Nhìn vạn pháp đúng như chính nó
nhin vao van phap
Nhìn vạn pháp đúng như chính nó
Chân Hiền Tâm
Tu, rốt cuộc là để nhìn vạn pháp đúng như chính nó.
Tôi không nhớ đã đọc câu đó ở đâu hay nghe từ một ai đó. Chỉ biết câu nói đó đã
in sâu vào tâm thức tôi như một công án để nghiền ngẫm. Kinh Pháp hoa nói
về tri kiến Phật. Kinh Niết-bàn nói về Phật tánh. Kinh luận khác thì nói
Niết-bàn, vô sinh, tâm chân như, v.v. Khá nhiều khái niệm để chúng sinh hình
dung cái chỗ mà mình phải chứng nghiệm cho được sau bao năm tu hành. Nhiều như
thế nhưng đều cùng nói về một nơi không có chỗ nơi. Nơi mà kinh luận gọi là bảo
sở, chẳng phải hóa thành. Điều đó không khó hiểu. Tùy duyên mà tên thành vô số.
Chỉ là chúng liên quan gì đến cái gọi là “nhìn vạn pháp đúng như chính nó” thì
tôi vẫn chưa hiểu ra.
Phải mất một thời gian, tôi mới nhận ra được mối liên hệ giữa các khái niệm với
lời nói đơn giản kia.
Hóa ra do chúng sinh không ai nhìn vạn pháp đúng như chính nó đang là. Ngay cả
bản thân mình đây, mình nhìn còn không đúng nói gì nhìn đúng những thứ không
phải mình. Thật sự là vậy. Rất ít khi mình nhìn cái gì cho đúng. Đa phần đều
nhìn mọi thứ theo lăng kính đã được trang bị cho tâm thức mà không hề biết. Khi
tới mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý thì đã có sẵn cái lăng kính ấy chi phối, nên
khó mà nhìn vạn pháp đúng như chính nó. Thơ ca, tục ngữ nhân gian đã nhấn mạnh
đến việc này khá nhiều, chẳng đợi phải đến kinh luận nhà Phật. Người mất búa
nhìn đâu cũng thấy người trộm búa, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ, v.v.
Những điều này nói nói lên tầm ảnh hưởng khá lớn của cái gọi là sở tri và phiền
não chướng đối với sự nhận thức của con người. Sở tri là những gì thuộc về phân
biệt, quan niệm, định kiến. Phiền não là những gì thuộc về cảm xúc như vui, buồn,
v.v. Hầu hết chúng ta đều nhìn thế giới này bằng chính phần sở tri và phiền não
đó. Chỉ khi đạt được cái trí của Phật, hoặc từng phần, hoặc toàn phần, con người
mới có cái nhìn tương đối chính xác đối với vạn pháp. Mới thấu được thực chất
của vạn sự vạn vật ở cõi đời này.
Ngẫm sự đời
Mới thấy chúng sinh nhìn vạn sự vạn vật lầm thì nhiều mà đúng thì không bao
nhiêu.
Bỏ qua mặt nhân duyên hình thành nên pháp
Sai lầm thứ nhất xảy ra khi ta nhận thức vấn đề mà bỏ qua mặt nhân duyên tạo ra
vấn đề đó. Nhưng đó lại là cách mà hầu hết mọi người đang ứng dụng cho cái thấy
hay cái nghe của mình.
Khổng Tử, người được đời coi như thánh nhân, vẫn không tránh được cái nhìn như
thế huống là phàm phu. Chỉ vì bỏ quên mặt nhân duyên tạo ra pháp.
Thời Đông Chu, Khổng Tử dẫn học trò du thuyết sang Tề. Có hai học trò giỏi là
Nhan Hồi và Tử Lộ đi theo. Dân chúng lầm than đói khổ, thầy trò Khổng Tử cũng
không thoát được cảnh đó. May thay, ngày đầu đến đất Tề, đã có một hào phú
biếu thầy trò ít gạo. Khổng Tử phân Tử Lộ dẫn các môn sinh vào rừng kiếm rau,
còn Nhan Hồi thì đảm nhận việc thổi cơm. Khổng Tử nằm đọc sách ở nhà trên, đối
diện với nhà bếp, cách một cái sân nhỏ.
Đang đọc sách bỗng nghe một tiếng “cộp” từ nhà bếp vọng lên, Khổng Tử ngừng đọc,
liếc mắt nhìn xuống, thấy Nhan Hồi mở vung, lấy đũa xới cơm cho vào tay nắm lại
từng nắm, rồi cho cơm vào miệng. Chứng kiến cảnh ấy, Khổng Tử thở dài,
ngửa mặt lên trời than: “Chao ôi! Học trò giỏi của ta mà lại đi ăn vụng…”. Thật
ra, Nhan Hồi không ăn vụng. Chỉ vì khi giở nắp xem cơm, một cơn gió
thổi qua, bụi trần rơi xuống làm bẩn lớp cơm trên. Ông quyết định ăn
phần cơm bẩn để thầy và các bạn không phải mất thêm phần cơm cho
mình.
Đánh giá một sự việc, nếu chỉ thông qua các hiện tướng trước mắt mà quên xét đến
mặt nhân duyên tạo ra các hiện tượng đó, tức chỉ thấy cái tướng bỏ cơm vào miệng
mà bỏ qua nguyên nhân vì sao có việc đó xảy ra, thì nhầm lẫn xuất hiện. Tuy vậy,
đây là loại nhận thức được dùng khá thông dụng trong giới chúng sinh và được ủng
hộ khá nhanh, khá mạnh.
Biệt danh Sư thái của tôi, tôi chưa từng biết Sư thái là ai. Chỉ biết khi lũ
nhóc gọi tên, thấy tôi ngơ ngác, chúng thích thú cười ồ với nhau, rồi một đứa
nhìn tôi nói: “Đó là bà Diệt Tuyệt Sư thái trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung,
một bà già khó tính, khó ưa, không cho đồ đệ dính vào chuyện ái dục”. Do chẳng
phải là nhân vật cao quý gì nên tôi để chúng được tự do. Chúng chịu đến chùa tu
hành là tốt rồi. Vui chút sẽ hứng thú hơn.
Không ngờ gọi hoài chết tên, thay luôn tên đời lẫn tên đạo. Thế là có chuyện xảy
ra với loại tri thức thiếu cái nhìn nhân duyên: “Thấy ngạo mạn chưa, dám vỗ ngực
xưng mình là sư…”. Từ một khái niệm bình thường, bỗng được tách đôi cho lòi chữ
sư ra để có cớ lý giải sao cho thuận với suy nghĩ của đương sự.
Những cái nhìn như thế, kinh Lăng-già gọi là tướng vọng tưởng. Là do vin
vào các tướng mà xuất hiện các loại tư tưởng không có thật, nên gọi là tướng
vọng tưởng.
Để chữa trị bệnh tật này, nhà thiền dạy “Phản quan tự kỷ bổn phận sự”. Quay lại
quan sát chính mình là việc bổn phận. Nhìn chỉ là nhìn, nghe chỉ là nghe, v.v.
Nghe mà thấy tâm khởi thì điều phục tâm, không cho khởi nữa. Tức không theo
ngoại cảnh mà khởi tâm tiếp.
Trong trường hợp phải đối diện, cần một sự giải quyết thì phải xét đến nhân
duyên đã khiến xảy ra các hiện tượng đó. Trong bất cứ việc gì đều nên đặt câu
hỏi nhân duyên nào đã đưa đến hiện tượng này? Phanh được tận nguồn mặt nhân
duyên của sự việc thì cái nhìn cái nghe của mình mới tránh được lầm lẫn. Nếu chỉ
ngay tướng mà đánh giá thì khó mà không vướng sai lầm. Đó là cách tôi dùng để
giải quyết những việc xảy ra quanh mình. Vì dù là một người giỏi giang, vẫn có
thể có những phút sai lầm. Và nếu là một người bê bối, vẫn có những lúc có nhiệt
tâm thật sự. Người giỏi, khiếm khuyết xảy ra chưa chắc do chính bản thân người
ấy sai mà vì có duyên cớ gì đó đã đẩy anh ta đến tình trạng đó, như tình trạng
của Nhan Hồi. Có thể có việc đó. Nhưng người bình thường bê bối thì không hẳn
khi nào người ấy cũng bê bối, dù xác suất xảy ra việc đó có khả năng nhiều hơn.
Vẫn có những lúc do duyên gì đó mà anh ta bị đẩy vào hoản cảnh đó, không hẳn do
anh ta bê bối. Vì thế luôn phải xét đến hoàn cảnh xảy ra sự việc, không thể thấy
hay nghe mà tin liền vào cái thấy cái nghe của mình. Phải tìm xem do nhân duyên
gì mà xảy ra những việc như thế. Có vậy mới mong nhận định của mình được đúng
đắn. Nhận định có đúng đắn thì việc giải quyết công việc mới được chính xác.
Trong việc tu hành, chúng ta có thể phá chấp cho đệ tử bằng mọi cách, không cần
lý lẽ. Vì có lý lẽ rồi thì đâu còn gọi là phá chấp. Nhưng trong công việc thì
nhất định mọi việc phải được giải quyết tương đối hợp tình hợp lý, tránh tình
trạng thiên lệch. Đó là cái nhìn của tôi khi xử lý công việc. Không thì dễ khiến
người thối tâm và bỏ cuộc khi họ chưa đủ tâm thức vượt sóng một mình.
Một lần tôi được báo cáo, một em trong đạo tràng đã lớn tiếng với những người
lớn tuổi.
May là hôm ấy, tôi vô tình có mặt ở đó. Nhân duyên cô bé lớn tiếng không phải do
nó sân hay bực, mà vì nó đứng xa mọi người, nên phải nói lớn lên, hy vọng mọi
người cùng nghe thấy. Thứ hai, vì sao phải lên tiếng để trở thành lớn tiếng, là
do nó thấy chư vị đã tự ý cho chả và dưa vào bánh mì theo ý mình mà không theo ý
của ban tổ chức, khi mọi thứ đã được quý thầy cô sắp xếp vừa đủ và đã có chỉ thị
rõ ràng. Thay vì hai chả, hai dưa leo, chư vị tự động cho thành ba chả, ba dưa
leo, để Phật tử ăn được ngon. Cho kiểu như thế thì các Phật tử trước ăn ngon,
nhưng các Phật tử sau sẽ phải ăn bánh mì không. Vì thế mà phải lên tiếng cho
kịp. Giọng nói tuy lớn nhưng vẫn nhỏ nhẹ, mềm mỏng. Với nhân duyên như thế, cô
bé không có lỗi. Do ý của chư vị bị cản, bất như ý xảy ra, nên thấy nghe thành
trái tai.
Những việc lặt vặt nhỏ nhặt như thế giúp mình tỉnh giác hơn với cái nghe cái
thấy của mình khi xử lý công việc. Đã phải xử lý công việc thì nên thấu được
nhân duyên tạo ra các hiện tượng đó. Tránh trường hợp thấy liền kết luận, nghe
liền tin nhận, rồi theo đó xử lý thì mọi việc khó tránh nhầm lẫn.
Vọng tưởng thái quá
Sai lầm còn xảy ra khi chúng ta nghĩ hơi quá những gì chúng đang xảy ra.
Thằng con uống rượu, tôi bảo đừng uống nữa, nó trả lời chỉ có khỉ trong rừng mới
không uống rượu và ăn chay. Thiên hạ bảo tôi nó đang chửi xéo bà. Cũng có thể là
vậy. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì không. Chẳng qua để biện minh cho tật
uống rượu của nó nên nó lý luận như thế. Không có tâm gì với bố mẹ.
Một lần họp bàn chuyện công quả phục vụ cho đại giới đàn. Do việc quá nhiều mà
lực lượng của đạo tràng lại mỏng, nhắm không thể phủ sóng hết tất cả, tôi mới
đưa ý kiến, “Nên nhận vừa đủ công việc mình có thể làm để làm cho đâu ra đó, còn
lại nên từ chối, để quý thầy cô biết mà còn lo liệu phân công cho các đạo tràng
hoặc thiền viện khác, tránh tình trạng ôm hết rồi làm không được, khiến mọi việc
hư hại”. Đó cũng là ý mà Hòa thượng Thường Chiếu thường nhắc đạo tràng trong các
buổi sách tấn. Thế nhưng, sau vài ngày, tôi được hỏi ngược, “Sao cô can thiệp
không cho đạo tràng tham gia công quả đại giới đàn?” Không biết do cố ý truyền
lệch mà lời nói của tôi thành như thế hay do vọng tưởng quá nhiều mà lời của tôi
được diễn lại theo cách như thế? Do gì thì cũng từ ý nghiệp mà ra. Người bị hiểu
lầm thì không có gì để mất nếu họ sẵn đủ công đức và bình tâm với việc đó. Nhưng
người truyền đi và nghe lại (rồi tin mà khởi tâm) thì coi như tự tạo ác nghiệp
cho bản thân. Song kiểu như thế ở thế gian không ít. Đọc sơ vài cái comment trên
mạng thì thấy tâm thức người ta vọng tưởng quá nhiều so với việc đang xảy ra.
Vọng tưởng rồi thì kế là nói nặng nhẹ. Coi như nặng nhẹ chính ý của mình, chẳng
phải sự việc vốn như thế, nhưng ít người nhận ra việc đó.
Cho nên, trong Lục thành tựu Phật dạy, mở đầu là “Như thị ngã văn”. Tôi nghe
đúng như vậy. Đúng, là Phật nói sao, tôi nghe và nói lại y chang, không thêm
không bớt ý nào. Nói vậy, không có nghĩa là không có chuyện thêm thế này hay bớt
thế kia trong việc giáo hóa của hàng đệ tử. Việc giảng dạy vẫn có thể không đồng
đối với các đệ tử của Phật khi diễn lại ý của Ngài trong việc giáo hóa. Vì là
tùy duyên, tùy căn cơ của chúng sinh được giáo hóa mà vấn đề được diễn giải có
thể thông thoáng hay dễ dãi hơn, miễn tinh thần và hướng đến vẫn không trái với
kinh luận, song nhờ đó chúng sinh có thể thâm nhập được ít nhiều những gì Phật
dạy. Nhưng đó là trong các bài giảng, còn mở đầu kinh luận thì vẫn “Như thị ngã
văn”. Nghe gì nói lại đúng như vậy, không thêm, không bớt.
Để trị tật bệnh vọng tưởng thái quá này, cần thực hành chánh niệm trong mọi oai
nghi. Tâm không tán loạn thì mới mong nghe gì hiểu y nấy. Càng không nên có tâm
xiên xẹo hay thương ghét nhiều quá. Đã có tâm xiên xẹo, thương ghét thì dù nghe
đúng, diễn lại cũng thành sai. Cái này gọi là biết mà cố phạm.
Nhận thức không đúng tầm
Sai lầm còn xuất hiện khi sự nhận thức của mình không ngang tầm đối với vấn đề
đang xảy ra.
Do sự không ngang tầm này mà Văn Thù Sư Lợi đã có vô lượng kiếp ở địa ngục trước
khi thành đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ-tát.
Sau khi Phật Sư Tử Âm Vương vào
Niết-bàn, Chánh pháp trụ sáu vạn năm, các cây báu không còn phát ra các pháp âm
không, vô tướng, vô tác, bất sinh, bất diệt, vô sở hữu, v.v. như lúc Phật còn
tại thế. Kiếp ấy, tiền thân của Văn Thù Sư Lợi là Thắng Ý. Ông là một vị pháp sư
giữ giới thanh tịnh, thực
hành hai hạnh đầu đà, được Tứ thiền và Tứ vô sắc định. Đệ tử của ông căn tánh ám
độn, nhiều tham cầu, tâm luôn động chuyển, vì phân biệt giữa tịnh và bất tịnh.
Do công phu chỉ ngang tầm Tứ vô sắc định,
chưa thâm nhập được âm thanh
đà-la-ni, nên với cái nhìn của ông, pháp sư Hỷ Căn trở thành kẻ “dối
gạt mọi người đắm trong đường tà. Chỉ dạy người rơi vào tà ác, hư dối. Dám nói
dâm, nộ, si và hết thảy pháp tướng đều là tướng vô ngại”. Thực chất Hỷ Căn là
hàng Bồ-tát tối thượng, dung nghi chất trực, tâm không phế bỏ thế pháp, cũng
không phân biệt thiện ác. Nếu thế pháp hay ác pháp có thể giúp chúng sinh hướng
thượng hay trừ bỏ các ác pháp thì pháp sư chẳng ngại dùng nó. Ông không khen
ngợi thiểu dục tri túc, không khen ngợi giới hạnh đầu-đà, chỉ nói về thật tướng
thanh tịnh của các pháp. Ông thường dạy đệ tử tất cả pháp tướng, tướng dâm dục,
tướng sân nhuế, tướng ngu si tức là thật tướng các pháp, không có ngăn ngại. Rồi
dùng phương tiện ấy dạy đệ tử nhập Nhất thiết trí. Đệ tử của Hỷ Căn, đa phần
thông minh, thích nghe pháp sâu xa, đối với mọi người tâm không sân, không hối,
cũng không có hối tiếc, được Vô sinh nhẫn và Vô sinh pháp nhẫn, ở trong thật
pháp, tâm như núi Tu-di, không lay động.
Bắt nguồn từ cái nhìn không đúng rồi tạo khẩu nghiệp, Thắng Ý đọa vào địa ngục,
thọ khổ vô lượng ngàn ức năm. Ra khỏi địa ngục, sinh trong loài người rồi,
thường bị bài báng bảy mươi bốn vạn năm, không nghe được tiếng Phật trong vô
lượng kiếp, dầu có nghe được Phật pháp, xuất gia học đạo, vẫn trở lại xả giới
trong sáu vạn ngàn đời, nếu không xả giới thì các căn cũng ám độn.
Quả báo của việc không đủ trí tuệ mà cứ hướng ra ngoài phê bình, xúi giục thiên
hạ làm chuyện không đâu, v.v. kinh hãi như thế, nhưng ít ai biết để mà tránh. Cứ
chấp vào cái trí cạn cợt của mình mà tha hồ gõ bàn phím thì quả khổ khó tránh
trong tương lai.
Cho nên, không phải thứ gì cũng có thể đánh giá trên mặt hình tướng theo thế
thường của người đời.
Đông và nhiều là thắng? Không hẳn. Có khi ít và thưa mà vẫn thắng. Vì Phật pháp
không y cứ trên số lượng mà y cứ trên tâm lượng. Ít mà tâm lượng rộng lớn, bao
dung, không hơn thua, tranh giành, gian dối, v.v. thì vẫn thắng. Nếu đông mà
được như thế thì đông là thắng. Nhưng nếu đông mà chỉ trụ tâm ở phước báu cúng
dường, thiếu định tuệ, tâm danh lợi không hàng phục, tranh giành, hơn thua không
bỏ, v.v. thì đông không phải thắng. Do ý này mà các kinh thường có đoạn kết:
“Nếu có thiện nam tín nữ nào thường thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói kinh
này thì phước báu của người này hơn hẳn người bố thí bảy báu, lượng bằng thế
giới trải qua số kiếp vô lượng a-tăng-kỳ”. Lợi ích chúng sinh được căn cứ trên
tâm lượng, không căn cứ trên số lượng, nên không thể chỉ y cứ trên số lượng để
đánh giá việc lợi ích.
Cũng không thể mang thói thường của người đời ra để đánh giá một sự việc dù có
khi nó phù hợp với một phần nào đó của kinh luận.
Ai cũng biết giới đầu trong năm giới của Phật tử tại gia là không sát sinh. Ngay
cả với những con vật nhỏ bé, nếu hạn chế được vẫn nên hạn chế. Tuy vậy, Tổ Trúc
Lâm từng cầm quân đánh giặc. Luận theo đó thì thấy việc làm của Tổ dường như
đang khiến người phạm giới do không biết nhẫn. Nhưng đã là Tổ thì nhất định mọi
việc làm của ngài đều có nhân duyên và thuận theo nhân duyên. Chẳng phải là việc
có thể để chúng sinh phán xét đúng sai.
Giả như đó không phải là Tổ, định tuệ và công hạnh của ngài không phủ khắp từ
xưa đến nay, có lẽ ngài đã trở thành bia miệng của người đời như một số việc
hiện nay. Một tổ chức lợi dụng màu áo tôn giáo để trục lợi, tuyên truyền xuyên
tạc giáo pháp và giới luật của Phật khá rõ ràng, thêm nhiều việc sai trái khác
nữa. Một người hiểu rõ về tâm lượng và các loại tập khí của chúng sinh, chúng có
tác dụng dẫn dắt con người thế nào, v.v. thì không cần điều tra, cũng hiểu hết
những việc xảy ra trong đó. Tuy vậy tổ chức ấy đã tồn tại khá lâu vì không ai
đụng được vào đó. Cho đến khi có người đứng ra thưa kiện, cơ quan thẩm quyền mới
có điều kiện bóc trần sự thật và dẹp đi, thì người có công lại bị công kích, phỉ
báng, cho là làm trái với giới luật và những gì kinh luận đã dạy. Ngay cả Phật
tử cũng không tránh được cái nhìn đó.
Hoặc như việc chùa giàu hay chùa nghèo, cách độ sinh ra sao, v.v. là tùy căn cơ
của chúng sinh từng miền, không phải cứ chùa nhỏ mới là chánh, chùa lớn là không
chánh, không phải chỉ Tăng Ni không nhận tiền cúng dường mới là chánh mà nhận
tiền cúng dường là không chánh. Chánh hay tà không nằm ở chùa to Phật lớn hay
chùa bé Phật nhỏ, cũng không nằm ở việc có nhận cúng dường hay không, v.v. Vấn
đề là khi chư vị xuất hiện, dân chúng nơi đó có an cư lạc nghiệp không, thiện
nghiệp có được tăng trưởng không, xã hội có ổn định không, tệ nạn, trộm cướp,
giết người, v.v. có giảm thiểu không. Có là thành công rồi. Người ta cúng dường
nhiều mà chịu thuận theo quý Tăng Ni tạo thiện nghiệp, giữ giới, khiến xã hội an
bình là được. Còn giàu nghèo hay phương cách độ sinh thế nào là tùy căn cơ chúng
sinh và hạnh nguyện của chư vị. Kinh Niết-bàn nói khá rõ về loại phương
tiện độ sinh này. Do trí không đủ nên nhìn không thấu rồi thành chuyện thị phi.
Tất cả là do biết một mà không biết hai. Chỉ mới hiểu được phần giáo
pháp đối trị mà Đức Phật đã dạy, chưa thấu được phần giáo điển thâm sâu mà Phật
muốn truyền trao, như Tổ Nhân Tông được Tuệ Trung Thượng Sĩ dạy “Giữ giới
cùng nhẫn nhục/ Chiêu tội chẳng chiêu phước/ Muốn biết không tội phước/ Chẳng
giữ giới nhẫn nhục…”. Phần giáo pháp mà sau khi nói ra với Tổ Trần Nhân
Tông, Tuệ Sĩ dặn, “Chớ nói cho người không ra gì biết”.
Do thâm nhập được phần giáo pháp thâm sâu này mà mọi việc làm của Tổ sư đều
thành diệu dụng với chúng sinh. Không đánh cũng là dụng. Đánh cũng là dụng.
Không kiện cũng là dụng. Kiện cũng là dụng, v.v. Dụng pháp nếu đúng duyên, lợi
ích được cho người, thì tất cả pháp đều là Phật pháp. Cho nên, trong nhà Phật
thường có các câu, “Y kinh giải nghĩa tam thế Phật oan. Lìa kinh một chữ tức
đồng ma thuyết”, hoặc “Y pháp bất y nhân”, v.v.
Để đối trị những sai lầm tương tự thì những gì không phải là sở trường hiểu biết
của mình, tốt nhất không nên khởi tâm. Phật giáo rộng lớn thâm sâu lắm! Phần thô
của Phật giáo còn chưa ứng dụng được, lấy gì mà thâm nhập được phần giáo pháp tế
để không mắc sai lầm khi chạm cảnh khởi tâm? Không nên làm anh hùng bàn phím khi
những hiểu biết của mình về đạo giáo còn cạn cợt. Phản quan tự kỷ cho an toàn.
Hiện tại an bình mà tương lai không phải nhận quả khổ. Còn mọi thứ ở đời này đều
có nhân duyên và nhân quả. Những gì hiện tại người ta đang nhận được là do nhân
duyên đã tạo từ quá khứ. Những gì hiện tại người ta đang tạo ra, nhất định có
quả báo khi đủ duyên. Không đợi mình phải can thiệp mà can thiệp sao được với
tâm trí thấp kém của mình, chỉ gây thêm hoang mang cho người khác. Việc gây
hoang mang đó sẽ có cái quả không hay trong tương lai khi đủ duyên.
Thấy mọi thứ đều thật
Sai lầm nền tảng nhất chính là thấy các pháp đều thật, trong khi Phật bảo tánh
các pháp là không, thảy đều duy tâm sở hiện, như ngủ rồi mộng mà thấy mọi cảnh
giới, không thứ gì có chất thật. Nhưng hầu hết chúng sinh không ai thấy được
điều đó. Đều thấy mọi thứ là thật. Không thấy tất cả đều từ tâm hiện. Đây cũng
chính là nền tảng khiến mọi loại vọng tưởng nói trên sinh khởi. Vọng tưởng khởi
rồi thì khẩu nghiệp và thân nghiệp khởi theo.
Nếu rõ được mọi thứ không thật, sẽ không có gì bận tâm. Tâm không thật, thân
không thật, thế giới chung quanh cũng không thật thì chẳng còn đua tranh, hơn
thua, khiến sinh khởi các bất thiện nghiệp. Nhưng vì thấy mọi thứ là thật nên
vọng tưởng sinh khởi. Trên cái không thật lại sinh khởi nhiều cái không thật
khác. Tham, sân, si theo đó mà huân tập. Đủ lực liền biến thành cảnh giới như
thật như hiện nay.
Để đối trị việc này cần phải có sự tu tập, phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo;
thường xuyên quán các pháp không có thật, đều từ tâm mình hiện ra. Nói từ tâm
hiện ra là muốn người biết cội nguồn từ đâu mà có muôn sự muôn vật. Đều từ tâm
vọng tưởng nơi mỗi người xuất ra. Hạnh phúc hay bất hạnh đều bắt nguồn từ thân,
khẩu, ý nghiệp của mình, chẳng phải từ người mà có, như chúng ta vẫn lầm tưởng
bao lâu nay. Mọi ý tưởng và hành vi của mình đều được huân tập, lưu giữ trong
tạng thức, đủ duyên thì hiện ra thân căn và thế giới quanh mình như cách ngủ rồi
mộng. Do vô minh mà chúng ta có loại trường mộng như hiện nay.
Trực nhận tánh không của vạn pháp
Cho nên, tu hành cuối cùng là để trực nhận cho được phần tánh không này của vạn
pháp. Cũng chính là phần Phật tánh sẵn đủ trong mỗi chúng sinh, chỉ do vô minh
mà không thể sống được với Phật tánh của mình. Sống được với Phật tánh thì mọi
cái nhìn đều đâu ra đó. Không sống được với Phật tánh, tức bị vô minh dẫn chạy
thì lầm từ việc này sang việc kia, khổ từ kiếp này sang kiếp khác. Vì tuy mọi
thứ không thật nhưng một khi đã chấp thì mọi thứ đều thành thật. Thân thật, tâm
thật, khổ thật, sướng thật, v.v.
Kinh Lăng nghiêm nói về chủ và khách, về vọng và chân; kinh Lăng-già
nói về mười một loại vọng tưởng, thảy đều muốn giúp người tu nhận ra thứ gì là
vọng, thứ gì là chân để biết đường mà phân ranh, chọn lựa. Bỏ vọng về chân hoặc
ngay vọng nhập chân, không để vọng kéo lôi nữa. Từ chỗ hiểu đến chỗ ngộ nhập là
một quá trình, gọi quá trình đó là tu hành. Thể nhập được rồi thì hết thảy đều
nhìn các pháp đúng như chính nó.