Bồ-tát Quán Thế Âm trong tranh kiểng Nam Bộ

bo tat quan the am

BỒ-TÁT QUÁN THẾ ÂM TRONG TRANH KIẾNG NAM BỘ

 

Bồ-tát Quán Thế Âm (Phạn: Avalokitesvara, phổ biến gọi là Quan Âm Bồ-tát) còn gọi là Quán Tự Tại Bồ-tát, Quán Thế Tự Tại Bồ-tát, Quán Thế Âm Tự Tại Bồ-tát, Hiện Âm Thanh Bồ-tát, Tầm Thanh Bồ-tát,... và đặc biệt phổ biến là danh hiệu “Đại từ Đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ-tát”. Đây là vị Bồ-tát lấy lòng từ bi cứu giúp chúng sinh làm bản nguyện: Hễ chúng sinh gặp nạn khổ mà niệm tụng danh hiệu của Ngài tức thời Ngài liền quán sát âm thanh cầu cứu mà đến cứu giúp nên được gọi là Bồ-tát Quán Thế Âm. Mặt khác, lại do thông đạt tự tại đối với cảnh lý sự vô ngại nên được gọi là Bồ-tát Quán Tự Tại.

Tín ngưỡng thờ Bồ-tát theo Phật giáo truyền vào nước ta trở nên phổ biến đến nỗi bất cứ đền, chùa, miếu nào chúng ta đều có thể thắp nhang cầu khấn vị Bồ-tát này cũng như hình thành nên trú xứ riêng cho vị Bồ-tát này - núi Hương Tích, ở miền Bắc Việt Nam (theo Phật thoại Bà Chúa Ba hay Quan Âm chùa Hương). Theo đó, vị Bồ-tát này cũng được đưa vào tác phẩm sân khấu nghệ thuật Quan Âm Thị Kính mà người Việt ta ai ai cũng biết.

Bên cạnh tín lý thờ Bồ-tát - vị Bồ-tát cứu khổ cứu nạn của Phật giáo nơi chùa tháp, chúng ta còn thấy người ta thờ Quan Âm như một vị nữ thần độ mạng cho nữ giới, gọi là mẹ độ trong hệ thống mẹ sinh mẹ độ thuộc tín ngưỡng dân gian, đặc biệt phổ biến ở Nam Bộ. Theo đó, Quan Âm là mẹ độ cho phụ nữ có tuổi thuộc can Mậu và Kỷ trong gia đình[1]. Như vậy, Bồ-tát Quán Thế Âm không chỉ là một trong các Bồ-tát của Phật giáo mà còn là vị Quan Âm nương nương trong tín ngưỡng dân gian. Hai tín lý này đã tích hợp vào chung một hình tượng Quán Thế Âm Bồ-tát.

Chính vì Quan Thế Âm là đối tượng tín ngưỡng đa dạng nên có rất nhiều dạng/loại tượng và tranh thờ phong phú. Còn ở tranh vẽ trên kiếng, phổ biến trong dân gian chỉ gồm hai loại chính: Quan Âm ngồi và Quan Âm đứng được dân gian cho là Quan Âm Thị Kính. Tuy nhiên cách hiểu này là không đúng.

Tranh kiếng vẽ Bồ-tát Quán Thế Âm chiếm tỷ lệ lớn với đủ các dạng thị hiện của vị Bồ-tát cứu khổ cứu nạn này. Người nghệ nhân thể hiện Ngài dưới hình tượng một người nữ, trang phục là lượt, mang chuỗi ngọc, đầu đội bảo quan, trên bảo quan là tượng Phật A Di Đà ngồi, có đầu quang; đứng chầu hai bên là Thiện Tài Đồng Tử, Long Nữ; bên trên là chim két ngậm chuỗi anh lạc. Nhưng nếu để phân loại thì chúng ta thấy có ba dạng chính sau:

1. Bồ-tát Quán Thế Âm ngồi xếp bằng trên đài sen có bệ, một tay cầm bát/bình, một tay bắt ấn khá giống tay nắm liên hoa trong Kim cang pháp Bồ-tát thủ ấn (thành thân hội): Quán Thế Âm Bồ-tát trong Kim Cang giới, tức Kim Cang Pháp Bồ-tát. Đây là thủ ấn của Kim Cang Pháp Bồ-tát trong Thành Thân hội của Kim Cang giới mạn-đà-la, tay trái nắm liên hoa, tay phải giữ một cánh hoa như thể mở ra. Ở đây, có chăng sự biến đổi trong hình tượng thủ ấn bởi các nghệ nhân tạo tác tranh kiếng nên ít nhiều không giống với quy phạm độ tượng học Phật giáo nghiêm nhặt? Hai bên là Thiện Tài Đồng Tử chấp tay đảnh lễ và Long Nữ nâng tịnh bình có cắm cành dương liễu.

Tương tự, trong kiểu thức này, hiếm gặp hơn là hình tượng vẽ Bồ-tát Quán Thế Âm hai tay bắt ấn thiền định, đặt ngửa hai bàn tay nâng bình/bát/lô hương, phía sau Quan Âm vẽ một cành hoa sen nâng tịnh bình cắm nhành dương liễu, hiếm hoi có vẽ thêm cành sen nữa bên kia cho chim két đậu cân xứng.

Ngoài ra, có tranh Quan Âm kết ấn hiệp chưởng thì còn thấy cả kiểu thức vẽ không người chầu lẫn chim két.

2. Quan Âm ngồi xếp bằng trên đài sen, trên nền sông nước, mây trời, với hậu cảnh là những đụn đất, bụi trúc một bên hay chỉ thuần một màu nền (xanh da trời, cam hoặc tráng thủy…) hoặc mây trời xanh trắng quyện với nhau; một tay nâng tịnh bình, một tay như nắm liên hoa/cầm cành dương liễu hay cả hai tay kết ấn hiệp chưởng, có hoặc không Thiện Tài Đồng Tử và Long Nữ đứng chầu trên đài sen hay cánh sen hồng bồng bềnh trên mặt nước và chim két tung cánh ngậm chuỗi anh lạc.

Đặc biệt ở dạng thức này, có tranh vẽ Quan Âm gồm cả đầu quang và bối quang hay kiểu thức vẽ nghiêng vị Quan Âm này với một tay ngửa trên lòng đùi và một tay như nắm liên hoa.

3. Quan Âm đứng một chân ngang, một chân dọc trên đài sen hay một chân trên gương sen này, một chân trên gương sen kia ở trên sông nước với hậu cảnh cũng là đồi núi nhấp nhô và lùm trúc ở một bên hay chỉ đơn thuần là sông nước hoặc mây trời. Quan Âm một tay nâng tịnh bình, một tay cầm cành dương liễu hay một tay nâng tịnh bình có cắm cành dương liễu và một tay như nắm liên hoa. Thiện Tài và Long Nữ cùng đứng hầu trên đài sen/cánh hoa/ hay Long Nữ đứng trên đài sen, Thiện Tài đứng trên lá sen hay chỉ duy nhất một mình Thiện Tài hoặc Long Nữ.

Trong tranh kiếng vẽ Quan Âm đứng dạng này còn có Quan Âm một tay cầm cành dương liễu, một tay trút bình nước cam lộ thành một dòng nước uốn lượn phổ biến hơn có Thiện Tài đứng bái trên dòng nước uốn lượn này và ít thấy hơn là tranh có cả Long Nữ đứng chầu. Hay duy chỉ một mình Quan Âm.

Nói chung, Quan Âm trong tranh kiếng áp dụng mọi kiểu thức thuộc đồ tượng học Phật giáo trong tranh giấy, có ít nhiều tranh cãi có phần tùy tiện. Mặt khác, do nhu cầu đa tạp của tín ngưỡng dân gian nên đồ án Quan Thế Âm-Thiện Tài, Long Nữ thường được tích hợp với chư vị thần thánh khác:

1/ Quan Âm nương nương, Địa mẫu nương nương và Cửu Thiên nương nương.

2/ Quan Âm, Quan Thánh Đế Quân, Cửu Thiên Huyền Nữ.

...

Nói chung, những bộ tranh này gộp nhiều đối tượng thờ tự vào một tranh là do yêu cầu thờ tự của từng tín đồ/từng gia đình.

Nói tóm lại, Quan Thế Âm là đối tượng có nhiều công năng diệu dụng khác nhau nên rất được sùng tín. Chính vì điều này nên tranh kiếng vẽ Quan Âm là một đại tập thành phong phú cả về đề tài, dạng thức-hình tướng và phong cách-kỹ pháp nghệ thuật.

* Quan Âm Nam Hải

Quan Âm Nam Hải là đề tài có phần hiếm hoi hơn trong tranh kiếng Nam Bộ, song đây là loại tranh có nhiều dụng công trong tạo hình nghệ thuật. Hình tượng phổ biến là Quan Âm Nam Hải một tay cầm cành dương liễu/tay như nắm liên hoa, một tay trút bình nước cam lồ cưỡi rồng trên muôn trùng sóng cuộn, được cho đó là hình tượng Quan Âm Nam Hải thị hiện trên sóng nước để cứu người đi biển gặp phong ba, bão tố.

* Chuẩn Đề Bồ-tát

Một trong các thể loại đặc sắc nhất của tranh kiếng Quan Âm là tranh vẽ Chuẩn Đề Bồ-tát thường được công chúng gọi là Quan Âm Chuẩn Đề. Chuẩn Đề Bồ-tát (Phạn: Cundhi) còn gọi là Chuẩn Đề Phật mẫu, Tôn Na Phật mẫu, Thất Câu Đề Phật mẫu, là vị đại Bồ-tát có khả năng cảm ứng rất lớn, đặc biệt thương yêu chúng sinh, sở hữu phúc đức, trí tuệ vô lượng, công đức vô biên; phù hộ chúng sinh thoát khỏi đau khổ tai họa, giúp họ gia tăng trí tuệ, tài lộc, tuổi thọ, chữa lành bệnh tật, thành tựu cho các ước nguyện của người tu hành... Mặt khác, việc thờ tự Quan Âm Chuẩn Đề trở nên phổ biến trong nhân gian có thể bắt nguồn từ tín niệm Lục Quán Âm, tức sáu hóa thân của Quan Âm giáo hóa lục đạo (thiên, A-tu-la, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục). Theo đó, Quan Âm Chuẩn Đề chuyên tránh giáo hóa loài người. Có tài liệu xác định rằng: Trong Phật giáo Nhật Bản, theo tông Thai Mật thì Bất Không Quyến Sách Quán Âm giáo hóa đạo nhân gian mà tông Đông Mật thay thế Bất Không Quyến Sách bằng Chuẩn Đề Quán Âm [2].

Tranh kiếng vẽ Chuẩn Đề Quan Âm gồm 18 cánh tay và ba mắt, ngồi kiết già trên tòa sen/tòa sen có bệ, cổ tay đeo những vòng xoắn ốc trắng, tay kết ấn thuyết pháp, ấn thí vô úy, ấn đại kim cương luân, các tay còn lại đều cầm pháp khí lần lượt là kiếm, tràng hạt, quả lựu, rìu, móc câu, chùy kim cương, tràng hoa, lọng như ý, hoa sen, bình tắm, thòng lọng, pháp luân, vỏ ốc, bảo bình, kinh Bát-nhã Ba-la-mật... Hình tượng vị Chuẩn Đề này tạo ra một hình ảnh trực quan đầy uy linh, đậm sắc thái quyền năng siêu việt khế hợp với những công năng diệu dụng nói trên đã củng cố niềm tin được bảo bọc cho người thờ tự. Nói chung, hình tượng Chuẩn Đề này đẹp về mặt mỹ thuật - một vẻ đẹp thiêng liêng và huyền bí.

* Diện Nhiên Đại Sĩ

Ngoài Chuẩn Đề, một trong những hóa thân quan trọng khác của Bồ-tát Quán Thế Âm là Diện Nhiên Đại Sĩ (Diện Nhiên Vương Bồ-tát, Diện Nhiên Diệm Khẩu Quỷ Vương) tức Tiêu Diện Đại Sĩ (thường gọi là Ông Tiêu), thống lĩnh ngạ quỷ ở cõi âm. Theo đồ tượng học Phật giáo, Diện Nhiên Đại Sĩ là vị Bồ-tát mang quỷ hình chuyên hàng phục quỷ yêu, cứu độ chúng sinh; mặt nám, đầu đội tam sơn, mặt thú, tai lừa, tay cầm cờ lệnh trong rất dữ tợn ở dạng phẫn nộ tướng mà dân gian còn gọi là Ông Tiêu. Nhưng trong tranh kiếng vẽ Diện Nhiên Đại Sĩ với quỷ hình, mang phong đai, cầm cờ phướn đầu rồng, hai chân đứng trên hai đài sen, bay trên trời mây lại rất giống với hình tướng A Thê Dựng (Phạn: Ashiyum) là Bồ-tát Quán Thế Âm hóa hiện thân tướng Phi Đằng Dạ Xoa Thiên Vương[3] để tuần sát cả bốn phương, tám hướng khuyến tấn chúng sinh bỏ ác làm thiện, tức cải tà quy chánh để tiến tu đạo nghiệp. Hình tướng Tiêu Diện Đại Sĩ thường thấy trong các tự viện, trong chùa, các lễ trai đàn thí thực/cúng cô hồn của cộng đồng còn tranh kiếng Diện Nhiên Đại Sĩ là tranh thờ của các trại/tiệm bán quan tài hay những cơ sở làm nghề mai táng. Đó là đặc điểm riêng của loại tranh này.

 

 

Trong thực tế lịch sử, tranh thờ vẽ trên kiếng đã một thời đắc dụng ở Nam Bộ. Theo đó, tranh kiếng Quán Thế Âm Bồ-tát cũng thịnh hành theo đà phát triển. Như đã trình bày trên, tranh kiếng thể hiện đề tài này là một tập thành phong phú, đa dạng về thể loại cũng như kỹ pháp tạo hình và phong cách mỹ thuật. Chúng chiếm một tỷ lệ quan trọng trong sưu tập tranh kiếng ở Nam Bộ.

HUỲNH THANH BÌNH

 

 

Chú thích hình:

Q1 đến Q6: Bồ-tát Quán Thế Âm

Q7: Quan Âm Nam Hải

Q8, Q9: Chuẩn Đề Bồ-tát

Q10: Diện Nhiên Đại Sĩ

 

Chú thích:



[1] Hệ thống thần độ mạng:

* Hệ thống thần độ mạng nữ giới

- Các tuổi Giáp và Ất thờ Cửu Thiên Huyền nữ.

- Các tuổi Bính và Đinh thờ Chúa Ngọc nương nương.

- Các tuổi Canh và Thân thờ Chúa Tiên nương nương.

- Các tuổi Mậu và Kỷ thờ Quan Âm Bồ-tát.

(…)

[2] Xem:

- Thích Minh Cảnh (chủ biên). Từ điển Phật học Huệ Quang, Tập 2: C-CH-D, tr.466.

- Thích Minh Cảnh (chủ biên). Từ điển Phật học Huệ Quang, Tập 5: L-M-N-NG, tr.3883.

[3] Xem kinh Đà-la-ni xuất tượng, PL.2542, ngài Phi Đằng Dạ Xoa Thiên Vương.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle