Khái niệm Hòa bình theo Phật giáo: Lý luận và Thực tiễn

khai niem hòa binh

Khái niệm Hòa bình theo Phật giáo: Lý luận và Thực tiễn

Rajitha P. Kumara* - Nguyễn Quang Huy dịch

Lời giới thiệu

Từ quan điểm chủ quan hay khách quan, sự an lạc của con người là nhu cầu cơ bản của xã hội loài người. Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, các tổ chức và thể chế xã hội khác nhau đã xuất hiện với mục tiêu duy trì sự sống của nhân loại trong tinh thần hòa hợp. Nhiều đóng góp đã được thực hiện nhằm củng cố và phát triển thêm phúc lợi cho xã hội loài người. Tuy nhiên, kỷ nguyên hiện đại với sự phát triển nhanh chóng đang phải đối mặt với nhiều thách thức như ô nhiễm môi trường, các vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe, tăng trưởng dân số, tình trạng khan hiếm thực phẩm và nơi ăn chốn ở và đặc biệt là những vấn đề con người trực tiếp tạo ra liên quan đến hòa bình và sự cộng sinh của nhân loại. Kết quả là, các mặt thể chất, xã hội, trí tuệ và tinh thần của con người đã bị ảnh hưởng và tổn thương nghiêm trọng. Giáo lý Phật giáo nhấn mạnh rằng hòa bình phụ thuộc vào tình trạng thể chất, xã hội, tinh thần và trí tuệ của các cá nhân sống trong xã hội đó[1]. Trên tinh thần này, giáo lý này nhấn mạnh trạng thái hòa hợp, tình thân hữu, sự an bình và tĩnh lặng, cũng như việc thoát khỏi nạn chiến tranh và bạo lực.

Nền tảng này đã bị ảnh hưởng rất nhiều trong thời gian gần đây và hệ quả là quan điểm về vật chất đã xuất hiện trong nhận thức xã hội của con người về môi trường, xã hội và các cá thể khác cùng tồn tại trong xã hội. Các thảm họa ở nhiều khía cạnh khác nhau do con người tạo ra đã xuất hiện, trong đó chiến tranh là mối đe dọa đáng sợ nhất[2]. Nó đẩy loài người vào những cuộc chiến không mong muốn ở nhiều cấp độ khác nhau như cuộc chiến giữa hai nhóm thù nghịch, giữa các nhóm dân tộc khác nhau sinh sống trong vùng lãnh thổ khác nhau hoặc cuộc chiến tranh tàn phá giữa hai quốc gia. Có vẻ như việc các cường quốc thực hiện chiến tranh dưới chiêu bài mang lại hòa bình cho các nước bị coi là đang bị đặt dưới ách cai trị của một chế độ chuyên quyền và độc tài, nhằm duy trì hòa bình, hòa hợp cho các nước đó đã và đang trở nên một hiện tượng phổ biến trong những năm gần đây[3].

Các cuộc chiến đã được khoác lên mình một mặt nạ nhân tính thông qua các mỹ từ như “nỗ lực nhân đạo”, “sự can thiệp ngoại giao”, “lực lượng gìn giữ hòa bình”, “trừng phạt kinh tế”, v.v. mà cuối cùng kết thúc đều bằng việc sử dụng vũ lực để mang lại hòa bình[4]. Mặc dù các công cụ này có thể tránh được ở một mức độ nhất định các cuộc chiến tranh giữa các quốc gia và các vùng lãnh thổ gây thiệt hại sinh mạng, nhưng không thể khắc phục hay cung cấp được các giải pháp cho các vấn đề quan trọng và cơ bản của các dân tộc, các quốc gia hay lực lượng tham gianội chiến trong các quốc gia[5].

Do đó, theo quan điểm Phật giáo[6], để có thể đạt được mục tiêu hòa hợp và hòa bình, quan trọng nhất vẫn là việc xác định và kiểm tra một cách khách quan, công bằng và trung thực những nguyên nhân dẫn đến chiến tranh giữa các quốc gia hoặc hoặc vùng lãnh thổ. Trong thế giới hiện đại, chiến tranh có thể diễn ra trên nhiều phương diện. Ví dụ, việc hai nước trực tiếp tham chiến do đổ vỡ quan hệ ngoại giao hay tiến hành chiến tranh lạnh không còn là một hiện tượng phổ biến. Chúng ta đã có thể tránh được điều này và đó là một điều duy nhất mà nhân loại có thể tự hào về thế giới văn minh này. Tuy nhiên, những gì diễn ra ở một số quốc gia, đặc biệt là ở một số nước châu Á và Trung Đông, nơi vẫn diễn ra chiến tranh tàn khốc giữa các phe nhóm với sự bảo trợ của các cường quốc hùng mạnh[7], thì không thể nào khiến chúng ta yên lòng.

Thực tế khắc nghiệt và sự thật cay đắng

Điều đáng nhấn mạnh là chiến tranh thì không đem lại lợi ích gì, đồng thời là mối đe dọa cho sự tồn tại căn bản của con người, và thậm chí phải mất rất nhiều thế hệ sau cũng khó có thể hàn gắn được những vết thương chiến tranh - điều mà người ta hay gọi tên là hậu quả và các xung đột thời hậu chiến[8]. Trong kỷ nguyên hiện đại, điều đáng tiếc nhất là dưới chiêu bài mang lại hòa bình và hỗ trợ cho người dân ở các nước bị xâm chiếm cuộc sống tốt đẹp hơn, người ta đã tiến hành các cuộc chiến tranh xâm lược mà kết quả thấy được chỉ là nhiều thập kỷ đã trôi qua nhưng ngày lại ngày, người dân ở đó vẫn đang phải trả giá bằng chính sinh mạng của mình và không có điều gì tốt đẹp hơn được xây dựng ngoài tình trạng bạo lực và tàn phá ở các quốc gia đó[9].Tình trạng này trên thực tế chỉ tạo thêm mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động buôn bán vũ khí, ma túy, sự hình thành các nhóm cực đoan và các tổ chúc khủng bố ngày càng gia tăng[10].Chính quyền đã được thiết lập tại các quốc gia này thì không gì khác hơn một sự thất bại hoàn toàn[11]. Đây chính là một thực tế khắc nghiệt và một sự thật vô cùng cay đắng. Một tình huống đáng báo động khác là tình trạng này đang có xu hướng dần lan sang các nước khác dưới những cái tên rất hay như các biện pháp khắc phục hậu quả sau chiến tranh, bảo vệ quyền con người, phổ biến vũ khí và vũ khí hóa học, v.v. Xét từ quan điểm lịch sử, rõ ràng là con người đang trong quá trình tiến hóa nhưng có vẻ như các quốc gia giàu có cố gắng đẩy lùi tiến trình này theo hướng ngược lại và kết quả chắc chắn là sự hủy diệt hàng loạt.

Thay đổi tư tưởng và xác định các vấn đề cơ bản

Trên quan điểm Phật giáo, nếu không giải quyết được các vấn đề căn bản của nhân loại thì không thể có được hòa bình trên trái đất[12]. Khi cần phải kiến tạo hòa bình thì việc duy trì một mối quan hệ tốt đẹp giữa các nhóm dân tộc thiểu số khác nhau hay việc tạo ra một sự thống nhất trong đa dạng giữa các tôn giáo, nền văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau chỉ có thể thực hiện được khi có sự thay đổi về tư tưởng[13]. Sự thay đổi tư tưởng cần nói đến ở đây là sự tôn trọng những khác biệt về văn hóa, chính trị, sắc tộc tại các quốc gia khác hay giữa các quốc gia với nhau. Một thực tế quan trọng khác là thay vì kích động các dân tộc thiểu số về quyền của họ, về sự bất công, về việc phân giới cắm mốc, v.v., các biện pháp khắc phục hậu quả cần được tiến hành thông qua việc nâng cao năng lực cho họ, hoặc tiến hành các đóng góp trên nhiều phương diện khác nhau nhằm giúp họ tham gia vào các công việc quốc gia[14]. Trên phương diện này, khái niệm hiện đại về thế giới là ngôi làng chung trở nên rất quan trọng cho dù khái niệm này đã từng được sử dụng cho các mục đích khác.

Một điều quan trọng khác là các cơ quan quản lý nên có một thái độ cởi mở hơn về việc này. Họ chính là những người cần phải thể hiện sự thay đổi quyết liệt bằng cách xây dựng những luật lệ khiến không cho thế lực nào có thể đưa ra được những quyết định cực đoan, và định kiến chống lại người khác[15]. Một trong những những vấn đề thách thức mà thế giới hiện đại đang phải đối mặt là chủ nghĩa cực đoan về tôn giáo, văn hóa, kinh tế chính trị đang được thực thi bởi các chế độ, các nhóm dân tộc thiểu số và một số các quốc gia giàu có trên thế giới. Điều này đã dẫn đến việc hình thành các tư tưởng chia rẽ, xung đột, sử dụng bạo lực giữa những người dân bình thường, tạo ra nguy cơ đe dọa cho sự cùng tồn tại và hòa hợp giữa mọi người trong xã hội. Có một thực tế rõ ràng rằng việc sử dụng chiến tranh để mang lại hòa bình cho những nơi mà ít nhất mà đã từng có hòa bình ở một mức độ nào đó giờ đây đã trở thành một chuyện bình thường được chấp nhận.

Bản chất của hòa bình theo quan điểm Phật giáo

Nếu một quốc gia có những vấn đề về nội bộ liên quan đến việc vi phạm nhân quyền hay nội chiến, quan điểm của nhà Phật[16] là các quốc gia khác có thể tạo ra những nền tảng cần thiết trợ giúp cho việc thay đổi tư tưởng hay cách nhìn nhận về việc này từ cấp cao nhất cho đến cấp thấp nhất. Phật giáo kịch liệt lên án những can thiệp ngoại giao mang tính chất dối trá, thiên lệch nghiêng hẳn về một phía, làm gia tăng tình trạng bạo lực và rối loạn xã hội khiến các thế lực khác có thể lợi dụng các tình huống thảm khốc này để gây ra thêm hậu quả nặng nề với cái giá phải trả là sinh mạng của rất nhiều người[17]. Quan điểm Phật giáo cho rằng sau khi tạo ra một chốn hoang tàn đổ nát, người ta không thể gọi đó là hòa bình được, bởi vì hòa bình được định nghĩa là không có sự bất hòa[18] trong bối cảnh có sự khác biệt về văn hóa, kinh tế, chính trị và xã hội. Do đó, bản chất của sự hòa hợp và hòa bình không có gì khác hơn là sự đồng tồn tại của những sự khác biệt. Quan điểm thông thường cho rằng hòa bình đạt được bằng cách đánh bại một đối thủ là hoàn toàn trái với quan điểm nhà Phật bởi vì Phật giáo luôn nhấn mạnh rằng không có ai thực sự là kẻ chiến thắng trong chiến tranh[19]. Triết lý căn bản của Phật giáo là không thể dùng hận thù để diệt hận thù[20]. Điều nhân loại đã chứng kiến trong kỷ nguyên hiện đại là sau khi hận thù và bạo lực đã được tạo ra ở một số nước nhân danh cái gọi là hòa bình bởi các quốc gia giàu có, thì chính hòa bình và đời sống hòa hợp ở những quốc gia đó đã trở thành một điều không tưởng.

Tạo ra sự bình đẳng giữa mọi người ở các giai tầng khác nhau trong xã hội là điều hoàn toàn có thể thực hiện được nhờ sự thay đổi trong cách suy nghĩ.[21] Bình đẳng không có nghĩa là tất cả mọi người đều có một vị trí như nhau và hưởng mọi thứ giống nhau. Bình đẳng là sự thay đổi thái độ của những người đang nắm giữ quyền lực, và thế lực kinh tế.[22] Sẽ là vô nghĩa khi thuyết giảng cho những người dân thường về tầm quan trọng của hòa bình, hòa hợp và sự bình đẳng trong khi giới giàu có và quyền lực trong xã hội lại đang ấp ủ những âm mưu và động cơ đen tối thông qua các chương trình nghị sự nào đó.

Mặc dù sự thật là ở một số chế độ có những vấn đề về vi phạm nhân quyền, bạo lực, áp chế tự do ngôn luận, v.v., nhưng các giải pháp đúng đắn không được đưa ra để đối phó với các vấn đề như vậy, thay vào đó, toàn bộ nền văn hóa, chính trị và kinh tế xã hội của các quốc gia đã bị tổn hại nặng nề dưới chiêu bài hòa bình.

Theo triết lý nhà Phật, sự ổn định về kinh tế, chính trị và xã hội có thể đạt được nếu tính đạo đức và sự tôn trọng công lý trong việc đưa ra và thực thi các quyết định[23] được đề cao theo tinh thần giáo pháp nhà Phật. Tất cả điều này cần phải được thực hiện vì lợi ích chung của cộng đồng dân cư sống tại quốc gia đó, và người ngoài được quyền đóng góp, song không được can thiệp quá mức vào các vấn đề nội bộ của quốc gia. Các cuộc xung đột nội bộ hỗn loạn ở một số nước đã cho thấy rằng sự can thiệp trực tiếp với động cơ và mục tiêu đầy mưu đồ đã đẩy đất nước đó dấn sâu hơn vào tình trạng bất ổn chính trị và bạo lực lan tràn[24]. Giáo pháp nhà Phật về Thập thiện và Bảy điều kiện tạo ra hạnh phúc đã xác định các biện pháp kinh tế, xã hội, luật pháp và đạo đức cần được thực thi để dẫn dắt một đất nước tới hòa bình và hòa hợp[25]. Mặt khác, các bản kinh như kinh Cửu-la-đàn-đầu, Chuyển luân vương, Madhura, v.v. cho thấy rõ các biện pháp cần phải được thực hiện để duy trì luật pháp và trật tự trong một đất nước bị tàn phá bởi nghèo đói và bạo lực. Trách nhiệm chính trị, kinh tế và xã hội được nhấn mạnh trong nhiều bản kinh Pāli và kinh Bổn sinh (Jataka). Tầm quan trọng của việc hòa giải giữa các nhóm mâu thuẫn và chia rẽ đã được đề cao trong kinh Yodhajiva (Người dũng sĩ) thuộc Tương ưng bộ (Samyutta-nikāya)[26].

Kết luận

Theo học thuyết về chính trị của nhà Phật, các bước cần thực hiện để làm nhụt chí các thế lực hiếu chiến ở một quốc gia để có thể duy trì được một môi trường hòa bình và hòa hợp cần phải mang tính đa dạng và tương hỗ lẫn nhau xét trên cả mặt lý thuyết và thực tiễn.

Những biện pháp này sẽ dẫn đến những thay đổi nơi thái độ của con người trong khi nhận thức xã hội của họ trở nên sâu rộng hơn[27].

Từ đó, sự thay đổi thái độ dần dần sẽ diễn ra, tạo nên các nền tảng cốt lõi để xây đắp nền hòa bình bền vững cho một đất nước. Như vậy, có thể kết luận rằng các yếu tố:

- Tôn trọng đạo đức

- Thay đổi thái độ,

- Mở rộng nhận thức xã hội, và

- Xây dựng lý tưởng cao đẹp hơn

là những yếu tố căn bản được tìm thấy trong giáo lý Phật giáo trên cả phương diệnlý thuyết và thực tiễn. Để đạt được các mục tiêu này, cần phải tôn trọng quyền tự quyết, không lợi dụng lấy việc giải quyết mâu thuẫn, chia sẻ quyền lực để làm sâu sắc hơn sự chia rẽ và xung đột, không ủng hộ việc xây dựng các giai cấp đặc quyền trong một quốc gia để thực thi các chương trình nghị sự đầy mưu toan, v.v., những nội dung cũng được coi là hết sức cốt lõi, được chấp nhận và đánh giá cao trong giáo lý Phật giáo[28]. Về căn bản, nhìn chung, tư tưởng Phật giáo ủng hộ:

- Sự an toàn thân thể (không bị bạo lực đe dọa để có được sự tiến bộ)

- Xã hội bình yên (tôn trọng sự thống nhất trong đa dạng)

- Trí tuệ minh mẫn (an ninh trong các vấn đề kinh tế, pháp luật và trật tự) và

- Sự an lạc về tinh thần (tôn trọng thực hành tôn giáo và văn hóa).

Đây là những nền tảng về hòa bình và hòa hợp đã đươc nhấn mạnh trong giáo pháp nhà Phật. Trạng thái cao nhất của hòa bình chính là sự an lạc về tinh thần trong khi sự bình an về thân thể là cơ sở để đạt được điều này. Thân thể bình an chính là trạng thái không bệnh tật và không bạo lực. Mặt khác, sự an lạc về tinh thần chính là một khía cạnh khác của hòa bình xác định khả năng của một người trong việc phân biệt đúng sai và không thiên lệch. Do đó, người ta nên tránh tất cả các loại hành vi gây hại đến sự gìn giữ cho tâm thái một trạng thái bình tĩnh và yên ả.

Xã hội bình an là khía cạnh thực tế nhất trong các khái niệm của Phật giáo về hòa bình. Khái niệm này nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì trạng thái hòa hợp và thân thiện trong xã hội và không cho phép bất kỳ loại bạo lực hay chiến tranh nào xuất hiện giữa các phe phái khác nhau. Để đạt được và duy trì được sự hòa hợp và thân thiện, cần có sự thống nhất về mục tiêu, ý tưởng, cảm xúc, v.v. Tinh thần là yếu tố tốt nhất để định hướng những người dân thường đến một mục tiêu chung cao cả nhất. Thách thức đối với hòa bình xuất hiện khi có sự cạnh tranh giữa con người để tranh giành của cải, kho báu, các mối quan hệ và hạnh phúc.

Giáo lý nhà Phật đề cao thái độ khách quan đối với hòa bình và hòa hợp so với các phương pháp chủ quan mang đầy tính mưu đồ có khả năng làm cho tình hình chính trị và bạo lực ở một quốc gia trở nên căng thẳng hơn. Bốn khía cạnh của hòa bình dựa trên cơ sở khách quan sẽ không cho phép thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại một quốc gia vì nó trực tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu cơ bản của con người như thực phẩm, y tế, nhà ở và các vấn đề khác. Theo giáo lý nhà Phật, điều này được coi là một phương thức phi đạo đức và vô nhân tính mà chỉ những kẻ thiếu văn minh mới tiến hành đối với người dân ở một quốc gia.

* (B.A. M.A. M.Phil., PhD-Renmin), Giảng viên cao cấp, Khoa Ngôn ngữ Pāli & Phật giáo, Đại học Kelaniya, Sri Lanka.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Dhammadassi Thero, naimbala, Phật pháp và thế giới hiện đại, NXB.Turbo (Turbo publicity Service), Sri lanka, 2008

Elizaberth J. Hariss., Bạo lực và bất ổn trong xã hội, Hội Xuất bản Pháp Luân, Kandy, 1994.

Từ điển Bách khoa toàn thư Phật học, trích dẫn số 3, Bộ các vấn đề Phật giáo, Sri Lanka, 1995.

Tạp chí Kinh Tế, Bộ Xuất bản Ngân hàng Nhân dân, tháng 6-2011.

Karunarathne W.S., Các luận trong Phật pháp, NXB.Samaranayaka, Colombo, 1993.

Kelly Siegel “Can thiệp của LHQ vào các cuộc nội chiến và việc phục hồi kinh tế hậu khủng hoảng”, luận văn tốt nghiệp đại học.

Leon Feer, Rhys Davids, Tương ưng bộ, tập IV, Pāli Text Society, London, 1975, p.308.

Malalasekara, G.P, Phát biểu của Chủ tịch Giáo hội nhân dịp Đại hội Phật giáo lần thứ 32, Dia’s Printing Works, Ratnapura, 1952.

Narada Thera, Kinh Pháp cú, Colombo, 1972.

Tenckner, Robert Chalmers V., Trung bộ, tập II, Pāli Text Society, Oxford.

 



[1] Narada Thera, kinh Pháp cú, Colombo, 1972, tr.177.

[2] Elizaberth J. Hariss., Bạo lực và rạn nứt trong xã hội, Hội Xuất bản Pháp Luân (Wheel Publication Society), Kandy, 1994, tr.2.

[3] Patrick M. Regan AysegulAydin, “Ngoại giao và các hình thức can thiệp trong các cuộc nội chiến” <http://sobek.colorado.edu/~aydin/webpage/duration.pdf>

[4] Nguồn đã dẫn.

[5] Nguồn đã dẫn.

[6] Từ điển Bách khoa toàn thư Phật giáo, trích dẫn số.3, Bộ Các vấn đề Phật giáo, Sri Lanka, 1995, tr.4-8.

[7] Patrick M. Regan AysegulAydin, “Ngoại giao và các Hình thức Can thiệp trong các cuộc Nội chiến” <http://sobek.colorado.edu/~aydin/webpage/ duration.pdf>

[8] Tạp chí Kinh Tế (Economic Review), Cục Xuất bản Ngân hàng Nhân dân (People’s Bank Printing Service Dept.), số tháng 6, 7 năm 2011, tr.4-5.

[9] “Cách mạng, nội chiến và Tuyên bố về sự can thiệp đế quốc tại Syria”, MareaSocialista ,>1. IV Tạp chí mạng>IV464 – số tháng 9. 2013, thứ tư 18 September 2013.

[10] Seumas Milne, The Guardian, thứ Ba, 5 tháng 6 năm 2012.

[11] Như trên, “Sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ sẽ chỉ làm nặng nề thêm thảm kịch này ở mức độ dã man cũng như khả năng chắc chắn gây bùng nổ khu vực mà nếu xảy ra hậu quả là khôn lường”.

[12] Từ điển Bách khoa Phật giáo, trích dẫn số.3, Bộ Các vấn đề Phật giáo, Sri Lanka, 1995, tr.10.

[13] Tenckner, Robert Chalmers V., Majihima Nikāya, tập II, Hội Kinh điển Pāli , Oxford, 1991, tr. 86-88.

[14] Từ điển Bách khoa Phật giáo, trích dẫn số.3, Bộ Các vấn đề Phật giáo, Sri Lanka, 1995, tr.18-20.

[15] Karunarathne W.S., Tiểu luận Phật pháp, Nhà xuất bản Samaranayaka, Colombo, 1993.

[16] Malalasekara, G.P, Bài phát biểu của Chủ tịch trong phiên họp thường niên lần thứ 32 của Giáo hội Phật giáo, Dia’s Printing Works, Ratnapura, 1952.

[17] Elizaberth J. Hariss., Bạo lực và rạn nứt trong xã hội, Hội Xuất bản Pháp Luân (Wheel Publication Society), Kandy, 1994, tr.13-15.

 

[18] Karunarathne W.S., Buddhist Essays, Samaranayaka Publication, Colombo, 1993, tr.24-26.

[19] Narada Thera, Kinh Pháp cú, Colombo, 1972.

[20] Sđd.

[21] Từ điển Bách khoa Phật giáo, trích dẫn số.3, Bộ Các vấn đề Phật giáo, Sri Lanka, 1995, tr.25-27.

[22] Sđd.

[23] Sđd.

[24] Kelly Siegel “Sự can thiệp của LHQ vào các cuộc nội chiến và sự hồi phục kinh tế sau xung xung đột” Luận văn tốt nghiệp đại học, Đại học New York (NYU) 2010, tr.2-4.

[25] Từ điển Bách khoa Phật giáo, trích dẫn số 3, Bộ Các vấn đề Phật giáo, Sri Lanka, 1995, tr.4-5, 9.

[26]  Leon Feer, Rhys Davids, Tương ưng bộ, tập IV, Hội Kinh điển Pāli, London, 1975, tr.308.

[27] Dhammadassi Thero, naimbala, Phật pháp và thế giới hiện đại, Nhà xuất bản Turbo ( Turbo publicity Service), Sri lanka, 2008, tr.46-49.

[28] Từ điển Bách khoa Phật giáo, trích dẫn số 3, Bộ Các vấn đề Phật giáo, Sri Lanka, 1995, tr.1-10.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle