Tâm úy

tam uy

TÀM ÚY[1]

Tỷ-kheo Thanissaro

 

Tỷ-kheo Thanissaro (Geoffrey DeGraff) là một tu sĩ người Mỹ theo truyền thống tu trong rừng của Thái Lan. Sau khi tốt nghiệp Đại học Oberlin năm 1971 với chuyên ngành về Lịch sử Tri thức Âu Châu, ông theo học thiền với Thiền sư Ajaan Fuang Jotiko ở Thái Lan và xuất gia năm 1976. Năm 1991, Sư giúp xây dựng  Metta Forest Monastery ở San Diego, California, nơi Sư sau này là trụ trì. Sư là một dịch giả, người viết năng nổ. Nhiều tác phẩm của Sư có thể được tìm thấy trên mạng: www.accesstoinsight.org

***

Vài năm trước, Sư có hướng dẫn một khóa thiền ở Santa Fe (Mỹ) về chủ đề nghiệp. Một trong các bài kinh được chọn là từ Trung bộ kinh (Majjhima Nikaya), trong đó Đức Phật dạy con trai bảy tuổi, Rahula, cách quán xét hành động của mình, giống như soi gương, để đảm bảo rằng mình không làm hại ai - cả bản thân và tha nhân. Sau đó các thiền sinh được hỏi ý kiến về kỹ năng nuôi dạy con cái của Đức Phật. Kết luận của tất cả là: "Nếu được giáo dục theo cách đó, thì chúng tôi đã không có mặt ở đây để tìm phương cách trị liệu như thế này."

Thật vậy, Đức Phật đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải phát triển cảm giác hối lỗi về hành động của mình: Nếu Rahula không cảm thấy xấu hổ khi nói dối một cách có chủ ý, thì Rahula đã đánh mất các phẩm chất thiện lành, giống như một gáo nước đã bị lật úp không còn có nước bên trong. Nhưng nếu Rahula nhận ra rằng mình có những suy nghĩ đưa đến việc tự làm hại mình - hoặc làm hại người - thì Rahula phải cảm thấy xấu hổ về hành động của mình và quyết tâm không lặp lại chúng.

Đức Phật không dạy sự biết lỗi cho riêng chỉ Rahula. Trong các bài pháp dành cho hội chúng, Ngài cũng dạy rằng sự biết xấu hổ là người bảo vệ sáng suốt ở thế gian, vì nó giúp ta không làm mất lòng tin của người khác. Ngài cho rằng sự biết xấu hổ là một kho báu quý giá, một thứ gì đó có giá trị hơn vàng bạc, qua đó nó bảo vệ ta không làm những việc mà sau đó ta phải hối tiếc.

Việc Đức Phật đánh giá cao sự biết xấu hổ tương phản gắt gao với cách nó được đánh giá ở nhiều lĩnh vực của nền văn hóa hiện đại. Trong kinh doanh và chính trị, sự xấu hổ thường được xem là yếu đuối. Nhiều nhà trị liệu coi sự xấu hổ là một bệnh lý - một sự đánh giá thấp bản thân khiến bạn không thể trở thành tất cả những gì mà khả năng bạn cho phép. Thêm vào đó, hết sách này đến sách khác đưa ra những lời khuyên về cách khắc phục cảm giác xấu hổ và khẳng định các cảm giác đề cao giá trị bản thân khác.

Cũng dễ hiểu về phản ứng chống đối này của đa số đối với sự xấu hổ. Cảm giác xấu hổ -  cảm giác khiến bạn nghĩ rằng hình ảnh của mình trong mắt người khác không được tốt lành - là một cảm giác mạnh mẽ. Đó là nơi chúng ta cho phép ý kiến của người khác ảnh hưởng đến tâm lý của mình, khiến những kẻ lưu manh sẽ lợi dụng yếu điểm đó để uy hiếp ta: bắt nạt và ép ta chấp nhận các tiêu chuẩn đánh giá không vì lợi ích thực sự của ta. Thật tồi tệ khi họ cố gắng khiến chúng ta xấu hổ về những điều mà chúng ta có rất ít hoặc không có khả năng kiểm soát: như là chủng tộc, ngoại hình, tuổi tác, giới tính, khuynh hướng tình dục, mức độ thông minh hoặc tình trạng tài chính. Tệ hơn nữa họ còn lợi dụng tính cách hay xấu hổ của ta để khiến ta làm những điều tác hại, như trả thù người đã hại ta.

Nhưng nỗ lực để tránh các vấn đề này bằng cách xóa bỏ hoàn toàn cảm giác xấu hổ là ta đã bỏ qua một điều quan trọng: Có hai loại xấu hổ - sự xấu hổ không lành mạnh, trái ngược với lòng tự trọng, hay sự xấu hổ lành mạnh. Loại xấu hổ thứ hai này là sự xấu hổ mà Đức Phật gọi là người bảo vệ sáng suốt và là một kho báu. Nếu, với lòng nhiệt thành để thoát khỏi loại xấu hổ thứ nhất, ta có thể cũng sẽ trừ bỏ loại thứ hai, thì ta sẽ tạo ra một xã hội của những kẻ, một là không quan tâm đến ý kiến của người khác về đúng hay sai, hai là họ sẽ cảm thấy xấu hổ về những chuyện không đáng xấu hổ. Thí dụ, các doanh nhân và chính trị gia không thấy xấu hổ khi nói dối, nhưng lại cảm thấy hổ thẹn nếu họ không trâng tráo, tàn nhẫn bằng các đối phương. Ngay cả khi ta có thể gạt bỏ mọi sự xấu hổ nói chung, các nhà quảng cáo vẫn có thể bán sản phẩm dựa vào việc khiến bạn cảm thấy xấu hổ về cơ thể của mình. Khi tất cả mọi xấu hổ đều bị bệnh lý hóa, nó sẽ len vào tâm trí, khiến ta không thể suy nghĩ rõ ràng về nó, để rồi sau đó nó phát tán các tác hại đến quanh ta.

Đây chính là nơi các lời dạy của Đức Phật về sự xấu hổ lành mạnh có thể là một thuốc trị công hiệu, giúp đưa vấn đề ra ánh sáng, và chứng tỏ rằng với sự tu tập đúng đắn, cảm giác này có thể là một động lực mạnh mẽ để ta vươn tới điều thiện lành.

Để bắt đầu, Đức Phật đã liên kết sự xấu hỗ lành mạnh với ý thức danh dự lành mạnh: với cảm giác rằng bạn xứng đáng được tôn trọng vì bạn biết giữ tiêu chuẩn ứng xử cao đẹp. Theo nghĩa này, sự xấu hổ là dấu hiệu của lòng tự trọng cao, chứ không phải thấp.

Danh dự, giống như sự xấu hổ, bắt đầu với mong muốn không chỉ rằng mình tốt, mà trong mắt người khác, mình cũng được coi là tốt. Đó là lý do tại sao danh dự cũng có ở trong cả hai nhóm lành mạnh và không lành mạnh. Đấu tay đôi, thù hận, chiến tranh, băng đảng và giết nhau vì danh dự - dựa trên niềm tin rằng họ có thể tạo được sự tôn trọng nhờ vào khả năng tàn hại đối thủ - đã mang lại cho danh dự một ý nghĩa không lành mạnh. Nhưng danh dự có thể được phục hồi và làm cho lành mạnh khi ta có được nó bằng sự chính trực. Một xã hội không có ý thức danh dự lành mạnh này sẽ tồi tệ như một xã hội không có sự xấu hổ lành mạnh.

Những hiểu biết sâu sắc của Đức Phật về danh dự và sự xấu hổ lành mạnh đến từ chính kinh nghiệm tu tập và sự giác ngộ của Ngài. Việc tìm kiếm ban đầu của Ngài về con đường tu đúng đắn, đã dạy Ngài rằng danh dự và sự xấu hổ phải được nhìn nhận với trí tuệ, vì Ngài không thể tin tưởng vào ý kiến của người khác. Nếu Ngài đã để sự tôn trọng của các vị thầy đầu tiên ảnh hưởng đến mình, thì Ngài đã bị mắc kẹt trong việc thực hành thiền định. Hoặc nếu Ngài đã bị lung lay bởi sự khinh miệt của năm người bạn đạo khi Ngài từ bỏ cách tu khổ hạnh, thì Ngài đã có thể chết trước khi đạt đến mục tiêu của mình.

Nhưng sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật nhận ra rằng vấn đề với sự xấu hổ và danh dự không phải là vì bạn muốn tỏ ra tốt đẹp trong mắt người khác, mà là vì bạn muốn trong mắt người xấu, bạn là người tốt. Nếu bạn có thể dựa vào người tốt, thì sự xấu hổ và danh dự là một hỗ trợ lớn trong việc phát triển những gì (mà) Đức Phật xác định là yếu tố bên ngoài quan trọng nhất đưa đến giác ngộ: được gặp thiện tri thức. Giờ Đức Phật đã ở vị thế có thể ban cho người khác sự hướng dẫn mà Ngài đã không có được trên con đường tìm cầu đạo giải thoát; và dạy các môn đồ của Ngài trở thành những thiện tri thức cho người khác. Đây là lý do tại sao Đức Phật thành lập Tăng chúng: là để giữ cho truyền thống thiện tri thức được tồn tại.

Nhưng truyền thống này không chỉ nhằm giúp ta kết bạn với những người đáng ngưỡng mộ. Ta cũng cần phải học theo những phẩm chất tốt đẹp của họ. Đây là nơi cảm giác xấu hổ và danh dự đi vào tầm ngắm. Mong muốn được các thiện tri thức nghĩ tốt về mình là một động lực thiết yếu khiến ta làm theo tấm gương tốt của họ.

Các thiện tri thức có bốn phẩm chất: (1) Tin vào sự giác ngộ của Đức Phật và nghiệp quả; (2) Giới hạnh, trong ý nghĩa là không phạm giới hoặc khuyến khích người khác phạm giới; (3) Rộng lượng; và (4) Hiểu biết.

Sự hiểu biết của các thiện tri thức có thể được thể hiện qua hai việc: các tiêu chuẩn mà họ đánh giá bạn, và mục đích của họ trong việc đánh giá bạn. Nếu thực sự sáng suốt, họ sẽ đánh giá bạn qua hành động, chứ không qua ngoại hình, tiền bạc hay bất cứ điều gì khác nằm ngoài sự kiểm soát của bạn. Họ đánh giá hành động của bạn qua sự chủ tâm của bạn và kết quả của hành động ấy. Trong cả hai trường hợp - và đây là nơi ý thức về danh dự của Đức Phật trái ngược với ý thức về danh dự trong quân binh mà Ngài được đào tạo lúc còn là một hoàng tử trẻ - tiêu chuẩn đánh giá là nếu bạn thấy hạnh phúc khi sự chủ tâm và hành động của bạn không gây hại cho ai: không cho bản thân hay bất cứ ai khác.

Mục đích mà quý thiện tri thức đánh giá bạn không chỉ đơn giản là để đi đến một phán quyết. Họ muốn giúp bạn nhận ra lý do tại sao sai lầm của bạn là sai lầm, để bạn có thể tránh không lặp lại chúng. Bằng cách này, họ khuyến khích bạn phát triển nguồn mạch thực sự cho hạnh phúc của bạn: khả năng hành động ngày càng thiện xảo của bạn.

Nếu các thiện tri thức đánh giá bạn theo cách này, có nghĩa là họ đã phát triển cả hai yếu tố hiểu biết của đạo lộ: chánh kiến - khi thấy được tầm quan trọng của hành động - và sự kiên quyết chia sẻ thiện chí với bạn. Nếu bạn chấp nhận các tiêu chuẩn của họ, (là) bạn cũng đang chấp nhận con đường đạo.

Đây là lý do tại sao Đức Phật dạy Rahula cách nhập tâm các tiêu chuẩn đó bằng cách xem xét hành động của chính mình. Theo đó, dù cả xã hội xung quanh Rahula có sụp đổ và ngài có bị tách rời khỏi các thiện tri thức của mình, ngài vẫn có thể sống tuân theo các tiêu chuẩn của họ. Làm được vậy thì Rahula sẽ được lợi lộc và hạnh phúc lâu dài.

Đức Phật đã mở đầu những lời dạy của Ngài với hình ảnh của một chiếc gương. Giống như việc ta sử dụng gương để xem người khác nhìn thấy ta như thế nào, Rahula đã nhìn vào hành động của bản thân để xem mình xuất hiện như thế nào trong mắt của người trí. Và người trí (Đức Phật) đã khuyên Rahula nên đánh giá hành động của mình như thế này:

Bất cứ ý nghĩ, lời nói và hành động nào, trước khi làm Rahula phải xem xét chủ đích của mình. Nếu thấy rằng hành động mà mình dự tính làm sẽ tổn hại cho người và cho bản thân, thì Rahula không nên làm.  Nhưng nếu ông không thấy có tác hại nào, thì ông có thể hành động theo ý định đó. Trong quá trình thực hiện, ông phải kiểm tra kết quả hành động của mình. Nếu ông gây ra thiệt hại gì không lường trước, thì phải dừng hành động. Ngược lại, ông có thể tiếp tục với việc làm của mình. Sau đó, ông cần xem xét kết quả lâu dài của hành động. Nếu hóa ra ông đã gây hại bằng lời nói hoặc hành động, ông nên chia sẻ với bạn đạo đáng tin cậy, để tư vấn cho ông về cách tránh gây thiệt hại một lần nữa. Sau đó, ông nên quyết tâm không lặp lại hành động đó. Nếu suy nghĩ của ông đã gây hại, ông nên cảm thấy xấu hổ về kiểu suy nghĩ đó và quyết tâm không lặp lại nó. Tuy nhiên, nếu ông không gây hại gì, ông nên vui mừng trong sự tiến bộ của mình trên đạo lộ và tiếp tục thực hành.

Qua những lời dạy này, Đức Phật không chỉ đơn giản khuyên Rahula không gây hại. Thêm nữa, Ngài còn bảo ông, "Cố gắng không gây hại, nhưng nếu lỡ gây hại, đây là cách ông học hỏi từ những sai lầm của mình". Điều này cho thấy thiện chí thực tiễn bao trùm giáo lý của Đức Phật.

Lời khuyên của Đức Phật về sự hoan hỷ cũng phản ánh thiện chí của Ngài. Rốt cuộc, sự hoan hỷ là những gì sự xấu hổ và danh dự lành mạnh nhắm đến: để giúp bạn tự nhìn thấy sự bình an đến từ việc làm chủ các kỹ năng và sự vô hại trong hành động của bạn. Khi sự bình an này trở thành nguồn hạnh phúc của bạn, bạn sẽ trưởng thành hơn, ít phụ thuộc vào sự tán đồng, chấp nhận của người khác. Khi thấy được sức mạnh của hành động của mình và thực sự muốn hành động không gây hại, bạn sẽ có chánh kiến và những giải pháp phù hợp riêng.

Một trong những mối nguy hiểm có thể đến từ sự xấu hổ và danh dự là: vì muốn mình là người tốt trong mắt thiện tri thức, nên bạn có thể muốn khoe khoang các phẩm chất tốt đẹp của mình. Tuy nhiên, để chống lại khuynh hướng này, Đức Phật đã cảnh báo rằng nếu bạn là người hay khoe, các phẩm chất tốt đẹp của bạn ngay lập tức bị hủy hoại. Ngài nói, một trong những biểu hiện của sự chính trực là khiêm tốn - nói càng ít càng tốt về những phẩm chất tốt đẹp của chính mình, và không bao giờ tôn cao bản thân hơn những người thua kém mình.

Mối nguy hiểm khác của sự xấu hổ và danh dự là bạn có thể muốn che giấu những sai lầm của mình đối với các thiện tri thức. Đây là lý do tại sao Đức Phật nhấn mạnh rằng, nếu ta đã phạm sai lầm trong quá khứ nhưng giờ đã biết không lặp lại chúng, ta sẽ làm sáng thế giới như mặt trăng khi được giải phóng khỏi đám mây. Và đó cũng là lý do tại sao Đức Phật đã nhắc đến sự trung thực, khi khuyên dạy Rahula.  Ngài dạy rằng việc phạm sai lầm ít đáng xấu hổ hơn nhiều so với việc phạm sai lầm mà không thừa nhận điều đó. Nếu bạn che giấu lỗi mình, bạn không chỉ làm mất niềm tin của bạn bè mà còn khép lại sự tiến bộ của mình trên đạo lộ. Hoặc tệ hơn: theo lời của Đức Phật, nếu một người không cảm thấy xấu hổ khi nói dối với chủ tâm, thì không có điều ác nào mà người đó không làm.

Đức Phật đã minh họa điểm cuối cùng này với hình ảnh một con voi trong trận chiến. Nếu voi tham chiến, sử dụng chân và ngà của mình, nhưng không dùng vòi, người huấn luyện voi sẽ biết rằng voi không hết lòng vì nhà vua. Nhưng nếu voi sử dụng chân, ngà và vòi của mình, người huấn luyện biết rằng voi có thể hy sinh mạng sống cho nhà vua. Không có gì nó sẽ không làm cho chủ của nó.

Hình ảnh này là một thí dụ phù hợp với ý thức danh dự mới mẻ của Đức Phật. Thoạt nhìn, có vẻ như con voi thứ hai là người hùng của câu chuyện - vì suy cho cùng, đó là loại voi mà vua muốn gửi vào trận chiến, và nó đại diện cho loại danh dự thường được ca ngợi trong các nền văn hóa chiến chinh. Nhưng Đức Phật thực sự muốn trình bày hình ảnh đó dưới ánh sáng tiêu cực, vì con voi sẵn sàng sử dụng vòi của nó là một dấu hiệu của sự nô lệ đối với quyền lực (nhà vua). Đức Phật bảo với Rahula rằng nếu, giống như con voi biết bảo vệ cái vòi của mình, Rahula phải cẩn thận bảo vệ sự trung thực của mình, đó mới là danh dự thực sự - chứng tỏ rằng ông không lệ thuộc vào ai, không là nô lệ của bất cứ ai ở bên ngoài cũng như các uế nhiễm ở bên trong mình.

Sự khác biệt với ý thức danh dự trong quân binh xưa này được lặp lại trong một lời dạy khác của Đức Phật rằng chiến thắng trong trận chiến trước hàng vạn người không bằng chiến thắng một người: chính bản thân bạn.

Những lời dạy của Đức Phật trong việc dạy dỗ để Rahula phát triển một ý thức lành mạnh về danh dự và sự xấu hổ cuối cùng đã có kết quả. Thay vì tự mãn về việc mình là con trai của Đức Phật, Rahula đã thể hiện sự sẵn sàng học hỏi từ tất cả các vị đồng tu. Sau khi Rahula chứng quả, Đức Phật khen ngợi ngài là vị Tỷ-kheo với hạnh ham học hỏi vượt trội nhất.

Dĩ nhiên, lúc đó Rahula không chờ đợi lời khen ngợi của Đức Phật. Ngài đã tìm thấy hạnh phúc trường cữu vượt cao hơn cả sự tôn trọng của người khác. Thực ra, Đức Phật đã khen ngợi Rahula vì lợi ích của chúng ta, để cho chúng ta biết rằng sự xấu hổ và danh dự có thể là công cụ hữu ích trên đường tu. Nếu bạn cẩn thận trong việc lựa chọn ý kiến của ai để cho vào tâm thức của mình, và nhập tâm các phẩm chất của sự xấu hổ và danh dự lành mạnh, bạn sẽ không chỉ tốt trong mắt của người trí, mà cái nhìn của bạn cũng trở nên đầy trí tuệ.

Diệu Liên Lý Thu Linh

(Chuyển ngữ theo bài pháp thoại SHAME của Tỷ-kheo Thanissaro, hè năm 2017).

 

 

 


 

[1] Người dịch: Từ tiếng Anh tác giả sử dụng ở đây là SHAME, nhưng trong bài dịch này, chúng tôi đã linh động tùy theo nghĩa ngữ câu mà dịch là: hối lỗi, xấu hổ, hổ thẹn… để dễ hiểu hơn. Hay quen thuộc với Phật tử Việt Nam hơn là thuật ngữ Tàm và Úy.

Tàm là biết thẹn với cái bậy của tam nghiệp. Úy là biết sợ với cái bậy của tam nghiệp (theo Sư Toại Khanh toaikhanh.com).

Chia sẻ: facebooktwittergoogle