Vua Asoka và bốn bia ký liên quan đến Phật giáo

vua asoka

Vua Asoka và bốn bia ký liên quan đến Phật giáo

Thích Hồng Tánh

 

Dưới thời vua Asoka (A Dục) vào khoảng thế kỷ III trước Tây lịch, Phật giáo phát triển rực rỡ ở Ấn Độ và được truyền bá đến những nước khác. Cuộc đời và sự nghiệp chính trị của vua Asoka có những liên hệ nhất định đến Phật giáo. Các huấn lệnh được chính nhà vua cho khắc vào các bia ký hay trụ đá là minh chứng cho sự ảnh hưởng của Phật giáo đối với những chính sách cai trị đất nước của ông. Dưới thời của ông, Ấn Độ được thái bình thịnh trị; và ông được tôn xưng là Dhammasoka (Asoka Chánh pháp), do bởi đường lối cai tri đầy nhân bản và sự hộ trì Phật giáo của ông. “Ashoka là vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử nhân loại chủ trương tự thắng chính mình hơn chiến thắng người khác và dùng Pháp âm thay cho tiếng trống trận”[1].

Qua các chỉ dụ trên bia ký và trụ đá được tìm thấy, đã cho ta thấy được một phần chính sách cai trị của vua Asoka. Và có thể nói rằng, dấu mốc quan trọng đã làm thay đổi ông là cuộc chiến tại Kalinga. Từ đó sau cuộc chiến đó, Asoka từ một con người hiếu chiến, được biết đến với tên gọi Candasoka (Ashoka tàn bạo), đã trở thành một vị vua nhân từ với tôn hiệu Dhammasoka (Asoka Chánh pháp). “Ông tự hứa sẽ dùng đường lối cai trị theo lý tưởng Luân vương. Đó là dùng chính sách hòa bình để kiến thiết quốc gia, đem lại phồn vinh an lạc cho xã hội”[2].

Lịch sử Phật giáo đã ghi nhận sự đóng góp to lớn của vua Asoka trong việc hộ trì Chánh pháp, xiển dương đạo Phật. Ông là người đã bảo trợ kỳ kiết tập kinh điển lần thứ 3, đã phái chín phái đoàn truyền giáo ra nước ngoài để truyền bá Chánh pháp, cho xây dựng tháp thờ xá-lợi Phật trên khắp đất nước. Ông cũng cho dựng nhiều trụ đá và bia ký tại các thánh tích Phật giáo, và qua các bia ký này ta thấy được phần nào sự ảnh hưởng của Phật giáo vào cuộc đời của ông.

Bia ký Kalinga là minh chứng đầu tiên thể hiện sự ảnh hưởng của Chánh pháp vào cuộc đời vua Asoka. Bia ký này ghi: “Tám năm sau khi lên ngôi, đức Thánh thượng Priyadarsi, người con yêu của các thần linh, chinh phục xứ Kalinga... Sau khi chinh phục xứ Kalinga, người con yêu của các thần linh đã thực hành Chánh pháp, yêu quý Chánh pháp và giảng dạy Chánh pháp. Đức Thánh thượng cảm thấy hối tiếc việc chinh phục Kalinga vì đã gây ra cảnh tàn sát, chết chốc và đày ải khổ đau, đáng thương tâm cho dân chúng một xứ sở độc lập… Đức Thánh thượng cho rằng, chiến thắng cao cả nhất là chiến thắng lòng người bằng đạo đức nhân ái… Và dân chúng cần hiểu rằng chỉ có thu phục lòng người bằng đạo đức nhân ái mới là chiến thắng thật sự. Mong rằng tất cả dân chúng được hạnh phúc trong sự nỗ lực thực hành Chánh pháp”[3].

Nội dung được khắc trên bia ký này cho thấy, chính sự tàn khốc của cuộc chiến tại Kalinga đã khiến Asoka đại đế tỉnh ngộ. Sự tỉnh ngộ đến từ nỗi sợ hãi và ân hận về hậu quả nặng nề của cuộc chiến. Đúng như R.P.Mohapatra, nhà khảo cổ học người Ấn đã nhận xét: “Không có trận chiến nào trong lịch sử biên niên của nhân loại đã thay đổi trái tim của kẻ chiến thắng từ trái tim cố ý gây đau khổ cho người khác qua trái tim yêu thương tốt nhất như trận chiến Kalinga”[4]. Cũng từ đây, cuộc đời của vị đại đế với biệt danh Candasoka (Asoka bạo tàn) đã thay đổi hoàn toàn và trở thành vị minh quân với tôn hiệu Dhammasoka (Asoka Chánh pháp). Ông đã tuyên bố theo đuổi Chánh pháp và khuyến khích thực hành Chánh pháp, chủ trương thu phục lòng dân bằng đạo đức nhân ái, quyết định dùng Pháp âm thay tiếng trống trận[5], biến những cuộc dạo chơi săn bắn thành những cuộc du hành thuyết pháp và khuyến khích điều thiện,[6] qua đó đã mở ra một trang mới trong cuộc đời của nhà vua, với lý tưởng “Dầu thắng hàng vạn địch quân trên chiến trận cũng không bằng tự chiến thắng mình. Chiến thắng chính mình mới là chiến công oanh liệt nhất”[7]. Từ sau khi áp dụng Chánh pháp vào việc cai trị đất nước, ông được thần dân của mình tôn kính hơn. Đúng như lời Phật dạy: “Ai dùng các hạnh lành làm xóa mờ nghiệp ác, người ấy chói sáng cõi đời này, như ánh trăng thoát khỏi áng mây che”[8].

Thêm nữa, vua Asoka không chỉ áp dụng Chánh pháp vào đời sống và chính sách cai trị mà ông còn thân hành đến các thánh tích Phật giáo để thể hiện lòng tôn kính của ông đối với Đức Phật và Phật pháp. “Vua A Dục cũng tự thân hành thăm viếng và đảnh lễ các Phật tích, tại mỗi Phật tích, ông đều cho dựng trụ đá, trên mỗi trụ đá đều có khắc ghi lại sự tích để kỷ niệm…”[9]. Điều này thể hiện rõ nơi chỉ dụ khắc trên bia ký tại Lumbini (Lâm-tỳ-ni). Nội dung trên bia ký này là: “1. Hai mươi năm sau khi lên ngôi, vua Thiên Ái Thiện Kiến đích thân đến đảnh lễ nơi này bởi vì Đức Phật Thích Ca đã đản sinh tại đây. 2. Ngài hạ chỉ tạo dựng một tượng con thú (con ngựa) bằng đá và một trụ đá được đặt ở đây để đánh dấu nơi Đức Phật đã đản sinh. 3. Ngài hạ chỉ giảm thuế cho làng Lâm-tỳ-ni và chỉ đóng một phần tám sản lượng”[10].

Bia ký trên trụ đá tại Lumbini được tiến sĩ A.A.Fuhrer phát hiện vào năm 1896. Lumbini là khu vườn nổi tiếng, là nơi Đức Phật đản sinh. Vua Asoka đã để lại rất nhiều bia ký, nhưng chỉ riêng nơi đây đề cập đến vấn đề thuế và giảm thuế. Ngoài ra, bia ký còn nhắc đến hình tượng một con thú đặt trên trụ đá. Trong A Dục vương truyện có đề cập đến khu vườn Lâm-tỳ-ni, là nơi đầu tiên mà Upagupta (Ưu-ba-cúc-đa) hướng dẫn nhà vua đến chiêm bái trong chuyến hành hương của ông. Tại đây, Upagupta đã chỉ cho vua nơi hoàng hậu Mahamaya hạ sinh Thái tử Tất Đạt Đa. Nhà vua sau đó hạ chiếu cho xây một ngôi điện để thờ Thánh mẫu và hỷ cúng một trăm ngàn đồng tiền vàng.

Lumbini hiện là một trong bốn thánh tích nổi tiếng của Phật giáo, còn gọi là Tứ động tâm. Việc vua Asoka hành hương chiêm bái các thánh tích có lẽ thể hiện tinh thần được nêu ra trong kinh Đại bát Niết-bàn: “Này Ananda, có bốn Thánh tích, người thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính. Này Ananda, các thiện tín Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam nữ cư sĩ sẽ đến với niềm suy tư: Đây là chỗ Như Lai đản sanh, đây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác, đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng, đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn. Này Ananda, những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên[11].

Như chúng ta đã thấy, từ sau khi vua Asoka tuyên bố trở về với Chánh pháp, ông đã sống và thực hành lời Phật dạy, cai trị đất nước bằng chính sách nhân từ, và hẳn nhiên ông có niềm tin kính sâu sắc vào Tam bảo. Điều này được minh chứng qua nội dung được ghi trên trụ đá tại Bairat: “1. Vua Thiên Ái Thiện Kiến, nước Ma-kiệt-đà đảnh lễ Tăng-già, mong rằng các vị khỏe mạnh và an lạc. 2. Như các vị đã biết, thưa các Tôn giả, lòng tin bất thối và lòng kính trọng của trẫm đối với Phật, đối với Pháp, đối với Tăng. 3. Bất cứ điều gì, thưa các tôn giả, được tuyên thuyết từ Đấng Giác ngộ, tất cả điều ấy là thiện thuyết; 4. Thưa các Tôn giả, cho phép trẫm được nói rằng: điều mà trẫm tin tưởng sẽ đóng góp vào việc trường tồn của Chánh pháp. 5. Thưa các Tôn giả, những đoạn sau đây (được trích) từ Pháp: (i). Vinaya-samukasa, (ii). Alya-vasas, (iii). Anagata-bhayas, (iv). Muni-gasthas, (v). Moneya-suta, (vi). Upatisa-pasina, (vii). Laghulovada được Đức Phật tuyên thuyết (khi Ngài dạy) về việc nói dối. 6. Trẫm muốn rằng Tăng Ni trùng tụng, lắng nghe những đoạn này của Chánh pháp và rằng sẽ ảnh hưởng đến các vị. 7. Cùng một cách như vậy, hàng cư sĩ áo trắng nam và nữ cũng nên thực hành theo. 8. Vì mục đích đó, thưa các Tôn giả, trẫm hạ chỉ được viết ra để mọi người biết được bản ý của trẫm”[12].

Bia ký tại Bairat được tìm thấy vào năm 1840, do đội trưởng Burt phát hiện nằm trên một ngọn đồi kề bên thị trấn Bairat. Ngôn ngữ của bia ký là tiếng Prakit, chữ viết Brahmi. Bia ký cho biết vua Asoka đã đến nơi đây, thăm viếng và đảnh lễ chư Tăng, thể hiện sự tôn kính đối với Tăng-già và Chánh pháp. Nội dung trên bia ký cũng xác định tôn giáo mà nhà vua theo và ủng hộ chính là Phật giáo. Ông mong muốn Chánh pháp luôn được trường tồn, khẳng định niềm tin bất động của mình đối với Tam bảo.

Bia ký này được xem là một chỉ dụ riêng của nhà vua đối với với Tăng-già, chứ không phải nói chung cho thần dân. Bia ký còn cho biết Thiên Ái Thiện Kiến là vua nước Ma-kiệt-đà. Điểm nổi bật ở nơi bia ký này là đề cập đến tên một số bản kinh, trong đó ít nhất có bảy bài kinh được xem là quan trọng, và nhà vua khuyên Tăng-già và cư sĩ cần nên thực hành.

Vua Asoka cũng nỗ lực củng cố Tăng đoàn, với mong muốn Tăng đoàn hòa hợp và thanh tịnh. Điều này được thể hiện qua nội dung được ghi trên trụ đá tại Sarnath: “1. Thiên Ái… 2…Hoa Thị Thành… 3. Tăng-già không thể phân chia bởi bất cứ người nào. 4. Bất cứ Tỷ-kheo hay Tỷ-kheo-ni nào chia rẽ Tăng-già sẽ bị lột y (cho mặc đồ trắng) và đuổi ra khỏi tu viện (cho ở nơi không phải tu viện). 5. Sắc lệnh này nên được thông báo cho Tăng đoàn lẫn Ni đoàn. 6. Thiên Ái Thiện Kiến vương nói như thế. 7. Hãy để một bản sắc lệnh này trong văn phòng của Tăng-già và một bản nữa cho người cư sĩ áo trắng. 8. Những người cư sĩ áo trắng có thể đến đây vào ngày trưởng tịnh để được tăng trưởng tín tâm vào sắc lệnh này. Cũng vậy các vị ‘Tôn giáo quan’ (mahamatra) phải đến đây vào ngày trưởng tịnh để tăng tưởng tín tâm và để hiểu biết sắc lệnh này. 9. Các vị phó quan thuộc quyền của họ cũng phải làm như thế ở khắp các châu huyện.”[13].

Sắc lệnh trên trụ đá này được cho là huấn lệnh trong những năm cuối đời của vua Asoka. Nội dung chủ yếu của sắc lệnh trên bia ký Sarnath đề cập đến vấn đề bất hòa ở trong Tăng đoàn. Với trách nhiệm của một Phật tử và người cai trị vương quốc, nhà vua có bổn phận giữ gìn sự thống nhất của Tăng đoàn trước sự chia rẽ nội bộ. Sắc lệnh trên bia ký được xem như một điều luật mang tính bắt buộc và cần được phổ biến rộng rãi khắp vương quốc. Với sắc lệnh này, nhà vua mong muốn các xung đột trong Tăng-già sẽ được chấm dứt. Và có thể rằng, nguyên nhân dẫn đến kỳ kiết tập kinh điển lần thứ ba là nhằm xây dựng một Tăng-già hòa hợp và thanh tịnh. Như vậy, vua Asoka đã thể hiện vai trò của một vị hộ pháp đúng nghĩa. Ông không chỉ ủng hộ Tăng đoàn về mặt vật chất mà còn góp sức trong việc xây dựng một Tăng đoàn cao đẹp.

 


 

[1] Thích Tâm Minh, A Dục vương cuộc đời và sự nghiệp, tr.14.

[2] Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí (dịch), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, tr.143.

[3] Thích Tâm Minh, A Dục vương cuộc đời và sự nghiệp, tr.316-318.

[4] Lê Tự Hỷ, Đại đế Asoka từ huyền thoại đến sự thật, tr.110.

[5] Thích Tâm Minh, A Dục vương cuộc đời và sự nghiệp, bia ký Girnar, tr.306.

[6] Sđd., bia ký Shahbazgarhi, tr.311.

[7] Kinh Pháp cú, kệ số 103.

[8] Kinh Pháp cú, kệ số 137.

[9] Pháp sư Thánh Nghiêm, Thích Tâm Trí (dịch), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, tr.145.

[10] Thích Chơn Minh, Tài liệu giảng dạy môn Văn bia và khảo cổ học Phật giáo, Khoa Lịch sử Phật giáo, khóa XIII.

[11] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Đại bát Niết-bàn, Trường bộ kinh, tr.328.

[12] Thích Chơn Minh, Tài liệu giảng dạy môn Văn bia và khảo cổ học Phật giáo, Khoa Lịch sử Phật giáo, khóa XIII.

[13] Thích Chơn Minh, Tài liệu giảng dạy môn Văn bia và khảo cổ học Phật giáo, Khoa Lịch sử Phật giáo, khóa XIII.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle