Mẹ - chủ đề vĩnh cửu của văn nghệ
me b
Mẹ - chủ
đề vĩnh cửu của văn nghệ
HUỲNH NHƯ
PHƯƠNG
Từ xưa đến nay, trong các loại hình dân
gian, cổ điển và hiện đại, Mẹ luôn là chủ đề vĩnh cửu, là nguồn cảm hứng của
văn nghệ.
Những thiên truyện cảm động nhất của Tô Hoài, Thạch Lam, Hồ Dzếnh, Thanh
Tịnh, Võ Hồng, Nhật Tiến… đều viết về tình mẫu tử. Những ca khúc truyền cảm
nhất của Phạm Duy, Nguyễn Văn Tý, Trịnh Công Sơn, Phạm Thế Mỹ, Y Vân, Trần
Tiến… đều dành để ngợi ca lòng mẹ.
Mỗi nghệ sĩ chỉ có một bà mẹ, vậy mà
không ai nghĩ rằng tác phẩm của mình viết về mẹ chỉ một lần là đủ. Cũng không
ai nghĩ rằng chỉ cần đọc một bài thơ, một truyện ngắn hay nghe một bản nhạc về
mẹ là đủ. Hình như trong mỗi tác phẩm ta lại cảm nhận một khía cạnh của tình
mẫu tử, một trắc diện của chân dung người mẹ.
Phạm Duy miêu tả người mẹ Việt Nam như một
điển mẫu nghệ thuật: Mẹ Việt Nam không
son không phấn/ Mẹ Việt Nam chân lấm tay bùn/ Mẹ Việt Nam không mang nhung gấm/
Mẹ Việt Nam mang tấm nâu sồng. (Trường ca Mẹ Việt Nam).
Trịnh Công Sơn cảm xúc về thân phận con
người qua lời ru của mẹ: Mẹ ngồi ru con
đong đưa võng buồn năm qua tuổi mòn/ Mẹ nhìn quê hương nghe con mình buồn giọt
lệ ăn năn/ Giọt lệ ăn năn đưa con về trần tủi nhục chung thân/ Một dòng sông
trôi cuốn mãi về trời bấp bênh phận người. (Ca dao mẹ).
Phạm Thế Mỹ tái hiện hình tượng mẹ và
con hòa nhập giữa thực và mộng: Đêm qua
mơ thấy con về con ơi/ Trông con như lúc con còn thơ ngây/ Con đi qua đồng lúa
khi trăng lên đầu làng/ Chân không lo đạn mìn chân vui niềm thơ ấu/ Xa xa đồn
bót vắng hội làng pháo nổ ran/ Mẹ ôm con vào lòng đầu hè dế hát vang. (Giấc mơ của mẹ).
Hình ảnh mẹ nhập thân vào hình ảnh tuổi
thơ, hình ảnh quê hương đất nước như vậy đó.
Năm ngoái, giữa mùa đại dịch, nhà báo
Nguyễn Đình Xê xuất bản một tập tản văn viết về kỷ niệm thời niên thiếu, trong
đó nổi bật hình ảnh người mẹ của tác giả. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả đặt
tên sách là Rửa chén cùng mẹ. Tác giả
nhớ đến những tờ bạc lẻ mẹ dành dụm cho con, những chùm nhãn hái trong vườn quê
ngoại đem về cho mẹ, nhất là nhớ cảm giác êm đềm khi cùng mẹ vào bếp rửa chén,
không còn ngượng ngùng hay bối rối khi bị bạn gái bắt gặp như thuở thiếu niên.
Đọc Nguyễn Đình Xê, tôi nhớ một đoạn
văn trong Bông hồng cài áo của Thiền
sư Nhất Hạnh mà hồi nhỏ tôi rất thích: “Ngày xưa, thầy giáo hỏi rằng: ‘Con mà
thương mẹ thì phải làm thế nào?’. Tôi trả lời: ‘Vâng lời, cố gắng, giúp đỡ,
phụng dưỡng mẹ lúc về già và thờ phụng khi mẹ khuất núi’. Bây giờ thì tôi biết
rằng con thương mẹ thì không phải ‘làm thế nào’ gì hết. Cứ thương mẹ thế là đủ
lắm rồi, đủ hết rồi, cần chi phải hỏi ‘làm thế nào’ nữa!”. Ý tác giả nói rằng
yêu thương là một cái gì tự nhiên, mà đã yêu thương thì sẽ dẫn đến hành động.
Biết vậy, nhưng tôi nghĩ Thầy Nhất Hạnh
là bậc tu hành, phẩm hạnh của Thầy đủ làm đẹp lòng mẹ; còn chúng ta là người
bình thường phải biết cách yêu thương mẹ và làm mẹ vui lòng bằng cả những việc
nhỏ: quét nhà, đi chợ, lặt rau, nấu cơm, rửa chén. Có những người con lớn lên,
làm những việc trọng đại, nhưng hẹn lần hẹn lữa không về thăm mẹ, cả năm không
viết được cho mẹ một lá thư. Đâu có thể nói tình thương không cần bày tỏ.
Trong một bài viết nhân ngày 30/4 năm
nay, một nhà văn có đề cập đến tình huống những người con đi kháng chiến hay
tập kết ra miền Bắc, hòa bình về gặp lại gia đình ở miền Nam đã khiến mẹ cha
thất vọng vì không giúp đỡ được gì về kinh tế. Tôi nghĩ trong cuộc sống có thể
cũng có trường hợp như vậy. Nhưng nếu từ đó mà khái quát lên thì có lẽ không
hiểu gì về người miền Nam. Nếu những bà mẹ miền Nam chờ kháng chiến thành công
để được đền đáp thì có lẽ họ đã không đủ sức chờ đợi.
Chính vì vậy mà tôi tâm đắc với ý của
nhà văn Vu Gia trong một cuốn sách vừa xuất bản: Một thoáng tuổi thanh xuân. Đây là tập hợp những tiểu luận và tản
văn tác giả viết về văn hóa Phật giáo chan hòa trong văn hóa Việt Nam. Ông dành
bốn bài viết để bàn về lễ Vu lan, về chữ Hiếu và sự đền đáp công cha nghĩa mẹ.
Trong bài “Chữ Hiếu đơn giản lắm”, Vu Gia cho rằng ta nên thực hành chữ Hiếu
bằng những việc làm đơn giản. Đứa bé tự chăm sóc bản thân, không phiền đến mẹ
cha là hiếu. Lớn lên, cố gắng học tập, mỗi năm lên một lớp, thi đậu cho cha mẹ
vui lòng là làm tròn chữ hiếu. Những người con đi học, đi làm xa chỉ cần mỗi
buổi tối nhắn tin: “Hôm nay mẹ khỏe không, con ổn nhé” là có thể giúp mẹ ngủ
yên giấc.
Thời trước ở miền Nam, trong
chương trình phổ thông có dạy tác phẩm Nhị
thập tứ hiếu, kể về 24 tấm gương hiếu thảo nổi tiếng trong lịch sử Trung
Quốc, được Lý Văn Phức diễn nôm bằng thơ song thất lục bát dễ thuộc. Nhưng các
bạn học và cả tôi hồi đó đều bảo rằng có những tấm gương khó noi theo quá, mà
cũng không nên noi theo. Có lẽ không bậc cha mẹ nào muốn con đào hố chôn cháu
để dành phần cơm nuôi mình hay để con nếm phân để chẩn đoán bệnh của mình. Hiếu
đễ phải trở thành sinh hoạt bình thường của con người bình thường thì mới trở
thành đạo đức phổ quát của đời sống.
Hai tháng qua công chúng văn nghệ xôn
xao bàn tán về phim Em và Trịnh của
đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Người khen nhân vật, diễn viên này; người chê nhân
vật, diễn viên kia. Nhưng có một nhân vật mà ít người chú ý, đó là bà mẹ của
nhạc sĩ. Một người phụ nữ góa chồng khi còn trẻ, một mình chèo chống gia đình
qua bao thử thách, nuôi dạy những người con thành đạt. Bà vun đắp cho hạnh phúc
các con, nhưng không can thiệp vào quyết định hướng đi cuộc đời của họ. Chắc
hẳn bà là người gợi cảm hứng và chăm chút cho sự nghiệp của Trịnh Công Sơn,
người nhạc sĩ tài hoa đã viết những ca khúc tuyệt vời liên quan đến hình ảnh
người mẹ: Gia tài của mẹ, Ca dao mẹ,
Huyền thoại mẹ, Lời mẹ ru, Người mẹ Ô Lý, Lời ru đêm, Ngủ đi con, Sao mắt mẹ
chưa vui, Đường xa vạn dặm… Nhân chuyến lưu diễn của Khánh Ly, chợt nghĩ
một nhà tổ chức biểu diễn nào đó thử dựng một chương trình ca nhạc chỉ gồm
những bài hát về mẹ và về lời ru của Trịnh Công Sơn. Đó sẽ là một chương trình
độc đáo, có sức chữa lành những vết thương và hàn gắn những chia rẽ vẫn còn âm
ỉ trong cộng đồng dân tộc.
Nghĩ đến bà mẹ của Trịnh Công Sơn,
tôi nhớ đến nhạc mẫu của tôi vừa từ trần ở Đà Nẵng cách đây đúng 49 ngày. Cụ bà
cũng là người phụ nữ đã trải qua những biến cố đau thương trong cuộc đời. 40
tuổi mất chồng và con trai lớn trong một tai nạn, bà ở vậy làm nghề hộ sinh,
nuôi dạy bảy người con ăn học nên người, dựng vợ gả chồng cho các con. Nhà vườn
ở ngã tư Thanh Khê bị giải tỏa trắng, đền bù bất công, bà vẫn âm thầm chịu
đựng, không một lời than vãn, tìm cách tạo điều kiện cho các con ổn định nhà
cửa trước khi bà nhắm mắt. Những buồn khổ bà giãi bày trên các trang nhật ký
cho riêng mình, bên ngoài thì luôn giữ niềm vui cho con cháu dưới bóng mát gia
đình.
Nhạc mẫu tôi là Phật tử thuần thành,
quy y với pháp danh Nguyên Chứng. Gần nửa thế kỷ bà đi lễ, dự các khóa tu và
tham gia Phật sự ở chùa Xuân Hòa, quận Thanh Khê. Trong tang lễ bà, quý sư cô
và đạo hữu nhà chùa đã đến tụng một thời kinh đưa tiễn, rồi sắp xếp để dành chỗ
trí linh ảnh và bài vị cụ bà ở chùa. Hôm đưa bà lên Đài hóa thân An Phước Viên
rồi nhận về một hũ tro nhẹ bỗng, cả căn nhà trống vắng, im lìm sau tang lễ.
Những vòng hoa đã dọn dẹp. Bà con láng giềng đều đã ra về. Tôi ngồi với mấy đứa
cháu trên bậc thềm nhà gần bàn thờ nhạc mẫu. Bỗng từ ngoài đường vọng vào tiếng
rao: “Ai đậu hũ hông?” Một đứa cháu thốt lên: “Ôi, nhớ Nội quá, nếu Nội còn Nội
sẽ gọi gánh đậu hũ vào mua cho các cháu, tuổi thơ của cháu đó”.
Chúng tôi gọi gánh đậu hũ vào, mua một
chén đặt lên bàn thờ cụ bà. Rồi mỗi người bưng cái chén của mình lặng lẽ ăn,
nghe tiếng gió thổi qua những cành lá ngoài vườn trong một buổi chiều hè buồn
bã.