Nhận thức về cầu nguyện trong Phật giáo
nhan thuc a
NHẬN
THỨC VỀ CẦU NGUYỆN
TRONG PHẬT GIÁO
Lương
Thị Thu Hường
Tóm tắt: Thời Đức Phật tại
thế, Ngài không chủ trương hay khuyến dạy các đệ tử của Ngài lấy việc cầu
nguyện làm cứu cánh. Đức Phật cũng không bài trừ hay phản đối tất cả mọi sự cầu
nguyện, vì cầu nguyện là một nhu
cầu thiết thực trong đời sống người dân. Tuy nhiên, cầu nguyện vấn đề gì, cầu nguyện ai
và khi nào cầu nguyện có hiệu quả là những nội dung cần được làm sáng tỏ. Qua đó, việc cầu
nguyện trong Phật giáo không
bị nhìn nhận sai lệch.
Đồng thời, người cầu nguyện sẽ thiết lập sự hiểu biết chân chánh để hiện thực
hóa những điều cầu nguyện.
Từ
khóa: cầu nguyện, cầu nguyện trong Phật giáo, cầu an,
cầu siêu.
1.
Cầu nguyện trong Bà-la-môn giáo
Trước
thời Đức Phật,
Bà-la-môn giáo từng
là quốc giáo nước Ấn Độ cổ. Bà-la-môn giáo tôn thờ các vị thần như Brahma (đấng
sáng tạo, đấng tạo hóa), Vishnu (đấng bảo tồn) và Shiva (đấng hủy diệt). Trong
các buổi tế lễ cầu thần của các giáo sĩ Bà-la-môn, rất nhiều sinh vật bị giết, bị đâm. Sự thật này được ghi nhận trong kinh Trường bộ, thuộc tạng Nikāya như sau: “Một đàn tế lễ lớn đang được thiết lập
cho Bà-la-môn Kūṭadanta, bảy trăm con bò đực, bảy trăm con bê đực lớn, bảy trăm
con bê cái lớn, bảy trăm con dê và bảy trăm con cừu đã được dắt đến trụ tế lễ
cho đàn tế”.
Kinh Tương
ưng và Trung A-hàm
cũng ghi nhận việc tế đàn cầu nguyện của các vị Bà-la-môn bằng việc sát hại hàng trăm
con bò đực, bò cái, nghé đực, nghé cái, dê, cừu. Kinh Tăng chi còn ghi lại cụ thể một đàn tế lễ với quy mô lớn
các loài vật bị giết, dưới sự bảo trợ của vua Pasenadi (Ba-tư-nặc) tại nước
Kosala (Kiều-tát-la).
Tại các buổi lễ cầu
nguyện, ngoài các sinh vật bị đâm chết, còn có những người cùng đinh, nghèo khốn
bị đánh đập, hành hạ. Buổi lễ cầu nguyện của các giáo sĩ Bà-la-môn luôn đi cùng tiếng kêu khóc, la hét.
Như
vậy, cầu nguyện trong Bà-la-môn giáo được thực hiện thông qua việc tế lễ. Mục
đích chính là thị uy vai trò quan trọng của các giáo sĩ Bà-la-môn trong việc thực
hiện nghi thức cúng tế cho vương gia, sau là để thỏa mãn dục vọng được cung phụng
thánh thần. Lễ cầu nguyện không chỉ nhuốm máu của hàng vạn súc sinh bị giết, mà còn nhuộm
đau thương của giai cấp nô lệ, thấp kém trong xã hội.
Các
bản kinh trong cả hai tạng Nikāya và A-hàm đều ghi nhận thái độ không đồng
tình, không chấp nhận của Đức Phật trước những lễ cầu nguyện, tế đàn gây tang thương cho chúng sinh.
Ngược lại, Ngài tán thán “những đại hội tế lễ
không mang lại tai nạn, không khiến chúng sinh khổ nhọc”, hoặc “những tế đàn khiến nội tâm được an
vui, hoan hỷ”.
Có thể hiểu, việc cầu nguyện nào gây nguy hại, tổn thất, tai họa cho chúng sinh đều không thuộc phạm trù cầu nguyện trong Phật giáo. Ngược lại,
những việc cầu nguyện đem lại lợi ích, an
vui, hạnh phúc cho chúng sinh được Phật giáo thực hiện và tán thành.
Nền tảng căn bản đầu
tiên để tiến hành cầu nguyện là người cầu nguyện cần có niềm tin bất động vào Chánh pháp. Người cầu nguyện tin sâu chắc trong họ
có tính Phật và họ có thể trở thành Phật. Từ đó, họ tự thực hiện việc cầu nguyện với tất cả tâm thành kính, cầu
nguyện với tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả. Khi ấy, người cầu nguyện, lời nguyện cầu và đối tượng được cầu nguyện đều lợi lạc, an vui, thuần tịnh. Một điển hình như lời cầu nguyện được dâng lễ phẩm cúng dường của quốc vương Địa Chủ đến Tăng đoàn vào thời Đức Phật Đăng
Quang: “Như ý của con, hôm nay chúng Tăng ăn bằng
bát này, ngày mai ăn dùng bát khác, hôm nay chúng Tăng mặc y phục này, ngày mai
mặc y phục khác; hôm nay chúng Tăng ngồi tòa này, ngày mai ngồi tòa khác; hôm
nay sai người hầu này đến hầu chúng Tăng, ngày mai đổi người hầu khác”. Sau khi lắng nghe lời cầu nguyện của quốc
vương, Đức Phật Đăng Quang đáp lời: “Tùy
ý nguyện của vua, nay là lúc thích hợp”.
Nền tảng căn bản thứ hai
để thiết lập cầu nguyện là người cầu nguyện không cầu nguyện vì tâm tham, tâm sân hay tâm si. Khi người thực hiện cầu nguyện không bị chi phối hay dính mắc vào địa vị, danh
vọng, tài sản, được mất, hơn thua, sự cầu nguyện sẽ diệu dụng, sẽ lan tỏa cùng khắp mà nhà Phật gọi là “cảm ứng đạo giao nan tư nghị”. Kinh A-xà-thế vương thọ quyết
kể lại câu chuyện một bà lão rất nghèo dâng cúng dường dầu, thắp đèn cho Đức
Phật thuyết pháp. Vì biết lượng dầu dâng cúng cho Đức Phật không đủ để thắp suốt
đêm, bà đã nhất tâm phát lời đại nguyện:“Nếu ngày sau con có thể chứng đắc đạo quả
như Phật, nguyện cho số dầu này sẽ cháy được suốt đêm, ánh sáng không bao giờ tắt
mất”.
Khi trời sáng, ngọn đèn của bà lão nghèo không những không tắt mà còn sáng thêm
lên. Sau đó, Đức Phật đã ấn chứng lời nguyện thánh thiện, toàn tâm toàn ý của
bà lão sẽ trở thành sự thật.
Nền tảng thứ ba để thiết
lập cầu nguyện là người cầu nguyện có đời sống chân chánh, cao thượng. Điều này được
Đức Phật khẳng định trong bản kinh Bhūmija, số 126 thuộc kinh Trung bộ (hay kinh Phù-di, số 173, thuộc Trung-A-hàm) như sau: “Này Bhūmija, những Sa-môn hay Bà-la-môn nào có chánh kiến, chánh tư duy,
chánh ngữ chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm, chánh định, nếu
họ có ước nguyện hành Phạm hạnh, họ đạt được quả vị”.
Ngoài
ra, nếp nghĩ đúng Chánh pháp, hành động hợp lẻ phải cũng là nền tảng thiết
yếu cho việc cầu nguyện. Tạp
A-hàm, quyển 34, bài kinh Hằng hà số 946
ghi nhận Đức
Thế Tôn đã hoan hỷ tán thán khi Bà-la-môn đến gặp Ngài và thỉnh cầu: “Xin Thế
Tôn cho phép con xuất gia tu phạm hạnh trong Chánh pháp luật”.
Tương tự, Tiểu bộ kinh có kể lại câu chuyện vương hậu Cānda đã
khởi tâm cầu nguyện có một
đứa con trai và bà đã thành tựu ước nguyện nhờ vào đời sống đức hạnh của bà.
Như vậy,
nền tảng thiết lập sự
cầu nguyện trong Phật giáo chính là tâm thái an vui,
hoan hỷ, cung kính, thành tâm; là nếp sống đạo đức, thực hành đúng Chánh pháp của người cầu nguyện. Mọi sự cầu nguyện phi pháp, làm tăng trưởng lòng tham, lòng sân và lòng si đều không phải là sự cầu nguyện trong Phật
giáo.
2.3.
Cầu
nguyện ai, cầu nguyện điều gì
Trong các bản kinh thuộc tạng Nikāya và A-hàm vừa
nêu trên, lời cầu nguyện chính là những tiếng lòng từ các vị đệ tử
Phật hoặc của người ngoại đạo kính dâng lên Đức Thế Tôn. Những người cầu nguyện
kính thưa ước nguyện của chính họ hoặc của tha nhân lên Đức Phật và ngưỡng mong
Đức Phật chứng minh cho mong ước của họ. Người cầu nguyện không cầu Đức Phật ban phước hay tha tội. Ngược
lại, Đức Phật cũng không ban ơn hay ban phước cho bất kỳ lời nguyện
xin nào. Ngài chỉ là người
lắng nghe, chứng minh cho những lời cầu nguyện, những lời phát nguyện.
Đức
Phật sẽ tán thán những lời cầu nguyện chân thành, chân chánh và đúng pháp. Chân
chánh và đúng pháp ở đây được hiểu là người cầu nguyện, trước nhất và duy nhất phải dựa vào chính
mình, dựa vào chính đời sống đạo đức của mình để cầu nguyện. Phật giáo không cổ xúy sự dựa
dẫm thế lực, quyền uy của ai khác trong việc cầu nguyện. Điều này lý giải vì sao trong các thời
khóa chốn thiền môn, từ tụng kinh, niệm Phật, đến trì chú, hành thiền, người tu
Phật luôn nghiêm túc “đương nguyện chúng sinh”. Nghĩa là, khi thực hiện các thời khóa tu tập, con cầu nguyện các loại
chúng sinh không ngừng sinh diệt trong con được an ổn, được thoát khỏi các bức bách
khổ đau; con ước nguyện cho con và tha nhân luôn được sống bình an, hạnh phúc.
Như vậy, cầu nguyện trong Phật
giáo chính là hướng tâm về chư Phật, chư Bồ-tát, chư
Thánh tăng, và chúng sinh mà phát khởi lời cầu nguyện. Sau đó, người cầu
nguyện tự thực hiện hành động dựa trên hiểu
biết chân chánh về luật nhân quả, tự biến chuyển mong
cầu, ước nguyện chân chánh đó thành hiện thực. Đức Phật không can thiệp vào sự thành, bại của
những ước nguyện chân chánh,
hà huống những cầu nguyện bất chánh. Một người
sống ác, làm ác
rồi cầu nguyện thần
thánh ban phước là điều không tồn tại trong Phật giáo. Sự kiện cầu nguyện bất chánh như vậy chẳng khác nào ném đá xuống nước,
dù thánh thần có cầu nguyện, đá cũng không bao giờ nổi lên mặt nước được.
Vậy Phật giáo có quay lưng, bỏ mặc những người ác, người bất thiện không? Trong khi, phàm làm người,
ai cũng có những điểm bất thiện, ai cũng có những giai đoạn “biếng nhác, không tinh tấn, lại thực hành ác
pháp, thành tựu mười loại nghiệp đạo bất thiện là sát sinh, lấy của không cho,
tà dâm, nói dối cho đến tà kiến”. Phật
giáo, Tăng đoàn có cứu độ được những người đang trong tâm trạng đau khổ, bế
tắc, loạn động không? Vấn đề này, nếu không làm sáng tỏ thì các khóa lễ tụng kinh
Phổ môn, kinh Dược Sư, kinh Vu lan, kinh Địa Tạng...
hay các pháp hội cầu nguyện do Giáo hội Phật giáo tổ chức để cầu nguyện quốc thái, dân an, cầu
siêu độ cho chư anh linh chiến sĩ, những đồng bào tử nạn… sẽ để lại nhiều mối
nghi ngờ.
Trước
hết, cần thấy rằng, Đức Phật đã
đến với cuộc đời này bằng nguyện lực của Ngài. Ngài đã vì “thương tưởng chúng sinh, vì lợi ích cho số đông, vì lòng
thương tưởng cho đời, vì hạnh phúc và an lạc cho chư thiên và loài người” mà thị hiện ở cõi ngũ trược ác này để giáo hóa chúng sinh,
để chúng sinh bớt khổ thêm vui.
Thứ nữa, giáo pháp của Ngài đã và đang được truyền giảng,
được ứng dụng, được thực hành khắp thế gian từ hơn hai mươi sáu thế kỷ qua. Trong đó, cầu nguyện là một trong những pháp phương tiện đã được các đệ tử của
Đức Phật vận dụng thiện xảo, nhằm đem lại sự bình an cho nhân loại.
Bên cạnh đó, nhiều tịnh
nghiệp đạo tràng được thiết lập để những người hữu duyên với
Phật pháp đến tu, học và chia sẻ Chánh pháp. Việc
tu học cùng Tăng đoàn sẽ tạo nhiều thiện duyên để những vị cư sĩ tăng trưởng pháp lành, có thể chuyển hóa khổ đau thành hạnh phúc, hướng đến đời sống chân, thiện, mỹ.
Cần
nhấn mạnh rằng, Phật giáo không giúp đỡ tha nhân theo hình thức để chúng sinh phó thác toàn bộ cuộc đời họ
vào chư Phật hay Tăng đoàn. Sự giúp đỡ, chia sẻ của Phật giáo đặt trong mối
tương quan của sự hiểu biết, cảm thông, và hướng dẫn nhau thực hành cầu nguyện đúng pháp. Khi một người ác, người bất thiện cần tiếp
năng lượng của tình thương yêu, của lòng khoan dung, độ lượng, họ có thể đạt được
điều đó bằng việc tự cầu nguyện đúng pháp.
2.4 . Để thành tựu cầu nguyện
Ở đây cần
hiểu rõ, thời khắc bất thiện đã trở thành quá khứ khi người bất thiện
tìm đến nhà Phật. Bước
vào nhà Phật được xem như sát-na của hiện tại, là thời khắc cần được tiếp
nhận năng lượng mới, đời sống mới. Ngay chính thời khắc trang nghiêm, với tất cả tấc lòng thành đặt chân vào điện Phật, dốc toàn thân cúi đầu lạy Phật, lắng tâm nghe lời an ủi, động
viên, khuyên dạy của chư Tăng, ngồi yên ổn tụng thời kinh, niệm câu Phật hiệu chính
là lúc thân trong sạch, miệng tinh khiết, ý thiện lành. Từ đó, vị ấy có thể phát tâm sám hối, quy hướng Tam bảo, cầu nguyện chân chánh…
Bên cạnh đó, khi đến tham dự lễ cầu nguyện, những người bất thiện còn được tiếp
nhận năng lượng của trí tuệ, của đức
hạnh, của từ bi, của giới đức từ các vị chủ lễ. Nhờ vậy, những nỗi đau
được xoa dịu, những bất an được lắng xuống.
Bản
kinh Angulimāla trong Trung bộ
có ghi lại câu chuyện Tôn giả Angulimāla thành tựu cầu nguyện cho một người phụ
nữ vượt cơn nguy kịch trong việc
sinh nở. Bối cảnh xảy ra khi Tôn giả nghĩ rằng một kẻ sát nhân quá nhiều như
Tôn giả sẽ không thể cứu độ được ai. Tuy nhiên, y theo lời Phật dạy, vào thời
khắc Tôn giả đã bước vào dòng Thánh và khởi ước nguyện cho người phụ nữ:“Thưa bà chị, vì rằng tôi, từ khi được
Thánh sinh đến nay chưa bao giờ cố ý giết hại mạng sống của chúng sinh. Mong rằng
với sự thật ấy, bà được an toàn, và sinh đẻ được an toàn”.
Sau lời cầu nguyện của Tôn giả, bà mẹ và đứa trẻ bình an.
Rõ ràng, người phụ nữ kia không van xin Tôn
giả Angulimalā ban phước lành cho mình được sinh nở vuông tròn nhưng ngài
Angulimalā tự cầu nguyện và thành tựu ước nguyện bằng chính đời sống phạm hạnh
của Thầy.
Chính năng lượng an lành, từ tâm của Thầy
đã lan tỏa đến thai phụ,
mà khoa học sau này chứng minh là năng
lực từ
trường đã làm cho thân tâm phụ nữ ấy được an lạc, nhẹ nhàng, nên việc sinh nở
cũng theo đó được thuận lợi, dễ dàng.
Câu chuyện trên cũng giúp những người học Phật, những người
hay thực hành cầu nguyện trong nhà Phật hiểu rõ hơn vì sao bà Thanh Đề trong kinh Vu Lan được cứu độ. Thực chất,
chư Thánh tăng dù có oai đức cao thâm cũng không thể cứu độ cho bà thoát địa ngục.
Tuy nhiên, năng lượng cầu nguyện trên nền tảng từ bi, trí tuệ của quý ngài đã
lan tỏa đến bà Thanh Đề và nhờ vào việc tiếp nhận được năng lượng an lành đó,
tâm hồn bà Thanh Đề được an tịnh, lắng dịu. Ngay đó, bà không còn bị ba ngọn lửa
tham-sân-si thiêu đốt bà như thường nhật. Trong sát-na tâm hồn không còn bị ba
độc trói buộc và thắt chặt, bà Thanh Đề tất nhiên được an lạc, nhẹ nhàng. Quá
trình chư Tăng cầu nguyện đến cứu độ được bà Thanh Đề nên được quán chiếu và thấu
hiểu trên nền tảng như thế.
Như vậy, chắc chắn Đức Phật cũng như những bậc có phạm hạnh,
có Thánh hạnh không phải là người ban phước lành cho người cầu nguyện. Họ chỉ
là những bậc thầy mô phạm đức hạnh, dùng chính công phu tu tập, đức độ, năng lượng
từ bi để truyền niềm tin cho chúng sinh, dạy chúng sinh cách thức thực hành chuyển hóa khổ đau, để
chúng sinh có cơ hội nương theo năng lượng an lành đó mà tu tập, chuyển hóa.
Giáo pháp của Đức Phật
để lại cho hậu thế đã,
đang và sẽ là nơi
chúng sinh quay về nương tựa, cần cầu, tu học để tự tìm sự bình an, giải thoát.
Vì vậy, khi nội
dung cầu nguyện là
tích cực, chân chánh, hợp pháp,
luật nhân quả tự khắc chi phối ước nguyện ấy. Điều này đã được Đức Phật khẳng định: “Này các gia chủ
Bà-la-môn, nếu người nào có những hành động đúng pháp, hành động chân chánh
này, muốn cầu sinh vào nhà quyền quý Sát-lợi, hoặc dòng họ Bà-la-môn uy thế,
dòng họ cư sĩ có tiếng, đều được sinh vào đó. Vì sao? Vì nhân duyên hành động
đúng pháp và hành động chân chánh, hoặc lại muốn sinh vào Tứ thiên vương, Tam thập tam thiên cho đến túc mạng
trí, sanh tử trí, lậu tận trí, tất cả đều đạt được”.
Thế nên, không có lý do gì để một người sống chân chánh lại không
thể ước mơ, không thể cầu nguyện cho mình hoặc cho tha nhân những điều hợp lẽ phải. Chắc rằng không thể có sữa bò nếu cố tình vắt sữa
nơi sừng bò; không
thể nào có cơm nếu đem cát đi nấu. Lời cầu nguyện phát khởi và thành tựu khi
người cầu nguyện đã hiểu rõ và tin tưởng khả năng hiện thực hóa ước mơ của
mình. Đức Phật, giáo
pháp của Ngài và Tăng đoàn chính là những điểm tựa cho những cầu nguyện được trở
thành hiện thực.
Lời kết
Cầu nguyện đúng pháp, tích cực, lợi mình, lợi người là điều được Đức Phật đồng tình, tán thán. Một khi đã tu Phật chân
chánh, một người luôn ý thức rõ bản chất
của cầu nguyện chính là tự hạ quyết tâm thực hiện ước muốn đúng
pháp của chính mình. Một
khi công phu tu học đã tăng trưởng, một vị tu Phật không cho phép đời sống vị kỷ, cá nhân. Họ không chỉ cầu nguyện cho riêng mình mà
còn ước nguyện cho tha nhân những thành tựu tốt lành.
Để thành tựu ước nguyện cho
mình, cho người, những người cầu nguyện cần phải
cụ thể hóa lời cầu nguyện thành hành động thiết thực thông qua việc giữ gìn giới
hạnh, tuân thủ nếp sống đạo đức, và thực hành
đúng Chánh pháp.
KINH SÁCH THAM KHẢO
Đại Chánh tân tu Đại tạng
kinh,
tập 14, kinh số 509, 阿闍世王授決經.
Tăng
chi - tập 5, Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn Giáo,
2015.
Tăng Nhất-A-hàm, Thích Đức Thắng dịch, Tuệ Sỹ hiệu chỉnh và chú thích,
NXB.Phương Đông, 2011.
Tương
Ưng bộ, Thích Minh Châu dịch, Viện NCPHVN, 1991.
Tương ưng 1, Tương ưng Kosala, Thích Minh Châu dịch, Viện NCPHVN, 1991,
tr.175.
Tăng chi, tập 5, phẩm Đại tế đàn, Thích Minh Châu dịch, NXB.Tôn
Giáo, 2015, tr.207.
阿闍世王授決經. Kinh này được đưa vào Đại
Chánh tân tu Đại tạng kinh thuộc tập 14, kinh số 509, 1 quyển, do ngài Pháp Cự
dịch vào đời Tây Tấn.
Tạp A-hàm, quyển
34, Thích Tịnh Hạnh dịch, Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn, Đài Bắc, 2000, tr.655.