Phật giáo dấn thân ở Ấn Độ và vai trò của Phật giáo Theravāda

phat giao dan than

Phật giáo dấn thân ở Ấn Độ và vai trò của Phật giáo Theravāda

Tiến sĩ Siddharth Singh[1]

 

Phật giáo dấn thân là một thuật ngữ được Thầy Thích Nhất Hạnh, một thiền sư nổi tiếng người Việt Nam đặt ra đầu tiên. Như chúng ta đã biết, trong chiến tranh Việt Nam, khi xã hội xung quanh bị ảnh hưởng bởi những đau khổ của chiến tranh, câu hỏi đã nảy sinh trong tâm trí Thầy và những người đồng đạo về mục đích đời sống tu hành của họ. Họ nghĩ rằng khi một bộ phận của xã hội đang bị bao trùm bởi nỗi sợ hãi, đau khổ và nghèo đói, vậy liệu có thích hợp không khi dành hết thời gian cho việc tu tập và ẩn mình với thế giới bên ngoài. Vì vậy họ quyết định mở rộng lĩnh vực hoạt động của mình. Họ muốn đi ra khỏi các tu viện để phụng sự xã hội để từ đó có thể hiểu rõ hơn về nỗi đau và sự thống khổ của người khác.

Phật giáo dấn thân là một thuật ngữ xuất hiện trong những thập niên gần đây, nhưng rõ ràng nó là một khái niệm đã bắt đầu với sự xuất gia của Đức Phật Gotama, khi Ngài từ bỏ cuộc sống hoàng gia của mình vì cuộc đời và nhân loại. Đó là trường hợp đầu tiên trong lịch sử nhân loại về việc một người vì toàn thể nhân loại đã từ chối sự quan tâm đến “tôi” và “của tôi”. Không cần phải nhắc lại, kinh Phật đầy những câu chuyện về sự tận tụy và dấn thân của Đức Phật cũng như các đệ tử của Ngài đối với xã hội, không chỉ ở dạng ý tưởng mà còn ở hành động thực tiễn.

Kế hoạch hành động mà Thầy Thích Nhất Hạnh chọn áp dụng là ở hoàn cảnh chiến tranh, nhưng trong những tình huống bình thường, các Phật tử có thể tham gia vào những viễn cảnh xã hội rộng lớn hơn. Việc áp dụng các tư tưởng Phật giáo nhập thế có thể chia làm hai phương diện: phát triển đời sống tâm linh và phát triển xã hội. Vì thuật ngữ này liên quan đến những Phật tử tìm cách áp dụng những hiểu biết thu được từ giáo pháp và từ trải nghiệm tu tập vào các tình huống xã hội, chính trị và kinh tế, hai phương diện này không nên được coi là tách biệt nhau. Cả hai lĩnh vực này hỗ trợ lẫn nhau và do đó cả hai đều phụ thuộc lẫn nhau.

Phật giáo phục hưng ở Ấn Độ không đi qua một chặng đường quá dài. Về mặt khảo cổ học, sự phục hưng dần dần và chậm chạp Phật giáo ở Ấn Độ diễn tiến từ năm 1750 đến năm 1890. Công việc này do các học giả người Anh như James Prinsep, Alaxandar Cunningham và một số người khác thực hiện. Về mặt tôn giáo, việc phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ bắt đầu với sự xuất hiện của một Phật tử trẻ người Tích Lan tên là Anagarika Dharmapala. Nhận cảm hứng từ một bài báo của Edwin Arnold viết trên tờ The Daily Telegraph nói về tình trạng đáng buồn của Bồ Đề Đạo Tràng, ông đã thành lập Hội Maha Bodhi ở Ceylon vào ngày mùng 3 tháng Năm năm 1891, và về phương diện lịch sử sự đóng góp của ông trong việc phục hưng Phật giáo là rất lớn.

Nhưng về phương diện đại chúng, trường hợp đầu tiên áp dụng tích cực các học thuyết xã hội của Phật giáo là Tiến sĩ B.R. Ambedkar. Người dân Ấn Độ đã nhìn thấy điều này trong suốt những năm thập niên 50 của thế kỷ XX. Ambedkar sinh vào năm 1891 trong một gia đình thuộc đẳng cấp Mahāra, được xem là một đẳng cấp ngoài lề xã hội vào thời điểm đó. Là một thành viên của Ấn Độ giáo, ông cảm thấy không có quyền hoặc tự do để học tập và sống một cách bình đẳng ở trong xã hội. Đối với những người thuộc đẳng cấp thấp và đặc biệt là những người tiện dân, họ luôn bị những người có đầu óc phong kiến thuộc giai cấp thượng đẳng đối xử rất tàn tệ. Vì vậy, sau khi nhờ cơ may được học hành đến nơi đến chốn, ông đã cố gắng cải thiện tình trạng của các đẳng cấp bị đàn áp trong xã hội Ấn Độ giáo, và trong bối cảnh này, ông đã có sự xung đột với các nhà lãnh đạo đấu tranh cho tự do của người Hindu như Mahatma Gandhi.

Tiến sĩ Ambedkar quyết định từ bỏ đạo Hindu vào ngày 13 tháng 10 năm 1935. Ông nói rằng “Tôi sinh ra là một người theo đạo Hindu nhưng tôi sẽ không chết như một người Hindu, vì điều này thuộc quyền của tôi.”

Ambedkar đã nghiên cứu về các tôn giáo khác nhau suốt một thời gian dài và sau đó, ông bắt đầu thực hiện điều đó với nhiều nỗ lực hơn để có thể chọn một tôn giáo thích hợp cho bản thân và những người theo mình. Ông đã ấn tượng mạnh mẽ khi nghiên cứu Tam tạng kinh điển Phật giáo và rồi quyết định quy y Tam bảo. Năm 1950, Tiến sĩ Ambedkar công khai quyết tâm phục hưng Phật giáo ở Ấn Độ. Bằng các bài thuyết trình và bài viết của mình, ông đã giúp cho những người theo ông hiểu rõ về giáo pháp Phật giáo, và nhận thức được rằng việc thiết lập sự bình đẳng xã hội chỉ có thể đạt được thông qua con đường do Đức Phật chỉ ra. Trong bài nói chuyện Tại sao tôi thích đạo Phật trên Đài BBC vào ngày 12 tháng 5 năm 1956, ông nói:

 “Tôi thích Phật giáo hơn vì nó đưa ra ba nguyên tắc kết hợp mà không tôn giáo nào khác làm được. Tất cả các tôn giáo khác đang tự làm phiền mình với ‘Thượng đế’, ‘linh hồn’ và ‘cuộc sống sau khi chết’. Phật giáo dạy ‘Prajñā’ (trí tuệ), ‘Karunā’ (từ bi), và ‘Samatā’ (bình đẳng). Đây là những gì con người cần để có một cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc trên trái đất. Ba nguyên tắc này của Phật giáo đã hấp dẫn tôi. Ba nguyên tắc này cũng sẽ tạo nên sức hấp dẫn đối với thế giới. Cả Thượng đế lẫn thần linh đều không thể cứu được xã hội”.

Sau khi tuyên bố “tôn giáo dành cho con người chứ không phải con người dành cho tôn giáo”, và “chỉ có một người duy nhất đã cất lên tiếng nói chống lại sự phân biệt và đẳng cấp đó là Đức Phật”, Tiến sĩ Ambedkar cùng với nửa triệu người theo ông đã quy y theo Phật giáo vào ngày 14 tháng 10 năm 1956. Ông đã phổ biến Phật giáo một cách rộng rãi trong quần chúng Ấn Độ hiện đại. Đây là việc áp dụng đầu tiên các học thuyết Phật giáo vào lĩnh vực xã hội ở Ấn Độ hiện đại. Dưới sự lãnh đạo phi thường của Tiến sĩ Ambedkar và nhờ nhận được sức mạnh từ những lời dạy của Đức Phật, quần chúng bị đày đọa vào thời đó đã phần nào thành công trong việc giành lại phẩm giá đã mất của họ, và họ sau này trở thành một lực lượng hùng mạnh trong hệ thống chính trị của Ấn Độ. Không nghi ngờ gì, bất cứ khi nào đề cập đến các sự kiện lớn liên quan đến lịch sử Phật giáo dấn thân ở Ấn Độ và thế giới ở thời hiện đại, tên của Tiến sĩ Ambedkar sẽ được nhắc đến đầu tiên.

Về việc định hướng và thay đổi tư duy của cộng đồng trí thức Ấn Độ, sự đóng góp của ba vị anh hùng Phật giáo, Rahula Sankrityayana, Tỷ-kheo Jagdish Kassapa và Bhadanta Ananda Kausalyayana, là rất to lớn. Họ thu hút sự chú ý của toàn bộ giới học thuật Ấn Độ về chiều sâu và sự vi diệu của văn học Pāli, của Phật giáo Theravāda và Phật giáo nói chung, qua các bài viết của họ chủ yếu bằng tiếng Hindi.

Điều đáng nói ở đây là tất cả những nhân vật kể trên đều được giáo dục và đào tạo về Phật giáo nhờ sự trợ giúp của văn học Pāli, và áp dụng những giáo lý đó dưới bóng mát của truyền thống Theravāda. Do đó, có thể nói rằng Phật giáo Theravāda đã đóng một vai trò quan trọng đối với tất cả các học giả Phật giáo ở Ấn Độ hiện đại và nó cũng có những triển vọng lớn để cung cấp cho thế hệ tiếp theo.

Mỗi quốc gia đều có lịch sử và văn hóa riêng, có cấu trúc địa lý riêng, và do đó dân chúng của mỗi quốc gia có đời sống tinh thần đặc thù riêng. Mỗi xã hội đều có cấu trúc xã hội riêng và kết quả là cũng có những loại vấn đề riêng. Ấn Độ đang chịu sự bùng nổ dân số trong khi một số quốc gia đang phải đối mặt với vấn đề giảm tỷ lệ sinh. Một người Ấn sáu mươi tuổi không dám đưa ra bất kỳ quyết định trọng đại nào của gia đình nếu một người lớn tuổi hơn mình đang còn sống trong nhà, trong khi ở nhiều nước châu Âu, chấp nhận quyết định độc lập của con cái ngay khi chúng còn nhỏ được xem là một truyền thống lành mạnh. Có một số vấn đề tương tự có thể khiến ta chú ý nếu chúng ta so sánh hai xã hội bất kỳ.

Cách thức áp dụng Phật giáo vào xã hội, vĩnh vực áp dụng và các giới hạn không thể được quyết định nếu không nhìn vào không gian và thời gian ở thế giới này. Những tuyên bố của Đức Phật đôi khi được đưa ra dựa vào tình hình địa phương và tự phát. Nếu chúng ta không hiểu cốt tủy lời dạy của Đức Phật và phương pháp luận của nó, và rồi chúng ta nhặt từng dòng văn bản và dành sức lực cùng thời gian để biện minh cho điều đó thì như vậy sẽ không phải là sự hiểu biết đúng đắn về giáo pháp. Giáo pháp của Đức Phật không chỉ bao gồm những lời dạy về triết học, tâm linh, xã hội và đạo đức mà còn là kho tàng chứa đựng giải pháp của các vấn đề; và hơn thế nữa, Đức Phật đã thiết lập phương pháp luận thích hợp để hiểu các vấn đề và tìm ra giải pháp của chúng. Khi đất nước, thời đại và tình hình trở nên khác đi, ứng dụng và giải pháp cũng có thể được lựa chọn cho phù hợp. Theo lời của Tiến sĩ Ambedkar:

“Giáo pháp của Đức Phật là vĩnh hằng, nhưng ngay cả như vậy Đức Phật cũng không tuyên bố chúng là bất biến. Đạo Phật có khả năng thay đổi theo thời gian, một đặc điểm mà không một tôn giáo nào khác có thể có được”.

Thời gian gần đây, không nghi ngờ gì, Phật giáo đang được cả thế giới đặc biệt quan tâm. Chúng ta thường bắt gặp tuyên bố của những người khác nhau rằng Phật giáo đang trở nên rất hấp dẫn đối với những người phương Tây không theo đạo Phật. Việc các ngôi sao Hollywood chấp nhận Phật giáo, hoặc những cuộc phỏng vấn các nữ diễn viên Hollywood mà họ tuyên bố ủng hộ Phật giáo đã làm tăng thêm sự hấp dẫn cho Phật giáo. Nếu người nào đó có tư tưởng tiến bộ, có trí tuệ và sự cởi mở yêu mến Phật giáo bởi hiểu rõ các đặc tính và đạo đức của Phật giáo, thì điều đó thật đáng trân trọng và đáng tán thán. Còn việc quy y Phật giáo chỉ vì trào lưu thì không có gì phải vui mừng. Thỉnh thoảng trước đây, các khách sạn 5 sao có trào lưu tổ chức các buổi hòa nhạc cổ điển Ấn Độ dành cho tầng lớp thượng lưu và giàu có mà họ được nuôi dưỡng với việc nghe nhạc pop phương Tây. Nó trở thành mốt ở trong tầng lớp đó khi nói và thể hiện ở những nơi công cộng rằng họ nghe nhạc cổ điển và giọng ca này hay ca sĩ kia là một ca sĩ tuyệt vời. Nhưng sự hào nhoáng đó không thể tồn tại lâu vì nó không được xây dựng trên một nền tảng vững chắc thật sự. Âm nhạc cổ điển Ấn Độ vẫn được yêu thích và ngưỡng mộ ở nơi những người thực sự yêu thích vì giai điệu du dương tuyệt vời của nó, và trường hợp của Phật giáo Theravāda cũng vậy. Các Phật tử Theravāda cần hiểu rõ giá trị những lời dạy của Đức Phật và áp dụng những lời dạy đó vào xã hội với lòng nhân đạo càng nhiều càng tốt thay vì gắn những ánh hào quang giả tạo để gây chú ý nhất thời.

Phương pháp, dụng cụ, trình độ và giới hạn của Phật giáo dấn thân ở Ấn Độ có thể là gì? Những vấn đề này cũng có những điểm tương đồng và khác biệt nhất định nếu chúng ta so sánh với những vấn đề chung của toàn thế giới. Thông điệp của Tứ vô lượng tâm (từ, bi, hỷ, xả) có giá trị phổ quát cũng như giá trị địa phương. Nhưng nếu chúng ta xem xét xã hội Ấn Độ thì chúng ta sẽ phải chấp nhận rằng nhiều vấn đề xã hội của Ấn Độ có chút khác biệt và đôi khi phức tạp hơn so với các vấn đề xã hội chung của thế giới. Cảm giác về sự ưu việt hay thấp kém dựa trên cơ sở đẳng cấp, sự lan tràn của hệ thống của hồi môn như dịch bệnh trong các cuộc hôn nhân, xu hướng ngày càng tăng của sự mê tín và đức tin mù quáng cùng chủ nghĩa tôn giáo chính thống là một số vấn đề xã hội quan trọng của Ấn Độ.

Những mê tín tôn giáo, việc nhân danh tôn giáo để truyền bá những điều sai lầm và niềm tin mù quáng là một kiểu thức mới ở Ấn Độ trong những năm gần đây, thay vì giảm dần theo sự phát triển công nghệ với xu hướng toàn cầu hóa đang nổi lên. Các nghi lễ và các hoạt động tôn giáo khác nhau mà chúng từng là cách thờ phượng thần linh mang tính cá nhân ở Ấn Độ đang bị lỗi thời. Tôi sinh ra ở Varanasi, một nơi nằm bên bờ sông Hằng, một trong những thành phố chính thống và tôn giáo nhất của người theo đạo Hindu. Khu vực này chủ yếu dành cho các tu sĩ Bà-la-môn và các nhà chiêm tinh nổi tiếng. Vào thời thơ ấu của mình, tôi từng quan sát thấy rằng, họ thực hiện tụng kinh Vệ-đà theo nhóm và tắm ở sông Hằng một cách yên bình. Họ thực hiện các hoạt động tôn giáo theo truyền thống của họ. Người ta có thể không chấp nhận đức tin và nghi lễ của họ, nhưng những hoạt động đó không gây trở ngại cho các tín đồ của tôn giáo khác, cũng như không thực hiện bất kỳ sự tuyên truyền nào để phổ biến nó.

Tuy nhiên, trong 10-12 năm qua, có sự gia tăng đáng chú ý việc phô trương ồn ào nhân dân tôn giáo, điều gây bối rối cho bất kỳ ai có đầu óc nhạy cảm, tiến bộ và không thành kiến. Được trang hoàng với chiếc vương miện đầy kim cương và đồ trang sức, một vị thánh, đi trên một chiếc xe hơi đắt tiền nhất để đến sân khấu và thuật lại triết lý của người Hindu về tiêu chuẩn của đời sống và thuyết giảng cách thoát khỏi những ham muốn. Ông ta đột nhiên bắt đầu hát và nhảy múa theo những thánh tụng cúng tế thần linh được hát trên nền nhạc của các bài hát nổi tiếng của Bollywood. Các đệ tử của ông cũng bắt đầu ca hát và nhảy múa. Một dàn nhạc quy mô được các Baba (những người được gọi là Thánh) sắp xếp. Hàng nghìn người theo dõi cũng bắt đầu hát nhảy và reo hò. Một nhà văn châm biếm nổi tiếng của Ấn Độ tên là Harishankar Parasai đã từng nhận xét về những kiểu nhân vật này: “Tất cả những người điên trên toàn thế giới đều được coi là người điên thuần túy, nhưng ở Ấn Độ họ được xem là thần linh”.

Hầu hết các Baba mà họ sở hữu tài sản cá nhân nhiều như các CEO của các công ty đa quốc gia thì đang đối mặt với nhiều tội danh như giết người, chiếm đất bất hợp pháp, bắt cóc và cưỡng hiếp. Điều thú vị là toàn bộ kịch bản này gắn liền với thị trường.

Bất cứ thứ gì nổi tiếng đều có thể rao bán - áp dụng lý thuyết này, tất cả hàng trăm kênh truyền hình đều tràn ngập quảng cáo về những viên đá và ngọc có công năng kỳ diệu, những mề đay có hình ảnh của các vị thần và nữ thần, tuyên bố rằng những thứ này có thể thay đổi số phận của bạn một cách tuyệt đối. Thậm chí, các kênh tin tức cũng bắt đầu mời những người bói bài, nhà số học, nhà chiêm tinh, người bói bằng quả cầu thạch anh để tìm kiếm dự báo của họ về các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến chính trị, kinh tế, v.v. Tôi vẫn nhớ như in buổi tuyên truyền diễn ra vào ngày 21 tháng 9 năm 1995 khi tin đồn diễn ra trên toàn Ấn Độ rằng các bức tượng của Thần Ganesha đang uống sữa. Ngay cả các giáo sư IT và tiến sĩ y khoa của trường đại học của tôi cũng chạy đi xếp hàng dâng sữa cho thần. Toàn bộ nền của ngôi đền tràn ngập sữa do người dân đổ ra, và những người có đầu óc bình thường đều muốn tìm ra sự thật khoa học đằng sau tin đồn đó. Hội chứng tạo ra sự tuyên truyền tôn giáo này đang lan rộng ra như dịch bệnh trong các tôn giáo khác. Năm ngoái, nước biển phía sau một ngôi đền Hồi giáo ở Mumbai bất ngờ trở nên ngọt và các tín đồ Hồi giáo bắt đầu uống và tích trữ từng can, coi đó là phép màu của Thánh Allah. Các nhà khoa học Ấn Độ kêu gọi mọi người rằng điều đó xảy ra do một số phản ứng hóa học và nước ấy có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe nhưng hầu như không ai thèm nghe. Tương tự như vậy, người ta đồn thổi là Mẹ Maria đã khóc trong một nhà thờ. Thật may mắn, không có điều gì như vậy xảy ra với bất kỳ ngôi chùa Phật giáo nào.

Tình huống nghịch lý nhất đối với Phật giáo ở Ấn Độ là trong thời gian gần đây, truyền thống Phật giáo ở Ấn Độ hầu hết được nghiên cứu như một nhánh của truyền thống Ấn Độ giáo; và hầu hết các học giả Ấn Độ, đặc biệt những người được đào tạo như một sinh viên của khoa triết học Ấn Độ và không có kiến ​​thức gì về truyền thống Pāli, đã nỗ lực hết mình để xác định rằng Phật giáo không cung cấp điều gì mới ngoại trừ những gì nó đã vay mượn từ truyền thống Vệ-đà. Mặt khác, số lượng Phật tử lớn nhất ở Ấn Độ hiện nay là những người theo Tiến sĩ Ambedkar, và những người này đã coi ông như vị thần của họ, mà nếu không có bất kỳ sự đào tạo thích hợp nào về truyền thống Phật giáo Theravāda, hầu hết họ không thể bảo vệ được Phật giáo trước quan điểm gây tranh cãi rằng Đức Phật là một hóa thân của Thần Vishnu trong Hindu giáo, v.v. Do đó, việc thành lập một trường Đại học Phật giáo Theravāda ở Ấn Độ là điều cấp bách, vì thông qua các bản kinh và truyền thống Pāli, nơi đây có thể cung cấp kiến ​​thức đích thực về Phật giáo cho những người muốn tìm hiểu. Tôi đoan chắc rằng một bước đi như vậy có thể thay đổi tình trạng Phật giáo và nghiên cứu Phật giáo ở Ấn Độ.

Mỗi khi chúng ta nói về Phật giáo dấn thân ở Ấn Độ, chúng ta nên luôn xem xét điều kiện tôn giáo - xã hội vào thời Đức Phật và phương pháp hành động của Ngài ở xã hội đó. Truyền thống Phật giáo Theravāda khởi xuất từ nền tảng khoa học và hợp lý của nguồn văn học Pāli, và nó có tất cả những đặc điểm mà thế giới có thể hình dung về một tôn giáo tương lai cho nhân loại. Các Phật tử Theravāda đang sống ở Ấn Độ nên nghĩ cách xóa bỏ niềm tin mù quáng, sự mê tín dị đoan, sự cuồng tín tôn giáo và sự không khoan dung của người dân. Họ nên vào các làng và thị trấn để phục vụ xã hội và thực hiện chương trình nâng cao nhận thức chung về y tế, giáo dục và các vấn nạn xã hội. Các thành viên cần cương quyết rằng họ sẽ không thực hiện bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào dựa trên cơ sở đẳng cấp, tôn giáo hoặc điều kiện tài chính của những người thụ hưởng. Các tổ chức Phật giáo Theravāda cũng không nên chỉ nghĩ đến việc thành lập chùa chiền, mà còn phải thiết lập các bệnh viện từ thiện, trường học và các tổ chức phúc lợi xã hội để tiếp cận những người bình dân với thông điệp của Đức Phật. Các trường học do họ thành lập nên cung cấp việc nghiên cứu ngôn ngữ và văn học Pāli để mang vinh quang của truyền thống Theravāda trở lại đất mẹ của nó. Việc phục vụ xã hội không nên ở nơi hình thức truyền bá tôn giáo, bởi vì mỗi khi con người thoát khỏi những định kiến, những tập tục và sự mù quáng của tâm thức, thì tự nhiên đó sẽ là sự thành công của giáo pháp Đức Phật. Những lời dạy của Đức Phật được truyền lại để mọi người thực hành theo chứ không phải để cải đạo người dân.

Sự cải đạo là hiện tượng tự nhiên diễn ra sau khi con người hiểu được giáo pháp. Giáo pháp của Đức Phật, giống như một chiếc bè, là để vượt qua chứ không phải để mang theo. Mục tiêu trọng tâm của giáo pháp Đức Phật không phải là biến người khác thành Phật tử chỉ bằng đức tin, mà là biến họ thành một con người hoàn thiện. Ở nơi ngữ cảnh hiện đại, ý nghĩa của việc vượt qua có thể được hiểu là thoát khỏi những điều xấu, bên trong và bên ngoài. Về việc áp dụng giáo pháp Phật giáo vào phương diện tâm linh, theo nhận xét và suy nghĩ của bản thân tôi, dựa trên cơ sở nhận xét từ các học giả đáng kính của Phật giáo và từ các nhà sư, rằng chỉ loại Phật giáo dựa trên lời dạy của Đức Phật, không có ma thuật, phép lạ, mê tín dị đoan và tuyên truyền tôn giáo mới có thể được chấp nhận và thành công ở Ấn Độ. Và Phật giáo Theravāda có tất cả khả năng đó. Nếu hình thức Phật giáo nào đó cố gắng tìm kiếm sự chú ý và nổi tiếng bằng các nghi lễ cúng kiếng, cung cấp các cách thức thanh tẩy bên ngoài, các phương pháp bí truyền và chiêm tinh học, v.v., thì tôi không thấy có hy vọng nào cho sự thành công của hình thức đó, ít nhất là Phật giáo ở Ấn Độ, vì người Ấn Độ đã có đủ những thứ đó ở trong truyền thống Bà-la-môn giáo của họ. Hơn nữa, những điều đó chỉ sẽ biện minh cho tuyên bố của các lực lượng chính thống Ấn Độ giáo rằng Phật giáo không khác nhiều so với Ấn Độ giáo và nó là một nhánh của Bà-la-môn Vệ-đà.

Các sinh viên và những vị thầy Phật giáo chắc chắn đóng một vai trò tích cực như là một phần của Phật giáo dấn thân ở Ấn Độ, nhưng vai trò quan trọng nhất chỉ có thể được thực hiện bởi chư Tăng, bởi vì từ thời xa xưa, người dân Ấn Độ quan tâm nhiều đến lời nói và việc làm của những người từ bỏ đời sống gia chủ vì lợi ích của cuộc đời. Vai trò tích cực của chư Tăng ở Ấn Độ, cho dù họ là người Ấn hay người nước ngoài, đối với các vấn đề xã hội là cần thiết phải được đề cao trong xã hội Ấn Độ. Đức Phật không bao giờ ngôi yên trong tịnh xá rồi chờ người khác tìm đến thỉnh giáo. Ngài đi ra ngoài, có mặt ở các ngôi làng và thị thành để tiếp cận quần chúng. Nếu Đức Phật không can thiệp vào cuộc xung đột ở sông Rohini, có phải những người Sakya và Koliya sẽ bị giết vì cuộc chiến? Nếu Đức Phật là một người dửng dưng với tất cả các vấn nạn xã hội thì Ngài cũng chỉ được xem là một trong nhiều triết gia, nhà luận lý học và đạo sư của Ấn Độ cổ đại mà thôi. Cuộc đời của Đức Phật có rất nhiều điều để học hỏi từ đó.

Nguồn: The Second Bi-annual Conference, The Association of Theravada Buddhist Universities (ATBU), 4-8 March 2009, Sitagu International Buddhist Academy (SIBA), Sagaing, Myanmar, tr.9-16.


 

[1] Giảng viên Phân khoa Pāli và Nghiên cứu Phật học, Banaras Hindu University (BHU), Varanasi, Ấn Độ.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle