Khái niệm Bồ-tát trong Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa

KHAI NIEM BO TAT

 

 

KHÁI NIỆM BỒ-TÁT TRONG PHẬT GIÁO NGUYÊN THỦY VÀ ĐẠI THỪA

TN. Huyền Minh

 

Khi nói đến Phật giáo Đại thừa, chúng ta thường nghĩ đến tinh thần Bồ-tát đạo với những phương tiện thiện xảo để làm lợi ích chúng sinh. Lý tưởng Bồ-tát được nói đến rất nhiều trong các kinh Đại thừa, như Bát-nhã, Lăng-già, Hoa nghiêm, Pháp hoa, Phạm võng“Nhờ vào phương tiện thiện xảo mà Bồ-tát có thể hành động tuy khác với giới luật hoặc nguyên tắc đạo đức được áp dụng khá khắt khe trong đời sống của người xuất gia, nhưng hoàn toàn vì lợi ích cho người khác”.[1] Điều này được thể hiện rất rõ trong kinh Hoa nghiêm, qua hạnh nguyện độ sinh của 54 vị thiện tri thức mà Thiện Tài đến cầu đạo. Đó là những hạnh nguyện tiêu biểu trong vô lượng đại nguyện của Bồ-tát. Trong Phật giáo Đại thừa, Bồ-tát không chỉ là người xuất gia mà bao gồm đủ các thành phần trong xã hội. Tinh thần Bồ-tát đạo đã có từ thời Đức Phật còn tại thế, tuy vậy qua thời gian, lý tưởng Bồ-tát đã có những thay đổi.

Sơ lược sự phát triển của Phật giáo Đại thừa

Lịch sử Phật giáo Ấn Độ trải qua ba thời kỳ: Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Bộ phái, và Phật giáo Đại thừa. Giai đoạn Phật giáo Nguyên thủy được tính từ khi Đức Phật thành đạo đến 100 năm sau Ngài nhập diệt, khoảng 530-370 tr.TL. Phật giáo Bộ phái được tính từ khi Phật giáo bị phân phái cho đến khi Phật giáo Đại thừa xuất hiện, khoảng 370 tr.TL - 150 TL. Phật giáo Đại thừa sinh khởi khoảng 50 năm trước hoặc sau TL, tức sau Phật nhập diệt khoảng 400-500 năm.[2]

Tuy nhiên, sự phân chia này cũng chưa thống nhất. Học giả Akira Hirakawa (Bình Xuyên Chương 平川彰) người Nhật Bản đã chia lịch sử Phật giáo Ấn Độ thành 5 thời kỳ: Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Bộ phái, Phật giáo Đại thừa sơ kỳ, Phật giáo Đại thừa hậu kỳ, Phật giáo Mật tông.[3] Học giả Lữ Trưng (吕徵) phân lịch sử Phật giáo Ấn Độ thành 7 thời kỳ: Phật giáo Nguyên thủy, Phật giáo Bộ phái, Đại thừa sơ kỳ, Phật giáo Tiểu thừa, Đại thừa trung kỳ, Đại thừa vãn kỳ, và các thời kỳ khác. Hòa thượng Ấn Thuận thì phân thành 3 giai đoạn: Phật pháp, Đại thừa Phật pháp, Đại thừa bí mật Phật pháp.[4] Sự phân chia này là theo cách riêng của ngài. Việc ngài dùng từ “Phật pháp” để chỉ cho thời kỳ Phật giáo Nguyên thủy và Phật giáo Bộ phái thì hơi khó hiểu và dễ gây hiểu nhầm với ý nghĩa “Phật pháp” thường dùng. Còn cách chia của học giả Lữ Trưng thì nhấn mạnh về sự phát triển của Phật giáo Đại thừa, ít chú trọng Mật giáo, trong khi trên thực tế Mật giáo đã tồn tại và phát triển ở Ấn Độ cả mấy trăm năm. Do đó, cách phân chia của học giả Akira Hirakawa tương đối hợp lý, khách quan nên được phần lớn các học giả đồng tình.

Quá trình hình thành Phật giáo Đại thừa diễn ra vô cùng phức tạp, có lẽ manh nha bắt nguồn từ kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai. Nguyên nhân phân chia bộ phái theo Cullavagga 1 (Tiểu phẩm 1) là do nhóm Tỷ-kheo Bạt-kỳ (Vajji) ở Tỳ-xá-ly (Vesālī) tự đề xướng và thực hành 10 việc (dasavatthūni) bị cho là phi pháp đối với giới luật thời bấy giờ.[5]

Tuy nhiên, theo Dị bộ tông luân luận, Đại Tỳ-bà-sa luậnLuận sự (Kathavatthu), nguyên nhân phân chia bộ phái là do “Thuyết La-hán ngũ sự”[6] (Năm việc về La-hán). Thời gian xảy ra “năm việc” và “tác giả của năm việc” cũng có nhiều thuyết khác nhau. Trong Di bộ tông luân luận của ngài Thế Hữu có đề cập đến hai thời điểm xảy ra năm việc: 1. Sau khi Phật nhập diệt hơn 100 năm, 2. Sau khi Phật nhập diệt 200 năm, nhưng không đề cập đến tác giả của năm việc. Chỉ có Dị bộ tông luân luận của ngài Huyền Trang ghi: “Sau khi Phật nhập diệt hơn 100 năm, trong Tăng đoàn xảy ra tranh cải ‘năm việc của Đại Thiên’, dẫn đến phân chia thành hai phái Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ”. Như vậy, ngài Huyền Trang đã xác định rõ năm việc là của Đại Thiên.[7]

Qua hai nguyên nhân phân chia bộ phái trên ta thấy, sau khi Đức Phật nhập diệt khoảng 100 năm, Tăng đoàn phát triển lan rộng cả phía Trung và Tây Ấn Độ, số lượng Tăng chúng ngày càng đông, do đó đời sống sinh hoạt và những nhu cầu thiết yếu cần phục vụ cho đời sống Tăng đoàn dần dần thay đổi. Bên cạnh đó, những giải thích khác nhau về giáo lý Đức Phật cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự phân chia bộ phái. Sau khi đã phân chia thành hai bộ phái, Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ về sau lại phân chia thêm thành 18 bộ phái, tổng cộng là 20 bộ phái. Dị bộ tông luân luận nói rằng phái Nhất thiết hữu bộ (Hữu bộ) xuất thân từ Theravāda nhưng có ảnh hưởng lớn trong sự hình thành tư tưởng Phật giáo Đại thừa. Theo Kimura Taken: “Tư tưởng Đại thừa đã nảy mầm từ Nguyên thủy Phật giáo nhưng mãi khoảng trước hay sau kỷ nguyên Tây lịch mới thật sự trở thành phong trào rõ rệt. Tư tưởng Đại thừa đã phát khởi ở cả hai miền Nam và Bắc Ấn. Nam Ấn đại biểu cho Không luận, Bắc Ấn đại biểu cho Hữu luận. Đến khi cả hai trào lưu hợp lại thì cuộc vận động Đại thừa đã trở nên rõ rệt”.[8] Như vậy, có thể khẳng định rằng Phật giáo Đại thừa không phải hình thành để chống lại Phật giáo Nguyên thủy, mà là để đáp ứng nhu cầu của thời đại, đồng thời còn để khôi phục lại những giá trị chân thật của lời Phật dạy mà trong thời kỳ bộ phái đã lãng quên, như học giả Kimura Taiken đã nhận định: “Ta có thể nói Đại thừa đứng trên lập trường thâm sâu để khôi phục Phật giáo Nguyên thủy”.[9]

Tư tưởng Phật giáo Đại thừa chú trọng đến Bồ-tát đạo bởi vì do nhu cầu của xã hội: xã hội bấy giờ đang cần một tôn giáo vì lợi ích của con người, quan tâm sâu sắc đến đời sống của họ, đồng hành cùng họ chứ không phải hình ảnh “thiền định độc cư trong rừng” như trước. Bên cạnh đó, giáo lý Bồ-tát cho rằng muốn thành Phật trước hết hành giả phải thực hành Bồ-tát hạnh cho đến khi viên mãn. Bồ-tát lấy lý tưởng “Thượng cầu Phật đạo, hạ hóa chúng sinh” làm bản nguyện. Trước hết là cầu Phật đạo để đạt đến giác ngộ giải thoát. Sau đó là phát nguyện đem sự giải thoát ấy để cứu độ tất cả chúng sinh. Hai nguyện lực này không thể tách rời nhau. Bởi thế quan điểm của Đức Phật về độ tha có nói rõ rằng tự mình giác ngộ rồi mới có thể làm cho người khác giác ngộ, tự mình ra khỏi bùn lầy mới có thể đưa người khác ra khỏi bùn lầy:

“Này Cunda, con người tự mình bị rơi vào bùn lầy, có thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy, sự tình ấy không thể xảy ra. Này Cunda, con người không tự mình rơi vào bùn lầy, có thể kéo lên một người rơi vào bùn lầy, sự tình ấy có thể xảy ra. Này Cunda, con người tự mình không được nhiếp phục, không được huấn luyện, không được hoàn toàn giải thoát, tự mình có thể nhiếp phục, huấn luyện và hoàn toàn giải thoát người khác, sự tình ấy không xảy ra. Một người được nhiếp phục, được huấn luyện, được hoàn toàn giải thoát, tự mình có thể nhiếp phục, huấn luyện, hoàn toàn giải thoát người khác, sự tình ấy xảy ra.”[10]

Khái niệm Bồ-tát trong Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa

Danh từ Bồ-tát  (P: Bodhisatta, S: Bodhisattva, C: ) được kết hợp bởi hai thành tố “bodhi” (trí tuệ, giác tuệ) và “satta” (gia công hay chuyên cần để làm gì đó). Như vậy Bodhisatta được hiểu là sự gia công hay chuyên cần để đạt đến trí tuệ.[11] Bộ Bách khoa tôn giáo thì định nghĩa: “Theo từ nguyên học, Bodhisattva (Bồ-tát) là thuật ngữ được ghép thành từ chữ Bodhi, với ý nghĩa là “sự giác ngộ hay chứng ngộ [của một vị Phật], và sattva có nghĩa là “chúng sinh”. Như thế, Bodhisattva đề cập đến hoặc một người đang mưu cầu giác ngộ (Bodhi) hoặc “một chúng sinh giác ngộ (Bodhi being), nghĩa là chúng sinh ấy chắc chắn sẽ chứng đắc quả vị Phật”.[12]

Lý tưởng Bồ-tát là một trong những nội dung quan trọng của Phật giáo Đại thừa. Tuy nhiên, không phải Đại thừa mới có lý tưởng Bồ-tát mà lý tưởng này đã có từ thời Đức Phật còn tại thế. Đức Phật đã dạy các đệ tử: “Này các Tỷ-kheo, hãy lên đường thuyết pháp vì hạnh phúc, vì an lạc cho chúng sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Chớ có đi hai người một chỗ…”[13] Như vậy, Đức Phật luôn khuyến khích các đệ tử thực hành Bồ-tát hạnh, vì lợi ích của trời và người. Ngoài ra, lý tưởng Bồ-tát trong Phật giáo Nguyên thủy còn được tìm thấy qua những câu chuyện trong Jātaka (Bổn sinh). Về sau, những tác phẩm như Phật sử (Buddhavaṃsa), Sở hạnh tạng (Cariyapitaka), chú sớ Pāli và các bản kinh Đại thừa tiếp tục phát triển khái niệm Bồ-tát.

Nhìn chung, khái niệm Bồ-tát trong Phật giáo Nguyên thủy và Đại thừa có điểm tương đồng là đều phát tâm làm lợi ích chúng sinh. Tuy nhiên, có một vài điểm khác biệt. Bồ-tát trong Phật giáo Nguyên thủy là người chưa giác ngộ, chỉ là một người bình thường đang tu tập, đang trên đường đi tìm sự giác ngộ: “Này các Tỷ-kheo, Ta cũng vậy, trước khi giác ngộ, khi chưa chứng Chánh đẳng giác, khi còn là Bồ-tát, tự mình bị sanh lại tìm cầu cái bị sanh, tự mình bị già lại tìm cầu cái bị già, tự mình bị bệnh... tự mình bị chết... tự mình bị sầu... tự mình bị ô nhiễm lại tìm cầu cái bị ô nhiễm.”[14]

Trong kinh Trung bộ cũng có nhắc đến:

“Này vương tử, trước khi giác ngộ, thành bậc Chánh đẳng giác, khi còn là vị Bồ-tát, Ta nghĩ như sau: Lạc được chứng đắc không phải do lạc, lạc được chứng đắc do khổ…”[15]

Cụm từ “trước khi giác ngộ, khi chưa chứng Chánh đẳng giác, khi còn là Bồ-tát” cho thấy lúc Đức Phật chưa chứng đạo, còn là Bồ-tát, Ngài là một người phàm chưa giác ngộ. Bồ-tát ở đây không mang ý nghĩa thần thánh, mà là con người bằng xương bằng thịt. Như vậy, Bồ-tát ở thời kỳ đầu là hình ảnh con người ở thế gian, đang nỗ lực tu tập để thành tựu quả vị Phật.

Sang thời kỳ Phật giáo Đại thừa, hình ảnh Bồ-tát được thần thánh hóa, bắt nguồn từ tư tưởng Đại chúng bộ: “Tất cả Bồ-tát không khởi dục tưởng, nhuế tưởng, hại tưởng. Bồ-tát vì muốn làm lợi ích cho hữu tình, cho nên nguyện sinh vào cõi dữ, tùy ý đến và đi.”[16] Bồ-tát ở giai đoạn này là một vị thánh đã đoạn tận tham, sân, si. Đặc biệt, Bồ-tát sinh vào cõi đời là do hạnh nguyện, lòng từ bi muốn cứu độ chúng sinh chứ không phải do nghiệp lực lôi kéo. Tuy nhiên, tư tưởng này không phải không có mặt trong các kinh sơ kỳ. Kinh Tăng nhất A-hàm ghi rằng:“Bồ-tát từ cõi trời Đâu-suất giáng thần vào trong thai mẹ. Bấy giờ đại địa chấn động. Đây là nguyên nhân thứ hai làm cho đại địa chấn động. Lại nữa, Bồ-tát khi giáng thần ra khỏi thai mẹ, bấy giờ trái đất cũng chấn động. Đây là nguyên nhân thứ ba làm cho đại địa chấn động.”[17]

Danh từ “Bồ-tát” trong các câu chuyện Tiền thân (Jātaka) của Phật giáo Nguyên thủy là chỉ cho vị Bồ-tát tiền thân của Phật Thích-ca Mâu-ni. Trong nguồn văn học này, không thấy nhắc đến các vị Bồ-tát khác. Còn Phật giáo Đại thừa miêu tả có vô số Phật và Bồ-tát ở trên cõi trời Tusita.

Học giả Har Dayal cho rằng, “Giới Phật giáo sáng tạo ra tầng lớp thánh thần (Bồ-tát) chủ yếu qua việc nhân cách hóa một số thuộc tính và đức hạnh khác nhau về nhân cách của Đức Phật Gotama. Họ lấy một vài cái tên có ý nghĩa (hình dung từ) để áp dụng cho Đức Phật Sakyamuni, và biến chúng thành danh hiệu Bồ-tát. Như vậy, Bồ-tát vay mượn sự hiện hữu và thuộc tính của họ từ sự kiện lịch sử trung tâm về đời sống và hạnh nguyện của Đức Phật Gotama”.[18] Do đó, Phật giáo Đại thừa có các vị Bồ-tát như Bồ-tát Văn Thù (Manjusri) nhân cách hóa của trí tuệ (prajnā), Bồ-tát Quán Thế Âm (Avalokiteśvara) nhân cách hóa của từ bi (karunā), Bồ-tát Phổ Hiền (Samantabhadra) nhân cách hóa của hạnh nguyện…

Theo quan điểm Đại thừa, một vị Bồ-tát muốn giáo hóa chúng sinh không nhất thiết phải mang hình tướng xuất gia, mà Bồ-tát bao gồm đủ mọi thành phần trong xã hội để thuận tiện trong việc thực hành Bồ-tát đạo. Đây cũng là ý nghĩa của phẩm Phổ môn trong kinh Pháp hoa. Nếu chúng sinh đáng dùng thân Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di… thì Bồ-tát hiện thân Tỷ-kheo, Tỷ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di… để độ. Nói chung, nếu chúng sinh đáng dùng thân nào để độ thì Bồ-tát thị hiện thân tương ứng để độ. Chúng ta sẽ thấy nghĩa này rõ hơn trong kinh Hoa nghiêm. Thế nên, điều kiện quan trọng để Bồ-tát đi vào đời cứu độ chúng sinh là “trí tuệ Ba-la-mật” và “phương tiện Ba-la-mật”, như kinh Đại Bát-nhã Ba-la-mật đa nói: “Này Xá-lợi-phất, các vị Bồ-tát cần phải an trú Bát-nhã Ba-la-mật, lấy tâm vô trụ làm phương tiện. Từ đó, năng trụ sở trụ không còn”. Ở đây Đức Phật dạy các vị Bồ-tát phải an trú trong trí tuệ Ba-la-mật. Bồ-tát phải có trí tuệ Bát-nhã mới đạt đến quả vị Phật. Trong Phật giáo Đại thừa, trí tuệ Bát-nhã rất được đề cao, được xem là mẹ ba đời của chư Phật. Bồ-tát có trí tuệ mới biết cách vận dụng phương tiện thiện xảo trong việc độ sinh. Phương tiện rốt ráo chính là vô trụ, một tinh thần không chấp thủ, tùy duyên bất biến, làm nhưng không thấy mình làm, tu nhưng không thấy mình tu mới thực sự là tu. Thông điệp này được phát triển mạnh trong kinh Kim cang:

“Bồ-tát theo đúng pháp nên lấy tâm không chỗ trụ mà làm việc bố thí. Nghĩa là chẳng nên trụ nơi hình sắc mà bố thí, chẳng nên trụ nơi âm thanh, hương thơm, mùi vị, cảm xúc, pháp tướng mà bố thí. Tu-bồ-đề! Bồ-tát nên bố thí như vậy đó, không trụ nơi tướng”[19].

Đoạn kinh này chính là kim chỉ nam dành cho hàng Bồ-tát thực hành lục độ Ba-la-mật với tinh thần vô trụ, vô chấp, không dính mắc một pháp nào để làm viên mãn các Ba-la-mật, tiến đến quả vị Chánh đẳng giác. Đó cũng chính là lý tưởng Bồ-tát trong Phật giáo Đại thừa.

 Các Ba-la-mật

Một vị Bồ-tát muốn thành tựu quả vị Phật phải nỗ lực kiên trì thực hành mười Ba-la-mật. Thuật ngữ Ba-la-mật (P: pāramitā, C: 波羅密), còn được gọi là Ba-la-mật-đa, Ba-la-mật-nhĩ-đa, dịch là cứu cánh, đáo bỉ ngạn, độ vô cực, gọi tắt là Độ, là để chỉ đại hạnh Bồ-tát. Đại hạnh đó có thể tự tu hành và giáo hóa người khác một cách rốt ráo nên gọi là sự cứu cánh; có thể từ bờ sinh tử sang bờ Niết-bàn nên gọi là đáo bỉ ngạn.[20] Trong văn học Pāli và Sanskrit đều nói có 10 Ba-la-mật:

Mười Ba-la-mật trong kinh tạng Pāli được rút ra từ các kinh như Bổn sinh (Jātaka本生經), Thí dụ (Apadāna, 譬喻經), Phật sử (Buddhavaṁsa, 佛史), và Sở hành tạng (Cariyā-piṭaka, 所行藏), bao gồm: Bố thí Ba-la-mật (Dāna-pārami, 布施波羅), Giới Ba-la-mật (Sīla-pārami, 持戒波羅密), Nhẫn nhục Ba-la-mật ( Kṣānti-pārami忍辱波羅密), Tinh tấn Ba-la-mật (Vīrya-pārami精進波羅密), Xuất ly Ba-la-mật (Nekkhamṁa-pārami, 出離波羅密), Trí tuệ Ba-la-mật (Paddā-pārami, 智慧波羅密), Chân thật Ba-la-mật (Sacca-pārami, 真實波羅密), Nguyện Ba-la-mật (Adiṭṭhāna-pārami, 願波羅密), Từ tâm Ba-la-mật (Metta-pārami,悲心波羅密), Xả Ba-la-mật (Upekkhā-pārami, 捨波羅密).

Mười Ba-la-mật trong văn học Sanskrit được chia thành hai loại: Sáu Ba-la-mật chính: Bố thí Ba-la-mật (Dāna-pārami, 布施波羅密), Trì giới Ba-la-mật (Sīla-pārami, 持戒波羅密), Nhẫn nhục Ba-la-mật (Kṣānti-pārami, 忍辱波羅密), Tinh tấn Ba-la-mật (Vīrya-pārami, 精進波羅密), Thiền định Ba-la-mật (Dhyāna-pārami, 禪定波羅密), Trí tuệ Ba-la-mật (Prajñā-pārami, 智慧波羅密). Sáu  Ba-la-mật này được nói đến trong các kinh như Thần thông Du hý (Lalitavistara, 神通遊戲經), Phật bản hạnh tập kinh dị bản (Mahāvastu, 佛本幸集經異本), Bát thiên tụng Bát-nhã Ba-la-mật (Aṣṭasāhaśrikā Prajñā-pāramitā, 八千頌般若波羅密經), Từ bi liên hoa (Karuṇāpuṇḍarīka, 慈悲蓮華經), Đại thừa đại trang nghiêm (Mahāyāna-sūtrālaṅkāra, 大乘大莊嚴經), Pháp số danh tập kinh dị bản (Dharma-saṅgraha, 集經異本), Bồ-tát địa kinh (Bodhisattva-bhūmika Sūtra, 菩薩地經)… Và bốn Ba-la-mật phụ: Phương tiện ba-la-mật (Upāya-pārami, 方便波羅密), Nguyện ba-la-mật (Praṇidhāna-pārami, 願波羅密), Lực ba-la-mật (Bala-pārami, 力波羅密), Trí ba-la-mật (Jñāna-pārami, 智波羅密) được rút ra từ các kinh như Danh nghĩa đại tập (Mahāvyutpatti, 名義大集經, Đại thừa đại trang nghiêm (Mahāyāna-sūtrālaṅkāra, 大乘大莊嚴經), Pháp số danh tập kinh dị bản (Dharma-saṅgraha, 集經異本), Bồ-tát địa kinh (Bodhisattva-bhūmika Sūtra, 菩薩地經)…[21]

Trong khi bốn Ba-la-mật phụ trong văn học Pāli là: Nguyện ba-la-mật (Nekkhamma) thay cho Thiền định ba-la-mật (Dhyāna), Chân thật ba-la-mật (Sacca) thay Phương tiện ba-la-mật (Upāya/ Upāyakauśalya), Từ tâm ba-la-mật (Metta) thay cho Lực ba-la-mật (Bala), Xả ba-la-mật (Upekkhā) thay cho Trí ba-la-mật (Jñāna) trong văn học tiếng Phạn.[22] Hầu như các kinh Đại thừa đều nhấn mạnh sáu Ba-la-mật chính mà ít nhắc đến bốn Ba-la-mật phụ. Do đó, chỉ còn lại sáu Ba-la-mật.

 


 

[1] Paul Williams, Thích Thiện Chánh dịch, Nền tảng Phật giáo Đại thừa, NXB.Thuận Hóa, 2022, tr.268.

[2] Thích Hạnh Bình, Nghiên cứu khái niệm A-la-hán trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB.Hồng Đức, 2019, tr.582.

[3] Akira Hirakawa, Thích Hạnh Bình dịch, Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, NXB.Hồng Đức, 2022, tr.51.

[4] Sđd., tr.18.

[5] 10 việc phi pháp: 1. Diêm tịnh 鹽浄 (Singilonakappa), 2. Chỉ tịnh 指浄 (Dvangulakappa), 3. Tụ lạc gian tịnh 落浄 (Gamantarakappa), 4. Trụ xứ tịnh 處浄 (Avasakappa), 5. Tùy ý tịnh 随意浄 (Anumatikappa), 6. Cửu trụ tịnh 久住浄 (Acinnakappa), 7. Sinh hòa hợp tịnh 生和合浄 (Amathitakappa), 8. Bất-ích-lũ ni-sư-đàn tịnh 不益缕尼師壇浄 (Adasakanisi Danakappa), 9. Thủy tịnh 氺浄 (Jalogikappa), 10. Kim ngân tịnh 金銀浄 (Jatarapadikappa).

[6] La-hán ngũ sự 羅漢五事:

1. Dư sở dụ 餘所誘: bị người khác dụ dỗ, A-la-hán có thể bị thiên ma cám dỗ (xuất tinh) trong khi ngủ.

2. Vô tri 無知: không rõ, A-la-hán có thể chưa thấu rõ đối với một số pháp thế gian.

3. Do dự 猶豫: nghi hoặc, A-la-hán có thể nghi ngờ đối với một số pháp thế gian.

4. Tha linh nhập 他令入: A-la-hán phải nhờ người khác chỉ điểm mới có thể giác ngộ.

5. Đạo nhân thanh cố khởi 道因聲故起: A-la-hán khi thiền định nhận thấy thực tướng cuộc đời, thốt lên: “Ôi! Đời là khổ”, mới chứng đắc đạo quả.

[7] Xem thêm Thích Hạnh Bình, Nghiên cứu về năm việc Đại Thiên, NXB.Tôn Giáo, 2005.

[8] Thích Quảng Độ dịch, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, NXB. Ban Tu thư Đại học Vạn Hạnh, 1969, tr.33.

[9] Thích Quảng Độ dịch, Đại thừa Phật giáo tư tưởng luận, tr.212.

[10] Thích Minh Châu dịch, kinh Trung bộ 1, 8, kinh đoạn giảm, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.71.

[11] Phạm Kim Khánh dịch, Đức Phật và Phật pháp, NXB.Tôn Giáo, 2008, tr.567.

[12] Viên Trí, Khái niệm về Bồ-tát Quán Thế Âm lý thuyết và thực hành, NXB.Tôn Giáo, 2005, tr.53.

[13] Thích Minh Châu dịch, kinh Trường bộ 1, kinh Đại bổn, VNCPHVN, 1991, tr.502.

[14] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ 1, 26. Kinh Thánh cầu, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.214.

[15] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung bộ 2, 85. Kinh Bồ-đề vương tử, NXB.Tôn Giáo, 2012, tr.121.

[16] Dị bộ tông luân luận異部宗輪論》卷1:「一切菩薩不起欲想恚想害想。菩薩為欲饒益有情。願生惡趣隨意能往」(CBETA, T49, no. 2031, p. 15, c9-11).

[17] Tăng nhất A-hàm kinh《增壹阿含經》卷3742 八難品〉:

「復次,菩薩從[33]兜術天降神來下,在母胎中,是時地亦大動,是謂第二因緣使地大動。

「復次,菩薩降神出母胎時,[34]天地大動,是謂第三因緣使地大動。

「復次,菩薩出家學道,成無上正真等正覺,是時天地大動,是謂第四因緣使地大動。」(CBETA, T02, no. 125, p. 753, c20-25).

[18] Viên Trí, Khái niệm về Bồ-tát Quán Thế Âm lý thuyết và thực hành, NXB.Tôn Giáo, 2005, tr.137.

[19] Kinh Kim-cang Bát-nhã Ba-la-mật, Đoàn Trung Còn - Nguyễn Minh Tiến dịch, NXB.Tôn Giáo, tr.66.

[20] Từ điển Phật học Hán Việt, Viện Nghiên cứu Phật học, NXB.Khoa Học Xã Hội, 2004, tr.63.

[21] Thích nữ Giới Hương, Bồ-tát và tánh không trong kinh tạng Pāli và Đại thừa, 2006, tr.192.

[22] Sđd., tr.193.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle