa là phá bỏ quyền thống trị, điều khiến một người nắm giữ một người khác, vậy thì rõ ràng là không thể chỉ nhấn mạnh vào việc cải cách kinh tế. Nếu nguồn gốc của quyền lực và sự thống trị, tại bất kỳ thời điểm nào hay bất kỳ xã hội nào, là xã hội và tôn giáo, vậy thì cải cách xã hội và cải cách tôn giáo phải được chấp nhận như phần cần thiết của cái cách”.

Tiến sĩ Ambedkar ủng hộ việc giải phóng những bộ phận dân chúng nghèo trong xã hội Ấn Độ. Ông đề xuất chủ nghĩa xã hội nhà nước (state socialism). Chủ trương của ông về chủ nghĩa xã hội nhà nước chung quy là một sự ủng hộ nền kinh tế hỗn hợp. Ông không muốn loại bỏ bất kỳ tầng lớp nào, và việc cải cách cấu trúc giai cấp là để lợi ích kinh tế có thể chạm đến cánh cửa của mọi người. Ông chống lại việc quốc hữu hóa hoàn toàn nền kinh tế và sự độc quyền nhà nước. Ông chỉ ủng hộ quyền sở hữu nhà nước trong những lĩnh vực như bảo hiểm, công nghiệp và đất nông nghiệp. Ông không muốn triệt bỏ sở hữu tư nhân. Ông tin rằng Ấn Độ nên công nghiệp hóa, nếu không sẽ bị diệt vong.

Ở Ấn Độ, nơi một bộ phận lớn dân chúng không có đất, những thay đổi trong quy hoạch nông nghiệp không thể mang tài sản vật chất đến với tất cả người dân ở những khu vực nông nghiệp. Ambedkar khẳng định, chỉ các hình thức tập thể mới có thể giúp họ, với điều kiện rằng nông nghiệp trở thành một ngành công nghiệp nhà nước. Rõ ràng ông muốn tạo ra sự ổn định kinh tế thông qua luật hiến pháp. Ông tìm cách thiết lập một sự cân bằng giữa sự kiểm soát nhà nước và doanh nghiệp tư nhân thông qua sự tiếp cận hợp lý của ông về chủ nghĩa xã hội nhà nước. Ông không chìm sâu trong bất kỳ loại chủ nghĩa cá nhân hay chủ nghĩa xã hội nào. Phát biểu của ông về chủ nghĩa xã hội nhà nước không kìm hãm sự tự do cá nhân và cũng không ngăn chặn hệ thống doanh nghiệp tư nhân, trong khi đem sự lợi ích lớn nhất đến cho bộ phận người nghèo trong xã hội. Khái niệm chủ nghĩa xã hội nhà nước của Ambedkar nhấn mạnh vào ba quá trình kinh tế của xã hội loài người:

- Chọn lấy những ngành công nghiệp then chốt và đất nông nghiệp để đáp ứng nhu cầu của những thành phần người nghèo trong xã hội,

- Duy trì những nguồn lực sản xuất của nhà nước,

- Một sự phân phối công bằng sản phẩm chung giữa những người khác nhau mà không có bất kỳ sự phân biệt đẳng cấp hay tín ngưỡng nào.

Ambedkar nghĩ rằng nhà nước phải đóng vai trò quan trọng trong việc tái cấu trúc xã hội theo chính sách dân chủ, và nền dân chủ sẽ yếu đi và lung lay nếu dân chủ xã hội và kinh tế không phù hợp với dân chủ chính trị. Ông đề xuất một chiến lược phát triển được đặt cơ sở trên sự tiến bộ và công bằng. Những công trình học thuật khác nhau của Ambedkar cho thấy sự đóng góp của ông về tư tưởng kinh tế và giải thích sự hiểu biết sâu sắc của ông về những vấn đề kinh tế-xã hội ở xã hội Ấn Độ và quan điểm của ông về sự phát triển.

Hiến pháp, mà nó được Ambedkar soạn thảo, cung cấp một khuôn khổ với một chiến lược ba phần để cải thiện tình trạng của tầng lớp tiện dân ở Ấn Độ:

1. Những thỏa thuận: Những biện pháp được yêu cầu để thực thi sự bình đẳng, đưa ra những biện pháp trừng phạt đối với những hành vi vi phạm, để loại bỏ những thực hành đã được thiết lập mà chúng duy trì sự bất bình đẳng v.v… Có một số luật được ban hành để vận hành các quy định trong Hiến pháp. Một số ví dụ về những luật như vậy bao gồm Đạo luật về vấn đề tiện dân năm 1955, Đạo luật về việc đối xử với những đẳng cấp và bộ tộc chịu thiệt thòi năm 1989, Đạo luật về việc sử dụng những người thu gom rác và xây dựng nhà vệ sinh năm 1993 v.v…

2. Hành động tích cực: Đem lại sự ưu đãi tích cực trong phân bổ việc làm và tiếp cận giáo dục cao hơn, như một phương tiện để đẩy nhanh sự hòa nhập những đẳng cấp và bộ tộc chịu thiệt thòi vào xã hội dòng chính.

3. Phát triển: Cung cấp những nguồn lực và phúc lợi để thu hẹp khoảng cách nơi điều kiện kinh tế-xã hội giữa những đẳng cấp và bộ tộc chịu thiệt thòi và những cộng đồng khác.

Nhờ những nỗ lực không ngừng của Ambedkar, vấn đề tiện dân (về mặt luật pháp) đã bị bãi bỏ và việc thực hiện nó được coi là một sự phạm tội. Tuy nhiên, bất chấp các quy định về hình phạt nhằm ngăn chặn hành vi đối xử tàn bạo với những đẳng cấp thiệt thòi, sự phân biệt đối xử với người tiện dân vẫn đang thịnh hành ở Ấn Độ. Những lời lăng mạ, sỉ nhục, đối xử vô nhân đạo và sự tàn bạo chống lại những người tiện dẫn vẫn không hề giảm. Chỉ trong thập niên đầu của thế kỷ XXI, những người bị tra tấn và bị giết chết tàn bạo tại Kanchikacherla của bang Andhra Pradesh là 60 người, tại Belchi của bang Bihar là 70 người, tại Karamchedu của bang Andhra Pradhesh là 80 người, và tại Tsundur của Andhra Pradesh là 90 người. Và những sự ngược đãi khác được ghi nhận bởi Ủy ban Quốc gia về vấn đề những đẳng cấp chịu thiệt thòi là một bằng chứng hiện hành về cách đối xử vô nhân đạo và tàn ác đối với những người tiện dân. Ủy ban Tư pháp Punnaiah của bang Andhra Pradesh chứng minh rõ ràng rằng vấn đề tiện dân và phân biệt đẳng cấp là một thực tế và sự phổ biến tràn lan theo hình thức này hay hình thức kia là một sự thật không thể chối cãi.

Tiến sĩ Ambedkar cho rằng những người tiện dân là một yếu tố đặc biệt trong đời sống quốc gia của Ấn Độ. Biện pháp cho việc bầu cử riêng và định cư riêng là cần thiết đối với những người tiện dân. Sau khi Ambedkar trở thành một người nghiên cứu nhiệt thành văn học Phật giáo, ông thấy rằng Đức Phật thực sự là người đã thể hiện nhiều sự cảm thông đối với quần chúng và có một cái nhìn bao quát về đời sống. Do đó sau Ambedkar, nhiều nhà lãnh đạo khác cũng đã cải đạo sang Phật giáo. Và việc cải đạo tập thể được tổ chức thường xuyên ở một số nơi ở Ấn Độ. 

Chính nhờ nỗ lực và tầm nhìn của Ambedkar mà sự phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ và sự phát triển kinh tế-xã hội nơi những người bị ruồng bỏ ở Ấn Độ đã tiến lên một nấc mới. Dân số Phật giáo ở Ấn Độ chỉ có 600 ngàn người theo điều tra vào năm 1956 đã tăng lên 8 triệu người theo điều tra vào năm 2001. Theo quan điểm của Ambedkar, trụ cột chính của phát triển kinh tế-xã hội nơi bất kỳ xã hội nào là giáo dục, điều đã được nói nơi bài viết này. Tỷ lệ biết đọc của những người tiện dân dần được cải thiện. Chỉ 18.3% có thể đọc viết theo điều tra năm 1951 đã tăng lên 56.2% theo điều tra năm 2001. Tất cả sự việc và số liệu ấy nói lên rằng sự hồi sinh của Phật giáo và sự phát triển kinh tế-xã hội của tầng lớp tiện dân sẽ không xảy ra nêu không có Tiến sĩ Ambedkar.

Nguồn: www.undv.org

Tài liệu tham khảo:

Ahir, D. C., Buddhism in Modern India, Bhikkhu Nivas Prakashan, Nagpur, 1972, p. 27:28.

Bapet, P. V. (Ed.), 2500 years of Buddhism, Publication Division Government of India, New Delhi, 1956. Forward, p. V.

Beteille, Andre, The Backward Classes in Contemporary India, Delhi: Oxford University Press, 1992.

Das, B., Revival of Buddhism in India and Role of Dr. Baba Saheb B. R. Ambedkar, Dalit Today Prakshan, Lucknow, 1998, p. 36.

Dr. Ambedkar, Web Pages: http//www.ambedkar.org.20/2/2011

Freeman, J.M., Untouchable: An Indian Life History, London: George Allen and Unwin. 1965.

Government of Maharashtra, Dr. Baba Saheb Ambedkar’s writing and speeches, vol. 5, 1989.

Mendelsohn, Marika Vicziany. The Untouchables Subordination, Poverty and the State in Modern India, Cambridge University Press, 2000.

Nanchariah, G., Land and Caste, Himalaya publishing, Bombay, 1988.

Sriniwas, M.N. (ed) . Caste: Its Twentieth Century Awatar. New Delhi, Viking, 1996.

Wikipedia website, http://en.wikipedia.org/wiki/Scheduled_castes_and_scheduled_tribes. 20/2/11

www.censusindia.gov.in .20/2/11

www.populationcommission.nic.in.20/2/11

Zelliot, Elenor, From Untouchables to Dalit: Essays on The Ambedkar Movements, New Delhi: Manohar, 1996.


 

[1] Giáo sư trợ giảng, Trung tâm Nghiên cứu Phật học, Đại học Mahatma Gandhi Antarrashtriya Hindi Vishwavidyalaya (M.G.A.H.V.), Wardha, Maharashtra, Ấn Độ.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle