Khoảng cách nào cho chữ hiếu
khoang
Khoảng cách nào cho chữ hiếu
Có khác biệt gì
về chữ hiếu từ ngày xưa đến hôm nay
Có người bạn là nhà báo ở
Sài Gòn kể rằng con anh mời cha ra Hà Nội để bàn chuyện cưới vợ. Khi ra đến đấy, anh được con
đưa đến gặp nhà gái nói
chuyện và đám cưới cử hành sau đó năm ngày vì con anh và gia đình nhà gái đã lo liệu xong. Hôm đám
cưới, hai họ gặp nhau làm lễ, sau khi cử hành nghi thức, ngồi hàn huyên cùng
nhau, anh mới hỏi ông sui: “Anh
sui nè, tui
hỏi có khi hơi dị, con gái anh tên chi để tui
dễ phát biểu hay nói
năng cho thân mật”. Thế đấy, cái thời “Cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” không còn nữa. Anh
thấy mình hơi “ngố” khi chẳng biết gì về bên đằng gái. Anh nói “Nó ưng là
mình ưng thôi, biết sao bây giờ?” Chúng ta không thể trách
bọn trẻ bất hiếu vì chúng có làm gì sai hay phạm luân thường
đâu.
Còn chuyện: “Mẹ già ở túp lều tranh/
Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con” cũng “xưa”
rồi (!). Bây
giờ ngay cả khi con cái ở cách nhà cha mẹ 10 phút chạy xe,
chúng cũng chỉ, nếu nhớ lắm, gọi zalo
cho mẹ hỏi khỏe không? Các bà mẹ phải học dùng smartphone hay
ipad để biết bấm trả lời,
nhất là khi chúng ở xa đất nước, chỉ còn biết nhìn
nhau qua messenger,
viber để nói chuyện. Có người kể rằng khi trang bị cho mẹ smartphone,
anh đã luôn cằn nhằn, bực dọc khi dặn mẹ hoài không nhớ, bấm lung tung cho đến
một ngày mẹ anh nói, “Con à, mẹ đã già mau quên. Đôi
khi mẹ cũng không nhớ cả điều mẹ đã nói. Con đừng trách mẹ”.
Con cái tự cho mình nhiều kiến thức hơn, dẫn đến xem thường
cha mẹ khiến họ dễ tổn thương, vô tình để lại trong lòng họ nỗi buồn và sự cô
đơn. “Ai rồi cũng quên” là một quy luật mà những người con hôm nay
phải nhớ vì sẽ đến một ngày mình cũng già đi. Có người nhận định rằng con
cái ngày càng ít kiên nhẫn với cha mẹ mình! Đừng quên già đi là một hành trình mà
chúng ta phải đồng
hành cùng với cha mẹ!
Về
mặt không gian thì sao?
Không gian gia đình hôm nay không còn hay chỉ còn số ít là tam tứ
đại đồng đường mà vì sinh kế, vì sự tự lập, nếu cha mẹ kinh tế không dư dả, các
con sẽ ra riêng. Gia đình hạt nhân chỉ gồm vợ chồng con cái đã
trở nên phổ biến. Tôi biết có người dù nhiều nhà vẫn không
đưa mẹ về ở mà vẫn để bà ở lại căn nhà cũ ngày xưa, có khi sống một mình, hay
với một người
bà con nào đó.
Hôm
đưa dám tang một nhà thơ quen biết, ông mất đi bà buồn lắm vì hai ông bà ở riêng
đã nhiều năm chứ không chung sống với đứa con nào. Bạn bè khuyên
bà sau tang ma nên về nhà một trong hai đứa, bà chỉ thở dài và nói. “Thôi để tui ở một mình nhang khói
cho ổng, nhà tụi nó cũng chật lắm!” Có lẽ còn uẩn khúc nào mà bà chưa nói hết
chăng?
Nhiều người trong chúng ta hẳn còn nhớ vở
kịch Dạ cổ hoài lang của soạn giả Thanh Hoàng, mô tả câu chuyện
hai ông lão ở xứ lạ quê người, lạc lõng, bỡ ngỡ trước sự xung đột văn hóa giao
tiếp khi những gì hai ông muốn làm đều
không vừa ý con cháu, từ chuyện vào phòng cháu gái mà quên gõ cửa, hay chuyện
bỏ trốn viện
dưỡng lão với bao tình huống dở khóc dở cười...
Trường
đoạn ông Tư mời ông Năm sang nhà ăn giỗ người vợ với chỉ có chiếc bánh kem và
vài nén hương đã khắc sâu trong ký ức nhiều người về một lối sống chân chất, bi
hài đậm chất Nam Bộ. Cuộc cãi cọ giữa ông Năm và
ông Tư không chỉ bộc lộ sự lẩm cẩm đáng yêu của những người già cần con cháu
bên cạnh, mà ẩn đằng sau những câu thoại tưởng như tưng tửng, bất chợt ấy là
một sự thấm thía về những biến động lớn trong giá trị của đời sống tinh thần,
bản sắc dân tộc, của va chạm thế hệ, hệ tư tưởng, của nỗi hoài hương sâu thẳm
trong lòng mỗi con người sống xa đất nước. Cái kết buồn của Dạ cổ hoài lang
giống như chính những phận đời đang tha hương, đến thái độ con cháu trở nên xa
cách dù tiền bạc có thể dư dả hơn, nhưng chắc chắn trong lòng người già luôn
đau đáu nỗi nhớ quê nhà.
Gần
đây là bộ phim Câu chuyện gỏi cuốn dài 9 phút của Mai Vũ dự liên hoan phim Cannes
năm 2022, đề cập khoảng cách thế hệ gia đình trong
văn hóa Việt Nam. Phim xoay quanh một gia đình người Việt tại
Mỹ. Linh là bà mẹ đơn thân đang xây dựng cuộc sống ổn định cho mình và con trai
Alan.
Gia đình hai người bị đảo lộn khi bố cô, ông Sang từ quê nhà sang thăm. Trong
một lần nấu ăn, ông nhất quyết làm món gỏi cuốn cho cháu trai nhưng Linh lại
muốn nấu mì ống và phô mai. Hai bố con bất đồng quan điểm về việc chọn món ăn,
cũng chính lúc này, khoảng cách thế hệ lộ rõ. Nhân
vật ông Sang được đạo diễn lấy hình tượng từ người cha già cô đơn, muốn kết nối
với con cháu nhưng chỉ biết biểu lộ cảm xúc qua việc nấu nướng. Đây là sự khác
biệt văn hóa phương Tây và phương Đông. Ở đó người trẻ muốn xây dựng tính cách
riêng biệt còn người già khó khăn trong việc hòa nhập với thế giới mới.
Nhiều chuyện khác vẫn được kể lại là có những
bà mẹ thất vọng đến mức đòi về nước ngay khi mới qua vì khác biệt trong ăn uống,
trong dạy dỗ con cháu, ví dụ như con dâu không cho ẵm cháu, nhất là khi bà quen
ăn trầu, hay ăn cơm không dùng chung món vì sợ vi khuẩn HP... Có những ông bố
cô đơn nói mình thuộc thế hệ câm điếc (không biết ngoại ngữ) hay què (không
biết lái xe)..., lại thêm nỗi cô đơn khi thiếu bạn bè cùng
tuổi tác... Có người cho rằng đó là vì
khoảng cách thế hệ (generation gap), chưa kể đến văn hóa thời công nghệ
số khi người ta dành thời gian lướt web hay chìm đắm trong không gian ảo nhiều
hơn đối thoại, lắng nghe nhau. Có người nêu lên đặc điểm lứa tuổi già, nhất là
phụ nữ phải chịu nhiều biến đổi tâm sinh
lý. Ngoài
ra, người già phải chịu một cơn khủng hoảng nhẹ “tuổi nghỉ hưu”, bị
tách khỏi các mối quan hệ thông thường, cảm thấy mình không còn địa vị, uy thế
như ngày xưa,
sinh
ra dễ mặc cảm, thu mình lại hoặc chìm vào thương nhớ chuyện
quá khứ, như trước kia con cái nghe lời họ, giờ chẳng còn ai nghe họ nói. Có người
bán nhà vào dưỡng lão ở, không cho con thừa kế vì không tin vào sự hiếu thảo.
Một điều tế nhị là tiền bạc. Nhiều người già
không có của để dành, trở nên ngần ngại trong chi tiêu, suy nghĩ giờ mình không
làm ra tiền, vô dụng, khi đang “ăn nhờ ở đậu” con cái.
Nhưng có thật bức tranh “chữ Hiếu”
hôm nay ảm đạm, đến như vậy chăng?
Chữ hiếu phi thời gian?
Chúng
tôi tin chữ hiếu luôn mang tính chất phi
thời gian và phi không gian vì nền tảng của hiếu là lòng yêu thương và sự
chia sẻ nên thời nào và ở đâu thì cũng vậy. Có khác chăng ở một số quan niệm
như giữa Khổng giáo và Phật giáo, Đông phương và Tây
phương. Nhưng tình yêu luôn mang tính chất bền vững, kế tục miên trường.
Câu
chuyện một ông lão 70 cõng cha mình 90 tuổi
lên máy bay chia sẻ trên mạng gần đây gây nhiều xúc động. Ông chăm sóc cha mình,
che nắng cho ông cụ và lo từ món ăn thức uống khiến các tiếp viên và hành khách
xúc động.
Nhớ ơn chín chữ cù lao
Một ngày một ngả bóng dâu tà tà. (Kiều)
Kinh
Thi,
một trong những bản kinh cổ xưa của học thuyết Nho giáo đã không ngần ngại
tuyên ngôn “Hiếu đạo” là cơ sở thiết lập, mở đầu văn hóa tình người một cách thiết
thực mà ai cũng có thể cảm nhận: “Phụ hề sinh ngã, mẫu hề cúc ngã, ai ai phụ mẫu
sinh ngã cù lao, dục báo thâm ân, hiệu thiên võng cực” (Cha sinh ta ra, mẹ bồng
bế ta, thương thay cha mẹ, sinh ta khó nhọc, muốn báo đáp ân sâu, khác nào trời
cao không lường). Chúng ta nhớ đến chín chữ cù lao (siêng năng, cần mẫn, nhọc
nhằn) gồm 1. Sinh: Cha mẹ đẻ ra; 2. Cúc: Nâng đỡ; 3. Phủ: Vỗ về vuốt ve; 4. Súc:
Cho ăn bú mớm; 5. Trưởng: Nuôi dưỡng thể xác; 6. Dục: Giáo dưỡng tinh thần; 7. Cố:
Trông xem, nhìn ngắm; 8. Phục: Quấn quýt, săn sóc không rời tay; 9. Phúc: ẳm bồng,
gìn giữ, lo cho con đầy đủ, sợ con bị ăn hiếp.
Thế
nên Khổng Tử từng nói: “Đạo hiếu bắt đầu từ việc thờ cha mẹ, kế đến là thờ vua
giúp nước và sau cùng là lập thân”. Và như thế, đây chính là mẫu người trung hiếu
lưỡng toàn của mỗi gia đình, của mỗi quốc gia dân tộc.
Nhưng
Khổng giáo lại nặng lời phê phán Phật giáo, một tôn giáo cũng xem chữ hiếu như
một bổn phận, một đức hạnh căn bản của con người, cho rằng việc cạo tóc của
Tăng sĩ, việc không sinh con là bất hiếu bởi vì Hiếu kinh nói rằng từ
thân thể, các chi, tóc và da là nhận từ cha mẹ nên người ta không được làm tổn
hại chúng, hay có con nối dõi là yêu cầu bắt buộc.
Chúng
ta không cần dùng luận điểm của Mâu Tử để phản bác Khổng Tử khi ông cho rằng đạo
đức quan trọng hơn râu và tóc, bởi lẽ chữ hiếu của Khổng giáo có nội hàm khác
so với nhà Phật. Theo Giáo sư Cao Huy Thuần, “Chữ hiếu trong đạo Phật trải dài
vô cùng tận vì Phật giáo quan niệm bất cứ ai cũng có thể là cha mẹ mình trong một
kiếp trước”. (Lời tựa sách Tôn giả Đại hiếu Mục Kiền Liên do HT.Thích
Trung Hậu sưu tầm, 2016).
Hiếu
trong quan điểm nhà Phật là nhân duyên vô tận
Trong
kinh Tương ưng, Đức Phật dạy: “Vô thỉ luân hồi, tất cả chúng sinh từng
làm cha, làm mẹ, làm anh, làm chị, là bà con quyến thuộc trong các nẻo đường
sinh tử”. Đạo lý giải thoát khổ đau, chứng ngộ Niết-bàn cũng bắt đầu từ đây.
Cũng trong kinh này, một chỗ khác Đức Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, sữa mẹ mà các
ngươi đã uống trong khi các ngươi lưu chuyển luân hồi trong một thời gian dài nhiều
hơn nước trong bốn biển. Vì sao thế? Vì luân hồi là vô thỉ, không sao đếm được.
Vì vô minh che đậy, vì tham ái trói buộc, tất cả các nghiệp hành của chúng sinh”.
Trong vòng luân hồi sainh tử đó, chúng ta thọ ơn cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp,
tính không thể hết. “Cha mẹ nào cũng lo lắng, đùm bọc, yêu thương và buồn rầu
khi con đau yếu, nhưng không bao giờ khởi niệm than van, oán trách. Con vui cha
mẹ vui. Con buồn cha mẹ cũng buồn. Rồi cứ thế theo dõi con lớn lên từng ngày cho
đến khi dựng vợ gả chồng rồi sau đó đến
đời cháu cũng vẫn lo toan. Nhưng
con cái mấy khi nghĩ vậy. Có nhà thơ nói rằng:
Nhà con chẳng
phải nhà cha
Nhà cha mới thật là nhà của con.
Thế
nhưng có khi do nhân bất thiện quá khứ mà có cái quả trái ý trong hiện tại. Cho
nên, Phật dạy cần phải hiểu biết nhân quả để luôn tỉnh giác. Muốn thoát khỏi
vòng oan nghiệt khi mọi chuyện không thuận duyên (con cái bất hiếu hay cha mẹ
thiếu trách nhiệm) thì không chỉ buồn phiền trách móc là giải quyết được, vì Phật
giáo không nhìn cha mẹ hay con cái dưới hình ảnh quyền lực hay tôn ty phải tuân
thủ mà dưới lăng kính từ bi. Hình ảnh rõ nhất là Mục Kiền Liên sau khi đắc thần thông ngài nghĩ ngay đến việc
cứu mẹ. Nếu cha mẹ làm sai thì sao? Giáo lý nhà Phật như đề cập trong Lục độ
tập kinh: Hiếu không phải chỉ thương cha, thương mẹ là đã làm tròn hiếu đạo
của một con người, mà còn phải hướng cha mẹ về đường ngay nẻo chánh, giúp cha mẹ
vượt qua sai lầm, giúp nghèo cứu đói, thương nuôi quần sinh, như thế là đứng đầu
của trăm hạnh.
Hơn
nữa, một nguyên lý quan trọng trong giáo lý nhà Phật là nghiệp lực. Tôn giả Mục
Kiền Liên, dù thần thông đệ nhất, cũng không thể biến chén than hồng mẹ đang ăn
trở lại thành cơm được! Thế nên tốt nhất vẫn là không tạo nghiệp ác. Hiếu hạnh
là giá trị cuộc sống. Người nào không nhớ đến nguồn cội của mình thì không xứng
đáng là một con người chân chính. Tục ngữ có câu: “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả
nhớ kẻ trồng cây”. Cố
Thiền
sư Nhất Hạnh dạy rằng khi chúng ta ăn cơm phải nhớ đến người nông dân một nắng
hai sương trên đồng ruộng. Tất cả chúng ta khi thọ nhận một điều gì phải suy
nghiệm rằng từ đâu mà có? Khi còn tại thế, Đức Phật từng dạy các vị Tỷ-kheo: “Một
vị Tỷ-kheo nghỉ dưới một bóng cây vào buổi trưa hè nóng bức, khi rời bóng cây
ra đi cũng phải nhớ ơn bóng cây đó đã che mát cho mình”. Hiếu đạo là chân lý
thuộc về tục đế. Đông phương hay Tây phương đều như nhau. Bill Gates, người
sáng lập Microsoft, đã có lần trả lời phỏng vấn Tạp chí Chance của Ý khi
được người phóng viên hỏi: "Ông cho rằng điều gì trong nhân sinh không thể
chần chừ nhất?" Tưởng rằng sẽ được chia sẻ về kinh nghiệm kinh doanh,
nhưng người phóng viên không ngờ lại nhận được câu trả lời: "Sự việc mà
con người không được phép chần chừ, không gì khác ngoài việc kính hiếu với cha
mẹ".
Hiếu là từ bi
Đức
Đạt Lai Lạt Ma đã nói: "Không một ai sinh ra mà không cần tình thương… Con
người không phải chỉ thuần thể xác, mà tinh thần có vai trò chủ động trong việc
cảm nhận cái đẹp, cái quý giá, làm cho chúng ta có thể thương yêu..." Bởi
vì "trong tâm khảm mỗi chúng ta đều mong muốn được thương yêu."
Cha
mẹ con cái là những mối quan hệ gần gũi nhất nên hơn ai hết cần phải kết nối
truyền thông. Người có có lòng hiếu thảo không bao giờ để cha mẹ lo toan, buồn
bực vì mình; không nỡ chiếm đoạt tài sản của người khác huống chi của cha mẹ
mình. Thiền sư Nhất Hạnh dạy rằng: “…Trong máu huyết của ta có máu huyết của
cha mẹ… Trong khổ đau của ta có khổ đau của cha mẹ, tổ tiên ta... Nếu ta hiểu biết
và chuyển hóa những khổ đau của cha mẹ tổ tiên thì chúng ta chữa trị cho cha mẹ
tổ tiên và đồng
thời cũng chữa trị cho chính ta.
Hiểu
thấu khổ đau đưa đến từ bi. Chỉ khi ta đã hiểu rõ khổ đau và gốc rễ khổ đau thì
ta mới truyền thông với người khác và giúp họ bớt khổ. Khi ta truyền thông với
chính ta thì ta bắt đầu truyền thông với người khác. Hiếu là kết nối truyền
thông và yêu thương. Chúng ta hiểu rằng thương yêu chính mình và cha mẹ mình là
nền tảng của từ bi. Đánh thức lòng hiếu thảo là đánh thức nhân nghĩa, đạo lý,
lương tâm một con người.
Như
vậy, bản chất của hiếu là từ bi; và hiếu không chỉ phụng dưỡng cha mẹ về mặt vật
chất như Hiếu kinh mà còn phải đánh thức Tứ vô lượng tâm trong cha mẹ nếu
như ta không may làm con những người thiếu đức.
Lòng
hiếu thảo chính là nền tảng để cho một con người trở nên nhân nghĩa, và từ đó hành
thiện, cư xử tốt với tha nhân, với xã hội, suy rộng ra, trung thành với Tổ quốc.
Đất nước không có những người con hiếu thảo thì lấy đâu ra những công dân trung
thực. Một dân tộc muốn hùng mạnh phải có những con người trung hiếu thì sức mạnh
nội tại mới bền vững, nếu không cơ nghiệp cũng khó lâu dài.
Hiếu như vậy phi thời gian và không gian, vì bao giờ và ở đâu
thì tình yêu vẫn
luôn mang một khuôn mặt: sự lắng nghe, chia sẻ, luôn nghĩ
đến việc làm vui lòng cha mẹ như một nhà thơ đã có lần băn khoăn.
Con
sẽ không đợi một ngày kia
Khi
mẹ mất đi mới giật mình khóc lóc
Những
dòng sông trôi đi có trở lại bao giờ?
...
Con
sẽ không đợi một ngày kia
Có
người cài cho con lên áo một bông hồng
Mới
thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
...
Hôm
nay...
Anh
đã bao lần dừng lại trên phố quen
Ngả
nón đứng chào xe tang qua phố
Ai
mất mẹ?
Sao
lòng anh hoảng sợ
Tiếng
khóc kia bao lâu nữa
Của
mình?...
(Đỗ
Trung Quân, 1986)
Hãy hành động ngay hôm nay trước khi quá muộn!
Nguyên Cẩn