Xây tháp cúng dường

Xây tháp cúng dường

Xây tháp cúng dường

Chân Hiền Tâm

Ngày mà duyên giáo hóa ở thế gian đã xong, Đức Phật chuẩn bị nhập Niết-bàn.

Tôn giả A Nan hỏi:

- Bạch Thế Tôn! Sau khi Thế Tôn nhập Niết-bàn, Đại chúng sẽ theo phép tắc nào để trà tỳ thân Thế Tôn, để được Xá-lợi cung kính cúng dường?

Đức Phật trả lời:

- Y theo phép trà tỳ của Chuyển luân Thánh vương.

Trà tỳ là hỏa táng. Chuyển luân Thánh vương là vị vua có phước báu lớn nhất ở thế gian, trừ cõi trời Dục giới.

A Nan hỏi tiếp:

- Phép tắc ấy thế nào thưa Thế Tôn! 

Phật trả lời:

- Sau khi mạng chung, để thi hài bảy ngày mới đặt vào quan tài làm bằng vàng. Lấy dầu thơm vi diệu đổ đầy kim quan rồi đậy lại thật kín. Đủ bảy ngày mới mang ra, dùng nước thơm tắm rửa, đốt hương thơm cúng dường. Sau khi dùng bông Đâu-la-miên bao khắp thân thể thì dùng ngàn bức bạch diệp, thứ tự lớp này chồng lớp kia, quấn khắp thi thể. Quấn xong thì đặt vào kim quan đã được đổ đầy dầu thơm trong đó. Đậy kín quan tài lại. Sau đó dùng xe thất bảo chở kim quan.

Xe thất bảo, bốn mặt treo các chuỗi ngọc với vô số phan lọng bằng châu báu. Cùng đó là đốt hương thơm và trổi đại nhạc cúng dường.

Khi trà tỳ thì dùng thuần gỗ thơm và dầu thơm.

Trà tỳ xong, hốt lấy Xá-lợi, an trí trong tháp thất bảo đặt ở ngã tư trong thành. Bốn phía tháp đều có cửa để mọi người cùng chiêm ngưỡng cúng dường.

Trả lời về phép trà tỳ xong, Đức Phật hiển bày toàn bộ công đức tu hành của mình để hiểu vì sao phải trà tỳ theo phép của Chuyển luân Thánh vương. Cũng nêu việc cung kính cúng dường tượng Phật và Đức Phật hiện tại, phước đức đều như nhau. Kinh nói: “Vì đều cung kính cúng dường nên phước đức của hai người như nhau. Vì dù Như Lai diệt độ mà pháp thân vẫn thường còn, nên cung kính cúng dường tượng Phật vẫn được phước như cúng dường Phật hiện tại[1].  Đây có hai phần cần lưu ý. Một, tâm người cúng dường, là đều cùng cung kính cúng dường. Hai là pháp thân chư Phật. Phật là người đã trở lại được hoàn toàn với pháp thân thường trụ. Pháp thân này trùm khắp. Mọi thị hiện đều không ngoài pháp thân này. Vì thế, cúng dường tượng Phật cũng chính là cúng dường Phật, phước đức ắt đầy đủ nếu tâm người cúng dường thật sự cung kính hướng về. Cái cung kính hướng về đó là nhân duyên giúp khai mở ông Phật trong chính mỗi người sau này. Nói chung, hết thảy mọi việc làm của chư Phật, có thể sẽ là thắc mắc của nhiều người hay trái với quan niệm sống của một số người, chung quy vẫn là làm sao để chúng sinh được lợi ích lớn. Việc mang xá-lợi đặt trong tháp thất bảo để trời người cùng cung ngưỡng cúng dường cũng không ngoài việc đó. Muốn chúng sinh khắp nơi đều có thể cúng dường, được phước đức lớn, là lìa cái khổ của ba cõi, vui cái vui Niết-bàn.

Đương nhiên, không chỉ có việc cung ngưỡng cúng dường xá-lợi mà có thể lìa khổ được cái vui rốt ráo, chỉ là nêu cái nhân tối thiểu giúp đạt cái quả cuối cùng khi đủ duyên. Muốn đủ duyên thì phải thông qua giới, định, tuệ. Đức Phật dạy việc này khi A Nan hỏi: “Thế Tôn còn thì Thế Tôn là thầy, Thế Tôn diệt độ rồi thì ai là thầy, thưa Thế Tôn?”. Ngài dạy: “Nên biết, giới Ba-la-đề-mộc-xoa là thầy của các ông. Nương đó tu hành, có thể được định tuệ xuất thế”[2].

Xây tháp cúng dường Bích Chi Phật, A-la-hán và Chuyển luân Thánh vương 

Không chỉ nói đến việc xây tháp cho mình. Đức Phật còn nói đến việc xây ba loại tháp khác để cúng dường. Đó là tháp của Bích Chi Phật, A-la-hán và Chuyển luân Thánh vương. Mục đích của việc này là muốn giúp chúng sinh biết chỗ quy y. Quy y là quay về y tựa đó mà tu hành, lấy đó làm kim chỉ nam cho đường đi nước bước của mình sau khi Phật diệt độ. Tức không phải chỉ quy y Phật mà còn có thể quy y Bích Chi Phật, quy y A-la-hán, quy y Chuyển luân Thánh vương. Cũng như không chỉ quy y Phật mà còn quy y Tăng, quy y Pháp, y đó tu hành. Chỉ là, Bích Chi Phật thì phải đúng là Bích Chi Phật, A-la-hán thì phải đúng là A-la-hán, Chuyển luân Thánh vương thì phải đúng là Chuyển luân Thánh vương, Tăng phải đúng là Tăng bảo, Pháp phải đúng là Pháp bảo. Không chỉ có danh xưng mà thực chất phải có. Chỉ có danh mà không có chất thì như người hát tuồng, đội mão mặc áo của vua mà thật chẳng phải vua, chỉ là anh hát tuồng. Không thể y anh hát tuồng mà học phép tắc của vua cho tốt. Vì thế, danh phải đi kèm với chất. Thực chất về các danh xưng đó được Phật giải thích trong kinh Đại bát Niết-bàn[3] như sau:         

- Bích chi Phật là những vị đã tỏ ngộ nhân duyên của các pháp, chứng nhập pháp tánh, thoát tất cả khổ trong tam giới, có thể làm phước điền cho chúng sinh, là nhân duyên giúp chúng sinh được diệu quả. 

- A-la-hán là những vị nhờ quán khổ, không, vô thường, vô ngã và y theo Tứ đế mà thành tựu đạo quả. Chư vị đối với ba cõi đã hết sinh tử, không thọ thân đời sau, phạm hạnh đã thành, có thể làm phước điền cho thế gian, là nhân duyên giúp chúng sinh được giải thoát. 

- Chuyển luân Thánh vương, là những vị có phước báu đầy đủ và dùng Chánh pháp trị nước. Kinh nói: "Chuyển luân Thánh vương dù chưa dứt phiền não, chưa giải thoát ba cõi, nhưng do phước đức mà cai trị bốn thiên hạ, đem pháp Thập thiện giáo hóa nhân dân, là bậc tôn kính của trời người, nên tứ chúng dựng tháp cúng dường, được phước đức cũng vô lượng". Chư vị là nhân duyên giúp chúng sinh tạo dựng phước đức cho mình. 

Danh như thế phải đi kèm với chất như thế, chúng sinh mới nên quy y, xây tháp cúng dường mà quy y, y theo giáo pháp các ngài dạy mà tu tập. Còn tự xưng là Bích Chi Phật hay A-la-hán, mà nơi lời dạy đã trái hoàn toàn với kinh luận Phật để lại, thì đó chẳng phải là Bích Chi Phật, chẳng phải là A-la-hán, chỉ là anh hát tuồng. Chẳng phải thì chớ quy y. 

Quy y chư vị tu hành, chúng sinh có thể nhận được những quả báo tốt đẹp cho bản thân cũng như gia đình và xã hội, nên Phật dạy quy y, dạy xây tháp cúng dường sau khi chư vị đã nhập diệt.

Xây tháp cúng dường Tăng bảo

Các bậc Cổ đức sau này, khi nhập diệt đa phần đều có xây tháp để lại. Không vì để mình có một chỗ nơi to tát lưu lại với đời mà cũng chính là vì lợi ích của chúng sinh đời sau. Hết thảy đều vì lý do đó. Chỉ là tùy duyên giáo hóa của từng vị, tùy điều kiện xã hội cũng như lợi ích của chúng sinh hữu duyên mà có sự sai khác trong vấn đề tẩn táng, trà tỳ, dựng tháp và di ngôn.

Như việc để thi hài bảy ngày rồi mới đặt vào quan tài, đủ bảy ngày sau mới mang ra, v.v. thì chắc chỉ có Phật mới thực hiện theo nghi thức đó. Bởi thân Phật là sắc thân huỳnh kim. Ngài đã hai mươi bốn lần nhắc lại câu ấy[4], và bảo đại chúng hãy chiêm ngưỡng thân ấy trước khi Ngài nhập Niết-bàn. Chẳng phải để chúng sinh mê đắm thân huỳnh kim mà chính là muốn nhắc đến kho báu giáo pháp nhờ đó Phật có thân huỳnh kim. Các bậc cổ đức sau này gần như không ai có khả năng làm việc đó.

- Thiền sư Đạo Chân Vũ Khắc Minh hay Đạo Tâm Vũ Khắc Trường, dù được thân kim cang bất hoại[5], đệ tử tín đồ cũng chỉ để nguyên thi hài trong tư thế tọa thiền mà thờ. Đến nay đã hơn 300 năm mà vẻ vui nhè nhẹ trên khuôn mặt ngài Vũ Khắc Trường vẫn còn[6].

- Tổ Pháp Loa, theo lời phó chúc của ngài, đệ tử đem nhục thể lên nhập tháp tại Thanh Mai Sơn. Nhục thể, là không hỏa táng. Để nguyên thân mà nhập tháp[7]

- Thiền sư Thủy Nguyệt Thông Giác thì bảo với tứ chúng rằng “Nay ta lên chơi trên núi Thẩm Dương, nếu bảy ngày không về các người lên núi thấy chỗ nào có mùi thơm thì ta ở đấy”. Tứ chúng bùi ngùi mà không dám theo. Đợi đúng bảy ngày, không thấy Sư về, mới lên núi tìm Sư. Theo hương thơm đến một hang núi thì thấy Sư ngồi kiết-già trên một tảng đá trong hang, thân thể mềm mại tỏa ra mùi thơm như hương bạch đàn. Tứ chúng thỉnh nhục thân về hỏa táng, chia linh cốt về thờ hai nơi. Một ở chùa Hạ Long. Một ở hang núi Nhẫm[8].    

- Tổ Trần Nhân Tông, theo di chúc của ngài, Pháp Loa làm lễ hỏa táng, lượm ngọc cốt có năm màu để vào bình. Vua Anh Tông và quần thần mang long giá rước ngọc cốt về thờ nơi Đức Lăng, xây tháp ở chùa Vân Yên trên núi Tên Tử[9].

- Gần đây thì có Đại lão Hòa thượng Phổ Tuệ. Lễ tang của ngài được Giáo hội Phật giáo Việt Nam quyết định tổ chức theo nghi thức cao nhất của Giáo hội, tuy vậy cũng không ra ngoài khẩu dụ mà ngài để lại: “Sau khi tôi theo hầu Phật Tổ thì không được tổ chức tang lễ linh đình, nghi lễ hết sức giản đơn, ngắn ngày theo truyền thống đạo Phật và tổ chức tại chùa Viên Minh. Đề nghị không vòng hoa phúng điếu, không tiểu sử dài dòng, không tiêu tốn thời gian và tổn hại công đức của Tăng Ni và Phật tử. Nếu quý vị tưởng nhớ tới tôi thì niệm danh hiệu Phật và tụng thời kinh tại trụ xứ của mình hồi hướng công đức cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc”.

Tang lễ tổ chức không linh đình, lễ viếng tang cũng chỉ có ba ngày, nhưng lòng người hướng về thì không có ngằn mé, vì những lời di nguyện, vì chính đời sống hằng ngày của Đức Pháp chủ khi còn sinh thời. Điều này đang rất phù hợp với bối cảnh xã hội hiện nay, đang giúp lòng người vững tin hơn về hình ảnh của Tam bảo trước một số tệ nạn không hay trong Phật giáo. Đời sống ngài giản dị. Tâm trí ngài quảng bác uyên thâm. Định lực ngài vững vàng. “Gần như cả cuộc đời của tôi là kinh qua các cuộc chiến tranh, pháp nạn. Những năm kháng chiến chống Pháp, toàn bộ sơn môn bị giặc Pháp đốt hết. Cứ dăm bữa nửa tháng chúng lại đến càn quét, đốt phá. Làng mạc điêu tàn, chùa chiền sụp đổ. Nhưng tôi xác định nếu không bám trụ, kiên trì ở lại, không duy trì thì tan nát hết. Mỗi lần chạy loạn đi đâu, tôi cũng luôn mang theo bên mình những tài sản tinh thần, lịch sử của chư Tổ…”. Hòa bình lập lại ở miền Bắc, Hòa thượng trở về tự cày cấy làm ăn, đồng thời tham gia các công việc xã hội và làng nước. Ngài trực tiếp tham gia giảng dạy các lớp bình dân học vụ, rồi hộ đê, cứu đê, chống lũ lụt. Việc gì tốt thì ngài làm. Tám mươi tuổi vẫn còn ra đồng làm lụng tự nuôi thân, cho đến giờ vẫn “Chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương”. Ngày đêm chỉ biết tụng kinh, niệm Phật, miệt mài nghiên cứu kinh Phật theo nếp của Tổ xưa và hoàn thành việc dịch thuật các bộ kinh Phật. Vậy mà qua bao thăng trầm thế sự, ngôi chùa vẫn được xây dựng sửa sang dần, trải qua hàng chục năm mà được như hiện nay.

Với ngài, chùa to cảnh lớn chỉ là phương tiện, không quan trọng trong việc quyết định sự thành tựu của người tu, ngôi cao danh lớn chẳng phải là phước, chỉ là họa. Nên khi được Giáo hội mời lên ngôi Pháp chủ thì bảo “Miễn cưỡng ngồi lên ngôi cao, đó không phải là phước mà là họa cho chúng tôi. Xin các vị đừng gọi tôi là Pháp chủ mà hãy nhìn tôi như một lão tăng thanh bần sống trong ngôi chùa làng là tôi mãn nguyện”. Khi được mời về các chùa lớn hay ở nội thành Hà Nội thì nói: “Tôi có trách nhiệm phải nối dòng sơn môn Đa Bảo, duy trì mạng mạch Phật pháp của Viên Minh pháp hội, nên phải bám trụ chùa Giáng này”. Bởi thế, cả trăm năm chỉ một mực cố thủ ở ngôi chùa làng. Lấy việc “được niệm Phật, cầu kinh, không mong cầu danh lợi” làm thiết yếu[10]. Lúc theo Phật cũng chỉ nhắn nhủ với quần sinh “Quý vị tưởng nhớ tới tôi thì niệm danh hiệu Phật và tụng thời kinh tại trụ xứ của mình, hồi hướng công đức cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc”. Dù làm việc gì cũng chỉ là cho thế giới hòa bình, nhân sinh an lạc, chẳng vì bản thân. Một đời của Hòa thượng trước sau chỉ vì người, vì đạo. Thân cơ bần. Tâm thu thúc. Hỏi sao không động lòng người muôn nơi?      

- Sư ông Làng Mai, Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, viên tịch cũng vào lúc đất nước đang lâm vào cảnh dịch bệnh. Tuy giáo pháp của ngài lan tỏa khắp nơi, nhưng trú xứ giáo hóa thì đa phần tập trung ở nước ngoài. Gần cuối đời mới về lại quê hương. Dịch bệnh nên Phật tử nước ngoài không về được, không thì không biết đông cỡ nào. Nghi thức tổ chức tang lễ cũng đơn giản nhưng trang nghiêm và rất tĩnh lặng.

Di nguyện của ngài khá đặc biệt: Không cần xây tháp cho thầy. Thấy mọi người rất tâm đắc về bài pháp ấy và đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Tùy trình độ nhận thức của từng người mà sự cảm nhận đối với bài pháp có khác, việc tâm đắc đối với bài pháp cũng không như nhau.

Nhiều người tâm đắc bài pháp đơn giản vì nó thể hiện lòng từ của ngài đối với chúng sinh quanh mình. “Bây giờ đất càng ngày càng ít. Người càng ngày càng nhiều. Mà chôn thì làm sao có đủ chỗ. Cho nên thầy đã dặn chùa Tổ Từ Hiếu thôi khỏi xây tháp cho thầy…”. Ngoài ra, bài pháp còn thể hiện tinh thần không phô trương mà Đức Phật vẫn dạy cho hàng đệ tử dù là xuất gia hay tại gia. Một người được thế giới biết đến như thế mà khi chết bảo không cần xây tháp cho thầy thì việc kính ngưỡng và tán thán là không tránh khỏi.

Người hiểu về y báo và chánh báo, là chúng sinh thế gian và khí thế gian, thì biết mọi thứ đều có nhân duyên. Một chánh báo như thế sẽ có một y báo tương ưng như thế. Tùy nghiệp lực hay nguyện lực mà y báo hiện ra, tương ưng nhất định với một chánh báo. Y báo của chánh báo này không thể lẫn sang chánh báo khác. Chúng sinh thế gian này có khí thế gian của chúng sinh này. Chúng sinh thế gian kia có khí thế gian của chúng sinh kia. Đất thầy thầy ở. Đất dân dân ở. Đất quan quan ở. Đất nào có chủ của đất ấy, không lẫn lộn. Lớn hay nhỏ, có hay không thảy đều có nhân duyên tương ưng. Nhân duyên này đã được tạo dựng từ trước, giờ chỉ là lúc hiện quả. Cho nên, y báo của Phật là như thế, y báo của Tổ là như thế, y báo của thầy là như thế. Mọi thứ đều không ra ngoài nhân duyên. Cứ thế mà chiêm ngưỡng không cần phải khởi tâm. Khởi tâm là trên đầu lại thêm đầu.

Do cái nhìn ấy, việc cảm nhận đối với bài pháp trở thành khác, việc tâm đắc cũng thành khác. Trọng tâm của bài pháp giờ không còn đặt ở việc tiết kiệm hay không phô trương, mà là “Xây tháp như thế sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu ngày hôm nay quý vị không nối tiếp được những gì thầy đang trao truyền[11]. Ý của thầy khá rõ ràng. Tháp chẳng mang ý nghĩa gì một khi nó trở thành biểu hiện duy nhất còn sót lại của thầy. Không. Thầy không phải là tháp cũng không phải là mớ tro trong tháp ấy. Chúng không phải là thầy. Người trí không ai nói nắm tro đó là thầy. Bởi với một thân xác đang còn khỏe mạnh, Đức Phật đã dạy “Cái này không phải của ta. Cái này không phải là ta. Cái này không phải là tự ngã của ta[12]. Thân xác như thế còn chẳng phải ta, nói chi khi chỉ còn là mớ tro tàn, nghiệp thức đã rời khỏi thân? Hết thảy đều không phải. Không chỉ với thân xác này mà với tất cả các sắc pháp Đức Phật đều dạy như thế. Thầy cũng từng nói: “Tại mình thương nhớ nên mình thấy cái tro đó là người đó. Nhưng kỳ thực cái tro đó không phải là người đó. Người ta thờ xá-lợi, xá-lợi đó là để cho người ta thương tiếc Bụt. Mỗi khi nghĩ tới xá-lợi là nghĩ tới Bụt. Nhưng xá-lợi đó không phải là Bụt. Không phải Bụt đâu. Bụt không phải là một mảnh xương. Nếu nói Bụt Thích Ca là một mảnh xương thì tội cho Ngài quá![13]. Cho nên, xây tháp hay không xây tháp, xây tháp ở Tổ đình hay không ở Tổ đình… thảy đều được. Miễn là đừng thấy nắm tro đó là thầy, đừng thấy ngôi tháp đó là của thầy, rồi sinh thị phi hơn thua mà quên đi những gì thầy đã trao truyền.   

Thầy rất không thích chuyện lấy một mớ tro từ hình hài của thầy rồi bỏ vào trong một cái hũ và đặt vào trong tháp. Thầy không phải là nắm tro đó. Không lẽ nào thầy chỉ là nắm tro đó hay sao?”. Không thích, không phải, không lẽ nào là một cách nói phủ định, phá bỏ những hình thức không thật, ngầm hiển bày một cái thật. Như vàng làm ra xuyến, ra bông, ra nhẫn. Nói không phải xuyến, không phải bông, không phải nhẫn là để thấy chúng là vàng. Phải thấy cho được mặt thực chất đó, đừng chạy theo những hình thức sai biệt mà bỏ mất mặt đồng thể của chúng. Cũng vậy, phải nhìn cho thấu cái gọi là “đồng nhất thể” mà mỗi người đang sở hữu, không chạy theo các hình thức bên ngoài rồi đánh mất phần thực hữu ấy. Phần thực hữu mà thầy gọi là thực tại linh động.

“Thầy là một thực tại linh động đang sống, đang có mặt khắp nơi”. Không chỉ thầy mà hết thảy chúng sinh đều như vậy, chư Phật cũng như vậy. Thảy đều là những thực tại linh động. Chỉ do vô mình mà ngay đó chẳng nhận được. Chỉ nhận những hòn bọt là chính mình, rồi theo đó mà buồn, vui, tranh dành, quên đi biển cả rộng lớn[14]. Cho nên, “đã lỡ xây tháp rồi thì phải ghi lên trước tháp mấy chữ không có gì trong này”. Một di ngôn khá đặc biệt. Thể hiện sắc không phải là ta, không phải là của ta, không phải là tự ngã của ta, đừng chấp vào những thứ đó cho là ta. Thầy cũng vậy mà tất cả chúng sinh cũng vậy. Đừng chấp vào những hình thức trước mắt mà quên đi cái gọi là thực tại linh động của mình.

Tuy vậy, không có gì trong này không có nghĩa là có tất cả ngoài này. Không. Dù thầy là một thực thể linh động đang sống, đang có mặt khắp nơi thì cũng không có nghĩa là mọi chỗ còn lại đều là thầy. Không. Thực thể linh động không phải là thực thể linh động mới gọi là thực thể linh động. Nó không phải là đối tượng của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Cũng không phải là chính mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Vì thế, “Ngoài kia cũng không có gì”. Phủ định nốt những gì còn lại để hiển bày một thực thể linh động vô tướng, trùm khắp. Chính nhờ cái vô tướng này mà thực thể linh động ấy mới “vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố, viễn ly điên đảo mộng tưởng, cứu cánh Niết-bàn”. Tâm kinh Bát-nhã phủ định tất cả cũng là nhằm hiển bày cái gọi là thực tại này, chỉ cho thực tánh của vạn pháp. Một thực tánh vô tướng nhưng diệu dụng thật khó lường. Không ai không là thực tại linh động này. Chỉ vì chạm cảnh thì trước cảnh, gặp duyên liền theo duyên, nên chẳng thể như hư không không ngằn mé, tùy duyên mà có hình tướng.

Dễ hiểu nữa thì…

Trong các sư chú và các sư cô đều có thầy. Trong các vị cư sĩ quen biết đều có thầy. Ở chỗ nào mà có thiền hành, thiền tọa, có pháp đàm, có ăn cơm yên lặng, có sám pháp địa xúc là có thầy”. Những gì thầy đã truyền trao hãy coi nó là thầy hơn là coi nắm tro và cái tháp là thầy. Sự truyền trao ấy là nhân duyên làm sống lại những chủng tử thiện lành đang ẩn sâu trong tạng thức của mỗi người, đang làm sống lại phần thực thể linh minh mà hết thảy đồng nhất thể. Cho nên “Có những người tuy mình chưa gặp, nhưng họ đọc sách mình, họ tu tập, họ chuyển hóa và họ có hạnh phúc thì mình cũng là họ rồi”. Một ví dụ đơn sơ được dùng để chuyển tải ý tưởng này như sau: “Đám mây, một phần nào đó có thể trở thành mưa và rơi xuống đất để thành một dòng suối. Đám mây nhìn xuống thấy một phần của mình đang là dòng suối... Cho nên, thầy không chỉ nằm ở hướng này (chỉ tay vào người thầy), mà đang nằm trong hướng này, hướng này (chỉ tay về phía các đệ tử), đều có thầy hết. Những nơi nào đang có người bước những bước thảnh thơi hoặc có hỷ, có lạc thì đó chính là sự tiếp nối tốt của Thầy. Còn cái nắm tro kia đâu phải thầy”. Cho nên, trong tháp không có gì, ngoài kia cũng không có gì.

Nếu chưa hiểu nữa thì ghi thêm một câu chót “Nếu có gì thì nó ở trong bước chân và hơi thở của bạn”. Thực tập những gì thầy đã truyền trao và sống được với thực thể linh động của mình là Bụt đang hiện diện trong mỗi người, thầy cũng đang hiện diện trong mỗi người. Có thầy thì có hiểu, có thương, có an ban thủ ý, có niệm xứ. Có hiểu, có thương, có an ban thủ ý, có niệm xứ là có thầy. Đi thong thả, thở nhẹ nhàng, có hạnh phúc là có thầy[15].     

Cùng lắm thì…

Một cái thư pháp của thầy viết, nó có thầy nhiều hơn là một nắm tro. Vì trong thư pháp có niệm, có định, có tuệ. Ở trong cuốn sách mà mọi người đọc, cũng có thầy nhiều hơn là một nắm tro.

Nếu có một tảng đá có sẵn thì để vào trong hốc đá bản thảo một cuốn sách của thầy, như cuốn Phép lạ của sự tỉnh thức, thì tảng đá đó có thầy nhiều hơn là một cái tháp trong đó có một nắm tro[16].

Cuối cùng là,

Ngoài những di ngôn quý báu mà Hòa thượng để lại, những ai hữu duyên với ngài vẫn có được một ngôi tháp “không có gì trong này” để tưởng nhớ, cung kính, cúng dường, quy y tu tập theo những gì Hòa thượng đã trao truyền. Nhân duyên là như vậy. Cũng là phước báu của người đời sau.         


 

[1] Kinh Đại bát Niết-bàn tập II, phẩm Di giáo. HT.Thích Trí Tịnh dịch. 

[2] Sđd.

[3] Sđd.

[4] Sđd.

[5] Nói bất hoại là so với thân dễ biến hoại của chúng sinh khi nghiệp thức đã rời đi.

[6] Thiền sư Việt Nam, HT.Thích Thanh Từ biên soạn.

[7] Sđd.

[8] Sđd.

[9] Sđd.

[10] https://giacngo.vn/cuoc-phong-van-truc-tiep-voi-duc-phap-chu-ghpgvn-dai-lao-hoa-thuong-thich-pho-tue-post59228.html.

[11] Thông bạch ngày nối tiếp 2012

[12] Kinh Trung bộ, bài kinh 62 Đại kinh giáo giới La-hầu-la. HT.Thích Minh Châu dịch.

[13] Pháp thoại ngày 26-11-2013 của HT.Thích Nhất Hạnh tại nội viện Phương Khê, Làng Mai, Pháp.   

[14] Kinh Thủ Lăng nghiêm.

[15] Pháp thoại ngày 26-11-2013 của HT.Thích Nhất Hạnh tại nội viện Phương Khê, Làng Mai, Pháp.  

[16] Thông bạch ngày tiếp nối 2012.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle