Tết Của Tầu Hay Tết Của Ta?

tet cua tau
Phạm Trần Anh

 

          Như chúng tôi đã chứng minh lịch sử Trung Hoa thời cổ đại là lịch sử của đại tộc Việt vì lịch sử Trung Quốc chỉ bắt đầu từ triều Thương là triều đại đầu tiên của Tàu Hán sau khi tiêu diệt nhà Hạ của tộc Việt năm 1766 TDL như sách sử Trung Quốc đã ghi chép. Cuộc hội thảo “Nguồn gốc của nền văn hóa Trung Hoa” của các nhà Trung Hoa học trên toàn thế giới kể cả Trung Quốc tổ chức tại đại học Berkeley California năm 1978 đã xác định tộc người Di Việt là tộc người đầu tiên cư trú ở trung nguyên lãnh thổ TQ bây giờ.

           Cổ sử Trung Hoa chép rằng từ thời cổ đại cho tới Nhà Hạ vẫn lấy ngày mồng một tháng giêng là ngày Tết của người Việt cổ. Nhà Hạ ăn tết nhằm cung dần, dựa theo nông lịch tức tiết đầu xuân lúc khởi đầu có sấm. Trong lễ hội dân gian, người Việt cổ xem trọng nhất là Tết. Tết là phong tục truyền thống của người Việt từ xa xưa cho đến ngày nay. Dân gian vẫn thường phân biệt là Tết ta và Tết Tây chứ không ai nói là tết Tàu vì chỉ dân tộc Việt Nam mới có chữ “TẾT” mà thôi, Tàu Hán không có chữ tết nên Tết là của Việt Nam chứ không phải của Tàu.

            Thật vậy, trong Kinh Lễ viết Tế-Sạ # Tết mà Khổng Tử, người thầy muôn đời của người Trung Quốc đã giải thích với học trò:”Ta không biết Tết là gì, nghe đâu đó là tên của một ngày lễ hội lớn của bọn nguời Man, họ nhảy múa như điên, uống ruợu và ăn chơi vào những ngày đó, họ gọi tên cho ngày đó là “Tế-Sạ”. Điều này chứng tỏ rằng người Trung Quốc không có tết và Kinh Lễ là của người Việt cổ nên tên gọi tết cổ của người Thái là chi Âu Việt trong Bách Việt cũng gọi Tết là Thê-Sa. Trong khi đó, chính sách sử của Trung Quốc ghi rõ phong tục tết Nguyên Đán của người Việt trong “Tùy Thư (Địa Lý Chí) như sau: “Năm nào đến ba ngày Tết Nguyên đán, người ta cũng dọn cỗ bàn linh đình cúng tổ tiên… “.

              Các công trình nghiên cứu đã tìm thấy hoa văn trên mặt trống đồng Ngọc Lũ là một sơ đồ Âm Lịch, với những tháng đủ, tháng thiếu, có đêm trăng tròn, trăng khuyết, hay không có trăng, lại có cả năm nhuận và chu kỳ 18 năm để tính tháng dư, cũng như có những chỉ vạch về 4 mùa trong năm. Sử Trung Hoa có ghi, vào đời vua Nghiêu ( 2356-2255 TCN) đã biết vị trí nhị thập bát tú, nhật nguyệt ngũ tinh, đã định năm là 365 ngày, đã biết đặt tháng nhuận nầy.

            Sách “Hoàng Đế Ngũ Gia Lịch (Tam thập tam quyển)” chép: “Người Trung Hoa tức Hoa Hạ là người Việt Cổ in lịch trên sách và lịch 365 ngày. Thiên Can, Địa Chi tính năm tháng ngày theo chu kỳ thập lục hoa giáp. Người Giao Chỉ khắc lịch vào mặt trống đồng và tính chu kỳ 18 năm và những bội số của 18 ấy. Tỉ như 180 là gồm 3 lần lục thập hoa giáp (180=3×60) . Kết quả vẫn như nhau vậy . Đặc biệt, người Việt cổ có một sắp xếp ngày tháng năm của quyển lịch cho tiện dụng hàng vạn năm thì đã thật là một sáng chế rất văn minh và khoa học rất hợp lý và nhất là khi chúng ta được biết trong cùng thời kỳ chưa thấy một dân tộc nào có một quyển lịch hay như người Việt cổ đã sáng chế (Âm lịch hay Dương lịch ).

              Thật vậy, sau khi tộc Thương (Hán tộc) đánh đuổi Nhà Hạ (Việt tộc) khỏi Hoa Bắc thì Hán tộc chọn ngày 1 tháng 12 âm lịch Tết Nguyên Đán, đến triều Chu chọn ngày 1 tháng 11 âm lịch, triều Tần chọn ngày 1 tháng 10 âm lịch cho cả Trung Quốc. Mãi đến thời Hán Vũ Đế chịu ảnh hưởng của văn hoá Bách Việt phương Nam nên chọn lại ngày 1 tháng giêng là Tết Nguyên Đán. Ngày nay, Trung Quốc lại chọn ngày 1 tháng 1 Dương lịch tức Tết Dương lịch của Tây phương làm ngày Tết.

            Thế nhưng dân gian Hoa Nam và Hoa Đông là người Trung Quốc gốc Việt cổ vẫn “Ăn Tết” vào ngày mồng 1 tháng giêng. Truyền thống ăn Tết Nguyên Đán ảnh hưởng lên toàn thể dân Trung Quốc gốc Hán nên thế giới hiểu lầm cho rằng ngày Tết Nguyên Đán là của người Trung Quốc. Ngày nay, sự thật lịch sử đã được phục hồi chúng ta, những người Việt Nam tự hào hãnh diện về nền văn minh Việt cổ. Trong khi Nhật Bản, Trung Quốc đã chọn ngày Tết Dương Lịch, nhưng dân tộc Việt Nam trước sau như một vẫn bảo lưu truyền thống “Nông lịch” của người Việt cổ lấy ngày mồng một tháng giêng Âm lịch là ngày Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Ta để phân biệt với Tết Dương lịch 1 tháng 1 Dương lịch là Tết Tây.

TẾT NGUYÊN ĐÁN LÀ GÌ?

          Truyền thuyết xa xưa kể lại rằng Đế Chuyên Húc, ông vua Việt cổ thời cổ đại gọi tháng giêng là NGUYÊN, gọi mồng một là ĐÁN rồi ghép lại là Nguyên Đán tức mồng một tháng giêng. Tầm nguyên ngữ nghĩa của hai chữ Nguyên Đán sẽ cho ta thấy rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của Tết Nguyên Đán. Nguyên là mới bắt đầu, Đán là một chữ tượng hình, ở bên trên là chữ nhật chỉ mặt trời, bên dưới là chữ nhất thay cho mặt bằng phẳng khiến chúng ta liên tưởng mặt trời từ từ lên cao, tượng trưng cho một ngày mới bắt đầu. Nguyên Đán là ngày đầu năm đầu tháng giêng Âm lịch. Do đó, Tết Nguyên Đán là ngày đầu tiên của tiết đầu của một năm mới.

            Tiền nhân chúng ta gửi gấm truyền thuyết khởi nguyên dân tộc, bức thông điệp hàng ngàn năm lịch sử trong những câu truyện cổ tích. Không phải ngẫu nhiên mà truyện cổ tích về đời vua Hùng thứ 8 sau khi nhờ Phù Đổng Thiên Vương “Cậu bé nhà Trời” phá tan giặc Ân đã chọn người con thứ 9 là Lang Liêu để truyền ngôi. Đặc biệt, truyền thuyết dưới dạng truyện cổ tích Việt Nam về lễ Tết lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay gắn liền với ý niệm cha Trời, mẹ Đất. Ý niệm về Đất Trời được thể hiện qua hình tượng Bánh Chưng bánh dày ngay từ thời vua Hùng thứ tám (Sách sử xưa viết là vua Hùng thứ sáu vì không kể Kinh Dương Vương và Lạc Long Quân, chỉ tính từ vua Hùng thứ nhất. Thực ra phải nói là vua Hùng thứ tám mới đúng theo quốc phổ ghi trong Bách Việt Ngọc Phả Truyền Thư và phù hợp với niên đại lịch sử).

             Đối với người Việt, cái Tết có một ý nghĩa đặc biệt trong đời sống. Thật vậy, ngoài cái giờ phút thiêng liêng chuyển đổi của đất trời qua “Giao thừa” sang năm mới, mọi người trong gia đình mỗi người đều mang một tâm trạng riêng, nhớ tới những người thân đã khuất còn hiển hiện quanh đây, trong không khí ấm cúng của gia đình đêm ba mươi tết. Trên bàn thờ với đĩa ngũ quả gồm 5 loại trái cây là trái sung, trái mãng cầu, trái dừa, đu đủ, xoài nói lên ước vọng tâm tư dân dã miền Nam. Cầu (mãng cầu) trời khấn phật cho vừa (dừa) đủ (đu đủ) xài (Xoài). Người Việt miền Bắc thì trong đĩa ngũ quả phải có một chùm quả Sung ước mong sự sung túc cho gia đình.

            Bàn thờ tiên tổ khói hương nghi ngút, đan quyện linh hồn những người đã khuất với kẻ còn sống dưới mái ấm gia đình đang tưởng nhớ tới họ. Tết nhất cũng là dịp gia đình đoàn tụ xum vầy, cháu con dù đi làm ăn xa đến đâu nếu có phương tiện vẫn trở về mái ấm gia đình, để hàn huyên tâm sự chia xẻ những khó khăn trong cuộc sống.

 

 

            Tại sao dân gian thường nói là “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy”?

            “Ý nghĩa cao đẹp nhất của ngày Tết truyền thống Việt là “Tạ Ơn”, đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam. Thật vậy, Giờ phút “Giao Thừa” chuyển đổi từ năm cũ sang năm mới, dân gian Việt Nam nhà nào cũng bày một mâm hoa quả trước sân nhà để cúng Trời Đất, cảm tạ Trời Đất đã ban sự sống cho con người, cảm tạ ông bà Tiên Tổ đã sinh thành ra mình để có được ngày hôm nay nên dân gian ở Bắc Việt ngày Tết thường hành hương về Đền Hùng để tạ ơn trời đất, tạ ơn Quốc Tổ Hùng Vương lập nước Việt Nam. Truyền thống dân gian Việt là “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” đã nói lên đạo hiếu của bổn phận làm con và truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của người Việt. Ngày mồng một tết, sau khi chúc tuổi thọ cha mẹ biểu trưng lòng biết ơn cha mẹ đã sinh thành nuôi dưỡng dạy dỗ nên người, dân gian còn phải đến chúc tết các bậc trưởng thượng trong dòng họ rồi chúc tết bà con cô bác, hàng xóm láng giềng.

            Dân gian nói rằng “mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” chính là truyền thống “Lễ Tết”, uống nước nhớ nguồn, công đức sinh thành Tôn sư Trọng đạo của dân gian tự xa xưa. Theo quan niệm của ông cha ta, tết “cha” có nghĩa “họ hàng bên nội”. Do đó, “mùng 1 Tết cha” con cháu phải mang theo lễ vật để biếu Tết các bậc trưởng thượng bên Nội nên dân gian thường nói đi tết hàm nghĩa là biếu quà Tết. Tất cả dòng họ đến nhà Từ Đường của Trưởng Thượng trong dòng họ để cúng bái Tổ tiên và chúc Tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng thành kính. Trong giờ phút trang nghiêm này, ông nội thường mặc quốc phục áo dài khăn đóng, cha thì mặc âu phục (áo vét) chỉnh tề, ông bà cha mẹ ngồi trong nhà. Con cháu ăn mặc đẹp đẽ tươm tất để tỏ lòng thành kính, đứng khoanh tay chúc Tết Ông bà rồi cha mẹ. Ông bà cha mẹ cũng chúc con cháu ngoan ngoãn, học giỏi và “mừng tuổi” trong Nam gọi là “Lì xì” cho con cháu mong con cháu có “lộc” ngày đầu năm và cả năm tài lộc sung túc.

            Sau những nghi thức vừa trang trọng vừa đầm ấm trên, cả gia đình sẽ cùng nhau “ăn Tết”. Mâm cỗ ngày Tết thường rất thịnh soạn, bao giờ cũng có đầy đủ các món ăn ngon nhất trong năm, đại gia đình các cụ thì nhâm nhi chai rượu tết rồi khề khà ngâm vịnh: “ Nén hương khói toả thờ Tiên Tổ, Chén rượu ngâm nga chúc Chúa Xuân …!”, con cháu thì vừa ăn vừa trò chuyện vui vẻ. Ngày tết đại gia đình đoàn viên dù làm ăn ở đâu xa cũng tìm mọi cách trở về nhà vui ba ngày tết nên dân gian mới có thành ngữ “Vui như Tết”… Truyền thống Lễ Tết Tết ngày đầu xuân bao giờ cũng để lại ấn tượng sâu đậm trong tâm khảm nên chúng ta ai ai cũng nhớ về tuổi thơ nồng ấm khó quên mỗi dịp Xuân về… Sau khi cúng gia tiên, ăn Tết ở nhà bậc trưởng thượng (đầu họ) xong, họ hàng sẽ rủ nhau đi chúc Tết anh em họ hàng thân thiết bên nội, đến từng nhà chú bác để trò chuyện vui vẻ và chúc nhau có đầy đủ sức khỏe, năm mới an lành, hạnh phúc, an khang thịnh vượng.

            Sang đến ngày mùng 2 Tết, theo thông lệ, vợ chồng con cái sẽ đi chúc Tết bên nhà ngoại. Truyền thống “Tết mẹ” cũng trang trọng và thành kính tràn đầy “mẫu tử tình thâm”. Con cháu chúc Tết ông bà và lại được nhận tiền “Mừng tuổi” trong bao “lì xì” màu đỏ chói tượng trưng cho may mắn, hên suốt năm.

            Ngày mùng 3 Tết, truyền thống xa xưa của dân tộc “Tôn Sư Trọng Đạo”, ăn quả nhớ người trồng cây nhớ thầy cô đã dạy dỗ mình nên người, học hành thành đạt dược như ngày nay. Ngày nay, giới trẻ thường rủ nhau đến chúc Tết thầy cô giáo. Đây vừa là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô vừa là thời điểm để bạn bè có cơ hội gặp gỡ, chúc nhau gặp nhiều điều may trong những ngày Tết đến, xuân về. Tham khảo các sách viết về phong tục của dân tộc Việt như sách “Nam âm Sự loại”, sách Hán Nôm, do Vũ Công Thành soạn và đề tựa vào năm 1925 chỉ ghi Mồng một Tết cha, mồng ba Tết thầy, chứ không có đoạn mồng hai Tết mẹ. Sách khảo cứu lễ tiết về dịp Tết Nguyên đán của các cụ Phan Kế Bính, Toan Ánh, Nhất Thanh cũng không nói chuyện Tết mẹ, hay Tết bên ngoại như thế nào.

            Phan Kế Bính là nhà Nho đỗ cử nhân Hán học năm 1906, vừa là nhà báo thuở giao thời giữa cựu học và tân học trong Phong Tục Việt Nam ấn hành năm 1915 đã viết “ Sáng mồng một thì làm cỗ cúng gia tiên… Cúng xong thì con cháu ra mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào gọi là tiền mừng tuổi. Cúng gia tiên thì phải cúng ở nhà cha bên nội, theo phong tục xưa. Đó đích thị là mồng một Tết cha vậy”. Theo quan điểm của chúng tôi thì đây là quan điểm Nho giáo “Trong Nam khinh Nữ” nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô lỗi thời cùa Nho giáo xa xưa.

            Ngày xưa nho sinh thi cử đỗ đạt thì ra làm quan cho triều đình, nho sinh nào thi rớt thì về làng làm “ Thầy đồ” dạy cho trẻ em trong làng. Thời đó chỉ có một số trường do triều đình tổ chức ở kinh thành, tại các thôn làng địa phương chưa có các trường công lập như bây giờ nên “Thầy Đồ” không có lương bổng mà sinh sống nhờ gia đình các con em học trò chu cấp tùy theo hoàn cảnh gia đình. Con em muốn đến học thày đồ thì gia đình sắm lễ vật “Nhập môn” đem đến nhà Thày dâng Lễ để xin làm môn đệ. Học trò quỳ lạy thầy hai lạy, Thày chọ ngày “Tế Thánh” rồi mở lớp học. Trong các ngày lễ tết như Tết Nguyên đán, Tết thanh minh, Tết đoan dương, Tết Trung thu, mùa nào thức ấy, hoặc cặp gà thúng gạo, hoặc đường mứt bánh trái, hoặc dăm ba quan tiền đem đến tết thầy. Đạo lý thầy trò ngày xưa rất trọng, học trò kính trọng Thầy như Cha. Nhà thầy có việc hiếu hỉ, thì trò trưởng tràng, chăm lo như việc của chính nhà mình. Khi thầy quy tiên, học trò cũng để tang ba năm, nhưng là “Tâm Tang” nên không phải mặc tang phục nhưng tang chế đầy đủ.

             Sở dĩ trước các nhà nho viết là “Mồng một tết cha, mồng ba tết thầy” là chịu ảnh hưởng chế độ gia trưởng của Nho giáo và cũng theo vần điệu “Cha), mồng “Ba”… cho dễ nhập tâm. Trái lại, dân gian Việt nói “Mồng một tết cha, mồng hai tết mẹ, mồng ba tết thầy” chính để nói lên quan niệm “Tứ thân phụ mẫu”, kính bên nội, trọng bên ngoại như nhau để chống lại quan điểm trong nam khinh nữ, quan điểm “Quân, Sư, Phụ” đặt nhà vua trên hết, để thày trên cả cha mẹ của Nho giáo cổ hủ lỗi thời…Tóm lại, câu nói dân gian “Mồng một tết Cha, mồng hai tết Mẹ, mồng ba tết Thầy” thể hiện truyền thống cao đẹp của một dân tộc có gần năm ngàn năm văn hiến đã nói lên đạo lý “Uống nước Nhớ nguồn”, lòng kính trọng biết ơn công đức sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, kính trọng biết ơn công lao Dạy dỗ của thầy cô trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt từ xa xưa mãi đến muôn đời sau.

TVHS

Chia sẻ: facebooktwittergoogle