Tư tưởng Tịnh độ trong kinh Hoa nghiêm
tu tuong tinh do
TƯ TƯỞNG
TỊNH ĐỘ TRONG KINH HOA NGHIÊM
Thích Đồng
Thuận
Kinh Hoa nghiêm là một bản kinh
lớn thuộc truyền thống Đại thừa Phật giáo, xuất hiện vào thời đại Bồ-tát Long Thọ hoặc
trước đó 100 đến 200 năm, tức vào thời kỳ đầu của Đại thừa Phật giáo, rơi vào khoảng
thế kỷ thứ I TL
[1]. Nội dung cốt lõi của kinh Hoa nghiêm là
trình bày về vũ trụ luận Phật giáo theo cái nhìn duyên khởi. Vũ trụ trong kinh
Hoa nghiêm được diễn
tả vô cùng oai nghiêm, rực rỡ. Vũ trụ ấy trông giống như một tràng hoa xinh đẹp
được xâu kết lại từ vô số những bông hoa nhỏ li ti. Mỗi bông hoa nhỏ li ti ấy lại
là một quốc độ bao la, rộng lớn; và tất cả mọi sự vật, hiện tượng nằm trong từng quốc độ ấy
đều do tâm phóng hiện ra. Tuy Hoa nghiêm nhấn mạnh
đến tầm quan trọng của tâm trong việc kiến tạo thế giới, nhưng học thuyết của Hoa nghiêm lại không hoàn
toàn đứng trên lập trường của Duy tâm luận mà triển khai mọi vấn đề.
Xét tổng quát về mặt tư tưởng, kinh Hoa nghiêm được
thiết lập trên nền tảng triết lý chơn không diệu hữu để nhìn nhận thật tướng
các pháp. Đứng trên lập trường của lý chơn không ấy mà nói thì vạn pháp là
duyên sinh, kể cả cảnh giới Tịnh độ của chư Phật. Từ cái chơn không mà sum la vạn
tượng ảnh hiện một cách trùng trùng bất tận. Đây là điểm đặc sắc trong kinh
Hoa nghiêm khi trình
bày về thế giới quan Phật giáo.
Xét về mặt tư tưởng triết lý Tịnh độ trong kinh
Hoa nghiêm, chúng
ta thấy tư tưởng của bản kinh này có nét đặc thù hơn so với các bản kinh khác ở
chỗ: nếu các
bản kinh khác thuộc truyền thống Tịnh độ đề cao đến vai trò nguyện lực của Như Lai
như nguyện lực của Phật A Di Đà để hình thành nên quốc độ thanh tịnh, trang
nghiêm và dẫn dắt chúng sanh sinh về nơi ấy thì kinh Hoa nghiêm lại chú
trọng, nhấn mạnh đến yếu tính Nhân-Duyên-Quả mà hình thành nên mọi cảnh giới Tịnh
độ kể cả Tịnh độ Tây phương. Đây là nguyên lý vận hành chung của tất cả thế giới
Tịnh độ theo kinh Hoa nghiêm. Đồng thời
thông qua đó, chúng
ta thấy được Hoa Nnghiêm đề cao
tính nhân bản, xem vai trò, vị trí và chức năng của con người là yếu tố chính để
thiết lập một thế giới tốt đẹp.
Một điểm tiếp theo tạo nên sự đặc biệt của kinh
Hoa nghiêm là kinh
trình bày về tư tưởng Tịnh độ rất thực tiễn và ưu việt. Hoa Nnghiêm triển khai Tịnh độ ngay tại chính thế giới mà chúng sinh đó đang sống,
như cõi Ta-bà chẳng hạn. Hoa nghiêm không
hướng chúng ta đi tìm cầu
về một phương trời Tịnh độ xa xôi, mà cũng không đợi đến sau khi chết mới vãng
sinh về thế giới
đó. Hoa nghiêm đặt Tịnh độ
ngay chính trong thế giới của thực tại và cả thế giới của tự tâm. Như vậy, về mặt
lý luận lẫn thực tiễn thì Hoa nghiêm đều triển khai
một cách dung hòa và đầy đủ. Chính vì thế, khi tìm hiểu về tư tưởng Tịnh độ
trong kinh Hoa nghiêm, chúng
ta có thể dễ dàng áp dụng vào việc kiến thiết một thế giới an lành, hạnh phúc
ngay trong cuộc sống hiện tại.
Hoa Nnghiêm nhắc đến
rất nhiều các cõi Tịnh độ trong mười phương thế giới và gọi tên toàn thể các thế
giới ấy là Hoa tạng thế giới. Các thế giới được nhắc đến trong kinh như Phương Đông Hoa Tạng Trang Nghiêm thế giới; có thế giới hải
tên Thanh Tịnh Quang Liên Hoa Trang Nghiêm, là thế giới của Phật hiệu Pháp Thủy Giác
Hư Không Vô Biên Phương; phương Nam có thế giới tên Nhất Thiết Bửu Nguyện Quang Minh Trang
Nghiêm Tạng, ở đó có Phật
hiệu Phổ Trí Quang Minh Đức Tu Di Vương; phương Tây có thế giới tên Khả Ái Nhạo Bửu Quang
Minh của Phật hiệu Hương Diệm Công Đức Bửu Trang Nghiêm; phương Bắc có thế giới
tên Tỳ Lưu Ly Liên Hoa Quang Viên Mãn Tạng của Phật Phổ Trí Tràng Âm Vương... Ngoài ra còn có vô số các
thế giới hải, và mỗi thế giới đều có một vị Phật và chư vị Bồ-tát làm nhiệm vụ
giáo hóa chúng sinh.
Hoặc thấy cõi này diệu vô tỷ
Phật vô lượng kiếp đã nghiêm tịnh
Tỳ Lô Giá Na tối thắng tôn
Trong đây đại ngộ thành Chánh giác.
Hoặc thấy liên hoa cõi thắng diệu
Hiền Thủ Như Lai ở trong đó
Vô lượng Bồ-tát chúng vi nhiễu
Thảy đều siêng tu hạnh Phổ Hiền.
Hoặc thấy có Phật Vô Lượng Thọ
Quan Âm, Thế Chí hầu hai bên
Đều bậc quán đảnh bổ xứ cả
Sung mãn mười phương các quốc độ.
Hoặc thấy có cõi Đại thiên này
Thanh tịnh trang nghiêm như Diệu Hỷ
A Súc Như Lai ngự tại đây
Chúng đại Bồ-tát bao quanh Phật [2].
Các cảnh giới Tịnh độ trong kinh Hoa nghiêm cũng được
diễn tả có lầu các trang nghiêm, đất đai bằng phẳng tươi tốt, vườn rừng, ao
báu... đều từ
thất bảo làm ra giống như cảnh giới ở Tây phương Cực lạc mà chúng ta
thường được biết tới trong các kinh thuộc truyền thống Tịnh độ: “Lâu các Đại Trang Nghiêm
bỗng nhiên rộng rãi không có ngằn mé, kim cang làm đất, bảo vương che bên trên,
vô lượng bảo hoa và những châu ma-ni rải đầy khắp trong lầu, lưu ly làm cột, các thứ
báu hiệp thành, trang nghiêm với ma-ni sáng rực, vàng diêm phù đàn, ngọc như ý chúa trùm
khắp phía trên để nghiêm sức. Lầu cao thành dãy, đường gác kèm bên, kèo mái thừa
nhau, cửa ngạch nối nhau, thềm bực hiên bao lơn đều đầy đủ, tất cả đều trang
nghiêm với diệu bảo. Những bảo vật ấy đều làm bằng hình tượng trời người, kiên
cố đẹp lạ, đệ nhất thế gian. Lưới báu ma-ni che khắp phía trên. Bên cửa đều dựng tràng phan,
đều phóng ánh sáng cùng khắp pháp giới. Ngoài đạo tràng thềm cấp lan can nhiều
vô lượng không thể kể nói, đều bằng ngọc ma-ni”[3].
Dường như chưa có một bản kinh nào diễn tả nhiều quốc độ chư Phật
và rõ ràng từng chi tiết như kinh Hoa nghiêm. Các cõi nước ấy
xuất hiện một cách trùng trùng, điệp điệp và không thể nào kể hết được, chỉ có
thể dùng biểu số hằng hà sa để biểu thị cho vô lượng các cõi Phật có mặt trong
vũ trụ này. Mỗi quốc độ xuất hiện
ở trong kinh Hoa nghiêm đều mang một
nét đặc trưng riêng về hình dạng, màu sắc, kích thước... Có quốc độ được diễn tả
giống hình tròn hoặc vuông, có cõi có ba góc hoặc tám cạnh, có cõi hình châu ma-ni liên hoa, có
cõi có hình đám mây lớn, cõi hình đám mây nhỏ... Điều này cũng
khá giống với các phát hiện của thiên văn học hiện đại, khi các nhà thiên văn
đã quan sát thấy trong vũ trụ có rất nhiều hành tinh. Chỉ trong dải ngân hà của chúng ta ước
tính đã có khoảng hơn 100 tỷ hành tinh lớn nhỏ. Các hành tinh này cũng có những
hình dạng, kích thước, màu sắc khác nhau. Có hành tinh có hình elip, hình xoắn ốc, hình đám mây, màu
lam, màu đỏ, màu vàng, có hành tinh có đường kính hơn 4.000km, 12.000km... Dải ngân hà của chúng ta cũng
chỉ là một trong số rất nhiều các thiên hà trong vũ trụ.
Vô lượng quốc độ sai khác nhau
Vô lượng trang nghiêm vô lượng trụ
Hình trạng sai khác khắp mười phương
Các ngài đều nên đồng quan sát.
Hình kia hoặc tròn hoặc vuông vức
Hoặc có ba góc và tám cạnh
Hình châu ma-ni hình liên hoa
Tất cả đều do nghiệp mà khác.
Có cõi thanh tịnh sáng trang nghiêm
Vàng ròng xen lẫn nhiều tốt đẹp
Cửa nẻo mở trống không bít lấp
Ðây do nghiệp rộng ý tinh thuần [4].
Một hình ảnh
rất đẹp và vô cùng nổi tiếng của kinh Hoa nghiêm là hình
ảnh vũ trụ được ví như một tấm lưới trời của Đế Thích. Mỗi một mắc xích là một
thế giới hiển hiện ra vô cùng lấp lánh, trang nghiêm, sinh động. Mỗi quốc độ đều
ẩn chứa những đặc tính đa thù của mình. Sở dĩ Hoa nghiêm trình bày về sự sai khác của các thế giới ấy là bởi lẽ
theo quan điểm của Hoa nghiêm thì tất
cả các cảnh giới đều do tâm thức biến hiện ra. Mà tâm thức của chúng sinh không đồng nhất,
đều do nghiệp mà chiêu cảm nên, do vậy các thế giới cũng có sự sai khác, không
đồng nhất.
Hoặc có cõi nước khắp pháp giới
Ly cấu, thanh tịnh tùng tâm khởi
Như ảnh, như huyễn rộng vô biên
Như lưới thiên đế đều sai khác[5].
Mặc dù nói Hoa nghiêm trình bày về một
vũ trụ đa thù, sai khác nhưng về mặt bản thể thì các thế giới này vẫn có sự đồng
nhất, dung thông. Hoa nghiêm có cái
nhìn thế giới dưới con mắt của chiều kích viên dung vô ngại, tức là nhìn vào bản
chất của thế giới hiện tượng trong cái nhìn của chân hiện lượng. Pháp giới hiện
ra một cách như thị, không có sự ngăn ngại, không có sự phân biệt. Cho nên các
thế giới đều tương dung, vạn vật đều thâu nhiếp lẫn nhau trong ý nghĩa một là tất
cả, tất cả là một.
Hoa nghiêm là tông
phái đầu tiên và duy nhất trong hệ thống các tông phái Phật giáo đề xướng chủ
thuyết một là tất cả, tất cả là một và nói rằng pháp giới vũ trụ chứa trên đầu
một sợi lông:
Trong một chân lông vô lượng cõi
Như số vi trần mà an trụ
Mỗi cõi đều có Đấng Thế Tôn
Ở trong chúng hội tuyên diệu pháp [6].
Điều này phải chăng đã quá lập dị trong nhận thức
chung của lịch sử nhân loại? Như chúng ta đã biết, Hoa nghiêm đề cao tánh không của các pháp, do vì tính chất của các
pháp là không nên chúng là vô ngã, và vì tính chất vô ngã này cho nên các pháp
mới có thể hòa trộn lẫn nhau một cách viên dung, vô ngại trong nhịp điệu duyên
sinh của vũ trụ.
Chúng ta có thể lấy một ví dụ điển hình mà chúng ta
thường hay bắt gặp trong cuộc sống để chứng minh cho tính chất viên dung hay nhất tức nhất thiết đó là một
bông hoa. Bông hoa đó không thể nào một mình nó có thể tồn tại, nó phải nhờ vào các
yếu tố như đất, nước, gió, lửa, ánh sáng, sự chăm sóc của người trồng... Phải đầy đủ các điều
kiện cần và đủ thì bông hoa đó mới có thể hiện hữu. Như thế, chúng ta có thể thấy
trong một bông hoa đã có rất nhiều các yếu tố của vũ trụ cùng nhau tham gia vận
hành cho sự sinh hữu của nó. Nếu chỉ có một mình nó, bông hoa sẽ trở thành yếu
tố đơn độc và không thể nào tồn tại trong thế giới cộng sinh này được.
Nguyên lý
hình thành Tịnh độ trong kinh Hoa nghiêm được xác lập
trên nền tảng nguyện lực của chư Phật và nghiệp lực của chúng sinh. Chư Phật
phát ra nguyện lực thành lập một Phật quốc lý tưởng để tiếp độ chúng sinh, còn chúng sinh chính là đối tượng
để chư Phật có thể thành tựu được nguyện lực.
Tất cả cõi nước những trang nghiêm
Do nguyện lực phương tiện sinh ra
Tất cả quốc độ thường chói sáng
Vô lượng nghiệp thanh tịnh hiện thành.
Bồ-tát lâu xa gần trí thức
Ðồng tu nghiệp lành đều thanh tịnh
Từ bi rộng lớn khắp chúng sinh
Dùng dây trang nghiêm các quốc độ.
......
Nguyện lực rộng lớn không gì sánh
Khiến khắp chúng sinh gieo thiện căn
Cúng dường tất cả chư Như Lai
Vô biên quốc độ đều thanh tịnh [7].
Mối liên hệ
giữa chư Phật và chúng sinh là mối
liên hệ đặc hữu, không thể tách rời. Nếu không có chúng sinh thì không có
chư Phật, bởi lẽ chư Phật ba đời đều phải nương vào chúng sinh mà thành tựu.
Cũng ví như hai mặt phải, trái của một bàn tay, sở dĩ ta gọi bên này là mặt bên
phải là do vì nương vào sự hiện hữu của mặt bên trái, cho nên danh xưng bên phải
từ đó mới được thành lập. Cũng vậy, phiền não với bồ-đề không hai, Phật
và chúng sinh không
khác. Điều này về sau đã được kinh Duy Ma Cật tiếp nối
và triển khai thành hệ thống tư tưởng bất nhị pháp môn trong Phật giáo Đại
thừa mà đích đến sau cùng của tư tưởng này cũng nhằm mục đích Tịnh Phật quốc
độ, thành tựu chúng sinh: “Bảo Tích, loại của chúng sinh là quốc độ Phật của Bồ-tát. Vì sao như vậy? Vì Bồ-tát tùy theo loại
chúng sinh được giáo hóa mà tiếp nhận quốc độ Phật; tuỳ theo loại chúng sinh được điều
phục mà tiếp nhận
quốc độ Phật; tuỳ theo loại quốc độ nào thích hợp để chúng sinh thâm nhập trí của
Phật mà tiếp nhận quốc độ Phật; tuỳ theo loại quốc độ nào thích hợp để chúng
sinh làm trỗi dậy căn tính của Bồ-tát mà tiếp nhận quốc độ Phật”[8].
Về phương
pháp tu tập Tịnh độ, Hoa nghiêm cũng
đưa ra một tiến trình tu tập khá khắt khe, gian khổ hơn nhiều so với tiến trình
tu tập ở các bản kinh Tịnh độ khác. Các bản kinh thuộc truyền thống Tịnh độ khác khuyến
khích hành giả nỗ lực trì niệm danh hiệu Phật, để đạt được sự nhất tâm bất loạn,
thì sau khi xả bỏ báo thân này vị ấy sẽ được vãng sinh về cõi Tịnh độ
ấy, thậm chí là có thể mang theo nghiệp mà vãng sinh. Thế nhưng Hoa nghiêm lại khác. Hoa nghiêm đòi hỏi
hành giả phải có một sự nỗ lực tu tập nhất định, đơn cử như trường hợp của Thiện
Tài đồng tử, phải trải qua một qua trình tu học cực kỳ gian nan, phức tạp.
Ngoài việc thọ trì danh hiệu Phật, Hoa nghiêm còn đòi hỏi
hành giả phải phát Bồ-đề tâm,
tu tập các thiện pháp, thân cận, học hỏi, cúng dường nơi các bậc thiện tri thức
và đặc biệt là nương theo mười đại nguyện vương của Bồ-tát Phổ Hiền để
tu tập phước trí, hồi hướng vãng sinh. Có như vậy hành giả mới có được công đức trang
ngiêm, thành tựu thắng trí để làm cơ sở cho việc chứng đắc mục tiêu tối hậu về
sau.
Bởi vì tư tưởng của Hoa nghiêm là viên dung vô ngại, cho nên một hành giả muốn được
vãng sinh về Tịnh
độ không thể bỏ sót một pháp môn tu tập nào. Do vậy đồng tử Thiện Tài bắt buộc
phải trải qua nơi 53 vị
thiện tri thức, là những người đại diện cho mọi tầng lớp trong xã hội, để học hỏi kinh
nghiêm tu hành của các vị này, từ đó mới có thể dễ dàng thành tựu thánh hạnh, để
rồi sau cùng phát nguyện vãng sinh Tịnh độ.
Kết quả tu chứng, dĩ nhiên, khi Hoa nghiêm đưa ra một lộ trình tu tập khắt khe như vậy thì kết quả
đạt được cũng ở cảnh giới của bậc thượng thừa. Người tu hành pháp môn niệm Phật
theo kinh Hoa nghiêm là hành
trì thật tướng niệm Phật, lấy chúng sinh làm đối tượng đương cơ, dùng Bồ-tát hạnh để
trang nghiêm Phật độ. Vì thế, phẩm loại vãng sinh của người tu Tịnh độ theo Hoa nghiêm nhất định phải
vào hàng thượng phẩm và cảnh giới chứng đạt là cõi Thật Báo Trang Nghiêm.
Nhìn chung, việc vãng sinh về Tịnh độ theo
kinh Hoa nghiêm cũng chỉ là một phần trong tiến trình tu tập hướng tới
Phật quả. Mục đích lý tưởng sau cùng của Hoa
nghiêm là
thành tựu Phật thân, chứng đắc Phật vị và thiết lập Phật quốc.
Nói tóm lại, Hoa
nghiêm triển
khai các cảnh giới Tịnh độ trên tinh thần tương tức, viên dung, vô ngại. Tịnh độ
và uế độ vốn là một thực thể không thể tách rời. Chỉ vì vọng tưởng, vô minh mà
hiện sinh ra những cảnh giới tịnh, nhiễm khác nhau. Cũng ví như trên cùng một mảnh
đất, nhưng nếu một người với tâm yêu thích cái đẹp, sự sạch sẽ thì họ sẽ dọn dẹp mảnh
đất đó thường xuyên và kiến tạo mảnh đất trở thành một cảnh quang sạch đẹp. Còn
với một người có tâm giải đãi,
biếng nhác thì họ sẽ để mảnh đất đó trở nên hoang vu, bề bộn. Do vậy, hễ chánh
báo của chúng sinh thanh
tịnh thì y báo tự khắc sẽ trang nghiêm, tâm chúng sinh thanh tịnh
thì Tịnh độ tự khắc hiện tiền.
Chú thích:
[1] Ấn Thuận, Lịch sử tư tưởng Phật giáo Ấn Độ, Thích
Nhuận Thịnh (dịch), NXB.Hồng Đức,
2020, tr.171-174.
Có thể tìm hiểu thêm: Thánh Nghiêm - Tịnh Hải, Lịch
sử Phật giáo thế giới, NXB.Khoa Học Xã Hội,
2008, tr.155; Mai Thị Thơm, Hoa nghiêm suối nguồn văn hóa Phật giáo thời
Trần, NXB.Phương
Đông, 2009, tr.168; Thích Đức Nhuận, Khái luận triết lý Kinh Hoa nghiêm, Viện
Triết lý Việt Nam và Triết học Thế giới California USA xuất bản, 2000, tr.24.
[2] Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Hoa nghiêm, Quyển
4, NXB.Tôn Giáo,
2015, tr.754.
[3] Sđd., tr.17-18.
[4] Thích Trí Tịnh (dịch), Kinh Hoa nghiêm, quyển 1, NXB.Tôn Giáo, 2015, tr.263.
[5] Sđd., tr.261.
[6] Sđd., tr.264.
[7] Sđd., tr.270-272
[8] Tuệ Sỹ, Huyền thoại Duy Ma Cật, NXB.Hồng Đức, 2017,
tr.77-78.