Đức tin: Vô-lăng dẫn hướng

Đức tin

Đức tin: Vô-lăng dẫn hướng

TRƯƠNG BỒI CANH - NHÃ TUỆ dịch

 

Đức tin khiến con người có thể định liệu trước mọi việc; bất cứ việc gì cũng có đủ chủ ý chủ kiến, tràn đầy lòng tự tin tự tôn. Đã có viên ngọc trí tuệ trong tầm tay thì như cây ngay không sợ chết đứng, lúc ấy dù có ngàn vạn người, mình cũng hiên ngang tiến lên!

Máy bay trên bầu trời, tàu thủy trên biển cả, xe hơi trên mặt đất, những loại vận chuyển cao tốc này, luôn có tay lái hoặc bánh lái, để điều khiển hướng đi của chúng; nếu như không có tay lái (vô-lăng) thì sẽ đâm loạn xạ, hậu quả là cực k nghiêm trọng.

Đức tin/tín ngưỡng thì như vô-lăng của sinh mệnh, kim chỉ nam (la bàn) của đời người, động cơ năng lượng sinh mệnh. Nó khích lệ lòng người không ngừng vươn lên, làm cho con người tạo dựng nên lòng tự tôn tự tin, mang đến sức mạnh hướng thượng và hướng thiện; làm cho con người có nơi quay về (nương tựa) và gìn giữ. Làm cho con người càng có trí tuệ, càng thêm dũng cảm, càng thêm cao thượng.

Tôn giáo khuyên con người làm thiện, giúp mọi người đạt được sự thanh tịnh an bình trong tâm hồn. Nhưng trong thời đại rối loạn bất an, lòng người lo sợ hoang mang, lại thường có mê tín dị đoan lừa đời lấy tiếng. Tôi cho rằng, đức tin chân chính tất phải bao hàm một loại lý niệm tư tưởng, một loại tinh thần đạo đức, một loại giá trị nhân sinh lành mạnh; nó phải ít nhất bao gồm các điều kiện như tín ngưỡng chân lý, theo đuổi công nghĩa, giữ vững thành tín, thực hành từ thiện.

1. Tin tưởng chân lý

Chân lý chính là chánh đạo chân thật, phổ biến và vĩnh hằng. Trong cái thời đại thị phi nhập nhằng này, giữ vững chân lý mới có thể ra sức cứu gỡ tình thế rối loạn. Chỉ có xiển dương chân lý, rạch ròi cái đúng cái sai hay cái thiện cái ác, xã hội mới có thể dựng thẳng được cột móc giá trị rõ ràng.

Nhà Nho cho rằng lương tri tức là thiên lý (lẽ trời), nhân đạo (nhân luân - đạo làm người) tức là thiên đạo (đạo trời). Ứng nhân xử thế, thái độ hợp lý là lễ; hành vi hợp lý là nghĩa; thủ xả (chọn lựa) hợp lý là liêm; tự xét lại mình hợp lý là sỉ. Chúng ta tuân theo chuẩn tắc như thế, tại thiên vì đạo, tại sự vì lý, tại nhân vì đức. Trong giao thiệp qua lại với người là luân lý, trong vũ trụ chính là chân lý.

2. Theo đuổi công nghĩa

Đạo trời rõ ràng, ánh sáng mặt trời rọi khắp nơi, mưa móc đều thấm ướt; nhân đạo trọng nghĩa, giữa đường gặp chuyện bất bình, rút dao cứu giúp. Cho nên cõi nhân gian có người nghĩa hiệp thay trời hành đạo, có người nhân từ có nghĩa khí cao ngút trời.

“Công” chính là vô tư vô ngã, “nghĩa” chính là hợp tình hợp lý. Trong xã hội lý tưởng thì có chính nghĩa công bằng, bác ái bình đẳng; mọi người theo đuổi công nghĩa, biểu dương công nghĩa. Xã hội không có công nghĩa thì hoàn toàn không phải là xã hội lý tưởng; nói một cách nghiêm túc thì đó cũng hoàn toàn không phải là xã hội văn minh chân chính.

3. Giữ vững thành tín

“Thành” chính là trái tim chân thành, đối nhân xử thế chân thành; “tín” chính là lời hứa đáng giá ngàn vàng. Người tốt sở dĩ khác với kẻ xấu, hay bậc quân tử khác với kẻ tiểu nhân, là ở chỗ có hay không thành tín. Đó chính là tiêu chuẩn phân biệt cơ bản nhưng lại quan trọng.

Trong một xã hội văn minh phần lớn con người đều giữ vững nguyên tắc, cử xử thành tín, nghiêm giữ phù hợp tiêu chuẩn giá trị chính nghĩa công bằng. Vứt bỏ nguyên tắc, xa rời thành tín, thì tất cả những lời nói ra đều chỉ là những lời nói dối; cho dù áo quần bảnh bao, vẫn chỉ là cầm thú giả tạo.

4. Thực hành từ thiện    

Thiện là giá trị cao nhất của đời người, là ngọn hải đăng vĩnh hằng, chỉ dẫn hướng đi chính xác cho loài người. Từ ái là sự rực rỡ tươi đẹp nhất của đời sống, là ánh sáng của bó đuc không bao giờ tắt, rọi tỏa tính người, chiếu sáng xã hội, hóa thế giới bi thảm thành cõi trần gian ấm áp.

Giữ vững thành tín, thực hiện từ bi, thì sự giao tế giữa người với người mới có thể tin tưởng lẫn nhau, mới có thể thân mật nồng đượm dạt dào, xã hội mới có thể tràn đầy ánh sáng và niềm hy vọng. Thành tín và từ thiện gần với thiên đường nhất, cũng là con đường mà những ai muốn bước đến thiên đường đều cần phải đi qua. Trong tâm có đủ thành, có đủ tín, có đủ thiện, có đủ ái, thì chỗ đứng của chúng ta chính là cõi thiên đường nhân gian.

Nguồn: Trương Bồi Canh (2003), Trí tuệ đích thược thi, NXB.Từ Tế Văn hóa Chí nghiệp, thành phố Đài Bắc, tr.54-57.

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle